Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
“Con nhà quan, tính nhà lính”
15:46 | 19/01/2009
BÍCH PHƯỢNG thực hiệnLTS: Trong dịp vào Huế thực hiện một số phim trong chương trình “Người của công chúng” (Đài Truyền hình Việt Nam), nhà báo Bích Phượng đã có dịp tìm hiểu tác phẩm, gặp gỡ trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khắc Phê tại ngôi nhà vuờn xinh đẹp của ông trên đường Xuân Diệu. Ông đã trả lời một cách cởi mở và thẳng thắn những vấn đề đặt ra.
“Con nhà quan, tính nhà lính”

Bích Phượng (BP): Rất vui mừng được gặp ông. Cuộc sống của ông hiện tại như thế nào?
Nguyễn Khắc Phê (N.K.P): Cuộc sống hiện tại của tôi có thể nói là thanh thản, vì mặc dù đã về hưu, nhưng tôi vẫn có nhiều việc để làm, nhất là được làm những việc mình thích. Lại được sống giữa một di sản văn hoá của nhân loại, trong một ngôi nhà yên tĩnh…
BP: Được biết ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng, có bố đậu Hoàng Giáp thời vua Thành Thái, từng làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, có anh trai là BS. Nguyễn Khắc Viện nổi tiếng; vậy gia đình đã có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp văn chương của ông?
N.K.P: Ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi người là rất nhiều mặt. Tuy vậy, theo tôi, điều căn bản nhất là qua nếp sống, nhân cách. Như thân phụ tôi và cả anh Viện nữa, đã rèn tập, nêu gương cho cả gia đình một nếp sống tốt đẹp - nói theo đạo Nho thì đó là “Dĩ công vi tư”, nếu dịch ra theo cụ Hồ là “Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính” - luôn cương trực, thẳng thắn, làm việc hết mình vì xã hội… Một nhân cách như thế đã góp phần định hướng ngòi bút của mình…

BP: Tôi cũng được biết, trước khi trở thành nhà văn, ông là một cán bộ của ngành giao thông. Ông có thể nói đôi chút về tác phẩm đầu tay, về con đường đến với văn chương của mình?
N.K.P: Tác phẩm đầu tay của tôi in năm 1968 là cuốn ký sự “Vì sự sống con đường”. Khi đó, giặc Mỹ đang đánh phá rất ác liệt trên con đường lên đèo Mụ Dạ, điểm nóng nhất của miền Bắc. Cuộc chiến đấu anh hùng trên con đường này đã tạo cảm hứng cho tôi viết nên tập ký sự. Cũng có chút ảnh hưởng từ cuốn ký sự “Họ sống và chiến đấu” của anh Nguyễn Khải viết về Cồn Cỏ đang được hoan nghênh. Con đường tôi ở cũng như là “Cồn Cỏ của miền Tây”, là túi bom Mỹ, cũng là nơi hội tụ các anh hùng, từ Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế, đến Tiểu đoàn 2 công binh… Khó có thể kể đủ các anh hùng trên con đường này. Các gương anh hùng đã thôi thúc tôi cầm bút…

BP: Trong 14 tác phẩm gồm tiểu thuyết, ký sự, tản văn, phê bình…, ông thường đề cập đến những đề tài nào?
N.K.P: Do môi trường hoạt động, có giai đoạn tôi tập trung viết về những nhân vật trên các con đường và đã in 1 tập ký sự và 4 tiểu thuyết. Sau đó, tôi viết tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở”, bối cảnh là các công trường thủy lợi trải qua rất nhiều năm tháng. Tiếp đó là cuốn “Thập giá giữa rừng sâu” về đề tài chống lâm tặc… Nhưng điều tôi quan tâm thể hiện trong các tác phẩm là vai trò người trí thức trong xã hội và sự tha hoá của con người trong hoàn cảnh họ sống cũng như họ đã chống chọi lại mọi cám dỗ như thế nào…

BP: Trong các tác phẩm, ông thường đề cập đến những vấn đề nổi cộm rất là gai góc, không phải nhà văn nào cũng dám nói. Điều gì đã khiến ông có thể phơi bày những sự thật trần trụi ấy trong các tác phẩm?
N.K.P: Tôi là người trong cuộc. Đó cũng là đề tài bài phát biểu khi tôi lĩnh giải thưởng của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 trao cho cuốn tiểu thuyết “Chỗ đứng của người kỹ sư” viết về đường Trường Sơn. Người trong cuộc, nên anh nhìn đúng sự thật, chứ không cực đoan và với tinh thần xây dựng. Ví như trong “Đường giáp mặt trận” (phần đầu của tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư”) - tiểu thuyết đầu tay của tôi mà báo “Nhân dân” đã có bài biểu dương, ngay từ hồi 1976, tôi đã dám viết về một Bí thư Đảng ủy gây ra tai nạn ở công trường. Tôi dám viết như thế vì tôi hết lòng yêu ông - một con người “chí công vô tư” đặc biệt (và về sau đã hy sinh anh dũng) nhưng vì duy ý chí nên đã gây ra tai nạn. Cuộc sống thực tế nó như thế, mình không có gì thêm thắt và chính bản thân cuộc sống mách bảo cho mình biết vấn đề gì là có ích cần phải viết, tuy thời điểm đó chưa thích hợp. Cũng như tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh”, hai mươi năm trước “in thử” (khi đó lấy một tên khác) đã bị “thổi còi”, nhưng đầu năm 2008 đã được in trọn vẹn và đã bán hết. Nói cho đầy đủ thì cũng nhờ đất nước “Đổi Mới”…

BP: Trong gia tài 14 tác phẩm của mình, ông tâm đắc tác phẩm nào nhất? Vì sao?
N.K.P: Câu hỏi này, đối với bất cứ nhà văn nào, cũng rất khó nói, vì đứa con nào mình đẻ ra cũng mang nặng đẻ đau, cũng đều được yêu quý. Tuy vậy, có lẽ tác phẩm tâm đắc nhất là cuốn tiểu thuyết sắp ra đời. Trong số tác phẩm đã xuất bản, có lẽ cuốn “Những cánh cửa đã mở” mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa in lại trong bộ sách “Tiểu thuyết thời kỳ Đổi Mới”, là cuốn tôi đã viết với rất nhiều tâm huyết, nêu được nhiều vấn đề xã hội rất đáng chú ý trong cả một thời kỳ dài của đất nước, mặc dù bối cảnh chỉ là những công trình thuỷ lợi. Có cả hình ảnh lãnh tụ trở về bên dòng sông Hương gặp lại bạn trí thức cũ; rồi vấn đề “trí thức cũ - trí thức mới”, vấn đề “mở cánh tự do” tạo điều kiện cho sáng tạo; rồi vẻ đẹp trong lao động và cả trách nhiệm của người làm báo trước những công trình vô dụng do bệnh duy ý chí…

BP: Ông hiện ở Huế nhưng phần lớn thời thơ ấu lại sống ở vùng “đất học” bên dòng sông Phố tỉnh Hà Tĩnh. Vậy Cố Đô Huế có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống và sự nghiệp sáng tác của mình?
N.K.P: Ảnh hưởng của một vùng đất đối với con người không chỉ trong giờ phút hiện tại. Còn kỷ niệm gia đình, còn quá khứ nữa. Ông cụ tôi làm quan nhiều năm ở Huế và chính tôi sinh ra ở Huế khi cụ đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên. Rồi các anh chị tôi cũng từng học trường Quốc Học, Đồng Khánh, Thiên Hựu Huế… Năm 1976, tôi về lại Huế, những kỷ niệm đó khiến tôi không cảm thấy xa lạ với vùng đất Cố Đô; đối với người viết, điều đó là rất có ý nghĩa. Đó là chưa nói đến môi trường văn hoá ở đây rất phù hợp với hoạt động văn học. Mặt khác, những năm tháng tuổi thơ tôi sống bên dòng sông Phố cũng là một cội nguồn đem đến những cảm xúc đẹp trong sáng tác. Tôi nghĩ vẻ đẹp, hồn thiêng sông núi của hai vùng đất như là đôi cánh của người sáng tác, nhờ đó, tác phẩm vừa có chiều sâu gắn bó với quê hương, vừa có tính khái quát do tầm nhìn được mở rộng.

BP: Cố Đô Huế với dòng Hương Giang êm đềm và hiền hòa dường như “đối lập” với những trang viết khá là động chạm của ông?
N.K.P: Có lẽ nhìn nhận Huế như vậy là mới chỉ dừng ở bề ngoài, hình thức. Dòng Hương bây giờ phẳng lặng vậy, nhưng mùa lũ cũng dữ dội lắm; đó là chưa nói đến ghềnh thác ở thượng nguồn. Và con người Huế cũng vậy; các cô gái Huế trông dịu dàng yểu điệu vậy nhưng nội tâm và cả cách hành xử khi hữu sự cũng mãnh liệt lắm. Mà người viết văn thì bao giờ cũng phải biết nhìn vào chiều sâu của bối cảnh, của con người. Tuy vậy, có lẽ nhịp điệu, tốc độ chậm rãi của Huế - kể từ bước đi trên phố, ít nhiều có ảnh hưởng đến nhịp điệu, cấu trúc tác phẩm. Văn chương Huế ít có những thay đổi mạnh bạo chưa có tác giả gây được dư luận trong cả nước cũng là vì thế chăng?

BP: Được biết ông đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” dày trên 700 trang. Ông có thể nói đôi chút về tác phẩm này?
N.K.P: Cuốn này tôi viết đã hơn chục năm, trăn trở rất nhiều. Nhà văn, khi đã có một số tác phẩm nhất định, khi viết thường thận trọng cân nhắc nhiều mặt, nhất là bây giờ xu thế bạn đọc khác trước, rồi đổi mới nghệ thuật như thế nào… Tôi lại không phải loại đổi mới mạnh bạo như Văn Cầm Hải, Nguyễn Bình Phương… mà vẫn đi theo “truyền thống”; tuy vậy phải tiếp cận những những vấn đề mới, nên trăn trở rất nhiều. Các nhân vật trong sách lại trải qua một chặng đường dài suốt từ trước năm 1930 đến sau ngày đất nước thống nhất, trong đó có hình ảnh người chiến sĩ “30-31”, có ông quan triều Nguyễn, có người theo đạo Thiên Chúa, có chiến sĩ Trường Sơn… Những số phận trải qua mấy chục năm biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tôi không cố ý “bịa” ra cốt truyện “xa lạ”, ly kỳ, gay cấn, nhiều cảnh “sex” - loại sách như thế đã có nhiều, có thể dễ bán nhưng hình như chưa để lại dấu ấn sâu đậm trong người đọc vì lộ bàn tay sắp đặt của tác giả khiến tác phẩm nó giả giả, không chân thật. Vì thế tôi chọn “con đường” trở về với quê hương, với những gì thân thuộc nhất, vui lòng dừng bước ở một bến đò, ghé thăm một đêm bửa cau trong ánh đèn dầu lạc nghe kể chuyện “Tống Trân - Cúc Hoa”, xem cảnh cắt nhung hươu, hiểu nỗi lòng vị đại quan Triều Nguyễn - dù bao phen điêu đứng vì cách mạng, vẫn làm thơ tôn sùng Cụ Hồ ngay trước cơn bão “Cải cách”… Tôi muốn độc giả được “nhẩn nha” lúc đọc tiểu thuyết để ngẫm nghĩ, chứ không phải “ngốn ngấu” để biết kết cục câu chuyện… Tôi chưa dám nói mình viết đã hay, nhưng chắc sẽ được bạn đọc quan tâm…

BP: Cuốn sách dày trên 700 trang liệu có phù hợp với cuộc sống hiện tại hôm nay không, khi mà văn hóa đọc đang bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình khác?
N.K.P: Đúng là vấn đề mà nhiều người cầm bút phải cân nhắc. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình viết với tất cả tâm huyết thì vẫn có người đọc. Thực ra, văn học không phải đến với tất cả quần chúng, mà chỉ đến với một loại độc giả nhất định, nếu mình đáp ứng được lòng mong đợi của họ thì họ sẽ tìm đến. Như chúng ta đã thấy, có nhiều cuốn sách dày được tìm đọc như tiểu thuyết của Mạc Ngôn, hay “Hồ Quý Ly” của anh Nguyễn Xuân Khánh, đều 700-800 trang cả. Tôi hy vọng rằng dần dần, người ta sẽ hiểu đúng hơn giá trị của văn học trong việc xây dựng nhân cách và sách văn học sẽ đến với người đọc nhiều hơn.

BP: Ông đang là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt tại Huế, ông đánh giá tình hình văn học tại Thừa Thiên Huế như thế nào?
N.K.P: Chi hội nhà văn ở Huế có 17 hội viên Hội Nhà văn Việt . Tôi thấy điều tốt nhất là anh chị em ở đây không chạy theo thị hiếu tầm thường của thị trường mà đều viết những gì mình đã trải nghiệm với ý thức trách nhiệm cao của người cầm bút. Các anh chị dù đã cao tuổi, nhưng hai năm vừa rồi đều có sách ra như Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai… Nhưng rõ ràng là hoạt động văn học ở đây chưa tương xứng với một vùng đất giàu truyền thống văn hoá và có vô số đề tài hay để khai thác. Rất khó để khắc phục tình trạng này vì nó đòi hỏi nhiều thứ - từ việc quan tâm đầu tư của cả địa phương và Trung ương, rồi xây dựng đội ngũ, trong khi lớp kế cận thiếu hụt. Có lẽ do nhu cầu đời sống cụ thể, nên người say mê theo đuổi văn học ít hơn trước…

BP: Sau lớp nhà văn đã gây được dấu ấn với độc giả mà ông vừa nhắc đến, lớp nhà văn trẻ ở Huế hiện nay hình như mờ nhạt? Ông nghĩ sao về tình trạng này và có giải pháp gì để khắc phục không?
N.K.P: Tôi nghĩ đây cũng là tình hình của cả nước. Như tôi vừa nói, do xã hội biến động, các chuẩn giá trị thay đổi, do nhu cầu đời sống của cá nhân, rồi nhu cầu đọc cũng khác trước - nhiều người đọc báo mà ít người đọc sách, nhà văn “sản xuất” không có nơi tiêu thụ - nên một số bạn trẻ rất có khả năng, từng thử cầm bút nhưng rồi rẽ sang ngành khác kiếm sống “chắc ăn” hơn. Nghề văn đòi hỏi một sự dấn thân với rất nhiều công phu và tâm huyết mà không bao giờ hứa hẹn một kết quả chắc chắn, càng khó kiếm tiền, nhiều khi còn bị phê phán chỉ trích vì trang viết không vừa lòng một cơ quan nào đó, một ai đó! Còn giải pháp để khắc phục thì có khi cả Hội Nhà văn cũng bất lực. Tất nhiên, nếu việc chăm lo đến những người viết trẻ được quan tâm đầy đủ hơn - cả về đào tạo, giới thiệu tác phẩm, giúp đỡ về vật chất và tinh thần với thái độ trọng thị và cởi mở trước những tìm tòi sáng tạo…- thì có thể tình hình sẽ sáng sủa hơn. Mặt khác, có lẽ cũng nên thay đổi quan niệm về “đội ngũ” nhà văn như là một tổ chức chặt chẽ, duy nhất. Sáng tác văn học là công việc hoàn toàn đơn lẻ, nhiều khi là ngẫu hứng. Đã và sẽ có những người đang là bác sĩ, kiến trúc sư, nhà ngoại giao… “nhảy” sang viết văn rất hay. Đang có những cây bút cặm cụi viết nhưng hầu như không xuất hiện trên văn đàn chính thống. Tôi nghĩ là nhu cầu của đời sống xã hội và mỗi người sẽ “đẻ” ra những cây bút - trong đó một số ít sẽ dấn thân vào nghiệp văn. Lĩnh vực này không cần quá đông đảo và cũng không thể có nhiều tài năng.

BP: Ngoài sáng tác văn học, ông còn là một cây bút làm báo xông xáo, năng nổ. Những năm làm Tạp chí Sông Hương có giúp gì cho nghề văn của ông?
BP:
Tôi làm Tạp chí Sông Hương gần chục năm, trong đó 8 năm làm Phó Tổng biên tập. Làm báo giúp cho mình hiểu biết cuộc sống phong phú rộng rãi hơn, tiếp cận được những vấn đề xã hội nóng bỏng. Không ít những điều tôi thu nhận được trong thời gian này đã được thể hiện trên một số bút ký và các tiểu thuyết viết sau này. Cũng nhờ làm Tạp chí, có điều kiện đọc nhiều tác phẩm của bạn bè, cộng tác viên, mình cũng rút được kinh nghiệm. Tất nhiên là mất nhiều thời gian, nhưng nhờ biết sắp xếp, tôi vẫn có 3 tiểu thuyết in trong giai đoạn này.

BP: Trong dịp gặp nhà văn Trần Thùy Mai, chị có nhận xét rằng ông là một nhà văn, nhà báo luôn trung thực, thẳng thắn đương đầu với những gì mà ông nghĩ là một nhà văn cần lên tiếng; nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thì nói rằng có những bài báo gần đây của ông, phải là người dám xả thân, không sợ gì mới viết được như vậy; chính vì lương tâm ông không yên ổn trước cái xấu, luôn cầu mong cho một xã hội công bằng. Như vậy, những vấn đề ông đặt ra trong các bài báo có phải là những vấn đề gai góc mà ông đã phản ánh trong văn chương?
N.K.P: Không hoàn toàn như thế. Có khi cùng một vấn đề, nhưng mỗi thể loại, có cách phản ánh riêng. Hơn nữa, trong thời đại thông tin này, là người cầm bút, với trách nhiệm công dân, tôi có điều kiện phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn qua báo chí. Chỉ kể tên các loại báo chí mà tôi thường cộng tác thời gian qua đã thấy sự đa dạng của đề tài: Sông Hương, Thừa Thiên Huế, Văn nghệ, An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người đại biểu nhân dân, Đại đoàn kết, Tia sáng, Doanh nghiệp chủ nhật… Rồi báo chí các địa phương và báo “mạng”. Tha hồ viết! Nói vậy, nhưng sức lực có hạn, tôi thường “tham chiến” trong một số đề tài. Như là chống tham nhũng chẳng hạn. Trong tiểu thuyết cũng có vấn đề này, nhưng không phải là trọng tâm. (Trong tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu”, NXB Trẻ, 2002, tôi phơi bày cả một đường dây từ tỉnh, xuống huyện đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng như thế nào…). Với báo chí, tôi có điều kiện phân tích nhiều khía cạnh - có thể nói là có ý nghĩa sâu rộng hơn, có tính nhân bản hơn là chỉ trích những vụ việc cụ thể - ví như bài “Tham nhũng và suy thoái văn hoá”, tôi đặt vấn đề: nếu “quốc nạn” này không được ngăn chặn, cả một thế hệ sẽ bị hư hỏng, chứ không chỉ thiệt hại về vật chất; hay như vụ PMU18, tôi nhắc đến hàng vạn liệt sĩ hy sinh trên những con đường đã bị phản bội, bọn sâu mọt có thể tung mọi phù phép thoát tội trước tòa án, nhưng suốt đời không thể sống yên ổn trước vong linh đồng đội… Một đề tài khác, tôi thường tham gia “bình luận” là về dân chủ xã hội và vị trí của trí thức. Đây là cuộc đấu tranh khó khăn vì nó tùy thuộc vào chế độ xã hội, vào trình độ dân trí…, cũng là vấn đề “nhạy cảm”, nhưng để cuộc sống tiến lên phía trước, không thể vin vào những điều đó mà im lặng, bỏ qua. Nhà văn sống trong lòng dân tộc, với ý thức xây dựng, việc gì phải e sợ. Tôi đã viết những bài như “Báo động đỏ về sự dối trá”, “Thiểu số và đa số”, “Đảng và Quốc hội”, “Bài học đêm trước Đổi Mới”… và cả những bài giới thiệu chân dung, tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trí thức (như Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Vĩnh Mai, Bửu Chỉ…) với tinh thần ấy. 

BP: Thời gian làm quản lý cơ quan báo chí và những bài viết dễ gây đụng chạm của ông có gặp trở ngại khó khăn gì không?
N.K.P: Đã “đụng chạm” thì nhất định có khó khăn. Trong khi cuộc sống tiến lên phía trước, bao giờ cũng có thế lực bảo thủ ngăn chặn, có khi chỉ vì ấu trĩ hay ngộ nhận. Nhưng tôi nghĩ, nhà báo phải có bản lĩnh và anh phải có ý thức trách nhiệm về việc làm của mình; phải sẵn sàng chịu thiệt thòi nữa. Vấn đề cơ bản là lương tâm anh phải tốt, phải trong sáng. Khi đó, có việc anh bị “đụng chạm” lúc này, nhưng rồi thời gian, người ta sẽ hiểu. Như hồi tôi làm Tạp chí Sông Hương hai chục năm trước, có “vụ” bị “thổi còi”, nhưng gần đây, tôi đã kể lại trên báo “An ninh thế giới cuối tháng”, “Tạp chí “Nghề Báo” (của Hội Nhà báo Việt Nam) và đưa in lại trong tập “Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ” (NXB Hội Nhà văn, 2006) - cuốn sách đã được tặng thưởng “Tác phẩm xuất sắc năm 2006” chính ở Thừa Thiên Huế.

BP: Vậy mục đích cuối cùng của ông khi đụng chạm đến những vấn đề gai góc trong cuộc sống là gì?
N.K.P: Tôi thấy nhân dân mình, đất nước mình, do điều kiện lịch sử cụ thể, cả điều kiện về thiên nhiên, địa lý nữa, đã trải qua rất nhiều bi kịch, đã chịu biết bao nhiêu điều bó buộc, hạn chế. Làm sao để có điều kiện giải phóng - quan trọng nhất là con người được giải phóng. Bắt đầu công cuộc Đổi Mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói “cởi trói” là vì vậy. Mà trước hết là giải phóng trí tuệ và tư tưởng, có lẽ đây cũng là điểm dễ đụng chạm nhất. Khi chúng ta nói giải phóng tư tưởng, giải phóng trí tuệ là đụng đến vấn đề rất nhạy cảm là ý thức hệ. Nhưng chúng ta, nếu đã nghiên cứu các chế độ chính trị và Nghị quyết Đảng trong các thời kỳ, thì đều thấy ý thức hệ là vấn đề luôn phát triển. Chính Mác đòi hỏi tinh thần cách mạng như thế. Tôi luôn tâm niệm như vậy và qua tất cả những trang viết của mình, tôi chỉ ao ước làm sao cho cuộc sống của nhân dân và Tổ quốc chúng ta sánh vai được với bạn bè 5 châu…

BP: Nghe nói ông tự hào là một nhà văn, nhà báo có quan điểm, lập trường nhất quán. Nhưng người ta thường hay nói: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại.” Vậy ông nghĩ sao?
N.K.P: Dại khôn ở đời là vô cùng. (Cười) Như hồi tôi làm Tạp chí Sông Hương, có người bảo nếu như tôi biết chiều theo ý kiến người này, người nọ thì có thể được lên chức, lên lương. Nhưng chưa chắc đó đã là điều may mắn. Khi tôi làm Tổng biên tập không thuận, được chuyển làm việc khác, có nhiều thời gian sáng tác hơn và có thêm tác phẩm mới. Họa sĩ Bửu Chỉ và nhà thơ Thái Ngọc San - hai cây bút nổi tiếng trong phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trước 1975, sau khi tự bỏ việc, ra khỏi Tạp chí Sông Hương, Bửu Chỉ càng có thêm nhiều tranh đẹp và Thái Ngọc San trở thành một cây bút xông xáo, được bạn đọc tin cậy ở báo Thanh Niên. Vậy nên “dại - khôn”, “mất - được” ở đời là chuyện vô cùng. Cái gì cũng có hai mặt cả. Có điều, muốn là “quân tử nhất ngôn” thì phải có bản lĩnh, phải dám chịu trách nhiệm, phải biết chịu đựng nữa. Nhưng mình làm với lương tâm trong sáng thì lòng luôn thanh thản. Sự thanh thản, đó là điều quý báu nhất.

BP: Nếu có thể phác họa chân dung của mình bằng một câu nói thì ông có thể nói gì?
N.K.P: Chúng ta thường nghe câu “con nhà lính, tính nhà quan”, nhưng tôi thì “con nhà quan, tính nhà lính”. Chất “lính” đã thể hiện từ khi còn chiến đấu trên đường Trường Sơn cho đến ngòi bút bây giờ vẫn luôn luôn như một người lính chiến đấu vì sự thật, vì cuộc sống tốt đẹp của Tổ quốc và nhân dân.
… Cần mẫn sáng tác hơn 40 năm qua, nhà văn - nhà báo Nguyễn Khắc Phê đã được đông đảo bạn đọc biết đến qua 14 tác phẩm văn học và hàng trăm bài báo có chất lượng. Văn chương của ông không mượt mà bay bổng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng những vấn đề mà ông đặt ra trong các tác phẩm của mình là những vấn đề gai góc nổi cộm của cuộc sống. Phía sau những trang viết tưởng như khô khan ấy là một nhân cách, một tấm lòng luôn đau đáu trước những điều bất công ngang trái của xã hội, luôn đấu tranh cho một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Giờ đây, ở tuổi xấp xỉ 70, nhà văn Nguyễn Khắc Phê vẫn đang mải miết hoàn thiện tác phẩm mà ông đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức - tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”. Ông biết còn có bao nhiêu điều mong muốn mà chưa làm được và cảm thấy mình phải tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa. Cuộc sống biến động và thay đổi không ngừng, nhưng riêng cái tình với quê hương đất nước, với con người xứ Huế thì vẫn mãi vẹn nguyên trong ông. Ông vẫn đang sống với tình yêu và niềm tin bất diệt ấy…

(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)

Các bài mới
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Các bài đã đăng
Giậu thưa (19/01/2009)
Họa sĩ làng (19/01/2009)