Tạp chí Sông Hương - Số 211 (tháng 9)
Những chuyện chưa phải ai cũng biết về người treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Huế 8/1945
15:11 | 26/12/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).
Những chuyện chưa phải ai cũng biết về người treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Huế 8/1945

Gia đình ĐVV và gia đình tôi vốn là chỗ quen biết (thân phụ tôi có thời hoặc chữ Nho với ông nội ĐVV) nhưng từ lâu tôi chỉ biết ông là một trung đoàn trưởng lừng danh thời chống Pháp và quan tâm đến quãng đời lận đận của ông sau khi rời quân ngũ, không ngờ ông đã sớm được tin cậy trao trọng trách góp phần vào một sự kiện có ý nghĩa ở Huế trong những ngày đầu khởi nghĩa.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là cuộc cách mạng của cả dân tộc, nên chàng trai được cấp trên tin cậy ấy lại là một "công tử" con quan. Thân phụ chàng là cụ Đặng Văn Hướng, đỗ Phó bảng năm 1919, từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình ở Huế... Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Hồ Chủ tịch đã mời cụ làm Bộ trưởng không bộ, phụ trách 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông nội chàng là cụ Đặng Văn Thuỵ, đỗ Hoàng Giáp năm 1904, từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám Huế. Cụ Thuỵ xuất thân từ một gia đình thợ rèn, đỗ đại khoa, làm quan to, khi cáo quan về quê lại sống cuộc đời dân dã như một người lao động bình thường nên dân chúng trong vùng truyền tụng rất nhiều giai thoại tôn vinh cụ. Nhắc đến gia thế và để hiểu nguồn gốc một con người, xưa nay thường chỉ kể về bên nội; điều đó không "công bằng" và cũng không chính xác, vì "bên nội" chỉ làm nên nhiều lắm là một nửa con người!  Vậy nên xin kể qua gia đình bên ngoại của chàng trai họ Đặng. Bà nội của chàng là ái nữ của cụ Cao Xuân Dục, một vị đại thần có nhiều công lao trong sự nghiệp văn hoá-giáo dục thời nhà Nguyễn; thân mẫu của chàng xuất thân từ một đại gia họ Hoàng nổi tiếng ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Đó là gia đình cụ Hoàng Đạo Phương, anh ruột cụ Hoàng Đạo Thuý - người anh cả Hướng đạo Việt . Ngoài cô con gái đầu lòng về làm dâu họ Đặng, những cô gái khác con cụ Hoàng Đạo Phương trở thành những "nội tướng" của các gia đình danh giá; trong đó, đặc biệt có bà Hoàng Thị Hảo là phu nhân của ông Trịnh Văn Bính, một nhân sĩ nổi tiếng, Thứ trưởng Bộ Tài Chính, người đã có công xây dựng ngành Tài chính nước ta thời kỳ cách mạng mới thành công; một người nữa là bà Hoàng Thị Hồ, phu nhân của ông Trịnh Văn Bộ, một nhà công thương yêu nước từng đóng góp lớn về tài chính cho Chính phủ cụ Hồ trong những ngày đầu về thủ đô; Căn nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình bà Hồ chính là nơi Hồ Chủ tịch đã ở lúc viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Viêt Nam dân chủ cộng hoà; cũng chính gia đình bà đã hiến 117 lạng vàng trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội... Nhắc gia thế của người chiến sĩ treo cờ trên Ngọ Môn Huế 1945 để thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh với chính sách đại đoàn kết đã có sức tập hợp mọi tầng lớp trong xã hội vì nghĩa lớn của dân tộc - một bài học lớn vẫn có ý nghĩa đến ngày hôm nay.

Chàng trai xuất thân từ một gia đình như thế đã có vinh dự được treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên cột cờ trước Ngọ Môn. Chàng từng là học sinh Trường Quốc học Huế; sau khi đỗ tú tài toàn phần, ra Hà Nội học "trường thuốc", nhưng chưa thành bác sĩ thì Nhật đảo chính Pháp, "trường thuốc" phải đóng cửa, chàng lại trở vào Huế dự lớp học "Thanh niên tiền tuyến" của Phan Anh, tham gia tổ Việt Minh bí mật trong lớp học.
Sáng 20/8/1945, ĐVV được mời đến một điển hẹn gặp đồng chí Trần Hữu Dực, lúc đó là Thường vụ Tỉnh uỷ.
- “Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo nó lên cột cờ trước cửa Ngọ Môn.”
- “Xin cho biết bao giờ xong?”
- “Nội trong ngày mai 21/8.”
Người lính trẻ ĐVV theo tác phong quen thuộc chỉ biết tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhận lá cờ to bằng cả gian nhà từ tay đồng chí Trần Hữu Dực trao cho, Đặng Văn Việt cuộn lại cho vào một bao tải, buộc vào sau xe đạp rồi chở về Trường "Thanh niên tiền tuyến". Trên đường phố, xe đạp, xe kéo nhộn nhịp, tiếng guốc gỗ lẹp kẹp kéo lê dọc vỉa hè; một tốp lính Nhật chừng 30 tên, hàng ngũ chỉnh tề. đang đi về phía Toà Khâm, tên chỉ huy đeo lưỡi kiếm dài gần sát đất. ĐVV dừng xe nghỉ lấy sức, ăn một bát chè đậu ván thịt quay cho mát dạ. Trên kỳ đài, cờ “ba que” vẫn phấp phới tung bay trước gió...
Hơn nửa thế kỷ sau, ĐVV kể lại chuyện cũ một cách bình thản, nhưng ngày đó thì người lính trẻ hẳn là hồi hộp lắm. Về đến trường, anh giấu kín bao tải trong một góc buồng. Hầu hết anh em lớp "Thanh niên tiền tuyến" đã "Việt Minh hoá", nên chẳng cần phải quá giữ gìn. Sáng hôm sau, ngày 21/8/1945, theo kế hoạch đã thống nhất với đồng chí Lâm Kèn, tổ trưởng Việt Minh, Đặng Văn Việt cùng với Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha) dùng xe đạp chở lá cờ lớn đến kỳ đài Huế. Hai anh em ăn mặc chỉnh tề với bộ kaky vàng mới toanh, dày cộp và bộ ghệt ôm chặt đôi chân, mũ ca-lô đội đầu, trong chẳng khác gì 2 ngự lâm pháo thủ. ĐVV thì còn khẩu súng ngắn “Barillet” của anh Thế Lương cho mượn đeo bên hông. Lá cờ được cuộn tròn theo chiều ngang, to như một con trăn lớn, buộc chặt và gác lên hai đầu xe đạp.

Kỳ đài Huế có 3 tầng, cột cờ cao 29,52 mét. Dây kéo cờ là một sợi thừng to bằng cổ tay, mỗi lần kéo cờ lên xuống phải dùng sức mạnh của sáu tên lính vạm vỡ. Do đó, nếu không dựa uy thế của cách mạng khuất phục bọn lính bảo vệ ở đây thì hai chàng thanh niên vừa “Việt Minh hoá” không thể kéo cờ lên được. Bảo vệ cột cờ trước Ngọ Môn lúc đó có một tiểu đội lính 12 tên, được trang bị 12 khẩu súng mút-cờ-tông, chỉ huy là một "thầy đội". Họ còn có nhiệm vụ là đốt pháo lệnh vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều. Bọn chúng đã nghe tin cách mạng nổ ra ở Hà Nội và nhiều nơi khác nên không dám ngăn cản hai chiến sĩ của ta.
Dựng xe đạp dưới chân kỳ đài, Nguyễn Thế Lương chịu trách nhiệm giữ xe và lá cờ, còn Đặng Văn Việt chạy băng lên nhà lính gác, truyền lệnh cho thầy đội:
- Theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa Cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Các anh cho hạ ngay cờ quẻ ly...
Trước uy thế của cách mạng, "thầy đội" không dám phản ứng, miệng rối rít:
- Dạ dạ, các ông cứ ra lệnh.
- Anh cho hai lính xuống giúp đưa cờ lên đây.

5 phút sau, lá cờ đã được đưa đến vị trí cần thiết và lễ treo cờ bắt đầu. Lúc đó vào khoảng hơn 9 giờ sáng. 6 lính bồng súng và thày đội xếp hàng ngang, Nguyễn Thế Lương đứng đầu hàng. Đặng Văn Việt ra lệnh: "Hạ cờ". Sáu người lính liền kéo dây hạ lá cờ quẻ ly xuống rồi buộc thay vào đó là cờ đỏ sao vàng. Sau khi chỉnh đốn lại hàng ngũ, Đặng Văn Việt hô lớn: "Chào cờ. Chào!"
Những người lính bảo vệ kỳ đài bồng súng chào, còn hai chiến sĩ Viêt Minh đưa ngang tay chào kiểu nhà binh. Lá cờ Tổ quốc hai ngày trước đã tung bay trên bầu trời Hà Nội, nay từ từ đựơc kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn, giữa tiếng reo vui của nhân dân thành phố Huế đang sục sôi khí thế cách mạng.
Hai ngày sau (23/8/1945), Cách mạng Tháng 8 bùng nổ ở Huế, Uỷ ban khởi nghĩa Trung Bộ và Thừa Thiên - Huế ra mắt trước một cuộc mít tinh lớn. Và một tuần sau (ngày 30/8/1945), cuộc mét tinh lớn thứ hai tổ chức trước Ngọ Môn để làm lễ nhận ấn tín của nhà vua và công bố tuyên ngôn thoái vị trước Đoàn đại biểu thay mặt Chính phủ Trung ương do ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Huy Cận đứng đầu…

Những chuyện đó nhiều người đã biết. Nhưng có một chi tiết là trước cuộc mét tinh, theo đề nghị của vua Bảo Đại, trước khi giao ấn kiếm, Ban Tổ chức cho phép kéo cờ quẻ ly lên lần cuối và do đó, lần thứ hai, lá cờ đỏ sao vàng lại được kéo lên. ĐVV đang đứng dự mít tinh, bỗng thấy ông lãnh binh đội cận vệ Hoàng gia (lính khố vàng) đến cạnh và nói: “Hôm nọ, khi hai ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông. Xiníy kiến Hoàng Đế,, ngài thét lên và bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy! Các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó!”…Hôm ấy mà Hoàng Đế ra lệnh bóp cò thì hôm nay hai ông không còn nữa  và chắc chắn hôm nay tôi và vợ con tôi cũng không còn nữa…” ĐVV cười và nói: “Vận nước đã xui các ông không làm một việc bậy bạ. Tránh được một thảm hoạ cho cả hai bên…”

Câu chuyện nhỏ “đừng bắn” ấy trong ngày Cách mạng Huế Tháng 8 /1945, ngẫm ra thật có ý nghĩa …Và hầu như toàn bộ lực lượng vũ trang của chính quyền Trần Trọng Kim lúc đó gồm lính khố vàng, lính khố xanh, lính khố đỏ đều răm rắp theo lệnh của cách mạng, hạ vũ khí, bàn giao kho tàng cho Uỷ ban khởi nghĩa; nhiều người đã tham gia lực lượng vũ trang của ta. ĐVV được chỉ định làm Phân đội trưởng Phân đội I (gồm 36 người) của Giải phóng quân, trần giữ cửa Thuận An và tại đây, anh đã chỉ huy trận bao vây chiếc tàu đầu tiên của giặc Pháp định quay lại chiếm Huế, bắt sống một số tên, trong đó có tên quan ba là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn do tướng Alessandri chỉ huy…
Sau những ngày đầu cách mạng sôi nổi ấy, lớp chiến sĩ trẻ trường “Thanh niên tiền tuyến” của Phan Anh đã tiếp tục có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc ta, trong đó có 8 người đã trở thành những tướng lĩnh được nhiều người biết như Cao Văn Khánh, Phan Hàm, Cao Pha, Đoàn Huyên, Lâm Kèn…

Riêng người chiến sĩ kéo lá cờ năm ấy, trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp đã lập những chiến công lẫy lừng, xứng đáng với vinh dự được cách mạng tin cậy giao phó ngày đầu cách mạng. Đặng Văn Việt chính là người trung đoàn trưởng nổi tiếng đã chỉ huy những trận đánh trên "Đường só 4 rực lửa" trong chiến dịch biên giới (năm 1950), khiến tướng tá giặc khiếp đảm và gọi ông là "Đệ tứ quốc lộ đại vương"! Ngày 19/8/1987, đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lời mở đầu cuốn hồi ký “Đường số 4 - con đường lửa” của Đặng Văn Việt đã viết: “Cuốn hồi ký…đã trung thành ghi lại một phần những sự kiện quan trọng và những giờ phút không bao giờ quên trên chiến trường lịch sử. Với ý nghĩa ấy, cuốn hồi ký là một thành công. Tôi rất hoan nghênh.” Trong “Lời tựa” cho cuốn sách, đại tướng Hoàng Văn Thái cũng đã viết: “ …Cuốn sách này, bằng lời văn giản dị, mộc mạc, đã miêu tả được những trang sử hào hùng của đường số 4 năm xưa…Cuốn sách cũng đã nêu được một số nét đặc sắc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tôi thành thực hoan nghênh tác giả và cho rằng đây là một cuốn sách quý …” Cuốn sách đã được Uỷ ban toàn quốc các Hội văn học- nghệ thuật toàn quốc trao tặng thưởng. Được biết ĐVV còn là tác giả chính của một bộ sách lớn viết về nghệ thuật quân sự của Việt đang chờ được xuất bản.
Với nhân dân Huế, 61 năm qua, ngay cả quãng thời gian thành phố bị tạm chiếm, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn luôn là ánh sáng soi đường, là niềm hy vọng và đến nay, ngày ngày lá cờ ấy vẫn tung bay trên kỳ đài như một biểu tượng của Tổ quốc vững mạnh trường tồn.

         Trường An-Huế, Tháng 8/2006
         (Theo hồi ký của Đặng Văn Việt)
                           N.K.P

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 

Các bài mới
Ánh trăng (26/12/2008)
Các bài đã đăng