Tạp chí Sông Hương - Số 238 (tháng 12)
Ca khúc thời hào hùng
17:19 | 12/01/2009
NHẤT LÂMVâng.Ca khúc thời ấy thật hào hùng, sôi sục và đầy lãng mạn.Đó là đêm trước của tháng Tám năm 1945, những năm tháng của phong trào Việt Minh chuẩn bị cho ngày toàn dân vùng lên đánh đổ mọi thế lực thù địch để giải phóng dân tộc, đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Và cái mốc đó, theo tôi là từ ngày cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) năm 1941.
Ca khúc thời hào hùng

“Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gio
Đau lòng bao năm sống lầm than sương gió
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm khe rừng
Còn vang khe suối tiếng quân oai hùng…”

Khởi nghĩa Bắc Sơn tạm thời thất bại, nhưng lực lượng dân quân được bảo vệ, được nuôi dưỡng để đến năm 1944 lại vũ trang tiếp tục chiến đấu.
Bài hát du kích Bắc Sơn chẳng biết từ đâu được bí mật đưa về Trị Thiên Huế và lớp học sinh các trường chép cho nhau vào sổ tay bí mật tập hát, hát một cách vô tư.
Tôi hình dung mảnh đất chiến địa Bắc Sơn, Lạng Sơn nơi quân du kích vừa đánh Nhật, băng đèo lội suối, vừa cất lên lời ca hào hùng.
“Dân quân du kích cách mạng bừng mùa thu…
Sao vàng bóng cờ bay trên chiến khu.
Bắc Sơn…
Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu…”
Thời gian trôi nhanh, cách mạng phát triển khá nhanh. Trong khi đồng bằng và các đô thị đang bí mật chờ đón thời cơ thì các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang là của Việt Minh. Để rồi từ chiến khu các tỉnh này, các đơn vị vũ trang Giải phóng quân tiến về đồng bằng, tiến về Hà Nội. Mà như lời Bác Hồ căn dặn người chỉ huy các lực lượng vũ trang là đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Thời cơ lớn đã đến, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được độc lập”
Giải phóng quân, cứu quốc quân vâng lệnh Bác Hồ tiến về miền xuôi, lúc này chiến khu và các tỉnh biên giới là hậu phương an toàn. Đoàn quân ra đi bỏ lại chiến khu không nhớ sao được. Và ca khúc NHỚ CHIẾN KHU xuất hiện:
“Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo lắng suối reo ngàn thông reo
Đêm hôm nay vai vác súng trông mây bay gió buồn đứng. Nhớ núi rừng.
Ôi chiến khu đoàn chiến binh với chiến khu
Thân ta dù trong mưa nắng với sương mù   
Ơi chiến sĩ chàng đau thương có cứu thương.
Vết thương chàng có đau đớn em băng giùm
Chiều nay xa chiến khu trong lòng buồn…”
Hai ca khúc “Nhớ chiến khu” và “Du kích Bắc Sơn” mà tôi may mắn được biết là của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, được bí mật truyền cho nhau tại Huế, Quảng Trị trước ngày giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Thế rồi chẳng bao lâu được hát tự do khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.
Giặc Pháp lại gây chiến ở Nam Bộ, bộ đội ta từ Bắc vô Trung làm một cuộc tiến và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có mặt ở Đà Nẵng, được chứng kiến cảnh chuyển quân máu thịt ấy đã có ngay ca khúc:
“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Lòng có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi, ra đi mang hồn sông núi
Ra đi, ra đi thà chết chớ lui
Cờ bay phất phới kìa dòng Lạc Hồng
Đạn réo ta tới kìa dòng Lạc Hồng
Đoàn vệ quốc… quân…
Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi…”
Ca khúc là nhịp bước hành quân đi ra mặt trận được bộ đội ta hát ngày đêm trên những con tàu tiến, trên các làng quê, nơi ghi tên gia nhập bộ đội Vệ quốc đoàn. Và sôi nổi bậc nhất là trường học có nhiều thanh niên học sinh trong đêm lửa trại đầy phấn khích.
Chẳng bao lâu mặt trận Huế vỡ, cả Bình Trị Thiên khói lửa ngút trời. Quân dân ba tỉnh sát cánh bên nhau đánh giặc gìn giữ xóm làng mến thương.
Ca khúc “Bình Trị Thiên quê hương” xuất hiện:
“Bình Trị Thiên, bao năm lửa khói ngút trời nguyện giữ xóm làng mến thương.
Thôn làng xưa đêm đêm cán bộ đi về trong lúc gian nan đấu tranh đến cùng bom rền vang đau thương khi Tây khủng bố giết người càn quét đốt nhà dày xéo xóm làng đau thương.
Trong khó nguy quân và dân bền chí…
Hói Mít còn vang danh, Hà Thanh thù khiếp vía, đây Xuân Bồ mồ giặc Pháp khóc than…”
Ngoài ca khúc “Bình Trị Thiên quê hương”, hình như của một nhạc sĩ ở khu 4 vào. Còn có ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương rất đỗi bi hùng và quật cường:
“Hướng về , ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá Văn Xá, Truồi Nong…
Hướng về Nam, ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền bên dòng sông Gianh biết danh Luỹ Thầy giờ đây lửa cháy ngút trời, máu nhuộm đồng xanh… Hải Lăng đồng quê tan tác… đàn em xác chìm dòng sông…
Làng cháy cây héo khô
Đồng nương nồng hơi súng

Người đi lòng u uất sôi cháy máu căm thù trào dâng. Đồng bào ơi cùng Bình Trị Thiên đứng lên, đứng lên ta nguyện giết loài lang sói.

Bình Trị Thiên ơi miền thương mến, có ai xuôi về cho ta nhắn thương yêu…”
Bây giờ, bài hát này vẫn được nhiều ca sĩ thể hiện hết sức hào hứng. Và tác giả đã vinh hạnh nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng với “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sẽ là những ca khúc còn lại với thời gian, với nền âm nhạc dân tộc và cách mạng.
Trên mảnh đất Bình Trị Thiên quật khởi và đau thương đan xen, ca khúc có một sức sống kỳ lạ. Các nhạc sĩ thời ấy vai súng vai đàn vào tận đồn địch đàn hát động viên dân quân bao vây đồn giặc, động viên dân công gánh gạo gánh đạn bom:
'Tây đồn Sư lỗ đói meo, ra một trung đội xúc heo bắt gà
Dân quân canh đồn gõ mõ từ xa: Trâu ra ơi đồng bào ơi…
Đồng bào kẻ gánh người gồng, con mô mẹ nấy quyết bỏ nhà không…
Tây đến ngang cồn, ba-rem ta quét đồn, rớt liền năm chú và một quan hai bay hồn về Tây.
A ha… đồng bào mừng vui đem nước tiếp mừng bộ đội.
Đồng lúa chín vàng mấy cô thôn nữ hát hò… là hát hò say sưa…”
Ca từ mộc mạc, nhưng toát lên thế chủ động của ta và niềm lạc quan của người dân. Kháng chiến nhất định thành công.
Bám sát cuộc sống kháng chiến, các nhạc sĩ Trần Hoàn, Hải Châu, Mặc Hy… đã có những ca khúc “Mùa lúa chín”, “Dân công tải đạn”… vừa ngộ nghĩnh vừa tha thiết của Trần Hoàn:
“Hò hát rằng: đường nào cát bằng con đường Đại Lược…
Dốc nào ngược bằng dốc núi Câu Nhi
Em đi mà trời tối không trăng, quàng cây rồi vấp đá, lại trách rằng anh đây không dặn dò.
Khoan hò khoan hỡi hò khoan… băng, băng, băng… băng nhanh cho chóng đến nơi, cho anh bộ đội no cơm đủ súng giệt trừ xâm lăng…”
Rồi ca khúc “LỜI NGƯỜI RA ĐI”… thật da diết và một quyết tâm theo cách mạng đến cùng của tác giả “Một chiều anh bước đi, em tiễn anh ra tận cuối làng, nghe dặn rằng còn kháng chiến còn trường kỳ là còn gian khổ em ơi… Máu còn rơi xương còn rơi bao lớp người tiền tuyến xông pha, ngăn quân thù giày xéo dân ta giành cuộc đời no ấm.
Như dòng sông qua đại dương băng qua rừng ghềnh đá cheo leo, mới đến ngày chiến thắng… Mà em nên nhớ rằng: còn kháng chiến còn trường kỳ là còn gian khổ…”.
Bên cạnh những ca khúc ca ngợi bộ đội chiến thắng như: “Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây…”, cũng có nhiều ca khúc nói lên sự hy sinh mất mát của nhân dân, tinh thần quật khởi lạc quan trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Các nhạc sĩ cũng sáng tác những ca khúc “địch vận”. Rất nhiều người lính lầm đường ấy khi nghe lời ca tiếng hát chí tình khuyên giải đã quay súng bắn vào đầu giặc, làm nội ứng cho quân ta diệt đồn, về với cách mạng:
“Trăng tà xế bóng qua sông… xê bên gối lạnh chạnh lòng nhớ thương. Anh đi cách ngả sai đường, tim em thổn thức canh trường vì anh. Thà rằng đã lỡ chia ly, anh ơi suy nghĩ mau đi mà về. Sang chi bên ấy anh hè, nỡ nào anh phụ lời thề năm xưa. Bên ni chiến luỹ chung một biên thùy, sang đây em đón chớ ngại ngùng chi. Anh ơi ôm súng quay đi mà về…”
Từ sau năm 1950, trên mặt trận Bình Trị Thiên, binh lính người Việt bỏ ngũ về với kháng chiến ngày càng nhiều, góp phần làm cho quân Pháp mau chóng sụp đổ. Trong công lao to lớn của toàn dân tộc, có sự đóng góp của giới nhạc sĩ, của các chị trong phong trào địch vận, đưa ca khúc cách mạng đến đồn địch mà hát. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã hy sinh bên đồn giặc.
Ca khúc thời kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên nếu được tập hợp lại thì sẽ in được một tập dày dặn vô cùng ấn tượng, đó là ca khúc: THỜI HÀO HÙNG.
Thời ấy văn nghệ sĩ dấn thân vào máu lửa, trong khí thế hào hùng của dân tộc, thơ, văn, họa, nhạc bấy giờ chỉ có một mục đích: cùng với nhân dân giải phóng dân tộc.
Vì vậy năm tháng dù qua đi, các văn nghệ sĩ trong đó những nhạc sĩ quê hương như Nguyễn Văn Thương, Hải Châu, Trần Hoàn… đều lần lượt ra đi vì tuổi cao, trong đó có nhạc sĩ là liệt sĩ, hy sinh trên mặt trận, trên đường đi chiến dịch, và…; những ca khúc của các nhạc sĩ vẫn còn đọng lại hôm nay với những địa danh trên mảnh đất Bình Trị Thiên, sẽ còn vang lên trong lòng bao thế hệ Việt Nam.
Tôi muốn dừng bài viết tại đây. Song, không thể không đề cập đến một nhạc sĩ ngoài 80, sau một thời gian ở nước ngoài, nay về định cư tại Việt đó là Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy đến Ba Lòng Đá Nổi (chiến khu Quảng Trị) trong tháng 10 (hay 11) mưa đen trời năm 1948. Đoàn có 7 hay 8 người được bố trí ở trong ngôi nhà ngói duy nhất ở Đá Nổi, nhà của ông Tri Cang, ông có 2 con trai anh Chuộng và Cầu bằng tuổi tôi, ba cha con ở với nhau, còn bà thì mất lúc nào tôi không biết.
Phạm Duy cao ráo, đánh đàn guitar, nói giọng Bắc, đang tập cho mấy người trong đoàn hát bài “Bà mẹ GIO LINH” vừa mới sáng tác:
“Mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con đánh giặc đêm ngày… cho dù áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy, nhà thời Tây đốt còn đâu (sau mới đổi còn mô) ta vui nói chuyện Bác Hồ. Mẹ mừng con giết nhiều Tây ra công cuốc vun cày cấy… hà hờ hơ ơ hờ… hà hờ ơ… hờ…”
Ngoài trời mưa lúc to lúc nhỏ, mưa cả ngày cả đêm. Mưa như sầu như thảm. Chúng tôi ra đi chỉ có cái nón, lấy tàu lá chuối, lá cọ che cho đỡ ướt. Chúng tôi đứng nghe há hốc mồm miệng như bị thôi miên.
Những con người ấy, tên tuổi ấy (văn công khu 4) vào tăng cường Bình Trị Thiên. Hát hò một hồi lâu, các anh nói với nhau: “Đói bụng, bây giờ mà có củ sắn lót dạ thì hay biết nhường nào”.
Các anh nói giọng Bắc, chúng tôi vừa cảm mến vừa ái mộ.
Hai anh em Chuộng và Cầu bảo: "Sắn thì nhiều, mưa làm sao đi nhổ". Tôi nhìn Cầu: "Ta đi!" Chúng tôi đi trong mưa, may nhờ trời mưa dài ngày, chỉ cần lắc lắc là nhổ được củ sắn ngon ơ.
Khi sắn chín rồi, đổ ra rổ với chén muối ớt, mọi người vui vẻ, và chính nhạc sĩ xoa đầu anh em. Tôi cười bảo: “Các mẹ, các em thiếu niên chiến khu tốt quá!” Có phải vậy không thưa nhạc sĩ Phạm Duy…?
Sau này tôi còn thuộc một bài hát của nhạc sĩ nữa là bài CHIỀU, và còn nhớ đến hôm nay.
“Chiều qua khi tôi qua vùng chiếm đóng, qua những cánh đồng khô cằn, qua những xóm làng tan hoang.
Chiều qua gánh nước cho Vệ quốc quân, có những o nghèo kể rằng: quân thù về làng đây đốt nhà….
Giặc đi bắt lính bắt người bắt phu, bắt dân đắp lũy xây đồn nặng nề, ôi lòng người dân ê chề. Chiều qua khi tôi qua vùng chiếm đóng; có những mẹ già đứng đợi đoàn quân trở về…
Bao giờ anh lấy được đồn Tây anh ơi để em cấy lúa như ngày… năm xưa
Bao giờ anh lấy được đồn Tây cho em đi cấy… như ngày… là ngày năm xưa…”
Bộ đội hát lên là căm thù, là lao vào đồn giặc. Cán bộ đi qua vùng tạm chiếm thấy mẹ già mà rơm rớm nước mắt. Bởi mẹ đang đợi chúng ta trở về kia mà, mẹ đang bị quân thù hành hạ, đất nước xóm làng đang bị quân thù giày xéo!
Chỉ hai ca khúc: BÀ MẸ GIO LINH và CHIỀU, nhạc sĩ Phạm Duy đã đi với kháng chiến, với nhân dân Bình Trị Thiên một chặng đường quá đẹp.
Rồi sau đó…
Có lần nhà thơ Hoàng Cầm bảo tôi là ông cùng tuổi với nhạc sĩ Phạm Duy, vậy là đã 86 rồi còn gì…
Còn tôi, em bé nhổ sắn năm ấy ở Đá Nổi đã 73 rồi. Nếu anh có đọc những dòng này trên tạp chí Sông Hương thì đó là kỷ niệm, phải không thưa nhạc sĩ Phạm Duy?...
Quảng Trị tháng 7-2008
N.L

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đồng hành (09/01/2009)