Đùng một cái, giáp Tết năm 1990, đang buồn vì vợ mới mất, một thân một mình với ba đứa con còn nhỏ dại, ruột gan rối bời thì các anh Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên đến báo tin: “Cậu có điều mừng, báo Văn nghệ số Tết in bài thơ Tản mạn dọc đường 38”. Tôi mừng lắm, tìm báo đọc, thấy bài thơ của mình in cùng trang với các bài Nông dân của Nguyễn Sĩ Đại, Sao Thần nông của Võ Thanh An... Dạo ấy, đất nước đang bước vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Ở huyện chưa có ti vi, báo Văn nghệ chỉ có một số cơ quan như Ban Tuyên huấn, Phòng Văn hoá, các trường cấp 3 đặt mua nhưng bài Tản mạn dọc đường 38 của tôi được nhiều người ở Yên Thành chép, chuyền tay nhau đọc, ở các quán cóc dọc đường làng. Có nơi còn đọc ở cuộc yến lão của xóm. Tiếp đó, trong chùm thơ Tết của Đài phát thanh Nghệ Tĩnh cũng ngâm bài thơ của tôi, được đài huyện, các đài truyền thanh xã tiếp âm, nên càng được phổ biến rộng thêm. Bạn bè, anh em văn nghệ, bạn giáo viên trong huyện nhiều người đến chúc mừng cho tôi. Nhưng mừng chưa kịp no, một buổi họp lãnh đạo huyện, có người nói: “Bài thơ của Ngô Đức Tiến có vấn đề. Anh Tiến ăn cơm dân, mặc áo Đảng mà làm thơ nói xấu huyện, gây khó dễ cho lãnh đạo”. Lại có người tung tin, bài thơ Tản mạn dọc đường 38, Tuyên huấn Tỉnh có ý kiến về mấy câu: “Nhịp sống đi qua bao nỗi nhọc nhằn Chi chít vết bùn non trên mặt đường 38 Chống hạn chưa xong bão dông ập đến Nước mắt gừng thấm vạt áo em tôi
Mấy ngàn liệt sĩ quê ta nằm lại nơi góc biển chân trời Có ai gửi đơn về đấu thầu mặt tiền đường 38”
Không biết Tuyên huấn Tỉnh có ai nói thế không nhưng tung cái tin ấy ra thật không có lợi cho tôi tý nào, không phải vì sắp Đại hội Đảng bộ huyện, tôi sẽ không được bầu vào ghế này ghế nọ mà vì tôi viết về những chuyện tôi cảm, tôi nghĩ trước những đổi thay của cuộc sống, nào có ý gì xấu đâu. Sau này, khi sự nghiệp đổi mới phát triển, bài thơ được nhìn nhận đúng, được in trong các tuyển tập “Thơ Nghệ An thế kỷ XX”, Thơ Sông Hương 20 năm” và một số tuyển tập khác.Thời ấy có người thổi phồng lên, xem như một cái án Văn học, xem tôi là người “có vấn đề về tư tưởng chính trị, lập trường tiểu tư sản”. Một số bạn bầu thân tín rỉ tai tôi: “Cậu cứ yên trí, thơ có vấn đề càng được lưu truyền rộng”, cũng có người động viên ”theo tớ thì đây là một bài thơ hay của những năm đầu đổi mới cậu không cần gì phải sợ”.
Bạn bè nói thế nhưng từ sau ngày bài thơ được in, các vị lãnh đạo chủ chốt trong huyện nhìn tôi bằng con mắt khác. Có người trong Thị trấn làm được nhà tầng cũng cho tôi làm thơ phê phán họ. Có người còn làm một bài thơ, phóng tác theo bài Tản mạn dọc đường 38, đủ chừng ấy câu nhưng nói về Đổi thay trên đường 38, cũng được đọc, được chép tay, được phát trong các cuộc họp. Có người lo cho tôi: “lần này thế nào Ngô Đức Tiến cũng bị kỷ luật, không về đi cày cũng bị cách chức Trưởng ban Tuyên huấn”. Cái tạng của tôi là chỉ khi nào có cảm xúc, tôi mới làm thơ, những bài thơ tôi viết ra đều là gan ruột tình cảm, suy nghĩ của mình. Tôi rất ít khi làm thơ theo đơn đặt hàng. Và đã viết ra rồi thì không sợ. Nhưng cùng một lúc, có nhiều ý kiến trái ngược nhau, quả thật lúc ấy tôi cũng hoang mang.
Đang trong lúc tâm trạng rối bời thì chiều ngày mồng 9 tháng giêng, tôi đang làm việc ở cơ quan thấy các anh Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên vào thăm chơi. Anh Thung nói: “Mình đọc báo, biết cậu có thơ in Văn nghệ số Tết, nhưng bị cảm nên hôm nay mới lên Yên Thành thăm anh em, thăm huyện, mừng cho cậu”. Nói rồi, anh Thung bảo tôi: “Mấy anh em ta cùng sang chào Bí thư, Chủ tịch một chút rồi ra nhà Hiên ta uống rượu”. Lúc còn sống, anh Trần Hữu Thung thường chơi thân với anh em văn nghệ và cả các cán bộ chủ trì huyện. Lãnh đạo huyện Yên Thành ai cũng phục tài đức của anh Thung. Anh đi lại, giúp Huyện sưu tầm, dịch thuật tài liệu lịch sử, mở trại sáng tác... nên vào ra cơ quan huyện ai cũng biết anh, trọng nể anh.
Mấy anh em chúng tôi theo anh Thung vào thẳng nhà họp Thường trực. Lúc đó, các vị chủ chốt đang hội ý nên có mặt cả Bí thư, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UB... Anh Thung vui vẻ bắt tay từng người rồi anh nói to chừng như để ai cũng nghe rõ, một điều ít thấy ở anh Thung: “Tết nhất, biết các anh bận, hôm nay tôi mới lên thăm các anh. Mừng cho Yên Thành năm nay được mùa thóc gạo lại được mùa cả văn chương. Vở kịch “Hạt gạo huyện Yên” của Phan Thế Phiệt được huy chương Vàng hội diễn văn nghệ toàn tỉnh, bài thơ “Tản mạn dọc đường 38” của Ngô Đức Tiến được in báo Văn nghệ Trung ương số Tết Âm lịch. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là tờ báo khắt khe, những bài in số thường đã khó, in số Tết lại càng khó hơn. Báo số Tết, văn cũng như thơ, Tổng Biên tập, Tuyên huấn Trung ương duyệt từng bài. Tôi đã làm biên tập ở báo Văn nghệ một số năm, tôi biết thơ có trúng, có hay mới được in báo Tết. Thật mừng cho huyện, cho các tác giả huyện nhà”.
Được lời như cởi tấm lòng, nghe anh nói tôi mừng thầm trong bụng. Nhìn sắc mặt các vị chủ trì huyện có mặt hôm ấy tôi thấy họ vừa ngạc nhiên, vừa thán phục. Riêng Bí thư huyện uỷ phát biểu ngay: “Chúng tôi rất mừng được đón anh Thung và các anh về thăm huyện. Từ trước Tết đến nay, tôi có nghe dư luận nói về bài thơ Tản mạn dọc đường 38 của anh Ngô Đức Tiến có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có người còn nói với tôi anh Tiến là phần tử phản động. Chúng tôi cũng đang thận trọng nghe ngóng, đang định ngày mai vào Vinh họp Chấp hành Tỉnh uỷ, hỏi ý kiến của các anh Trưởng ban Tuyên huấn, Giám đốc Sở Văn hoá, cần thiết hỏi ý kiến Thường trực tỉnh uỷ xem cơ quan chuyên môn đánh giá bài thơ đó thế nào để có cách định hướng dư luận. Nếu tốt thì ta sử dụng, nếu có vấn đề thì xin ý kiến cấp trên xử lý. Không lấy văn thơ vận vào người, nếu xử lý sai thì oan cán bộ, mà tổ chức Đảng không được phép làm như thế. Nay nghe anh Thung trao đổi, chúng tôi mừng lắm. Cũng là dịp để lãnh đạo huyện hiểu rõ anh Tiến hơn vì anh Tiến vừa làm Tuyên huấn vừa làm thơ nên dễ bị người khác hiểu sai. Thế là rõ rồi. Cảm ơn anh Thung và các anh”.
Sau ý kiến Bí thư, một vài vị lãnh đạo tiếp tục phát biểu. Câu chuyện văn chương còn kéo dài một hồi khá lâu. Bí thư, Chủ tịch huyện mời anh Thung và chúng tôi cùng ở lại dùng cơm nhưng anh Thung cáo bận, xin về nhà bạn. Tôi thấy Bí thư Huyện uỷ nói nhỏ với Chánh văn phòng đem biếu anh Thung, anh Phầu và chúng tôi mỗi người một chai mật ong, nghe nói của dân đi rừng Động Cầu, chắc là lấy trong số quà Tết của Huyện chuẩn bị đi họp Tỉnh. Rời trụ sở huyện, mấy anh em chúng tôi đạp xe về nhà Nguyễn Công Hiên, hiệu ảnh Yên Thành, “đại bản doanh” của anh em văn nghệ huyện lúa, gọi thêm Phan Tường Hy và một số bạn văn làm bữa rượu thật vui. Việc tưởng như phức tạp nhưng anh Thung xử sự thật đơn giản. Sau lần ấy, các anh lãnh đạo huyện nhìn tôi bằng con mắt khác hơn. Dư luận ngược chiều dịu đi. Bài thơ thì được truyền tụng rộng hơn. Năm đó, tôi được bầu vào Ban thường vụ Huyện uỷ, lại vừa làm Tuyên huấn vừa làm thơ, như là nghiệp, là duyên số đã được trời định vậy.
Hơn 15 năm qua, bây giờ các anh Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên đã trở thành người thiên cổ. Tết đến xuân về, chi hội Văn nghệ Yên Thành đã có tập văn thơ Sông Dinh, dòng sông văn hoá văn nghệ của quê lúa Yên Thành, ngày hội thơ Rằm tháng Giêng vắng bóng Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên... nhưng kỉ niệm về các anh thì vẫn còn sống mãi! Mùa đông 2004 N.Đ.T
(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)
|