Tạp chí Sông Hương - Số 238 (tháng 12)
Những điểm nhấn trên hành trình âm nhạc
14:56 | 09/01/2009
VIỆT ĐỨCVề với Trường Sơn, về với kỷ niệm của một thời khói lửa đạn bom là tiếng lòng, là tâm nguyện của nhiều hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam 30/4/1975. Và sau gần 30 năm, mùa xuân 2004, tâm nguyện ấy đã trở thành hiện thực khi kỷ niệm của một thời chiến tranh cứ ào ạt ùa về theo bước chân các nhạc sỹ trở lại tuyến biên giới miền Tây A Lưới.

Được sự đầu tư của UBND tỉnh và Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng, các nhạc sỹ đã có một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa, đó là các hoạt động giao lưu với nhân dân và chiến sỹ các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới trong tình cảm xúc động dạt dào, với những tác phẩm âm nhạc mới nhất về Trường Sơn như: “Trường Sơn hát của nhạc sỹ Lê Phùng, Lời ca từ Trường Sơn, Hoàng hôn đường biên của nhạc sỹ Việt Đức”. Đó còn là các ca khúc gây xúc động của nhạc sỹ Lê Anh, Minh Phương,Vĩnh Phúc, Nguyễn Việt, Đoàn Lan Hương, Quốc Anh…

Tiếp ngay sau chuyến đi về Trường Sơn, tháng 3 năm 2004, Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp với Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức Trại sáng tác khí nhạc dân tộc và lý luận phê bình toàn quốc lần thứ nhất với sự góp mặt của các nhạc sỹ đến từ Nhạc viện quốc gia Hà Nội, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhạc sỹ Việt Nam… Trong khuôn khổ hoạt động của Trại, đêm giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân tộc đầy ấn tượng đã được tổ chức với phần tham gia biểu diễn của NSƯT Thế Dân, Nghệ sỹ Thao Giang, GS-TS Phạm Minh Khang, nhạc sỹ Bảo Phúc, dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Huế… Ngoài 27 tác phẩm mới viết cho các nhạc khí dân tộc cổ truyền, còn có thêm một hội thảo mang tầm quốc gia về “sự cần thiết thành lập Học viện Âm nhạc Huế”. Mong muốn đây sẽ là một cánh cửa mở rộng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc di sản của dân tộc, một địa chỉ đáng tin cậy để cộng đồng nhân loại chung tay, góp sức giữ gìn giá trị âm nhạc truyền khẩu quí giá, mở ra nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

Kỷ niệm 45 năm lời dạy của Bác Hồ năm 1960 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ hy sinh, tháng 3 năm 2005, ba Hội Âm nhạc của ba thành phố đã long trọng tổ chức lễ kết nghĩa bằng các văn bản ghi nhớ cụ thể do nhạc sỹ Phạm Tuyên - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sỹ Ca Lê Thuần - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh; nhạc sỹ Việt Đức - Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cùng ký kết. Ba đêm công diễn các tác phẩm âm nhạc của một thời hào hùng tranh đấu được các nghệ sỹ của ba thành phố thể hiện hết mình trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đông đảo các bạn yêu âm nhạc thành phố Huế.

Tháng 5 năm 2006, trong các hoạt động tiền Festival Huế, một hoạt động có qui mô hoành tráng nhất, đó là Trại sáng tác Âm nhạc Quốc tế “Âm sắc Huế” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trại đã thu hút gần 50 tác phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ đến từ sáu quốc gia: Vương quốc Anh, cộng hòa Pháp, cộng hòa Singapo, cộng hòa Malaixia, Mỹ và Việt . Ngoài các hoạt động thăm quan, điền dã, ban tổ chức Trại đã xây dựng ba đêm diễn với các thể loại: Đêm hợp xướng và nhạc thính phòng; Đêm hòa tấu dàn nhạc dân tộc và ca khúc nghệ thuật; Đêm nhạc giao hưởng… với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, các nghệ sỹ Singapo, đoàn ca múa Đam San, dàn dây và hợp xướng Học viện Âm nhạc Huế… Đây là lần đầu tiên các nhạc sỹ Huế có điều kiện tiếp xúc học hỏi toàn diện với các nhạc sỹ trong nước và quốc tế, đồng thời còn là cơ hội để giới thiệu các tác phẩm âm nhạc Việt ra với bạn bè thế giới.

"Huế mùa thu" là chủ đề của Trại sáng tác âm nhạc không tập trung cho 20 hội viên từ ngày 15 tháng 10 năm 2008 đến ngày 30 tháng 10 năm 2008. Kết thúc Trại, ban tổ chức đã thu được 27 tác phẩm với nhiều màu sắc, cung bậc, đề tài nội dung về mùa thu Huế, tâm hồn Huế, nhịp sống Huế trong dòng chảy phát triển đi lên của quê hương, đất nước. Một đêm truyền hình trực tiếp công bố 21 tác phẩm của 20 nhạc sỹ đã thành công tốt đẹp tối 14/11/2008 tại Studio đài PT-TH Thừa Thiên Huế, đồng thời một tuyển tập ca khúc Huế mùa thu kèm bộ đĩa CD, VCD đã được phát hành nhân dịp này…
Nhìn lại chặng đường của một nhiệm kỳ qua, bằng những việc đã làm được, bằng những tác phẩm công trình đã định hình và có đời sống trong xã hội, chúng ta tin tưởng rằng với trách nhiệm công dân và lòng đam mê nghề nghiệp các thế hệ nhạc sỹ hội viên của Hội sẽ có nhiều sáng tạo mới.
   V.Đ

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Đồng hành (09/01/2009)
Các bài đã đăng