Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Câu thơ anh viết không ngoài nắng mưa
16:06 | 02/12/2008
NGUYỄN THỊ MAI(Nhân đọc tập thơ “Ra ngoài ngàn năm” của nhà thơ Trương Hương - NXB Văn học – 2008)
Câu thơ anh viết không ngoài nắng mưa


Thế là tròn mười thi phẩm trong cuộc đời sáng tạo của riêng mình. Trương Nam Hương với “Ra ngoài ngàn năm” – thi phẩm thứ mười - thêm một lần khắc đậm trong lòng độc giả một phong cách thơ: Tài hoa câu chữ, tinh tế cái nhìn và sâu nặng tình đời.
Không phải bỗng dưng mà Trương Nam Hương có nhiều “fan” hâm mộ, nhất là lứa tuổi “đang yêu” đến thế và được nhiều bạn đọc thuộc thơ, chép thơ anh vào sổ tay của họ. Nguyên do của lòng yêu ấy trước hết ở những câu thơ được viết tung tẩy bằng sự tài hoa mà đầu tiên phải kể đến là cách sáng tạo từ ngữ: “Anh cay đắng chạm lộc vừng lấm thấm/ Em cô đơn vịn ngao ngát dây bìm” (Tạp cảm),“Một hôm buồn đến rủ mình rong chơi/ Nhếch nhơ hè phố nhấp nhoi phận người”(Ghi vội trên đường). Tìm đâu ra trong từ điển tiếng Việt những từ lấm thấm, ngao ngát, nhếch nhơ, nhấp nhoi trên, cùng hàng loạt các từ sáng tạo khác như xao xít, cong quẹo, thung thẳng, ngung nguây, nhúm nhó, tươi mưởi, ngây ngoai, ấp ớ… và rất nhiều nữa có trong thơ Trương Nam Hương? Những từ ngữ đó không chỉ tạo ra âm sắc mới lạ khiến người đọc thích thú mà quan trọng hơn đã diễn đạt đúng bản chất sự đời và tâm trạng con người. Nó góp phần không nhỏ tạo nên thần thái, hồn phách câu thơ mà nếu không dụng công sáng tạo, chỉ “gắp” ra trong từ điển hay “nhại lại” những từ trong lời ăn tiếng nói quen thuộc, câu thơ sẽ cũ mòn thậm chí sai lệch ý t
ưởng định gửi gắm.  

Điều tài hoa tiếp nữa, phải kể đến cách nói (hay giọng điệu) của thơ Trương Nam Hương - một bút pháp không thể lẫn với ai. Ấy là cái cách nói đang thủ thỉ tâm tình bỗng nhói lên một câu buốt người:
- Lãng quên ngủ với vĩnh hằng
Chiếc trâm giờ đã thay bằng cỏ hoa
Sắc tài đắm giữa xót xa
Thôi thơ đừng vớt bèo ma Tiền Đường

(Sắc cỏ Nguyễn Du)
- Mây bánh đa khô rộp cả giếng làng
Bà vét nước tiếng gầu va rỗng ruột
Tôi đã dội vô tình bao nước mắt
Dội mát lành nỗi khó nhọc bà tôi

(Thời nắng xanh)
Ấy là cách nói tưởng vui vui, đùa đùa nhưng ẩn sâu những điều nghiêm túc, thiêng liêng:     
- Váy người ngắn đến mê ly
Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài
      (Viết ở Nghi Tàm)
- Áo lưng lửng lẳn eo mùa
Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây

(Trăng phố)
- Lúc người đánh bóng tuổi tên
Ta đi tìm hộp xi đen đánh giày     

(Không đề I)
- Lòng ta hăm hở đến nhà người yêu
Người yêu hăm hở đi theo ngoại kiều
Đường tình cong quẹo, nỗi tình trớ trêu
 
(Ghi vội trên đường)

Những chi tiết, hình ảnh vào thơ chỉ là cái cớ để Trương Nam Hương nói đến sự biến chất của con người trong cái nhố nhăng, nhũng nhương, ham hố của cuộc đời. Cái tưởng như hiện đại, tiến kịp nhân loại thực ra đang bào mòn vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Phê phán chứ đâu phải a dua. Đùa đùa một tý, ngạo ngạo một tý cho nhẹ nhàng nhưng trong tầng sâu của chữ nghĩa kia là một thái độ không đồng tình cùng tâm trạng “lặng nỗi đau thầm” đang kêu cứu. Nhưng nói “phê” đâu có dễ. Trương Nam Hương đã rất khéo trong giọng điệu thể hiện, nếu không, chệch một chút cái giọng hóm hỉnh ấy đã biến thành “châm” rồi thơ ơi!

Đã nhiều người cho rằng thơ Trương Nam Hương giỏi và tài hoa ở thể lục bát. Rất đúng, bởi lục bát của anh mượt mà và âu yếm như lời người thương đằm thắm bên tai. Nhưng chưa đủ. Nếu đọc Ra ngoài ngàn năm sẽ thấy Trương Nam Hương đang thành công ở thể tám chữ cặp đôi và cặp ba câu. V
ới thể này, thơ anh có nhịp điệu (4/4) trẻ trung, khỏe vững trong cách cảm và thể hiện. Vì vậy nỗi buồn hay sự cô đơn trong những cặp đôi và cặp ba của nhịp điệu kia không thể nặng nề hay ủy mị. Do tài gắn kết, ràng buộc giữa hai hoặc ba câu thơ trong một cặp nên có thể tách riêng mỗi cặp câu thơ ra khỏi bài thơ mà ý nghĩa vẫn trọn vẹn, đủ thấm thía một tâm sự.

Tuy nhiên, dù chuyển sang thể tám chữ cặp đôi, cặp ba ấy thì thơ Trương Nam Hương vẫn không “ra ngoài ngàn năm” của thơ truyền thống. Quen thuộc hình thức, không lạ nội dung, nhưng sao vẫn thu hút làm vậy? Phải chăng thơ Trương Nam Hương không chỉ có cách thể hiện rất riêng mà còn ám ảnh bạn đọc bằng cái nhìn tinh tế về nhân sinh và thế sự - những điều mà ai cũng nhìn nhưng không phát hiện ra? Ví như cách anh nhìn về thời gian: “Thời gian rúc lòng người như mối vậy” (Gặp Kiều tiết thanh minh). Đọc câu thơ cảm giác rùng mình khi liên tưởng có một bầy mối đục rung rúc trong người. Thời gian thật kinh khủng với đời người là thế nhưng với tình yêu lại nhẹ tênh như tách cà phê “quên bỏ chút đường” mà thôi. B
ởi đã yêu là quên lãng tháng ngày, tính gì đến thời gian hay tuổi tác. Còn với quyền uy danh vọng, thời gian vừa làm nó vô nghĩa lại cũng phán xét nó đến cùng: “Nửa giờ khoác thử oai xưa/ Nghe trăm năm gió thốc lùa buốt ngai” (Làm vua ở Huế). Hay khi Trương Nam Hương nhìn cuộc đời bằng lăng kính của mình: “Sau những ghét thương lòng thường mất mát/ Giật mình bóng lá gọi mình loay hoay” (Bâng quơ)  hoặc “Vời vợi vàng son, máu hòa với đất/ Nụ hoa lầm lụi vô danh lại còn/ Gặp nỗi lớn lao ở trong bé nhỏ” (Lặng lẽ)… thì chính là anh đã phát hiện ra cái quy luật mất còn của đời người, của tình yêu và danh vọng. Hay đây nữa, có lẽ chỉ người trải nghiệm và có nỗi niềm sâu lắng như Trương Nam Hương mới nhìn ra: 
Trong sông Hương có nỗi buồn
Trong thăm thẳm có vô thường thi ca
(Lời thưa)

Với cái nhìn rất riêng cộng thêm “chất giọng” đằm thắm, đượm buồn, thơ Trương Nam Hương còn hút hồn bạn đọc bởi những tâm sự dễ động lòng trắc ẩn. Đó là ký ức buồn thương về quê hương, gia đình và thân phận; đó là nỗi xót xa, thảng thốt với sự đời hàng ngày anh phải đối mặt; và nhiều hơn cả là những trăn trở, hoài niệm về tình yêu. Tuy nhiên ký ức buồn thương tập trung nhiều ở các bài: Lời thưa, Khói bếp xưa, Cũng là cổ tích Thời nắng xanh. Nếu thêm bài Sắc cỏ Nguyễn Du, Với chàng hát rong Mêhicô là thành những bài thơ hay nhất của tập thơ, cũng là những bài thơ “để đời” của Trương Nam Hương. Đọc Thời nắng xanh, ta đã gặp bà, gặp mẹ và gặp chính mình với tuổi thơ cũng “thơm thao bùn đất” bên người bà nghèo của quê hương đồng bằng Bắc bộ. Và không thể không rưng rưng khi đọc: “Dẹp tròn, mắt dứa, mắt na/ Tôi nhem nhọ bếp sáp gà dính tay/ Loăn thoăn đồng đất tối ngày/ Tiếng bà gọi ới bờ này bãi kia”.

Những bài thơ “để đời” trên hình như chỉ là kỷ niệm riêng trong sâu thẳm cõi lòng. Tác giả viết để hoài niệm chứ không nhằm chia sẻ. Anh hoài niệm về quê hương, về quá khứ, về chiến tranh, về thơ ca và cả tình yêu của một thời riêng anh, mà sao đồng điệu với  bao người? Điều Trương Nam Hương ngẫm ngợi là những gì hiện tại đang có thật với cuộc sống của anh. Trước hết đó là anh với một nhân cách khác người: “Đứng ngoài các cuộc bon chen/ Đứng trong nước mắt muộn phiền nhân gian/ Chẳng quen khoanh dạ mặt bàn/ Về thưa ghế đẩu cơ hàn mẹ thôi” (Không đề II).

Đó là tình yêu của anh với nhiều trải nghiệm buồn thương, đau khổ và hạnh phúc.
Có đến hai phần ba tập thơ Trương Nam Hương dành cho tình yêu. Có lẽ yêu là chủ đề phù hợp nhất với cảm hứng thi ca của con người đa tình, tài hoa như anh. Tài hoa ắt đa tình, đa tình ắt khổ đau, trắc trở, có hạnh phúc và có cả lỗi lầm… thơ anh bộc bạch, không giấu giếm tất cả điều đó. Tuy nhiên, với Trương Nam hương, được yêu hay không, còn tình hay mất thì trái tim yêu vẫn thi vị hóa, nồng hậu với đời. Chẳng thế mà bao fan hâm mộ tuổi học trò vẫn ngất ngây chép vào sổ tay những câu thơ hờn dỗi hoặc ngọt ngào, phảng phất hồn thơ Xuân Diệu: “Sáng dậy hương mùa xanh đẫm tay/ Em dâng tưởi mưởi giấc anh đầy/ Đêm mê gió chúm lên môi lá/ Em vít tình anh... tưởng bóng cây!” (Sau đêm).              

Không thể kể hết những bài thơ hay, hoặc những câu thơ ấn tượng trong khuôn khổ bài viết này bởi cả tập thơ được viết rất đều tay và rất nhiều bài có câu thơ “mắt thần” thì làm sao dẫn ra cho thỏa mãn. Nói thế không có nghĩa là tập thơ đã toàn bích.
Ấy là những lúng túng trong các bài anh đang có xu hướng cách tân, đổi giọng. Anh đăm đắm giữ cho mình phong cách truyền thống nhưng rồi cũng có khi hoang mang: “Lời ca chẳng có bến bờ nào neo” (Với chàng hát rong Mêhicô).

Chạnh nghĩ, trong thời đại bùng nổ thông tin hôm nay, biết bao thú vui văn hóa hấp dẫn người đời, thơ cứ khư khư chất truyền thống cả về hình thức và nội dung cũng dễ gặp cảnh “Lời ca chẳng có bến bờ nào neo” lắm chứ. Nhưng thơ Trương Nam Hương vẫn đông công chúng và đông các thế hệ bạn đọc. Đó là công chúng của riêng anh. Họ thích cái chất têu tếu mà gây ấn tượng, dịu dàng mà lắng đọng, khổ buồn mà sang trọng. Còn như chua chát, gai góc hay cao siêu xa vời thì chưa thành công ở thơ anh.
Vậy nên với 62 bài thơ, Ra ngoài ngàn năm dẫu hàm ý thế nào, cuối cùng bạn đọc vẫn nhận ra “Câu thơ anh viết không ngoài nắng mưa”.
N.T.M

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng