Chỉ vỏn vẹn 50m2, căn họa thất của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận khiêm tốn nép mình trong một góc vườn với khoảng không xanh ngắt hoa cỏ, ngan ngát hương đồng, gió nội. Kiến trúc đơn giản, màu xi măng thô ráp, căn họa thất vừa mộc mạc lại gợi nên một cảm giác hoài cổ khá lãng mạn. Bên trong được bài trí đầy ngẫu hứng. Mới mẻ, hiện đại nhưng lại mang vẻ trầm tư rất cổ điển. Những bức tranh khổ lớn, tranh của bạn bè tặng choán hết khung tường rộng như đẩy người xem chìm đắm trong thế giới của sắc màu. Xung quanh chiếc lò sưởi là vị trí dành riêng cho những bức tranh khổ nhỏ. Xinh xắn, điềm tĩnh và ấm áp là cảm giác mà những bức tranh này mang lại cho căn phòng. Đối diện với lò sưởi là chân dung ông do họa sĩ Đinh Cường vẽ tặng, vừa đem từ Mỹ về. Mảng tường trống được tô điểm bằng chữ ký của bạn bè ông. Những nét bút phóng khoáng với gam màu phong phú đã tạo nên một bức tranh tường độc đáo, đẫm chất tự sự. Trong căn họa thất còn có sự hiện diện của những bức ảnh đen trắng đã phủ bụi thời gian của những người bạn đã một thời gắn bó với ông như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ… Thời gian đã đi qua, nhưng trong trái tim của người họa sĩ này, dường như, tất cả ký ức vẫn lắng đọng, đầy yêu thương.
Nói đến Hoàng Đăng Nhuận, người ta nhớ ngay đến một “thế hệ vàng” với những người nhạc sĩ tài hoa như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Từ Huy…; những cây cọ đầy góc cạnh như: Đinh Cường, Bửu Chỉ…; những nhà văn, nhà thơ lừng lẫy như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Lê Văn Ngăn… Và Hoàng Đăng Nhuận là một trong những người hiếm hoi còn lại của thế hệ ấy. Những ngày trước giải phóng, ông đã từng rong rêu từ Sài Gòn đến Đà Lạt, làm đủ nghề để kiếm sống chỉ để hoàn thành ước nguyện được vẽ, khước từ trọng trách trở thành nhà kinh doanh mà cha mẹ đặt nặng lên vai. Từ cuộc triển lãm đầu tiên từ năm 1969 tại Đà Nẵng, Hoàng Đăng Nhuận đã thực sự bước vào cuộc sống bằng bước chân của người nghệ sĩ. Dẫu biết là lắm chông gai, là đa đoan bạc mệnh mà sao vẫn ẩn giấu một nụ cười mãn nguyện sau vầng trán suy tư và đôi mắt đăm đắm nỗi niềm.
Dạo ấy, tranh ông thấm đẫm nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn xanh rờn hơn cả cỏ cây, đỏ tươi hơn cả màu ngói và tím ngát màu thời gian. Nỗi cô đơn ấy như một vệt màu vô tình dây ra giữa một khối màu rực rỡ mà kéo dài bất tận, mà ám ảnh khôn nguôi. Một nỗi buồn lộng lẫy như đôi mắt xa vắng, ẩn giấu những trắc ẩn đa đoan của một thiếu phụ đẹp. Xem Đốm nhà, Bãi vắng, Một thời nào, Rèm cây hay Mưa phùn… mới cảm nhận sâu sắc nỗi muộn phiền của chàng trai trẻ ấy. Mỗi bức tranh là một cuộc độc thoại âm thầm mà đầy day dứt với những chuyến phiêu lưu không hạn kỳ trong thế giới tâm linh đa sầu đa cảm. Những khung cảnh mờ ảo, phiêu diêu cổ tích; những vệt màu mong manh; những đốm rạn nứt, Nhuận như nắm tay người xem tranh, dắt vào một cõi u linh, huyền bí nào đó mà tâm thổn thức với những nỗi buồn siêu thực. Một nỗi buồn hoang vắng và lạnh lẽo như thể phủ đầy sương.
Nhiều bức tranh của Nhuận thấp thoáng dáng phố. Một dáng phố mỏng manh sau sương sớm, một dáng phố cô đơn và lặng lẽ đến chạnh lòng. Phố hẹn, Phố chờ, Phố má hồng hay Địa chỉ của những cô gái đa tình… đều là con phố kỷ niệm của Nhuận; “đâu đó trong mỗi bức tranh, người ta vẫn nhận ra bóng dáng của một kẻ nào đó lang thang, một chiếc xích lô không người ở góc phố, một chiếc xe đạp của ai dựng bên lề đường, hoặc là một gã áo đỏ lơ đãng đạp xe qua ngã ba. Những hình ảnh tưởng như tình cờ gặp ngoài đường đó thì lại là hình ảnh của chính hắn. Có lẽ, bên dưới khung cửa sổ gác xép kia, hắn đã từng đứng chờ để thấy hiện ra khuôn mặt của người con gái yêu dấu. Có lẽ, trên những đường phố nhỏ kia hắn hy vọng tìm thấy những tàn thuốc vứt dài theo năm tháng, những chiếc hôn đã bị phụ bạc hoặc những bông phù dung chưa kịp hái” (Hoàng Phủ Ngọc Tường viết năm 1983). Vẽ phố là Nhuận đang vẽ quá khứ, một Pari hoa lệ ướt đẫm nỗi buồn; một phố Huế rêu phong, cổ kính; một Hội An với “những mái nhà cong như thân hình vũ nữ”; một thành cổ Quảng Trị khom lưng tựa vào bóng chiều lặng lẽ nghe từng viên gạch rời rã thở dài…
Khép lại quá khứ với những chuyến phiêu bạt hào hoa, trở về với căn nhà xưa, có lẽ, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã quyết định chọn cho mình một nơi chốn yên bình, rời xa thế sự. Giai đoạn này, tranh của ông cũng thoát ra khỏi những ám ảnh cũ. Nếu như dạo trước nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng có những cảm nhận về tranh ông: “Tranh Nhuận là những tấm thảm nhiều màu, thiếu vắng hoàn toàn hình thể. Với một khối lượng màu khá đông đảo trên mỗi bức tranh, tôi đã ngạc nhiên thấy rằng: tranh Nhuận không hề có cái vẻ rực rỡ của những mùa nắng ở miền nhiệt đới”; thì bây giờ, trong sêri tranh mới của ông tuyệt nhiên không thấy màu rêu phủ, không thấy màu thạch thảo xanh xám buồn thảm, không những khu phố phủ trắng sương, không những vệt màu vung vẩy nhiều tâm trạng. Màu vàng của hoa cải, màu đỏ của ngói mới, màu xanh của bầu trời buổi ban mai… đều là khoảnh khắc trong trẻo và rạng rỡ mà người họa sĩ này dành tặng riêng cho cuộc sống. Có lẽ, nỗi ám ảnh về tuổi già đang xồng xộc lao tới đã làm ông yêu tha thiết sắc màu và nhịp điệu tươi vui đang rộn rã xung quanh mình. Thế nhưng, cũng có khi, chỉ với một gam màu xám chủ đạo trong tranh hay một chiếc ghế lẻ loi, người xem lại bắt gặp nỗi cô đơn trong bóng, mượt mà, kiêu kỳ và sang trọng của ngày cũ.
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận từng tâm sự: “Với tôi, vẽ là cuộc đùa chơi với sắc màu, đường nét”. Dĩ nhiên, cuộc đùa chơi ấy không đơn giản là cuộc đùa chơi lông bông mà là một sự khơi nguồn cảm xúc không câu nệ vào bất cứ điều gì. Có khi, đó cũng là một cuộc độc thoại nội tâm âm thầm, kín đáo. Du ngoạn trên cánh đồng hội họa, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận không muốn lặp lại chính mình. Mỗi giai đoạn, ông chọn cho mình một cách thể hiện nội tâm riêng biệt. Với một số lượng màu sắc cố định, ông đã chọn lọc và bằng đường nét mở ra thế giới sâu thăm thẳm của tâm hồn. Có thể nói, hiền lành, rạng rỡ và trong trẻo là những bức tranh của Hoàng Đăng Nhuận ở giai đoạn này.
Trên hành trình nghệ thuật, mỗi sự thể nghiệm đều mang một ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một giai đoạn sáng tạo riêng biệt. Chọn cho mình một lối đi là lạ, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận chỉ đơn giản muốn chuyển cảm xúc của mình đến với người xem tranh một cách thơ mộng. Hỏi ông, điều gì đã khiến ông đam mê nghệ thuật? Ông chỉ cười hiền lành: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi vẽ một bức tranh. Chia tay với bức tranh ấy, tôi vẽ một bức tranh khác như tìm một niềm hạnh phúc mới”. P.V
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)
|