Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Hắc đại bàng
10:08 | 07/01/2009
HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.
Hắc đại bàng

Dạo ấy đã sang tháng bảy. Tháng bảy ở miền Trung trời nóng lắm, mà ở vùng đất Ngân Sơn nhiều gò đồi cằn cỗi thì cái nắng càng đáng sợ hơn. Vào một buổi chiều, đợi cho mặt trời nghiêng hẳn về tây, lão Tịch mới vác cuốc ra khỏi nhà. Đám đất nằm nghiêng nghiêng bên sườn đồi, nửa rẫy nửa ruộng đã được lão cuốc lật từ giữa tháng trước, chuẩn bị đợi mưa xuống sẽ tỉa bắp, chỉ còn cái bờ chưa ria, và chiều nay, lão dự định sẽ ra làm nốt.
Từ xa, nhìn tới thửa đất của mình, lão Tịch phát hiện thấy một vật màu đen, nổi rõ trên cái nền đất mới loa lóa nắng vàng. Có lẽ thằng nào giữ trâu, vứt áo giữa ruộng, chạy đi chơi đây mà! Lão nghĩ, song đến gần, trời ạ, hóa ra là một con quạ đen thui, hai cánh xòe ra, còn hai chân thì đang cào cấu túi bụi.
Cứ để nguyên cái cuốc trên vai, lão Tịch đứng nhìn một cách chăm chú. Lão đoán, chắc con quạ đang đánh nhau với con rắn lửa hoặc con cóc. Dự đoán của lão Tịch sai nốt. Khi con quạ phát hiện có người, vụt bay lên trời, kêu quạt quạt, bỏ lại một bãi phân nhão từ trên không rơi xuống, lão già liền tiến tới. Không rắn, chẳng cóc. Chỉ có một quả trứng bị đất lấp đi phân nửa, phần còn lại lộ ra.

Ông lão cầm quả trứng lên, phủi đất săm se, tưởng là một quả trứng vịt, song nhìn kỹ thì đó là trứng gà, chỉ có điều cái trứng này hơi to so với trứng gà thường.
Con quạ đã mất hút tự lúc nào. Lão Tịch dõi mắt về phía đông, nơi con vật vừa bay. Ở đó không một cánh chim, bầu trời xanh ngắt, xa xa, vài đám mây chiều tụ lại như những đám bông trắng nõn nà, trôi nổi. Có lẽ con vật đã tấp vào một rặng tre nào đó.
Từ hồi còn nhỏ, lão Tịch đã biết khá nhiều về chuyện quạ cắp trứng gà. Người dân quê có câu “ngu như quạ” cũng bởi lẽ này. Thực ra, cái giống chim có bộ lông đen hơn cả nhọ nồi ấy tinh ranh lắm, hễ phát hiện thấy nơi gà hoặc vịt đẻ trứng là chúng liền lân la, quan sát. Có khi chúng mổ ra, hút tại chỗ, có khi dùng chân cắp đi, mang tới ruộng, bỏ dồn lại rồi cào đất lấp lên, coi như của để dành. Bọn nhỏ chăn trâu nhiều đứa mừng hú khi bất ngờ bắt gặp cảnh những quả trứng chụm đầu giữa ruộng, liền cởi áo túm lại, mang về.

Lần này thì lão Tịch tìm thấy một trứng. Mặc dù vậy, lão vẫn dùng tay cào quanh chỗ quạ đã bới, làm mấy con dế than, dế cơm, hoảng sợ đạp càng, xòe cánh, bay nhảy tứ tung. “Chắc cu cậu mới mang đến đây quả trứng đầu tiên”. Lão già lẩm bẩm rồi đặt quả trứng nằm cạnh cái bình đông nước ở nơi góc ruộng, sau đó, nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, xoa đều, cầm cuốc lên, bắt đầu công việc.
Cái lưỡi cuốc mới được trui lại từ lò rèn ông Ba cây gạo, bén ngọt, dưới tay lão Tịch đã xoèn xoẹt lướt theo bờ cỏ. Vừa làm, lão vừa tưởng tượng đến nụ cười của mụ vợ già ở nhà. Bà lão chẳng rất thích món trứng luộc dầm nước mắm, có thêm trái ớt xiêm còn xanh là gì? Và đúng như lão Tịch dự đoán, khi trời tắt nắng, lão về tới nhà, gác cuốc lên cái dàn tre cạnh chuồng heo, móc từ túi áo ra quả trứng thì mặt của vợ lão bỗng dưng sáng hẳn và đôi mắt già vốn nheo nheo, bất ngờ mở to kèm theo câu hỏi:
-Lấy đâu ra dầy?

Hăm hở đón quả trứng từ tay chồng nhưng khi nghe ông lão kể chuyện về con quạ ngoài đồng bà lão liền lật đật bước ra chuồng gà của mình. Con gà mái lông nổ đang ấp, lập tức bị bà lão thò tay dưới bụng, bồng ra. Một hai, ba bốn... cả thảy chín cái trứng còn đủ, nóng hổi. Bà lão thở phào, nói với vào trong nhà:
-Của mình không sao, nó cắp của ai ấy ông à!
-Bỏ vào nồi mà luộc. Rõ lẩm cẩm! – Lão Tịch đáp lại, rút gói thuốc rê ra, ngồi xịch xuống cái cối đá ở đầu sân, vấn hút.
-Thì luộc – Bỏ cái trứng vào chậu nước đang đầy, bà lão ngạc nhiên, vì cái trứng không những không chìm mà còn cử động – Ông ơi! – Bà gọi to –Ra đây mà xem này!
Đôi vợ chồng già lom khom như hai đứa trẻ bên chậu nước, chăm chú quan sát cái trứng. Rõ ràng, là cái trứng đã lộn. Chú gà non nằm bên trong lớp vỏ gặp nước, đang quẫy mạnh.
-Không luộc nữa– Bà lão bảo– Cho luôn vào tổ để con gà mái nổ ấp. Ổ gà nhà mình cũng sắp nở rồi còn gì. Chín trứng, giờ có nó đủ chục.

II.
Hai mẹ con về thăm ngoại. Vừa bước vào nhà, thằng Thanh liền được bà Tịch mừng rõ ôm chầm, hôn lấy hôn để vào má, vào cổ và vội vàng bảo ông Tịch đi chọc khế, chọc ổi. Chị Hòa mẹ nó là con út, cũng là con gái duy nhất trong nhà, lại lấy chồng ở tỉnh khác, lâu lâu mới dẫn con về nên nó được ông bà cưng chiều hết chỗ.
-Nào, nào để bà gọt khế cho nào!
Bà lão buông đứa cháu ra và kéo nó vào chiếc ghế nhưng thằng bé không chịu ngồi. Nó chạy lơn tơn ra sân. Từ lúc vừa đến, thằng Thanh đã nhìn thấy con gà trống đứng dưới gốc cây ôma rợp mát, cái cổ dài cứ nhướn lên như thể lấy làm lạ về những người khách mới đến.


Đó là một chú gà trống thuộc giống gà chọi đang vào độ tuổi trưởng thành. Hai chân cao, cổ dài, thỉnh thoảng lại vươn vươn đôi cánh rộng, giống như  một cậu bé muốn tập thể dục. Trừ chiếc đuôi màu đen tuyền và hai cánh, phần còn lại của cơ thể chú gà rất ít lông, để lộ lớp da đỏ ửng, trông giống như một võ sĩ đang kỳ sung sức.

Nhà thằng Thanh ở ngoại ô. Bạn bè nó ở chung quanh có nhiều gà, song nó chưa thấy một con gà trống nào to và trông hùng dũng như vầy. Khi chạy ra gốc cây ôma, thằng bé tưởng chú gà sẽ hoảng sợ, nhưng không, con vật tỏ ra có cảm tình với nó, chỉ lùi lại một, hai bước, kêu cọt cọt rồi dễ dàng để thằng bé bồng lên.
-Hắc đại bàng! Hắc đại bàng! – Ôm con gà vừa chạy vào nhà thằng Thanh vừa reo to làm cho ai nấy ngạc nhiên.
- Cháu ơi! Ông bà gọi nó là Cù đấy –Lão Tịch giải thích.
-Không, không, nó là Hắc đại bàng – Thằng Thanh tỏ ra không bằng lòng với ông ngoại. Nói xong, nó đặt con gà trống xuống, ve vuốt. Con vật tỏ ra thích thú, cổ hơi rụt lại khi hai bàn tay nhỏ nhắn của thằng bé nhẹ nhàng lượt qua đôi cánh mượt mà.

Ông bà Tịch chẳng muốn cãi thêm với đứa cháu làm gì. Một con gà thì gọi tên nào chẳng được. Miễn thằng cháu hớn hở thế kia là ông bà vui lắm rồi. Có đứa cháu ngoại lâu mới về thăm, vả lại, với ông bà Tịch, thằng Thanh là đứa cần được quan tâm nhất trong số các cháu. Đã sáu tuổi nhưng thằng bé thấp hơn bọn nhỏ cùng trang cùng lứa tới một cái đầu. Hồi còn nhỏ, do không chích ngừa sởi nên thằng Thanh đã mắc phải căn bệnh ác nghiệt ấy, rồi sốt cao, co giật. Di chứng của bệnh làm thằng bé èo uột, không lớn nổi, có một thời, thỉnh thoảng nó bị động kinh, tính tình cũng có cái gì đó bất ổn, học tập thì tiếp thu chậm, đôi lúc cười, nói thất thường.

Con cháu trong nhà, có đứa như vậy hỏi ai không buồn? Cha mẹ và ông bà nội đều buồn. Ông bà ngoại cũng buồn. Buồn kèm theo lo. Lo không biết rồi đây, thể chất, tinh thần đứa bé sẽ ra sao. Chính lẽ đó, tuy không nói ra nhưng lần này thấy thằng cháu rạng rỡ hẳn so với các lần về thăm trước, ông bà lão lấy làm mừng thầm.
Ông bà cũng đâu có ngờ đứa cháu lại thích con gà trống đến thế. Thật may, nếu trước đây nhặt được quả trứng quạ giấu ngoài đồng mang về, bỏ nồi, luộc ngay thì nay lấy đâu có cái để đứa cháu vui. Cả việc con gà còn sống đối với đôi vợ chồng già cũng là chuyện rất lạ. Dạo ấy, chỉ bỏ vào tổ của con gà mái nổ được bốn ngày thì cái trứng lạ đã nở. Mặc dù đám gà nhà nở muộn hơn hai bữa song con mái nổ chẳng có biểu hiện nào phân biệt, phát hiện ra chuyện trong đám con tíu tít bám sát chân mẹ có một con không do mình sinh ra.

Còn ông bà Tịch thì chẳng khó khăn gì mà không nhận diện chú gà đặc biệt ấy. Nó lớn hẳn. Chừng tháng tuổi trở lên, sự khác biệt ở chú ta càng rõ rệt: Cổ dài, chân cao, da đỏ, thân to, ít lông, trông cứ trùng trục.
Thế rồi đến dạo con mái nổ bắt đầu chịu trống, chuẩn bị tách con, thì làng trên xóm dưới, gà nhà nào cũng bị mắc dịch. Con lớn con nhỏ cứ xếp cánh, sù su, ỉa toàn cứt trắng, dẫn tới chết. Riêng con gà nở từ quả trứng quạ tha thì sống. Ngày ngày, không có bạn, con vật may mắn ấy cứ quấn bên chân bà Tịch, thỉnh thoảng mổ vào chân chủ, nhồn nhột. Bà lão liền gọi nó là con Cù. Lâu ngày thành quen, ông cũng gọi nó với cái tên Cù.

Nhiều buổi chiều đi làm về, vắt áo lên tấm phên tre, ngồi trước sân hóng gió, chờ cơm, lão Tịch thường hay vuốt ve, đùa giỡn với con vật may mắn sống sót. Điều làm lão bất ngờ đến thích thú là con Cù tỏ ra thông minh hơn các con gà thường, đôi lúc có vẻ như nghe được tiếng lão bảo. Thế là lão Tịch dạy cho con vật mấy trò, chủ yếu để tiêu khiển. Khi lão bảo “bay” lập tức con gà vỗ cánh bay ra tận ngõ. Khi vứt một đoạn dây vải ra sân, bảo “nhặt vào” lập tức con Cù chạy đi.
Một ông bạn ở bên kia sông, ghé chơi, bồng con Cù lên xem cựa, xem mào, bảo đây là con gà có tướng chọi hay, nài nỉ lão Tịch bán cho. Đời nào lão Tịch đồng ý. Lão chúa ghét đá gà, coi đó là cái trò man rợ, với lại có con Cù, vợ chồng lão như có thêm niềm vui. Giờ thì lão thấy mình không bán gà là đúng. Thằng Thanh chẳng phải đã thích con vật ấy còn hơn lão thích là gì?
- Nếu cháu thích thì ông cho mang về!
Nghe ông ngoại nói, đứa cháu sung sướng liền nhảy cỡn, ôm lấy con gà miệng hét lên:
- Hoan hô ông ngoại, hoan hô hắc đại bàng!
Những ngày tiếp theo thằng Thanh còn có bao nhiêu lần nhảy cỡn lên như thế nữa. Con Cù tỏ ra thân thiết với nó và như đã quen với cái tên hắc đại bàng. Thằng nhỏ đã bắt chước được trò vui của ông mình và con gà đã thực hiện lệnh của nó khi nó bảo: “Hắc đại bàng, co một chân lên nào!”
Ngày cuối cùng hai mẹ con thằng Thanh ở chơi, ông Tịch đã đốn một cây tre già, chọn phần cật, chẻ nan, đan thành cái lồng thật đẹp và dặn đứa cháu: “Nhớ cho gà ăn đầy đủ, đừng để nó đá nhau”.

III.
Hắc đại bàng là tên một con chim lớn màu đen dũng cảm, săn chồn, cáo rất giỏi trên vùng sa mạc đầy cát được miêu tả trong một cuốn truyện tranh mà cách đây hơn năm thằng Thanh đã được bọn trẻ trong cái xóm nhỏ ngoại ô, nơi ông bà nội và cha mẹ nó sinh sống đọc cho nghe.
Đám con nít, bạn thằng bé đã tỏ ra khâm phục con gà – hắc đại bàng ngay khi nhìn thấy lần đầu, không phải do cái tên mà do con vật đã biết làm một số động tác giống như tiết mục xiếc  trên truyền hình. Nhiều đứa đã vỗ tay khi thấy chú gà đập cánh giữa lúc thằng Thanh đứng chống tay vào hông, hô to:
- Bay!
Có đứa bảo Thanh mang hắc đại bàng qua vườn chúng để chọi. Không bao giờ! Thằng bé lắc đầu. Ông ngoại đã dặn rồi. Mà bản thân nó cũng không thích chơi trò ấy. Nó không muốn con gà của nó trầy đầu, loét cổ như mấy con gà trống khác. Thỉnh thoảng tìm giun rồi chơi với gà – đó là việc thằng Thanh làm sau khi ngồi vào bàn tập viết.

Cả ông bà nội và cha mẹ thằng Thanh đều mừng. Có con gà, thằng bé trông hoạt bát hơn trước nhiều. Nó ăn cơm cũng nhiều hơn. Lại chăm viết tập nữa chứ! Còn Thuần, chú ruột của thằng Thanh, một kỹ sư, tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, quanh quẩn ở nhà, buồn chán, nhờ con gà của cháu nên cũng vui lây. Đôi lúc Thuần cũng vứt sợi vải ra sân, sai gà đi nhặt.
Đã sang thu. Một buổi chiều, thằng Thanh và chú Thuần của nó cùng lũ trẻ trong xóm đang vui vẻ vây quanh  đoạn đường rộng bên bờ tre trước nhà để xem hắc đại bàng co chân, nhảy cò cò thì một chiếc xe máy phanh kít. Đôi kính đen được lấy ra khỏi khuôn mặt mập tròn và người đàn ông trung niên mới tới dán mắt vào con gà, sau đó thốt lên: Thần kê!


Đám con trẻ ngơ ngác trước cái từ lạ hoắc, còn chú Thuần của thằng Thanh thì ngạc nhiên. Nhưng rồi tất cả đã rõ. Vị khách lạ ngắm nghía con gà, xít xoa, trầm trồ khi xem mỏ, coi chân, vạch lông đuôi xem cả chỗ con vật thải phân.
- Tuyệt, rõ là thần kê – Người khách lặp lại, sau đó hỏi chủ là ai, tỏ ý muốn mua.
Chú Thuần trả lời “không bán”. Thằng Thanh ôm lấy hắc đại bàng, chạy vội, chạy vã vào nhà. Vị khách lạ đứng tần ngần, châm thuốc hút, nói với Thuần giữa lúc khói còn phì ra mũi: “Tôi có thể mua nó với giá một triệu”.
Hai hàng lông mày dựng lên nhưng sau đó chàng kỹ sư chưa có việc làm lắc đầu: “Không bán được, của thằng bé. Nó thích lắm”.

Một thoáng thất vọng mơ hồ loang trên mặt, tuy nhiên, vị khách vẫn mở nụ cười gần gũi, rồi hỏi Thuần:
- “Xin lỗi, cậu làm việc ở đâu mình thấy quen quen?”.
- “Dạ, em chưa xin được việc làm?”.
- “Tốt nghiệp trường nào?”.
- “Dạ, đại học kinh tế”.
- “Thế à? Chỗ mình đang thiếu đấy! Có thích làm việc ở đây không?”. Giờ thì Thuần lúng túng:
- “Anh cứ đùa!”.
- “Sao lại đùa? Mình là trưởng phòng tổ chức. Công ty đang thiếu đấy!”.- “Dạ, thế mời anh vào nhà uống nước!”.

IV.
Con gà là chuyện nhỏ. Chỗ làm cho Thuần là việc lớn. Thời buổi công việc khan hiếm, đòi hỏi nhất thân, nhì thế... Nhà ông bà Tào, cha mẹ Thuần thì chẳng thân thế gì. Ông là sĩ quan về hưu. Bà chỉ là nội trợ. Còn anh Quí, chị Hòa, cha mẹ của thằng Thanh, tức anh chị của Thuần, đều là thầy giáo. Bạn bè quen thân chỉ toàn diện nhàng nhàng. Một kỹ sư kinh tế tốt nghiệp loại giỏi phải về nhà ngồi chơi xơi cơm mẹ hai năm hỏi ai không lo? Do đó, suốt một tuần liền, sau bốn lần lui tới của ông Hoàng, trưởng phòng tổ chức Công ty XD của tỉnh - người mang kính đen mê gà hôm nào, đề tài xin việc cho Thuần thường xuyên được mang ra bàn luận trong các bữa cơm của gia đình ông Tào. Tất nhiên, khi công việc hoàn thành, ai cũng biết phải có chút quà cáp cảm ơn, nhưng trước hết con gà thì phải biếu rồi. Ông trưởng phòng tổ chức không lấy đó làm điều kiện. Cũng không nói ra. Tuy nhiên, ở đời, hiểu được cái ý ngầm từ người khác là điều quan trọng. Mà ông trưởng phòng đâu phải muốn con gà cho mình. Ông lặn lội tìm kiếm khắp nơi chẳng qua vì Giám đốc Công ty. Giám đốc của ông còn trẻ, say mê chọi gà. Cuốn sách xem tướng gà chọi đã được cả Trưởng phòng lẫn Sếp đọc nhão.

Một bộ hồ sơ xin việc gồm đơn, lý lịch và bản sao bằng cấp có đóng dấu đỏ công chứng hẳn hoi cùng với con hắc đại bàng đã theo Thuần xuống thành phố vào buổi chiều thằng Thanh theo mẹ ra chợ mua quần áo mới.
Tại nhà riêng của mình, Trưởng phòng bảo Thuần:
“Chờ nhé!”.
 “Dạ, trăm sự nhờ anh” – Thuần đáp và vội quay về.
 Tội nghiệp thằng Thanh.
- “Hắc đại bàng đâu rồi?” – Đó là câu hỏi đầu tiên được thằng bé ngơ ngác nêu ra, sau đó nó chạy khắp vườn, tìm kiếm. Những người lớn tuổi cũng giả bộ “đâu kìa” đi tìm. Mẹ nó đứng bên gốc ổi, buồn thiu, một lúc nói như để cho con đỡ nhọc công: “Hay là do mình bắt nó bay hoài nên nó trốn xuống ao?”
Thằng bé chạy tất tả về phía cái ao rộng sau vườn. Mặt ao vắng tanh, phẳng lặng, chỉ có mấy bông súng tím hồng đã nhô khỏi mặt nước.

V.
Tới nhà chủ mới, hắc đại bàng được nhốt trong một cái chuồng bằng gỗ quí, bào nhẵn. Mấy tiếng hắc đại bàng quen thuộc nó không nghe ai nhắc đến nữa. Người ta gọi nó là thần kê. Và ngày hôm sau khách vốn là dân sành chơi gà chọi đã xúm tới khá đông. Có bao nhiêu là lời tán tụng. Nhưng hắc đại bàng nào có muốn điều gì. Nó nhớ thằng bé và khoảng sân cũ. Nó muốn bay, muốn nhảy lò cò giữa tiếng cười con trẻ.
Một buổi sáng con gà được mang đi trên một chiếc xe ôtô đến một bãi đất rộng. Người rất đông. Họ đang làm gì thế? Hắc đại bàng không hiểu. Mà kìa, ở đằng kia cũng có một con gà trống lông tía đang được một người đàn ông ôm trong tay ve vuốt. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã. Chắc người ta muốn khoe mình đây! Hắc đại bàng nhún nhún đôi chân cao, nhìn sang con gà phía đối diện, miệng kêu cọt cọt một cách kiêu hãnh. Nó ngỡ mình và vị bạn gà kia sẽ đua tài biểu diễn các trò mà trước đây nó hay làm. Dè đâu, trước tiếng hô “vào đi, vào đi!” và tiếng vỗ tay thúc giục của đám người khi cả hai được thả ra, vị bạn gà đã xù lông cổ, đầu giương thẳng về phía trước.


Làm gì mà oách thế? Bộ lông tía của nhà ngươi đẹp đấy nhưng hãy diễn đi, thử xem ai khá hơn? Hắc đại bàng tiến tới gần trong tư thế chờ đợi. Nó có biết đâu đây là cuộc tỉ thí. Rồi trong lúc đang giương đôi mắt như muốn chế diễu vị đồng loại cao ngạo kia thì bất ngờ, “choạt”, nó nhào xuống vì đòn tấn công chớp nhoáng. Sao lại thế này? Chung quanh toàn đom đóm. Hắc đại bàng biết mắt mình đã bị cái cựa nhọn hoắt của con tía cào vào. Nó gượng đứng dậy. Nhưng không kịp nữa. Rập, rập, rập... Như một võ sĩ, con tía đã xòe cánh, nhảy lên, ra đòn tới tấp, tiếp đến dùng mỏ nhọn, móc vào cổ đối phương hết nhát này đến nhát khác, vừa đá vừa xé. Hắc đại bàng xưa nay đã đánh nhau lần nào đâu. Nó bất lực cố vùng chạy cũng không được nữa. Dần dần nó thấy thở cũng khó nhọc. Tiếng người vỗ tay reo hò trong chốc lát cũng nghe xa xôi...

VI.
Giám đốc công ty cáu bực vì liên tiếp thua liền ba trận độ gà, mất đi ngót nghét mười lăm triệu đồng. Nỗi cáu bực lây sang cả Trưởng phòng tổ chức.
Thuần nào có biết. Đúng ngày hẹn chàng kỹ sư trẻ lại đến. Vẫn cái dáng thư sinh, lễ độ và khép nép của người xin việc, Thuần bước vào phòng.
- Cậu đấy à? Mình đang trông cậu đấy – Trưởng phòng gỡ kính khỏi mắt nói liền hơi – Đã hứa với cậu song tình hình khó thật. Phải chờ! Còn con gà của cậu, chết rồi. Mình trả cậu ba trăm, gấp sáu lần, giá gà ngoài chợ – Đá dở ẹt! Cũng lạ, có tướng thần kê, vậy mà vào trận chết ngay từ đầu!
- Dạ thưa anh – Thuần ấp úng – Việc làm của em ấy ạ! Liệu chờ... thì có được không?
- Cũng chưa biết được. Giám đốc bảo, hiện đang đủ người nên phải chờ.
Chờ đồng nghĩa với hy vọng – Thuần nghĩ và đẩy ba tờ một trăm màu xanh nhạt về phía người đối diện – Anh cất vào đi! Em chờ!
Thuần về khi xóm ngoại ô đang nổi gió. Ông Tào đang bận đi họp Hội cựu chiến binh, còn anh ruột cùng chị dâu đã tới trường chuẩn bị cho ngày khai giảng. Ngoài bờ ao, bà Tào đang ngồi, còn thằng Thanh thì nằm sấp trên cỏ, mặt hướng xuống ao, chốc chốc lại gọi:
- “Hắc đại bàng lên đi!”

Mấy ngày nay thằng bé biếng ăn, không chịu học và có dấu hiệu tái phát chứng động kinh nên trong nhà lúc nào cũng phải có người coi.
Thuần bảo cháu:
-Vào nhà thôi! Hắc đại bàng đã lặn sâu dưới ao rồi, không lên nữa đâu!
- Không, không, nó sẽ lên mà! Phải chờ!
Bà Tào hỏi con trai:
- Việc làm của mày thì sao?
- Dạ, phải chờ.– Thuần đáp, mắt nhìn xuống mặt ao. Mấy bông hoa súng tím khẽ lay lay trong gió chiều.
- Hắc đại bàng ơi! Lên đi! Lên đi! Lê... ê.. ên đi i i! – Tiếng thằng Thanh càng thảm thiết hơn.
Bà Tào rầu rầu nói với con trai:
- Bây giờ làm sao với nó đây? Không khéo có ngày nó nhảy xuống ao...
                                             H.N.T

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài đã đăng
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Mẹ quê (05/01/2009)