Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Người thơ Phùng Quán bây giờ
09:21 | 07/01/2009
NGUYÊN ANMột nhà văn đồng hương cao niên hỏi tôi:- Sao bây giờ ta mới quen nhau nhỉ?Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:- Thôi, từ nay nhé!
Người thơ Phùng Quán bây giờ

Nghe ông nói, tôi “Dạ”, mà mừng ít, lo nhiều. Mừng thì đã rõ lý do, còn lo, là vì từ lâu nay tôi vẫn nghĩ: Mình đến với bạn bè, với văn chương, liệu có ích lợi gì cho họ, haylà chỉ mang đến một ý nghĩ, một niềm vui giao cảm? Còn ông, với tôi, là cả một khoảng cách thật xa...
Vì cứ mang cái tâm trạng lo lo như vậy, nên dẫu đã có mấy lần được hẹn, được rủ tới nhà ông Phùng Quán, tôi rất muốn, vẫn cứ ngại ngùng. Tôi chả lạ lắm về ông, tôi đã xem ảnh ông hồi trẻ nhiều lần, một chàng trai vừa có vẻ đẹp học thức, vừa ánh lên vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ Điện Biên... Hồi đó, và ngay cả bây giờ, coi anh bộ đội thắng trận Điện Biên trở về, là anh hùng thời đại, cũng là tâm trạng thực..; tôi cũng được nghe kể chuyện ông viết những câu thiết tha: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu, thế mà cũng là cái cớ để lụy vào thân. Đó là những câu đã có anh bạn giáo viên của tôi chép tặng ông chú người yêu của anh ta (ông này làm cán bộ huyện, không muốn cô cháu gái kết hôn với anh bạn giáo viên của tôi).

Tôi không ngờ lại gặp ông Phùng Quán thế này: Chúng tôi ngồi uống nước chanh ở quán ven hồ. Anh bạn tôi vừa ở Nga về, sau khi kể chuyện nước Nga Xô Viết lâm nguy (Những năm 1988-1992) ở ta chưa mấy ai dám nói Nước Nga Xô Viết tan vỡ, sụp đổ như bây giờ), với vẻ mặt thật buồn, tự nhiên anh đọc: Tôi yêu nước Nga như yêu quê Việt / Vất vả, hiên ngang tươi thắm vô ngần / tôi quý dân Nga như làng quê Việt / Trên mỗi chặng đường, trong mỗi miếng cơm ăn...
- Ơ, anh chàng ni lẩy thơ Nguyễn Đình Thi hí!
Chúng tôi quay sang ông già râu tóc vẫn ngồi uống bên cạnh (hình như là rượu, vì cốc nhỏ), vẻ trầm ngâm tư lự. Anh bạn tôi không nói gì, đọc tiếp: Cầu cho em có được người tình như tôi đã yêu em, rồi im lặng, mắt dõi nhấp nhô sóng. Tôi nhìn kỹ ông già vừa hỏi, thốt nhiên kêu lên:
- Ông là Phùng Quán phải không?
Mắt ông reo vui, mà dáng ngồi vẫn thế.
- Ừ, mình đây.

Trong cái dáng ngồi với gương mặt của ông, tôi thấy có gì như nhẫn nại, cam chịu, chấp nhận, mà vẫn có vẻ bồn chồn ba động một ý nghĩ, sục sôi một dự định thì phải. Rồi ông cũng đọc thơ, rồi ông mời chúng tôi uống rượu... thế là quen nhau. Nhưng không hiểu sao, sau hôm ấy, vì đã buột miệng nói với ông rằng “Em dạy học ở Thái Bình mới lên Hà Nội...”, thì cũng chả sai nhưng không đúng lắm, lại thấy ông xoắn xuýt: “Dạy ở Thái Bình à? Có biết ông Nguyễn Hữu Đang không?”, thì tôi cứ thấy như là mình không phải với ông. Ông là người sống rất thật, thơ ông cũng trước sau nêu cao cái tấm lòng trung trinh chân thật sáng trong với đất nước, với lý tưởng mà ông đã gắn bó từ thuở thiếu thời...

Ấy là chưa kể, có lần, ông hỏi tôi: “Sao dạy học, lại dạy văn ở Thái Bình đến dăm năm mà cũng không biết ông Nguyễn Hữu Đang hỉ? Hay là cậu ngại ngùng gì mà không tìm ông ấy? Thấy ông gạn hỏi mãi, thì tôi kể đôi tí cho ông nghe chuyện ông Đang sống cạnh trường học, phải tự lo liệu cái ăn cái mặc... ông im nghe, đuôi mắt nhăn nheo ứa lệ, miệng lẩm bẩm “Thật à? Thật à? Tội quá, tội quá... Tôi đỡ lời cho ông bớt thương cảm xót xa: “Thì em cũng biết thấp thoáng thôi chứ không rõ lắm đâu, có lẽ bây giờ ông ấy khá hơn rồi...” Phùng Quán thì thầm, ấm ức đọc và nói nghe rất rành rẽ, âm vang: “Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao là rứa đó a? ua trời!...”. Chìm đắm trong suy tưởng một lúc, ông hỏi:
- Cậu lên đây đã quen với những ai rồi?
Tôi chưa kịp trả lời, đã nghe ông vừa hỏi vừa nói:
- Cậu thích dạy thơ hay dạy truyện? Theo mình biết thì có người dạy thơ hay mà dạy truyện không hay. Thơ là sự chưng cất như hóa học, anh không có vốn đời, không tinh tế sâu sắc thì không nói về thơ cho đúng và cho hay được. Người ta nghe anh nói, chẳng qua là lịch sự xã giao thôi...
- Vốn đời mà anh nói, chắc nghiêng về phía những trải nghiệm từ sự trắc trở buồn đau hơn là từ những thành đạt toại nguyện phải không?

Ông không trả lời tôi mà ra hiệu im lặng, rồi chậm rãi đọc: Biết khổ đấy/ Mà không ngại khổ/ Bởi đất sinh ra là để làm cà/ Mặc cho sâu róm đầy cành/ Rễ còn bám đất/ Còn khôn nguôi tím nguôi xanh... rồi nói: Cậu hiểu là những ai muốn làm cây cà quả cà chứ? Cây cà ở trong quê ta đó, chứ không phải là cây hoa cây quả gì khác đâu. Viết ý này thì phải mượn chuyện vịnh cây cà thôi, như ngày xưa ông Uy Viễn vịnh cây tùng cây thông ấy.
Tôi nghe và ngắm ông, chợt thấy ông có nét giống Trần Hữu Thung. Tôi gợi:
- Thơ anh viết nhiều về các loài cây, toàn viết về cây, đúng không? Sao vậy?
- Mình có nhiều năm, nói như mấy ông, là bầm dập, mình vịn thơ mà đứng dậy, mình cũng nhìn cây mà nghĩ, mà đi thôi.
- Thì cũng là tiếp tục cái mạch thơ “trông cây mà nhớ nghĩ đến người” từ xửa từ xưa theo lối thơ chở đạo văn ngụ tình đồng cảnh đồng tâm đó chăng?
- Chưa chắc hẳn thế đâu! Luân có biết bài hoa sen của anh chứ? Không phải là cái ý tự răn đời rằng gần chỗ bẩn mà ta phải phấn đấu để ta khỏi dơ, ta vẫn tươi tốt đẹp đẽ, như mấy ông thầy dạy văn các cậu vẫn giảng đâu!

Rồi Phùng Quán đứng dậy, đọc và diễn như trên sân khấu trước bao người:
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh...

Tất cả, tất cả, tất cả!...
Là do bùn hôi tanh nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ...
Tôi còn nhớ rõ là ở ba câu sau cùng của đoạn này, “Như nhân dân / Gian truân, thầm lặng, vô danh / Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ...” nhà thơ đọc chậm rãi, nhấn rõ từng từ... mà chúng tôi nghe, cứ ngỡ là ông rút ra từ lồng ngực có trái tim đang dồn dập thở kia cả tinh chất của đời ông, tóc và râu ông xúp xõa thế kia, tay ông giơ lên hạ xuống thế kia... Thơ ông là lời độc thoại của ông với ông, để khẳng định điều ông từng tâm niệm, cũng là sự tranh luận tranh cãi của ông với những ai ai đó trong cuộc đời, thẳng thắn, rõ ràng, không có gì phải ngại ngùng né tránh như phản xạ “bản năng” thường thấy ở một người từng bị tai nạn.

Nghe nói, hồi ở tuổi hai mươi, Phùng Quán bị coi là “kiêu ngạo”, bài thơ Hoa sen này không biết ông làm lúc nào, nếu làm khi ở tuổi 40, 50, lại bảo ông là “kiêu ngạo có hệ thống” chăng? Khi có đi lại với ông ít nhiều, tôi cho là hồi ấy, ông có nét khoa trương ồn ào thì phải. Ồn ào khoa trương thì khác với kiêu ngạo chứ. Người có tài, lại thành công sớm... có trượt sang ồn ào khoa trương, kể cũng nên thông cảm, bao dung. Lại trộm nghĩ thế anh là gì mà thấy người ta viết thế lại bảo người ta “kiêu”? giọng ấy, ý ấy thì chỉ có anh mới nói / viết được ư? Nhà thơ đích thực thì chính là nhân dân và thời đại. Nhân dân biết rõ “thân phận lịch sử” của mình, biết rõ việc mình cần / nên làm, và chấp nhận, như cây cà kia, như cây xương rồng kia, như cây cọ, cây dứa, cây sao sao, cây vạn niên thanh... kia nữa mà, phải không?

Bây giờ thơ ca đương đại Việt ta có nhiều giọng điệu hơn, ý tứ cũng sâu sắc và đủ cung bậc... thì có thể, thơ Phùng Quán và một số người do nhất quán về tư tưởng nghệ thuật, về cái cách phô diễn ý tứ.. nên có người cho là đáng quý, mà có gì hơi cứng? Lại nhớ những năm đầy khí thế chiến thắng ngoại xâm ấy dân mình nghĩ thế, nhà thơ viết thế, những là:
Bạn hỏi.
- Nước Việt thương mến ở phương nào?
Hở mẹ? Hở em? Hở anh? Hở chị?
Họ sẽ đưa tay chỉ thẳng hướng mặt trời
- Bạn hãy vượt qua một vạn con sông, một vạn trái đồi
Thấy một xứ sở giang tay ôm biển lớn
Việt Bắc, Trường Sơn, núi cao, rừng rậm...
Đồng Tháp Mười mỏi cánh cò bay.
Lòng chảo Điện Biên vạn quân thù nát tan ở nơi đây
Đồn lũy hôm qua xanh màu ruộng cấy...
Nước Việt anh em ở đấy!...
với là:
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Chắc ai cũng nghĩ như tôi: Sự thẳng thắn hết mình ở những dòng thơ hào sảng này dẫu hơi cứng, mà vẫn đáng quý trọng biết bao! Tính thời sự của thơ Phùng Quán là một giá trị vậy.
Phùng Quán là đứa con của đời, là đứa con yêu của quê hương. Ông cất lên tiếng thơ đớn đau mãnh liệt của đời sống Việt ta một thời... cứ nhớ nghĩ về ông như vậy, chúng ta thấy yên lòng.

Tôi may mắn còn có dịp phỏng vấn ông về thơ, về chuyện này chuyện nọ. Ông rỉ rả kể, chuyện ông, chuyện những người bị “oan sai” khác nữa, mà như chuyện của ai, thắm thiết những kỷ niệm buồn đau mà không gợn oán hờn. Đấy cũng là cao cả, đấy cũng là một chút trượng phu nơi ông mà chúng tôi học theo.
Cái ý nghĩ lo sợ không có gì để nói, để được “làm bạn” với ông của tôi bị ông phát hiện. Ông bảo: bạn văn nghệ là bạn tri kỷ vong niên vong bần vong chức tước... Nghe ông, đồng ý với ông, mà tuyệt nhiên tôi vẫn không dám buông thả. Tôi còn giữ được bút tích bài trả lời phỏng vấn của ông, không biết đây có phải là bài cuối cùng ông viết theo dạng trực tiếp trò chuyện với bạn yêu thơ không nữa. Thỉnh thoảng tôi lại lấy mấy trang ông viết ra đọc, lại gom tìm được một số ý không thật mới nhưng vẫn hay hay.
Phùng Quán là nhà thơ đảm lược, có tác phẩm thơ giàu năng lượng.
N.A

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài mới
Hắc đại bàng (07/01/2009)
Các bài đã đăng
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Mẹ quê (05/01/2009)