Tạp chí Sông Hương - Số 211 (tháng 9)
Shadrach Cohen trở thành người Mỹ
10:20 | 26/12/2008
BRUNO LESSINGLGT: Bruno Lessing (1870-1940) sinh tại New York, Mỹ. Tên thật của ông là Rudolp Block nhưng ông nổi tiếng với tư cách là nhà văn chuyên viết truyện ngắn dưới bút danh Bruno Lessing. Ông là phóng viên và sau đó là biên tập viên cho nhiều tờ báo. Mô tả của Lessing về cuộc sống của người Do Thái ở New York được đánh giá cao. Truyện dưới đây được dẫn dắt một cách hấp dẫn, lý thú, làm nổi bật mối quan hệ giữa hai thế hệ: cha và con, vấn đề nhập cư, đồng hóa hay giữ bản sắc văn hóa với một giọng điệu dí dỏm.


G
iun oằn không theo một quy tắc nhất định nào; tuy vậy giun hầu hết đều oằn một cách bất ngờ. Điều đó cũng đúng với Shadrach Cohen.
Ông có hai con trai. Một người tên Abel còn người kia tên Gottlieb. Họ đã rời Nga trước bố họ năm năm và mở một cửa hiệu trên đường Hester bằng tiền ông ấy đưa cho. Do giới kinh doanh quen biết đã biết được họ điều hành cửa hiệu bằng tên của bố họ và khi công việc kinh doanh bắt đầu phát đạt và họ thấy có cơ hội đầu tư thêm tiền nhằm sinh lợi, họ viết thư cho ông bố yêu dấu, mời ông đến đất nước này. “Ở đây chúng con có một ngôi nhà tử tế dành cho bố”, họ viết: “Chúng ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau”.

Shadrach đến. Ông mang theo Marta, người phụ nữ giúp việc – người đã chăm sóc vợ ông cho đến khi bà ấy mất và là người mà theo ước nguyện của vợ ông, ông đã cho nhập khẩu vào nhà. Khi tàu cập bến, có hai người đàn ông ăn mặc bảnh bao đón ông, mỗi người mang một chiếc cà vạt sặc sỡ, có gắn kim cương. Ông phải mất ít phút mới nhận ra rằng đó là hai con trai của ông. Abel và Gottlieb nhanh nhẹn đưa tay bá cổ ông và đón chào ông đến vùng đất mới. Sau lưng ông, họ choáng váng nhìn nhau. Sau năm năm trời, họ đã quên mất là bố họ mặc quần áo may bằng vải gabơđin, thứ vải thô của các trại tỵ nạn ở Nga, và để râu dài um tùm, để những mớ tóc quăn thòng xuống hai tai mà nói ngắn gọn ông là điển hình cho những người nhập cư, những người mà vẻ bề ngoài của họ thường trông rất buồn cười. Abel và Gottlieb tự hào là họ đã trở thành người Mỹ và họ cau mày nhìn Marta.

“Nào, bố ơi”, họ nói: “để chúng con đưa bố đến tiệm cắt tóc để tỉa râu cho bố, làm cho bố trông giống người Mỹ. Sau đó chúng con sẽ đưa bố về nhà”.
Shadrach ngạc nhiên nhìn hết người này đến người kia. “Râu bố?” ông nói, “Râu bố có sao đâu nào?”.
“Ở thành phố này”, họ giải thích, “Không ai để râu như bố, trừ những người Do Thái mới đến từ Nga”.
Shadrach thoáng mím môi. Sau đó ông nói:
“Bố sẽ để râu như thế. Bố là người Do Thái mới đến từ Nga”.
Các con ông nắm chặt nắm tay để sau lưng họ và trìu mến nhìn ông cười. Sau cùng, ông nắm chặt ví đựng tiền. Châm chọc ông lúc ấy là đúng nhất.
“Chúng con sẽ làm gì với Marta?”, họ hỏi. “Chúng con đã có một người giúp việc. Chúng con không cần hai người”.
“Marta”, người đàn ông già nói, “ở với chúng ta. Cho người kia nghỉ việc. Nào, đưa bố về nhà. Bố đang đói”.

Họ đưa ông về nhà, nơi mà họ đã chuẩn bị sẵn một bữa tiệc dành cho ông. Khi ông mời Marta ngồi vào bàn ở vị trí bên cạnh ông, Abel và Gottlieb nhanh chóng quay mặt và nhìn ra cửa sổ. Họ thấy họ không thể che giấu được cảm xúc của mình. Bữa tiệc thật buồn. Shadrach phải vặn óc để tìm cho ra những lời lẽ chuẩn xác, thể hiện được những thay đổi đã đến với các con ông. Họ đã chẳng bao giờ biểu lộ tình cảm yêu thương dành cho ông còn ông thì không tìm kiếm một sự đón tiếp hồ hởi. Ông tức khắc thấy ngay là có một bức tường giữa ông và các con ông; có những thay đổi đã diễn ra, ông thấy phiền muộn và bối rối. Ăn xong, Shadrach đội mũ cầu nguyện và bắt đầu trích đọc kinh cảm ơn. Abel và Gottlieb nhìn nhau ngạc nhiên. Họ có phải đọc kinh sau mỗi bữa ăn không? Mặc cho ông bố thất vọng, tốt nhất là nên cho ông biết sự thật ngay tức thì. Khi đọc đến phần xướng, Shadrach dò dẫm nhìn các con. Abel chính là người lên tiếng giải thích:
“Chúng con lớn lên... ơ... không có thói quen này, bố biết đó, thói quen đọc kinh sau bữa ăn. Nó không giống người Mỹ!”.

Shadrach lần lượt nhìn các con. Sau đó ông cúi đầu, tiếp tục đọc kinh.
“Các con”, ông nói khi thức ăn trên bàn đã được dọn đi, “Thật là sai trái khi quên đọc kinh sau bữa ăn. Đó là một phần của tôn giáo của các con. Bố không biết gì về nước Mỹ và những tập tục của nó. Nhưng tôn giáo của các con là sự thờ kính Jehovah, đấng đã chọn chúng ta làm con cái Ngài trên thế gian. Ở nước Mỹ hay ở đất nước mà từ đó các con ra đi, các quy tắc của Đức Jehovah đều tối thượng như nhau”.
Gottlieb nhanh chóng thay đổi chủ đề bằng cách nói với ông rằng họ rất cần có thêm tiền để kinh doanh. Shadrach kiên nhẫn lắng nghe, sau đó ông nói:
“Sau chuyến đi dài, bố đã mệt mỏi. Bố không hiểu về chuyện kinh doanh các con đang nói. Nhưng các con sẽ có điều các con cần. Sau cùng, bố chẳng có ai ngòai hai con”.

Ông âu yếm nhìn họ. Rồi ông liếc sang người phụ nữ giúp việc, nói nhanh:
“Và Marta”.
“Cảm ơn Chúa”, Gottlieb nói lúc bố của họ đã đi nghỉ, “Bố đã chẳng có ý định trở thành người keo kiệt”.
“Bố được đấy chứ”, Abel đáp, “Sau khi làm quen được với mọi thứ, bố sẽ trở thành người Mỹ như chúng ta”.
Tuy thế, trong sự thất vọng của họ, họ bắt đầu thấy là sau vài tháng mà ông bố vẫn cứ ngoan cường bám lấy những thói quen và tập tục của cuộc sống cũ. Họ càng thúc giục ông từ bỏ những lề thói ấy thì ông càng cương quyết giữ lấy chúng. Ông dường như chẳng quan tâm gì đến chuyện kinh doanh nhưng ông vui vẻ trả lời tất cả những câu hỏi về tiền bạc của họ. Ông bắt đầu thấy rằng đó là mối dây duy nhất liên kết ông và các con của mình. Và mỗi khi bỏ tiền vào túi, họ đều lắc đầu và thở dài.

“Ôi bố, ước gì bố đừng có khăng khăng làm người lạc hậu!, Abel nói.
“Hãy để cho chúng con sửa sang lại cho bố một chút”, Gottlieb ngắt lời.
“Bố hãy cấp tiến hơn, như những người khác cùng tuổi bố ở đất nước này”.
“Bố hãy để râu ngắn hơn và tỉa kiểu khác đi”.
“Bố hãy học nói tiếng Anh”.
Shadrach chẳng nổi nóng cũng chẳng quở trách chúng. Ông lần lượt nhìn chúng và mím chặt môi. Và khi họ đi rồi, ông nhìn Marta và nói:
“Marta, hãy nói với tôi những điều chị nghĩ. Hãy nói với tôi điều chị nghĩ”.
“Can thiệp vào chuyện giữa cha và con là không nên”, Marta nói. Và Shadrach chẳng bao giờ có thể thuyết phục được bà ấy nói ra những điều bà nghĩ. Nhưng sau những hờn tủi mà các con gây ra cho ông, ông nhận được tia sáng lấp lánh trong mắt Marta và thấy bà ngập ngừng rửa xoong chảo hàng giờ liền.

Như chúng ta đã nói lúc trước, giun oằn không có quy tắc. Tuy nhiên, có những con giun oằn rất đột ngột. Điều đó cũng đúng với Shadrach Cohen.
Gottlieb báo với bố anh rằng anh đang nghĩ đến chuyện lấy vợ.
“Cô ấy rất đẹp”, anh nói. “Tất cả đều phụ thuộc vào cô ấy”.
Khuôn mặt bố anh bừng sáng.
“Gottlieb”, ông nói, hai tay đưa ra, “Chúa ban phước cho con! Đó là điều hay nhất con nên làm. Marta, lấy cho tôi mũ và áo khoác. Gottilieb, đi nào. Đưa bố đi gặp cô ấy. Bố không thể chờ đợi. Bố muốn gặp con dâu tương lai ngay. Mẹ con sẽ vui biết bao nếu bà còn sống tới hôm nay”.
Gottlieb đỏ mặt và chần chừ.
“Bố à, con nghĩ”, anh nói, “tốt nhất là bố không nên đi. Chúng ta nên đợi vài ngày, chờ cô ấy sắp xếp xong mọi việc. Cô ấy là cô gái Mỹ. Bố biết là cô ấy sẽ... ơ... không hiểu bố. Bố đến có khi sẽ làm hỏng mọi việc”.

Keng! Marta làm rơi chiếc chảo sắt bà đang rửa. Shadrach đỏ mặt giận dữ.
“Được rồi!”, ông nói, “Đã đến thế thì thôi. Con xấu hổ vì bố của con!”. Rồi ông quay về phía người giúp việc già:
“Marta”, ông nói, “ngày mai tôi và chị trở thành người Mỹ”.
Giọng nói của ông có ngữ điệu cảnh báo.
“Bố đừng giận...”, Gottlieb nói nhưng ông bố đã cắt ngang lời anh bằng điệu bộ giận dữ.
“Không nói nữa. Đi ngủ! Đi ngủ ngay tức khắc...”.
Gottlieb lặng người. Anh há miệng nhìn ông bố. Từ nhỏ tới giờ anh chưa hề nghe bố anh nói bằng giọng điệu như thế.
“Nhưng bố...”, anh nói.
“Không nói nữa. Có nghe không? Tôi sẽ không nghe một lời nào nữa. Trong vòng năm phút nếu không đi ngủ thì đi ra khỏi nhà. Hãy nhớ, nhà này là của tôi”.
Sau đó ông quay sang Abel. Abel đang lặng lẽ hút thuốc.
“Quẳng ngay điếu thuốc”, bố anh lạnh lùng ra lệnh.
Abel há hốc miệng và choáng váng nhìn bố.
“Marta, lấy điếu thuốc trong miệng nó đi và quẳng vào lò. Nếu nó phản ứng, nó đi ra khỏi nhà”.
Marta khoái trá giật điếu thuốc trên hai môi thờ thẫn của Abel và bất ngờ dẫm mạnh lên các ngón chân của anh. Shadrach nghiêm nghị chằm nhìn các con thật lâu.
“Ngày mai”, ông chậm rãi nói, “các con sẽ bắt đầu có một cuộc sống mới”.

Sáng hôm sau, trong tâm trạng đầy ắp những sợ hãi. Abel và Gottlieb nhanh chóng rời nhà. Họ muốn đến cửa hiệu để nói về chuyện tối qua. Tuy nhiên, khi họ chưa vào tới cửa cửa hiệu thì hình dáng của ông bố họ đã lờ mờ hiện ra ở cửa. Trước đây, ông chẳng bao giờ đến đó cả. Ông hết sức thích thú nhìn ngắm sự thịnh vượng của cửa hiệu. Khi nhìn vào bảng hiệu “Shadrach Cohen – Chủ nhân” trên cửa, ông cười tủm tỉm. Vẻ bề ngoài của ông – một viên thư ký mặt tái nhợt, miệng ngậm thuốc lá – đã làm cho các con ông bị sốc và trước khi họ hồi tỉnh, ông đã tiến tới, giọng cứng cỏi hỏi:
“Anh làm gì ở đây?”
“Vâng, thưa ngài, ngài cần mua gì?”
Shadrach tò mò nhìn người thanh niên. Ông ấy cũng là người Mỹ? Người thanh niên nhăn nhó cau mày.
“Nào, nào! Tôi chẳng thể đứng đây suốt ngày. Có cần mua gì không?”
Shadrach cười và quay sang các con ông.
“Cho anh ta nghỉ việc ngay. Bố chẳng cần loại người đó ở đây”. Sau đó, ông quay sang người thanh niên – người đã nhanh chóng biết được ông là ai – và lạnh lùng nói:
“Này anh, bất cứ khi nào anh nói với người lớn tuổi hơn anh, phải nói năng cho lễ phép. Phải biết tôn trọng cha mẹ anh. Giờ thì đi nhanh đi. Tôi không thích anh”.
“Nhưng bố à”, Gottlieb ngắt lời, “chúng con cần một ai đó làm công việc của anh ấy”.
“Vậy sao?” Shadrach nói, “Được rồi, hiện tại thì con làm việc đó. Thế người thanh niên kia làm gì ở đây?”.
“Anh ấy cũng là người bán hàng”.
“Hãy cho anh ta đi. Abel sẽ thế chỗ anh ta”.
“Nhưng bố à, ai sẽ là người quản lý cửa hiệu? Ai sẽ làm cho công việc trôi chảy?”
“Bố”, ông bố nói. “Nào, đừng nói nữa. Làm việc đi”.

Trong sự tiu nghỉu, khốn khổ và với những ý nghĩ rối tung. Abel và Gottlieb bắt đầu làm công việc khiêm tốn của họ trong khi ông bố khởi sự làm quen với những chi tiết của việc kinh doanh. Và khi chưa hết ngày làm việc, ông đã cau có đến chỗ các con trai.
“Tệ quá”, ông thốt lên. “Đúng như bố đoán, cả hai con chưa làm cho cửa hiệu sụp đổ nhưng đã làm cho công việc kinh doanh hết sức rối rắm. Cái chúng con thiếu là đầu óc. Ngay cho dù trở thành người Mỹ có nghĩa là đã trở nên ngu xuẩn thì bố cũng phải chúc mừng sự tỉ mỉ trong công việc của các con. Ngày mai, bố sẽ thuê người điều hành cửa hiệu. Ông ta sẽ sắp đặt giờ làm việc cho chúng con. Ông ta sẽ trả tiền tùy theo khả năng mà chúng con có. Không trả hơn một xu. Cửa hiệu đóng cửa lúc mấy giờ?”.
“Dạ sáu giờ”, Abel đáp.
“Hừ! Được rồi, bắt đầu từ hôm nay, cả hai con sẽ ở lại đây cho đến tám giờ. Sau đó một đứa có thể đi. Đứa còn lại sẽ ở đến mười giờ. Có thể thay phiên cho nhau. Bố sẽ bảo Marta đem cơm ra”.

Abel và Gottlieb ngạc nhiên thấy công việc kinh doanh của Shadrach Cohen bắt đầu phát đạt. Dần dà, họ phát hiện ra rằng, trong lĩnh vực kinh doanh, họ chỉ là những đứa trẻ nếu so sánh với bố họ. Ông thật sự là người biết làm ra tiền; ông giải quyết những tình huống phức tạp nhất trong kinh doanh thật tuyệt vời và trong những tình huống mà kinh nghiệm không giúp ông giải quyết được thì bản năng lại giúp ông đi tới. Và dần dần, khi công việc kinh doanh của Shadrach Cohen phát đạt, khi những viễn cảnh về sự thịnh vượng còn lớn hơn cả sự mong đợi, họ càng ngày càng nhìn bố họ bằng sự kính trọng. Họ nhanh chóng chịu thua đầu óc khôn ngoan của ông dù từ chối tính cách trung thực và lòng cao thượng nơi ông. Các con của Shadrach Cohen trở nên tự hào về ông bố của họ. Ông cũng đang dần trải qua một sự thay đổi. Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt ông, ông trở nên phóng khoáng hơn, rộng lượng hơn và trên hết thảy là các nguyên tắc của ông trở nên mềm dẻo hơn. Những liên hệ với cuộc sống bên ngoài đã làm cho ông nhanh chóng thấy là có những khác biệt rất lớn giữa cuộc sống hiện nay với cuộc đời cũ ở Nga. Sự quyến rũ của cuộc sống ở Mỹ, của tự do, dân chủ đã thu hút ông mạnh mẽ. Khi các hoạt động kinh doanh được mở rộng, ông ngày càng có nhiều liên hệ với giới doanh nhân Mỹ, những người mà từ họ ông học được các khả năng thích ứng cơ bản. Và khi các con ông bắt đầu thấy rằng tất cả giới doanh nhân, những người mà trước đây họ phải nhìn bằng con mắt tôn kính, dường như nhìn bố họ khác đi, bằng sự kính trọng – điều mà những người ấy chẳng bao giờ thể hiện đối với họ – thì họ càng ngưỡng mộ ông bố.

Nhưng Shadrach Cohen vẫn la Shadrach Cohen.
Từ khoảnh khắc bùng nổ khi mà ông nổi dậy chống lại các con ông, ông yêu cầu chúng phải biết thành thực kính trọng và nghiêm túc nghe lời. Với suy nghĩ ấy, ông trở nên nghiêm khắc và cứng cỏi. Hơn thế, ông khẳng định cần phải tuân thủ nghiêm ngặt từng quy tắc một của tôn giáo của họ. Những điều ấy lúc đầu là một viên thuốc đắng nhưng họ cũng sớm làm quen được với chúng. Khi cuộc sống thanh thản và nhẹ nhàng thì tôn giáo bay đi mất, nhưng khi bầu trời trở nên đen tối, cuộc sống thì khó nhọc và gánh trên vai trở nên nặng nề thì chúng ta lại an ủi là hãy để tôn giáo gánh lấy và chúng ta bám vào tôn giáo. Và Shadrach Cohen dạy các con ông rằng cuộc sống là khó nhọc. Họ đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm bánh mì. Không có người tù bị xiềng và gông nào bị lệ thuộc vào sự trông coi của cai tù hơn là Gottlieb và Abel.

“Các con đang sống dựa vào lòng nhân từ của bố”, bố họ nói với họ, “Bố sẽ dạy cho các con cách kiếm sống”.
Và ông dạy họ. Từ bài dạy của ông, họ học được nhiều điều, biết được giá trị của kỷ luật, biết được vẻ đẹp của tình phụ tử, biết được niềm vui trong cuộc sống khó nhọc.
Một ngày nọ Gottlieb nói với bố:
“Tối nay con mời Mariam đến ăn tối nghe bố? Con lo là không biết bố có muốn gặp cô ấy không?”.
Shadrach quay mặt đi do đó Gottlieb không nhìn thấy được niềm vui đang bừng lên trong mắt ông.
“Vâng, con mời đi”, ông trả lời. “Bố cũng đang lo không biết cô ấy có xứng với con không”.

Mariam đến và Gottlieb bối rối, thẹn thùng giới thiệu cô ấy với bố. Cô gái ngạc nhiên nhìn người đàn ông đáng kính đang đứng trước mặt mình – một vị tộc trưởng râu dài um tùm, mớ tóc quăn xõa xuống tai, mặc quần áo vải gabơđin dài. Cô nhìn cặp mắt nâu đang chằm nhìn mình, cặp mắt khôn ngoan nhưng mềm mại như đôi mắt của một người phụ nữ, cặp mắt của một người đàn ông mạnh mẽ có trái tim nhân hậu. Cô bất ngờ tiến đến và bắt tay ông. Và với nụ cười trên môi, cô nói:
“Bác sẽ không chấp nhận cháu ư?”

Khi ăn tối xong, Shadrach đội mũ cầu nguyện và cúi đầu đọc kinh cầu nguyện sau bữa ăn:
“Chúng con cầu xin Cha ban cho sức lực nhờ lương thực vừa ăn!”. Và môi Gottlieb cũng vang lên lời đáp thiết tha:
“Cầu xin Cha!”.
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch

(Từ The International Story, NXB Saint Martin’s Press, New York, 1994)

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 

Các bài mới
Ánh trăng (26/12/2008)
Các bài đã đăng