Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
Giậu thưa
11:30 | 19/01/2009
VŨ THỊ HUYỀN TRANG                       truyện ngắnLan xếch ba lô lững thững đi dọc triền đê, ngô đã trổ cờ lất phất bay như ngàn cánh tay vẫy gọi đò chiều. thoang thoảng mùi phù sa như bồi đắp trong từng hơi thở. Phía bên kia cũng là bờ, Lan dừng bước ngắm lăn tăn sóng nước mà trăn trở. Phía bên kia cũng là bờ nhưng chưa bao giờ Lan đặt chân đến đó dù sông vẫn hiền hoà bao dung chẳng lở bên nào mãi, cũng chẳng bồi thiên vị bên nào.
Giậu thưa
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Đã lâu lắm rồi Lan mới được tắm gió đồng, hít hương từ đất. Năm năm trời du học không một lần về thăm quê hương, những dòng tin nhắn ngắn ngủi chỉ làm cho nỗi nhớ thêm quặn thắt. Cứ lo sợ một ngày trở về soi lại mình dưới bến sông quê lại bắt gặp con cá đớp bóng mình lặn sâu xuống lớp bùn rồi bơi lên thả những chùm bong bóng nhoè sông.
Lan trở vê bình lặng, cũng giống như cái ngày cô ra đi, phía bờ bên kia vẫn là bãi mía mà lũ trẻ chăn trâu vẫn ngụp lặn tiếng cười tuổi thơ vang vọng. Cả nhà đang dọn bữa cơm chiều, thấy Lan về lũ trẻ con không nhận ra, mắt nhìn thao láo, ngô nghê cười, ngô nghê nói. Bố ra đón Lan bằng cái dáng của người nhiều tuổi nhưng vẫn còn xốc vác lắm, mẹ nhìn Lan rưng rưng, cho đến tận bây giờ cô mới chợt nhận ra năm năm xa nhà dài quá. Chỉ lũ chó là vẫn quấn lấy chân Lan, khẽ ăng ẳng kêu. Xoa đầu từng chú chó, Lan khẽ mỉm cười: “Giá chúng mày mà biết nói chắc sẽ hát khi thấy tao về mất.”

Quang cảnh vẫn vậy, dường như không có gì thay đổi. Căn nhà năm gian mà nằm lọt thỏm giữa khu vườn cây cối mọc um tùm, chim hót ríu ran, mẹ vào ra cầm chổi quét lá rụng suốt ngày. Bố bảo mẹ:
- Bà cứ để lá rụng đầy sân cho thêm cảnh yên bình, già rồi cái gì chả phải rụng về nguồn. Tiếng chổi loẹt quẹt suốt ngày cúng tôi đau đầu lắm.
Mẹ chẳng nói gì dừng tiếng chổi giữa sân, Lan chưa kịp rứt tiếng thở dài thì đã thấy nhát chổi xô lá ngoài thềm giếng. Chiều vì thế mà thêm quanh quẩn mãi chẳng trả được thứ ánh sáng lờ mờ về lòng đất.

Bước chân ra cổng, Lan ngỡ ngàng nhận ra chiếc bờ rào đã bị phá bỏ, nhổ gốc rễ từng cây tre, từng bụi khúc tần và héo queo dây tơ hồng xám ngắt. Vết đất vẫn còn mới lắm, bỏ lại thông thống khoảng cách giữa hai ngôi nhà là lổn nhổn những vết đào bới, đâu đó còn rơi rớt mấy mảnh bát vỡ ngày nào Lan tuột tay làm rơi, sợ mẹ mắng giấu mang ra đây vứt. Những kỷ niệm như đang cứa từng vết trong ký ức thì mẹ đã đứng phía sau tự bao giờ:
- Nhà chú ấy mới thuê người phá bờ rào đấy. Trông quang quẻ cả ra.
Chưa kịp hỏi thêm gì thì thím Sang bước ra hái nhãn ngoài vườn vừa nhìn thấy Lan đã đon đả mời:
- Lan về đấy à cháu? Tối sang nhà chơi với chú thím, từ ngày em nó mất nhà quạnh quẽ lắm.
Chẳng kịp đáp lời, chiều đã chạng vạng ngả vào lòng đất, màn đêm kéo về bình thản nhưng đối với Lan miền quê này vẫn âm u lắm.

Mẹ vẫn hay kể câu chuyện về cái thời xa xưa lập nghiệp của gia đình khi bố mẹ lấy nhau từ hai bàn tay trắng. Một mình bố vỡ vạc đồi hoang là nơi chôn trẻ con chết bệnh, chết đói, quấn quanh cái chiếu, chôn xong chả khi nào có người hương khói. Ở cái thế chấp chới giữa trời và đất, tính đất lại khô cằn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, bố mẹ đã vỡ vạc, khai hoang hết năm này sang năm khác mới  thành một vùng đồi rộng lớn. Bật rễ của rừng lên là những gốc sim mua thì con người lại trả lại rừng bằng những mầm cây queo quắt khác. Đất của hợp tác xã vẫn chưa kịp phân chia cho từng hộ, nhà nào vỡ vạc bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Một năm sau khi nhà Lan ra ở riêng thì chú Lan cũng lấy vợ về dựng lều ở kế bên. Cứ tưởng vừa là “máu đào” vừa là “tắt lửa tối đèn”, thế mà cuộc đời nào có ai ngờ…

Năm năm vỡ vạc, đất trả ơn người bằng một vùng đồi trù phú, cây cối xanh um, hoa lạc trổ vàng khoe mầu với đất, những cây vừng bung quả tỏa ra ngàn hạt giống li ti, đến khi con người thu hái vẫn có những hạt mầm kiên quyết náu mình trong lòng đất để sau một giấc ngủ dài sẽ vươn mình làm nên một vụ mùa mới. Nhà Lan đã xây tạm bợ được một căn nhà nhỏ chống mùa mưa bão, bố dọn vườn, xây chuồng gà, chuồng lợn mua con giống về nuôi. Kết thúc cho mọi công việc “đàn ông xây nhà của mình”, bố Lan đã cầm cuốc đào thông hào cắt ngang chiếc cổng cũ vẫn dùng vát đi một mảnh đất chia cho nhà chú thím Sang. Cái sự kiện ấy làm thay đổi nhiều thứ lắm dù lúc ấy Lan mới tròn 5 tuổi.

Thế rồi khi sinh em út ra, mẹ đón một ông thầy bói đến nhà xem tuổi, ông thắp ba thẻ hương vái tứ phương phán:
- Nhà anh chị mới phá cổng đi thì phải?
- Vâng! nhờ thầy xem thế nào, có thuận tiện hay không ạ?
Thầy lắc đầu cứ chỉ vào mấy chị em Lan mà phán:
- Rồi cũng ốm quặt, ốm quẹo chẳng biết có thành người hay không. Ai xui mà dại thế?
Mẹ khóc tru tréo khắp cả nhà, cãi vã với bố, bắt bố phải làm lại ngay cái cổng, khổ một nỗi đất nhà mình giờ đã thành đất nhà người.
Cứ tưởng đó là nhà em trai mình thì việc làm lại cái cổng thật dễ dàng nhưng thím Sang nhất quyết không cho bố động cuốc sang thông hào nhà chú thím. Lúc đầu cuộc chiến tranh chỉ xảy ra giữa hai người đàn bà cùng làm dâu họ Nguyễn. Nhưng chú tôi nghe dân làng xúi bẩy đã bổ những nhát cuốc trồng cây ngăn rào từ mặt gia đình Lan. Những chuyện ấy xảy ra khi Lan còn quá nhỏ đến lúc lớn lên nghe mẹ kể mới thấy gai tre ở rặng rào cứa vào đâu cũng đau buốt và rớm máu.

Lan lặng lẽ bước đi một mình trên con đường làng đã đổ bê tông, vọng lại tiếng bước chân khô khốc. Vẫn là hai hàng xoan từ thuở bé nhưng bây giờ ôm một vòng tay không xuể. Lan thấy đâu đó tiếng cười cuả Chi trong xào xạc lá, trong những chùm quả vui đùa lớn phổng phao nhanh như thổi. Chi vẫn thích bày bán đồ hàng và hái lá xoan vàng làm tiền đi mua quả mồng tơi tim tím của Lan về nhuộm móng tay.
Chi là con chú thím Sang, ngay từ khi rất nhỏ bố đã dặn hai chị em Lan:
- Chú mày từ mặt nhà mình, đừng có đứa nào lân la sang đấy chơi chú đuổi về mà tội.
Do còn bé chưa hiểu sâu sắc mọi hằn thù của người lớn nên có một lần Lan chui rào sang xem con vẹt nhà Chi treo ở thềm giếng cứ léo nhéo bắt chước Lan nói suốt ngày, thế mà con chó đen bỗng tuột dây xích xồ ra cắn vào chân toác cả mảnh thịt, Lan tái mặt khóc không ra tiếng, cũng may Chi đã ra giữ chó và bố đã từ nhà chạy sang bế Lan về. Vừa băng bó vết thương thì phía bên kia rặng rào Chi đang gào khóc vì bị đánh. Lớn lên mới hiểu vì sao…


Nhưng từ đấy Chi và Lan hay rủ nhau ra rặng rào chơi, đủ các chò chơi tuổi thơ lấm lem tiếng cười giấu diếm. Chỉ có buổi trưa khi bố mẹ hai bên đều ngủ là y như rằng hai cái đầu lấp ló ở rặng rào thì thầm nhỏ to chuyện bán mua:
- Ôi mệt quá! Hôm nay tôi gánh hơi nhiều đường đi bán, thế bên ấy bà bán những gì thế?
- Ối dào, toàn là quả sấu với mấy nải chuối bán cho mọi người mua về thắp hương.
- Mấy đồng một nải?
- Đồng hai.
- Đắt quá!
- Tám hào thôi.
- Nhưng chuối nhà tôi to nhất chợ lại chín vàng ươm thế này bà trả thêm đi.
- Kệ bà, bán thì bán không bán thì thôi.
- Thôi thế bán rẻ cho bà vậy, nhưng tí nữa bà cũng phải bán rẻ đường cho nhà tôi đấy.

Gớm! Tiền trao cháo múc cười đùa vui vẻ nhưng không dám cười to, có đôi lúc Chi giả làm bà già đang nhai trầu nom buồn cười lắm. Chả ai bảo cũng chẳng bao giờ xem những đứa trẻ khác bán hàng nhưng cả hai đứa cứ nheo nhéo suốt ngày bán mua như người lớn.
Bờ rào vẫn là ranh giới giữa hai gia đình mà Lan và Chi đều không dám phá vỡ. Dù chơi trò gì đi chăng nữa thì chỉ việc vạch một chỗ rào thưa cho rộng ra để nhòm thấy mặt nhau hay chỉ cần luồn tay qua là đủ. Chỉ duy nhất có một lần Lan bị mảnh sành cưá đứt tay khi đang cạo những mảnh gạch vỡ làm muối bán hàng. Máu chảy nhiều quá Lan luống cuống tái mặt lại không dám kêu ai vì sợ cả hai đều bị đánh đòn. Chi đã phải chui qua bờ rào lấy áo mình thấm máu cho Lan rồi hái nắm lá mua nhai đắp cầm máu sau lại chui tọt về chỗ cũ. Đúng lúc ấy thì chú Sang ngủ dậy gọi ồi ồi:
- Chi ơi! Con Chi đâu rồi?
- Dạ!
- Mày vác cái “dạ” về đây!
Vừa nhìn thấy Chi ngoài thềm giếng chú đã quát ầm:
- Áo mày làm sao mà đầy máu thế này?
Lúc ấy Lan bật khóc, không phải vì bị đau mà sợ Chi bị đánh, ở bên này bờ rào Lan cúi nhặt mảnh sành vẫn còn dấu máu cào xước cả mấy đốt tre. Phía bên kia chú Sang đã bẻ roi dứ dứ vào mặt Chi, tiếp tục quát:
- Mày câm à? Tao hỏi mày bị làm sao mà trưa nào cũng trốn đi đâu không chịu ngủ, mày mà trốn đi chơi với mấy đứa con nhà kia, tao mà biết, tao chặt gẫy chân. Áo mày bị làm sao thế này?
Lúc ấy Lan đã nghe thấy Chi vừa bật khóc vừa sợ sệt trả lời:
- Con bị chảy máu cam nên con lấy áo lau.
- Đi vào ngay!
Buổi trưa hôm sau đợi lúc bố đã ngủ say, ngáy khò khò, Lan bò dậy ra bờ rào chờ mãi chẳng thấy Chi đâu. Phải mấy ngày sau Chi mới ra chỗ hẹn dúi cho Lan mấy quả vải chín đỏ.
- Sao mấy hôm em không ra - Lan ngồm ngoàm nhai vải vừa hỏi.
- Em sợ bố nghi ngờ, bố ra bắt gặp thì chết.
- Sao hôm nay em lại dám ra?
- Bố em uống rượu say ngủ rồi, mẹ em đi lên bà ngoại mua lá cọ về lợp bếp, tha hồ mà chơi nhé!

Tuổi thơ cứ thế trôi đi, những vui buồn theo gánh hàng bán mua cho nhau không một buổi chợ nào ế ẩm mang về. Cũng đã bao nhiêu lần cả hai đứa bị trận đòn lằn mông. Nhất là khi em út Lan ốm yếu vạ vật mãi mới sống thành người, mẹ Lan càng tin những lời bói toán năm xưa là thật, mối hằn thù càng thêm sâu hoắm.
Bây giờ Lan vẫn sợ mãi những ánh mắt sắc bén nhìn nhau qua cái rặng rào tuổi thơ có giậu khúc tần nhạt nắng. Lan giật mình khi nhận ra cô đã lớn, đã phải sống với gánh hàng bán mua bằng đồng tiền thật, bằng mồ hôi nước mắt và những nỗi buồn vui đã không còn trong trẻo nữa.
Lan tần ngần đứng dưới cổng nhà chú thím không biết có nên vào hay không. Đối với Lan căn nhà ấy vẫn là một điều bí ẩn và xa lạ, nhất là khi trở về Chi đã không còn nữa. Lan rất muốn lên thắp cho người em gái cũng là người bạn thân nhất của mình một nén hương nhưng lại sợ…

Lan rưng rưng khóc một mình trong đêm tối khi quay trở về đứng lặng bên bờ rào mới phá. Nghe như đâu đó tiếng cười lanh lảnh của Chi ở rất gần, gần lắm.
Lan lại lần hồi trở về quá khứ, cái kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai chị em là rủ nhau trốn lên rừng thắp hương cho một ngôi mộ của một đứa bạn vừa mới mất, đã bị quấn chiếu chôn ở góc đồi vào một ngày mưa không một lời kêu khóc. Đấy là thằng Bính nhà phía bên kia đồi vẫn đi học cùng hai chị em, thi thoảng còn rủ nhau đi ăn trộm khế. Bính chết đuối khi đi mò cá dưới đồng Trắng. Sáng ấy đi học Lan và Chi không nói với nhau một lời nào chỉ khóc tu tu, lúc về đến đúng cây khế chua cả hai chị em cùng ôm mặt chạy nhanh vì biết từ giờ sẽ không còn đứa nào vội vứt cặp sách trèo lên tít trên cao hái khế cho hai đứa, không còn đứa nào bênh vực hai chị em mỗi khi bị bọn con trai xóm bên chặn đường xin phấn nữa rồi.

Buổi trưa ấy Chi sụt sịt rủ Lan:
- Hay là hai chị em mình đi thắp hương cho Bính đi, nó ở một mình dưới ấy chắc là lạnh và buồn lắm.
- Đói nữa chứ, có ai cho nó ăn đâu mà chả đói. – Lan cũng sụt sịt.
Không nhớ đã bảo nhau thế nào nhưng Lan moi con lợn nhựa lấy tiền mua diêm còn Chi lén bắc ghế lấy trộm mấy que hương trên bàn thờ rồi rủ nhau lên mé đồi nơi có ngôi mộ mới màu đất cũng vẫn còn mới. Chi cào đất đắp lên chiếc mộ nhỏ còn Lan đi tìm hoa dại về trồng đầy lên mộ. Khi thắp hương chẳng đứa nào bảo đứa nào nhưng hai chị em cũng khấn vái như người lớn.
- Bính ơi mày đi mày bỏ hai chị em tao đi học một mình, hôm nay chúng nó lấy hết phấn của chị Lan rồi, tao bắt đền mày đấy. - Vừa nói Chi vừa sụt sịt khóc, hai tay chùi nước mắt nước mũi ngoang nguếch ra khắp mặt còn dính đầy cả đất vàng.
- Chả ai hái khế cho tao ăn nữa rồi, mà mày ở dưới đấy có đói không? Có lạnh lắm không? Mà xuống đấy mày biết chơi với ai cơ chứ, có đứa nào nó bắt nạt mày không? - Lan ôm Chi khóc tu tu.

Đó là những buổi trưa buồn bã nhất nhưng cũng đáng nhớ nhất của tuổi thơ khi dành quà mẹ đi chợ về  lên thắp hương cho Bính rồi chia nhau ăn hết mới chịu mò về. Tuổi thơ cứ trôi đi như thế cho đến khi cả Lan và Chi đều đã lớn, Chi thì phải nghỉ học sớm đi làm còn Lan thì vùi đầu vào sách vở những mong thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Vì thế hai chị em ít có dịp gặp nhau nhưng Lan biết thứ tình cảm đựơc vun đắp từ tuổi thơ không bao giờ phai nhạt. Ngay cả bây giờ cũng vậy, kỷ niệm như loài mua rừng cứ đến mùa lại nở bông biêng biếc tím tựa lời nói nghẹn ngào còn in sâu trong đáy mắt.
 Khi Lan quyết đi du học nước ngoài thì Chi cũng chuẩn bị lấy chồng. Ngày chia tay nhau tại bờ rào Chi vẫn dúi cho Lan chùm vải khô:
- Chị ăn đi, sau này chị đi học chắc em phải phần chị mãi thôi.
- Ghê thật, sắp lấy chồng rồi cơ đấy, chị lại chả được ăn cỗ của Chi. Buồn quá!
Lặng buồn giây lát, Chi rưng rưng:
- Chẳng biết bố mẹ có cho em cưới không, anh ấy nhà nghèo lại mồ côi mồ cút.
- Thế đã hỏi ý bố mẹ chưa?
- Rồi ạ. Nhưng vẫn chưa đồng ý mà em thì… - Chi vân vê tà áo ấp úng.
- Thì sao? – Lan gặng hỏi.
- E…m… em đã lỡ rồi.

Lan vẫn nhớ một buổi sáng mùa đông ở nước ngoài khi Lan thức dậy, vừa kịp pha cho mình một cốc cà phê, ngỡ ngàng nhìn ra cửa sổ thấy tuyết đã lác đác rơi trên hàng cây bạch dương ủ rũ. Lan khẽ thở dài ngồi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Đã mấy tháng xa nhà không một dòng tin. Buổi sáng hôm ấy. Phải! Đúng là buổi sáng hôm ấy khi em trai báo tin rằng Chi đã mất, Lan tưởng như mọi thứ xung quanh mình đều bị tuyết phủ kín một mầu trắng xoá và những dòng tin nhắn kia như nhuốm đầy máu đỏ. Máu của Chi đấy, người em gái thân thương đã tự vẫn khi cùng quẫn không còn con đường đi về phía trước. Dù không chứng kiến cái chết và đám tang của Chi nhưng rất lâu sau Lan vẫn mơ những giấc mơ hãi hùng.

Một buổi sáng trong lành thức dậy ở quê hương sau bao năm xa cách, Lan rưng rưng ngửi mùi khói bếp quện mùi cơm rang mà từ mờ sớm mẹ đã dậy lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Thấy yêu cái tiếng gà báo thức cả xóm làng từ chòm rơm còn thơm mùi mùa màng, thóc lúa. Lan tự hỏi chẳng phải đó là những thứ cô cố lòng dời xa, xua đuổi nó khỏi cuộc đời hay sao mà giờ đây vẫn thấy yên bình đến lạ. Trong buồng khục khặc tiếng ho của bố, tiếng con mèo mướp đi ăn đêm về kêu ngoào ngoạo. Lan vùng dậy, bước những bước thật dài ra giếng vục mặt vào thau nước trong, mát lành buổi sáng. Chợt thấy tiếng rì rầm ngoài cổng, Lan hỏi vọng vào:
- Mẹ ơi! Ai làm gì ngoài cổng nhà mình mà đông thế mẹ?
- Chẳng biết, ở bên nhà thím mày đấy.

Trời vừa sáng lờ mờ trên những mái nhà, Lan bước ra cổng, cứ tưởng rằng sẽ gặp một cảnh tượng thân quen nào đó, ai ngờ nhấp nhô những cái đầu đang đào móng xây bờ rào vững chắc. Lan đứng lặng người, cô cứ ngỡ rằng người ta đang bịt kín những kỉ niệm tuổi thơ, chôn sâu cả tiếng cười trong trẻo với những cuộc bán mua không giàu nghèo, lời lãi. Người ta đã phá bờ giậu thưa hôm nào không phải để giải phóng cho một khoảng trời mà sẽ bịt kín nó suốt cuộc đời. Lan giật mình khi nghe thấy tiếng thím Sang nói sang sảng bên nhà với đội thợ xây:
- Xây nó vào không gà vịt phá lắm các chú ạ.
Lại thấy mẹ Lan từ trong bếp đi ra lẩm bẩm một mình:
- Xây có 1m thì xây làm gì, chả bõ gà qué nhảy sang lại không tìm thấy đường về.
Lan như thấy có tiếng cười. Nghe đâu đó lời nói ngu ngơ của Chi hôm nào:
- Bao giờ em mà chết đi chị Lan cũng thắp hương đều đều cho em như Bính nhé!
- Phỉ phui cái mồm, nói gì mà dại thế?

Lan thấy tiếc vẩn vơ, giá mà tối hôm qua cứ đánh bạo lên thắp cho Chi một nén nhang có hơn không, hôm nay cái giậu thưa đã bị bịt kín rồi. Chẳng biết Chi có được lên thiên đàng hay người ta lại mở cửa địa ngục trần ai. Chẳng biết Chi có lạnh không, có đói không và có ai ngồi chơi bên bờ rào thưa nữa? Mà đã hết rồi, đã chẳng còn một bờ rào nào nữa để bao dung cho những tiếng cười tuổi thơ trong trẻo.
Lan nghe đâu đó như có tiếng cười đang vỡ oà trong mắt.

19-07-2008
V.T.H.T
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)





 

Các bài mới
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Các bài đã đăng
Họa sĩ làng (19/01/2009)
Tiếng gọi (19/01/2009)