Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Về quê - một cuộc hành hương trong kỷ niệm
16:15 | 01/12/2008
PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

Những năm chiến tranh, tàu xe chật chội, cầu phà khó khăn thì tôi là con trai trưởng phải tìm cách để về. Hết chiến tranh, nếu không đón được bố mẹ ra thăm, thì cả nhà dứt khoát phải về, với lỉnh kỉnh thức ăn, vật dụng. Nhưng khi bố mẹ cả hai lần lượt qua đời, và cả hai phần mộ đều không đặt ở đất quê, thì việc đi lại, thăm nom gia tộc, gia tiên đành giao lại cho đứa em gái út; việc đi về của con cháu trở nên thưa vắng. Ngót mười năm gần đây, hàng năm tôi đều có công việc để về Vinh. Gần thế, chỉ hơn 40 cây số, nhưng tôi vẫn ngại về. Bởi, xem ra lúc nào cũng lắm việc, phải ra ngay Hà Nội! Và bởi... sau một cái tắc lưỡi: quê chẳng còn ai!
Cách nghĩ để biện hộ cho sự lơi lỏng ấy là: quê hương chỉ là nơi bố mẹ đang sống, hoặc nơi có phần mộ bố mẹ.
Nhưng ngoài bố mẹ còn là ông bà nội và ngoại; là chú bác, cô dì, cậu mợ; là anh em, con cháu cùng chung một giòng tộc, có chung nhà thờ ông bà, và nhà thờ họ. Thêm nữa, còn là toàn bộ cảnh quan cho một thời niên thiếu, cùng mọi buồn vui đằm sâu trong ký ức; và theo thời gian, gần như tất cả đều không biến đi mà cứ hằn lên và đọng lại, khác với chuỗi dài những sự kiện càng mới, càng về sau, càng nhanh chóng nhạt nhoà.

Nhất định phải có một lần về. Một lần về, lần lữa như vậy mà cũng đã 6 năm, sau cuộc về lần trước là năm 1999. Chỉ hơn 40 cây số tính từ Vinh, theo đường số 8, mà cũng phải sau 6 năm, mới hết ngần ngại.
Người anh con ông bác thứ ba, bỏ một chuyến công tác qua Lào, để đón đứa em con chú về quê, vào một ngày mưa thất thường giữa đông.
Cùng về còn có người anh con bác họ, có chung một cụ cố, từng du học ở Tiệp về. Ông anh rất quan tâm đến chuyện quê; từng có lúc nổi cáu với đứa em họ, thường có lúc sao nhãng việc quê: - “Thằng S. có làm đến Chủ tịch nước đi nữa thì nó cũng là em tao, là con út trong họ!...”. Tôi không giận mà chỉ biết yêu một tấm lòng nồng hậu với gia hương.

Khó mà nhận ra làng cũ khi có một quan lộ đi qua. Quan lộ số 8 từ Bến Thuỷ ngược lên Cầu Treo (một điểm buôn bán nổi tiếng) qua Lào. Trước đây về làng theo lộ 8, sau khi qua phà Linh Cảm, phải men theo một nhánh đường nhỏ tách ra; còn lộ 8 thì tiếp tục xuyên qua một cánh đồng rộng và trũng gồm 6 xã: Long, Trà, Tân, Mỹ, Bình, Hà của vùng Hạ Hương Sơn, nên cứ mùa mưa đến là nước ngập trắng xoá. Bây giờ thì đường quan chếch ngược theo phía Ngàn Sâu, qua cầu Ghềnh Tàng, chạy men theo chân núi để có độ cao. Làng tôi vốn xa sông, xa đường nên rất heo hút; giao thông khó khăn, cách biệt với chợ búa, buôn bán nên ít có ánh sáng... văn minh! Gọi bằng “khỉ ho cò gáy” thì cũng không quá lời. Bây giờ có một con đường cái quan đi qua, khiến cho gương mặt bên ngoài của làng thay đổi hẳn. Gần một nửa số dân dồn ra ở ven đường. Những mái tranh hoặc ngói, có cái lên tầng, dàn ra theo hai vệ đường, với vài đứa trẻ thập thò ở cửa khi có một ô tô chạy qua. Thế nhưng một đôi tiếng chó sủa và tiếng gà gáy eo óc từ xa vẫn gợi nhớ sự tịch mịch của làng quê xưa. Lấy đường quan làm trục, thì mỗi lối rẽ theo đường đất để vào làng lại là những cảnh quan quen thuộc, làm thức dậy cả một thời xưa, cả một tuổi thơ tôi vừa bằng an, phẳng lặng, vừa sóng gió dập dồn. Này là Rú Kỵ, Rú Cọi, Rú Cầu. Này là Khe Hối, Nương Mồ, Làng Bạc. Này là Bãi Trạng, Cồn chết đói. Này là Bàu Cóc, Bàu Trong. Này là Đền Nhà Bà, Đền Cả. Này là Bầy Trè, Bầy Hương, Bầy Hội... vạch lên nền xanh của lưng núi Mồng Gà ba con đường đỏ quạch ngoằn ngoèo lên tận đỉnh cho người đi hái củi và cho trẻ chăn trâu bò. Nhưng đó là chuyện xưa. Còn bây giờ thì tất cả đều nêm chật người ở.

Kỷ niệm dào lên trong tôi - một tuổi thơ chăn bò, chặt củi, nhặt phân, hái sim, bứt trện... Một tuổi thơ câu lươn, cất rớ, tát đìa, bắt cá... Một tuổi thơ áo manh, chân đất, đầu trần...
Theo đường làng để vào xóm, tôi gặp lại gần như nguyên vẹn cảnh xưa. Leo ngược dốc, đi qua các ngõ, các hẻm thay vì các rộc đá phải trèo, bây giờ là một lối đi có thoai thoải độ cao để cho xe máy có thể rồ ga mà lên đến nhà thờ họ, rồi nhà thờ tổ - ngự ở đỉnh xóm, nơi trước kia con cháu quây quần, bây giờ tất cả đã chuyển ra đường hoặc ven núi, chỉ còn một hộ ở lại trông coi. Xong nghi thức thắp hương ở cả hai nhà thờ là sự hồi nhớ và nghĩ ngẫm về hơn nửa thế kỷ đã đi qua trên mảnh đất này, trên nền nhà và mảnh vườn mà ông bà, bố mẹ, và các em tôi đã ở. Không còn nữa những mít và ổi, rồi bưởi và cam, những dãy chè tàu trước sân, những gốc tro sau nhà, những thu đủ và núc nác ở bên bể nước... Thế nhưng, tất cả, với hình hài quen thuộc của khu vườn cũ vẫn còn nguyên trong ký ức. Chỉ một thoáng lạ - đó là một cây lê ki ma vẫn còn ở góc vườn, - cây lê ki ma trong một bài hát về chị Võ Thị Sáu, hình như được du nhập từ Nam ra sau 1954, tuy trái mùa mà vẫn để rụng xuống gốc mấy quả nhoè nhoẹt một màu vàng của lòng đỏ trứng gà. Loại quả bố mẹ tôi thường gọi là quả trứng gà, hồi trước chiến tranh, ông bà nội thường vẫn giành cho cháu những quả mẩy nhất để mang chở ra Hà Nội, cùng với cam bù, mít chín và khế muối phơi khô. Mít và khế thì bây giờ bị đẵn hết rồi, sau khi bố mẹ bán cả nhà và vườn. Cam bù thì đã hết giống. Còn cây lê ki ma thì vẫn còn ở đấy như một gợi nhớ món quà lạ của ông bà cho các cháu ngày xưa, trong lạnh vắng của cảnh không còn người bây giờ.

Những người tôi gặp lại ở quê, tất cả đều là bà con, anh em gần và xa. Bởi tất cả đều là người, là nhà họ Lê, với tiên tổ xa xưa, có người nói là thời Lê Hoàn; có người nói là thời Lê Lợi; cũng có người nói là thời Lê mạt đi tránh nạn, bởi có một ông tổ thờ ở Đền Cả, có tên là Lê Duy Khả... Tôi ít để tâm đến chuyện này, dẫu thỉnh thoảng lại được nhận một phả hệ chằng chịt các chỉ dẫn dọc ngang, để góp ý kiến... Lớp người cùng tuổi gặp lại nhau, đều đã thành ông, thành bà. Lớp trẻ hơn đều đã dời ra lộ, vào ven núi, hoặc làm ăn xa. Chỉ có người già mới kiên trì trụ lại trên nền đất cũ, dẫu có thưa vắng đến đâu. Xa nhau mấy chục năm rồi, gặp lại vẫn có thể nhận ra nhau. Bởi trên gương mặt mỗi người đều có dấu ấn gương mặt chú bác, cô dì, cậu mợ... Gặp chị P., tôi nhận ra cô tôi - người cô thứ ba. Cô (o) mỗi lúc thấy cháu về là cao giọng một câu mắng yêu: - “Quên quê rồi hử? Có còn nhớ o nữa không?”. Rồi tất tả nấu cơm, luộc trứng, gọt bưởi, bóc cam... Gặp anh N. nhớ ngay gương mặt bác trai - người bác thứ năm, mỗi lúc nghe tôi về, lại đi đôi guốc cao lênh khênh và chống gậy lên thăm, để nghe chuyện Hà Nội và xem thằng cháu họ có mang theo vợ con về không? Gặp chị M. hỏi có nhận ra ai không, chị ngó nghiêng một lúc rồi nhận ngay ra tôi, ở một cái nốt ruồi - quý tướng dưới cằm... Cảm tưởng của đứa con xa quê trở về thấy cảnh vật cái gì cũng như thu nhỏ lại; còn người thì già đi rất nhanh, sau mỗi lần gặp, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét xưa, thuở cùng nhau đến trường và cùng chăn trâu cắt cỏ... Gặp nhau, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: - “Con cái thế nào rồi? Cháu học lớp mấy?” - “Sao không đưa chúng về?” - “Mự có khoẻ không?”. Trong họ, bố tôi là con út, ở phận em, nên vợ tôi được gọi là mự (thím). - “Vừa rồi có thấy chú ở Ti-vi” - “Về được mấy hôm?” - “Thế là lại đi ngay à?” - “Đường sá bây giờ tốt rồi, xe vào tận xóm. Nếu không có xe thì báo trước để con cháu đưa xe máy đi đón. Hoặc cáng cũng được. Chú mà là ngày xưa thì có cáng đón từ đầu làng”... - “Chỉ cần báo trước là bác sẽ chuẩn bị cho chú một con me (bê), hoặc dê. Dê bây giờ sẵn. Hoặc “mộc tồn” nấu theo kiểu quê mình” - “Tốt nhất là đưa cả nhà về vào dịp giỗ bà tháng Tư hoặc giỗ ông tháng Bảy. Lúc ấy thì đông đủ nhất”...

Lâu lắm rồi cứ nghĩ chỉ nơi nào có bố mẹ, hay phần mộ bố mẹ thì mới là quê hương. Bây giờ phải nghĩ rộng ra. Đó là nơi có những vòng sóng hoặc quầng sáng rộng hơn bố mẹ, gồm nhà thờ gia tiên và phần mộ ông bà, cùng tất cả họ hàng thân thuộc, kẻ mất người còn. Là cảnh quan chung vẫn còn gợi được hình hài cũ. Và mọi kỷ niệm của tuổi thơ - cái tuổi đầu đời lưu giữ gần như tất cả những gì vào được bộ nhớ, để làm hình thành nên cái cốt và cái nết người, cho cả một đời người...

Tuổi thơ - kỷ niệm sâu nhất trong tôi là những năm đói, những trận đói. Những trận đói - không chỉ vào “tháng Ba ngày Tám”, mà quanh năm, dường như cứ chọn quê tôi mà đến; và tôi đã phải đón nhận nó, ngay từ tuổi lên sáu, lên bảy.
Gia đình ông bà nội tôi thuộc lớp trung lưu. Bà nội và mẹ tôi rất căn cơ, tiết kiệm. Thế mà không thoát đói. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là cái đói ất Dậu - cái đói mênh mông trùm khắp bao vùng miền, bao tỉnh huyện, không đâu và không ai thoát ra khỏi được.
Tôi là cháu trai đầu của con trai út nên được bà nội rất chiều, còn mẹ - khỏi phải nói. Chợ về bao giờ cũng có quà. Quà phiên chợ đói mẹ đưa về cho chúng tôi lúc tấm mía gầy, lúc mấy củ khoai lang còi cọc. Mấy đứa em xúm quanh nhìn tôi bóc khoai, bóc cẩn thận cho thật hết vỏ. Khoai được chia cho hai em phần lớn, còn tôi - phần nhỏ hơn, bởi tôi còn được tất cả phần vỏ còn lại, cho vun vào một nắm, đưa vào miệng nhai ngon lành. Vỏ khoai là thứ xưa nay không ai ăn, vì nào có tiêu được, ăn vào bụng rồi trả lại cho đất mà thôi. Mấy anh em xúm quanh mấy củ khoai, trịnh trọng bóc và hăm hở nhai cả vỏ - đó là kỷ niệm về đói tôi không bao giờ quên.

Cả làng hiu hắt, vườn cổng đóng kín. Thế mà vẫn có người chui được vào nhà, vì không còn chó. Người không có cái ăn thì chó cũng chết hết để làm cái ăn cho người. Người làm mướn cho ông bà tôi, một người đàn bà goá rất nghèo, đến thăm ông bà, ngồi ở góc nhà, mắt nhìn khắp trần nhà, dưới nhà. Không phải đến bây giờ mà ngay từ lúc ấy tôi đã thấy mắt của người đói rất đặc biệt. Quan sát bà làm mướn, và quan sát những người trong làng tha thẩn ngoài đường, ngoài ngõ tôi thấy thân hình họ thì khô quắt, chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, cử động thì chậm chạp, nhưng mắt lại rất tinh. Cặp mắt săm soi nhìn khắp mặt đất, và đảo khắp chung quanh để tìm. Tìm một mầu xanh của cây lá để ngắt. Tìm một cái gì còn động đậy để vồ lấy, bất kể đó là con chuột, con nhái, con cào cào, thậm chí là con kiến, con gián. Tôi nhớ lần ấy bà làm mướn có nói với mẹ tôi là gián, ăn cũng được, và còn ngon là đằng khác. Người đói ăn được cả gián, đó là tri thức của tôi trong năm đói 1945.

Sau này xem phim Papillon - người tù khổ sai, khi thấy Papillon nằm bẹp trên nền đất, tay quờ quạng, ráo riết bắt cho được một con gián dưới quầng sáng của ánh đèn phòng biệt giam tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi được nghe từ một người đói này. Rồi lại nhớ đến lần đón khách Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức, năm 1972, ở khách sạn Métropole - Hà Nội, khi thấy một con gián lấp ló ở góc phòng, ông bạn Giáo sư Hans Kortum bỗng kinh hãi và đòi đổi phòng ngay. Bởi, với ông, gián là thứ insecte (côn trùng) kinh tởm nhất.
Cái năm Dậu ấy tôi được thấy, hoặc được nghe kể biết bao người trong làng đã cố níu lấy sự sống bằng tất cả những gì có thể ăn được. Thân và gốc cây chuối và cây đủ đủ. Gốc củ ráy (ngứa vô cùng). Rau má và tất cả các loại rau dại mọc ở rìa làng. Kể cả cây choóc - ngứa không kém củ ráy, ở ngoài đồng. Tất cả bỗng dưng trơ trụi, rồi biến hết. Bởi rau cỏ là thứ lành bụng. Nhà tôi còn có cơm ngày hai bữa; mỗi bữa một lon sữa bò hai lạng rưỡi gạo, cho trộn với một rổ rau má to, xóc đều, rồi chia ra dăm cái bát lùm lùm, ai nấy lào xào ăn, chỉ một lúc sau lại đói meo. Một loại thức ăn khác là cám và khô dầu. Cám là thứ cho lợn, bây giờ làm thành bánh cho người. Cám được xem là bùi bùi, thơm thơm. Và nhất là no lâu. Ăn một cái bánh cám, uống một bát nước thì cứ là lưng lửng cả ngày. Cũng như cám, khô dầu là thứ bã của các loại hạt béo như lạc, đỗ, sau khi đã ép hết nước dầu. Khô dầu đóng thành bánh bán ở chợ để chăn nuôi gia súc, bây giờ người tranh nhau mua để thay cơm. Khô dầu ăn nhiều tức bụng; ăn ngày này qua ngày khác có thể sưng bủng ra mà chết. Không phải là chết đói mà là chết... no. Tôi lại nhớ Một bữa no của Nam Cao.

Tôi đã thấy bao người đói đi lại quanh quẩn, vùng này qua vùng khác để tìm cái ăn. Đồng ruộng bạc phếch, không một màu xanh. Vườn tược hoang phế, không còn cây cối. Làng mạc hết cả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Những người chết thì đã được bó vào chiếu đưa ra đồng. Cho đến lúc chiếu cũng không còn để mà bó. Những người sống thì tha thẩn trong nhà ngoài ngõ hoặc vất vưởng trên đường, đi đứng liêu xiêu, dáng hình lểu đểu... Mới thấy khủng khiếp đến thế nào cái đói của cả làng, cả nước.

Sau này đọc truyện Một làng chết của Thanh Tịnh và Quái dị của Nam Cao ta hiểu cái chết do dịch bệnh gây ra cho một làng. Dịch bệnh như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, kiết lỵ... khiến cả “một làng chết”; ít còn ai sống sót, không còn người đi chôn. Đọc Nghệ thuật làm no... của Ngô Tất Tố ta biết người nông dân quê ông đã có cách ăn đất sét để đánh lừa dạ dày khi cả một vùng đồng bãi phía Bắc sông Hồng bị nhận chìm trong lũ lụt - một thứ lũ lụt ngâm rất lâu khiến cho cây cỏ khó mà sống sót... Còn cái đói và chết năm ất Dậu là đói và chết trên cả một địa bàn rộng lớn gồm cả trung du và đồng bằng Bắc Bộ, lan vào cả một nửa phía Bắc của miền Trung, trong đó có quê tôi. Cái chết của hai triệu người, do hậu quả của biết bao là chính sách thâm hiểm và tội ác của Nhật-Pháp nhằm dồn cả một dân tộc vào một thảm hoạ diệt chủng. Hai triệu người, tức là ngót một phần mười dân số Việt Nam lúc ấy; và có thể còn chết thêm nữa nếu không có khẩu hiệu phá kho thóc Việt Minh đưa ra - vậy là thóc vẫn còn ở các kho; rồi Tổng khởi nghĩa tháng Tám, cả dân tộc từ Bắc đến Nam rùng rùng chuyển động trong cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Một nạn đói khủng khiếp, và tiếp đó, một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc - đó là ấn tượng và ký ức ất Dậu 1945 mà một đứa trẻ lên bảy như tôi đã được chứng kiến và trải nghiệm để in sâu vào bộ nhớ đến suốt đời, cho đến hôm nay - mỗi dịp về thăm quê...

Đã qua cái đói 1945, rồi cái đói 1954, lại tiếp đến cái đói thời bao cấp những năm 80, tôi học được cái thói quen lẩn thẩn nhặt từng hạt cơm rơi vãi trên mâm để không bỏ phí. Và rất dị ứng với những tiệc nhậu triền miên, thức ăn bỏ mứa, ồn náo như chợ, dường như chỉ có riêng ở xứ ta, khoảng dăm bảy năm nay. Tôi hiểu vì sao dân ta so sánh hạt thóc với hạt vàng. Hiểu hạt thóc gồm bốn thành phần, sau khi xay giã, đó là: gạo, tấm, cám và trấu (ngay cả trấu với chức năng giữ lửa cho mỗi bếp nhà cũng từ hạt thóc mà ra); cả bốn đều quý hoá và thân thiết với nhà nông; qua hạt thóc với cả bốn thành phần như thế mà hiểu đến tận da thịt thế nào là quê hương. Một quê hương cần lao, nhọc nhằn và triền miên trong vật lộn với cái đói, mà tôi không lúc nào không thấm thía, để bây giờ, mỗi lúc về quê lại thấy gợi lên trong lòng bao là bùi ngùi, xúc động.

Kỷ niệm hằn sâu tiếp sau đói, là những năm Giảm tô và Cải cách ruộng đất, khi tôi vào tuổi học sinh hết cấp Hai.
Vẫn còn nhớ những ai là cốt cán, là cán bộ Đội, là rễ và chuỗi trong tầng lớp bần, cố nông... Tất cả họ hơn 50 năm qua vẫn chỉ ở làng, bây giờ nhiều người đã mất, chỉ còn con cháu vẫn ở trên nền đất cũ là nhà “quả thực” được chia, hoặc lại trở về chỗ ở cũ của mình, sau khi sửa sai... Hơn 50 năm qua rồi, tưởng mọi chuyện đời xót xa đều đã được biết, được nghe, thế mà vẫn còn một ít mạch sâu, ẩn ngầm chưa được nói hết. Bố tôi, một thầy giáo trường làng, vào cái thời cả làng cùng thất học, nên ai cũng gọi ông là thầy, bởi ai mà không có con em học với thầy. Thầy chẳng phải động tay động chân vào bất cứ lao động chân tay nặng nhọc nào. Thầy chỉ lo bảo ban, chăm sóc cho sự học của con cháu trong nhà, trong họ, và cả trong làng trong xóm. Là thầy, nhưng ông cũng đã phải hưởng đủ những gian truân, vất vả như mọi gia đình bị quy là phú nông, hoặc “có ít ruộng phát canh”. Mà ruộng đất thì có gì làm nhiều, chỉ là do hương hoả ông bà để lại, một mình mẹ tôi xoay trở là đủ, dưới sự chỉ bảo của mấy ông bác quen việc đồng áng và rất nghiêm. Mẹ tôi - con một nhà Nho nổi tiếng, có rất nhiều học trò trong vùng, thế mà về cái làng “khỉ ho cò gáy” này vẫn có thể củi nước, cày bừa, gieo trồng, phân tro, gặt hái... như một nhà nông thực thụ. Mọi chuyện buồn rồi cũng được dìm sâu vào tiềm thức, bởi cuối cùng rồi gia đình tôi vẫn tồn tại, bố mẹ tôi vẫn nuôi được mấy anh em nên người, cùng một đàn con cháu nội ngoại đứa nào cũng thông minh, sáng sủa... Thế nhưng trong buổi chiều muộn này, ở quê, trong rì rầm trò chuyện với mấy người anh kiên trì và chung thuỷ với đất quê, tôi được biết thêm một chuyện mới. Đó là trong những ngày Cải cách ruộng đất, khi tôi đã kín đáo rời (trốn) quê vào thị xã, để học cấp Ba, cán bộ Đội đã có lần triệu tập thầy tôi ra trụ sở xã để tra vấn xem: đứa con trai của ông đã trốn xã mà đi từ lúc nào, và đang ở đâu? ở đâu?... Ông đã không trả lời, hoặc trả lời theo cách của ông; và do thế họ đã buộc giây vào hai ngón chân cái của ông... (chắc là để doạ treo lên!). Một câu chuyện dữ dội và thử thách con người như thế mà cả một đời ông chưa hề nói cho tôi biết. Ông đã ở quê ngần ấy năm - trừ mấy năm trước 1945 ở Thanh Hoá; để chăm lo cho sự học của con cái trong họ, rồi chăm và lo cho từng đứa con trong một cuộc rời quê - đứa anh trước, đứa em sau, cho đến khi chúng đi gần hết. Còn ông, cả ông và bà đều không rời quê, để vẫn còn một nơi cho con cháu đi về, vào cái thời chưa ai có thể rời quê được, do bom đạn chiến tranh. Mãi sau chiến tranh rất lâu, ông bà cũng chẳng rời quê, bởi thời bao cấp có đứa con nào có thể nuôi nổi bố mẹ? Là bố mẹ, hẳn ai cũng hiểu điều đó, nên dẫu có khổ đến mấy, ông vẫn không rời quê. Bởi vẫn cần một nơi gọi là quê hương làm chỗ đi về cho con cháu.

Lại đến câu chuyện của người anh con bác - bây giờ là Chủ tịch một thị trấn, kém tôi 6 tuổi, người đưa xe đón tôi về quê lần này. Anh chịu nhiều gian truân hơn tôi, vì bố anh - người bác thứ ba của tôi, là một nhà Nho có học, và rất tài xem tướng số bị quy là địa chủ, rồi bị giam và mất ngay trong Giảm tô ở miền Tây Hương Khê. Tình cảnh một gia đình địa chủ bị xử lý - hoặc bị giam, hoặc bị bắn, không có gì sáng sủa cho con cái; chỉ nhìn vào cái thành phần là đủ thấy mọi con đường cho tương lai đều tắc nghẽn. Tắc cho đến thời hợp tác hoá. Tắc cho đến hết chiến tranh. Và còn tắc dài dài cho đến thời Đổi mới. Thế mà anh vẫn có thể cầm cự mà tồn tại; vẫn cứ phải chịu đói mà làm lụng cùng với các anh chị để nuôi mẹ, và để học. Học để thi, và thi cho kỳ được vào Đại học, trong khi số lớn con cái trong làng đều rớt hết. Bây giờ là lúc có thể (hoặc phải) rời quê, mà muốn thế phải có giấy tờ và lời phê của chính quyền. Chủ tịch xã phụ trách công an lúc này là một người anh xa trong họ. Kiên định lập trường giai cấp, nhìn vào lời phê của anh ta thì hết cả đường sống, còn nói gì đến chuyện vào Đại học! Biết là không lay chuyển được con, thì phải tìm đến mẹ. Bà mẹ của anh khi biết chuyện bèn chửi ầm lên: - “Mả cha mi! Nếu không có cụ Bá L., không có ông Th. thì bây giờ mi cũng chỉ là thằng ngồi xó bếp nhặt cứt gà mà ăn...!”. Câu chửi của mẹ thế mà hiệu nghiệm. Lời phê đã thay đổi. Và anh tôi được vào Đại học, để rồi, trước khi kết thúc chiến tranh, được trở về công tác ở Lâm trường huyện.

Câu “phúc đức tại mẫu” vận vào đây thật là đúng.
Bây giờ thì tôi hiểu cái gì làm nên gương mặt quê hương trong đọng lại của ký ức vẫn là những hạt vàng, những thỏi vàng trong lòng người - nó thực sự là điểm tựa cho con người vượt ra khỏi những trận cuồng phong, những luồng gió độc. Để hôm nay trở về, vẫn chỉ những hạt vàng đó lấp lánh trong những chuyện đời, sau khoảng lùi hơn nửa thế kỷ.
Cùng với tuổi đời tôi hiểu những “cuộc chơi” mang tầm nhân loại đã cuốn con người vào guồng quay của nó, không ai thoát ra khỏi được; để cho tất cả ai rồi cũng trở thành nạn nhân, mà không ai tự biết. Đó là sự cuồng tín - để phân biệt với những niềm tin chắc chắn có cơ sở khoa học và nhân văn, của một người, một nhóm người, một cộng đồng người, một tập đoàn người, bao gồm có khi là cả một dân tộc, hoặc nhiều dân tộc. Đó là những cuộc chiến tranh, mang cỡ đại. Những cuộc cách mạng kinh tế hoặc văn hoá, cũng mang cỡ đại. Những vùng lên và nhảy vọt. Những đập cho tan tành. Những quét cho sạch sành sanh. Những hô phong hoán vũ, đổi đất thay trời... To tát thế!

Đã là nạn nhân như nhau thì giữ lại làm gì, và có ích gì ở mọi thù giận. Dịp nào về quê có thời gian dài dài một chút tôi thường đi thăm láng giềng hàng xóm - những người có gia cảnh khó khăn, trước đây từng có lúc là nhân vật trung tâm của một cuộc “cách mạng” mang tên “cải cách”. Và bùi ngùi nhìn ra cái âm thầm, lầm lụi của những người suốt đời không rời khỏi được đất làng, suốt đời lầm lụi đất cát, mắt không ngước lên khỏi mái tranh xơ xác... họ vẫn đóng góp một sắc màu làm nên cái quê hương khiến cho tôi xót xa, thương cảm...

Sau hai nạn đói, sau Cải cách ruộng đất, lại đến chiến tranh. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Kỷ niệm chiến tranh đối với tôi, ở tuổi thành niên, là những cuộc đi, để thoát ra khỏi cái chết ở nơi vừa là chiến trường vừa là hậu phương này. Sau tôi là đứa em gái tôi, rồi cũng ra Hà Nội, theo anh. Đứa em trai thứ ba vào chiến trường, rồi mất ở Khe Sanh hoặc Quảng Trị? Đứa em trai thứ tư, tôi đội bom đạn từ Hà Bắc (nơi cơ quan sơ tán) về làng để chở nó ra, trên chiếc xe đạp Praha, với lỉnh kỉnh hành lý, trên chặng đường xa hơn 400 cây số, qua bao cầu phà, dưới trăng sao và pháo sáng suốt 5 đêm. Đứa em gái thứ năm, rồi cũng ra Hà Nội, trên xe đạp của một thanh niên đang “tìm hiểu” chị gái của nó. Trụ bám ở nhà bây giờ chỉ còn bố mẹ và đứa em gái út 8 tuổi.

Đi, các con đi cho hết đi, đứa trước dìu đứa sau, để mà sống, mà học hành và lập nghiệp. Nhưng nhớ là mỗi năm phải gắng mà về một lần, về cùng nhau, hoặc chia nhau mà về.
Vẫn chỉ bố mẹ trụ lại trên nền đất quê hương. Bố thì trang trải lòng mình trên những bức thư dài cho con cháu. Còn mẹ thì lo tích trữ cam quýt, đỗ lạc, mít và khế khô để gửi đi, hoặc chờ con cháu về mang đi.
Bố mẹ không đòi hỏi ở các con bất cứ điều gì, ngoài mong ước: có một cái đài. Cái đài ấy, vào năm 1965, tôi đã được nhà thơ - Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội Thanh Tịnh, do quen biết mà nhường lại cho với giá 400 đồng, tức là hơn 6 tháng lương của tôi. Giá ấy tôi cũng chẳng hiểu đắt rẻ thế nào, bởi nó là thứ hàng phân phối cho cán bộ cao. Mậu dịch không có bán. Dân không có tiền mua. Hơn thế, “cấm nghe đài” cũng là một biện pháp tích cực để chống địch. Cái đài ấy đã làm bạn với bố tôi trong bao đêm dài chiến tranh, và trong bao ngày xa cách con cháu những năm hoà bình.

Chiến tranh - thử thách chung cho tất cả mọi người, ai cũng có những kỷ niệm về nó, nên rồi cũng chẳng còn gì để nói với nhau. Những hào ụ, hầm hố; những mất mát, đổ vỡ; những tử biệt, sinh ly rồi cũng được xoá dần theo năm tháng. Thế hệ trẻ ở tuổi 30 bây giờ không ai biết gì về chiến tranh. Thế hệ lớn hơn cũng không còn ai nói gì về chiến tranh. Nó là cái hoạ chung nên trở thành câu chuyện: “Biết rồi!”... Bây giờ người ta nói nhiều về làm ăn của người lớn, nghề nghiệp cho con cái... Về tu bổ nhà thờ và nghĩa trang cho giòng họ. Về các tổ chức “đồng hương” ở nơi này nơi kia...

Nhiều năm rồi xa quê, ít khi về, tôi chỉ giới hạn hình ảnh và nỗi nhớ quê hương trong bàn thờ gia tiên - và phần mộ bố mẹ đặt ở Hà Nội. Thế mà với chuyến về này, tôi bỗng nôn nao bao điều, dường như ẩn kín ở đáy sâu tâm linh. Hoá ra, tôi vẫn còn để lại ở đây, trên nền nhà và mảnh vườn này bao kho báu trong tầm nghĩ của người cha mà lúc sinh thời tôi chưa sao đọc hết được. Cùng những hy sinh, nhẫn nại của người mẹ, trong biết bao công việc vừa lớn lao vừa tỉ mỉ, tôi không sao đo đếm được. Tôi được kể: mấy đứa em gái mỗi lúc về thăm nhà đều thắp hương trên lối đi và khắp cả vườn, bởi nghe chúng nói có đêm mơ thấy mẹ về trên nền nhà cũ, bảo: - “Đây mới chính là nhà của thầy mẹ, và mẹ chẳng muốn đi đâu cả!”. Như vậy, bố mẹ thỉnh thoảng vẫn còn về đây, thì sao tôi lại không thể về. Lòng hẹn thế, nhưng không biết rồi có thực hiện được không? Những mong vẫn còn sức về để dự một trong hai ngày - giỗ ông hoặc giỗ bà, người đã đẻ ra 10 người con mà bố tôi là đứa con út được học hành; và từ con mà có hàng trăm cháu, chắt, chút, chít, mà tôi là đứa cháu được ở bên ông bà lâu hơn cả. Chẳng mong chúng biết được nhau, vì chúng đã đi khắp bốn phương đất nước. Nhưng còn anh và em; còn họ hàng nội ngoại; còn ngôi nhà thờ họ và nghĩa trang giòng tộc. Còn cả những kỷ niệm tuổi thơ cứ nguyên vẹn thế mà đi suốt đường đời con người... Hãy cứ có được những giây phút ít ỏi như tôi đã trải, trong chuyến về thăm quê ngắn ngủi này, cũng đủ đem lại cho mình một nguồn cảm xúc dồi dào và niềm vui sống.
Và tôi hiểu: đó là tình quê hương!

Viết xong bài tôi bất chợt nhớ đến Cố hương của Lỗ Tấn viết ở tuổi chẵn 30, cách đây 84 năm, trước khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời những 28 năm. Tôi không buồn cái buồn của Lỗ Tấn mà sự thật là vui, nói đúng hơn cũng có buồn, nhưng là buồn trong vui. Tôi không gặp một Nhuận Thổ nào ở quê, bởi đương nhiên tôi không phải là Lỗ Tấn, và do vậy càng không nói được một chân lý nổi tiếng: “Trên mặt đất làm gì có đường; người ta đi mãi thì thành ra đường...”. Tôi chỉ có một ý mọn gửi gắm ở bài: mỗi người chúng ta khi đã có một chốn quê; và chắc là số rất đông đều có, thì con đường về quê, theo độ lùi thời gian, sẽ là một cuộc hành hương theo kỷ niệm. Thế kỷ XXI đương nhiên là không thiếu những thử thách lớn, và khủng khiếp, như đã diễn ra trong 5 năm vừa qua; nhưng tôi vẫn mong 95 năm còn lại sẽ đến với con người bằng nhiều hơn những kỷ niệm vui.
                                                                Vinh 26-27 - 12-2005
                                                                Hà Nội 5-6 - 1-2006
                                                                áp Tết Bính Tuất
                                                            P.L

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài đã đăng
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)