Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Linh hồn - Nói với con - Í a… em ra thị thành
16:09 | 02/12/2008
LTS: Như đã thông báo ở cuộc toạ đàm “Văn học trẻ Huế - nhìn lại và phát triển”, chuyên mục Trang viết đầu tay trên Sông Hương từ nay sẽ xuất hiện đều đặn trở lại và dành cho những trang sáng tác đầu đời của các tác giả tuổi dưới ba mươi. Chuyên mục chờ đón tất cả những sáng tác đầu tiên của các tác giả trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Tác phẩm gửi về cho chuyên mục này xin ghi rõ “Bài gửi Trang viết đầu tay” và có vài dòng thông tin về tác giả.Dưới đây, xin giới thiệu ba tác giả trẻ đến từ các trường đại học ở Huế và ở Hà Nội.


BÙI QUANG KHẢI
           
(Văn AK3 – ĐH Phú Xuân – Huế)

Linh hồn

Cái chớp mắt của số phận
tan chảy
những gam màu
cứu cánh giấc mơ.
Chàng hoạ sĩ có cái nhìn bất diệt
hoang tưởng
vùi sâu cảm xúc
đường nét hò hẹn cháy những cánh rừng
rưng rức
những đường cong của quá khứ
ám ảnh từng xentimet linh hồn
quăng ngòi bút...
               ...gục đầu lo âu
trên bờ vực của lòng đam mê
hình khối nhàu nát
            ...khoảnh khắc vùi chôn
dáng hình khắc khoải
linh hồn vỡ nhoà trên gối vẽ
thẫn thờ
        bầu trời đêm
                        sụp đổ...
Người thiếu nữ không mảnh đời che thân
khuôn mặt lạnh lùng
                  mạch máu rối bời ý nghĩ
căng nguồn hi vọng
đôi mắt đăm đăm
                   chớp giật cái buồn sâu thẳm
Dâng cơ thể
đường gân giá rét
lồi lõm nỗi đau
lạc lõng sợi ưu phiền
                  tức tưởi
                            giọt lệ linh hồn ...
Cái chết không đến gần
lật đổ những toà tháp kiêu hãnh
đôi tay rã
            - lạnh
                toà tháp đam mê
nổ vùi nghẹn đắng...
Chàng hoạ sĩ kéo rèm buổi sớm
xa xăm
những áng mây mầu hồng
vội vã
gấp gáp
cái chớp mắt ngọt ngào
bên ô cửa.

HOÀNG KIM NHI
(Văn ĐHSP Huế)

Nói với con
 
Mẹ sẽ mang thai giùm con một nụ cười
Khi con rã rời
trên dòng đời nghiệt ngã
Khi con chỉ nhận thấy nỗi buồn là tất cả
Niềm vui
lạnh ngắt!
Sự ngọt ngào
đánh mất!
Nỗi mệt mỏi, chán chường
bưng bít trái tim con
Lúc ấy. Con ơi
Mẹ sẽ mang thai giùm con một nụ cười
 
Để một lần nữa con chào đời
bằng linh hồn mới
Con sẽ lại nhìn đời
bằng niềm vui và lòng khấp khởi
Đừng đánh rơi, con nhé!
 
Hãy sống
bằng tất cả niềm tin và lòng đón nhận
Hãy yêu
và chẳng bao giờ hối hận
Hoan hỉ những tủi hờn, thù tiếp những rẻ khinh
Con nhé!

Mẹ sẽ mang thai giùm con một nụ cười.


BÙI THỊ THỦY
(CH-Văn-K16-ĐHSP Hà Nội)

Í a… em ra thị thành

1. Một ngày nọ có một nàng công chúa ngủ trong rừng (thật ra là nàng ở gần lèn(1) Kim Nhan thì đúng hơn) được bố dẫn đi ra thành phố học, lần đầu tiên nàng được thấy chốn phồn hoa đô hội. Bao nhiêu là vui, bao nhiêu là lo lắng, bao nhiêu là buồn… xáo tung cả tâm trí nàng.

2. Kí túc xá mùa mưa. Dầm dề những nỗi buồn thi sĩ. Cạnh ghế đá dăm ba chàng thư sinh đang che ô ngắm đất trời, mắt chưng hửng. Có lẽ các chàng đang muốn làm thơ tỏ tình mấy cô nàng chăm mặc váy nhất của tầng một ấy mà! Khổ thân, cái Tình í ơi  muốn có được cũng phải trả giá. Thậm chí có chàng còn về ốm mất mấy tuần liền, với lí do rằng “vì anh quá yêu em mà không được đáp lại” (nhưng thực tế lại là cảm lạnh). Thế nhưng cũng có chàng đánh cắp được con tim non nớt của nàng váy ngắn màu hung. Thế là họ lại cùng dung dăng dung dẻ dắt tay nhau đi dưới trời mưa nhạt nhòe. Loang lổ nước mưa trên hai cặp kính cận. Cũng hay hay! Cả kí túc lại được phen thì thầm to nhỏ “Thằng kia trông cũng được đấy chứ?”, “Nhưng con kia cũng có vẻ không có mông mày à”, “Việc gì, yêu chứ có phải lấy đâu mà chọn như chọn lợn nái thế”, “Mông má mới ra đàn bà”, “Đàn bà dây là mốt mà mày, siêu mẫu chẳng thế”… Nói chung những tạp âm đó đủ để xoa dịu nỗi mơn man nhớ nhà của những thành phần mới từ vùng sâu vùng xa ra thành phố như tôi. Tôi. Cục mịch. Chân bàn vét(2), mũi khoằm, răng hơi vẩu lại ít nói.

Đáng lẽ ra hình dáng không được điểm này thì phải bù ở điểm nọ, đằng này vo vo cho tròn số không. Cũng chả sao. Bố mẹ, anh chị, họ hàng vẫn tự hào về tôi đấy. Cả huyện mới có tôi đi học mà lại là con gái. Đố con gái nhà ai ở xứ ấy dám thủng thẳng xách dép đi ra khỏi triền đê đấy. Cái triền đê chênh chao của những ràng buộc khắt khe. Ngày con đi. Mẹ chát chúa cười, nói không ra hơi “Gắng mà nên người không về họ chửi vào mặt cho, mo cau chẳng có mà đeo con à”. Chị nín thinh, giấu giấu đưa cho em hai mươi nghìn. Anh ga-lăng phóng thích năm chục nhưng lẻn đưa trộm sau cánh cửa khi khuất mặt chị dâu. Chỉ có bố là thương con gái út nhất nhà. Ngay từ lúc chúm chím tóc đuôi gà bố đã cho con lẽo đẽo đi ăn cỗ cùng mỗi khi có dịp. Nhà mình nghèo nên bữa no bữa đói. Mẹ cần mẫn đạp xe hằng ngày chở gạo thuê cũng chỉ được mấy nghìn đủ mua hai bơ gạo. Hôm hời lắm thì cả nhà cải thiện bằng mấy con tép khô cong lên, lép xẹp. Chị vẫn mải miết đi bán kem rong. Mưa. Kem chảy nước. Em hí hửng vì được xì xoạp húp phần nước kem nhão nhoét. Ôi! Cái nghèo muôn kiếp vẫn là đắp đổi từng ngày để sống dù thế nào cũng ngậm ngùi “đành thôi người ơi!”.

3. Mình tự nhủ học hành đến nơi đến chốn nhưng con tim lại vỡ òa khi anh xuất hiện. Anh. Đẹp trai. Cao to. Nhưng mỗi tội chỉ số IQ hơi âm một tẹo. Em vẽ ra trong đầu bao nhiêu ảo ảnh về anh. Một chàng hoàng tử với ánh mắt thân thiện đến cháy người, nụ hôn ngọt ngào, đằm thắm như ly Lipton chính hiệu có thêm chút đá lạnh bào nhỏ (vì lỡ ra gặp cục đá to thì cái Abiđan ở cuống họng em lại sưng vù lên mất!). Đến khi anh sừng sững tọa lạc bên em rồi, em như Từ Hải chết đứng chợt thấy anh còn hơn cả ngưỡng mộng tưởng của em: Chiều cao cơ thể anh phải đo từ đầu lên đỉnh trời, nụ cười anh rạng ngời hơn cả quảng cáo kem đánh răng P/S. Chỉ số IQ âm thì âm chứ có bạn bè nào trong phòng Karaoke địch nổi giọng gào thét đến 98/100 điểm/ mỗi bài hát của anh… Chung quy lại anh quá tuyệt vời! Bên anh, em yên tâm và tự hào biết nhường nào. Chỉ trừ một điểm xấu duy nhất em thấy ở anh mà ám ảnh mãi làm em  không thể gần anh được đó là tóc anh quá nhiều gầu. Gầu chất từng tảng dày, có chỗ vón lại đóng cục trông như sài của đứa trẻ lên ba con bà bán óc lợn chần ngải cứu đầu ngã ba dưới gốc đa xóm em. Có chỗ còn lở loác mưng mủ kèm theo mùi tanh tanh, nồng nồng, ngai ngái mà có khi còn vương theo trong giấc ngủ làm em chạy rông khắp phòng kí túc nôn ọe. Bọn chọc ngoáy lại có dịp buôn dưa lê bán ngải cứu. Kệ! chữ Trinh em vẫn nguyên vẹn đấy. Bọn mày làm đỏm thế thôi chứ cái mặt đẹp chưa chắc đã có tem bảo hành. Đừng làm bộ nai tơ.

4. Một ngày, em cắp túi đi làm. Anh giám đốc trừ cái mũi hơi sần sùi cà chua còn lại cũng tạm gọi là nhìn được. Bà trưởng phòng biên tập mắt ốc nhồi, bộ ngực vểnh cong thách thức em. Em là con gái nhà lành xin chị tha cho! Không. 100% là không. Bà ta hành em đủ kiểu. “Em phải làm việc này trước cho chị nhé”, “Nhưng thưa chị, sếp đang giao việc cho em mà”, “Ở đây, tôi cũng là sếp của em, hiểu chưa”. “Này em! Dịch chị bản tiếng Anh. Nếu muốn làm ở đây phải giỏi tiếng Anh và biết quan hệ với các nhà văn để khai thác sáng tác mới của họ chứ không bình bình cắp cặp đến lớp dạy i-tờ rồi đâu lại vào đấy và về đâu”, “Chị nói thật nhé! Em hiền lành thế kia không phù hợp với công việc ở đây đâu. Mấy chị sư phạm làm ở đây cũng không chịu được áp lực nên đành rút lui”. Hai ngày em đi làm là hai ngày dầm dề nước mắt tả tơi trên xe buýt. Khóc. Đắng chát. Ngậm ngùi vì họ hơn gì mình mà lại đay nghiến thế chứ? Em học sư phạm thì có tội gì mà chị lại dè bỉu em thế? Chị cũng được dạy chứ chẳng lẽ chị chui từ lò mổ ra à? Em vẫn mải miết đi, lùi lũi làm những mong có được chỗ để bám chân thị thành. Gấu váy thị thành khó lắm ai ơi! Một ngày. Sáng trời trong. Trưa xám xịt. Chiều vỡ toang. Em bị giám đốc gọi xuống bảo “Em à! Em đã hết một tuần thử việc nhưng lấy ý kiến từ nhiều người trong công ty thì em còn non nớt về biên tập, đặc biệt là vấn đề quan hệ với giới văn nghệ sĩ và tiếng Anh a-ma-tơ… nên tóm lại công ty chưa có đủ điều kiện để nhận thêm em. Em hãy thông cảm cho công ty nhé!”. Buồn tê dại. Công cốc đi. Công cốc hi vọng. Công cốc làm. Công cốc cố gắng… đã vội trôi theo lời ám khói của bà truởng phòng. Em có tham lam gì đâu, em có tranh mất chức chị đâu sao chị đành nhận xét thế về em? Thế là từ nay dấu chấm thiên di ở chốn thị thành đã bị tẩy đi bởi thứ mực trắng màu tang. Em mong có một việc làm để được gần người em yêu. Được lấy chồng và sinh con như bao người đàn bà khác ở xứ này, thế mà…

5. Ngày em về. Trời trong cả một vùng kí ức. Cô bé hàng xóm đón em bằng nụ cười thánh thiện “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”! Đừng sớm lụi theo chị em à. Chị khóc trên bát cơm cháy em rang. Em sợ chị đói. Ừ! Thì chị đói. Nhưng là đói tình người em à! Em vẫn thường hát cho chị nghe “Người với người sao không nhân ái để mang theo cả tiếng cười bi ai”(3) thì chính giờ đây chị đang bi ai, cảm ơn em vì bát cơm cháy rang và bài hát. Tủi. Nhục vì mang danh là đã học cao học mà vẫn bị out từ vòng gửi xe đạp cà tàng. Làm chi khi mang nặng kiếp người để bộ hành giữa sa mạc bỏng rát so đo thiệt hơn?

6. Vẫn nhớ dịu dàng một đôi môi. Chênh chao một ánh mắt. Lắc lẻm một bờ vai… Lở loác một mái tóc chồng chất gàu! Chiều. Anh đi Hải Phòng dạy tại chức. Đêm. Em đơn độc giữa chốn í a… thị thành. Có lẽ mai em đi tập hát chèo thì hay hơn, vì cơ chế thị trường không ai đi cạnh tranh cái cũ. Mà có cạnh tranh thì người ta vẫn phải cố gắng bảo tồn cái gọi là truyền thống chứ! Thế là em của anh lại có việc để làm. Lại í a… ta cùng nhau…
B.T.T


------------------
([1])
Lèn: tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, chỉ vùng núi đá sừng sững và chạy dài như bức thành.
(2) Bàn vét: một trong những dụng cụ của người nông dân được dùng trong sản xuất nông nghiệp rất to, bè.
(3) Lời trong bài hát “Độc huyền cầm” của Bảo Lan

 

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng