Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Quê nhà không có bệnh phấn hoa
10:33 | 03/12/2008
VÕ THỊ XUÂN HÀTặng cậu tôiTập truyện thứ X bộ truyện "Những trang viết lạ" vừa phát hành, nhiều người đã gọi điện đến hỏi, cái truyện ngắn "Chuốc mấy nậm trường" moi ở đâu ra vậy? Tác giả Trần Sao là ai vậy? Nghe chừng có vẻ là tay viết trẻ mới xuất hiện? Hay thằng cha nhà văn nào chán đời núp bóng tên con để xả sú?
Quê nhà không có bệnh phấn hoa
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Tôi bảo, một gã viết chính hiệu đang sống bên Mỹ gửi truyện về qua đường email. Chưa biết mặt. Tinh thần tuyển chọn tập truyện là cứ thấy truyện viết hay, đúng tiêu chí "lạ" thì đưa vào. Có ký bản quyền hẳn hoi nhé. Mỹ Califoocnia. Dân HO hay vượt biên hay du học cũ cũng không rõ. Không chính trị chính em gì. Chỉ rượu và viết.

Bạn vỗ tay, hay, hay lắm. Quan điểm rõ ràng, có đổi mới, hội nhập. Ta còn đón Nguyên Phó Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn xưa Nguyễn Cao Kỳ có đưa tin lên cả te-le-vi-zừn khi đón bố thì đồng thời đĩa có bản hợp xướng Bên em luôn có ta của một dàn đồng ca có cô con gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên xinh như nàng Kiều giữa xứ người đứng hát đĩa phát hành thêm hàng vạn bản lậu ngoài chợ đĩa lậu chợ này mọc lên ngay giữa trung tâm thủ đô một bên là mấy trường phổ thông và cơ quan công sở có tiếng một bên là những galery mỹ thuật rạp chiếu bóng đi lên tẹo nữa là rẽ đến đường có Ủy ban nhân dân thành phố uy nghiêm quên mất phía tay trái là hồ Gươm Rùa thiêng chợ đĩa lậu nằm chềnh ềnh ngay trên vỉa hè nằm bên trong những nhà tối om ngoắt ngoéo các ngón nghề truyền đời con cháu tư bản xưa của đất Hà thành nay con cháu bán đĩa lậu dẻo hơn bán kẹo quéo khi bật đĩa lên nhìn nàng Kỳ Duyên hát mà tâm hồn khách chúng ta rướm lệ tình bác ái……
Tôi toát mồ hôi hột. Quyết không nói cho bạn hay Trần Sao là cậu ruột tôi. Nguyên sĩ quan Đà Lạt. Đi Mỹ theo diện HO.

Mẹ tôi mừng khi cầm cuốn sách trên tay. Mẹ lật đi lật lại những trang thấm đẫm tên Trần Sao . Hỏi đi hỏi lại, cậu cũng được lĩnh nhuận bút? Tôi khẳng định với mẹ bằng bản nhuận bút tôi đã ký nhận với Nhà xuất bản. Những hai trăm hả con? Hai trăm bây giờ là các nhà văn mới phấn đấu được bằng một nửa các nhà báo đấy mẹ ạ. Một bài báo ngang bằng số trang như thế này, các nhà báo được nhuận bút gấp đôi gấp ba cơ. Đất nước mình xưa thắng trận nhờ tinh thần thơ văn, nay chiến nhau trên thương trường nhờ báo chí. Thằng nào làm ăn không cẩn thận biết điều, tự cho mình hay mình giỏi, coi khinh nhà báo, chỉ một bài bôi đen là đi tong sự nghiệp kinh doanh. Trời, mẹ đâu có hiểu mấy chuyện đó. Thấy cậu được in truyện ở chế độ mình lại được nhuận bút như thế này là mẹ mừng lắm rồi. Để mẹ cất vào tủ, đợi khi cậu về sẽ đưa cho cậu lấy hên.

Nhưng tôi biết cậu còn lâu mới về nổi quê hương mà thăm bà con, cười với bà chị đang ngày mỗi yếu. Cậu đang ngồi trong nhà tù của San Diego bang Cali . Người đưa cậu vào ngồi tù là vợ cậu, mợ tôi.
Cậu tôi đẹp trai từ khi còn trong bụng bà.
Cậu sinh lỗi thời lỗi khắc. Nên cái đẹp của cậu chỉ làm khổ cậu. Cậu mới lọt lòng bà đã khiến mọi người trầm trồ nom như tiểu thiên thần. Mải lo cho cậu không ai biết bà bị sót nhau. Chỉ bốn ngày sau thì bà mất. Ông tôi đau đớn lăn lộn suốt cả cuộc đời. Ông uống rượu, cặp với gái, cặp thật nhiều cũng không tài nào xoá được nỗi đau mất bà. Bà ngoại ghẻ của tôi hận ông, hận luôn cả cậu. Bà đẹp kiểu hoàng tộc, họ của bà là họ hoàng tộc Công Tằng Tôn Nữ, nhưng bị mang cái tiếng dì ghẻ suốt đời với mẹ và cậu tôi. Chỉ vì ông ngoại không bao giờ yêu bà hết lòng, chỉ lấy bà về để xoa dịu nỗi đau mất bà ngoại tôi.

Cậu có mẹ tôi bên cạnh chăm sóc yên ủi cho đến khi chính mẹ tôi cũng bỏ cậu mà đi lên chiến khu. Cậu lớn lên ra sao mẹ tôi không còn hay biết. Ông ngoại mải mê với những công trình xây cất biệt thự ở Đà Lạt, mải mê vợ mới sinh thêm những dì bé cậu bé của tôi. Cậu tôi học hết trung học, được gọi vào học trường Sĩ quan Đà Lạt, nơi chỉ đào tạo những kẻ đủ chiều cao, hình dáng chuẩn, học lực giỏi tuyển chọn từ các vùng miền đưa vào. Cậu học bốn năm vừa xong khoá đào tạo Sĩ quan Đà Lạt (cái lò nổi tiếng ga lăng với gái) thì Giải phóng miền . Ngơ ngác khi được quân cách mạng đưa vào trại tập trung học tập cải tạo tiếp. Đợt học cải tạo này kéo dài những n-ă-m năm.
Và giữa những năm những tháng lạ kỳ đó của cậu, là cuộc tình với mợ tôi, là đám cưới và những đứa con ra đời.

Nay cậu đang ngồi trong tù. Đi tù thực sự. Với cái án mưu giết vợ.
Bữa đó mợ Bảo Phương về Huế thăm mẹ tôi và khóc, kể em vừa bị tai nạn xe hơi đâm chị ơi. Mẹ tôi cầm tay mợ hỏi có nặng không? Mợ chỉ mấy vết xước, thì đó, em nằm viện ba tháng liền xương liền cốt rồi. Mẹ tôi trách, đi đứng ra sao mà bất cẩn vậy. ở xa xuôi gắng giữ gìn, lương tháng của thằng chắc không đủ nuôi mấy đứa nhỏ? ùa, thì đó, chị biết rồi đó, bọn Mẽo cũng chỉ chính sách nhân đạo vậy thôi chứ lên thượng tầng giai cấp chúng cũng phân biệt khinh miệt dân da vàng ghê lắm. Coi như cuộc đời chúng em bỏ đi rồi chị ơi, chỉ ăn thua mấy thằng cha chấp chưởng phía trên, ngàn đời dân đen vẫn là dân đen, ở đâu cũng vậy. Mà anh mới chỉ là lính cậu học xong mấy năm sĩ quan Đà Lạt, chưa có công trạng gì (tôi dịch lại cho mẹ, nghĩa là chưa giết được tên Việt cộng nào cũng chưa xung đồn lâm trận gì để giành sao Bắc đẩu bội tinh hay sao gì đó). Sang đó mấy ông bà có công trạng thì được sắp ở nơi dễ làm ăn, mở tiệm hớt tóc, uốn tóc, làm móng tay, ai có hơn thì mở được cả tiệm phở, tiệm vàng… Mợ tránh né mấy câu hỏi về cậu, chỉ kêu ca chung chung vậy rồi cho mẹ tôi một trăm đô la Mỹ (bây giờ không ai người dân nước Việt mình chê đô la cả, ngày trước như thế là phạm tội thoả hiệp với địch).

Mợ ngơ ngơ một lúc lại rút túi đưa cho mẹ hai trăm đô la Mỹ nữa, nói của anh Nam gửi chị, kèm một lá thư chỉ có vài dòng hỏi thăm tha thiết lắm. Tha thiết nhưng cũng chỉ có vài dòng khiến mẹ chảy nước mắt hỏi sao nó bận gì mà không viết dài dài cho chị. Mợ cười cười mà nét mặt dạo này lỏng lẻo xanh xao, đã thấy nhiều nếp nhăn báo già. Hồi mới giải phóng chị em tôi cứ ngẩn người ra khi nhận được ảnh cậu mợ chụp chung ngày mới cưới. Đó là lần đầu tiên tôi được biết đến một tấm ảnh chụp nghệ thuật mà bây giờ lớp trẻ không ai không biết hàng chục cái salông chụp ảnh nghệ thuật nổi tiếng. Ngày ấy mợ đẹp lắm, đôi mắt dài như nhung, gương mặt thanh thoát như con của Đức Mẹ Maria. Đà Lạt sương mù quê ngoại khiến cho huyền thoại tình yêu cậu mợ tôi như được phủ lên một lớp sa nhũ óng ánh. Ngày ấy gương mặt mợ trong ảnh như sự kiêu hãnh đã được sánh bước cùng chàng trai đẹp trai tài hoa có tiếng của Đà Lạt, khiến bao cô gái thầm ganh tị. Còn gương mặt cậu thì mãn nguyện vì cuối cùng cuộc chọn vợ cũng thành công. Dĩ nhiên tôi không được gặp cậu khi mẹ và chị tôi đi thăm ở trại cải tạo. Hàng chục năm sau giải phóng tôi mới được gặp cậu, khi ấy trên gương mặt cậu tôi chỉ còn nét phong sương trầm buồn và sự ngơ ngác không biết mình nên đi đâu về đâu, trên tay là cái bào nhỏ hàng ngày ra xưởng mộc bào đi bào lại đến nhẵn bóng những chiếc hộp gỗ thông làm hàng bán cho quầy bán quà lưu niệm.

Mợ Bảo Phương đi rồi, mẹ tôi ngồi thở dài nhớ em trai. Trong thư mẹ viết gửi cậu có đoạn cương quyết:
"Em nhất định không được gửi tiền về cho chị nữa đấy. Anh chị cũng có tiền lương hàng tháng. Bây giờ lương hưu của cán bộ như anh chị cũng đã được tăng, chế độ nghỉ hưu đã được cải thiện tốt rồi. Em để tiền mà lo cho vợ con, lo cho em nữa, chú ý ăn uống đừng rượu nhiều như ba ngày xưa nghe em. Em mà gửi tiền về cho chị, chị sẽ ngồi khóc cả một ngày thương em…".
Sau cuộc về nhà thăm quê ấy, sang đến San Diego , mợ Bảo Phương làm đơn kiện chồng lập mưu giết vợ.

Vụ việc được trình toà thế này:
Trần Sao gặp lại bồ cũ hồi còn học Trung học ở Đà Lạt. Bồ còn khá trẻ đẹp, lại con nhà giàu, sống tại Quận Cam. Bồ đã ly thân với chồng hai năm. Bồ có cửa hàng làm móng tay to ở giữa trung tâm Quận Cam. Trần Sao ruồng rẫy vợ con, không đưa tiền về cho vợ con. Cả nhà vợ (tuy được Trần Sao Nam đón hết sang Mỹ, nay cũng đã làm ăn khấm khá ở San Fransico, không thua kém gì gia cảnh của cô bồ), đều công nhận sự ruồng rẫy của anh ta với vợ. Anh ta thường xuyên uống rượu giả say hay say thật, đập phá mọi thứ trong nhà, lái xe đưa vợ đi làm thường giả say đi không đúng tốc độ v.v và v.v… Ngày… tháng… năm 200X, Trần Sao Nam cố tình giả say lái xe đâm thẳng vào vợ khi vợ vừa mới mở cửa xuống xe đi vào cổng nhà, làm vợ bị thương phải đưa đi cấp cứu nằm viện ba tháng. Rõ ràng đây là hành động cố ý gây tai nạn giết người. Giết vợ để nhận số tiền bảo hiểm, để lấy vợ mới là ả đàn bà hồ ly kia.

Cảnh sát Mỹ lái xe hú còi to như ngày nào bọn Mỹ nguỵ đi càn ở quê, đỗ xịch trước cổng nhà, xích tay cậu đưa đi.
Mợ Bảo Phương ngồi chồm hỗm trong nhà, mắt mở to như hai con ốc vô hồn vô cảm. Mợ không báo tin cho bốn đứa con đang học ở bốn trường đại học thuộc bốn bang trên nước Mỹ. Mợ ngồi được ba tiếng đồng hồ thì mỏi, bèn đứng dậy đi gói ghém đồ đạc, đóng hộp tất cả áo quần đồ sinh hoạt cá nhân của cậu. Xong đâu đấy, mợ lái xe đi siêu thị.
Ngoài siêu thị, một người quen cũng dân Đà Lạt hỏi:
-
Chồng Phương bị xích rồi hả?
Mợ gật đầu. Người quen lại hỏi:
-
Có thật nó định giết cô không?
Mợ lại gật đầu. Người quen thở dài:
-
Hay nó bị thần kinh? Chớ ngày trước đi đâu cũng như đôi chim cu.
Mợ gắt:
-
Chim cu gì mà uống rượu như nước sáo. ổng uống rồi chưởi. Chưởi rồi uống. Hết ngày này sang ngày khác. Hết khắc này sang khắc khác, hệt như cha ổng lúc xưa. Tui không chịu nổi. Giờ mới thấy thương cái bà già Công Tằng Tôn Nữ bên nhà.

Người quen ngẩn người ra không hiểu mợ Bảo Phương đang rên chuyện gì?
Rồi mợ về đằng nhà anh chị ruột (những người này đều được cậu bảo lãnh sang năm trước), nằm vùi trong đống chăn nệm. Không ai biết mợ nghĩ gì. Mợ không chuyện trò với ai nữa. Như kẻ câm suốt mấy tháng trời.
Hôm ấy, nhà tù cho thăm nuôi.
Mợ Bảo Phương sắm sanh thật đẹp, chọn bộ áo dài xưa cũ màu phấn vàng, chọn mua mấy thứ quả cậu thích ngày còn yêu nhau. Mợ đi vào chốn giam cầm cậu như đi đến chỗ gặp người yêu. Trong cái xách mợ để tập truyện có truyện của cậu được in trong nước. Cái truyện đó, phải chăng là cốt lõi, nguyên nhân của chính cuộc hành hình mà mợ đang bày ra cho cậu, để trừng phạt cậu.

Mà đâu phải cậu bồ bịch ngoại tình giết vợ? Cậu mắc căn bệnh trầm kha không thuốc chữa, căn bệnh mà người ở quê không ai có thể hiểu nổi, giống như bệnh phấn hoa người trong nước không ai hình dung ra. Căn bệnh này có mầm mống từ khi cậu lớn lên trưởng thành chất chưởng trong một cuộc sống không bờ bến không lý tưởng không lòng tin không neo giữ. Cậu bị quá nặng chỉ có mợ mới biết. Đành cầm lòng quyết gửi cậu vào tù.
Mợ giở cuốn truyện ra đọc đi đọc lại những dòng tác giả Trần Sao từng năm nào kiệt tận ra giấy:

"…Ông ngửa cổ, dốc cạn. Chất rượu như con nước vỡ bờ, tràn lũ dội ngược vào cuống họng rồi trôi tuột xuống, nóng ra từng khúc ruột. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ đây là lần đầu tiên ông được uống thứ rượu lạ lùng. Thơm nức mũi, cay nồng xé ruột mà công nhận là ngon. Không kiềm chế được, ông "khà" lên một tiếng thiệt là sảng khoái. Ông Mẹo gật gù, tự rót thêm một ly cho mình, rót tràn thêm ly cho ông Nẫm. Hai cái ly cụng nhau nghe cái "cốp", rượu sánh ra ngoài hết nửa. Phần còn lại chui ngọt vô hai cái miệng khát rượu. Lại rót thêm.

…
…Chỉ từ khi bắt được hơi tiền ngoại, ông tự thấy trong lòng lần hồi có sự đổi thay khác lạ. Mỗi ngày một chút, lâu rồi thành cơn bệnh trầm kha, khó bề chữa chạy. Cũng tại vì đói rách cùng khổ quá mà sinh hôn mê lú lẫn đó chăng! Đúng là bần cùng sinh đạo tặc. Con tắc kè xanh-đỏ-tím-vàng năm nào giờ đây lại hoá thân trong con người ông. Cái gì mà chén sành với lại chén kiểu! Chén mẻ hết trơn chú Bốn ơi! Đời tụi mình vớt lên từ cùng đinh khổ ải chớ có cao sang gì. Ví von kiểu này thiệt là hết thuốc chữa cho ông Hai Mẹo này quá. Tự nhiên ông thấy ngượng ngùng. Cầm ly rượu mà tay run. Ly rượu gạo của ngày nào chén chú chén anh ngọt ngào tình nghĩa. Còn ly rượu bây giờ! Đã có một khoảng cách ngăn rồi…".

Mợ chùi nước mắt. Bây giờ mợ không còn là cô Bảo Phương mảnh mai kiều diễm ngày xưa. Mợ là kẻ nghịch đạo, kẻ phản chồng, mưu hãm hại chồng.
Sau nhiều ngày nhiều tháng, cậu cần mẫn nằm trong tù. Lòng không kêu la không kiện cáo không oán hận, cậu chịu khó nằm tù như thể mình đúng là kẻ chủ mưu giết vợ.
Lúc vào tù, thằng cha người Y. nằm cùng phòng giam hé con mắt gian giảo hỏi cậu bằng thứ tiếng Mỹ bồi:
-
Mày giết người?
Cậu gật. Gã lại hỏi:
-
Chết chưa?
Cậu lắc. Gã bảo:
-
Ngu! Giết người phải lắc cái cần cổ cho nó chết hẳn. Tao lắc mãi cần cổ thằng Mẽo già nó cứ tru như chó mà không ai xung quanh biết. Nó chết thối rồi mới có người phát hiện ra.
Gã cười sặc lên.
-
Nước Mẽo đẹp tuyệt. Tao rất thích. Chỉ không thích kiểu sống lạnh như băng, hàng xóm không ai biết ai, đi đường cả hàng trăm dặm không nom thấy một đứa trẻ con hay một lão già thối tha nào ngồi ngoài cửa nhìn khách qua đường. Mày có thấy rượu là bạn tốt không? Tao lắc cổ lão già xong thì lôi mấy chai rượu trong hầm rượu của lão ra nốc. Ngon tuyệt. Mày là thằng ngu. Lần sau giết ai nhớ cách tao bảo……

Cậu nhìn trừng trừng vào các bức tường phòng giam. Cậu nhìn thấy đôi mắt mợ như hai con ốc lồi ra. Cậu chảy nước mắt khóc hai con ốc. Không hiểu vì sao nó cứ lồi ra.
Nếu ở quê nhà, có thấy hai con ốc ấy không? ở quê nhà không có bệnh phấn hoa vào mùa hoa nở.
Mùa này Đà Lạt đang có mi mô da vàng dài dại. Phấn mi mô da rắc khắp đồi thông.
Cầu Giấy, 1.10.2006
V.T.X.H

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

Các bài đã đăng
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)