Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Bóng nội trong sương
16:00 | 05/01/2009
NGUYỄN HỮU TẤN(Lớp 9 - Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng)LTS: Trại sáng tác văn thơ thiếu nhi 2006, do Nhà Thiếu nhi Huế phối hợp với Hội LHVHNT, Hội Nhà văn TT.Huế tổ chức đã khép lại. Hai mươi tám tác phẩm từ một vụ mùa non tơ đã phản ánh một phần thế giới thơ trẻ, hồn nhiên nhưng cũng rất người lớn của các em. Nhân Trung Thu 2006, Tạp chí Sông Hương trân trọng giới thiệu những quả bói đầu mùa.

Bóng nội trong sương

- Nội ơi nội! Con về rồi nội này...
Đứng ngoài bờ rào tre, cất tiếng gọi vào mà tôi sốt cả ruột. Không có tiếng trả lời.
Căn nhà tịch mịch, yên ắng không có một tiếng động. Tôi đứng ngó nghiêng ngó ngửa vào nhà. Cửa mở, nội đi đâu hở nội? Lách người qua cánh cổng tre tôi bước vào sân. Bóng tre, bóng cau đứng lọc nắng giữa sân in xuống những mảng nắng vỡ tan tác. Phảng phất đâu đây là mùi hoa bưởi quyện với mùi lúa chín ngọt ngào thanh mát, từ sân gạch bốc lên là mùi rêu mốc riêng biệt. Lá cây rơi lả tả xuống sân, xuống vai tôi, gió thổi mát rượi, chốc chốc lại vang tiếng gà nhảy ổ. Bước qua tiếp giàn mướp sai quả, vào nhà, tôi lại gọi:
- Nội ơi, nội! Vẫn không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng bát đũa lạch xạch, nội đang ở dưới bếp thì phải. Đưa mắt nhìn vào trong tôi chỉ thấy một màu đen dày đặc phủ lên mọi thứ, có tiếng muỗi vo ve, vo ve rõ mồn một. Có tiếng guốc mộc lọc cọc đi lên và bà nội tôi hiện ra.

Chao ôi! Bà khác quá. Tóc bà bạc trắng như cước, lưng còng hẳn, đôi mắt dường như đã mờ, đi đứng chậm chạp, bà vẫn mặc chiếc quần đen cũ kĩ, cái áo bà ba trắng sờn vai bạc màu, vẫn quàng cái khăn rằn có mấy chỗ vá. Tôi thấy thương bà vô hạn.
- Ai đó? Bà húng hắng ho rồi khẽ hỏi.
- Dạ... dạ con đây nội. - Tôi đáp mà như khóc.
- Con... là... là Mật... phải không?
- Dạ... Bà nghe đáp, vội ngước nhìn tôi bằng đôi mắt mờ đùng đục hiền từ rồi cầm tay tôi, nước mắt rưng rưng.
- Mả... cha... mi... thằng Mật... răng lâu ni... mi không về... thăm tau... mi.
- Dạ... con bận học! Tôi cười gượng.
- Vô... vô nhà không nắng con. Bà lật đật kéo tôi vào nhà.
- Mới về à? Hay lâu rồi? Về bằng xe đò con? Mũ nón mô, răng đi đầu trần rứa? - Bà tôi hỏi dồn dập vừa dúi tôi xuống giường.
- Dạ con mới về, con đi bằng xe đò tới đầu làng rồi đi bộ về đây.
- Ăn uống chi chưa?
- Dạ, chưa mà con không đói.
- Mi làm chi mà ốm rứa? Da đen nhẻm. - Bà vừa nhìn tôi vừa nói, đoạn lắc đầu một cái rồi xuống bếp.
- Mệ xuống coi xoong cá!

Tôi rót một chén nước và uống. Nước vối ngòn ngọt, có ủ gừng càng thêm ngon. Dưới bếp khói bốc lên cay xè con mắt. Mọi vật trong nhà giờ tôi mới nhìn rõ, không thay đổi. Bất giác, tôi thấy mình thật mệt mỏi, liền ngả mình xuống phản khảm xà cừ với những hoa văn rối rắm.
Nhìn xéo ra mảnh vườn, trời xanh vời vợi, từng đám mây trắng lang thang trong cái nắng hanh vàng. Bà tôi lại lên, chậm rãi, từ từ đến bên tôi. Tôi giả vờ ngủ, biết bà đang giăng mùng cho mình ngủ, bất chợt thấy sống mũi cay cay, lòng dâng lên một niềm xúc động.
- Bà vẫn thương cháu như ngày nào!
Ngày trước, ở cái phản này này, tôi bị bà đánh năm roi đau quắn đít vì tội ăn trộm ổi, khế nhà người khác. Hồi đó, bà còn khoẻ, người thẳng, tóc còn đen muối tiêu, mắt chưa mờ, đánh tôi xong bà mới dỗ tôi bằng hai quả trứng gà luộc với dĩa bánh đúc mật bự xư lứ. Tôi vui mừng tíu tít với món quà quê bé nhỏ ấy quên cả đau... Đó là một kỉ niệm đẹp của một thời thơ dại, lêu lổng mà tôi còn ghi mãi trong lòng.

Tôi ngồi dậy bước ra sân. Nắng hanh gay gắt, nóng nực. Đến bên bờ giếng, tôi múc nước rửa mặt, nước mát rượi tỉnh cả người.
- Trưa rồi, vô ăn cơm Mật! Có tiếng bà gọi. Tôi bước vào nhà.
Bữa cơm chỉ toàn thức ăn quê mà ngon lắm. Đã lâu rồi tôi chưa được ăn cơm do bà nấu. Ở tỉnh, tôi đã được ăn những thức xanh xanh đỏ đỏ nhưng vẫn không ngon bằng. Bà ăn chầm chậm, đơm cơm cho tôi mãi. Có hai bà cháu mà cũng vui đáo để, hai bà cháu nói chuyện táo lao tào đế cả buổi cơm. Cơm xong, bà dành rửa chén đũa. Tôi thơ thẩn dạo trong vườn một mình.
- Vườn nhà mình bữa ni răng nhỏ rứa nội?
- Vẫn rứa đó, tại anh lớn tướng đấy thôi...
Ừ, tôi quên mất, tôi đã lớn rồi mà ...

Gió thoang thoảng mát. Vài tiếng gà trưa eo óc nổi lên, hàng chuối vẫy vẫy mấy tàu lá như chào đón tôi, con sông hiền hoà chảy đem theo mấy cụm lục bình, hương bưởi vẫn thơm nhè nhẹ. Trèo lên cây bưởi, tôi nhìn qua bên kia bờ sông nhỏ, một hồi chuông trưa đồng vọng lại. Không biết ngôi chùa nhỏ bên sông có còn không? Hồi còn ở đây, tôi thường tắm vào mỗi buổi chiều và nghe tiếng chuông trầm trầm vọng lại. Và vẫn vào chùa đó chơi hoài.
Cơn buồn ngủ nhẹ nhàng kéo đến, tôi tụt xuống cây bưởi rồi nằm trên đám cỏ mật và mi mắt tôi nặng dần, giấc ngủ từ từ đưa tôi vào giấc mơ thơ trẻ ngày nào...

Trời đã chiều. Nắng nhạt bớt một chút. Tôi lang thang nện từng bước chân lên con đường đầy sỏi trắng giữa sân chùa cũ. Bao nhiêu năm rồi mà ngôi chùa này vẫn như trước, vắng vẻ, trầm tịch, tất cả như đang thiền tịnh hay ngủ say. Một vài cơn gió đuổi nhau mang theo cả bụi cát và mấy chiếc lá vàng úng. Một sư nữ đang quét lá đa rất thầm lặng như một cái bóng. Hình như là sư mới thì phải! Bởi khi tôi đi thì vị sư nữ đầu tiên của chùa cũng vừa mất. Thấy tôi vị sư nữ kia dừng việc bước vào điện thờ. Trong đầu, những kỉ niệm đang vọng về...
Ngày xưa có một buổi chiều nọ, tôi cùng lũ bạn quỷ sứ xuống tắm sông. Tắm thoả thê, cả lũ hè nhau bắt cá. Thế là cả lũ đứa trẹt đứa nia hốt cá, bắt được cá rồi tôi và chúng chạy vào chùa, lựa chỗ nào vắng ngồi nướng cá ăn. Thừa lúc bà sư đó vắng mặt, cả lũ bợ luôn cả đồ cúng Phật. Bà sư biết được, giận lắm xuống méc ba mẹ chúng tôi. Thế là tối đó, chúng tôi bị no đòn tởn tới già. Không biết thời nớ ăn chi mà liều dữ rứa? Tôi mỉm cười, cười cho sự “ngu ngốc” của tuổi thơ mình. Hình như kí ức đang quay trở lại...

Tôi quay lưng cất bước ra, mùi hương trầm phảng phất, tiếng chuông, tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh nối dài liên tiếp tạo thành một chuỗi âm thanh buồn buồn ấm ấm. Từng bụi nắng nhạt nhoà trong sương khói làm cho phong cảnh trở nên huyền ảo, lung linh. Tôi thấy lòng bâng khuâng, đầu óc thảnh thơi kì lạ. Như có cái gì đó xoá tan nỗi lo âu trong tâm trí tôi.
Bữa cơm tối chẳng mấy chốc lại đến rồi cũng qua mau. Đêm đó, dưới mái nhà tranh, bà cháu tôi chong đèn nói chuyện cho tới khuya mới ngủ. Cả hai bà cháu thao thức, thức cả đêm không ai ngủ được. Khi cả bà cả tôi chìm vào giấc ngủ thì ngoài trời, trăng thượng tuần sáng vằng vặc, sáng cả khoảnh sân gạch trước nhà, mùi hương bưởi vẫn thơm đưa, sương xuống ướt đẫm cả cỏ cây. Chốc chốc lại vang lên vài tiếng vạc đục rền, não nùng trong khuya thanh vắng lẫn với vài tiếng chó sủa cắn ma từ xa vọng lại. Ngoài đồng, tiếng dế kêu rỉ rả, rỉ ra như ru...

Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị hành lý lên tỉnh. Bà tôi cũng phụ một tay, cặp xách của tôi nặng trĩu các thức quê của bà. Bà đưa tiễn ra đầu làng, khi qua mấy luỹ tre ngà, mấy thửa ruộng, lòng tôi xúc động ghê gớm. Mùi lúa sữa dậy vang, thơm phức. Cả đồng như lên tiếng gọi: “Tuổi thơ ơi! Giã từ nhé, từ đây xa mày rồi nhé! Biệt ly tuổi nhỏ!”. Tôi bần thần như kẻ mất ngủ, nửa buồn nửa vui chia tay bà dưới cổng làng. Bà nắm tay tôi, run run, mắt nhoà vì nước mắt:
- Nhớ về thăm nội nghe... con!
- Dạ... nội về đi... con đi.
Bà đưa tay vẫy tôi, tôi cũng vẫy lại rồi đi nhanh qua cánh cổng làng không dám ngoảnh lại vì sợ mình sẽ khóc. Bước lên ngọn đồi lộng gió tôi mới dám quay lại nhìn nội cho tới khi bóng nội nhoè đi trong màn sương sớm. Xa xa, ngọn khói bếp nhà ai bốc lên, lẻ loi giữa bầu trời xanh thẳm...
Huế, 25/08/2006
N.H.T

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài mới
Hắc đại bàng (07/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Các bài đã đăng
Mẹ quê (05/01/2009)