Tạp chí Sông Hương - Số 238 (tháng 12)
Nhà văn và tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học
10:58 | 09/01/2009
INRASARACác hội thảo bàn về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học đã lôi kéo không ít nhà văn tham gia bàn cãi sôi nổi. Là tín hiệu đáng mừng: văn học Việt đang tự ý thức, tự phản tỉnh (self consciousness).

Bởi, nền văn chương Việt đang rất nghiệp dư, ai đã nói thế? Trong khi tinh thần chuyên nghiệp khác hẳn tinh thần nghiệp dư ở chỗ: “đề cao yếu tố kĩ thuật” thay vì tùy thuộc vào cảm hứng; “gắn liền với tinh thần nghiên cứu” thay vì tin cậy vào kinh nghiệm, “luôn luôn có tính tự giác cao trong khi đó, buông thả theo thói quen, tinh thần nghiệp dư lại đầy tính chất tự phát” và, tinh thần chuyên nghiệp đầy tính chất cạnh tranh chứ không làm qua loa đại khái rất trung bình.
Thử liên hệ sang môn bóng đá.
Cầu thủ chuyên nghiệp luôn có ý thức tự giác và trách nhiệm cao. Ngày mai sang câu lạc bộ khác, họ vẫn đá hết mình; đá chống lại câu lạc bộ cũ ở quê hương, họ vẫn hết mình. Trong khi cầu thủ nghiệp dư luôn bị tình cảm chi phối. Chuyên nghiệp, họ nhắm vào cái cao hơn, khác hơn mà không phải nhìn quanh thế giới nhỏ bé mình, từ đó an tâm về hưu với vài ba thành tích bé con.

Cầu thủ chuyên nghiệp nghiên cứu nghề mang tính khoa học, phân tích để nhận định ta và đối thủ trước/ sau trận đấu. Tại sao trận này mình yếu kém, nguyên nhận mình mất phong độ, đâu là thế mạnh của đối phương... Trong lúc cầu thủ nghiệp dư chỉ dựa vào kinh nghiệm. Yêu cầu trước tiên đối với nhà chuyên nghiệp là tinh thần luôn ở tư thế mở, học để biết văn chương thiên hạ đã đi tới đâu, và nhất là từ bỏ mọi định kiến và bảo thủ. Chưa hiểu gì về hậu hiện đại mà đã lên tiếng chống lại hậu hiện đại, mới đọc vài ba tập thơ “hậu hiện đại” nhếch nhác mà đã dị ứng với trào lưu văn chương này, thì không gì nghiệp dư hơn.
Cầu thủ chuyên nghiệp luôn có ý thức nâng cao kĩ thuật cá nhân, tập đi tập lại một ngón nghề, vài đường banh cho đến khi thuần thục; bên cạnh tuân thủ chặt chẽ chiến thuật của huấn luyện viên, dù bản thân không bao giờ ưa nổi bản mặt ông ta. Họ cũng sẵn sàng thay đổi chiến thuật, khi cần. Khác dân nghiệp dư, ỷ lại vào bản năng và đá một cách đầy cảm hứng và tùy tiện. Nhà văn chuyên nghiệp kĩ thuật viết không lặp lại người khác đã đành, họ cũng không có quyền lặp lại mình; luôn biết thay đổi phong cách, tìm tòi lối viết mới đáp ứng đề tài thích hợp.

Cuối cùng, họ cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt và đến cùng. Với đồng đội, với người bạn thân trong cùng đội bóng. Chuyên nghiệp, một nhà văn không sốt ruột trước thành tích của bạn văn, không săm soi thành công của kẻ khác, càng không cản ngăn đường đi của thế hệ trẻ, mới.
Nhưng cái khác cốt tủy của văn chương so với bóng đá là nó phải khám phá thủ thuật khác. Khác hay là chết. Một cầu thủ trẻ có thể học lại ngón nghề của Zidane mà không bị chê trách, miễn là anh/ chị ta biết ghi bàn vào lưới đối phương, mang chiến thắng cho đội nhà. Nhà văn thì không. Bạn phải khám phá bút pháp mới, lối thể hiện mới.
Một nhà văn được đánh giá qua 4 điểm cốt yếu: [1] Nhà văn có tư tưởng nào mới không, hoặc động cập đến các vấn đề cốt tủy nào của dân tộc, đất nước và thời đại không? [2] Họ có sáng tác nhiều tác phẩm, dấn vào nhiều thể loại để mở rộng và đào sâu tư tưởng/ vấn đề đó không? [3] Ông/ bà ta có khám phá bút pháp nào mới, để thể hiện tư tưởng/ vấn đề đó? [4] Cuối cùng là sự suy tư chín kĩ về nghề, say mê và lao động miệt mài với nghề, dũng cảm với nghề, để tránh cho bản thân viết một cách nghiệp dư, chản nản, thối chí hay bế tắc, tiến tới lao động mang tính chuyên nghiệp.

Cả bốn điểm, đại bộ phận nhà văn Việt còn thiếu. 
Ở điểm [3] nhà văn ta lạc hậu, thì khá rõ. Thơ Mới phát tiển phồn thịnh vào đầu thế kỉ, nhưng nó chỉ tiếp nhận trường lãng mạn và hiện thực Pháp của tiền bán thế kỉ XIX! Hậu hiện đại đã nở rộ khắp thế giới ba thập niên qua, hôm nay ở ta nó mới thập thò ngoài cửa! Chỉ so sánh nhà văn ta với nhà văn các nước có nền văn chương tiên tiến cùng thời điểm, mới nhận ra khoảng cách.
Về tư tưởng, Việt chưa có truyền thống, là chuyện khỏi bàn. Nhà văn nữ hôm nay sáng tác trong tinh thần nữ quyền luận, là điều thiên hạ đã múc cạn non trăm năm trước. Chống toàn trị cũng vậy, đầu thế kỉ XX có cả đống nhà văn tài ba phương Tây khai thác và thể hiện rất oách rồi. Nêu vấn đề dân tộc và thời đại, ta cũng có nêu nhưng không sâu đậm, toàn diện và quyết liệt như ở phương Tây. Ta cũng không nâng cấp nó lên giai độ hoàn vũ nữa. Ví dụ: O Pamuk, vấn đề Đông Tây được đặt ra cho đất nước ông, ông còn nâng nó lên tầm vấn đề chung của thế giới hiện đại.

Riêng điểm [2], hầu hết nhà thơ ta chưa thoát khỏi định mệnh một tập, thậm chí một bài, nhà văn thì: một cuốn tiểu thuyết. Rồi tắt. Hoặc có viết nhưng không nhích lên được. Chúng ta luôn nhảy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác, chứ ít khi theo đuổi một tư tưởng đến cùng. Tầm vóc nhà văn còn có một nguyên nhân dễ nhận diện, đó là sự yếu kém ở mục cuối cùng: thiếu tính chuyên nghiệp.
Chuyên nghiệp, ta tự tin làm việc trong bất kì hoàn cảnh nào. Chuyên nghiệp, ta chấp nhận giú mình nơi bóng tối vô danh trong thời gian dài. Ta không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ cô lập.

Thế nhưng một nhà văn khi viết ít nhiều cũng bị hạn chế, quy định hay được kích thích, khai mở bởi môi trường văn học nhà văn sống.
Tôi đã thử nêu ý này tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt tại Hà Nội, ngày 3, 4 & 5-11-2008. Suy tư về nghề của nhà văn ta rất yếu. Bàn tròn văn chương của Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà văn Việt năm 2006 được tổ chức khá chuyên nghiệp. Sau kì 7, tôi làm cái sơ kết: Chúng ta được ba thành công nhỏ, nhưng từ đó vỡ ra một thất bại lớn. Ba thành công là: Thành công trong tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau với số lượng người tham dự ngày càng tăng để thực sự cùng bàn về văn chương đương đại; đề tài hay tác giả - tác phẩm của Bàn tròn được chọn tự do, vô phân biệt; thành viên thảo luận tự do trong một không khí cởi mở, vô ngại. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó. Nhưng thất bại lớn nhất và duy nhất của Bàn tròn văn chương là chất lượng của ý kiến. Cứ đặt 7 Biên bản Bàn tròn văn chương của Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 bên cạnh Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo, sự chênh lệch là rất lớn.

Đó là vật chứng không thể chối cãi về tầm ý thức về nghề của nhà văn nhà thơ hôm nay so với nhóm Sáng Tạo. Trong khi tuổi trung bình của ta gấp rưỡi thế hệ trước ở thời điểm họ thảo luận, và ta đi sau họ đến nửa thế kỉ!
Nhưng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt vẫn rất bàng quan với Bàn tròn!
Không dừng lại tại đó, cơ quan cấp cao nhất phụ trách tổ chức sáng tác, bồi dưỡng, kết nạp, xét giải thưởng,… đủ loại cho hội viên “chính thống” cũng đang tụt hậu với rất nhiều hiện tượng văn chương đương đại. Văn chương mạng đang phát triển mạnh, phong trào hậu hiện đại cũng thế, nhưng Hội vẫn chưa lần có ý định tổng kết hay làm hội thảo về nó. Cái đang xảy ra ta không lo mà đi lo tổ chức hội thảo tận… Cao Bá Quát. Về quá khứ xa, Viện Văn học làm không hay hơn Hội Nhà văn sao? Trong khi các vấn đề văn học nóng bỏng của hôm nay, ta lại quá ư thờ ơ.

Chớ có than vãn về mặt bằng độc giả phổ thông, ngay độc giả chuyên nghiệp là nhà phê bình hôm nay cũng không theo kịp sáng tác. Khi phong trào Thơ Mới còn chưa kết thúc, Hoài Thanh đã làm xong Thi nhân Việt Nam, vừa bắt mạch đúng tinh thần Thơ Mới và nhất là, vừa rất kịp thời. Trong khi cả ngàn hội viên Hội Nhà văn, đến hôm nay, có ai cầm lên một tác phẩm phê bình mà nói rằng mình nhận diện được khuôn mặt thơ ở một thời đoạn dù ngắn không? Không! Đổi mới và cả hậu đổi mới cũng thế. Nhà phê bình còn chưa có ý tưởng đó nữa, có lẽ? Chúng ta làm đủ thứ tuyển, nhưng nắm bắt để khái quát kịp thời cái đang xảy ra thì, không! Do không kham nối hay do sợ hãi? Đành rằng, với nỗi “dồi dào” và “phong phú đa dạng” các tác giả, trào lưu, khuynh hướng văn chương xuất hiện trên đủ loại phương tiện thông tin, không nhà phê bình nào tự nhận quán xuyến tất cả. Nhưng ít ra người làm phê bình vẫn có thể chọn một/ một vài trào lưu nhất định để làm phê bình. Vậy mà mãi tận hôm nay, giới phê bình Việt vẫn chưa cho ra đời tác phẩm như thế.

Sau cùng - mà chắc chi đã là sau cùng - báo chí chuyên văn học cũng đang khá lạc hậu.
Diễn đàn, chúng ta không thiếu. Tuy nhiên, các tờ báo chuyên văn học của Hội Nhà văn chưa mạnh dạn chấp nhận tiếng nói khác mình hoặc ý tưởng đa chiều. Hội nghị những người viết văn trẻ vừa qua, khá nhiều ý kiến phê phán Văn nghệ trẻ. Theo thông tin lóm được, bạn trẻ tập trung chê Văn nghệ trẻ “không trẻ”, vì báo chỉ chuyên đăng các sáng tác già cỗi, cũ mèm. Đó là một phê phán đúng nhưng thiếu và, không cao tay. Bởi ranh giới cũ/ mới, dở/ hay trong sáng tác, nhất là thể loại thơ thì cực mơ hồ, có bàn đến tận thế cũng không xong.

Đánh giá Văn nghệ trẻ vài năm qua, Nguyễn Quang Thiều dù cố gắng nhỏ nhẹ cũng phải kêu lên một tiếng: “Tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đang rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình”. Nguyễn Quang Thiều đã không cụ thể. Theo tôi, cái dễ thấy nhất ở tờ báo là nó đã và đang mang vác một thứ thừa và ba cái thiếu. Thừa và thiếu nghiêm trọng.
Thừa: bổn phận của Văn nghệ trẻ có phải dành đến bảy, tám trang báo để đa mang chuyện xã hội hay đánh tiêu cực? Đánh tiêu cực xã hội, Văn nghệ trẻ cạnh tranh nổi với Thanh niên hay Pháp luật chắc? Trong khi báo ta lại đem bỏ chợ đứa con đẻ [nhiệm vụ chính] của mình.
Thiếu: đó là thiếu về sự trình bày lí thuyết, trào lưu văn nghệ đương đại. Trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều. Để thế hệ nhà văn trẻ của ta bớt đi nỗi lạc hậu tình hình văn chương người thiên hạ.

Thiếu thứ hai là thiếu về giới thiệu các khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, nhất là các khuôn mặt mới. Để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương thế giới, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm.
Thiếu thứ ba là Văn nghệ trẻ chưa bao giờ dũng cảm giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận. Để người đọc nhận chân giá trị của các sáng tác đó. Và, nhiều thứ khác nữa.
Kết luận: Ta đang thiếu nhà văn suy nghĩ về nghề một chuyên nghiệp, viết một chuyên nghiệp; môi trường văn học cởi mở ta cũng đang thiếu; thiếu hơn nữa là tinh thần sẵn sàng cho môi trường ấy.
Sài Gòn, 15-11-2008.
 I.R.S.R

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Đồng hành (09/01/2009)
Các bài đã đăng