Tạp chí Sông Hương - Số 209 (tháng 7)
Nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến
10:43 | 11/12/2008
PHẠM PHÚ PHONG Tập nhật ký Tây tiến viễn chinh (do Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu, Phạm Tiến Duật viết lời bạt, Nxb Hội Nhà văn, 2005) của liệt sĩ Trần Duy Chiến, bắt đầu viết từ ngày 7.10.1978, khi anh mới nhập ngũ, đến ngày 25.6.1980, trước khi anh hy sinh gần một tháng.
Nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến

1. Trong mười mấy tiểu loại của thể ký, thì nhật ký là tiểu loại gần với hiện thực nhất. Nó không chỉ có tính chân thực, mà còn trung thực, xác thực đến tận cùng. Giữa nghệ thuật và đời sống dường như trùng khít lên nhau, không còn có khoảng cách. Bởi vì người viết nhật ký bao giờ cũng viết cho chính mình, một mình mình đọc, một mình mình hay. Các thứ lý thuyết về tiếp nhận văn học, đối với thể văn này dường như trở nên bất lực. Không có quá nhiều những điều phải bận tâm, lục vấn về những vấn đề viết cho ai, viết để làm gì,... Nhật kí là viết cho chính mình, quá trình viết không chỉ là quá trình độc thoại mà còn là quá trình đối thoại với chính mình. Hơn nữa, nhật ký của Trần Duy Chiến là nhật ký chiến trường của một người lính trực tiếp chiến đấu, không phải là nhật ký văn học, anh không hề có ý định làm văn chương: Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói... (tr.56).

Không có chủ định làm văn chương, nhưng chen lẫn giữa những dòng nhật ký, anh làm đến hơn bảy mươi bài thơ, trong đó bài ngắn chỉ có bốn câu, bài dài đến một trăm bốn mươi câu, đó là do tâm hồn anh đòi hỏi. Không có chủ định làm văn chương, nhưng nhiều trang nhật ký của anh thật sự là những trang văn đẹp, những cảm nghĩ đẹp đến nao lòng: “Tôi như cánh cò hoang dưới chiều nhạt nắng, lang thang tìm chút dư hương trên cánh đồng vắng lững lờ, không nơi trú ẩn. Cò bay mãi cho tôi được nhìn quê hương qua đôi mắt nhỏ. Tôi không mơ bạc vàng hay châu báu. Tôi chỉ giữ lại trong tôi một buổi chiều khi nắng vàng len lén vướng hồn tôi.” (tr.79).

Không bị lệ thuộc một cách khiên cưỡng vào một thể loại văn học và ý thức của một người sáng tạo nghệ thuật, tác giả không bị gò bó trong một khuôn khổ, một sự chi phối nào, mà tất cả được giãi bày một cách hồn nhiên, tự nhiên những cảm nghĩ thực của tâm trạng trước đời sống. Cũng chính vì thế, tác phẩm không chỉ là nhật ký mà có đoạn là hồi ký, là tản văn, là đoản văn, tạp văn hoặc những ghi chép báo chí. Nhật ký ghi ngày 12.10.1978 chỉ có hai mươi sáu dòng là một đoản văn súc tích, phóng túng và lãng mạn về một người tình nào đó: “Cho tôi xin một lần chờ em dưới ánh trăng mờ soi sáng con đường cát dẫn vào nhà em. Xin một lần hẹn em để rồi em không đến, để rồi em trễ hẹn và chỉ còn một mình tôi dưới trăng mờ soi mỗi hồn tôi với nỗi cô đơn chồng chất trong lòng” (tr.29); nhật ký các ngày 7.3.1979, 2.7.1979 dài hơn hai trang là những tản văn tiếc nuối về tuổi học trò; nhật ký các ngày 28.1.1979, 10.10.1979 viết về quê hương, về ngày sinh của mình anh lại chuyển thành hồi ký; nhật ký các ngày 24.10.1978, 03.06.1979 là những đoản văn mượt mà đầy ắp tình yêu thương về người mẹ, về quê hương... Những đoạn văn như thế có đầy đủ các yếu tố tạo nên chỉnh thể của một tác phẩm, thể hiện đúng những đặc trưng của một tiểu loại thuộc thể ký, hoàn toàn có thể lấy nguyên xi từ nhật ký in thành một tác phẩm độc lập.

2.
Khác với hồi ký, nhằm vào hiện thực quá khứ, đã khúc xạ qua lăng kính thời gian được tái tạo lại, nhật ký nhằm đến những sự kiện, những cảm nghĩ vừa mới xảy ra, đang xảy ra, hướng đến một tư tưởng, chủ đề nhất định. Khi phải đối mặt với cái chết, người ta không thể tự lừa dối mình. Đọc Trần Duy Chiến, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những tư tưởng lo âu trước cái chết đang ngày đêm rình rập: “Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chốp đầu cây thốt nốt trước nhà, là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không? Đó là câu hỏi thường hiện lên trong tôi những lúc trời chập choạng tối. Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu đỏ hói từ phương đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời- đêm qua địch không tập kích, tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới. Cứ thế, ngày này nối ngày kia trôi nhanh qua trong sự lo lắng, khiến tôi chẳng nhớ rõ ngày nào là ngày nào cả.” (tr.156); hoặc có lúc anh phải thốt lên: “Mẹ ơi! con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc (...). Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ lắm mẹ ơi” (tr.129); thậm chí anh đã từng có ý nghĩ: “Có lắm lúc tôi muốn vụt bay khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ và làm như tôi, thì lấy ai cầm súng giữ nước?” (tr.37).

Anh là người lính thế hệ sau năm 1975, nghĩa là khi đất nước đã thống nhất, nhưng ý nghĩ của anh không khác với thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến trước kia là mấy: “Chúng tôi đã đi không tíếc đời mình/ (nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!”. Thanh Thảo, người tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, đã từng nói như vậy. Trần Duy Chiến đã ý thức và xác định nhiệm vụ một cách rõ ràng: “Quay viên thì nhàn thật, súng đạn khó hỏi thăm. Thế nhưng tôi chả thích tí nào. Thà ra ngoài chiến trường cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù, còn sướng hơn làm cái anh quay viên này (...). Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ trong suốt quãng đời bộ đội của tôi chẳng bao giờ được cầm cây súng bắn thẳng vào mặt quân thù...” ( tr.58, 59). Trần Duy Chiến cũng xác định “mình không phải là người cách mạng”, nhưng anh yêu quê hương đất nước, xuyên suốt nhật ký là nỗi nhớ quê hương da diết, những hồi ức nồng ấm về tuổi thơ, mái trường, bạn bè, người thân, nhất là người mẹ.

Nhật ký chỉ ghi được trong vòng một năm tám tháng mười tám ngày và không phải ngày nào cũng có điều kiện ghi đối với cuộc sống và chiến đấu của một người lính ở mặt trận; thậm chí, có ngày anh chỉ ghi được có ba dòng như ngày 11.10.1978 (tr.28), có ngày anh ghi mười một trang như ngày 14.8.1979 (tr.158-169), anh ghi về cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của người lính, từ cái ăn, cái mặc cho đến thuốc lá... nhưng vượt lên trên tất cả những điều ấy là một tình yêu vô bờ đối với quê hương, tuy có khi không nói ra thành câu chữ, nhưng thông qua sự kiện và ý nghĩ, ta có thể nhận ra mục đích lẽ sống, bản lĩnh và cả tư duy, giọng điệu đậm đặc chất Quảng Nam.

3.
Nhật ký là hình thức tự sự ở ngôi thứ nhất. Có khi tác giả xưng là tôi, là mình, là tớ, những trang viết về mẹ, viết cho mẹ anh xưng là con, thậm chí có khi còn xưng là lính, nhưng dù ở cách nhân xưng như thế nào, người đọc đều có thể nhận ra hình tượng tác giả là chân dung người lính thế hệ sau 1975, vừa biết tiếp tục phát huy mục đích lý tưởng của thế hệ đi trước, vừa là con người thực, có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của một người lính đi làm nghĩa vụ quốc tế, trong bối cảnh đất nước vừa mới hoà bình. Đi sóng đôi với hình tượng tác giả là gian khổ, hy sinh in theo đấu chân anh qua nhiều nơi như Lâm Phát, Buôn Lung, Tà-keo, Lô-via, Mung, Tà-lá, Xay-cờ-rơn, Tà-sanh... ở đâu trong anh dường như bao giờ nỗi nhớ cũng nặng hơn ba lô, súng đạn: “Có nhiều khi tôi nằm hát nghêu ngao một mình như người đãng trí, nhưng mặc kệ! Tôi hát cho quên đi ngày tháng trôi qua. Tôi hát không cần hay, không có đầu đề hay đoạn cuối. Tôi hát cho chính tôi nghe, hát cho tôi quên ngày tháng nhớ. Hát để nỗi buồn thực tại không làm tôi thấy trống trải hoang vu” (tr.40).

Xoay quanh hình tượng nhân vật trung tâm-nhân vật tác giả là một thế giới nhân vật sống động, đa diện đa sắc, trong đó có cả người tốt lẫn kẻ xấu, cả bóng đen của kẻ thù và niềm tin ấm áp ở tương lai; bên cạnh những người thân anh khắc khoải mơ về như người mẹ, người em, còn có một người con gái mơ hồ chưa được anh gọi tên, hoặc một em gái hậu phương mang tên Hồng Hạnh nào đó; bên cạnh những đồng đội đồng cam cộng khổ có thể hy sinh cả mạng sống cho nhau như Chính, Lâm, Thọ,... còn có cả những người khoe khoang, hèn nhát, nhỏ nhen, ích kỷ cố chấp... Ngay cả trong đội ngũ, anh cũng nhận ra những người lính thật và thứ lính mệnh danh: “Đời lính là một chuỗi ngày chất chứa đầy rẫy những cực khổ và lo âu. Ai là người cầm súng mà không có cái suy nghĩ như tôi, có chăng là những con người không bao giờ thật thà với lương tâm của mình và một số người mệnh danh là cầm súng nhưng chưa bao giờ cầm súng mới không cùng cái suy nghĩ ấy. Bởi nhẽ họ cũng đổ mồ hôi, nhưng vào những lúc lao động, họ cũng đi hành quân từ nơi này đến nơi khác nhưng bằng xe. Quá lắm, nếu có vận dụng đến đôi chân thì bù lại chiếc ba lô sau lưng họ chứa những thứ đồ dùng cá nhân hàng ngày. Chúng nặng đến độ thả xuống nước có thể làm chiếc phao cho những ai chưa biết bơi dìu nó mà qua sông” (tr.164).

Đã có nhiều nhật ký của các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý... đã được in thành sách. Nhưng đó là các nhà văn chuyên nghiệp, viết nhật ký đối với họ không chỉ là ghi tài liệu mà còn là hoạt động sáng tạo có ý thức. Trần Duy Chiến ghi lại nhật ký chỉ là đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tâm hồn một cách tự nhiên như bản năng của con người. Vì thế, cố nhiên những điều anh đặt ra sau đây chỉ là giả định: “Nếu một mai tôi chết? Thì cuốn “nhật ký” này sẽ là những gì còn lại của cuộc đời tôi. Đó là một người bạn vô tư và thuỷ chung mà tôi yêu quí. Tất cả tấm lòng với khối óc tôi đã trao gởi vào đây. Nếu một mai tôi không còn nữa, xin dành những ước mơ đẹp nhất cho quê hương yêu dấu...” Có thể nói đó là những trăn trối sau cùng, được người biên soạn trích in vào trang bìa bốn, khi đọc được làm cho ký ức một thời chiến tranh trong tôi, bỗng dậy lên, buộc tôi phải cẩn trọng lật giở từng trang sách nặng trịch máu và thuốc súng, bước vào thế giới tâm hồn rộng rinh của một con người chỉ dừng lại trên cõi đời chưa tròn 23 năm, mà đã biết sống và chết đều đi đến tận cùng ý nghĩa của nó. Những gì mà tác giả đặt ra và còn đọng lại cho đến hôm nay có giá trị cho mọi thời, cho dù cuộc sống bao giờ cũng như một dòng sông đang cuộn chảy.

4. Có được Tây tiến viễn chinh đến tay người đọc là công của nhiều người, trong đó có người đồng đội của tác giả là Nguyễn Văn Chính dám “liều mình” đem tám quả pin đèn để đổi lấy những trang ghi chép của bạn mình khỏi bị làm giấy quấn thuốc lá, sự phát hiện, biên soạn và giới thiệu của Đặng Vương Hưng, Phạm Tiến Duật (Đặng Vương Hưng còn giới thiệu nhật ký của nhiều liệt sĩ khác như Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân, Trần Minh Tiến) và cả những chú thích của đại tá Nguyễn Văn Hồng... Cuối cùng, xin được có lời không đồng tình với ý kiến trong lời giới thiệu sau đây của Đặng Vương Hưng: “Trần Duy Chiến đã không chủ ý cung cấp cho bạn đọc những thông tin tình cảm riêng tư của mình, nhưng đọc lại, đôi khi ta có cảm giác anh không chỉ viết riêng cho một người cụ thể nào đó, mà còn viết cho cả những bạn đọc hôm nay” (tr.16).

Không đúng. Không chỉ những “thông tin tình cảm riêng tư”, mà cả những miêu tả về các sự kiện, con người, cuộc sống và chiến đấu của người lính viễn chinh, anh đều chỉ viết riêng cho mình, không cung cấp cho bạn đọc nào cả, thậm chí không thể “cho một người cụ thể” nào và cố nhiên không thể “cho cả những bạn đọc hôm nay”! Hồi ký có thể viết cho nhiều người, thư (như của Hoàng Kim Giao) có thể viết cho một hoặc nhiều người. Nhật ký chỉ viết riêng cho mình. Người viết nhật ký chỉ độc thoại với mình, đối thoại với những sự kiện và con người mà mình quan tâm (trong sự tưởng tượng) chứ không có người đọc cụ thể. Nếu cho rằng, Trần Duy Chiến viết nhật ký cho một người nào đó đọc, là hạ thấp giá trị, xúc phạm những cảm nghĩ cao đẹp mà nó vốn có, anh Hưng ạ...!
 P.P.P

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài mới
Bến sông trăng (12/12/2008)
Đổi vợ (11/12/2008)
Các bài đã đăng