Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Giai thoại: Buồn vui Phùng Quán
15:38 | 04/02/2009
XUÂN TÙNG          Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ          Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ          Bao giờ điếu lại reo êm ái          Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ...
Giai thoại: Buồn vui Phùng Quán
Bà Vũ Bội Trâm bên tủ sách Phùng Quán



"Cậu này viết sai chính tả nhiều quá"


Năm 1954 được phân công vào Sầm Sơn đón tù chính trị của ta do địch trao trả cùng các anh Mai Ngữ, Hoài Giao, Tất Đạt; xúc động trước những câu chuyện do các tù chính trị kể, Phùng Quán muốn viết một cái gì đó. Và ông đã viết "Những chuyện ở Côn Đảo". Viết chưa xong, thì Phùng Quán ra Hà Nội và gặp anh Vũ Tú Nam, lúc đó đang phụ trách tờ Sinh hoạt Văn nghệ Quân đội (tiền thân tạp chí Văn nghệ Quân đội) và được giữ lại để hoàn thành tập tiểu thuyết. Hơn một tháng sau, tập "Những câu chuyện ở Côn Đảo" hoàn thành, Vũ Tú Nam đọc thích quá và bỏ công sửa chữa để trở thành "Vượt Côn đảo" đưa Tổng cục Chính trị in hàng vạn cuốn phát về cho các đơn vị, tác giả không có thù lao. Sau đó, Nhà xuất bản Quốc gia in lại bốn lần với hàng vạn bản nữa và tác giả nhận tới bốn triệu rưỡi tiền nhuận bút (tính theo giá gạo lúc bấy giờ thì được khoảng 18 tấn). Số tiền to lớn đó Phùng Quán đem mua tặng bạn bè mỗi người một chiếc xe đạp, và riêng cho mình một đồng hồ Omêga Automatic giá 25 vạn bạc nhưng vài ngày sau đó thì đánh mất ở nhà tắm tập thể. Kỷ niệm Phùng Quán nhớ nhất, là khi Vũ Tú Nam đọc "Vượt Côn Đảo" và kêu lên "Cậu này viết hay lắm, nhưng sai chính tả nhiều quá", và Phùng Quán cười bảo: "Em từ lưng trâu nhẩy lên Trung đoàn, có học hành gì mấy đâu anh”.

Vọng ba lâu

Dù đã có "Vượt Côn Đảo" nổi tiếng, nhưng cả đời Phùng Quán luôn gặp tai họa lận đận, không có chốn trú thân. May lấy được cô giáo Bội Trâm, giáo viên dạy văn, trường Chu Văn An ở cạch Hồ Tây, được nhà trường thương tình cho hai vợ chồng tá túc ở một cái kho trước đây là một xưởng trường hoang phế.
Vì quá chật chội, nhất là sau khi sinh con, Phùng Quán bèn nghĩ cách làm một nhà chòi. Phùng Quán đi đó đi đây, xin xỏ và nhặt nhạnh những mảnh ván, khúc gỗ đầu thừa đuôi thẹo về chắp vá, dựng lên một căn gác nhỏ để làm nơi viết lách và tiếp đón bạn bè. Các bạn đến chơi và vui đặt cho căn gác này là "Vọng Ba Lâu"- chòi ngắm sóng Hồ Tây.
Chính nơi "Chòi ngắm sóng" này Phùng Quán đã “đẻ” nhiều tác phẩm "chui"; trong đó có bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội sau này được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, đã dựng thành phim và tác phẩm Dũng sĩ chép còm nổi tiếng cùng nhiều bài thơ đặc sắc, mà bạn bè thường tán thưởng câu: "Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây"

Mượn bút danh

Trong thời gian bị treo bút, Phùng Quán vẫn viết đều và rất nhiều, nào truyện tranh, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, thơ và tiểu thuyết... hầu hết đều được in với một bút danh khác. Ví dụ tham gia cuộc thi của Đài phát thanh Mascơva, Phùng Quán đoạt giải nhất truyện ngắn với bút danh Vũ Quang Khải. Hầu hết các truyện tranh ông đều ký tên Thanh Tịnh.
Có một lần, cán bộ biên tập một nhà xuất bản đặt ông viết truyện tranh "Pắc Bó đón Bác về". Ông ký tên Thanh Tịnh. Vì là một đề tài quan trọng, lãnh đạo nhà xuất bản yêu cầu biên tập viên đến gặp tác giả ký hợp đồng, Phùng Quán bèn vội đến thú thực với nhà thơ Thanh Tịnh và nhờ ông giúp đỡ.
Vốn là người đồng hương và trọng tài Phùng Quán, nhà thơ Thanh Tịnh cười bảo:
- Thương em, nhưng lâu nay chẳng giúp được gì. Nay giúp em cái tên thì anh có nề chi!
- Nói xong, Thanh Tịnh ra đường gọi xích lô đến nhà xuất bản để ký vào bản hợp đồng. Và sau này, cũng chính nhà thơ Thanh Tịnh đã mang bản thảo "Dũng sĩ chép còm" của Phùng Quán vào giới thiệu cho Nhà xuất bản Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh in. Đó là một trong những cuốn sách hay viết cho thiếu nhi của Phùng Quán.

Nói dzậy mà không phải dzậy

Năm 1958, đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế lao động ở Thái Bình, gồm có Tô Hoài, Chu Ngọc, Trần Lê Văn, Hoàng Cầm và Phùng Quán, do nhà thơ Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng. Tô Hoài kể: Một lần uống rượu say, Hoàng Trung Thông ra về, chân nam đá chân chiêu. Thấy vậy, Phùng Quán sợ Hoàng Trung Thông ngã, nên đưa tay ra nói: “Anh cứ vịn vào vai em cho chắc”. Thông quát: “Ông mà để cho Nhân văn dắt à?” Câu này làm cho Phùng Quán buồn lắm.
Nhưng sau đợt đi thực tế về, Hoàng Trung Thông tìm tới nhà Phùng Quán chơi và uống rượu. Khi rượu đã ngấm, Hoàng Trung Thông lặng lẽ xin tờ giấy trắng và rút bút viết tặng Phùng Quán bài thơ chữ Hán:
            Hạ tiết bằng hữu đáo
            Hồ thâm cổn cổn ba
            Ẩm tửu hữu tri kỷ
            Tuý quá vong hồi gia
(Nghĩa là: Mùa hạ bạn hữu đến/Hồ sâu cuồn cuộn sóng/Uống rượu có tri kỷ/Say quá quên về nhà)
Thì ra, nhà thơ khi đi thực tế lao động thì đứng trên lập trường tổ trưởng, còn thơ văn là bạn tri âm, vì thế mới có thơ tặng Phùng Quán. Lúc này Phùng Quán mới ngộ ra, khi chia tay Hoàng Trung Thông, với câu nói của anh em Nam Bộ: “Nói dzậy mà không phải dzậy”.

Đọc thư vợ

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng: “Thời gian Phùng Quán vào Huế để hoàn thành tập 3 Tuổi thơ dữ dội nhưng viết thì ít mà “ham chơi” thì nhiều, nên đã nhiều tháng mà anh chưa trở ra Hà Nội. Vợ anh, chị Vũ Bội Trâm ở nhà chẳng những nhớ mà còn lo lắng sức khoẻ của anh. Nhân Nguyễn Trọng Tạo vào Huế, chị nhờ đưa cho Phùng Quán một phong thư. Sau khi nhận được thư vợ, Phùng Quán xé ra đọc ngay và tủm tỉm cười. Bạn bè hỏi, thì Phùng Quán đưa bức thư ra chỉ có 4 dòng:
            Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ
            Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ
            Bao giờ điếu lại reo êm ái
            Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ
Liền đó, Phùng Quán vơ đồ đạc cho vào túi và nhờ Tạo chở ra ga Huế mua vé về Hà Nội trong đêm.
X.T

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)
Các bài đã đăng