Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Về mỹ học vận động trong phê bình văn học
17:09 | 04/02/2009
NGUYỄN DƯƠNG CÔNPhê bình văn học là một hình thái vận động của đời sống văn hóa văn học. Nó không phải là một thể loại văn học. Nó gắn bó huyết mạch tất yếu với vận động sáng tạo - hưởng thụ văn học.

Nó chỉ sinh trưởng trong không gian tâm lý hưởng thụ dẫu có gây tác động mạnh mẽ đến mấy tới không gian tâm lý sáng tác văn học. Nó chỉ có sứ mạng khám phá thế giới hình tượng văn học trong tư cách là tác phẩm văn học hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Cũng giống như thế giới hiện thực nhưng thế giới hình tượng văn học lại chỉ cấu trúc bằng ngữ nghĩa ngôn từ vừa hấp dẫn, quyến rũ cảm giác vừa kích thích nghĩ suy cho kẻ hưởng thụ. Chính cái tình thế cảm nghĩ đó làm cho kẻ hưởng thụ tất yếu trở thành kẻ sáng tạo theo của tác phẩm văn học. Nhưng suy cho cùng, trong toàn bộ lịch sử đời sống văn hóa văn học, chẳng có ai lại là kẻ tuyệt đối đọc-sách-một-mình. Nhu cầu trao đổi cảm nghĩ từ tác phẩm văn học tất yếu nảy sinh. Nhu cầu đó, tình thế đó trong không gian tâm lý hưởng thụ văn học đã nảy sinh ra hoạt động và sản phẩm sáng tạo mang tên là phê-bình-văn-học.

Phê bình văn học được sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp. Cơ cấu tổng thể cấu trúc ngôn ngữ ngôn từ thành văn miêu tả tổng thể hệ thống quy luật của cái Đẹp, người ta gọi nó là Mỹ học. Như vậy, có thể hiểu một cách giản dị Mỹ học là khoa học khám phá quy luật của cái Đẹp. Quy luật của cái đẹp trong phê bình văn học với tư cách không có ý thức cư xử, vận dụng nó thì quy luật đó không (hay đúng hơn là chưa) thuộc về vận động của phạm trù mỹ học. Chỉ có quy luật của cái đẹp đã chuyển hóa thành quan niệm-nhận thức- chuyển hóa làm nên tư thế tự giác trong cư xử, vận dụng nó mới thuộc về vận động của phạm trù mỹ học trong phê bình văn học. Như vậy, quan tâm đến mỹ học vận động trong phê bình văn học, về nguyên tắc là quan tâm đến hoạt động ứng xử các quy luật thành văn mỹ học dành cho sáng tạo phê bình văn học. Nói mỹ học vận động trong phê bình văn học, về nguyên tắc đã là sự chuyển hóa tới cấp độ thành văn - bác học của phê bình văn học. Phê bình văn học thành văn - bác học phải là cấu trúc tổng thể ngôn ngữ ngôn từ thành văn - cơ bản và chủ yếu phải đã được kinh nghiệm hóa ngữ nghĩa - dành riêng cho khoa học về văn học. Chúng ta gọi nó theo thói quen thông thường là phê-bình-văn-học với ý nghĩa nó phải cấu thành bằng các tác phẩm văn - bác học hoàn chỉnh. Cố nhiên với ý nghĩa đó, với nguyên tắc đó, những mệnh đề định trị, những câu truyền miệng, phát biểu, trả lời phỏng vấn riêng lẻ về tác phẩm văn học, dù có ảnh hưởng đến đâu trong không gian hưởng thụ văn học cũng không thể là tác phẩm, không thể là một trong những “thể loại” của phê bình văn học.

Phê bình văn học không phải là một chuyên môn mỹ học. Vì nó không có sứ mạng khám phá ra tổng thể các quy luật sáng tạo và vận động lịch sử sự nghiệp văn học. Công việc này là sứ mạng của lý luận văn học, đích danh là một chuyên môn của mỹ học. Như vậy, nói phê bình văn học là mỹ học vận động không có nghĩa là quy nó thành một khoa học mà chỉ nhằm nhấn mạnh, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của mỹ học dành cho vận động sáng tạo phê bình văn học. Sứ mạng khám phá sáng tạo về thế giới hình tượng tác phẩm văn học là sứ mạng duy nhất của phê bình văn học có cấu trúc và vận động nội bộ học theo thi pháp của sự-sống-con-người, trong đó có vận dụng thi pháp tuân thủ quy luật của cái đẹp. Nói: “Con người sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp” không có nghĩa quy luật của cái đẹp là quy luật vận dụng duy nhất của sự sống con người. Nói như vậy là nói: “sự lựa chọn tối ưu nhất” và “duy nhất thích ứng tồn tại làm phương thức cơ bản nhất của sinh tồn, phát triển nhân tính. Nói như vậy có nghĩa là vận động sự sống con người, vận động nhân tính “đi kèm” với phương thức của cái đẹp - hài hòa với quy luật tồn tại vật chất - còn có những phương thức phi và phản quy luật của cái đẹp là những phương thức duy bản thể hóa, phi xác định, phi chính xác, phi hài hòa của nguồn năng vận động cảm giác, tình cảm thuần túy và các nguồn năng vận động vô thức khác. Chỉ có thể hình dung đúng đắn và cần thiết về sự sống bản thể con người mới có thể tiến tới hiểu biết đúng đắn và thỏa đáng thế nào là “Con người sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp”.

Cũng tương tự như cấu trúc nội bộ tác phẩm văn học, cấu trúc nội bộ tác phẩm phê bình văn học có “sự lựa chọn tối ưu nhất" và “duy nhất thích ứng với đặc thù của thế giới hình tượng tác phẩm văn học”. Trong nhiều phương thức sáng tạo và cấu trúc nội bộ bản thân nó, phê bình văn học “lựa chọn” làm cơ bản nhất, tối ưu nhất phương thức tuân thủ, vận dụng quy luật của cái đẹp, tuân thủ vận dụng mỹ học dành cho hưởng thụ tác phẩm văn học. Nhưng trong khi đồng thời với vận dụng, tuân thủ quy luật cái đẹp, của mỹ học, phê bình văn học vẫn phải say mê, chăm chú “hòa mình vào” thế giới hồn nhiên, đa cảm, “hòa mình vào” trạng thái cảm tính - làm nên đặc thù cơ bản nhất của thế giới hình tượng tác phẩm văn học. Sự “hòa mình vào” đó của phê bình văn học không phải chỉ là đồng cảm thụ động, phiêu lưu phi định hướng mà là sự hòa mình vào chủ động, cố thủ ý thức khám phá mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành trạng thái cảm tính của thế giới hình tượng tác phẩm văn học. Cùng với “sự hoà mình vào” là “sự giãn cách hoá” khám phá định trị những mối quan hệ cảm tính và lý tính trong tác phẩm văn học.

Ở nơi đơn phương ứng xử với trạng thái cảm tính - mơ hồ và đa nghĩa - phê bình văn học còn luôn phải khám phá mối quan hệ giữa trạng thái đó với trạng thái lý tính. Trong ứng xử với trạng thái lý tính, phê bình văn học còn luôn “cảnh giác” lường tính khả năng chính trạng thái lý tính, tự nó sinh ra, gây ám ảnh ra bằng lô-gíc lý tính, một trạng thái cảm tính mơ hồ của nó. Hầu hết các tác phẩm văn học hoàn chỉnh đều dung chứa trong nó vô số chân lý - quan hệ nội bộ - của riêng nó mà phần lớn trong số chúng luôn ẩn kín trong vòng khung bí ẩn mà ngay cả nhà văn - kẻ sáng tạo ra chúng bằng phát động cảm giác trí tuệ, bằng những “tia chớp thiên tài” - cũng không hoặc chưa lý giải kiểm nghiệm hết được. Chính vì thế sứ mạng khám phá - sáng tạo về thế giới hình tượng tác phẩm văn học, sứ mạng hưởng thụ - sáng tạo tiếp theo là sứ mạng vinh quang và không mấy dễ dàng. Chính vì thế sứ mạng hưởng thụ văn học cho đủ tầm, đủ độ nhạy cảm, thông minh là để dành cho những người mang danh vừa cao cả vừa giản dị là “Bạn Đọc Văn Học”. Chính vì thế, cái sứ mạng xứng đáng nhất của “Bạn Đọc Văn Học” đi liền và tiến tới sáng tạo tác phẩm văn chương thành văn bác học miêu tả những khám phá “chỉ cái anh phê bình văn học này - con người này” mới khám phá được, là sứ mạng thiên định cho nhà và cho tác phẩm phê bình văn học.

Trạng thái cảm tính trong tác phẩm văn học được khám phá tất yếu tạo nên một trạng thái cảm tính - được miêu tả bằng lô-gíc lý tính - trong tác phẩm phê bình văn học. Chính vì thế, từ bên trong bao dung tất cả các nội dung là một cái tôi-thụ-lý-trữ-tình-cái tôi đặc trưng của tác phẩm phê bình văn học. Trạng thái cảm tính và trạng thái lý tính gắn liền mật thiết với nhau trong tác phẩm phê bình văn học. Bởi sứ mạng của phê bình văn học là cảm nhận để định trị, nên sự dung hòa hai trạng thái cảm tính và lý tính luôn ở mức độ tương đối thiên lệch cho lý tính làm nên một trạng thái mà người ta tiếp nhận và gọi là thái độ trong phê bình văn học. Tình cảm và thái độ trong phê bình văn học bởi thế là sản phẩm sáng tạo. Chúng là bằng chứng chủ quan hóa độc lập tương đối với sự vận dụng mỹ học trong phê bình văn học. Chính trạng thái tình cảm và thái độ mang đậm dấu ấn cái tôi - cảm - thụ của phê bình văn học khiến người ta dễ lầm tưởng phê bình văn học là một nghệ thuật trong “xã hội” khác nghệ thuật văn học, âm nhạc, hội họa,…

Thực tế, trên thế giới và trong lịch sử không hình thành một bộ môn nghệ thuật nào mang tên là phê bình văn học. Phê bình văn học không phải là một khoa học cũng không phải là một nghệ thuật. Công việc vận dụng khoa học không nên gọi nó là một khoa học, nhất là vận dụng khoa học đó cho khảo sát, cư xử với một đối tượng cụ thể nào đó. Công việc vận dụng tư duy nghệ thuật để cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật cụ thể cũng không nên gọi là một nghệ thuật. Tư duy phê bình văn học vừa vận dụng khoa học về văn học (vận dụng lý luận văn học) vừa vận dụng tư duy hình tượng, suy cho cùng chỉ là “kẻ” “đi giữa” hai tư duy đó mà thôi. Nó không được đơn thuần là một trong hai tư duy đó. Hơn thế sự vận dụng hai tư duy đó của nó cũng chỉ để cư xử với một đối tượng cụ thể. Tình trạng giống như một ông thầy thuốc vận dụng khoa y học để chữa một con bệnh nào đó. Công việc chữa bệnh của anh ta không nên gọi nó là một khoa học mà chỉ nên gọi là công việc vận dụng y học để hành nghề mà thôi. Chúng ta nên gọi phê bình văn học là gì? Nên gọi là: Công việc vận dụng mỹ học và vận dụng nghệ thuật văn học để cư xử với một hiện tượng là tác phẩm văn học. Vì vậy, phê bình văn học chắc chắn là một loại công việc, là một thể loại văn-chương-tiểu-luận-tác-phẩm-văn-học thuộc loại hình văn-chương-nghị-luận dành cho hiện-tượng-vận-động-đời-sống các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tác phẩm văn học cụ thể là “một cái riêng” không có cái chung văn học nào chứa đựng nổi nó dù có thể chứa đựng nổi cái chung văn học tất yếu và khả dĩ chi phối cơ cấu hình thành nó. Chính vì tác phẩm văn học kiểu con người này chứa đựng những chân lý văn học chỉ tác phẩm đó mới có hoặc chỉ được khám phá lần đầu tiên trong lịch sử hưởng thụ bằng “một cái tôi” nào đó nên mọi chân lý thẩm mỹ tác phẩm đó không thể và không cần hoàn toàn thuộc về cơ cấu tổng thể các qui luật cái đẹp nghĩa là: không phải là cái gì là tinh túy của phê bình văn học cũng là sản phẩm trực tiếp để “nhập kho” mỹ học. Thành ra, hiểu phê bình văn học là một khoa mỹ học là ngộ nhận và mưu toan mỹ học hóa triệt để phê bình văn học là mưa toan nông nổi, đầy nguy cơ trở nên kệch cỡm. Mặt khác cũng phải thấy những năng lực thẩm mỹ học thuần túy dành cho tiếp cận văn học nếu không có “con đường” “không gian” cảm tính đặc trưng mà người ta gọi là năng khiếu, năng lực cảm thụ văn học, chúng cũng không hoặc bị hạn chế nghiêm trọng trong khi sử dụng chúng làm phê bình văn học. Điều này lý giải vì sao có rất nhiều học giả uyên thâm về khoa văn học mà chính họ có vô cùng mong muốn, có dày công cũng không thể làm nổi một tác phẩm phê bình văn học xứng đáng. Suy cho cùng thì tác phẩm văn học đã hoàn tất sự khám phá chính bản thân nó qua sứ mạng khám phá con người theo kiểu riêng của nó. Nhưng như thế không có nghĩa là nó tự dễ dàng và thường trực, lập tức "lộ thiên" những bí mật mà nó khám phá cho mình dấu kín trong "cơ thể" bí ẩn mơ hồ và đa nghĩa của nó. Thành ra, chính những nhà văn thiên tài lại không thể làm nổi một tiểu luận phê bình văn học xứng đáng dành cho tác phẩm thiên tài của anh ta bởi anh ta không đủ lăng kính mỹ-học và cảm thụ cá nhân; "nguy" hơn là anh ta lại thiếu hoặc không có ngôn ngữ thành văn lý luận phê bình văn học cùng các yếu tố nhà nghề khác của phê bình văn học. Và cũng thành ra, mơ ước dẫn đến sự hô hào các nhà văn có bề dày tài năng, tên tuổi, lão làng đi làm phê bình văn học là câu chuyện chứa đầy nguy cơ ảo tưởng, khôi hài.

Văn học không phải là nhà văn. văn học chỉ có thể sáng tạo ra “một nhà văn nào đó” mô phỏng nhà văn - tác giả của nó trong dạng thức hư cấu định mệnh của văn học. Bởi thế phê bình văn học là phê bình...văn học chứ không phải là thứ đem ra phê bình nhà văn. Nói đến lao động nhà văn, nói đến chuyện người, chuyện đời nhà văn trong cơ hội được viết phê bình văn học không phải là "tiếng nói" của phê bình văn học. Nó không phải là “tiếng nói” quyền lực, uy tín trong xã hội các nhà văn, các nhà phê bình văn học, không phải tùy tiện là “tiếng nói” từ “miệng kẻ sang có gang, có thép” nào cả. Ý nghĩa sáng tạo tác phẩm phê bình văn học mới nhạy cảm và nghiệt ngã làm sao! Cái Đẹp cứu rỗi thế giới. Nhưng chúng ta không được phép hiểu rằng, cả tin rằng có cái đẹp từ đâu đến nó cứu rỗi con người mà chúng ta chỉ được phép hiểu rằng: Chỉ có chính chúng ta cứu rỗi bản thân mình, cứu rỗi con người bằng cái Đẹp-nghĩa là bằng phương thức “theo qui luật của cái Đẹp”. Ai đó cả tin có cái đẹp ở đâu đó đến cứu rỗi anh ta thì chúng ta khiêm tốn mách bảo anh ta rằng chẳng ai cứu nổi anh nếu anh không tự cứu mình trước khi Trời cứu. Nói to tát như vậy, chúng tôi chỉ mong gửi gắm hy vọng và những nỗ lực đúng là cần thiết cho sự nghiệp phê bình văn học, trong đó đặc biệt là nền tảng tư tưởng - triết học của đời sống văn hóa văn học hôm nay.
            N.D.C

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)
Các bài đã đăng