Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
Vị khách cuối năm
16:51 | 19/01/2009
LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.
Vị khách cuối năm
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Suốt cả hai ngày nay, lão xích lô không chạy được cuốc nào. Lão nằm chéo chân trên chiếc xích lô, miệng phì phèo điếu thuốc, lòng buồn bã vô cùng. Chẳng buồn làm sao được, tết nhất đến nơi rồi, tiền ăn, tiền ở, tiền nhà, kính thưa các loại tiền đang nối đuôi thôi thúc lão. Vợ lão bán hàng rong cua ghẹ ở bãi biển, lúc trước bán còn có đồng ra đồng vào, dạo này người của qui tắc đô thị đuổi bắt căng quá, phải trốn chui trốn nhủi để bán. Hơn nữa, mưa gió biển động ầm ầm, du khách cũng như người dân địa phương ai đâu ra biển mà ăn cua ghẹ. Mọi thứ đều đổ dồn vào lão, giờ chỉ biết trông chờ hy vọng vào chiếc xích lô. Nhưng khách khứa cái kiểu này, thì!... Lão xích lô thấy lạ, mấy năm trước, cuối năm, những người làm ăn tha hương hoặc các cô cậu sinh viên về quê đông lắm, sân ga trở nên nhộn nhịp. Đều đặn, hết lớp người này đến lớp người kia, năm nào cũng vậy. Năm nay, khách đi đâu hết trơn? Lão đoán, có lẽ ngày nay dân giàu, người ta về quê đi bằng máy bay hoặc bay ô tô. Còn không, lúc khách mới  bước xuống sân ga, mấy tay lái xe tắc xi xe thồ ở trong bến giành hết khách rồi. Cái nghề đạp xích lô thô sơ của lão, chậm chạp, chỉ phục vụ cho những người đi du lịch ngắm cảnh dạo mát chứ ai mà thèm đi nữa. Thôi, sang năm xong "vụ Tết", bỏ chiếc xích lô trong viện bảo tàng cho người ta chiêm ngưỡng, kiếm việc khác làm cho rồi!  

Mãi đến gần trưa, lão xích lô vẫn không chạy được cuốc nào. Chẳng thà ngày thường, đường xá ít người, ít đông vui, cuộc sống công việc ai nấy làm, nếu vắng khách, lão cũng buồn, nhưng đó chỉ là nỗi buồn vắng khách. Đằng này sắp Tết, người người đi mua sắm, kẻ thì lo quét vôi tô tường trang trí nhà cửa, người thì khệ nệ khiêng chậu hoa mai, người thì bưng bê chậu hoa hồng hoa cúc, nói nói cười cười, rộn rã. Còn lão, giống như người không có gia đình, nằm ngoài đường, mòn mỏi trông chờ khách, buồn lắm, buồn đến nát ruột nát gan! Đúng vào cái giây phút lão buồn bã và chán nản cho cái kiếp nghèo ấy, bất ngờ lão xích lô gặp được vị khách hào phóng. Vị khách này cũng là vị khách cuối cùng trong năm. Ôi, cuộc sống muôn màu và đầy bất ngờ, có những điều thú vị biết bao!

Vị khách tuổi cỡ chừng bốn mấy năm mươi, nhỏ hơn lão, mặc quần áo cũ kỹ, mang chiếc ba lô bạc màu. Anh ta không biết đi lối nào ra, đến gần lão, miệng mím, cúi thấp đầu, giống như đàn em út gặp được người anh cả, trịnh trọng nói: "Thưa anh! Anh có thể chở em đến nhà nghỉ nào gần đây được không?" Mấy ngày nay ế ẩm, giờ đây có được khách gọi, lão xích lô mừng húm: "Dạ, dạ, được chứ!...".Vị khách ái ngại, nhẹ nhàng nói: "Thưa anh! Em còn trẻ, anh đừng dạ và đừng gọi em bằng anh, mang tội!...". Câu nào vị khách cũng "thưa anh", lão xích lô thấy lạ lắm. Cả đời lão chạy xe xích lô mấy mươi năm, thay và sửa không biết bao chiếc xích lô rồi, chưa thấy ai ăn nói lịch sự như vị khách thế này. Bình thường, có một số người thiếu văn hóa, nói đúng hơn xem thường người nghèo khổ, muốn đi xích lô, gọi trỏng, không lớn không nhỏ: "Ê, ê, xích lô!...". Cũng có người lão mời đi xích lô, không đi thì thôi, quay lại chửi: "Nhà tui ở đây, đi đâu nữa, ông khùng!". Mấy cậu không có việc làm, mới vô nghề chạy xích lô dễ "xốc" lắm. Với lão, đã quen tai với những lời nói không mấy nhã nhặn này rồi. Nếu ai ăn nói nhã nhặn, lịch sự, với lão mới là lạ, mới là "xốc", chẳng hạn như vị khách này. Đến nhà nghỉ, vị khách bước xuống xe, lại hạ giọng: "Thưa anh! Anh lấy bao nhiêu tiền công?...". Vị khách ăn nói trịnh trọng, lịch sự quá mức, lão xích lô cảm động vô cùng. Nhưng vì ngày Tết, lão đang rất rất khó khăn, không biết tính tiền như thế nào. Lưỡng lự giây lát, lão quyết định bấm bụng, đau lòng "chém": "50 nghìn!". Vị khách không nói năng gì cả, vẫn vui vẻ, tươi cười, móc bóp, lịch sự đưa tiền cho lão bằng hai tay. Về sau nhiều năm, lão xích lô nằm đêm trách mình mãi, đúng ra mình không nên lấy tiền vị khách này.

Lão xích lô mới quay đầu xe đi, vị khách vội vàng bước theo hỏi: "Anh ơi! Cho em hỏi thăm, Nha Trang, ngoài các vịnh và bờ biển tuyệt đẹp, còn có những danh lam thắng cảnh nằm trong thành phố như Tháp Bà, Hòn Chồng, chùa Long Sơn Tự, Nhà Thờ Núi phải không?". Lão xích lô gật gật đầu, quen miệng nói: "Dạ, dạ, đúng rồi! Qua giọng nói, em đoán anh là người ở Sài Gòn mà sao biết?". Vị khách nói: "Em nghe trên ti vi, Báo, Đài trong nước ca ngợi phong cảnh đẹp ở đây hoài, giờ đây mới có dịp đến tham quan. Chiều nay anh có rảnh, chở em đến mấy điểm này được không?". Lão xích lô "vô mánh lớn", vui mừng nói: "Dạ, dạ, được chứ!...". Vị khách ra điều kiện: "Nhưng anh phải giúp em một việc!...". Lão xích lô lo lắng, hỏi vội: "Việc gì, thưa anh?...". Vị khách bảo: "Anh không được luôn miệng nói dạ dạ, gọi em bằng anh, được không?". Lão xích lô ngớ người ra, mỉm cười khoái chí: "Dạ, dạ, anh cứ yên tâm! Ý lộn! Em cứ yên tâm!...".

Mấy ngày nay lão xích lô buồn bã bao nhiêu, giờ đây thấy vui bấy nhiêu. Hình như lúc vui quên cả đói và mệt. Hồi sáng lão chỉ ăn nửa ổ bánh mì, đúng ra giờ đây ruột đã cồn cào rồi, nhưng lão không thấy đói và mệt gì cả, ngược lại còn sảng khoái. Lão huýt sáo, hối hả đạp xích lô về nhà. Ở trong căn nhà thuê, vợ lão ngày Tết tuy không có tiền mua sắm, nhưng cũng lo giặt giũ áo quần, dọn dẹp căn phòng. Mặc dù nhà người ta, nhưng mình thuê ở là nhà của mình, ngày Tết sửa soạn cho thật khang trang. Về đến nhà, vừa cất chiếc xích lô, lão nói liền: "Bà ơi, tui vừa gặp được một vị khách lạ!..". Vợ lão hỏi: "Lạ làm sao?". Lão nói: "Anh ta đi xích lô không hỏi giá trước gì cả. Đến nơi mình lấy bao nhiêu tiền, anh ta đưa bấy nhiêu". Vợ lão nói: "Tại mình nghèo khổ, coi quý đồng tiền, chứ người giàu sang năm ba chục là sá gì!". Lão nói: "Không! Anh ta da dẻ đen sạm, quần áo cũ kỹ, không có vẻ gì giàu sang cả. Có điều lạ là anh ta quá lịch sự, một thưa anh, hai thưa anh, lúc đưa tiền cho tui, anh ta còn đưa bằng hai tay". Vợ lão nghĩ ngợi giây lát, rồi nói: "Ông nên cẩn thận với những người quá lịch sự: một thưa anh, hai thưa anh… Ông coi chừng, nó lừa lấy chiếc xích lô của ông hồi nào không hay đó!". Lão ngẫm nghĩ, ừ không khéo, nhà mình nghèo lại gặp cái eo! Nhưng lão vẫn thắc mắc, mà lạ thiệt, thời buổi giờ người ta để cắp xích lô làm chi ta? Phù thịnh chứ ai phù suy? Không lẽ vị khách này, là!?...

Bình thường trưa nào, lão xích lô cũng ngủ nửa tiếng để có sức chạy tới khuya. Hôm nay lão không ngủ, ăn cơm xong vội đạp xe tới nhà nghỉ. Đến nơi, lão thấy vị khách đã ngồi trước nhà nghỉ rồi. Có lẽ vị khách đang chờ đợi, nóng lòng, thăm hết phong cảnh đẹp Nha Trang. Thấy lão đến, vị khách đứng dậy, mỉm cười, bắt tay rồi leo lên xích lô bảo lão chở đi đâu thì đi, cũng không hỏi giá chi cả. Đầu tiên, lão xích lô chở vị khách đi một vòng dọc bờ biển, sau đó đến nhà thờ Núi, chùa Long Sơn Tự. Đi đến chỗ nào, lão cũng nhiệt tình kể cho vị khách nghe lịch sử khu di tích điểm đó, giống như hướng dẫn viên du lịch. Vị khách luôn miệng trầm trồ, ca ngợi cảnh đẹp. Lúc chở đến dốc cầu Trần phú B, một cái vừa cao, vừa dài, vừa ngược gió, có lẽ biết lão xích lô đã mệt, bỗng dưng vị khách nói:
-
Anh mệt rồi, để em chở anh cho.
-
Không được! Anh nghèo khổ chạy xích lô kiếm tiền, dù mệt, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu để cho em chở, sao anh lấy tiền công em? Chẳng lẽ em quay sang lấy tiền anh? Không, không được, em là người giàu sang, em là quý khách, không thể để em chở anh được
-
Anh khách sáo quá! Em quý mến, coi anh như người anh cả vậy. Anh đừng nói đến tiền bạc, giàu nghèo được không

Nói xong, vị khách nhảy xuống xe, đổi chỗ với lão xích lô. Từ lúc đó trở đi, lúc nào mệt, hai người thay nhau đạp, nói cười vui vẻ. Dọc đường, mọi người nhìn vào, không còn biết ai là quý khách du lịch, ai là kẻ nghèo hèn đạp xích lô thuê nữa. 
Ngày nào, lão xích lô cũng gắn bó với chiếc xe nhưng chỉ ngồi đằng sau, gồng hết sức mình để chở khách. Hôm nay là lần đầu tiên trong đời, lão xích lô vinh dự được ngồi đằng trước cho khách chở mình, lão cảm động lắm, thiếu điều rơi nuớc mắt. Đến chiều, sau khi đi hết các điểm du lịch về nhà nghỉ, vị khách hỏi:
-
Anh lấy bao nhiêu tiền công vậy?
-
Anh chở em nửa đường, em chở anh nửa đường, thật lòng anh không biết lấy bao nhiêu cho phải. Thôi thì, em muốn đưa anh bao nhiêu cũng được!...
Vị khách sợ lão xích lô chối từ, hào phóng, lấy hai trăm nghìn nhét vào túi lão rồi còn mời:
-
Tối nay, em mời anh đi nhậu nhé!

Buổi tối, vị khách lịch sự và lão xích lô ngồi nhậu bia hơi bên quán vỉa hè, tỉ tê tâm tình, giống như hai người bạn thân chiều tối rủ nhau đi nhậu. Lúc uống xong vài ly bia, bao nhiêu quý mến vị khách lạ để trong lòng, giờ đây lão xích lô mạnh dạn hỏi:
-
Qua cách ăn nói lịch sự, tế nhị, tôn trọng người nghèo, chắc ở trong Sài Gòn em học hành cao lắm phải không?
-
Dạ không, em học hành dở dang!...
Lão xích lô thắc mắc hỏi tiếp:
-
Em xài tiền hào phóng, không tính toán với anh vậy, chắc ở trong đó em phải là một thương gia giàu có? Còn không, em phải là người sống trong nhung lụa, gia đình có của ăn của để?
- Dạ không, ở Sài Gòn, em cũng đạp xích lô!!!
Lão xích lô trố mắt ngạc nhiên:
-
Em đạp xích lô sao hào phóng với anh như thế?
Vị khách rỉ rả:
- Anh cũng biết cái nghề đạp xích lô, ngày Tết, mọi người rủ nhau đi chơi, cũng là lúc "vô vụ" làm của anh em mình. Em yêu thích cảnh Nha Trang đã lâu, vừa rồi, em may mắn gặp chở một bà Việt kiều tốt bụng cho em một trăm đô, nhân lúc gần Tết ế ẩm mới có dịp đi du xuân sớm, mời anh chút ít lại. Chứ đầu năm, đón xuân mới, người ta vui vẻ đi chơi, mình phải gồng lưng đi làm, rảnh đâu mà đi!!...

Lão xích lô xúc động, cổ nghẹn lại, đứng dậy, lấy tiền đưa cho vị khách, một hai chối từ:
-
Mình nghèo khổ, đồng nghiệp với nhau, anh không lấy tiền em đâu!
Vị khách chặn tay lại, một lần nữa nhét tiền vào túi lão xích lô và bảo:
- Em còn trẻ, có sức khỏe, còn nhiều cơ hội. Anh cứ cầm tiền, mùng một, đầu năm, đừng đi làm, chở vợ đi chùa giống như người ta!!...
Lão xích lô rơm rớm nước mắt, ngậm ngùi và tha thiết nói:
-
Cảm ơn em, cho anh mượn tạm!!!....
L.Đ.Q.

(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bên sông Bồ (19/01/2009)