Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Tọa đàm về trại sáng tác âm nhạc quốc tế “Âm sắc Huế - Việt Nam 2006”
10:36 | 01/12/2008
DƯƠNG BÍCH HÀĐến hẹn lại lên - Festival Huế 2006 đã cận kề. Năm nay, ngoài các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ; các lễ hội, kịch, tuồng... đặc sắc của Huế, ban tổ chức (BTC) Festival nhấn mạnh một số trọng tâm như: Giao lưu nhã nhạc Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc; không gian văn hoá cồng chiêng (nhân cồng chiêng được công nhận là di sản văn hoá); có dàn giao hưởng dân tộc; chương trình thử nghiệm đưa âm nhạc điện tử, nhạc Jar của Pháp kết hợp với âm nhạc truyền thống Huế, âm nhạc Phật giáo; và chương trình âm sắc Việt...

Và đặc biệt, như ông Nguyễn Xuân Hoa - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế nhận định: “Âm nhạc gần như là ngôn ngữ chính của Festival”. Chính vì vậy, trại sáng tác âm nhạc quốc tế được tổ chức cũng mong muốn đáp ứng được điều đó. Tinh thần của trại là muốn góp một phần vào nguyện vọng chung là phấn đấu để Huế trở thành thành phố Festival; ngoài ra, trại cũng muốn có một tiếng nói và vai trò âm nhạc trong khuôn khổ Festival. Ngoài các đoàn nghệ thuật tham gia trong dịp Festival, trại còn có ý nghĩa cao hơn: Đây là lần đầu tiên các nhạc sỹ nước ngoài đến Huế, họ có thể đến giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu các trào lưu, phong cách của họ đối với Huế, ngược lại, họ sẽ nắm được các thể loại âm nhạc truyền thống Huế và trao đổi lẫn nhau, tạo nên sắc màu phong phú, đa dạng cho Huế.

Để trại có thể sống và có mặt định kỳ ở các đợt Festival tiếp theo của Huế, các văn nghệ sỹ có thể phát huy được khả năng của mình nhằm đóng góp và đạt được một số thành quả trong hoạt động âm nhạc; qua đó, để các cấp, ngành, hội Nhạc sỹ Việt Nam đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề một cách nghiêm túc, chu đáo, có sự quyết tâm và có hỗ trợ tốt hơn, và để rút kinh nghiệm cho trại trong những lần tiếp theo - Ngày 20-04-2006, Tạp chí Sông Hương phối hợp với ban tổ chức trại tổ chức buổi tọa đàm về trại với tiêu đề: “Âm sắc Huế - Việt Nam 2006”.
Tham dự tọa đàm có ông Phan Công Tuyên - Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Thái Sơn - Phó ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Xuân Hoa - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế, cùng các Giáo sư - Văn nghệ sỹ tiêu biểu, các phóng viên, nhà báo ở Thừa Thiên Huế.
Thạc sỹ - Nhạc sỹ Việt Đức - Thư ký Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế thay mặt BTC, nêu một vài quan điểm, nhận định, đánh giá, và  báo cáo tình hình về trại sáng tác âm nhạc quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Huế, nhân dịp Festival.  Được sự đồng ý thành lập trại của UBND Tỉnh từ tháng 6/2005, đến tháng 9, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép và tháng 12/2005, ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký duyệt dự án.

Dự kiến trại có tên gọi là: “Âm sắc Huế - Việt Nam 2006" với tổng kinh phí 1,5 tỷ, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 532 triệu (trong số nhà máy bia Huđa tài trợ 300 triệu, văn phòng Festival trích ngân sách hỗ trợ 232 triệu). Theo NS.Việt Đức, tiêu chí của BTC là kêu gọi, tìm kiếm nguồn tài trợ. Mặc dù các thành viên đã hết sức năng động, khẩn trương, nỗ lực hết mình, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được một nhà đồng tài trợ nào; Vì vậy, trại gặp nhiều khó khăn, vẫn còn làm việc ở phạm vi hẹp, do không có điều kiện để truyền thông trên sóng phát thanh - truyền hình nên các nhà tài trợ rút. Tình hình kinh tế hạn hẹp buộc kế hoạch phải liên tục thay đổi. Từ ý tưởng thành lập trại đầu tiên sẽ do Chi hội NSVN tại Huế tổ chức, rồi kết hợp với Hội NSVN và đến giờ kết hợp cả Hội Âm nhạc Huế, định tổ chức trại một cách độc lập, nhưng do điều kiện và tinh thần chung, BTC quyết định gắn việc tổ chức trại với Festival Huế.

Tọa đàm diễn ra hết sức sôi nổi, khẩn trương. Các đại biểu tham dự có rất nhiều ý kiến đầy tâm huyết, đầy trăn trở, mong muốn trại được tổ chức thành công tốt đẹp.
NS. Việt Đức cho biết các nhạc sỹ được mời tham dự trại đã bắt đầu viết các tác phẩm từ tháng 6/2005. Hiện nay đã tập hợp các tác phẩm về trại, gồm: 3 ca khúc, 1 Romance, 4 hợp xướng, 4 giao hưởng, 3 hoà tấu dàn nhạc dân tộc, 2 tứ tấu, 2 Rhapsodi (trong đó có 1 Rhapsodi cồng chiêng), 1 Rondo,1 Sonate, 1 tác phẩm độc tấu Piano, 1 tam tấu, 1 công trình lý luận...
Các nhạc sỹ ở các nước tham gia trại: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Singapo, Anh Quốc và các GS - Nhạc sỹ tên tuổi ở Việt Nam như: NS. Phạm Tuyên, NS . Đặng Hữu Phúc, NS . Nguyễn Cường, NS . Chu Minh, NS . Tôn Thất Lập, NS . An Thuyên...vv... và một số nhạc sỹ ở Huế.

Trại dự định tổ chức 4 buổi biểu diễn - Chỉ mới tính sơ qua: Riêng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam gồm 70 người và 1 chỉ huy cho 1 đêm diễn - toàn bộ chi phí ăn, ở, tàu xe, biểu diễn... đã hết gần 300 triệu. Chưa nói đến 3 đêm diễn còn lại với nhiều tác phẩm v.v...  Với số kinh phí hiện có thì chỉ 1 đêm diễn đã mất đi một nửa!
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến cho rằng: Cần có sự tư vấn, chỉ đạo trực tiếp của Hội NSVN để tạo ảnh hưởng về đối ngoại, nhưng cũng có ý kiến khác: Trại do Hội NSVN tại tỉnh tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tỉnh, thì chúng ta nên chủ động điều hành... Nên tạo điều kiện, cần điều chỉnh kinh phí để mời các nhạc sỹ tham gia, và họ phải có một số quyền lợi... Có thể kêu gọi Hội NSVN tài trợ. GS. Bửu cho rằng, phải hình dung, tính toán kỹ về chất lượng, hiệu quả chương trình, cố gắng công bố rộng rãi trên báo chí, các phương tiện truyền thông...

Ông Phan Công Tuyên hoan nghênh sáng kiến tổ chức trại, theo ông, trại được tổ chức sẽ góp phần làm đẹp hơn bản sắc văn hoá Huế; đây là lần đầu tiên trong 4 Festival của Huế có trại sáng tác âm nhạc quốc tế. Tuy khó khăn nhưng cần có quyết tâm cao, không bỏ cuộc, và cần tổ chức cho phù hợp với điều kiện hiện có.
Một số ý kiến nêu ra - nên chăng đổi lại tên gọi của trại, vì điều kiện kinh phí hạn hẹp nên qui mô, tính chất của trại có thay đổi so với dự định ban đầu - Có thể gọi là “Liên hoan trại sáng tác âm nhạc quốc tế”...v.v...
Tất cả đại biểu với sự tâm huyết, quyết tâm cao, đều thống nhất: Dù khó khăn đến mấy cũng phải tổ chức trại, và tin tưởng rằng trại sẽ thành công, tạo tiền đề cho việc tổ chức trại lần sau. Và cám ơn Tạp chí Sông Hương đã có sáng kiến tổ chức tọa đàm để Hội Nhạc sĩ Huế có thể nói lên được tiếng nói của mình!

Phải nói rằng - để tổ chức được một trại sáng tác âm nhạc  ở tỉnh, ở trong nước đã khó, đối với nước ngoài còn khó hơn. Khó về mọi mặt đã đành, nhưng còn “màu cờ sắc áo” nữa, thì cái khó lại nhân lên bội phần. “Vạn sự khởi đầu nan”, hy vọng rằng với sự đồng cảm chung, tất cả chúng ta sẽ cố gắng và xin hãy chúc cho trại thành công!
Huế tháng Tư - 2006
D.B.H

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)
Các bài đã đăng