Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Kí ức tỉnh lẻ
16:39 | 05/01/2009
MARCEL PROUSTL.G.T: Khác với Kafka là nhà văn mà tác phẩm được dịch khá nhiều ở Việt , Proust chỉ có một cuốn được dịch (Dưới bóng các thiếu nữ đang hoa) và chắc chắn ít người đọc nó. Nhưng do sự toả sáng của tên tuổi và của tác phẩm, Proust hình như vẫn là một nhà văn quen thuộc với độc giả Việt Nam, ít nhất với những độc giả hay đọc sách và tạp chí văn học.
Kí ức tỉnh lẻ

Dưới đây là một trích đoạn trong quyển Về phía nhà Swann (1913), cuốn mở đầu của tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất. Đây cũng là đoạn đầu của ký ức đã được thức tỉnh về Combray (“tên huyền thoại” của vùng Illiers, quê nội của nhà văn) sau khi người kể chuyện đã trưởng thành, nếm lại mùi vị của chiếc bánh mađơlen nhúng vào chén trà nóng vào một ngày đông lạnh...
Kết thúc đoạn này vẫn là một cuộc trở về với thời gian đã mất, một lặp lại của sự cố trên: Sau một kiểu “nghi lễ” chuẩn bị tỉ mỉ, được thể hiện trên văn bản bằng một sự tích hợp của vô vàn chi tiết, là thời điểm chiếc bánh mađơlen nhúng vào chén trà nóng hổi được cô Léonie trao lại cho người kể chuyện, khi ấy còn là một cậu bé con.


Cách xa mười dặm quanh vùng, nhìn từ con tàu chúng tôi thường đi vào tuần cuối trước Lễ Phục Sinh, Combray chỉ là một ngôi nhà thờ vừa tóm lược vừa đại diện cho thành phố để nói hộ về nó với các khoảng xa xăm, và khi ta tới gần, giống như một cô bé mục đồng ôm đàn cừu, ngôi nhà thờ ôm sát vào trong tấm áo choàng dài màu sẫm của nó, ngay giữa đồng ngược hướng gió, những bức tường xù xì màu xám phía sau lưng của các ngôi nhà xúm xít, mà các tường thành còn lại của thời Trung cổ, đây đó lại viền một vòng tròn hoàn hảo như một thành phố nhỏ trong tranh của hoạ sĩ nguyên thủy. Nếu để ở, Combray khá buồn, buồn như những con phố và những ngôi nhà xây bằng đá đen của vùng, trước nhà có những bậc lên, phía trên có những đầu hồi hắt bóng xuống mặt nước, những ngôi nhà tối, hễ chiều bắt đầu xuống là đã phải vén rèm lên trong các “phòng”; những con phố mang tên trang trọng của các vị thánh (nhiều vị gắn với lịch sử các lãnh chúa đầu tiên của Combray): Phố Saint - Hilaire, phố Saint - Jacques, nhà bà cô tôi ở đó, phố Saint - Hildegarde có cái hàng rào sắt, và phố Saint - Esprit là nơi mở ra cái cửa ngang nhỏ của khu vườn; và các con phố Combray này còn lại trong một góc xa xưa của kí ức tôi, mang những sắc màu đối với tôi khác hẳn sắc màu thế giới hiện nay, tới mức tất cả chúng, kể cả ngôi nhà thờ vươn cao giữa quảng trường, đều trở nên huyền ảo hơn cả hình chiếu của cây ảo đăng nữa; tới mức một đôi khi, dường như nếu còn được đi qua phố Saint - Hilaire, rồi thuê một căn phòng của phố Oiseau - (ở khách sạn cũ Oiseau Fleseché ấy, từ các tầng hầm bốc lên một mùi thức ăn, hiện nay thỉnh thoảng vẫn còn dâng lên trong tôi, cũng vẫn nóng hổi và phả từng luồng từng luồng in như vậy) - việc đó sẽ giống như được tiếp cận với Thế giới bên kia, và còn hư ảo một cách kỳ diệu hơn cả việc làm quen với Golo và nói chuyện với Geneviève de Brabant vậy.

Chúng tôi ở trong nhà bà chị họ ông tôi - bà cô của tôi - bà là mẹ của cô Léonie, từ khi chồng cô, chú Octave qua đời, cô Léonie đã không còn muốn rời khỏi trước tiên Combray, rồi tới nhà cô ở Combray, rồi phòng cô, rồi giường cô, và cô không còn “xuống” nữa, lúc nào cũng nằm trong một trạng thái vật vờ, giữa sầu muộn, yếu mệt, bệnh tật, định kiến và mộ đạo. Căn hộ riêng của cô mở cửa ra đường Saint - Jacques, đi mãi thì tới quảng trường Grand - Pré (do đối lập với Petit Pré, ở ngã ba, xanh um ngay giữa trung tâm thành phố), căn hộ đó bằng bặn, màu xám nhờ, trước mỗi cửa gần như đều có ba bậc đá kết, trông giống như cái hẻm do một người thợ khắc ảnh gô tích đục ngang ở tảng đá mà anh ta định nặn một cái máng cỏ hay hình đồi Calvaire. Thực sự cô tôi chỉ còn ở hai phòng cạnh nhau, đến chiều sang buồng kia trong khi người ta mở cửa cho thoáng phòng bên này. Giống như ở một vài xứ, có những khoảng lớn biển hoặc không khí như sáng rực lên hoặc thơm nức nhờ vào hằng hà sa số những động vật nguyên sinh, đây là những căn phòng tỉnh lẻ khiến ta vui sướng bởi hàng ngàn mùi vị toát ra từ phẩm hạnh, khôn ngoan, thói quen, cả một cuộc sống thầm kín, vô hình, thừa thãi và đạo đức mà không khí còn lưu giữ lại; những hương vị hãy còn tự nhiên, tất thế, và có màu thời gian giống hương vị vùng quê bên cạnh, nhưng đã quanh quất trong nhà, gần con người và đã có mùi hấp hơi, một thứ thạch tuyệt diệu, khéo làm và trong suốt của tất cả hoa quả trong năm, đã rời bỏ vườn cây để vào trong tủ những hương vị theo mùa, nhưng đã thành quen thuộc trong nhà, bù vào vị ngọt sắc của món nước đông trắng, đã có vị êm dịu của bánh mỳ nóng, rỗi rãi mà chính xác như một chiếc đồng hồ làng, biếng nhác mà ngăn nắp, vô lo mà biết phòng xa, nội trợ, sớm tỉnh ngủ, mộ đạo, sung sướng nhờ vào niềm yên bình chỉ pha thêm chút lo âu, và nhờ một chất đời thường, có thể thành một dự trữ chất thơ lớn lao cho ai đi qua mà không từng sống tại đấy.

Không khí ở đây chan hoà tinh chất một sự yên tĩnh đầy dinh dưỡng, ngon lành tới mức tôi đi vào đó với một kiểu tham lam, nhất là vào những buổi sớm mai còn lạnh của tuần lễ Phục Sinh, khi tôi cảm nhận nó rõ hơn bởi chỉ vừa mới tới Combray: Trước khi tôi vào chào cô tôi buổi sáng họ còn để tôi đợi một lúc, trong căn phòng đầu, ở đấy mặt trời, còn cái lạnh mùa đông, đến sưởi trước lò, lửa đã đốt lên giữa hai viên gạch; cả căn phòng như sơn mùi bồ hóng giống như một trong “phía trước lò” ở nông thôn hoặc như những hòm lò sưởi trong các lâu đài, ngồi dưới đó, ta lại ao ước ngoài kia, mưa hay tuyết sẽ rơi, hoặc ngay cả một tai hoạ đại hồng thuỷ nào đó, để thêm chất thơ của việc qua đông vào cho tiện nghi của việc ẩn cư; tôi đi vài bước từ bàn quỳ để cầu nguyện tới ghế phô tơi bằng nhung trang trí, bao giờ cũng có tựa đầu đan móc; rồi lửa nướng các mùi vị ngon lành lổn nhổn trong phòng thành một thứ bột mì mà khí ẩm đầy nắng của buổi sáng đã nhồi cho “lên men” rồi sau đó lại nhào nặn, làm nhăn lại, thổi phồng lên, làm những mùi vị đó trở thành một chiếc ga tô tỉnh lẻ vô hình mà vẫn sờ mó được, một cái bánh “chausson” mênh mông; tại đây vừa thưởng thức xong cái hương thơm giòn tan, tinh tế, nổi tiếng nhưng khô khan của chiếc tủ hốc tường, tủ áo, của giấy tường trang trí, tôi lại cứ trở lại, thèm thuồng một cách dấu diếm, ngập ngụa trong thứ mùi trung tính, dinh dính, nhạt nhạt, khó tiêu và còn thơm mùi quả tươi của chiếc khăn trải giường hoa.

Trong phòng bên tôi nghe thấy cô tôi đang nói chuyện lầm bầm một mình. Bao giờ cô cũng chỉ nói khe khẽ bởi cô nghĩ trong đầu cô có cái gì đó gẫy và bồng bềnh mà nếu nói to quá nó sẽ bị di chuyển, nhưng không bao giờ, ngay cả khi ở một mình lâu, mà cô lại không nói gì, vì cô tin như vậy sẽ tốt cho cổ họng, và khi làm cho máu lưu thông cô sẽ bớt bị ngạt thở, lo sợ và đỡ đau; vả chăng, trong khi sống bất động tuyệt đối như vậy, cô đã gán cho mọi cảm giác nhỏ nhất một tầm quan trọng lạ kỳ; cô thấy chúng có một năng lực vận động khiến cô không sao giữ chúng cho riêng mình, và không có người tâm phúc để trao đổi, cô tự thông báo với mình trong một độc thoại triền miên, cũng là hình thức hoạt động duy nhất của cô. Không may, đã có thói quen nói to ý nghĩ của mình, cô không bao giờ để ý xem có người ở phòng bên cạnh không và hay nghe cô nói với chính mình: “Ta phải nhớ rằng ta đã không ngủ được” (bởi vì không bao giờ ngủ được là điều khẳng định lớn nhất của cô mà ngôn từ của tất cả chúng tôi phải tôn trọng và thể hiện: buổi sáng, Francoise không “đánh thức” bà mà “vào” phòng bà; khi cô tôi muốn làm một giấc trong ngày thì phải nói là bà đang “nghỉ” hoặc đang “nghĩ”, và khi chính bà lại quên trong câu chuyện tới mức nói rằng: “Cái ấy đã đánh thức tôi” hoặc “tôi nằm mê thấy rằng”, thì bà đỏ mặt lên và nói chữa lại ngay.

Một lúc sau, tôi vào ôm hôn bà; Francoise pha chè cho bà; hoặc nếu bà cảm thấy không yên tĩnh bà yêu cầu nước thuốc sắc và chính tôi được giao việc đổ từ cái túi thuốc ra đĩa, lượng hoa ti-ôn cần thiết để sau đó bỏ vào nước sôi. Những cành phơi khô đã cong lại thành một kiểu lưới mắt cáo lắt léo, giữa các hình cuộn đó nở ra những bông hoa nhàn nhạt, như thể một hoạ sĩ đã sửa sang lại chúng theo những kiểu dáng hoa mỹ nhất. Lá ti-ôn đã mất đi hoặc đã đổi dáng, có vẻ của những vật lủng củng nhất, giống như cánh trong suốt của một con ruồi, mặt trái màu trắng của một cái êtikét, hay của một cánh hoa hồng, nhưng đã bị chất đống lại, nghiền nhỏ hay tết lại, như để làm thành một cái tổ. Hàng ngàn chi tiết vô ích - một sự phung phí đáng yêu của người dược sĩ - mà đáng lý người ta đã bỏ đi trong một sự điều chế qua loa, lại cho phép tôi, như trong một cuốn sách mà ta kinh ngạc nhận ra tên một người quen, có được niềm vui hiểu rằng đó là những cành ti-ôn thực giống như tôi từng trông thấy chúng ở đại lộ La Gare, đã thay đổi, nhưng đó không phải là những mẫu trùng, mà chính là bản thân chúng, có điều chúng đã già cỗi đi.

Trong những viên tròn bé nhỏ màu xám; mà mỗi đặc trưng mới chỉ là hoá thân của đặc trưng cũ tôi lại nhận ra những nụ xanh chưa đến thì nở; nhất là ánh hồng, màu ánh trăng và êm dịu, tới mức khiến các bông hoa nổi bật lên giữa rừng cành mong manh, chúng treo trên đó như những bông hồng nhỏ óng vàng - giống như ánh lờ mờ còn chỉ ra trên một bức tường thành vết của một bích hoạ đã bị phai, đó là dấu hiệu của sự khác nhau giữa những: phần trên cây đã từng “có mầu” và những phần không có - ánh hồng ấy cho tôi biết rằng những cánh hoa kia đúng là đã từng làm thơm ngát các buổi chiều xuân, trước khi chúng nở ra trong túi thuốc. Ánh lửa có mầu hồng trong của nến thờ này, cũng vẫn là mầu của chúng, nhưng đã một phần phai mờ và lắng dịu đi trong cuộc sống nay đã úa tàn, đó cũng là hoàng hôn của các bông hoa vậy. Đã đến lúc cô tôi nhúng được một chiếc bánh mađơlen nhỏ vào nước hãm nóng bỏng, cô nhấm nháp vị của lá khô hoặc của hoa tàn, rồi đưa cho tôi một mẩu bánh khi nó đã đủ mềm.
Đặng Thị Hạnh dịch
(Từ nguyên bản Về phía nhà Swan - Flammarion 1987)

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài mới
Hắc đại bàng (07/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Các bài đã đăng
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Mẹ quê (05/01/2009)