Tạp chí Sông Hương - Số 209 (tháng 7)
Thơ đang đánh mất sự đa dạng
14:30 | 11/12/2008
INRASARATham luận Festival Thơ Huế lần 2 tại Huế 05 và 06/6/2006Tràn lan cái giống thơ:Cái giống thơ là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận. Ngộ nhận nên quá nhiều người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Rồi tập thơ được in ra hàng loạt để...tặng. Và khốn thay, không ai đọc cả! Vụ lạm phát thơ được báo động mươi năm qua là có thật. Không thể, và cũng không nên chê trách hiện tượng này. Thử tìm nguyên do.

Người ta rất ngại viết tiểu thuyết. Chưa bàn đến chất lượng, ngại: đơn giản bởi vì tiểu thuyết thì... dài. Cần nhiều công sức và thời gian. Thơ- dễ nuốt hơn. Dễ thành... nhà thơ hơn. Hấp dẫn lắm, vậy thôi. Chưa nói việc phân ranh thơ hay với thơ dở, ngay cả thơ với cái giống thơ cũng khó phân biệt. Chỉ qua con mắt của nhà thơ tay nghề cao hay nhà phê bình có khả năng thẩm thơ tinh tế (không ít nhà phê bình đã thất bại trong tiếp nhận cái mới, từ đó sai lạc hay thậm chí phản (chuyển) động trong thẩm định thơ), chúng mới lộ nguyên hình sản phẩm xài rồi.
Một người làm thơ biếng nhác lao động nghệ thuật ưa xài hàng cũ, hàng đã qua tay. Từ đó, họ đẻ ra hàng loạt sản phẩm thơ second hand. Cụ thể hôm nay, “vô thường” là từ của nhà Phật, Phạm Thiên Thư vận dụng vào thơ, Trịnh Công Sơn đưa vào nhạc thì hay, hoặc nếu dở cũng chấp nhận đựơc. Nhưng sau đó đã có quá nhiều kẻ dùng lại khiến nó trở thành nhợt nhạt.

Chuẩn bị cho cách nghĩ mới, khác.
Ngôn ngữ là quy ước chung của xã hội. Từ chối quy ước này, chúng ta không bao giờ hiểu nhau. Trao đổi thường nhật hay làm thơ, ta phải chấp nhận quy ước đó. Thế nhưng, một nhà thơ đẫm chất sáng tạo luôn nỗ lực đặt dấu ấn của mình lên quy ước chung ấy. Để tạo ra cách nghĩ mới, khác.
Lâu nay, chúng ta đồng bộ quan điểm về thơ, đồng bộ lối thưởng thức thơ và đồng bộ cách làm thơ. Chính điều đó gây hại cho thơ. Đâu riêng gì Việt , ngay Mã Lai, nhà thơ Ibrahim than phiềân là “thơ con âm” của ông bị đại đa số người làm thơ đương thời cho là điên, khiến ông không ít khốn khó. Nhưng chính loại thơ đó, 30 năm sau Hội Nhà văn Mã Lai đề cử cho Giải Văn học Đông Nam Á.
Việt lợi thế là đất nước đa ngôn ngữ. Nhưng rất tiếc, chúng ta vẫn chưa xài tới lối nghĩ (qua ngôn ngữ) của thơ ca các dân tộc thiểu số. Theo cách nói hiện nay: chúng ta chưa khai thác đúng mức nguồn tài nguyên hiện có. Học thiên hạ xa xôi, chúng ta lại càng chưa: chương trình đại học hoàn toàn vắng bóng các trào lưu văn học đương đại của thế giới. Người làm thơ chưa được chuẩn bị tư thế làm mới, khác; độc giả của nền thơ đó cũng chưa được trang bị tinh thần và tri thức tối thiểu để đón nhận cái mới, khác. Tình trạng đó, thơ  chúng ta không dậm chân tại chỗ mới là chuyện lạ!

Hi vọng
Marquéz: Trong sáng tạo, khiêm tốn lắm tức là một tật xấu.
Quyết định sự lớn/ bé của nghệ thuật là ở tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật. Nó lệ thuộc rất ít hoặc không lệ thuộc gì cả vào các chuyện ngoài rìa:
-Giàu/ nghèo: L.Tolstoi có trang trại hàng nghìn mẫu đất với cả trăm nô lệ phục vụ trong khi Balzac và Dostoievski hầu như dành tất cả thời gian để sáng tác trả nợ.
-Thành phố lớn/ tỉnh lẻ: Hãy so sánh W.Saroyan/ W.Faulkner.
-Thành thị/ thôn quê: A.Camus/ Giono.
-Cường quốc/ nước nhược tiểu: Pasternak của nước Nga giàu mạnh và rộng lớn/ Neruda của Chilê nghèo đói và bé nhỏ đều đoạt giải Nobel Văn chương.
-Đi nhiều/ đi ít: Trong lúc Hemingway lang bạt khắp phương trời thì M.Proust đóng khung trong bốn bức tường lâu đài giữa vòng tay chăm sóc của quý bà.
-Học vị cao/ “thất học”: J.P.Sartre giáo sư- tiến sĩ/ M.Gorki chưa một lần biết mùi không khí lớp học.
-Số đông/ số ít: Trong bảng vàng nền văn chương nhân loại thế kỷ XX, với 3 triệu rưỡi dân lại là nước chiếm ngôi đầu (theo Time và Le Figaro Magazine).

Với văn chương thế giới, Việt vẫn bị xem là nền văn chương ngoại vi; với văn học Việt , văn học các dân tộc thiểu số vẫn bị xem là ngoại vi.
Tinh thần hậu hiện đại phá đổ bức vách ngăn văn chương trung tâm/ văn chương ngoại vi. Một nhà thơ dân tộc thiểu số (Chăm chẳng hạn), một nền thơ của khu vực (các tỉnh lẻ chẳng hạn), văn chương của một ngôn ngữ không là của dân tộc số đông (Việt Nam so thế giới chẳng hạn), vẫn đạt được thành tựu oanh liệt nếu, ta không mặc cảm, khiêm cung học tập và, tự tin nhập cuộc.
Đòi hỏi đầu tiên và sau cùng: dám là mình. Thế nhưng rất nhiều khi “mình” ấy chỉ là phái sinh rơi rớt đâu từ thế kỷ trước, qua những trang sách ta đọc, nếp nghĩ đóng khung bởi xã hội, truyền thống văn hoá lâu đời quy định đầu óc và trái tim ta.
Thế là ta cần có bước đột phá mới: dám làm khác mình.
Chỉ khi nào chúng ta dám làm khác mình, chúng ta mới nói đến sáng tạo!
I.R.S.R

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài mới
Bến sông trăng (12/12/2008)
Đổi vợ (11/12/2008)
Các bài đã đăng