Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Đường vào khoa học
10:22 | 20/01/2009
VÕ QUANG YẾNBùi ngùi nhớ mẹ thuở xưa,Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.                                                                Ca dao
Đường vào khoa học

Đảo chính Nhật 9.3.1945 rồi Cách mạng mùa thu. Đến kỳ khai giảng năm ấy, trường Trung học Khải Định nhường chỗ cho Giải Phóng Quân. Học sinh phải vào học trong Đại Nội, sáng học chữ, chiều tập quân sự. Nói tập quân sự cho oai, thật ra học cử chỉ ném lựu đạn, học đi theo nhịp, học chạy, học trèo như học thể thao. Học chữ thì có nhưng học sinh cũng như bao công dân thời buổi ấy bị tình hình chính trị chi phối, khó lòng ngồi yên dùi mài kinh sử. Những học sinh lớn tuổi đã hăng hái xung phong gia nhập bộ đội lên đường vào Nam đánh giặc chống xâm lăng. Học sinh trẻ còn lại, ngoài những giờ cố gắng ngồi nghe thầy giảng bài, họp nhau bàn luận về tương lai đất nước. Tôi còn nhớ một ban được cử ra soạn lập một bảng câu hỏi về nguyện vọng của học sinh, hầu mong giúp chính phủ phác họa chương trình giáo dục sau nầy. Câu hỏi chính trong bảng ấy là sau nầy muốn làm nghề gì. Tôi không ngần ngại kê theo thứ tự: 1) Nông học; 2) Hóa học; 3) Điện học. Ưu tiên cho ngành nông có lẽ vì những năm đói kém, tôi được anh tôi động viên lên trồng khoai ở ven đầm trên truông Phò Trạch, từ đấy nhận định vai trò quan trọng của môn nuôi trồng. Định mệnh đã đưa đẩy tôi tiếp xúc cả ba ngành ấy nhưng qua ba mức khác nhau.

Tản cư về, học sinh vội vã soạn thi bằng Trung học phổ thông tổ chức trước hè năm 1947, bất chấp đã học qua những lớp nào, nhưng phần lớn đều ở mức lớp đệ tứ niên nghĩa là đúng vào năm phải thi. Môn nào cũng phải tự học lấy, đặc biệt môn toán. Tôi nhớ thời học ở trường dòng Pellerin, thầy cho không biết bao nhiêu bài toán để làm ở nhà. Thì đây, một số bạn họp nhau buổi chiều tại nhà anh tôi ở trên đường Bờ sông An Cựu để cùng học: chúng tôi chỉ định trong cuốn sách toán Brachet mỗi kỳ một chương nào đó, học cho thuộc, lúc gặp nhau chỉ làm toán. Ai làm xong một bài thì mọi người phải dừng để nghe lời giải. Cứ thế cho hết các bài toán trong chương mới được nghỉ. Với lối học nầy, chúng tôi thấy tiến bộ rõ ràng vì làm được tất cả những bài toán là thuộc chương. Sau hè, trường Trung học Khải Định mở khoa thi tuyển vào những lớp đệ nhất chuyên khoa. Có hai ban A (Toán) và B (Vạn vật học). Mặc dầu đã tiến bộ ít nhiều trong môn toán, tôi ghi tên thi vào ban B, luôn trong mục đích nhắm ngành nông học sau nầy. Nhờ môn toán, tôi đậu đầu. Chấm điểm, xếp hạng cho vui mà thôi vì mọi thí sinh đều được nhận vào học. Tưởng tàu đã đặt trên đường rầy thì chỉ còn chạy đến đích, không dè một sự kiện xảy ra như máy bẻ ghi hướng tàu qua một lối khác: giữa năm 1948, Viện Đại học Sài Gòn mở Trường Vô tuyến điện. Đặc biệt năm đầu, thí sinh không cần có bằng Tú tài. Thế là cả bọn hai lớp đệ nhất chuyên khoa đổ xô vào ghi tên thi. Qua vấn đáp chỉ có một môn toán mà giám khảo lại là ông Harter, giáo sư toán của chúng tôi ở trường trước cuộc đảo chính Nhật. Tôi may mắn được ghi trong số những học trò đậu. Thế là cùng bốn bạn cùng lớp, tôi lên đường đi du học Sài Gòn.

Cuối năm học đầu tiên của tôi ở Trường Vô tuyến điện, phong trào đi học bên Pháp lên cao. Cụ mạ tôi liên tiếp nhau từ trần sau mấy tháng phải lìa bỏ nhà cửa xây dựng suốt một đời ở Mỹ Cang vào Huế, tôi thấy ít còn ràng buộc với gia đình nữa. Chị tôi và mấy anh tôi chịu giúp tôi đi du học trong một thời gian ngắn. Thế là tôi chạy mua một vé hạng ba từ Sài Gòn lên tàu thủy đi Pháp. Đi tàu hạng ba nghĩa là ngủ ở đầu tàu cùng với binh sĩ Pháp hồi hương, xếp hàng lãnh bữa ăn khoai tây luộc trên mâm thiếc rồi ngồi ăn trên boong tàu. Không quen, khoai tây thật khó nuốt. Thèm da diết những hột cơm thơm dẻo. Nói cho đúng, khi vượt Ấn Độ Dương, tàu tròng trành lắc lư dữ dội thì cũng chẳng ăn uống gì được, suốt ngày ngồi nhìn trời ngắm mây là cách tiêu khiển giản dị nhất nếu không đi dạo xem mấy cô đầm bơi lội trong bể tắm hay vào phòng chiếu xem đi xem lại cuốn phim La symphonie pastorale để mặc sức chùi mắt khóc thầm. Sau 17 ngày đêm lướt sóng, dừng 4 lần ở các hải cảng Singapore, Colombo, Djibouti, Port-Said, chiếc tàu La Marseillaise cập bến Marseille ngày 10.10.1949. Ở đúng tuổi 20 tôi không ngần ngại trước một tương lai còn mờ mịt và chắc đầy chông gai hiểm trở. Đây là một ngày lịch sử quan trọng trong đời tôi, ngày thứ nhì sau ngày sinh.


(Chàng trai 20 tuổi xăn tay áo mạnh dạn xông vào miền đất lạ)

Ghi tên vào Trường Kỹ thuật Điện thuộc Viện Đại học Grenoble, tôi được gởi về học một năm dự bị ở Chambéry ở vùng Savoie giá tuyết. Mức Pháp ngữ, toán học trung bình so với những sinh viên học đều đặn trung học, tôi cố gắng vượt qua được năm dự bị nầy nhưng bước lên năm học chính thức thì thấy mình thiếu hẳn căn bản. Đi học tự túc, sợ sẽ không có đủ tiền để học cho đến khi có nghề độ thân, tôi lên Paris ghi tên vào học Trường Kỹ thuật Hóa học. Giã từ điện học. Hai năm sau, một mảnh bằng nhỏ trong túi, tôi sung sướng lãnh đuợc những đồng tiền đầu tiên, hết còn sợ phải bị đói. Vừa đi làm, tôi vừa ghi tên đi học lớp ban tối dành cho người đi làm ở Trường Quốc gia Nghệ thuật và Nghề nghiệp CNAM. Hồi ấy, cũng phải 7-8 năm mới học xong bằng kỹ sư. Năm 1954, một ông giáo sĩ quen giới thiệu tôi qua học ở Viện Đại học Fribourg bên Thụy Sĩ, ăn ở với những tu sĩ trong nhà dòng Saint-Justin, mặc dầu tôi không phải là người công giáo. Ở đây tôi đã sống mấy tháng gần kề cựu huynh trưởng hướng đạo Dạ Mã Võ Thành Minh, người cắm trại thổi sáo đòi hòa bình trên bờ hồ Leman. Thấy tôi đạt kết quả tốt, Cha bề trên nhà dòng xin được cho tôi một học bổng qua Mainz ở tiểu bang công giáo Rheinland bên Cộng hòa Liên bang (Tây) Đức. Lúc lấy tàu hỏa qua Đức tôi mới bắt đầu học tiếng Đức. Tình cờ tôi gặp trên tàu một ông giáo sĩ người Mỹ tình nguyện giảng bài Đức ngữ đầu tiên cho tôi bằng tiếng Anh. Mặc dầu chưa khắc phục được sinh ngữ, với rất nhiều khó khăn, tôi cố gắng tiếp tục những chứng chỉ cử nhân hóa học đã bắt đầu ở Fribourg. Nhưng vì những duyên cớ hiện giờ tôi cũng không biết rõ, trước khi dự thảo luận án tiến sĩ, tôi bị cắt học bổng!

Trở về lại Paris, bằng cấp Đức hồi đó không có tương đương ở Pháp, ví chi đi làm kiếm sống, tôi ghi tên dự thảo luận văn thi bằng Cao học DES (tiền thân của DEA sau này) trong phòng thí nghiệm hóa học hữu cơ của Giáo sư Bửu Hội ở Viện Radium. Ở Thụy Sĩ và ở Đức, nếu chỉ phải lo tiền túi thôi, giờ đây tôi còn phải chạy kiếm tiền ăn ở. Tôi không đi giữ em hay làm người chạy giấy trong nhà sách như lúc trước, cũng không xin dọn bàn trong các quán cơm như nhiều sinh viên khác mà kiếm việc ngay trong lãnh vực hóa học. Tôi còn nhớ mãi những hôm trời lạnh cóng tay từ sáng sớm đến trưa phải chế tạo những chất thuốc trong một nhà kho không sưởi, không chút bảo vệ an toàn lao động, mệnh danh là phòng thí nghiệm. Ăn vội ở quán cơm sinh viên xong là phải đi học cho đến tối mịt. Lại quán cơm sinh viên trước khi về nhà. Tính ra tôi, và sau này cùng với nhà tôi, sử dụng những quán cơm công cộng nầy hơn cả chục năm. Cũng may là trời sinh voi sinh cỏ: với một sức khỏe tương đối tốt và một sức chịu đựng vượt mức, tôi cũng đạt được mảnh bằng sau hai năm (1958). Trong khoảng này, tôi lại may mắn gặp người bạn đường tâm đấu ý hợp, đồng tâm đồng chí, nhà nghèo, ham học, sau này sẽ cùng tôi thành lập một nhóm khảo cứu, và chúng tôi cưới nhau ngày 23.2.1957, nàng mới vào Trường Đại học Sư phạm (ENS Cachan), tôi chuẩn bị thi bằng cao học, hơn một nửa thế kỷ rồi! Đây là ngày lịch sử thứ ba trong đời tôi. Kinh nghiệm ở phòng thí nghiệm sẵn có, tôi xin vào dự thảo luận án tiến sĩ ở Trường Quốc gia Cao đẳng Hóa học ENSCP thuộc Viện Đại học Paris, luôn trong môn hóa học hữu cơ. Được ông giáo sư kiếm cách giúp đỡ về mặt tài chánh, tôi được rảnh rang hơn để học hành. Cũng phải bốn năm mới hoàn thành luận án và tôi đệ trình ngày 27.2.1962 tại Sorbonne, 13 năm sau khi đặt chân lên đất Pháp, ngày lịch sử thứ tư trong đời tôi. Tương đối, đậu tiến sĩ ở tuổi 33 là chậm so với những sinh viên có điều kiện học hành điều hòa, nhưng tôi tự hào đã học được trong trường đời năng lực chịu đựng, khả năng vượt sức, những đức tính kiên nhẫn, chịu khó, tiết kiệm, tảo tần… thành công với một khả năng tài chánh tối thiểu, một trí thông minh vừa phải nhưng với một sức thích nghi liên tục, một tính tháo vát trường kỳ.

Được tuyển vào Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS, từ nay tôi chuyên làm về hóa học hữu cơ. Lúc ban đầu, tôi chỉ làm nghiên cứu thuần túy, tìm cách chế tạo những acetylenic là những phân tử mang dấu nối ba và xem xét những phản ứng của chúng. Sau có dịp, cùng với cả nhóm, chúng tôi chuyển hướng qua cộng tác với những nhà sinh vật học, tổng hợp những chất thuốc kháng sinh mới, chẳng hạn những phân tử amin acid mang phospho P thay thế carbon C để đánh lầm vi trùng ở một giai đoạn nào đó khi chúng xây dựng màng cơ thể, trong khuôn khổ những chất ức chế enzym. Đây là một thử thách lớn cho nhà khảo cứu vì những phân tử này vừa khó chế tạo vừa không vững bền. Nhóm của chúng tôi chỉ học hỏi phản ứng ở phòng thí nghiệm, đưa ra chế thành thuốc là việc của những viện bào chế. Chúng tôi sẽ rất hãnh diện nếu sau này có một chất thuốc kháng sinh lấy những amin acid phospho kia làm nền tảng. Làm việc say sưa nhưng đến tuổi cũng phải về hưu. Tôi nghỉ việc cuối hè 1994, ở chức Giám đốc Nghiên cứu, vào tuổi 66. Tương đối rảnh rang hơn trước, tôi dành thì giờ viết lách như nhiều chục năm qua. Thật ra, từ những năm sinh viên, tôi đã viết những bài phổ thông khoa học đăng ở các báo Bách Khoa, Phổ Thông ở Sài Gòn. Ngày nay, song song với những bài bút ký du hành, ấn tượng những chuyến về thăm quê hương,… tôi được tờ Thông tin Khoa học nay đổi thành Nghiên cứu và Phát triển ở Huế yêu cầu viết về những vị thuốc và cây thuốc. Nhắm mục tiêu khai thác tài nguyên đất nước, tôi chọn những đề tài liên quan đến những sản vật (nhựa hương, một dược, hổ phách), súc vật (con sam, chim yến, cà cuống), cây công nghệ (cỏ ngọt, rau câu, bèo dâu), nhưng cốt yếu là những cây thuốc được dùng trong dân gian. Không có ý muốn kê khai mọi vị thuốc đã có trong nhiều sách, tôi chọn những cây có một vài đặc điểm:

- Những cây ăn trái: bắp (chữa áp suất, thông tiểu tiện, trị sỏi thận); đu đủ (thuốc mạnh tim, trị viêm vú, khử độc trùng); khế (chống vi khuẩn, chữa lở loét, trị scorbut); mít (gián phân bạch huyết bào, kích thích tăng sinh tế bào, phá rối độc trùng sida); sầu riêng (ngăn cản sinh đẻ, đặc tính kích dục, thức tỉnh say rượu); măng cụt (chống dị ứng, chữa sâu răng, kháng vi sinh); xoài (chống viêm, giảm đau, chữa sốt) v.v…
- Những cây có hoa: mai (điều trị bệnh lao phổi, bệnh mồ hôi nặng mùi, chữa tinh dịch vô sinh); sen (bổ dưỡng, an thần, giải độc); hổ ngươi (nhức đầu, ù tai, khó ngủ); đỗ quyên (chống viêm, dị ứng, hen suyển); vông vang (nhuận tràng, sát trùng, hoạt thai); trà mi (tuần hoàn tim mạch, giảm đau an thần, phá phách hành khí) v.v…
- Những cây có hương, có vị: xương bồ (điều hòa nhịp tim, dự phòng viêm răng, bảo dưỡng da đầu); hồi hương (chống co thắt, kích thích tim, giúp tiêu hóa); me đất (thanh nhiệt, mát máu, điều kinh); hành, tỏi (kháng sinh, diệt trùng, trừ nấm), quế (hạ sốt, tiêu chảy, khử nấm); cau (trị u khối, chống mảng răng, bảo vệ da), trầu (hạ huyết áp, duỗi bắp cơ, trị giun sán), những cây rau dùng trong canh rau thập toàn như cải cúc (ho cảm, thổ huyết, chậm tiêu), dâu tằm (diệt khuẩn, kháng sinh, chống già), khoai lang (thuốc diệt trùng, phòng viêm khớp, điều huyết áp), lá lốt (giun sán, chống viêm, ngừa thai), mồng tơi (tán nhiệt, hoạt trường, giải độc), rau má (giải nhiệt, thông tiểu, thống kinh), rau ngót (sót nhau, hóc xương, tưa lưỡi), rau sam (huyết nhiệt, táo bón, chốc đầu), cây sưng (nhức răng, nhức xương, phong thấp), vông nem (an thần, gây ngủ, sát trùng),…


(Trải qua 60 năm người tha hương luôn mãi hướng lòng về quê nhà)

Không định trước, từ hóa học các vị thuốc, tôi đã lấn qua môn thực vật học, nối lại với mối tình nuôi sẵn từ thuở học sinh trung học tuy không phải là hoàn toàn nông học. Muốn bài viết hấp dẫn, không chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, tôi cố gắng tìm kiếm những mốc lịch sử, những chuyện cổ tích, những truyện thần thoại, thêm vào những giai thoại cá nhân, góp chung lại thành những bài mà bạn bè thường cho là có tính chất dân tộc - thực vật học. Tôi mừng thầm thấy những bài tổng luận được hưởng ứng, trái lại với trước kia, theo yêu cầu tôi lục tìm tài liệu, sao chụp gởi về mà chẳng thấy một tiếng vang. Ngày nay, quá tuổi cổ lai hy, hồi tưởng lại những ước mong thời trẻ, làm bảng tổng kết, tôi hân hoan thấy đã đạt được nguyện vọng mà hồi ấy ngay chính mình cũng nghi hoặc. Vào tuổi đôi mươi ở Huế giữa những năm thập niên 40, ăn mặc thiếu thốn, trường ốc thất thường, tình thế bất ổn, học sinh nào dám cam đoan sẽ thành công giảm nghèo, vượt khó được để trở thành một khảo cứu viên khoa học hằng mộng mơ suốt thời niên thiếu của mình.
Xô thành trước thềm xuân Kỷ Sửu
                     V.Q.Y

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ánh sáng ban mai (20/01/2009)