Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
"Mối tình đầu của Napoléon" của Annemarie Selinko - từ chân dung lịch sử đến chân dung nghệ thuật trong tác phẩm
16:18 | 02/12/2008
BÙI LINH CHIAnnemarie Selinko (1914-1986) là một nhà báo, nhà tiểu thuyết gặt hái được một số thành công trong sự nghiệp tại Tổ quốc của mình là nước Áo. Trong những tháng ngày chạy nạn 1943, bà đã cùng chồng đến Thụy Điển, đã chứng kiến những làn sóng người tị nạn phải rời bỏ quê hương trước ý chí ghê gớm của kẻ độc tài khát máu Himler gây ra.

Senlinko thấy có sợi dây liên hệ giữa những người tị nạn khốn khổ với cô bé thành Marseille - người yêu đầu tiên của Napoléon Bonaparte sau này là vợ thống chế Jean Baptist Bernadotte và trở thành hoàng hậu Thụy Điển - tổ tiên lâu đời của những vị anh hùng ra sức cứu rỗi nhân loại. Điều này đã thôi thúc bà viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử Mối tình đầu của Napoléon (Dịch giả Nguyễn Minh Nghiệm dịch từ nguyên tác tiếng Pháp: Désirée, nhà xuất bản Heinemann et Zsolnay – Paris 1956).
Theo đánh giá từ trang thông tin sách www.orionbooks.co.uk: “Kể từ sau tác phẩm Cuốn theo chiều gió, Désirée là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công nhất. Đây là cuốn tiểu thuyết “bestselling” về mối tình đầu của Napoléon” (Perhaps the most successful historical romance since Gone with the wind, Désirée is the bestselling novel of Napoléon’s first love).

Tính chất sử thi “epopee”
và “độ căng” lịch sử gắn liền với những nhân vật nổi tiếng như Napoléon, Désirée, Josephine, Jean Baptiste và các triều đại của Pháp, Nga, Áo, Ý, Thụy Điển đã được tái hiện trong tác phẩm Mối tình đầu của Napoléon của nhà văn Selinko. Trong đó, đặc biệt phải kể đến nhân vật: Napoléon Bonaparte - một hiện tượng kỳ lạ của lịch sử - nguồn cảm hứng không ngừng của các nhà sử học, văn học và bạn đọc trên toàn thế giới và hình ảnh người con gái Marseille bé nhỏ nhưng đã đóng những vai trò lịch sử lớn lao đối với sự thịnh - suy của triều đại Bonaparte đệ nhất.

Trong một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, dù tiêu điểm của nó có hướng về một nhà nước, một triều đại, một thời kỳ hay tiến trình lịch sử đi chăng nữa thì con người vẫn luôn là vấn đề trọng tâm hơn hết. Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là nhân vật lịch sử, và rồi chắc chắn nó còn là nhân vật tiểu thuyết nữa. Tuy nhiên, khác với nhân vật sử thi, con người trong tiểu thuyết hoặc lớn hơn số phận của mình hoặc bé hơn nhân tính của mình. Trong nó bao giờ cũng có những tiềm năng, những đòi hỏi chưa được thực hiện. Không có hình thức nào thể hiện được trọn vẹn mọi khả năng và đòi hỏi của con người. Khác với thái độ sùng kính quá khứ tuyệt đối, tác giả tiểu thuyết có thái độ độc đáo đối với đối tượng miêu tả, dựa vào kinh nghiệm riêng của cá nhân. Tài năng của Selinko là đã đưa những con người lịch sử vào trong tác phẩm để trở thành những hình tượng mang tính quan niệm và thể hiện tư tưởng không chỉ của chính tác giả mà của cả thời đại và cả nhân loại về sau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khảo sát hai hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm cũng đồng thời là những nguyên mẫu có thật trong lịch sử: Désirée Clary và Napoléon Bonaparte.

Désirée – “Nhân chứng lịch sử”, người phán xét lịch sử và hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm
Eugénie Bernardine Désirée Clary là một cô gái dân dã, con gái út một thương gia tơ lụa giàu có ở Marseille trong thời kỳ sau cuộc Cách mạng 1789, từng được Napoléon tỏ tình, nhưng kết hôn với vị tướng lãnh cộng hòa Jean Baptiste. Người yêu đầu tiên của cô, vị tướng trẻ tuổi Napoléon trở thành hoàng đế và cô chứng kiến bước thăng tiến thần tốc lên đỉnh cao danh vọng cũng như lúc cơ đồ ông ta sụp đổ hoàn toàn; chồng cô gia nhập hàng ngũ các vị vua Thụy Điển, và các vị vua, các vị hoàng đế trị vì ở Âu châu gọi một cựu đảng viên Jacobin được cách mạng nuôi dưỡng, là anh em họ. Cuộc đời Désirée gắn liền với những sự kiện và biến cố lớn lao ảnh hưởng và mang tính quyết định đến cơ đồ và sự nghiệp của Napoléon. Người phụ nữ ấy đã chinh phục được tình yêu của nhân dân Thụy Điển bằng sự cương quyết cách tân nếp sống hoàng gia, đã góp phần không nhỏ cho chồng con trong sự nghiệp dân chủ hóa từ từ vương quốc và giữ cho Thụy Điển một vị trí trung lập vững chắc trên trường chính trị thế giới cho mãi đến ngày nay. Theo Albert Kohn: “Phải có những sự xáo trộn cỡ nào mới có thể chu toàn những số phận khó tin ấy?”(1,13)

Désirée
trước hết là một nhân chứng của lịch sử. Cô đã sống, đã chứng kiến và góp phần tham gia làm nên lịch sử một thời kỳ đáng nhớ của lịch sử thế giới. Annemarie Selinko đã tìm thấy ở người phụ nữ này sự đồng cảm lớn lao về một tâm hồn cao cả, người phụ nữ đầy bản lĩnh và tâm huyết với lý tưởng của mình, đấu tranh không ngừng cho hòa bình và tình yêu nhân loại. Số phận người con gái bé nhỏ ấy cứ như một huyền thoại với những bước ngoặt thật diệu kỳ.
Từ một nguyên mẫu có sẵn trong lịch sử, Selinko, bằng tài năng sáng tạo của một nhà văn, bằng chính sự thấu hiểu nỗi đớn đau của con người trước sức mạnh của những kẻ bạo tàn, đã phục sinh nhân vật Désirée, làm cho nhân vật lịch sử này một lần nữa được “trở mình”, bước lại những bước đi trong quá khứ, làm sống dậy cả một triều đại Napoléon Bonaparte với biết bao những chân dung lịch sử. Với cái nhìn đầy tinh tường của một nữ văn sĩ, bà đã nhận ra được khả năng hoàn thành sứ mệnh của Désirée Clary không những trong lịch sử mà còn trong nghệ thuật.

Nhân vật lịch sử Désirée được soi chiếu từ góc nhìn đời tư, gần gũi, chân thật, toàn diện và được đặt trong mối quan hệ với những địa hạt lịch sử khác nhau. Trong thế giới nghệ thuật mà nàng đang tồn tại, không có bóng dáng của người cầm bút. Nàng tự nói về mình, về những người xung quanh. Có lúc, trái tim Désirée như tan nát với nỗi đau của chính mình và nỗi đau của đồng loại. Có lúc trái tim ấy lại rộn rã một niềm vui vô bờ bến, niềm hạnh phúc của một người phụ nữ được làm vợ, làm mẹ, làm cầu nối cho hòa bình và những mất mát đau thương. Chính những tiếng nói cất lên từ một tấm lòng, những sự thật được viết nên sau bao giọt nước mắt là những lời tố cáo không thương tiếc cho
những ai nhân danh nhân quyền mà chà đạp con người, là tiếng nói bảo vệ chính mình và cho cả một tương lai mai sau. Annemarie Selinko đã đưa nhân vật Désirée trở thành hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Mối tình đầu của Napoléon.

Désirée vốn là người trưởng thành trong cách mạng Pháp. Đối với nàng, tất cả cuộc cách mạng có thể được tóm lược vào các điều khoản của bản Tuyên ngôn Nhân quyền mà hồi còn bé, thân phụ đã bắt học thuộc lòng. Đó là những giới luật thiêng liêng mà nàng dựa vào để xét đoán sự việc ở đời. Ai tôn trọng chúng thì có quyền được nàng kính ngưỡng, ai chà đạp chúng, bất kỳ vì nguyên nhân nào, là một kẻ thù của nhân loại.
Nhân dân Pháp gọi Désirée là
nữ thần hòa bình bởi chính nàng, vào đêm 29 rạng 30 tháng 6 năm 1815, thuyết phục nổi Napoléon từ bỏ chủ trương chiến tranh, hơn thế nữa, từ bỏ tất cả, địa vị công danh, nghĩa là phải đầu hàng để tránh cho nhân dân Pháp và các nước châu Âu cảnh điêu tàn lầm than. Chính Désirée là người được Nghị viện Pháp khẩn nài làm sứ giả và bằng nhân cách cực kỳ cao quý, bằng sức mạnh của một tình yêu trong sáng ngày nào, nàng đã nhận từ tay Napoléon thanh kiếm báu, tượng trưng cho quyết định hàng phục, để rồi sau đó ông bị lưu đày tại đảo Saint Hélène, miền đông nam châu Phi.

Người phụ nữ yêu tự do, tôn thờ bản Tuyên ngôn Nhân quyền ấy không thích những quy tắc, lề thói kiểu cách của chốn triều đình. Vì thế, sau khi cùng chồng sang Thụy Điển được một thời gian, nàng trở về Paris sống nơi căn nhà cũ suốt hơn mười năm trời. Khi đã thực sự nắm vương quyền, nàng là người đặt nền móng cho truyền thống một nước Thụy Điển trung lập và hiếu khách, tìm cách điều đình để cứu vớt những nạn nhân chiến tranh hay của sự ngược đãi.
Hình tượng người phụ nữ nhỏ bé
nhưng mang trong mình một tình yêu cháy bỏng dành cho đồng loại, Désirée trở thành nhân vật mang tư tưởng của tác giả và thời đại. Désirée xuất hiện trong tác phẩm như một thứ vũ khí không tiếng nổ, vừa tố cáo tội ác to lớn của Napoléon: “Không đâu, Napoléon, ngươi chỉ lạm dụng tiêu đề của văn kiện ấy thôi! Lạm dụng để nói là ngươi đi giải phóng các dân tộc, trong khi thực tế cho thấy là ngươi chỉ nô dịch các dân tộc ấy thôi. Ngươi chỉ nhân danh nhân quyền để gây cảnh xương rơi máu đổ mà thôi!”(1,482), vừa cất cao tiếng nói của lòng nhân ái và tinh thần dân chủ nhiệt thành: “Em sẽ mãi mãi lạm dụng quyền uy để cứu vớt những người bị ngược đãi cho dù đó là ai...”(2,133). Désirée bằng chính sự lạc quan và một bản lĩnh phi thường ra sức cứu rỗi nhân loại chứng minh rằng “những con người dịu dàng và hòa hoãn cũng là những anh hùng”.

Dù cho trong thực tế, Désirée có bị lu mờ dưới lớp bụi thời gian và vai trò lịch sử của cô chưa thật sự được đánh giá một cách thỏa đáng, khi xuất hiện trong tác phẩm Mối tình đầu của Napoléon của Annamarie Selinko, cô trở thành đại diện cho kiểu nhân vật lí tưởng “tròn trĩnh” nhất, toàn vẹn nhất.
Phát hiện của nhà văn Selinko về nhân vật nữ này không những là một phát hiện đặc sắc về hình tượng nghệ thuật mà còn là phát hiện giúp vén lên bức màn tối sáng của lịch sử. Désirée là mẫu người phụ nữ lí tưởng về nhân cách và bản lĩnh sống. Điểm lí tưởng nằm ngay trong chính lí tưởng và cách đấu tranh bảo vệ lí tưởng của nhân vật. Désirée xuất thân từ tầng lớp dân dã nhưng cuộc đời nàng lại gắn liền với những biến cố lớn lao, những nhân vật lịch sử trọng đại và các vương triều của một thời kỳ lịch sử đáng nhớ nhất. Trước cơn lốc cuốn của lịch sử, của tiền tài và danh vọng, người phụ nữ ấy vẫn bản lĩnh giữ gìn phẩm hạnh trong sạch, không bao giờ quên nguồn gốc xuất thân của mình. Ý thức về nguồn cội tức là ý thức về quá khứ của một con người và quá khứ của một dân tộc: “Dân tộc Pháp đã sống hằng thế kỷ trong niềm đau khổ ghê gớm. Và từ nỗi khổ đau ấy, nơi những con người bị áp bức đã có hai ngọn lửa cháy bùng lên: ngọn lửa công lý và ngọn lửa thù hận. Lửa thù hận rồi sẽ tự lụi tàn và sẽ tắt ngấm trong biển máu. Nhưng còn ngọn lửa kia - ngọn lửa thiêng liêng, con yêu của bố ạ - ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ sẽ tắt cả”(1,33). Đó là tất cả những gì thiêng liêng mà người bố - hình ảnh thân thương nhất về quá khứ đã truyền vào sâu thẳm trái tim cô bé Eugénie mười bốn tuổi. Và từ đó cô đã sống, đã đấu tranh hết mình cho lí tưởng về nhân quyền, cho một nền cộng hòa non trẻ.

“Thật lạ lùng biết bao khi hai người đàn ông vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta lại cùng yêu say đắm bà. Thế nhưng bà chưa hẳn là một mỹ nhân”(2,534), những lời thì thào của bà lão công chúa Sofia-Albertina, người cuối cùng của dòng họ Vasa - Thụy Điển cho thấy sự ngưỡng mộ không chỉ của một người phụ nữ dành cho một người phụ nữ, một vị công chúa thuộc dòng họ quí tộc lâu đời dành cho một nữ công dân Pháp thuộc giới bình dân. Đó còn là sự ngưỡng mộ của biết bao lớp người cùng khổ, của nhân dân các nước Pháp, Thụy Điển, của cả châu Âu lúc bấy giờ. Quả thật, Désirée không được trời phú cho vẻ đẹp của một người phụ nữ nghiêng nước nghiêng thành. Không quyến rũ như hoàng hậu Josephine, không được sinh ra từ một dòng dõi hoàng tộc như hoàng hậu Marie-Louis, Désirée có sức hút của một người phụ nữ thông minh, giàu sức sống, dám nghĩ dám làm và thậm chí nàng biết phải hy sinh những gì cho người mình yêu thương và cho những điều cao cả.

Annemarie Selinko đã có một cái nhìn đầy quý mến nhân vật nữ trung tâm trong tác phẩm Mối tình đầu của Napoléon. Bà đã viết câu chuyện về Désirée Clary bằng cả một tấm lòng và cả biết bao những gởi gắm. Vì vậy, nhân vật của bà được khai thác một cách toàn vẹn, đa chiều, vừa mang đầy đủ dáng dấp của một con người thực vừa nổi bật lên những phẩm chất lí tưởng cao đẹp mà chúng ta sẽ không thể nào tìm thấy trong một cuốn truyện kể lịch sử hay một tập bút ký lịch sử hoặc một cuốn sách nào đó về lịch sử tương tự như thế.

Napoléon – Nhân vật thiên tài và “kẻ bội ước”
Napoléon vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là một nhân vật huyền thoại và đôi khi, khó lòng tách biệt hai đặc tính này vì các sự kiện trong cuộc đời ông đã từng làm bừng sống trí tưởng tượng của các văn sĩ danh tiếng, các nhà viết kịch có tầm vóc lớn và các nhà làm phim đa tài, họ là những người đã xây dựng nên các huyền thoại Napoléon. Chúng tôi nghĩ rằng bản thân con người Napoléon đã có tính tiểu thuyết và cuộc đời ông cũng giống như một cuốn tiểu thuyết. Phải chăng đó chính là điều đã hấp dẫn hầu hết các nhà văn.
Napoléon, con người bé nhỏ đảo Corse đã thẳng tiến tới tột đỉnh vinh quang: Hoàng đế nước Pháp, vua nước Ý, chúa tể liên bang sông Rhine . Napoléon đã giáng cho chế độ phong kiến những đòn chí tử, đã bóp chết cách mạng Pháp, đã làm cho cả châu Âu khiếp đảm, đã nhào nặn lại lịch sử của nhiều quốc gia. “Napoléon, người đã được thiên định để chấp hành những định mệnh bí ẩn của lịch sử” (A.Pus-kin).

Thế giới sẽ còn mãi nói về con người này, Napoléon Bonapart. Ông đã đi vào lịch sử hay nói đúng hơn là đã làm thay đổi lịch sử nước Pháp nói riêng và lịch sử thế giới nói chung một cách đầy ngoạn mục. Napoléon đã tự phong làm Hoàng đế nước Pháp và đã tạo ra một đế quốc trải rộng khắp miền Tây và miền Trung của châu Âu. Châu Âu phong kiến và chuyên chế sụp đổ dưới những đòn của Napoléon là một sự kiện hiển nhiên và không thể nào chối cãi được. Napoléon cũng đã giáng những đòn chí tử vào chế độ phong kiến và làm cho nó không còn có thể ngóc đầu lên được và đó cũng là ý nghĩa tiến bộ của thiên sử ca anh hùng gắn liền với tên tuổi Napoléon.

Hoàng đế Napoléon Bonapart đã là chủ nhân của toàn thể châu Âu trong mười sáu năm (1799 -1815), là vị vua cũng đồng thời là vị tướng lĩnh xông pha trận mạc, đã trực tiếp điều khiển các trận chiến vĩ đại và rất phức tạp. Điều này chứng tỏ ông là một thiên tài quân sự, có lẽ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Tạo hóa đã ban cho ông một cách thật đầy đủ những khả năng kiệt xuất về mọi mặt nhưng quan trọng hơn là bản thân ông đã luôn ý thức được điều này: “Eugénie, em có điên không? Bộ em nghĩ thật là anh sẽ nhốt mình trong một nông trại để nuôi gà sao? Hoặc sẽ bán dải lụa trong cửa tiệm của ông anh em sao?... Một lối thoát! Một lối thoát cho một ông tướng pháo binh giỏi nhất nước Pháp! Hay rốt cuộc rồi em cũng không biết anh là một tướng pháo binh giỏi nhất nước Pháp?”(1,141). Theo chúng tôi, chính sự thôi thúc từ bản thân, từ “cái năng lực về ý chí quyền lực”, khả năng điều khiển và xoay chuyển mà Napoléon có thể nhận thấy rất rõ là nó đang chảy xuyên qua từng mạch máu, lan ra trên khắp da thịt ông. Nó thôi thúc, không ngừng thôi thúc ông tiến tới đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. Nếu không công nhận những tài năng lỗi lạc về mọi mặt và tầm vĩ đại của con người khổng lồ ấy của lịch sử là điều không hề đúng đắn. Gác bỏ sang một bên mặt “đức hạnh”, hay đúng hơn, mặt “đạo đức” của vấn đề, đứng về phương diện trí tuệ của nó thì người ta có thể hiểu câu nói sau đây của thượng nghị sĩ Rô-dơ-be-Rainơhác: “Napoléon đã đẩy lùi vào cõi chết cái mà, trước ông, được gọi là những giới hạn tột cùng của trí tuệ và năng lực của con người”(3,638).

Nếu như
Napoléon Bonaparte, con người “chọc trời khuấy nước” ấy có giây phút sáng lòa của lịch sử thì cũng trải qua những giờ phút bi ai trong cuộc đời.
Phản bội tình yêu của nàng Désirée
- mối tình đầu tươi đẹp và lãng mạn, ông nhận lại sự lẳng lơ, bay bướm của người đàn bà quyến rũ, hoàng hậu Josephine và sự phản bội trắng trợn của người vợ thứ hai sau này là Marie - Louis. Khi những lá thư tình nồng nàn nhất được viết trên những mặt trận nóng bỏng thì Josephine, người vợ yêu dấu của ông đang tận hưởng những phút giây ân ái bên nhân tình và khi vị hoàng đế đang trải qua những ngày tháng đày ải khốn cùng trên đảo Saint Hélène thì hoàng hậu Marie - Louis đã cao chạy xa bay và kết hôn cùng người tình mới. Trong tình yêu, con người vĩ đại này chưa bao giờ cho và nhận được những giây phút hạnh phúc của một tình yêu đích thực vĩnh cửu.

Nếu như Napoléon đã bước lên đỉnh cao danh vọng một cách thần tốc bằng tài năng và sự kiêu hãnh của một bậc anh hùng thì ông cũng đã nhanh chóng rơi vào một kết thúc bi thảm của “kẻ bội ước” lý tưởng: không
địa vị, không quyền lực, không gia đình; một con người cô đơn, cô đơn đến giây phút cuối của cuộc đời. Ông đã phản bội Désirée không những trong tình yêu mà cả đối với lý tưởng của nàng – đó là tuyên ngôn nhân quyền. Hệ quả tất yếu là  Napoléon trở thành nhân vật mang bi kịch lịch sử.
Vận dụng thuyết “siêu nhân” của Nitsơ để giải mã về bản chất nguồn nội lực tồn tại trong con người Napoléon như một xung năng có tính quyết định đến hành động và việc lựa chọn hành động tạo ra các bước ngoặt lịch sử vĩ đại mà mỗi con người khi ở trong cái địa hạt lịch sử ấy hoặc là sẽ kiện toàn hoặc là rơi vào bi kịch.

Dựa theo sự trình bày của Nitsơ thì bản thân cuộc đời đều là sự lựa chọn sức mạnh, lựa chọn kiện toàn, lựa chọn lớn mạnh, tức là lựa chọn “siêu nhân” làm điểm cuối để vượt qua. Tuy nhiên, trên con đường vươn đến những khát vọng và lý tưởng hoàn thiện không ngừng tốt đẹp ấy, nếu sự lựa chọn của chúng ta là chệch hướng và thậm chí là sai lầm thì điều tất yếu sẽ xảy ra là một tấn bi kịch (Bi kịch nhân tính thái quá). Tệ hơn nữa là bi kịch sẽ còn có thể kéo theo những bi kịch. Nếu bạn là người đang nắm giữ một quyền lực tối cao, có khả năng chi phối và quyết định đến vận mệnh của một hay một số người và thậm chí là cả một dân tộc thì rõ ràng tác động của những hệ luỵ bi kịch còn thảm khốc hơn những gì mà chính bản thân họ mang đến cho mình.

Trong tác phẩm
Mối tình đầu của Napoléon của nhà văn Selinko, Napoléon là nhân vật mang bi kịch lịch sử này. Con người ấy, ngoài những tài năng bẩm sinh thiên phú, để đạt được đỉnh cao danh vọng là cả một quá trình vật lộn đấu tranh không ngừng với hoàn cảnh, với đồng loại và với chính bản thân mình. Tuy nhiên, ông phải chịu một kết thúc đầy bi kịch bởi lẽ trong quá trình giành lấy sự sinh tồn với tham vọng vươn đến đỉnh cao của danh vọng, ông đã giẫm đạp lên giá trị của bản thân, đã lựa chọn con đường đi ngược với con đường mà nhân dân ông lựa chọn.
Sai lầm lớn nhất của Napoléon là đã liên kết với các triều đại phản cách mạng già cỗi, khi ông ta kết hôn với con gái hoàng đế nước Áo, và đáng lẽ phải xóa bỏ mọi vết tích của cái châu Âu già cỗi đó đi thì Napoléon lại tìm cách thỏa hiệp với nó, đã muốn làm người đứng đầu hàng đế vương ở châu Âu, vì vậy thì Napoléon đã tìm mọi cách để cấu tạo triều đình của ông theo kiểu triều đình của họ. Theo ý kiến của Ăng-ghen thì cái đã làm cho Napoléon cuối cùng bị thất bại là ông đã đầu hàng “nguyên tắc triều đại chính thống”(3,636).

Chính Napoléon đã tạo điều kiện to lớn cho châu Âu phong kiến dễ dàng chống lại và chiến thắng ông. Hình ảnh viên tướng cũ của cách mạng càng chìm biến trong hình ảnh của vị hoàng đế Pháp và hình ảnh của vị hoàng đế Pháp càng chìm biến trong hình ảnh của vị chúa tể toàn cầu thì Napoléon càng tỏ ra do dự trong việc giải phóng các dân tộc thoát khỏi ách phong kiến. Napoléon đã giải phóng cho nông dân song không chia ruộng đất cho họ, như vậy thực tế là vẫn để cho chế độ nông nô tồn tại, và Napoléon càng tỏ ra ngang ngạnh, kiên quyết bao nhiêu trong việc buộc các dân tộc và các chính phủ phải tuyệt đối phục tùng quyền lực vũ đoán của ông thì châu Âu càng kiên quyết nổi dậy chống lại kẻ áp bức toàn thế giới.

Napoléon, kẻ đã bắn giết những người Gia-cô-banh, trở thành vị đế vương độc tài và cố biến những nước cộng hòa bao quanh nước Pháp thành những vương quốc rồi đem phân phát cho anh em ruột, anh em họ và thống chế của mình; nhân vật lịch sử ấy đã hiển nhiên là thế, chứ không hề liên quan gì đến con người đáng lẽ ra đã hoàn thành tốt đẹp cuộc cách mạng. Và chỉ có lý tưởng hóa một cách dối trá mới có thể phủ nhận được điều đó. Tất cả những bước đi chệch hướng, những lựa chọn sai lầm trong quá trình giành lấy quyền lực tối cao đã không thể đem lại một kết quả nào khác hơn cho Napoléon Bonaparte.

Bên cạnh đó, những xung đột giữa các mâu thuẫn đối lập trong con người Napoléon còn cho chúng ta thấy kiểu con người mang bi kịch “ý chí quyền lực” ở nhân vật lịch sử này. Bởi chính sự đối lập giữa hiện thực với khát vọng, tình yêu và lý tưởng, đã dẫn đến tiếp theo những đối lập khác là tầm thường và cao cả, thiện và ác, giả dối và chân thực. Để thỏa thích cuốn theo những ý chí quyền lực của bản thân, Napoléon đã chà đạp tình yêu của chính mình, chà đạp cả giá trị của bản thân, giải thoát hiện thực bằng những điều tầm thường giả dối, vươn đến khát vọng đỉnh cao quyền lực trên nỗi đau và sự thống khổ của nhân loại
.

Quyền lực và quang vinh, đó là những gì thống trị con người Napoléon, và khát vọng quyền lực còn mạnh hơn quang vinh. Giấc mơ cuồng nhiệt: thâu tóm châu Âu và thậm chí nếu có thể, cả châu Á đã đeo đuổi ông suốt cuộc đời từ khi còn là một ông tướng không tên tuổi đến những giây phút cuối cùng của sự thất bại. Và dĩ nhiên, muốn đạt được mục đích của mình, ngoài tài năng còn cần đến rất nhiều yếu tố chi phối, Napoléon đã bất chấp tất cả. Để leo lên bậc thang danh vọng, ông sẵn sàng từ bỏ món hồi môn béo bở, phản bội lại mối tình đầu với nàng Désirée. Ông tìm đến với thế giới thượng lưu, nơi có những người có thể giúp đỡ ông, hỗ trợ ông trước hết là về cái ăn cái mặc sau nữa là một người phụ nữ dày kinh nghiệm, một phụ nữ có quan hệ rộng rãi với các bậc tướng lĩnh cấp cao, các vị trong chính quyền. Ông kết hôn cùng góa phụ, người tình cũ của Barras, Josephine, người đàn bà nổi tiếng xinh đẹp và lả lơi; để gây được thiện cảm với chính quyền lúc bấy giờ, cụ thể là Barras, Napoléon sẵn sàng đứng ra nổ súng dẹp tan một vụ nổi dậy vì đói, sẵn lòng bắn đại bác vào đám bần dân Paris: “Chính Napoléon ra lệnh bắn. Napoléon bắn đại bác vào... phải, vào dân, như tờ báo viết; và dân chúng nổi dậy chắc chắn là những người sống chui rúc trong những khu ổ chuột, trong những tầng hầm dưới mặt đất, nghèo đến không mua nổi bánh mì vì quá đắt. Bà mẹ của Napoléon cũng sống dưới căn hầm như vậy. Thưa bà, con trai bà là một thiên tài. Vâng, than ôi!”(1,185).

Napoléon không say mê sự tàn bạo, nhưng ông ta thờ ơ trước con người, ông ta chỉ coi họ như là phương tiện và công cụ. Và khi thấy cần thiết phải tàn bạo, phải mưu mẹo, phải nham hiểm, thì ông ta đã dùng đến không một chút do dự. Đó cũng là lý do khiến ông quyết định kết án tử hình quận công Enghien, một người bị bạo lực lôi về Pháp để bị mang ra giết hại. “Nếu vạn nhất tên Enghien này bị xử tử thì tôi (Napoléon) sẽ chứng minh cho cả thế giới biết rằng tôi coi dòng họ Bourbon chẳng qua là một bọn phản quốc. Bà (Désirée) có hiểu cho tôi không, thưa bà?”(1,374). Và chính bà mẹ của người ký bản án tử hình này đã thốt lên: “Giống một vụ sát nhân! Việc đó giống một vụ sát nhân ghê tởm!”(1,361).

Bi kịch của Napoléon, một con người có tham vọng tột cùng của ý chí quyền lực đã không những đem đến một kết thúc đầy bi thảm cho chính ông mà còn gieo rắc tai họa và khổ đau cho nhân loại. Tội ác to lớn của Napoléon là ở chỗ vi phạm nhân quyền trong khi miệng không ngớt nói đến chúng. Ông đã nhân danh nhân quyền để đạt được mục tiêu chính trị thâu tóm các quốc gia. Và một khi nhà độc tài chà đạp và coi khinh nhân quyền, thì thế giới trở thành miếng mồi ngon của bất ổn, của khủng bố, các lao tù đầy ắp, những con người khốn khổ bị lôi ra khỏi tổ ấm gia đình và bị dìm xuống ngang hàng với con vật bị săn đuổi.

Nhà văn Selinko, trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này, còn đem đến cho người đọc một cái nhìn đặc sắc và tinh tế về những nhân vật lịch sử có tầm vóc. Dù họ có là những siêu nhân, những bậc thiên tài hay những con người được thiên định những sứ mệnh lịch sử, họ vẫn là những con người của đời thường biết yêu ghét, biết buồn vui và thậm chí trong tình yêu, họ còn là những chàng trai cô gái cực kỳ lãng mạn.
Napoléon, trước khi trở thành Hoàng đế, là một chàng trai rất yêu thương mẹ và có trách nhiệm với gia đình. Ông luôn biết đóng góp và chia sẻ gánh nặng về kinh tế cho mẹ. Kể cả về sau, khi đã thành danh, dù sự quan tâm của ông mang tính áp đặt, độc tài và tàn nhẫn, Napoléon vẫn luôn dành những ưu ái lớn cho các thành viên của gia đình Bonaparte.

Trong tình yêu, Napoléon là người rất lãng mạn. Ông đã từng trải qua những khoảnh khắc yêu đương hồn nhiên say đắm của mối tình đầu với nàng Désirée. Và cũng chính ông đã để lại cho hậu thế những bức thư tình nổi tiếng với biết bao câu chữ nồng nàn dành cho Josephine. Người đàn ông này cũng giống như tất cả chúng ta, dù là người đã phản bội nhưng trái tim ông không bao giờ có thể quên được “Eugénie bé bỏng” ngày nào. Với Désirée, Napoléon vẫn luôn dành cho nàng những đặc ân sủng ái, những tình cảm sâu kín về một tình yêu không bao giờ nguôi ngoai. Và cũng chỉ có Désirée, người đã từng yêu Napoléon bằng cả tấm chân tình của thời son trẻ mới cảm thấy hết cái đam mê, khát vọng đầy tự tin trong cái dáng vẻ nghèo nàn và cô đơn biết dường nào của con người ấy.


Từ thực tế lịch sử đến tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử trở thành những hình tượng nghệ thuật mang đem đến cho người đọc một cái nhìn đầy thi vị về lịch sử, làm sống động những con người trong lịch sử. Annemarie Selinko đã xé toang đi lớp vỏ ngoài thô ráp của một đề tài lịch sử và mở ra một bức màn mới với một cách nhìn mới về những điểm trắng vô hình.
            B.L.C

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 



-----------------
(1) Mối tình đầu của Napoléon, tập 1, Annemarie Selinko (Nguyễn Minh nghiệm dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
(2) Mối tình đầu của Napoléon, tập 2, Annemarie Selinko (Nguyễn Minh nghiệm dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
(3) Napôlêông Bônapac, Ê-tác-lê ( Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Hữu Đạt dịch), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

Các bài mới
Các bài đã đăng