Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Trần Hữu Lục “tôi là hạt bụi quê hương”
11:12 | 17/12/2008
NGUYỄN TÝ51 bài thơ cùng 8 ca khúc được phổ thơ của Trần Hữu Lục vỏn vẹn 120 trang qua tập thơ “Vạn Xuân” (*) mới nhất của anh, người đọc đồng cảm cùng tác giả- một người con xứ Huế tha phương.
Trần Hữu Lục “tôi là hạt bụi quê hương”

Lần đầu tiên tôi có được trong tay tập thơ “Vạn Xuân”- một tác giả đồng hương mà trước đó thi thoảng tôi bắt gặp thơ anh in trên các báo, tạp chí và rải rác trong các tuyển tập thơ. Thơ Trần Hữu Lục có cái riêng của kẻ tha phương luôn nhớ về cố quận, dẫu có chút thành đạt nơi Sài thành anh vẫn nhớ quê hương, như trong “Vô thường” vẫn có những câu đọc da diết làm sao:
“Xa quê đau đáu mẹ tóc sương
Câu hát vành nôi giờ vời vợi
Hoa bắp cồn còn lay giấc ngủ
Sao con mãi thao thiết trông tìm?...”
Sinh ra từ Huế và cũng ra đi từ đó nhưng không quên mảnh đất gắn chặt tình người. Trần Hữu Lục trong “Huế” có hai câu: “Quê xưa giờ mất dấu/ Đau đáu tình quê!” man mác một chút Đường thi mà cụ Tản Đà đã dịch “Hoàng Hạc lâu” rất thần: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” của Thôi Hiệu. Quê hương của Trần Hữu Lục đã “mất dấu” vì tác giả bỏ lại đằng sau để:
“Người tha hương khát ngụm nước sông Hương
Kẻ ở lại mà như người xa xứ
Ít có cơ hội góp phần với quê mẹ
Khi lòng người chật kín mưu toan
Chữ nghĩa có thể nào là phù phiếm?
Buồn thương người xa quê!”

Còn nhiều câu thơ hay, đọc lên dễ nhớ và càng đọc càng cảm tình với tác giả: “Một nửa tôi ơi là khoảng khắc/ Đường đời như tia chớp sáng thôi/ Chùa xưa, lá rừng và cỏ dại.../ Xin cùng tôi tĩnh lặng buồn vui” (Tĩnh lặng tôi). Có những câu anh như tự trách mình bằng tình quê thật dạt dào, sâu đậm như anh không thể dứt ra vậy: “Tuổi thơ như hạt phù sa cuối đất/ Lần lữa Tết này, nửa đời ly khách/ Gặp nhau lấy chuyện quê làm duyên” (Tết rơi đầu mùa). Hay “Nếu tình yêu là xứ sở/ Xa vắng này hoá quê hương” một chút từa tựa Chế Lan Viên: “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Nỗi lòng anh có thể hiểu để cùng chia sẻ rằng: “Đường qua lại biên giới trăm nẻo/ Quê hương chỉ có một lối về”; lại nữa: “Chợt bồi hồi...thiếu quê hương”. Rõ nhất trong bài “Hạt bụi” mà anh đã trích 4 câu hay nhất trong bài để làm bìa 4 ở tập sách:
“...Gió vẫn bay về đồng lúa
Sao tôi còn lạc giữa rừng?
Mới đó chẳng còn ai nhớ
Tôi là hạt bụi quê hương”.

Người gần gũi với Trần Hữu Lục là những văn nghệ sĩ cùng quê với anh nên hiểu con người anh và hiểu cả những sáng tạo của anh. Trong đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận định: “Trong Lục cho đến nay vẫn luôn luân lưu một dòng thi ca, rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỉ niệm mang mang về tình yêu, quê nhà. Đó không phải là đề tài dành riêng cho Lục, nhưng thật sự Lục là kẻ ít sống gần với quê...Trong thơ Trần Hữu Lục có bóng dáng của một dòng sông xanh rất xanh năm mười sáu tuổi, một thuở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”.

Lại một người đồng hương- nhà văn Sâm Thương khắc họa về anh: “(...) Không hiểu sao, mỗi khi đọc thơ của Trần Hữu Lục, tôi lại liên tưởng Huế là chốn quê nhà và Lục là một trong những đứa con hoang của Huế đang lạc loài đâu đó ở phương xa. Nhưng Lục không giống đứa con hoang trong Thánh kinh của Thiên Chúa giáo, anh không có ý định trở về vĩnh viễn vì cuộc ra đi thất bại, cũng không giống đứa con hoang trong kinh Pháp hoa của Phật giáo, vì không phải anh không biết rằng mình đã về, sự trở về đó không thể gọi là sự trở về, nó nói lên sự giải thoát của con người. Ngược lại, anh ý thức được sự trở về của mình, nếu khi có dịp trở về nơi chốn cũ. Anh trở về để nhìn lại, để trăn trở với nỗi nhớ của chính mình, rồi sẽ tiếp tục ra đi mà không chút hối hận.
Mặc cho những bề bộn, nghiệt ngã của cõi đời, thơ của Lục vẫn luôn là nỗi hoài nhớ, niềm khát khao tìm kiếm thời gian đã mất, anh luôn đối diện với bức tường của hư vô, muốn chạm tới cái thế giới siêu hình bằng chính cảm xúc và ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhưng không đơn điệu”.

Đó là lời nhận định trong suốt quá trình sáng tạo thơ qua 2 tập trước kia của anh ‘Lời của hoa hồng”, 1997 và “Thu phương xa”, 2003. “Vạn Xuân’, NXB Trẻ, 2006 là tập thơ thứ 3, trong đó có 8 bài thơ được phổ nhạc như “Vạn Xuân” (nhạc Kiều Tấn); “Sài Gòn thu” (nhạc Phú Quang); “Hoa hồng dại” (nhạc Nguyễn Văn Hiên); “Ngày về” (Hương Giang, nhạc Vũ Hoàng); “Xuân hồng” (nhạc Tôn Thất Lan); “Trắng trong” (“Dốc phố em về”, nhạc Nguyễn Phú Yên); “Ngày về” (“Đà Lạt ngày về”, nhạc Phú Quang) và “Lời của biển” (nhạc Quỳnh Hợp) đã giàu chất thơ nên lưu tình chất nhạc. Trần Hữu Lục tiếp tục hành trình vận động đổi mới nhưng vẫn không thoát khỏi khuôn khổ cái cũ nên những bài thơ như: “Vòm cây đại lộ; Đoá sen hồng; Hà Nội” chưa nổi bật xét trong tổng thể toàn tập “Vạn Xuân” nhưng cũng là tập thơ đáng được đọc.
            N.T

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 



----------------
(*) Hội Nhà văn TP.HCM- NXB Trẻ, 6/2006.

Các bài mới
Các bài đã đăng