Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Xưa rồi
15:03 | 01/12/2008
BÙI VIỆT THẮNGTôi có theo dõi “vụ việc Nguyễn Ngọc Tư” đăng tải trên báo Tuổi trẻ (các số 79, 80, và 81 tháng 4 năm 2006) thấy các ý kiến khen chê thật ngược chiều, rôm rả và quyết liệt. Kể ra không có gì lạ trong thời đại thông tin mọi người đều có quyền cập nhật thời sự, nhất là trong lĩnh vực văn chương vốn rất nhạy cảm.

Ông Dương Việt Thắng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau trong phần trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ (số 79 ngày 8-4-2006) cho rằng: “Đúng là sáng tác văn học nghệ thuật được quyền hư cấu nhưng phải trên cơ sở sự thật. Nói quá thành bác Ba Phi rồi. Nói quá mà nói về cái tốt, nhân cách hoá sẽ có tính xây dựng. Theo tôi hư cấu như thế là tốt.” Xem ra người ta trả lời rất bài bản và kín kẽ nhưng lại quên mất đặc thù của nghệ thuật như lãnh tụ V.I.Lênin đã chỉ ra: “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta phải thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực” (Bút ký triết học).
Gần đây ở ta đã dịch một số tác phẩm văn học nước ngoài được gọi là “động trời” như: Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Điên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ, Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của G.Mackét...

Độc giả thì vồ vập, giới phê bình thì không biết phê bình cái gì, còn nhà quản lý văn nghệ thì im lặng vì cho rằng đó là “chuyện của người ta”!
Văn học nghệ thuật góp phần quan trọng tạo nên cái “vốn xã hội”- một thứ vốn không thể tính lời lãi, thậm chí còn phải bù lỗ để cho cái vốn ấy phát triển. Sự đánh giá sản phẩm tinh thần là phải có thời gian, nghiệp vụ và cần nhất là công tâm. Người quản lý văn nghệ phải “liên tài”, phải biết “gạn đục khơi trong”, phải nâng niu những mầm, nụ sáng tạo. Độc giả bây giờ không như xưa, bây giờ họ thông minh nhưng khó tính, họ có thông tin và đặc biệt họ được “cởi trói” và thậm chí họ còn là... Thượng Đế! Chính vì thế mà nhiều người thích đọc cũng như nhiều người không thích đọc Nguyễn Ngọc Tư và Cánh đồng bất tận, thiết nghĩ là chuyện rất bình thường.

Nhân “vụ việc Nguyễn Ngọc Tư” tôi nhớ đến ý kiến của văn hào Lỗ Tấn: “Tôi nghĩ phải mời các nhà phê bình ăn táo nhũn (...). Quả táo này có mấy chỗ hỏng, nhưng có mấy chỗ chưa hỏng, còn có thể ăn được. Các nhà phê bình ác ý cho ngựa phóng trên đám mạ non, tất nhiên như thế là khoái lắm, nhưng đám mạ non kia bị thiệt hại. Những cây mạ bình thường cũng như những cây mạ thiên tài. Non nớt đối với già dặn cũng như trẻ con đối với người già, chẳng có gì là nhục hết. Tác phẩm cũng thế, mới đầu thì non nớt, không cho là nhục được. Bởi vì nếu không bị vùi dập, thì sẽ lớn lên thành thục, già dặn. Chỉ có suy yếu, hủ bại, thì mới không có thuốc chữa mà thôi”. (Dẫn theo Phương Lựu: Lỗ Tấn- Nhà lý luận văn học- Nxb Đại học và THCN- H.1977, trang 341, 346).

Bậc tiền bối nói vậy không đáng để ta suy nghĩ trong hành xử với văn chương ư? Phê bình quy chụp, xã hội học dung tục nhằm “xoá sổ” đối tượng là “Xưa rồi,”.
 Hà Nội, 4-2006
  B.V.T

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Các bài đã đăng