Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
Nhận diện vùng đất miền Trung Việt Nam trong bối cảnh lịch sử và văn hoá dân tộc
10:59 | 19/01/2009
NGUYỄN HỮU THÔNG1. Những đặc điểm về địa hình và sinh thái miền TrungQua rất nhiều sự xáo trộn, biến động của tự nhiên và lịch sử, Việt Nam hiện hữu trên bản đồ thế giới với hình thể của một vòng cung bán lục địa lượn mình trước biển Đông, uyển chuyển nhưng vững chãi, bởi trong đó, các dải núi từ vùng Tây bắc cho đến hệ Trường Sơn có dốc dựng đứng và xuôi dần về phía tây, như chiếc cột sống chống đỡ bền vững cho cơ thể Việt Nam đang ưỡn mình trước đại dương mênh mông.
Nhận diện vùng đất miền Trung Việt Nam trong bối cảnh lịch sử và văn hoá dân tộc
(Ảnh: Internet)

Khác với sự cấu tạo hai đầu nam - bắc, nơi hình thành cảnh quan đồng bằng từ quá trình bồi tụ của những hệ sông ngòi lớn, làm nên những châu thổ bao la và màu mỡ cho hoạt động canh tác ruộng nước, miền Trung do tấm lá chắn của hệ Trường Sơn trùng điệp với nhiều tầng núi cao thấp áp sát biển, thiên nhiên đã tạo nên ở đây một kiểu cấu tạo địa thế vừa hẹp vừa hiểm trở. Nét đặc thù này đã chi phối đến cả lịch sử lẫn văn hoá mà bất cứ ai khi nghiên cứu vùng đất này cũng phải lưu ý.

Sơn hệ vùng Bắc Trung Bộ Việt là một kiểu kiến tạo dọc biển và cạnh biển. Nếu không kể những bãi bồi của rất nhiều dòng chảy do địa hình dốc từ sườn đông của núi tạo nên, thì dải đất mà chúng ta thường gọi là đồng bằng thực chất chỉ là sự trải rộng của chân núi, một chút "hào phóng" của tạo hóa cho người trồng trọt. Mật độ của các dòng nước từ những thềm dốc dựng này chảy theo hướng tây đông hoặc tây bắc - đông nam đã cắt xẻ manh mún địa hình miền Trung; những nơi nào núi chắn ngang thì con người phải mở đèo, nơi sông suối cản lối thì phải sử dụng đến bè, thuyền để vượt qua. Lưu lượng nước ở mùa mưa của các dòng chảy trên dốc dựng đã luôn là mối đe dọa đời sống con người(1). Trên vùng cận duyên với sự hình thành các dải đại - tiểu trường sa luôn rình rập xoá đi thành quả lao động của con người bởi hiện tượng cát bồi, cát lấp. Cái có thể nhìn thấy dễ dàng ngoài sự hiểm trở và đầy thách thức về mặt địa thế, chúng còn cô lập địa hình nơi đây thành những điểm khu biệt, tạo nên nhiều tiểu vùng địa lý khí hậu đáng lưu ý
.

Chính từ đặc điểm ấy, con người bản địa, tiền trú hay đến đây trong quá trình nam tiến, đông tiến hay tây tiến với biển núi cận kề không thể không hình thành những lối ứng xử phù hợp, tổng kết hay kế thừa những thành tựu của người đi trước trong sinh hoạt kinh tế, văn hoá, để tồn tại và phát triển.

2. Những nét đặc trưng của làng xã miền Trung
2.1.Từ sự tồn tại các tiểu quốc Chăm (Mandala) trên dải đất miền Trung cho đến quá trình di dân của người Việt ở vùng đất này.
Một thời, việc nghiên cứu Champa (Lâm ấp) với tư cách là một vương quốc thống nhất hình thành vào năm 192 và trải dài trong suốt nhiều thế kỷ, gần như không có sự bất đồng lớn nào giữa các nhà Champa học.

Một số dòng thông tin trong nhiều ấn phẩm khá sớm của Trung Quốc như Thủy kinh chú, Lâm ấp ký, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Đường thư… đã trở thành những nguồn tài liệu quan trọng, dẫn dắt các nhà nghiên cứu nhiều nước xích lại gần nhau trong quá trình biện dẫn sự ra đời của nhà nước Lâm ấp từ cuộc nổi dậy của Khu Liên, nhân vật (nhóm người?) đã lãnh đạo phong trào giành độc lập từ tay nhà Hán ở vùng đất Nhật Nam xa xôi, so với tầm tay quản lý của "thiên triều".

Những khuôn mặt lớn trong giới nghiên cứu Champa ở phương Tây như: H.Maspero, Stein, Claeys, Coedès, Aurousseau, Aymonier, Parmentier... với những lập luận ít nhiều có tính xác quyết tiến trình hình thành nhà nước Champa, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các học giả trong nước lẫn những nhà chuyên môn thuộc lớp hậu duệ ở phương Tây sau này
.

Sự hình dung ít có nghi vấn về một vương quốc có tên là Lâm ấp (192 - 758) àHoàn Vương (758 - 866) àChiêm Thành (866 - 1471) àChampa, thống nhất từ nam đèo Ngang đến hết vùng nam Trung Bộ với tộc người Chăm chủ thể thuộc ngữ hệ Malayo - Polynésie, đã trở thành đầu mối cho những lập luận có liên quan đến nhiều công trình nghiên cứu về nhân học, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật học về Champa.

Trong chừng một vài thập niên trở lại đây, cùng với sự bổ sung của nhiều nguồn tư liệu, nhất là sự mở rộng đối sánh theo dạng cấu trúc mô hình xã hội trên phạm vi khu vực Nam á và Đông Nam á của các nhà khoa học, cùng với những thông tin được giải mã một cách hợp lý giữa nội dung một số văn khắc cũng như các hiện vật khảo cổ học mới phát hiện bổ sung…
Các tác giả như B. Bronson, R.Hall, R.Nakamura, O.W. Wolter, A.V.Schweyer đã có những công bố và nhận định làm cho việc nghiên cứu Champa ở dải đất Trung bộ - Nam Trung bộ đương thời được nhìn nhận lại dưới một góc độ mới, đó là chân dung của sự sống chung, phân ly, liên kết, thống trị, bị trị, cát cứ, độc lập tương đối giữa nhiều tiểu quốc, bao gồm không ít những tộc người có nguồn gốc và ngữ hệ khác nhau. Mandala (tiểu quốc) là mô hình tổ chức kinh tế - xã hội - chính trị, một thể chế hành chính khá điển hình và phổ biến ở vùng Nam Ấn, do mối giao lưu và giao thương khá sớm với con người và văn hoá ấn nên nhiều vương quốc cổ ở Đông Nam Á đã mô phỏng thể chế hành chính ấy; có nghĩa là trong mỗi vương quốc có thể bao gồm nhiều tiểu vương quốc có mối quan hệ liên kết hay tự trị ở những mức độ khác nhau (đơn vị tiểu vương quốc này được gọi là Mandala). Phải chăng các vùng đất nằm trong cương vực Champa cổ ở miền Trung Việt như: Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga là danh xưng của các tiểu quốc đương thời nằm trong mô hình hành chính ấy.

Với xu hướng mới trong việc tiếp cận nghiên cứu vùng đất Champa xưa như đã nêu, ngày càng có nhiều công trình đề cập đến các tiểu quốc với những thăng trầm làm nên diện mạo đặc trưng của mình; cũng như những di tích còn lại đến ngày nay, trong cách lý giải mới, đã cho chúng ta những thông tin quý giá về một số triều đại đã từng xuất hiện và mất đi trong lịch sử, với những số phận khác nhau của các Mandala trong vùng đất một thời được gọi là Vương quốc Champa độc lập và thống nhất
.

Từ đó, sự tồn tại của từng triều đại dưới quyền các vị vua là hữu hạn trong lúc sự biến động tạo nên vùng ảnh hưởng liên quan đến sự thịnh suy của từng tiểu quốc (Mandala) là thường xuyên.
Mối quan hệ giữa các vị vua trong những tiểu quốc có thể được thể hiện trong vai trò độc lập - bình đẳng, liên kết - liên minh hoặc bảo hộ - chịu sự bảo hộ mà triều đại Indrapura, tồn tại từ cuối thế kỷ thứ IX đến cuối thế kỷ thứ X ở miền Trung Việt Nam là một trường hợp.

Điều chúng tôi muốn nói là với những đặc điểm nêu trên, miền Trung Việt Nam ngày nay là địa bàn tụ cư của nhiều tộc người có nguồn gốc cũng như thuộc các nhóm ngữ hệ khác nhau: Việt - Mường, Malayo - Polynéise, Mon – Kh' mer…
và chính họ là thần dân trong các tiểu quốc được xây dựng trên vùng phân bố của tộc người hay nhóm tộc người. Qua những biến động lịch sử, số sống ở vùng chân núi - gò đồi hòa nhập vào cộng đồng Việt trong quá trình Nam tiến, để trở thành bộ phận người miền xuôi, thuộc vùng đồng bằng ven biển hiện nay. Số sinh sống ở gò đồi và vùng núi cao tiếp tục hiện diện cho đến bây giờ mà tộc danh của họ phần lớn đều nhằm phân biệt vùng cư trú với nhóm người còn lại đã bị phân lập, bao hàm ý nghĩa là người ở phía núi rừng, hay đầu nguồn nước (Tà Ôi- Pacoh- Bru- Vân Kiều, Ka tu, Raglai)

2.2. Các tộc người ở miền Trung và quá trình giao lưu với người Việt

Một số không ít truyền thuyết, chuyện cổ của các tộc người ở miền Trung từ phía Bắc như Bru, Tà Ôi, Katu cho đến phía nam như Cor, Banah, Sédang, M'nong, Êđê, đều ở mức độ này hay mức độ khác phản ánh hồi ức về một vùng đất sinh sống cũ ở đồng bằng, trong đó, việc tổ chức cuộc sống ở vùng núi hiện nay được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, như ong độc, đánh nhau với thần biển, chuyện quả bầu, hay nạn đại hồng thủy, đã tạo nên sự ngăn cách vùng cư trú giữa người miền xuôi và miền ngược. Cái lõi lịch sử cần lưu ý ở đây chính là họ đã có mối quan hệ khá phổ biến với con người lẫn địa bàn vùng ven duyên (tất nhiên ngoài yếu tố lịch sử cũng có một nguyên nhân cần chú ý đó là do địa hình hẹp của miền Trung với núi biển cận kề).

Vùng duyên hải miền Trung tiếp xúc với văn hóa ấn Độ từ những thế kỷ đầu công nguyên trong bối cảnh của những hoạt động thương nghiệp trao đổi giữa vùng Nam ấn với các vương quốc cổ trong khu vực. Địa bàn này cũng nằm trên con đường hàng hải quốc tế thời cổ đại và việc trao đổi hàng hóa qua hệ cửa sông - cửa biển hiện hữu khá mật tập ở đây, đã tạo nên một mạng lưới trao đổi hàng hóa: một bên là vật phẩm từ bên ngoài và một bên là lâm sản, thổ sản tại chỗ, cùng với những vật phẩm trao đổi được từ địa bàn phía tây lan tận đến vương quốc cổ Lào, Thái, Kh' mer, Miến theo các trục thủy lộ cung ứng hàng hóa đến các cửa biển ở miền Trung. Hoạt động này mặc nhiên đã bao hàm sự tham dự của những con người đang cư trú và làm chủ hệ lâm thổ sản có giá trị trao đổi và chẳng ai khác hơn là các tộc người thiểu số ở miền núi
.

Dọc các trục thủy lộ giao thương đông - tây ở miền Trung như sông Cái, sông Ba, Thu Bồn, Ô Lâu, sông Hương, sông Hiếu, Nhật Lệ…,
chúng ta dễ dàng tìm thấy, kể cả hiện nay, nhiều loại hình chợ phiên, chợ đầu nguồn đã có một quá trình hoạt động và bề dày lịch sử đáng lưu ý: như chợ Cam Lộ, Tuần, Tuy Phước, Bến Hiên, Bến Giằng…, và tất nhiên, quy mô, mức độ, cấu trúc mỗi nơi mỗi khác. Trên các trục thủy lộ từ đầu nguồn tới cửa cảng, hình thức trao đổi sẽ đi từ đơn giản đến phức tạp dần. Từ hình thức nhỏ, cụ thể để thỏa mãn nhu cầu sống hàng ngày, đến hiện tượng tích lũy thành hàng hóa để giao thương với tàu thuyền qua các cửa sông. Và với nguồn lợi nhuận này, tầng lớp thương nhân kết hợp với quý tộc, giáo sĩ ấn giáo đã là cái khung cho việc hình thành các Mandala. Giữa phần lớn thần dân làm nông nghiệp với tầng lớp thương nhân, quý tộc trong thành phần lãnh đạo các Mandala vẫn là một khoảng cách duy trì cho đến thời điểm nam tiến của người Việt.

2.3. Những cái riêng xác lập từ một quá trình
2.3.1
. Tình hình sở hữu ruộng đất của làng xã miền Trung

Trong suốt chiều dài của lịch sử phong kiến, sự phát triển làng xã Việt cho dù hình thành bằng nhiều con đường khác nhau, chúng ta vẫn nhìn ra được ít nhiều sự tồn tại những dạng tàn dư các hình thái cổ mà việc bảo lưu dai dẳng ruộng công là một ví dụ.
Sự đa dạng về nguồn gốc, tính chất, quy mô của làng xã Việt ngày càng thể hiện phong phú theo bước đường tiến của dân tộc.
Tiếp cận với đồng bằng phù sa mênh mông và phì nhiêu ở Nam bộ, theo chính sách binh đồn điền của nhà nước phong kiến(2) hay các công trình khẩn hoang của dân với quy mô diện tích đất đai rộng lớn, được các chúa Nguyễn thừa nhận chủ quyền, đó là điều mà người nông dân miền Bắc và miền Trung trước đó chưa bao giờ dám nghĩ tới(3).

Quá trình phát triển của làng xã Việt trong lịch sử đã cho thấy xu thế tư hữu hóa ruộng đất là một công lệ. Theo Sĩ hoạn tu tri lục diện tích ruộng công lẫn tư của cả nước vào đầu thế kỷ XIX là 3.396.584 mẫu. Trong đó, ruộng công, ruộng quan kể cả ruộng mướn cũng chỉ có 580.396 mẫu chiếm khoảng 17,08% so với toàn bộ ruộng các loại cả nước (Nguyễn Công Tiệp, A.2653). Các triều đại từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn qua thư tịch cổ, chúng ta không khó để tìm thấy những văn kiện quy định mua bán ruộng tư, bán công điền làng xã cho tư nhân, hay các đạo dụ đánh thuế vào loại ruộng này. Từ thế kỷ XVII trở đi, quá trình ấy chuyển biến rất nhanh. Trên nhiều thống kê của các nhà nghiên cứu từ những địa bạ làng xã đã cho chúng ta thấy ở Bắc bộ ruộng đất cơ bản đã thuộc quyền sở hữu tư nhân(4). Quá trình tư hữu hóa xẩy ra từ những biến đổi ở cơ sở kinh tế xã thôn, sự phân hóa tài sản đã làm xuất hiện tầng lớp nông dân khá giả và đủ điều kiện để thúc đẩy việc tư hữu hóa
.

Ở miền Bắc, trong thời kỳ này đã xuất hiện những địa chủ có từ 5 đến 30 mẫu Bắc bộ, tuy nhiên, người có trên dưới 30 mẫu vẫn là con số quá nhỏ nếu so với địa chủ ở Nam Bộ. Họ sở hữu hàng trăm thậm chí hàng ngàn mẫu (do sự không hạn chế quyền sở hữu của nhà nước phong kiến đối với lực lượng khai hoang).

Điều đáng chú ý ở đây là vào trước Cách mạng tháng Tám, làng xã miền Trung vẫn phổ biến ruộng công, hay nói đúng hơn, ruộng công vẫn chiếm ưu thế so với ruộng tư. Điều này đã được các nhà nghiên cứu lý giải dưới những góc độ khác nhau.
-
Có thể trong quá trình Nam tiến được thúc đẩy mạnh dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, và với chính sách binh đồn điền ở miền Nam đã thu hút không ít nông dân Trung bộ rời nơi cư trú của mình. Tình hình này, vô hình trung, đã không tạo nên những bức xúc, mâu thuẫn giữa nhân lực và đất đai trong bước chuyển hóa từ công sang tư, hoặc nếu có cũng diễn ra chậm chạp không đáng kể.
-
Có thể trong điều kiện sát nách kinh đô, quá trình tư hữu hóa ruộng công đã bị triều đình Nguyễn chặn lại như một biểu lộ quyền sở hữu tối cao, kỷ cương về quyền chủ đất đai của mình.
-
Theo chúng tôi, nguyên nhân không kém phần quan trọng là quá trình kế thừa vùng đất mới ở miền Trung, cũng đồng thời diễn ra sự tiếp thu những diện tích ruộng đồng đã được khai phá hoàn chỉnh của lớp người tiền trú, vốn đã có một truyền thống ruộng nước không thua kém trình độ khu vực(5). Chính vì thế, giá trị công lao khai phá hay sở hữu các dạng ruộng này chỉ có thể giải quyết trên phương thức chiếm hữu cộng đồng hay nói một cách khác triều đình phong kiến thể hiện quyền sở hữu nó một cách hợp lý mà không gặp sự phản ứng nào về phía người nông dân ở làng xã.

Trong một hội thảo được tổ chức tại Huế (International Workshop on Historical GIS and Cultural Resource Management. 7 - 8 January 2002, Thừa Thiên Huế), Brian Zotoli và Lawrence Crissman với tham luận Data Models for Analysis and Presentation of Han - Nom Materials (Mô hình phân tích và giới thiệu dữ liệu Hán Nôm), qua những thống kê bước đầu nhằm minh họa cho tính năng ưu việt của phương pháp lập đồ bản lịch sử - địa lý - văn hóa từ việc ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), đã giúp chúng ta hình dung một cách khái quát nhưng cũng rất bao quát, qua những dữ liệu thu thập được về tình hình ruộng công ở miền Trung với tỷ lệ rất cao so với ruộng tư. Tuy không giống nhau ở từng vùng, nhưng rõ ràng phần lớn đều chiếm trên 50%. Điều thú vị là qua những số liệu điều tra khá công phu về tình hình ruộng đất ở Trị - Thiên được mô hình hóa trong báo cáo nêu trên, chúng ta có thể nhìn ra một xu thế là làng xã nào càng gần triều đình Huế thì tỷ lệ ruộng công càng cao. Và nếu tính trên phạm vi toàn quốc, Bình - Trị - Thiên cũng chính là nơi có ruộng công cao nhất
.

Từ thực tế vừa nêu, có thể phần nào cho thấy sự ảnh hưởng của triều đình Nguyễn trong việc duy trì dai dẳng loại ruộng này ở vùng đất kinh sư nói riêng và miền Trung nói chung
.
PGS. Nguyễn Từ Chi đã có một đối sánh mang tính khái quát về vấn đề sở hữu ruộng đất của làng xã Việt Nam và cũng từ đó đề cập đến những đặc trưng biểu hiện trong văn hóa ứng xử, trong tổ chức cộng đồng lẫn tâm lý con người cá nhân (Nguyễn Từ Chi, 1982).
Miền Bắc à đặc trưng của dạng tiểu nông tư hữu
Miền Trung à tiểu nông công hữu
Miền Nam à đại điền chủ + tá điền
Cũng chính bởi tính chất và tình hình sở hữu ruộng đất không giống nhau như vậy, đã kéo theo một loạt các biểu hiện trong lối ứng xử liên quan đến cơ chế vận hành, tổ chức làng xã và những sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng vùng miền.

2.3.2. Tổ chức bộ máy làng xã

Từ những đặc điểm trong vấn đề sở hữu ruộng đất dưới thời phong kiến, đã hình thành lối ứng xử ở người nông dân Trung bộ, đó là sự gắn bó với nhau một cách tự nguyện bởi sức hấp dẫn của ruộng công rất nhiều.

Các làng xã miền Bắc vốn có một quá trình khai khẩn và cư trú lâu dài, nhưng sự phát triển dân số ngày càng cao với một diện tích đất không thay đổi, đã khiến người nông dân từ nhiều đời phải ngày càng điều chỉnh để đạt đến phương thức tối ưu trong cách tổ chức sản xuất, cư trú và sinh hoạt. Đặc điểm này thể hiện khá rõ nét trong việc xác định cương vực từ cổng làng cho đến lũy tre, thành gạch, lối ngõ… để bảo vệ mốc giới, chủ quyền, không chỉ rạch ròi, bền vững đối với làng khác, mà còn với chính ngay trong nội bộ xóm ngõ, dòng họ và mỗi đơn vị gia đình. Các tổ chức liên quan đến huyết tộc như nhánh, phái, họ; địa vực cư trú như xóm, ngõ; liên quan đến lớp tuổi như giáp; liên quan đến nghề nghiệp như phe, phường, hội và vai trò của bộ máy xã hội - chính trị làng xã luôn luôn là những tổ chức điều tiết thường xuyên mọi mối quan hệ ấy(6).

Điều đáng nói là vấn đề trên lại trở nên nhẹ nhàng ở các làng xã miền Trung. Vai trò của xóm ngõ ở đây trở nên mờ nhạt và nếu còn cũng chỉ thể hiện chủ yếu trên lĩnh vực phong tục, tín ngưỡng, liên quan đến dạng thổ thần đất đai nơi họ cư trú
.

Tổ chức xã hội theo lớp tuổi như giáp khi đến miền Trung, khái niệm này không còn mang nội hàm vốn có, mà trở thành tên gọi nhằm chỉ thị một vùng hay một tổ chức cư trú dưới làng, chủ yếu mang ý nghĩa định hướng không gian so với khu trung tâm nhiều hơn là khẳng định cương vực. Chẳng hạn như giáp Đông, giáp Tây… đó là nơi cư trú theo hướng tự định vị đối với trung tâm của làng. Phường hội ở đây cũng chẳng phổ biến ý nghĩa là tổ chức tự nguyện của những người cùng nghề như nó vốn có, mà thường thường phường ở đây cũng là một tổ chức về mặt địa vực dưới làng và trong một số trường hợp nó cũng được hiểu như giáp(7).

2.3.3. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Nếu làng xã ở miền Bắc, cổng làng, thành gạch, lũy tre và các biểu tượng như đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước, giếng làng… đã trở thành những điểm nhấn hàm chứa sự khẳng định mang tính cố kết cộng đồng, khép kín với những mối quan hệ nội tại chằng chịt, thì ở làng xã miền Trung, sự khẳng định ấy có phần phai nhạt hơn. Các dạng công trình như cổng làng, đường làng, các phương tiện hiển thị cương giới, đều không được thực hiện theo dạng bề nổi, tạo ngay ấn tượng cho mọi người.

Điều này khiến chúng ta liên tưởng trên một số phương diện nào đó làng miền Trung vẫn phải "mở" hơn, trong sinh cảnh mà con người cần phải dựa vào núi, đối diện với biển để tồn tại; và chúng ta cũng không loại trừ hiện tượng giao lưu văn hóa, tiếp thu những kinh nghiệm ứng xử của người tiền trú trên mảnh đất ven duyên, và cũng chính là trên bước "xoãi" về phía đông của bức trường thành hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn.

Trong lúc các tổ chức như xóm, ngõ, phe, giáp, phường hội ở các làng xã miền Trung khá mờ nhạt, thậm chí, không còn mang ý nghĩa vốn có của nó, thì tổ chức theo mối quan hệ huyết tộc lại được nhấn mạnh và đề cao, chi phối nhiều đến sinh hoạt của từng bộ phận dân cư trong cộng đồng
.

Điều này phản ánh khá rõ nét hồi ức của con dân về công lao khai phá lập làng của tiền nhân liên quan đến dòng họ cụ thể, vẫn còn khá nguyên vẹn, và mọi chứng cứ đều vẫn tồn tại trong các dạng văn bản của làng. Cho nên, người dân làng xã nói đây rất chú trọng đến các thứ bậc của những dòng họ khai canh khai khẩn, các chi tộc có công trong việc khai hoang, dựng làng; khai hoang mở rộng cương vực. Và chủ yếu trong mọi hoạt động tế lễ, hội làng, đều xoay quanh các nhân vật khai canh khai khẩn… Trong văn tế của làng, đều tuần tự nhắc đến công lao từ nhiều đến ít, từ sớm đến muộn của tất cả các dòng họ có mặt trong thời kỳ đầu dựng cơ nghiệp. Và không ít làng, có số lượng tập hợp buổi đầu nhiều dòng họ cùng lúc, thảng hoặc, có sự trùng hợp về nhóm các dòng họ có công trong việc lập làng, tên gọi thường nghe ở đây là thập nhị tôn phái.

Đội ngũ những người đầu tiên thuộc dòng họ khai canh, khai khẩn, đều là những chân dung bằng xương bằng thịt và có thật. Do nhu cầu tiến và tìm vùng đất sinh sống, họ đã đi đầu trong việc tạo dựng làng xã, đất đai canh tác một cách rất cụ thể. Cho nên, những người này ngoài tư cách là kẻ đứng đầu dòng tộc khai canh, khai khẩn, họ còn là nhân vật được đề cao, nhớ ơn và phụng thờ trên phạm vi toàn làng xã. Các buổi tế chạp phần mộ khai canh, khai khẩn là nhiệm vụ của mọi con dân trong cộng đồng hướng về tiền nhân chứ không dừng lại trong phạm vi tộc họ
.
Trong lúc phần lớn làng xã Việt ở đất Bắc do sự định cư quá lâu đời, thời gian đã làm phai mờ hình ảnh các vị khai canh, khai khẩn mà chỉ tồn tại khá gần gũi thần vị thành hoàng. Thành hoàng ở Đàng Ngoài không ít chân dung đại diện cho thế lực triều đình ở làng xã, là nhân vật lịch sử có thật hoặc được huyền thoại hóa; cũng có thể là những người có công với dân làng hoặc thậm chí là những đối tượng có quyền lực ảnh hưởng đến an nguy của cộng đồng.
Ở miền Trung, phần lớn thành hoàng các làng xã chỉ là những hình tượng biểu trưng qua danh xưng thường gặp đó là Bổn thổ Thành hoàng, chẳng khác mấy với một dạng địa thần từng nơi. Biểu hiện này được ghi trong cả bài vị lẫn văn tế.

3. Bàn về sự phát triển trên cơ sở của những đặc điểm vốn có

Từ những yếu tố đặc thù của làng xã từng miền như đã đề cập ở trên, chúng tôi thấy rằng, vị trí địa lý, lịch sử xã hội - văn hóa và giao lưu văn hóa giữa các tộc người ở nơi dừng chân của đoàn người Việt trong quá trình nam tiến, đã tác động không nhỏ trong việc hình thành những cái riêng trong bức tranh làng xã của từng miền.

Làng xã miền Bắc với mẫu tổ chức không gian cư trú, sinh hoạt và sản xuất từ một quá trình định cư lâu dài đã phản ánh tính tối ưu trong thiết kế quy hoạch, đồng thời cũng cho chúng ta thấy bộ máy tổ chức vận hành làng xã có thể ứng phó đa tình huống do thực tế của lịch sử cư trú đặt ra. Đó là sự ứng xử của những con người gắn bó trên vùng đất có một quá trình hình thành và phát triển từ lâu đời, cảm nhận một cách sâu sắc những gì đã hình thành trên nền ứng xử ấy. Cái khéo trong mọi trạng huống mang tính ứng xử là một trong những tính cách nổi bật của con người ở đây. Khác với làng xã miền Nam hình thành thế hội nhập trên vùng đất mới, thiếu điều kiện kế thừa(8), nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi, cho nên, phải linh hoạt và năng động đối phó với rất nhiều hoàn cảnh không thể lường trước được(9). Miền Trung hình thành làng xã từ việc tiếp nhận vùng đất mới, nhưng lại trên cái nền cũ của lớp cư dân tiền trú, cho nên, từ việc kế thừa, kết hợp kinh nghiệm truyền thống và giao lưu văn hóa, đã hình thành sự tiếp biến cũng như thích ứng nhanh chóng bằng những tổng kết cho riêng mình để tồn tại, trong điều kiện không mấy thuận lợi như miền Bắc và miền Nam.

Qua những gì nhận ra từ nét đặc trưng của văn hóa làng xã Trung bộ, chúng ta thấy vai trò của dòng họ, chi, nhánh, mối quan hệ huyết tộc trong đời sống người nông dân ở đây tỏ ra có một vị trí đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, trong tất cả các cuộc vận động xây dựng và gìn giữ những nét đẹp làng xã, cũng như cải thiện và phát triển đời sống mọi mặt ở nông thôn, chúng ta không thể xem nhẹ tổ chức dòng họ hoặc chỉ đặt nó trong vai trò với những tác động cục bộ liên quan đến những thành viên có quan hệ huyết tộc đơn thuần, mà thực ra sức mạnh làng xã trong cách hiểu nào đó, một phần chính là sức mạnh của nội bộ các tộc họ trong đó tạo nên
.

Chúng ta có thể thấy nơi đây, văn hóa núi từ cư dân sống với kinh tế nương rẫy; người Chăm với hoạt động gắn liền với biển trong suốt một thời kỳ dài, dấu ấn của văn minh - văn hóa ấn vẫn được tiếp tục duy trì ở những mức độ khác nhau; người Nhật, người Tây phương và cư dân trong khu vực vẫn còn lưu lại nhiều vết tích giao lưu ở những vùng cửa cảng; văn hóa Hoa - Việt do người Việt Nam tiến hay thuần Hoa từ những đợt di cư trải dài ở nhiều thời kỳ khác nhau quần tụ ở các trung tâm thương nghiệp hay vùng ven biển dọc miền Trung, cùng với những biến động lịch sử trải dài theo thời gian cộng hưởng; tất cả không chỉ tạo ra yếu tố đặc thù trong đối sánh với nơi khác, mà còn làm nên đặc trưng đậm nhạt của những điểm tương đồng và dị biệt cho từng tiểu vùng.

Các hoạt động thương nghiệp qua hình thái trao đổi phẩm vật vùng ven sông cửa biển giữa lâm thổ sản bản địa và hàng hóa ngoại nhập có thể đã xảy ra trên mảnh đất này từ những thế kỷ đầu công nguyên, kéo dài đến trong suốt thời kỳ tồn tại của các tiểu quốc trên vùng đất Champa. Trong thời kỳ phong kiến Việt, sự hưng thịnh của dải đất miền Trung phải được tính từ thời kỳ các chúa Nguyễn trở về sau, trong đó, nền ngoại thương đương thời đã có những sự hạn chế nhất định, mặc dù, các cửa cảng cũ của Chăm như Hội An, và có thể cả Thanh Hà ở Huế vẫn được tái sử dụng. Và các hoạt động ấy thực sự bế tắc trong suốt thời kỳ các vua Nguyễn trước những thách thức của thời đại. Vì thế, hoạt động nông nghiệp trên mảnh đất nghèo dinh dưỡng và nhỏ hẹp về địa thế vẫn là hình ảnh đặc trưng của đời sống kinh tế cư dân miền Trung trong buổi phong kiến mạt kỳ của Việt . Hệ quả của nó là sự hình thành ở con người tính cần cù, tích cốc phòng cơ, không thích đối diện với những cơ hội mạo hiểm mang tính tích cực, mà thường khép kín và thận trọng với những điều vượt khỏi lề lối cũ. Tất cả những yếu tố ấy có thể trở thành mối trở ngại trong sự thích ứng với nền kinh tế hiện đại, vì, con người trong bất cứ một sự thay đổi tư duy lẫn hành vi nào với cái mới, cũng bị níu kéo bởi những đặc điểm của tính cách được hình thành từ đặc thù của quá khứ. Nhận diện để kiên nhẫn khắc phục nó là điều kiện tiên quyết để hình thành nên tính cách mới, bởi những điều ấy không là sản phẩm của gène hay nằm trong phạm trù truyền thống, bản tính bẩm sinh, mà chỉ là hệ quả của những điều kiện lịch sử nhất định
.

N.H.T
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)


---------------------
 (1) Trải qua nhiều biến động trước đó, cho đến các vận động kiến tạo mới về sau đã làm cho vùng "Trường Sơn Bắc nâng lên dạng vòm, nhưng cũng chỉ làm cho dãy núi hơi chao đảo một ít về phía tây thành một nếp lồi có sườn không đối xứng, vì vậy, sườn phía tây Trường Sơn Bắc chạy dài thoai thoải xuống Mê Công, còn sườn phía đông thì ngắn và dốc, thành ra các sông suối chảy trên sườn này xuống biển Đông càng có điều kiện để chia cắt địa hình mạnh hơn nữa". (Lê Bá Thảo, 1977: 152).


(2) Binh đồn điền có thể hiểu là nơi khẩn hoang lập khu trồng trọt, canh tác, cư trú do lực lượng quân đội kiến tạo nên. Ngoài ra, còn có dạng đồn điền do dân canh tác, lực lượng này được chia thành đội hay nậu theo kiểu tổ chức quân đội, lo sản xuất nông phẩm và chăn nuôi. Đối tượng trên có thể được nhà nước phong kiến cấp ruộng hoang hóa hay khai khẩn đất mới, ngoài ra họ có thể được hỗ trợ nông cụ, sức kéo. Khi thu hoạch phải nộp thóc sưu trở lại "Dân thất lạc nay ai mộ được 10 người trở lên thì cho làm cai trại, rút tên khỏi sổ của thôn" (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1962: 125). Hình thức mộ người cưỡng bức được thực hiện đặc biệt hơn: Tháng giêng năm Tân Hợi, chính quyền phong kiến "lệnh cho các hạng dân và người Đường (Hoa kiều) cũ mới ở đạo Long Xuyên ai muốn làm đồn điền mà đồ làm ruộng không đủ thì nhà nước cho vay… kẻ nào không muốn làm đồn điền thì bắt phải "thụ dịch tòng binh" để răn đe kẻ chơi bời lười thây. Những người Phiên và người Đường ở hai phủ Ba Xắc và Trà Vinh cũng cho khẩn đất làm đồn điền" (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1962: 133).

(3) Đối tượng khai thác vùng đất màu mỡ nhưng xa xôi và lắm gian truân thử thách này, thường là binh sĩ, hoặc những người có máu phiêu lưu, có khả năng chiêu tập lực lượng lao động để thực hiện giấc mơ lớn; người dân ở những làng mạc nghèo, xiêu tán, cần liên kết lại để tìm miền đất hứa; và dĩ nhiên chúng ta không loại trừ những đối tượng bị lưu đày hay bị cưỡng bức lao động…

Thiên nhiên Nam bộ thời bấy giờ ngoài những thách thức tất yếu của miền đất hoang dã, cũng đã thể hiện sự phong phú, giàu có về đất đai, sản vật và sự hào phóng về phương tiện sống cho con người để có thể tồn tại không chút lo lắng. Chính vì bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, con người thời bấy giờ cũng dễ dàng tìm được nguồn sống: đất đai giàu dinh dưỡng đến mức ruộng chỉ cấy sạ một lần cứ thế gặt đến 2, 3 vụ; thực phẩm đa dạng phong phú với nhiều loại cá, tôm, rùa, rắn, ếch, nhái… Cho nên, người Nam bộ cũng đầy ắp chất phóng khoáng như thiên nhiên; ý thức tích lũy, ky cóp không chặt chẽ và đầy tính nguyên tắc như người vùng Bắc bộ hay Trung bộ.

Do phải ly hương mà cố hương thì xa xôi vạn dặm, cuộc sống trước mắt họ tuy no đủ, nhưng chưa hẳn thuận lợi, bởi muôn vàn khó khăn khác đến từ vùng sình lầy hoang vu, đang luôn rình rập với dịch bệnh, tai nạn và dã thú. Cho nên, con người lúc này cần đến sự đoàn kết, nghĩa khí và thẳng thắn để tồn tại. Theo chúng tôi, đặc điểm này đã hun đúc thành cá tính đặc trưng của người Nam bộ. Trước trời nước mênh mang, bốn phương chỉ có màu xanh của ruộng đồng và kênh rạch chằng chịt, và dù vậy, vẫn chưa đủ để xóa hẳn được vết hoang sơ của thiên nhiên và tâm sự đầy vơi của những thế hệ đầu tiên đi khai biên mở cõi. Phải chăng lúc này, văn hóa rượu cồn giúp con người chống lại sơn lam chướng khí, nhưng cũng là phương tiện tạo nên niềm hưng phấn, vơi đi lòng thương nhớ cố hương xa xôi và chỉ còn trong tâm tưởng. Sinh hoạt ấy theo thời gian trở thành nét phong tục phổ biến trong đời sống nông dân Nam Bộ.

(4) Trong công trình nghiên cứu của Nguyễn Đức Nghinh, thì trong 43 làng xã thuộc đơn vị này, 34 làng có số tư điền lớn hơn 50% tổng số ruộng các loại. Có những nơi như Mạc Xá, Thượng Cát, Hoàng Xá, Hạ Hồi, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn, Đan Hồi, Phúc Lý, La Khê, ỷ La, Đại Mỗ, Hồng Đô, Vạn Bảo, Thượng Hồi, Vĩnh Ký, Miêu Nha, Nghĩa Đô, Nhân Mạc tỉ lệ ruộng tư chiếm trên 80% (Nguyễn Đức Nghinh, 1977: 129).

(5) Qua những khảo sát dân tộc học về nông nghiệp của người Chăm, chúng ta thấy rằng kinh nghiệm của họ về mặt xây dựng nông lịch, thiên văn; cách phân chia các loại ruộng theo địa hình, phong tục, tín ngưỡng, hệ thống nông cụ; những sinh hoạt lễ hội nông nghiệp; và nhất là các công trình thủy lợi (có những mương đập, hồ chứa nước, hiện nay vẫn đang còn sử dụng như Chakling, Marên… ở Ninh Thuận; hệ thống các công trình khai thác nước theo phương thức giếng - máng dẫn ở Gio Linh, Vĩnh Linh Quảng Trị, và gần đây còn phát hiện được ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế là những minh chứng.

(6) Ngôi đình của bất cứ làng xã Việt nào trên khắp đất nước cũng bao hàm nét uy phong, một dạng ngôn ngữ bằng hình ảnh khẳng định sự tồn tại của cộng đồng. Qua quy mô ngôi đình, người ta có thể nhận ra ít nhiều sức mạnh được biểu hiện trên nhiều nghĩa của ngôi làng. Và bất cứ ngôi đình nào cũng mang chức năng nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng… Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, vị trí của ngôi đình ở Đàng Ngoài thể hiện rõ nét, thâm sâu và phổ biến vai trong trung tâm của phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, hội lễ; những dạng pháp đình của việc thực thi lệ làng, hương ước…; nơi cần đến thường xuyên để giải quyết những mâu thuẫn vừa tiềm ẩn vừa bộc lộ qua sức mạnh của dư luận và ý kiến cộng đồng. Phải chăng, xuất phát từ một hệ quả tất yếu trên nền tảng của một cộng đồng khép, nhưng quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất rất phổ biến, cho nên, việc bảo vệ quyền lợi và quyền sở hữu cá nhân và nhóm, kể cả với những gì của công hữu còn lại, luôn tạo nên những va chạm cần đến ngôi đình. Trong lúc đình làng miền Trung vẫn thể hiện rõ hơn, thường xuyên hơn, không gian của nghi lễ, tín ngưỡng (lễ làng, tế ngài khai canh, khai khẩn, cầu an…) hơn là các hoạt động khác.

(7) Trong một số trường hợp khác, phường còn được dùng để chỉ những vùng đất mới khai phá thêm ngoài địa giới của làng và một số bộ phận cư dân trong làng đã sinh hoạt và cư trú như một điểm thuộc làng nhưng tách lập.

(8) Dù sao cư dân sống ở vùng Chân Lạp trước đó nếu có, cũng chưa thực sự tạo được một tổng kết đầy ấn tượng cho đoàn người Nam tiến Việt như một thứ vốn liếng có tính khởi đầu trong quá trình tiếp thu và kế thừa.

(9) Chính đặc điểm này cũng đã phản ánh khá rõ nét tính cách người Nam bộ hiện đại trong hoạt động kinh tế cũng như trên thương trường.

 

Các bài mới
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Các bài đã đăng
Tiếng gọi (19/01/2009)