Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Hai người lính và...trận địa mới
15:51 | 01/12/2008
XUÂN ĐÀIChúng tôi làm việc cho ông Gofhua-Marino đến nay đã là 12 năm 3 tháng. Ông người Mỹ này tuyển người không giống ai. Quảng cáo vỏn vẹn có mấy dòng trên báo: Cần hai chuyên viên giúp việc, tuổi từ bốn lăm đến năm lăm, viết và nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thông thạo...

Báo phát hành lúc 4 giờ sáng, chưa đến bảy giờ người đến xin việc đã xúm đông xúm đỏ trước cổng biệt thự. Đúng tám giờ ông G. Marino chững chạc bước ra, tủm tỉm cười, râu mép rung rung. Ông tự giới thiệu họ tên, quê quán thân tình như một người bạn. Giới thiệu xong ông cầm cái danh sách mà những người đến xin việc đã tự ghi ra giấy trước đó, gọi từng người một vào nhà, ông trực tiếp phỏng vấn. Thật lẹ, những người trước tôi, ông đều hỏi chuyện không quá năm phút. Tôi hồi hộp khi ông gọi đến tên mình. Ông bắt tay tôi thật chặt, thân thiện như một người đã quen biết từ lâu. Chả cần hỏi tôi bao nhiêu tuổi, trước đây làm gì, sinh sống ra sao, vợ con thế nào... nghĩa là ông không cần lý lịch trích ngang. Ban đầu ông hỏi tôi bằng tiếng Pháp, âm sắc và ngữ điệu rất Paris . Những câu hỏi đó là có biết làm vườn không? Có biết nấu đồ ăn cho chó Bécgiê, chó Nhật không? Tôi đều trả lời không những biết mà đã từng làm, làm một cách thông thạo. Dĩ nhiên là tôi nói dóc. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, học trường Taberd từ nhỏ, mười tám tuổi vào lính học sĩ quan Đà Lạt.

Từ trong nhà, một phụ nữ Mỹ xấp xỉ tuổi ông bước ra. Ông giới thiệu bà Erik Hagen, vợ ông. Bà Hagen lịch sự nghiêng đầu chào. Bà nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, giọng nặng chịch, khó nghe giống như người Nghệ An bắt chước giọng Hà Nội. Bà lại hỏi những câu mà ông chồng đã hỏi. Tôi lại liếng  thoáng trả lời gần giống như trả lời với chồng bà. Bà gật đầu có vẻ bằng lòng với thứ tiếng Anh tôi đang sử dụng chẳng khác gì một trí thức người Anh sinh sống ở Luân Đôn.
Ông Marino khoát tay mời tôi ra ngoài, tiếp tục gọi người khác vào phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn tất cả những người đến xin việc được ông bà người Mỹ thực hiện không quá một giờ đồng hồ. Bà Hagen đọc danh sách bốn người trúng vòng sơ tuyển trong đó có tôi và anh Nguyễn Hùng Cường người mà tôi mới làm quen khi đứng trước cổng chờ xin việc.

Mười mấy con người xấp xỉ trong ngoài năm mươi không có trong danh sách được gọi, lục tục kéo nhau ra cổng. Cổng khóa chặt. Ông G.Marino cầm chùm chìa khóa tung lên tung xuống trên bàn tay trái, tay phải ông đút túi quần rút ra một tập đôla, liếc nhìn, tôi biết toàn loại giấy một đô. Ông "thông báo", xin những người không trúng tuyển vòng đầu cho phép ông được gửi mỗi người năm đô và quý vị hãy coi đây là tiền lệ phí trả công đi lại. Nhiều người nhận và nhiều người lắc đầu từ chối để lòng tự trọng không bị tổn thương.
Qua những câu chuyện trao đổi từ sáng tới giờ của những người đến xin việc làm, tôi nhận biết họ phần lớn là những công chức của chế độ cũ hoặc lính tráng như tôi, vừa đi cải tạo học tập về. Một số nữa là những người như anh Cường từng cầm súng chiến đấu phía bên kia, họ là lính cụ Hồ.

Lúc còn bốn người chúng tôi, những kẻ đã trúng vòng sơ tuyển được ông chủ hẹn năm ngày nữa quay lại thử tay nghề để chọn hai người. Trước lúc tiễn chúng tôi ra về, ông đưa cho mỗi người một phong bì, nghĩa là động tác lịch sự hơn lúc nãy cho những người bị loại vòng đầu. Tất cả chúng tôi không ai từ chối trước cử chỉ này của ông, đó là văn hóa Mỹ, văn hóa nhân loại đương đại...

Tôi rủ anh Cường ghé vào quán cà phê vườn ở đường Lê Quý Đôn gần nhà tôi. Hai anh em ngồi nhâm nhi cà phê và trò chuyện. Anh Cường gốc người Hà Nội, hơn tôi bốn tuổi, học trường Albert Sarraut. Năm 1954, giải phóng Hà Nội, anh đang học năm cuối ban tú tài. Cũng theo anh cho biết, năm anh đi bộ đội đã có hai con, một cháu lên ba và một cháu mới biết bò. Cháu lớn là con gái, cháu nhỏ là con trai. anh Cường ba lô, súng ống hành quân vào đánh nhau với Mỹ và lính Việt cộng hòa chúng tôi cho đến ngày đất nước thu về một mối. Tôi cũng "thành thực khai báo" lý lịch của tôi cho anh Cường nghe, tôi là sĩ quan Đà Lạt khóa mười tám, ra trường đi lính nhảy dù, đánh nhau với các anh khắp bốn vùng chiến thuật từ Đông Hà đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và các đồn điền cao su đất đỏ miền Đông. Câu chuyện sơ giao tôi kể tóm tắt, hay ho gì mà khoe lại chiến tích của kẻ thất trận. Anh Cường ngược lại có vẻ thích thú nghe chuyện, anh gợi lại trận sống mái giữa đơn vị anh và quân dù chúng tôi giành nhau từng tấc đất trên cổ thành Quảng Trị năm 1972. Thấy tôi không mặn mà nhắc lại một thời lửa đạn máu xương của hai phía đã đổ, anh quay sang thăm hỏi chuyện gia đình. Tôi cho anh biết vợ tôi đã vượt biên qua Mỹ ngày tôi còn nằm trong trại cải tạo ở vùng rừng núi heo hút ngoài Bắc. Cô ấy đã lấy chồng và có hai con riêng với viên sĩ quan công an, người đã từng theo cô vào trại giam thăm tôi, hứa "bốc" tôi ra sớm. Cuối cùng hắn bốc cô ấy ra biển và đến miền ... đất hứa! Tôi hẹn anh Cường hôm nào thư thả mời anh đến nhà, thăm ông bà già và các con tôi, anh sẽ hiểu tại sao tôi không đi diện HO.

Tôi rút bì thư ông G.Marino đưa lúc nãy ra coi. Ông chủ hào phóng quá, chưa làm gì mà đã "xí cô hồn" cho mười đô. Coi như tiền trên trời rơi xuống! Anh Cường rủ tôi tới nhà hàng Thanh Thế nhậu chơi. Vỗ vai tôi, anh Cường bảo:
- Có 20 đô, anh em mình dư sức qua cầu. Anh nói câu này bằng tiếng Pháp. Bốn chữ "dư sức qua cầu" anh nói bằng tiếng bồi làm tôi không nhịn được cười và nhanh chóng nhận ra anh là người thông minh, hóm hỉnh.

Hai anh em chúng tôi vừa lai rai, vừa trò chuyện. Chúng tôi băn khoăn không hiểu ông chủ lựa bốn người để thử tay nghề là thử những việc gì rồi chỉ chọn hai người. Mấy câu đối thoại giữa ông bà chủ Mỹ với tôi và với anh Cường đều y hệt nhau, nghĩa là họ thử tay nghề bước đầu bằng khả năng nói tiếng Pháp, tiếng Anh và sau đó, chung khảo, là khả năng làm vườn và chăm sóc mấy con chó thuộc hai chủng loại khác nhau (Tây và Nhật) chứ không phải thuê chúng tôi làm nhân viên cho hãng nước giải khát của công ty họ. Nói gọn là làm người ở tớ mà bây giờ dân Sài Gòn quen gọi là Osin. Chúng tôi là loại Osin... cao cấp!

Công việc làm vườn, nhổ cỏ, vun gốc, tỉa cành, tưới cây... chắc không khó lắm. Khó nhất là việc nấu ăn cho hai con chó Tây và mấy con chó Nhật. Không biết lũ chó này ẩm thực có giống nhau không. Anh Cường gật gù:
- Thiếu tá đừng lo, mọi việc tôi sẽ thu xếp. Tôi sẽ học nghề thật nhanh rồi phổ biến lại cặn kẽ cho thiếu tá. Hai chúng tôi sẽ gạt hai tên kia ra khỏi vòng chiến.
Rượu bia vào gây hưng phấn, tôi xả lả:
- Em tin ở trung tá, chiến thắng nhất định về tay hai anh em mình.
Quán vắng. Trong suốt buổi nhậu, hai anh em tôi đều dùng đại từ nhân xưng bằng cấp bậc trong quân đội, bất chấp đó là hai quân đội từng đối đầu nhau. Chỉ đến khi chia tay ai về nhà nấy, tôi mới kêu anh Cường là anh Hai và anh Cường gọi tôi là chú Ba và xưng anh.

2
Tôi là Cường, trung tá quân đội nhân dân đã phục viên. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng giống hoàn cảnh nhiều gia đình ở miền Bắc. Tôi ra trận, vợ con ở lại Hà Nội. Tôi đi biền biệt hơn mười năm mới trở về thủ đô. Vợ tôi đã chết sau vụ B52 ném xuống phố Khâm Thiên nhà tôi. Hai đứa con may mắn sơ tán ở vùng quê, được chăm sóc học hành đầy đủ. Ngày gặp tôi, hai cháu vui mừng, nhắc nhiều đến mẹ, thương mẹ không sống đến ngày hôm nay. Tôi đưa hai cháu vào , sống với chú ruột tôi, một ông công chức chế độ cũ. Đời sống chú thím tôi không phong lưu lắm, nhưng cũng chẳng đến nỗi nào, còn đủ sức chăm lo bầy con mới lớn và hai cháu con tôi ăn học. Chính nhờ chú thím tôi mách bảo, tôi mới nhớ ra chị Bằng người giúp việc gia đình tôi những ngày Hà Nội chưa giải phóng. Hiện giờ chị đang công tác ở Ủy ban nhân dân một huyện ngoại thành. Công việc nấu ăn, làm vườn, ngày xưa chị thạo lắm. Tôi nhớ ngày đó nhà tôi cũng có nuôi một con chó Bécgiê. Lần theo địa chỉ, chắp nối lại do nhiều người mách bảo, tôi tìm đến nhà chị. Hai chị em gặp nhau vui mừng không để đâu cho hết. Tôi cho chị biết tôi đã phục viên. Dù lãnh chức lãnh đạo một quận, nét đôn hậu, chân thật của một người giúp việc ngày xưa ở chị vẫn còn nguyên vẹn. Chị bảo tôi đưa thằng nhỏ con tôi về sống với chị, chị nuôi cho ăn học đàng hoàng. Còn tôi cũng phải tục huyền, chứ cứ ở vậy là không nên.

Khi tôi hỏi về cách nấu thức ăn cho chó Bécgiê, chị tỏ ra ngạc nhiên, vặn hỏi đi, vặn hỏi lại là để làm gì? Tôi cười và nói dối vừa mua con chó Bécgiê Đức nuôi cho vui cửa vui nhà. Chị tin, hướng dẫn tôi rất tỉ mỉ về cách chọn mua thịt bò ở chợ, cách xào nấu món ăn riêng cho chó. Tôi nhớ nhất chi tiết người ăn thịt bò thích gia vị là tỏi và hạt tiêu, còn chó thì không, chó thì giống người ở một điểm là thích xào thịt bò hơi tái một tí...
Lúc hai chị em trò chuyện với nhau, hai con chó Nhật quấn quýt dưới chân. Chó của nhà chị, quả là may mắn. Tôi làm như vô tình chỉ vào con chó Nhật lông xù, lại chỉ vào con phốc chỉ lớn hơn nắm tay và hỏi:
- Hai đứa này ăn uống có khó như Bécgiê không?
Chị cười:
- Hai con cún này dễ tính hơn. Mình ăn gì cho nó ăn nấy, trừ rau dưa. Nhưng phải cho vào đĩa đàng hoàng, chứ đổ cơm thịt xuống đất thì nó không chịu ăn.

Tiện tay chị bế con phốc vào lòng vuốt ve. Con chó Nhật lông xù, hai mắt rơm rớm lệ, ghen tức với con phốc được chiều chuộng, hai chân sau dựng lên, hai chân trước vái như tế sao. Chị cười, cúi xuống, dùng một tay bế cả con xù đặt vào lòng mình bên cạnh con phốc. Tôi vuốt ve hai cho chó Nhật, thầm thì như nói với hai con người:
- Phải cho thức ăn vào đĩa, tụi mày mới chịu xơi. Hơi bị tự trọng đấy cún ạ!
Việc học nghề của tôi chỉ có vậy. Tôi đến phổ biến lại cho Trần Mai Lâm - viên thiếu tá quân dù, người em vừa kết nghĩa. Hai anh em chúng tôi ra chợ mua thịt bò, thịt lợn, các thứ rau về nhà nổi lửa làm món ăn cho người và cho chó.

Bốn người chúng tôi đúng hẹn, đến thi tay nghề. Ông bà chủ và chị giúp việc nhà quan sát chúng tôi làm vườn, nấu ăn, cách nghe và trả lời điện thoại bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kết quả như mong muốn, tôi và Lâm đã gạt được hai đối thủ, giành phần chiến thắng. Một chiến thắng của thân phận người nô lệ cũng chẳng lấy gì làm vinh quang!
Ông chủ G. Marno ký hợp đồng lao động với chúng tôi. Trong hợp đồng ngoài việc hai chúng tôi thay nhau trực điện thoại, làm vườn, chăm sóc mấy con chó, còn phải dạy tiếng Việt cho ông bà một ngày hai giờ. Chúng tôi được hưởng lương khởi điểm một trăm đô la tháng.

3
Tôi là Hương Lan, con gái ông Nguyễn Hùng Cường. Tôi học ở Liên Xô được hơn hai năm, Liên Xô tan rã, bọn nghiên cứu sinh, sinh viên chúng tôi xất bất sang bang vì không còn được cấp học bổng. Những sinh viên con nhà khá giả, được gia đình gửi tiền sang tiếp tục đèn sách. Số này rất ít. Phần đông ở lại lao động, buôn bán vặt. Tôi viết thư cho ba, chờ ba một lời khuyên. Chờ hơn bốn tháng mới nhận được thư phúc đáp của ba. Ba bảo tôi về nước. Tôi bán tống bán tháo vải vóc, quần áo may sẵn, dầu cù là các loại... Nghĩa là tất cả "gánh hàng xén" tôi bươn chải mấy tháng nay trên đường phố Maxcơva, mua vé về Sài Gòn.
Ban đầu ba tôi nói ỡm ờ là làm công chức cho một hãng nước ngọt liên doanh giữa Mỹ và Việt . Ít lâu sau, thấy ba đi sớm, về muộn, giờ giấc thất thường, tôi đâm nghi. Tôi quyết định "theo dõi" hành tung của ba. Một buổi chiều cuối năm, trời Sài Gòn nóng như đổ lửa, tôi phóng xe bám theo ba tôi ở một khoảng cách rất gần. Ba cắm cúi đi, không nhìn ngang nhìn ngửa, cũng không ngoái lại phía sau. Từ đó, tôi biết được chỗ ba làm và thực chất công việc của ba. Tôi buồn và thương ba vô cùng nhưng giấu kín điều đó trong lòng.

Tôi cứ ngỡ là bà con trong dòng họ, các bác, các chú đồng đội của ba không ai biết hiện ba đang làm thuê bằng nghề giúp việc cho nhà vợ chồng một gia đình người Mỹ. Tôi đã lầm, nhiều người còn tỏ tường hơn cả tôi. Một hôm chú Tường - nguyên thiếu tá, cấp phó của ba, nay là giám đốc xí nghiệp nhựa quốc doanh đến nhà gặp tôi. Hai chú cháu trò chuyện đủ các thứ trên đời. Cuối cùng chú Tường nói:
- Kể cũng thương ba cháu, ngày ra quân, lãnh luôn một cục, nên bây giờ hàng tháng không có lương hưu. Đời sống hàng ngày mới quá đỗi vất vả như hôm nay. Ba cháu cũng gàn. Các bác, các chú mấy lần thu xếp cho ba cháu một chân bảo vệ ở xí nghiệp, ba cháu không chịu làm vì mặc cảm thua thiệt với những người xưa kia là cấp dưới, nay đang giữ chức vụ lãnh đạo ở xí nghiệp. Mặc cảm với anh em đồng đội, lại không mặc cảm với ông chủ nước thua trận, sẵn sàng làm thuê cho họ. Ba cháu vừa gàn, vừa khó hiểu. Lan Hương này, cháu nên cùng các chú góp ý kiến với ba, thôi làm người ở đợ mạt hạng cho ông chủ Mỹ mà về làm cho ta. Làm cho ta dù ở cương vị nào, bảo vệ hay nấu cơm ở xí nghiệp thì vẫn là làm chủ. Nếu ba cháu không thích làm ở xí nghiệp chú, các chú sẵn sàng xin việc cho ba cháu ở chỗ khác. Ba cháu còn khỏe lại giỏi ngoại ngữ, hỏi có thiếu gì công việc để bố trí.

Tôi ngồi lặng nghe chú Tường phân tích, gật gù cho xong chuyện để chú vui lòng, thật ra tôi hiểu tâm trạng ba tôi, quan niệm sống của ba tôi. Hồi mới về nước, nhiều lúc tôi đã nghĩ giống như chú Tường đã nghĩ, dần dần, qua trò chuyện với ba, qua thực tế tôi đã trải, tư duy tôi thay đổi. Ngày Liên Xô tan rã, nhiều người Việt Nam đi hợp tác lao động bên đó, hùn vốn lại với nhau mở siêu thị buôn bán hàng hóa đủ các chủng loại nhập từ Việt Nam, từ các nước Đông Âu, các nước châu Á... Hàng trăm người làm công cho các siêu thị của người Việt là người Nga khỏe mạnh, không ít người có học hàm, học vị cao. Họ lao động hết mình, xứng đáng với đồng lương các ông chủ bà chủ người Việt trả mà không hề mặc cảm mình là dân tộc của một quốc gia đã từng hùng mạnh, đứng đầu một phe. Người anh họ của tôi, di tản sang Mỹ, hiện là chuyên gia tin học, vừa rồi về nước kể cho tôi nghe ở Mỹ hiện nay có rất nhiều nhà máy thuộc các tập đoàn kinh tế của các ông chủ người Nhật. Những người làm thuê cho các hãng của Nhật đủ các quốc tịch, phần đông vẫn là người Mỹ. Vậy đó, công nhân và trí thức Mỹ đâu có hề mặc cảm về thân phận quốc gia hợp chủng quốc từng thắng trận lẫy lừng nước Nhật trong đại chiến thế giới thứ hai. Quá khứ là quá khứ, hiện tại là hiện tại. Ba tôi làm thuê cho bất cứ ai đó là việc bình thường. Làm thuê cho người Tàu, người Nga, người Pháp, hay người Mỹ đều phải ý thức đầy đủ về công việc mà mình đang làm, hết lòng với nó và được hưởng một đồng lương xứng đáng, chứ không chịu "ăn" bánh vẽ làm chủ của chú Tường.

Ba, chú Lâm và tôi rất hợp ý tâm đầu về quan điểm làm chủ và làm thuê trong thời hiện tại, thời điểm mà Đông xích lại gần với Tây, thời mà nhân loại thích đối thoại hơn đối đầu, thích sống hòa thuận vui chơi và làm việc trong cùng một mái nhà, không chấp nhận một nền đạo đức giả, những ngôn từ bóng bẩy vuốt ve để che giấu cái thực chất, cái thân phận của mình.
Ba tôi và chú Lâm làm việc cho ông bà chủ Mỹ đã hơn mười năm, cứ sáu tháng tăng lương một lần. Bây giờ lương ba và chú Lâm mỗi tháng là ba trăm đô dù công việc vẫn không thay đổi, chỉ những con chó già chết đi, thay bằng những con chó trẻ để hai ông già vốn là hai sĩ quan ở hai phía chăm sóc. Hai ông già bây giờ sống thân tình, thương yêu, đùm bọc, chia sẻ buồn vui cho nhau dù cả hai chưa ai quên hẳn quá khứ.

Bà ngoại tôi có lần bảo với đông đủ bà con trong họ hôm dự đám giỗ ông nội tôi:
- Anh Cường và anh Lâm đánh nhau vỡ đầu sứt trán, bây giờ lại làm thuê cho ông chủ Mỹ. Kể cũng buồn cười thật, đa đoan hết chỗ nói.
Mọi người trong đám giỗ phá lên cười. Gió cuốn tiếng cười bay ra ngoài đường, quấn quýt lấy các ông Tây bà đầm một thời là kẻ thù, quấn quýt lấy các ông chủ nhà giàu một thời là đồng đội, quấn quýt lấy những thân phận đám đông nghèo khổ vật vờ trên phố...
Ba tôi và chú Lâm đang làm chủ công việc làm thuê của mình. Hai ông già không hề mặc cảm, hay mặc cảm được giấu kín trong lòng?
Tôi và cậu em trai nhiều lần năn nỉ ba nghỉ việc, về nhà điền viên với các cháu nội ngoại. Ba chỉ lặng im, mặt buồn buồn.
Có lần mấy cha con, ông cháu ngồi ở ban công nhìn trời mưa xối xả ngoài đêm đen nhập nhòa ánh điện, ba bỗng hỏi tôi:
- Con tưởng ngày xưa ông nội là quan huyện làm thuê cho Pháp và bây giờ một viên sĩ quan cấp tá như ba làm thuê cho Mỹ là do ông nội và ba tự chọn ấy à?
- Thế, theo ba, ai đã chọn việc làm thuê cho ông nội và ba?
Ba tôi không trả lời, cười nhạt và quay lưng bước vào nhà.

Tôi ngơ ngác nhìn theo. Cuộc đời thật khó hiểu. Ba tôi cũng không dễ hiểu như tôi tưởng chút nào. Hóa ra từ trước tới giờ tôi chẳng hề hay biết những suy nghĩ giấu kín trong lòng ông. Ngồi thừ ra một lúc, tôi bỗng sực nhớ tới đoạn triết lý của ba dạo nọ: đã là dân, thời nào cũng vậy, làm gì có chuyện được tự to lựa chọn mình sẽ làm thuê cho ai, đầy tớ cho ai. Ba này, chú Lâm này, con nữa, tất cả... phải biết gồng mình vui vẻ chấp nhận cuộc đời và luôn luôn phải biết tự đánh lừa mình cho lòng thanh thản... Đừng quá vui và cũng đừng quá buồn trước thế sự !...
Mưa mỗi lúc một to. Bóng đêm nhập nhòa ánh điện. Các cô gái điếm vẫn co ro nấp dưới tàn cây bên đường, đối diện nhà tôi. Mưa ơi, đừng xối xả nữa, tội các cô ấy lắm!
                                                X.Đ

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)