Mỗi bài viết của anh đều in đậm cá tính riêng của anh. Trong bài viết như một lời bạt ở cuối cuốn tiểu luận - phê bình "Ngón thứ sáu của bàn tay", nhà thơ Nguyễn Đỗ cho rằng: "Điều mà Thanh Thảo có được trong tập sách này - cái thành công nhất - chính là anh đã được sáng tác, anh viết tiểu luận như là một hối thúc bên trong, giống khi làm thơ" [tr.63]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những quan điểm chính của anh được thể hiện trong các bài viết phê bình - tiểu luận, xin tạm gác lại phần quan điểm của anh được thể hiện rất phong phú và đa dạng trong Trường ca và thơ anh, đặc biệt là ba Trường ca: "Đêm trên cát" viết về nhà thơ Cao Bá Quát, "Trò chuyện với nhân vật của mình" viết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và "Khối vuông ru bích" với quan niệm "ru bích là cấu trúc của thơ".
Quan niệm thơ được Thanh Thảo phát biểu khá đa dạng độc đáo theo cách cảm, cách nghĩ, cách nói riêng của mình: "Thơ là cái lặng lẽ của con hổ. Ngay con hổ cũng có lúc giật mình vì một tiếng lá rụng. Thơ đi giữa can trường và hoảng hốt, đi giữa cái liều và nỗi sợ... Thơ là con dao găm "Tôi ném vào khoảng trống" (Văn Cao), nhưng người bị thương lại chính là tôi" [Ngón thứ sáu của bàn tay, tr. 5]. Chỗ khác Thanh Thảo phát biểu: "Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ" [Sự đồng cảm trong phê bình thơ, tr.66].
Về bản chất của thơ, Thanh Thảo quan niệm: “Bản chất của thơ là thơ ngây, là bất thường, là xuất kỳ bất ý" [Văn Cao và năm 2000-tr.76], "là tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người". Những tập thơ có giá trị thực sự, chúng có thể là "Kinh thánh của tâm hồn", là thứ "không thể mua và không thể bán. nhưng lại không thể thiếu cho con người" [Mười năm cõng thơ leo núi, tr.63]. Nhưng "Thơ khác kinh cầu. Nó không tạo ra những cơn mê tập thể. Nó không ru rín" mà nó mê hoặc con người bằng "sự thức tỉnh". "Thơ chỉ dành cho từng người một. Và khi một người đọc thơ cho mình, là người ấy đã đồng hiện với một giáo đường. Vì vậy, có thể coi một người đọc thơ như nghìn người đọc kinh" [Tản mạn về thơ. Tr.79].
Về chức năng giáo dục của thơ, Thanh Thảo có một quan niệm khá mới lạ: "thơ có ích không chỉ vì thơ giáo huấn ai, giáo dục ai, cải tạo ai, mà vì thơ thức tỉnh con người trước cái "trăm năm", thơ đặt con người đối diện với nghìn năm, thơ cho con người một thoáng nhìn lại chính mình một cách bình thản" [Tản mạn về thơ, tr.80]. Chỗ khác, anh thổ lộ: "Thơ đích thực không nhằm giáo dục ai, cải tạo ai, nhưng nó lại giúp thanh lọc tâm hồn con người". Thơ còn là "đôi nạn" giúp người tàn tật "đứng dậy, bước đến với mọi người, là đôi bàn tay chìa ra với mọi người", vâng, chính là thơ, và đôi bàn tay thơ "như đôi lá xanh dung dị, gần gũi" [Lửa xanh thầm cháy mãi không nguôi, tr.12].
Về sức sống của thơ trong cơ chế thị trường hiện nay, Thanh Thảo khẳng định: Nó "vẫn là thứ dây leo khó bảo mà những lưỡi rìu thực dụng chặt đứt chỗ này nó lại mọc lên chỗ khác" [Hướng tới Nobel hay Nobell? Tr.89]. Nhân bàn về sự "bền lòng" của Đường thi, Thanh Thảo đã khái quát về sức sống vĩnh cửu của thơ. Từ chỗ so sánh: thơ Đường "có tuổi thọ hơn cả tuổi thọ của Tề Thiên Đại Thánh, dầu nó không hề được ăn đào tiên", anh bắc cầu dòng suy tưởng của mình sang: cái mà thơ "được ăn chỉ là nỗi đau đớn, tủi nhục, là tình yêu vô hạn của con người. Và ánh trăng, và hoa, và cây cỏ. Cái nó ăn, là cảm giác. Cái cảm giác của một con người như một vũ trụ và của cả vũ trụ như một con người, như một hạt cát, như cái chớp mắt của thời gian". "Thơ có trước Thiên Chúa giáo, có trước Phật giáo, có trước Hồi giáo. Nhưng cho đến thời đại hiện này, thơ vẫn sống mà không có tín đồ" [Tản mạn về thơ, tr.79].
Về mối quan hệ giữa người đọc, dân tộc và thơ, Thanh Thảo có một cái nhìn khá nhất quán: Thơ "phải được đồng bào mình chấp nhận, dù không phải là toàn bộ, trước khi có thể được thế giới công nhận... Bởi không gì hạnh phúc cho bằng được đồng bào mình đồng cảm mến yêu" [Hướng tới Nobel hay Nobel? Tr.90]. "Người làm thơ ngày thường cũng nói nhỏ, họ chỉ nói to hơn trong thơ". Họ "nói về những dự cảm", "hướng đến một cộng đồng, một dân tộc, một đất nước, nó hướng đến Con Người, đến toàn nhân loại" nhưng "thơ vốn âm thầm, tìm được một người tri âm đã mừng hết lớn, đâu dám ước ao mê hoặc được hàng vạn hàng triệu người" [Có một dòng sông 80 tuổi, tr.139]. Về quan hệ giữa thơ và cuộc sống, đặc biệt là hiện thực chiến tranh, là người nằm ngay trong cuộc chiến, anh tâm sự: "Chiến tranh là một trải nghiệm khốc liệt" không ai mong muốn, "nhưng rồi khi phải đối đầu với nó, phải ngập chìm trong nó, và may mắn cuối cùng thoát ra khỏi nó". Lúc đó, "người ta có thể coi những bài thơ rất bình thường mình viết được trong chiến tranh như những vắt cơm đã nuôi mình khi đói, như hớp nước cuối cùng trong bi-đông mà mình sẻ chia với đồng đội, lại như một ân sủng mà mình nhận được" (Về thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, tr.4).
Thanh Thảo cũng quan niệm: nói đến thơ là nói đến sự sáng tạo, nhưng cách nói của anh cũng độc đáo như thơ anh: "Hơn ai hết, người làm thơ phải là người bình tĩnh khi buông dây câu về vô định mong giật được con -cá - bặt - tăm...Nghĩa là khi làm thơ, nhà thơ biết mình sống trong lòng sự sáng tạo. Đó là niềm tự hào và điều an ủi lớn nhất đối với một nhà thơ" (Hướng tới Nobel hay Nobell? tr.90). Thách thức của thơ mà cũng là sự quyến rũ của thơ là: "Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả" ( Mười năm cõng thơ leo núi, tr.66).
Bàn về thi pháp, Thanh Thảo bắt đầu bằng sự liên tưởng từ bóng đá (mà tên tuổi anh xuất hiện thường xuyên với cách bình luận rất riêng): dấu ấn thi pháp của từng nhà thơ chính là những "cú sút" từ ngữ trong thơ, "sút lọt" vào "khung thành ẩn hiện của thơ". Thi pháp của một nhà thơ "được coi như một thứ kĩ thuật đi bống, dắt bóng", chỉ khác là "khung thành trong bóng đá luôn hiện rõ trước mắt cầu thủ, còn "khung thành" trong thơ lại lúc ẩn lúc hiện, và người là thơ chẳng biết khi nào thì đưa được ngôn từ vào đúng dòng thơ, vào "lọt" bài thơ. Những "cú sút" từ ngữ trong thơ mang nặng dấu ấn thi pháp của từng nhà thơ" ("Thời máu xanh" và số phận người lính, tr.124-125).
Về ngôn ngữ, hình tượng, biểu tượng thơ, Thanh Thảo quan niệm: chớ nên tưởng rằng "ngôn ngữ thơ là làm phong phú ngôn ngữ con người", mà "nó chỉ chắt lọc tinh túy của ngôn ngữ con người". cũng đừng nghĩ rằng: những hình ảnh,những biểu tượng thơ chỉ có kích thích trí tưởng tượng của con người, mà "nó còn khiến con người vững tin rằng ngoài những hình ảnh thế giới mà mình thấy được, cảm nhận được còn những hình ảnh mà mình chưa thấy nhưng sẽ thấy, chưa cảm được nhưng sẽ cảm được. Có những giấc mơ mình sẽ mơ, và có những cuộc đời mình sẽ sống cùng với cuộc đời chính mình đang sống" (Tản mạn về thơ, tr.81).
Có người phỏng vấn hỏi rằng: "Có cảm giác anh đã bắt kịp một chân sang thơ hiện đại-điều rất khó đối với một thế hệ thơ thời chiến?", Thanh thảo bộc bạch: "Thực ra, nhà thơ cách tân không phải lúc nào cũng chăm chăm làm cho mình quái lạ đi. Làm thơ phải cực kỳ đơn giản, làm mà như không ấy" [Tôi hối hả quét dọn con người mình, tr.88]. Anh quan niệm: Tư duy thơ hiện đại là kiểu tư duy có bước nhảy cấu tứ thơ đầy khoảng lặng tạo nên rất nhiều "không gian rỗng" trong thơ: "Chính ở khoảng giữa của những câu thơ độc lập tương đối, đã ẩn hiện cái không gian rỗng của bài thơ, là cái thoạt nhìn, mới đọc cứ ngỡ như không thấy gì, không nói lên điều gì. Cái kỳ lạ của thơ là ở đó: chữ nương tựa vào không - chữ, chỗ dày rậm cậy nhờ chỗ trắng trong, không - gian - đặc được cấu trúc lên nhờ không - gian - rỗng". Anh cho rằng: khác với thơ cổ điển, thơ hiện đại "không nhằm vào từng câu thơ" mà nhằm vào "từng mảng thơ", "những mảng tối, mảng sáng trong bài thơ đan xen nhau, những mảng có nghĩa và vô nghĩa đan xen nhau… buộc tiềm thức, vô thức của ta phải làm việc, buộc ta phải ngụp lặn xuống lòng nước tối, ngụp lặn vào chính những giấc mơ của ta" [Tản mạn về thơ, tr. 80-81]. Chính cái "lòng nước tối", "những giấc mơ" ấy đã tạo nên độ mờ nhòe nghĩa lý câu thơ của Thanh Thảo. Anh rất tâm đắc với "Lý thuyết phân tích tinh thần" của Erich Fromm: "Tuyệt đại đa số các giấc mơ có một đặc trưng chung: chúng không tuân theo quy luật logích đã chi phối lộ trình tư duy khi chúng ta thức tỉnh; ở đây phạm trù thời gian, không gian bị coi thường" [Ngôn ngữ bị lãng quên, tr.11].
Đánh giá sự vận động của thơ Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX, Thanh Thảo nhận xét: "Mười năm thơ Việt cuối thế kỷ là mười năm có những chuyển động ngầm, như những khối sóng dưới lòng sông sâu, những chuyển động có một bề nổi hòa hoãn, nhưng một bề chìm quyết liệt, nhiều lúc không khoan nhượng" [Mười năm cõng thơ leo núi, tr.64)]. Trong bài phát biểu có tựa đề "Thơ mãi mãi là bí mật" (mà sắp tới nó sẽ trở thành đầu đề một tập phê bình - tiểu luận dày hơn 400 trang đang chuẩn bị xuất bản) tại Liên hoan thơ quốc tế ở Pháp (11/2003), xuất phát từ “một ánh nắng vàng hoe” của Maiacopxki, Thanh Thảo nhận định: "Ánh nắng ấy là thơ, mà sự bí ẩn của nó không chia đều cho tất cả mọi người , trong tất cả mọi thời điểm của cuộc đời. Nó có thể đến với người này, lúc này, với người khác, lúc khác. Bất chợt hiện và bất chợt tan... Thơ không từ chối bất cứ cái gì, nhưng thơ khao khát sự bí ẩn".
Chính quan niệm "Thơ mãi mãi là bí mật" nên cả cuộc đời thơ của mình, Thanh Thảo, từ trước đến sau, vẫn cứ khư khư giữ mãi cái khoảng lặng bí mật ấy. Vì thế, người ta bảo thơ Thanh Thảo quá khó hiểu cũng có cái lý của nó. Gần đây nhất, trong bài trả lời phỏng có tựa đề "Thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả", Thanh Thảo tóm lại quan niệm thơ của mình: "Quan niệm của tôi về thơ vẫn thế, chẳng có gì mới hoặc cũ hơn". Có thể có người "thay đổi hẳn quan niệm của mình" hoặc "ngộ" được thơ sau khi đọc một bài thơ. Nhưng cũng có người chỉ để "khẳng định thêm những điều mình đã nghĩ". Còn theo anh, "thơ phải hiện đại, bởi chúng ta đang sống thời hiện đại nhưng muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà thôi" [tr.82-83].
Khi được hỏi về sự ảnh hưởng của phương Tây trong quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam, Thanh Thảo trả lời rất đơn giản: "tính hiện đại" không phải do "những kĩ thuật thơ phương Tây" mang đến, "mà còn đến từ sự phối hợp tự nhiên và bất ngờ của thơ phương Tây với khả năng dồn nén, tích chứa, u mặc, phẳng lặng mà sâu thẳm của thơ phương Đông, của tâm hồn thơ Việt. Và cái chính là phải qua ngôn ngữ riêng biệt của từng nhà thơ" [Thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả, tr.83]. Về cái đẹp trong thơ, đặc biệt là thơ hiện đại, anh cho rằng: đây là vấn đề không đơn giản, nhưng anh khẳng định: "Cái đẹp của thơ bây giờ phải khác thôi...có thể "tục"(vulgarism), có thể "bẩn" (dirty) mà vẫn đẹp đấy. Bởi chỉ có Đức Mẹ Đồng Trinh mới sinh con mà hoàn toàn sạch sẽ, tinh khiết thôi. Các cuộc sinh nở bình thường khác, những cuộc sinh nở của con người, đều có phần "vulgarism" và "dirty". Thơ cũng vậy thôi. Có điều, cái cuối cùng là "đứa con", là "bài thơ" như một sản phẩm tự nhiên, sống" [Thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả, tr.85].
Là một nhà thơ có một giọng điệu thơ "lạ" ngay từ những ngày đầu cầm bút, sau những thành công ban đầu, Thanh Thảo không "chững lại” mà luôn tự vượt lên mình. Là một người say mê nghiên cứu các lý thuyết, các trào lưu văn học hiện đại phương Tây kết hợp với thực tiễn sáng tác của mình, Thanh Thảo đã có những quan niện thơ đáng để ta ghi nhận. Tháng 12/2004 M.B.A
(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)
|