Ông là người có ngày tháng sinh và mất trùng nhau. Để kỷ niệm chẵn 40 năm ngày mất của ông (3.2.1965 – 3.2.2005), tạp chí Sông Hương số đầu xuân này xin đăng bài viết của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một người cộng sự gần gũi của Trần Thanh Mại trong những năm ở Viện Văn học. Một bài viết tuy hoàn thành cách đây 25 năm có lẻ nhưng xem lại vẫn là bài viết dựng lên chân thực và khá đủ các phương diện con người và học thuật của Trần Thanh Mại. Trước lúc đưa in, bài viết đã được tác giả bổ sung thật hoàn chỉnh.
Viết về Trần Thanh Mại, đối với tôi, trước tiên là để trang trải một món nợ... lòng. Ông là người trong 5 năm xế bóng của cuộc đời mình, đã tận tình dẫn dắt tôi bước chân vào làng nghiên cứu. Ông lại cũng là người đã để lại những dòng di chúc cho tôi, những dòng tâm huyết trong buổi chiều một ngày trước ngày mất, ông phải chống tay, ngồi dậy trên giường bệnh, vừa thở đứt quãng vừa nói cho Trần Tuấn Lộ - con trai ông - ghi lại. Ấy vậy mà, đã có 14 năm rồi kể từ mùa xuân năm 1965 xa xôi ấy, tôi vẫn chưa làm được gì để thực hiện những lời ông dặn. Cũng đã 14 năm rồi, trong lòng tôi cứ đinh ninh phải viết một cái gì đó, mà rồi vẫn không viết được lấy một dòng về ông.
Phải nói rằng trước khi gặp Trần Thanh Mại một thời gian lâu, vào lứa tuổi 13, 14 của tôi, tôi đã được đọc, đọc cho vui, bạ cái gì mà mình bắt gặp - một ít bài nghiên cứu, phê bình do ông viết, hoặc do người khác viết để tranh luận lại. Những bài báo này phần lớn đều viết trước Cách mạng tháng Tám. Chúng chưa để lại trong tôi một ấn tượng gì sâu sắc ngoài cái cảm tưởng thoáng qua rằng, con người này hình như có một lối viết khá bạo. Bạo, có nghĩa là thích xông xáo, tìm kiếm, song đôi khi cũng lại hơi có chút cực đoan. Vì thế, nếu như những tìm kiếm này nọ của ông làm người ta mê thích, thì những tìm kiếm kia khác của ông lại làm người ta ngạc nhiên, thậm chí bất bình. Chỉ có thế thôi! Mãi đầu năm 1953, bấy giờ tôi đã là một học sinh cấp III trung học, một cuốn Trông giòng sông Vị mới tình cờ lọt được đến tay. Cần nhắc lại là trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp lúc đó của vùng tự do khu IV cũ, những cuốn sách như thế không phải là dễ tìm, và mỗi lần có một cuốn lọt vào lớp học là anh em lại chuyền nhau đọc kỳ đến người cuối cùng. Hai cuốn sách đến với chúng tôi cùng một lúc: Trông giòng sông Vị (1) của Trần Thanh Mại và Chiếc cáng xanh(2) của Lưu Trọng Lư. Hai cuốn sách thuộc hai thể loại khác xa nhau mà lại giống nhau ở khả năng hấp dẫn.
Còn nhớ đêm ấy, trong ánh đèn tù mù đặt trên một cái chõng che ngoài sân nơi nhà trọ, xung quanh là cả một vườn cau nở hoa thơm ngát, mấy anh em học sinh "pô pốt" chúng tôi đã đọc mê mải đến tận khuya. Và càng đọc thì cả một thế giới đã lùi vào dĩ vãng như lại hiện về trước mắt chúng tôi, với những chiếc cáng tre trên những trạm đường đất gồ ghề, những con người Việt cổ xưa thuần hậu, với cả những kỳ thi Hương ồn ào sĩ tử, những thầy đồ, thầy khóa buồn rầu thất thế bên cạnh những anh chàng đỗ đạt hãnh tiến, thấp thoáng xa hơn là cái bóng của những tàn quạt võng lọng của triều đình Huế nhưng lại dùng để che mát cho bọn ông Tây bà Đầm... Tính từ Cách mạng tháng Tám cho đến năm đó đã là gần 8 năm. Mới chưa đầy 8 năm mà trên mảnh đất khu IV tự do, cuộc sống mới đã làm cho tất cả mọi tập tục phiền toái xa xưa, từ cờ bạc, rượu chè, cưới xin, ma chay, tế lễ, cho đến cả những mối quan hệ đạo lý cũ kỹ giữa người và người... tưởng như đều biến sạch.
Sau này tôi mới biết đấy thực ra chỉ là cách nghĩ đơn giản của lứa tuổi còn quá trẻ. Nhưng quả tình chúng tôi đã nghĩ như thế về cái thời “măng tơ” ấy, thời mà bão tố Cải cách ruộng đất còn vần vụ ở đâu rất xa, chưa lan đến xứ Nghệ. Lớn lên cùng với cách mạng và hồn nhiên sống trong cách mạng, chúng tôi không thể nào hình dung nổi mình đã thoát ra từ khuôn mẫu nào của quá khứ, thậm chí cũng không chút bận tâm rằng quá khứ đó là tươi sáng hay nặng nề. Cứ y như là con người sinh ra trên trái đất này là đã có quyền hưởng niềm vui sống rồi. Và vì vậy tự nhiên được đánh thức bất ngờ, chúng tôi đã thật sự xúc động trước những cuốn sách của các tác giả cũ trong đó có Trần Thanh Mại, Lưu Trọng Lư. Riêng Trần Thanh Mại, tuy còn nhiều chỗ yếu trong sách, nhưng cũng đã dựng lên được một Tú Xương góc cạnh làm sao, con người biết sử dụng tiếng mẹ đẻ đến mức thần tình, bằng những tiếng thông tục đó mà tự phơi bày tất cả mọi uẩn khúc cũng như vẻ đẹp của tâm hồn. Tôi bắt đầu thấy thích những giờ cổ văn hơn, những giờ bình giảng Nhị độ mai, Kim Vân Kiều... mà trước đây, người giảng cũng như người nghe đều cảm thấy khô khan xa lạ. Tôi cũng bắt đầu thấy quý Trần Thanh Mại, thấy rằng con người này đáng được đánh giá cao hơn là những định kiến non nớt của mình, thông qua một vài bài báo cũ.
Thế rồi bẵng đi 8 năm, vào tháng 12 năm 1960, sau một năm rời Trường Tổng hợp và di chuyển loanh quanh một số nơi, tôi được nhận về Viện Văn học, vào Tổ văn học Cổ cận đại và lần đầu tiếp xúc với Trần Thanh Mại. Những kỷ niệm cũ đột nhiên sống dậy. Trước mắt tôi là một người tầm thước, trắng trẻo, khuôn mặt hết sức hồng hào. Tôi bỗng đâm ra nghi ngờ: Có phải đúng Trần Thanh Mại đây sao? Trần Thanh Mại viết báo từ ngày xửa ngày xưa, nay sao mà vẫn rắn rỏi, trẻ trung, như một nhà thể thao vậy? Trần Thanh Mại cũng nhìn tôi bằng cái nhìn dò xét: ông cười nửa miệng, nhấc cái mũ cát két trên đầu đặt xuống bàn, và nói bằng một giọng Huế pha lẫn giọng Bắc, từng lời từ tốn: "Anh về công tác ở đây là tốt. Nhưng hẳn anh cũng đã biết, làm việc ở tổ nghiên cứu này so với các tổ khác, cần những điều kiện có chút khó khăn hơn. Vì vậy, cũng phải tìm hiểu cho kỹ, để biết rõ công việc, và biết sức của mình". Ông chỉ nói vậy rồi im lặng. Và tôi hiểu đây là một im lặng chứa đầy thử thách. Tôi cũng không tiện nói gì thêm, đành gật đầu tiếp thu lời khuyên bảo. Rồi ngay từ sáng hôm sau, tôi bắt đầu được ông dẫn tới mượn tài liệu ở tổ Hán Nôm. Ông xác định chóng vánh cho tôi: “Hãy bắt đầu tìm hiểu thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Đây là một đề tài có thể nói chưa ai phát hiện được gì mấy. Nhưng qua những gợi ý quý giá của Sơ thảo (3) thì chắc hẳn triển vọng rất nhiều”. Trước sự quyết định gọn ghẽ đó, tôi không có một chút lưỡng lự nào. Không có thì giờ để mà băn khoăn lưỡng lự. Vấn đề đối với tôi lúc này là: phải làm sao vượt qua thử thách đầu tiên mà không thất bại.
Sau ba bốn tuần lễ, tôi thu thập được ngót 150 bài thơ tiêu biểu của họ Cao. Trong số đó có những bài tuyệt hay mà tôi chưa hề thấy một ai công bố, kể cả trong chương Cao Bá Quát mà ông thân tôi đã viết ở bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam và Trần Thanh Mại có ý lấy nó để khuyến khích tôi; như các bài Tiễn bạn Nguyễn Trúc Khê đi làm Tri phủ Thường Tín cùng gửi đến bạn cũ Lê Hy Vĩnh; Nằm mộng thấy con trai; Bài ca chiếc roi mây; Thơ vịnh cái gông; Bài ca trăng thu trên sông Trà; Bài ca chiếc thuyền chiến nước Anh; Cảm xúc mới sau một ngày lập xuân; những bài thơ làm trên đường lưu đày tới Giang Lưu Ba v.v... Nhìn những xấp tài liệu tôi để lộn xộn trên bàn, nét mặt Trần Thanh Mại có phần rạng rỡ hơn trước, tuy vậy, ngày ngày ông vẫn im lặng quan sát chứ chẳng nói gì. Một buổi chiều, sau khi nghe tôi trình bày công việc, ông đề nghị cho ông xem kỹ những trang ghi chép. Và ông đã ngồi lại ở bàn tôi liền một mạch cho đến xẩm tối, không biết đến cả kẻng báo hết giờ. Tôi đi ăn cơm xong trở lại cơ quan thì ông cũng vừa đọc xong. Ông ngẩng lên, hai mắt long lanh lạ thường, bảo tôi: “Bây giờ thì tôi đã tin Cao Bá Quát đúng là một tài thơ vĩ đại. Anh cho tôi mượn tập này một vài buổi”. Dĩ nhiên là tôi rất vui lòng trao nó cho ông.
Vài hôm sau nữa, Trần Thanh Mại bỗng đem đến cho chúng tôi một bài thơ. Thì ra đó là bản dịch của ông, dịch thành thơ bài thơ dài Tiễn bạn Nguyễn Trúc Khê đi làm Tri phủ Thường Tín cùng gửi đến bạn cũ Lê Hy Vĩnh. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc. Mỗi người đọc một lần. Rồi tôi lại đọc to lên cho cả tổ cùng nghe. Chúng tôi đồng thanh xác nhận đó là một bản dịch đạt. Riêng tôi, thú thật, không ngờ Trần Thanh Mại lại dịch hay được đến như vậy, trong khi chính ông cũng nói rõ rằng ông chỉ giỏi chữ Pháp mà biết rất ít chữ Hán. Tôi chắc ông đã cảm xúc sâu sắc lắm, đã sống đến mê mẩn cái giây phút sáng tạo cực kỳ sảng khoái của Cao Bá Quát, y như trước đấy mấy hôm, mắt ông đã sáng lên lấp lánh sau khi đọc xong mớ tài liệu của tôi. Dầu đã xa cách đến 19 năm, và dầu đã có thêm một vài bản dịch khác về bài thơ này, vần điệu có suôn sẻ hơn nhiều, cho đến nay tôi vẫn đinh ninh đây là bài thơ dịch thành công nhất. Bởi vì người dịch không còn đơn thuần làm cái việc "đẽo gọt" rất khổ công của một quá trình gọi là chuyển ngữ, mà đã đem hết tâm hồn ra để cảm thụ, để cố gắng vươn tới tầm cao của một tâm hồn (4). Khỏi phải nói sau đó một vài tháng, bài nghiên cứu về Cao Bá Quát của tôi hoàn thành, Trần Thanh Mại là người thông quá rất chóng (5). Đối với tôi, từ sau bài viết đó, ông đã có cái cười hoàn toàn cởi mở, y như đối với các anh chị em khác trong Tổ, cái cười lấp lóa hàm răng trắng bóng, để lộ một chiếc răng khểnh rất dễ thương. Ông quả đã chấp nhận tôi vào cái gia đình Cổ cận đại của ông.
Càng gần gũi Trần Thanh Mại, tôi càng thấy ông có một sức làm việc dẻo dai lạ lùng! Là một trong những cán bộ đầu đàn trong những năm đầu của Viện Văn học, những cán bộ thuộc lớp Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Nam Trân, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Phê, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh, Nam Mộc, Hồ Tôn Trinh... mà như nhiều anh em đến nay còn nói, đã tạo nên cái không khí "sầm uất" hồi đầu của Viện, ông phải đảm nhiệm cùng một lúc rất nhiều công việc: vừa làm Tổ trưởng Tổ Cổ cận đại, vừa là Ủy viên biên tập tờ tập san Nghiên cứu văn học (từ giữa 1963 đổi thành tờ Tạp chí văn học), vừa lo đào tạo 4 anh chị em trẻ trong tổ, lại vừa giảng một phần trong lớp chuyên đề do Viện mở. Rồi còn lo góp phần biên soạn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX (6), chủ biên Giai thoại văn học (7), viết lại cuốn Tú Xương con người và nhà thơ (8)...
Phải nói công việc ngập cổ ngập đầu. Mà điều nhận xét chung của tôi là hình như đối với lớp cán bộ đầu đàn nói trên kia, người nào cũng phải gánh trên lưng một gánh như vậy cả. Nhưng tuyệt không có lấy một lời than van. Từ trên xuống dưới cả Viện nhất trí đồng lòng, và ai nấy lao vào việc với niềm hứng khởi, say sưa khôn tả! Về phần Trần Thanh Mại, tôi không hiểu điều kiện gì đã giúp ông hoàn thành trọn vẹn mọi trọng trách được giao, nhưng sự thật là ông đã hoàn thành nó một cách không kém ung dung, chủ động, đến nỗi mỗi lần đến Viện, lại thấy ông ném lên bàn một cái gì đó, một bài báo mới, một chương bản thảo viết trọn, một bài thơ dịch, và bảo: "Các cậu đọc thử!", rồi không nói thêm câu nào nữa, ông bỏ mũ cát két xuống và ngồi lặng lẽ hàng giờ, như không bận tâm tới một việc gì. Trong khi đó thì chúng tôi chia nhau đọc, trao đổi với nhau, và nhìn nụ cười khoan thai, chờ đợi của Tổ trưởng của mình.
Nói cho đúng ra, chỉ là mang cái vẻ ngoài ung dung thế thôi, chứ kỳ thực con người Trần Thanh Mại không có lấy một lúc nào thư thái. Ông bao giờ cũng vội. Ông vội vì trước hết ông muốn chạy đua với tật bệnh. Mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo là bệnh cao huyết áp trầm trọng - mà nét mặt hồng hào lại chính là biểu hiện của sự trầm trọng đó - Trần Thanh Mại luôn luôn linh cảm rằng mình đang nhích bước trên những năm tháng cuối của cuộc đời. Và để chống lại cảm giác không sao đứt đi được ấy, ông ra sức làm việc gấp hai: ông viết gần như thâu đêm không biết mỏi. Không những khối lượng công việc nhiều mà về tầm vóc, những vấn đề được ông đề cập tới thường khi vẫn có một ý nghĩa tìm tòi phát hiện, có cái mới so với người đi trước. Ông là người đã lật lại câu chuyện Hồ Xuân Hương, đã công bố Lưu hương ký, đã giải quyết vấn đề Hồ Xuân Hương một cách hệ thống, bằng một loạt bài báo nghiêm chỉnh(9), nhằm từng bước rọi sáng thêm cho nhân vật gần như giai thoại này. Và nếu tính từ năm ông mất đến nay thì lịch sử nghiên cứu văn học chúng ta đã có thêm 14 năm. 14 năm, bao nhiêu bài báo về Hồ Xuân Hương mới đã được in ra, nhưng thiết tưởng, dễ đã mấy ai vượt qua cái mốc Trần Thanh Mại? Nội một việc ông gợi ý phân loại khối lượng thơ nôm gọi là của Hồ Xuân Hương hiện còn, theo tôi, cũng đã chứng tỏ con mắt suy xét tinh tường của một nhà khoa học. Mà nào có phải chỉ có vấn đề Hồ Xuân Hương! Còn vấn đề thơ nôm Nguyễn Trãi, thơ yêu nước Nguyễn Thông, thơ văn Miên Thẩm v.v và v.v...
Hình như bất kỳ vấn đề gì ông cũng gắng tìm bằng được cái chỗ chưa ai thấy, hoặc cái chỗ có thể dựa vào đấy để đặt lại ở một tầm sâu mới. Ông vận dụng tâm sinh lý học hiện đại để thử nêu nghi vấn: không hiểu đối với một người thuộc giới nữ thì có thích tìm cảm hứng thơ ở biểu tượng bộ phận sinh dục của chính giới mình hay không. Ông cũng đi sâu vào tâm trạng Miên Thẩm để giải thích tất cả những bài thơ nói về nỗi khổ của người bán tre, người mò vàng, người kéo thuyền, người làm giấy... không phải chỉ là do ông hoàng này đã nhìn thấy hiện thực tàn nhẫn của thời đại mình mà còn do một bức xúc ghê gớm bên trong, gắn với sự phân hóa của tầng lớp quý tộc triều Nguyễn lúc ấy, một sự phản tỉnh của một phân số những con người ưu tú trước xu thế của thời đại. Tôi lại nhớ đến những cuốn sách cũ của Trần Thanh Mại mà trước kia chưa kịp đọc, về sau đã vào Thư viện Quốc gia để đọc bổ sung, thời kỳ đang là sinh viên. Cuốn nào cũng có một sức lôi cuốn ở cái cách đề xuất vấn đề sắc sảo của ông. Chẳng hạn cuốn Tuy Lý vương (10) là cả một tập tư liệu rất quý, phối hợp uyển chuyển giữa thực sử và dã sử, qua đấy dựng nên bộ mặt hung hiểm của cả một thời đại với liên tiếp những màn kịch chết chóc đẫm máu mà Trần Thanh Mại đã cố gắng nhìn bằng con mắt khách quan, gần với sự thật nhất, đã xem xét thể tất đủ các mặt, đối với “kẻ chạy đi” cũng như “người chạy lại”, đối với “kẻ độc tài” cũng như nhà thi sĩ vốn “hèn nhát và yếu đuối”. Hay cuốn Hàn Mạc Tử (11), tuy có những từ hơi đao to búa lớn, nhưng quả là một dự cảm đúng đắn và cũng là dự báo sớm hơn ai hết đối với chân giá trị của một thiên tài. Con người luôn luôn biết khám phá trong Trần Thanh Mại, ở hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, rõ ràng vẫn chỉ là một mà thôi.
Tất nhiên là trong sự xông xáo tìm tòi không mỏi, đôi khi nhà học giả có bạo quá đi! Có cực đoan một chút! Và đây là nhược điểm vô hình trung cũng đã xuyên suốt con người Trần Thanh Mại, từ hiện tại cho đến quá khứ. Cực đoan một chút nên một vài lần có bị phản ứng, hoặc dễ rơi vào một vài sai sót tình cờ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ tin rằng, với Trần Thanh Mại, tuy có sai lầm váp váp chút ít đấy, vẫn không phải là những sai lầm do cố ý mà ra, nên cũng chẳng có gì đọng lâu trong tư tưởng. Mà bản chất anh trí thức thì ai mà chẳng cực đoan ít nhiều trong sáng tạo. Không cực đoan, nghĩ ngợi thật tròn trĩnh, biết che chắn rào trước đón sau và nói những lời lấp lửng, thì đã là chính trị gia sành sỏi chứ chẳng phải là trí thức thứ thiệt rồi.
Trần Thanh Mại chính là người chân thành trong mọi ý nghĩ. Ông nghĩ sao làm vậy. Và vì chân thành, nên ông không cố chấp, có sai và biết sai là sửa, mà sửa cũng thoải mái nhẹ nhàng! Cũng phải nói sự thống nhất của Viện Văn học trong những năm đó, dưới sự lãnh đạo của Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, là điều kiện để mỗi thành viên trong Viện có bước tiến nhanh hơn trong học thuật cũng như trong phương pháp tư duy của mình. Còn nhớ khoảng đầu năm 1963, khi trình bày trước lớp chuyên đề của Viện về Nguyễn Đình Chiểu, Trần Thanh Mại có so sánh hơi chi li sự khác nhau về trình độ ngôn ngữ giữa Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du. Buổi thuyết trình của ông rất đặc sắc nhưng không vừa ý tất cả người nghe. Thế là bỗng nẩy sinh vấn đề. Sóng gió bỗng đâu nổi lên trong khối người dự thính, những cán bộ tuyên, văn, giáo, huấn ở các cơ quan trung ương lúc ấy. Biết rằng nhà nghiên cứu không phải cố tình đánh giá thấp toàn diện Đồ Chiểu mà chỉ đi sâu vào một khía cạnh nào, nhà phê bình Hoài Thanh - người từng có kinh nghiệm chua cay trong quá khứ khi một lần nào đó đã ví việc Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự vẫn như một vận đông viên nhảy trên sân vận động - rất thông cảm với Trần Thanh Mại, đã tạo điều kiện để ông hoàn thành khẩn trương bài Nguyễn Đình Chiểu, lá cờ đầu của dòng văn học yêu nước thời kỳ cận đại. Bài viết này được công bố ngay trên tạp chí 12, và được bạn đọc thích thú, về sau một nhà xuất bản in lại dưới dạng một cuốn sách mỏng với số lượng lớn đến ngạc nhiên(13).
Nhưng Trần Thanh Mại dễ dàng nhận sai lầm khi ông có sai lầm thật sự, còn khi ông đúng mà người khác không đúng, thì ông lại cũng biết dũng cảm bênh vực ý kiến của mình. Trong số những đề tài ông nghiên cứu thì Miên Thẩm là một đề tài ông tự nguyện làm thêm. Ông nói với tôi: "Đây cũng là do gợi ý của Sơ thảo, vì cũng là lần đầu tiên, Sơ thảo đã dám đề cập đến Miên Thẩm - dù chỉ có mấy dòng - như một tiếng kêu uất ức của thế kỷ XIX" (14). Ông muốn qua Miên Thẩm góp chút tình cảm cho quê hương yêu dấu, và trong công việc đó, tài liệu ông tích lũy cũng đã được khá nhiều. Khổ nỗi, Miên Thẩm là một nhà thơ hoàng phái. Nguồn gốc xuất thân đó có làm e ngại một số người. Trần Thanh Mại không phải không biết sự e ngại kia là có cái lý của nó, bắt nguồn từ “hòn đá tảng” quan điểm giai cấp mà ai cũng không được vi phạm, một cá nhân như mình đâu có thể chuyển lay. Nhưng vì đã nắm vững tư liệu, ông vẫn khẳng định Miên Thẩm thủy chung là người khả thủ, là một nhà thơ có giá trị. Và ông cứ theo đuổi công việc của mình. Ông dồn tâm sức để soi sáng Miên Thẩm, để đối chiếu nhằm khu biệt cho được mảng ngôn từ nghệ thuật giàu sức sống và có ý nghĩa cách tân của Miên Thẩm với những lớp ngôn từ vốn đã sáo mòn của các nhà thơ quý tộc cùng thời đại, và để đặt toàn bộ những áng thơ tố cáo, phê phán trực diện và thâm thúy của Miên Thẩm trong bối cảnh phức tạp những năm giữa và cuối thế kỷ XIX, với tiếng súng xâm lăng của chủ nghĩa thực dân...
Về phương diện này, Thư ký tòa soạn Hoài Thanh cũng đã giúp Trần Thanh Mại công bố được một chút đỉnh nào (15). Song le, cũng phải nhận rằng, trọng tâm công tác đấu tranh chính trị những năm 63, 64, 65 không cho phép một tờ báo “nằm trong cơ chế” như tờ Tạp chí Văn học làm nhiều hơn nữa. Số lớn độc giả của tờ báo lúc bấy giờ là nhà giáo, là giới cán bộ tuyên truyền các cấp từ tỉnh đến trung ương, đang gắn nhịp đập của trái tim mình vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, và họ đòi hỏi ở Tạp chí Văn học những đề tài gần gũi và thiết thực với họ hơn là câu chuyện của một ông hoàng. Trong hoàn cảnh đó, Trần Thanh Mại đành phải chấp nhận thực tế. Nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Ông càng thu thập tài liệu tích cực hơn, những mong rồi một dịp thuận tiện nào đó trong tương lai sẽ đến... Thì có ai ngờ, ông lại đã phải đột ngột từ biệt vĩnh viễn mọi dự kiến của mình vào cái tết năm 1965! Một trong những điều ông căn dặn lại anh em, là hãy tiếp tục nghiên cứu Miên Thẩm, hoặc ủng hộ những ai đi vào Miên Thẩm. Từ bấy đến nay tôi cứ để ý dò tìm mãi. Có ai đó trên đất nước chúng ta đang âm thầm làm cái việc vốn dĩ đã là niềm mơ ước của Trần Thanh Mại hay không? Mãi đầu năm 1977, nhân đi công tác vào Bình Trị Thiên, chúng tôi được nhạc sĩ Trần Hoàn, Trưởng Ty Văn hóa, cho biết rằng: di sản văn học cổ của Bình Trị Thiên đang được chú ý đẩy mạnh khai thác. Một trong những nhân vật được chú ý trước tiên là Miên Thẩm. Tôi khôn xiết bùi ngùi! Tấm lòng chi chút của Trần Thanh Mại đối với quê hương xưa kia nay đã được quê hương đáp lại rồi. Thì ra ông vẫn tìm được tri âm tri kỷ (16).
Tôi cần phải nói thêm một kỷ niệm cuối cùng về người Tổ trưởng cũ của tôi. Đó là kỷ niệm về cuộc đấu tranh giai dẳng của ông với bệnh tật. Bệnh ông mỗi ngày một tăng đến độ dễ sợ. Vào mấy năm cuối cùng, Viện Văn học đã giải phóng cho ông khỏi các việc sự vụ, bằng cách cử thêm một Tổ phó, là anh Nguyễn Văn Hoàn mới từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển về. Nhưng ông vẫn không chịu ở nhà. Trái lại, ông vẫn tham gia đều các sinh hoạt của Tổ và Viện. Theo ông, chính trong những sinh hoạt phong phú này mới có thể nảy ra sự sáng tạo. Vào khoảng tháng 5 năm 1962, Viện tổ chức một chuyến viếng thăm Côn Sơn, nơi ẩn cư của Nguyễn Trãi, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 525 năm ngày mất Nguyễn Trãi vào tháng 9 sắp tới. Trần Thanh Mại nhất quyết cùng đi. Dọc đường, cơn bệnh hành hạ ông và lên đến Côn Sơn thì ông mệt nặng. Mặc dù vậy, ông vẫn cùng chúng tôi đi thăm chùa Hun, thăm rừng trúc và Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi từng ngồi câu cá. Trong khi chúng tôi nhảy xuống suối tắm thì Trần Thanh Mại mặt đỏ gay, lê bước khó khăn trong rừng. Chiều đến, trên con đường đất đỏ khá dài dẫn xuống núi để ra chỗ đỗ ô tô, tôi tình cờ đi gần Trần Thanh Mại. Ông bước đăm chiêu, chậm rãi. Tôi tưởng ông rất mệt. Nhưng bỗng ông gọi tôi và nói: "Huệ Chi này. Tôi nghĩ ra rồi”. Tôi đang ngạc nhiên thì ông nói tiếp liền theo: "Đúng là trong hoàn cảnh vắng vẻ, u tịch của Côn Sơn, ta mới hiểu được bài thơ nôm Tích cảnh, số X, trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Bài đó không phải là "ngôn chí", cũng không phải "tiếc cảnh" hay khuyên răn đạo đức chi hết thảy. Đó chỉ là bài thơ da diết nhớ vợ mà thôi. Nhớ Nguyễn Thị Lộ đấy mà". Tôi sững người! Đọc lại bài thơ, tôi thấy quả nhiên như vậy: Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng, Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng! Ngoài ấy dù còn áo lẻ, Cả lòng, mượn đắp, lấy hơi cùng.
Nếu ta thay một vài từ cổ bằng những từ thông dụng tương đương (loàn đơn/mạo muội; cả lòng/rộng lòng) thì bài thơ của Ức Trai hoàn toàn trở thành một bài thơ tình hiện đại, một bài thơ tình mà nỗi nhớ nhung còn táo bạo hơn cả nỗi nhớ nhung của người vợ trẻ trong bài Lá thư thành phố (17) của Giang Nam (cần lưu ý bạn đọc là trong thời gian làm bài thơ tình như Trần Thanh Mại giả định này, Nguyễn Trãi chủ yếu ở Côn Sơn còn Nguyễn Thị Lộ thì đang nhận chức Lễ nghi nữ học sĩ ở Thăng Long. Ngoài ấy là ngoài Kinh thành). Tôi đã thử đem bài thơ này trình bày ở một vài lớp học, lứa tuổi khác nhau, thì nói chung, không ai nghi ngờ gì về chủ đề “nhớ vợ” của nó. Chỉ có điều, hôm nay tôi phải nói ra đây cho sòng phẳng: đó chính là sự lý giải bằng phương pháp liên tưởng của Trần Thanh Mại và chỉ là của Trần Thanh Mại. Đó là kết quả bất ngờ của một chuyến đi thực tế, đúng hơn là một cuộc chống chọi với bệnh tật trên đường đi thực tế, thầm lặng mà cũng rất can trường.
Trần Thanh Mại cứ chống chọi với bệnh tật kiên nhẫn như thế cho đến cuối năm 1964 thì đành phải vào bệnh viện sau một cơn đau kịch liệt kéo dài. Không như các lần trước, vào bệnh viện nhiều lắm là một tháng lại thấy ông trở ra, lần này ông nằm liệt. Các bác sĩ bắt ông phải ở phòng cấp cứu và ông không tài nào gắng gượng để ra khỏi phòng cấp cứu được nữa. Một buổi chiều, 3 ngày trước tết âm lịch, chúng tôi vào thăm, thấy ông đang mổ thận. Mổ ngay tại phòng cấp cứu, không thuốc mê vì bệnh ông không dùng thuốc mê được. Khuôn mặt ông trắng nhợt, nghiến răng để nhịn đau, mồ hôi từng giọt ròng ròng. Phía dưới, các thầy thuốc đang bận rộn dò tìm cái gì, phủ trên bụng là một tấm khăn trắng lấm tấm đỏ. Bên kia giường, một người bưng mặt khóc: bà Trần Thanh Mại. Chúng tôi không chịu đựng nổi khi nhìn sự chịu đựng của ông, đành bỏ ra về. Mấy hôm sau, đúng đêm mồng một tết thì ông qua đời!
Trong buổi chiều đưa ông xuống nghĩa trang Văn Điển, trời lất phất mưa, tôi thẫn thờ đi sau quan tài ông, cứ ngẫm nghĩ về đời người sao mà quá ngắn. Khi mọi người đã ra về gần hết, tôi còn đứng nán lại, thì bỗng thấy người con trai cả của ông, anh Trần Tuấn Lộ, đi lại sát bên mình, trao cho một tờ giấy gấp tư mà không nói năng gì. Hơi ngạc nhiên, tôi vội mở ra, thì đó là lời trăng trối của Trần Thanh Mại vào phút lâm chung, do Trần Tuấn Lộ ghi lại bằng bút chì, nét chữ mờ và hơi nguệch ngoạc. Chỉ có mấy câu vắn tắt: “Trao cho Huệ Chi tất cả tư liệu về Hồ xuân Hương và Miên Thẩm. Mong Huệ Chi cố gắng đi sâu vào hai văn nhân tầm cỡ này”. Tôi rơm rớm nước mắt, đứng lặng hồi lâu, bồi hồi trước niềm tin và cũng là vinh dự quá lớn ông đã dành cho tôi. Hai cặp tài liệu về hai nhà thơ lớn mà ông trao cho qua anh Trần Tuấn Lộ mấy hôm sau. Trong đó có tập thơ chữ nôm Lưu hương ký đã được sao ra thành 5 bản và phiên âm ra tiếng Việt trọn vẹn, cùng một số chương khảo luận về Miên Thẩm ông viết xong từ lâu nhưng chưa được công bố, tôi đã giữ rất kỹ, đã đọc đi đọc lại nhiều lần và mang theo bên mình khi cơ quan đi sơ tán vào ngày Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Cho đến năm 1967 thì ông HTN đại diện Chi bộ Viện Văn học và Phòng Tư liệu Viện Văn học, đến tận nơi tôi ở yêu cầu trao lại tất cả cho cơ quan, theo một nghị quyết của Chi bộ Viện mới đưa ra. Tôi nghe ông tuyên bố, hơi chưng hửng, đứng bần thần một lúc lâu, nhưng rồi cũng lặng lẽ bắc thang lên chạn nhà chủ lôi hai chiếc cặp trao lại cho ông. Hai chiếc cặp rời khỏi tay tôi và về sau cũng... biến mất khỏi Viện, không còn chút tăm hơi nào (?!)(18). Từ đó đến nay, mỗi lần nghĩ đến Trần Thanh Mại tôi lại thấy bâng khuâng, lòng hơi se thắt, cứ có cảm giác ân hận về những gì mình đã không làm được như lời căn dặn thiêng liêng của người thủ trưởng bậc thầy gần gũi của mình.
Nhìn những bước lớn lên của Viện Văn học 20 năm nay, nhớ đến những người đã nằm xuống, những Hà Văn Đại, Trần Thanh Mại, Nam Trân, Nguyễn Đức Vân, Cao Huy Đỉnh, Hoàng Ngọc Phách, cả những anh em trẻ như Tiên Sơn Nguyễn Đức Vĩ, tôi lại cứ không thôi nghĩ đến câu nói của Jôliô Quyri (Jolio Curi) được nhắc lại trong một bài báo của Êrenbua: "Khoa học vừa tiến lên không ngừng vừa gạt bỏ chính mình" (19). Những thế hệ các nhà nghiên cứu đã nằm xuống kia chính là những người đã từng đóng góp vào bước đi đầu của Viện, đã vun đắp cho sự lớn lên hôm nay của Viện. Phát hiện và tìm tòi của họ, đáng khâm phục biết bao, cũng khó khăn và trầy trật xiết bao! Có thể rồi đây, những gì họ đã tìm ra lại sẽ bị gạt bỏ, hoặc được nhìn nhận khác đi. Nhưng dù thế chăng nữa thì việc họ làm phải đâu là vô ích. Phủ định lại cũng chính là một hình thức khẳng định. Có hiểu vấn đề biện chứng như vậy thì mới thanh thản, nhẹ nhàng trước cái quy luật tất nhiên của sự tiếp nối, và cũng mới tìm ra lý do tồn tại của chính mình, đúng như đoạn tiếp câu nói của Jôliô Quyri: "Không phải bàn cãi gì nữa, kiệt tác trong nghệ thuật vững chắc hơn tác phẩm khoa học. Nhưng tôi tin chắc rằng nhà nghệ sĩ cũng như nhà bác học đều cùng chịu sự chi phối của những động cơ như nhau, và người ta đòi hỏi họ cùng chung tư tưởng và hành động. Sáng tạo khoa học, khi nó đạt đến đỉnh cao thì cũng là sự vỗ cánh tung bay. Có nghĩa là nhà nghệ sĩ và nhà khoa học gặp nhau để tạo nên cái đẹp và hạnh phúc trong những hình thức khác nhau. Không có những cái đó thì cuộc sống chỉ là một dãy cử động tẻ ngắt...” Viết xong tháng 12-1978, sửa chữa và bổ sung tháng 12 -2004 N.H.C
(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)
---------------------------- 1. Do Trần Thanh Địch xuất bản, Huế, 1935. 2. Nxb. Tân Dân, Hà Nội, 1941. 3. Tức Sơ thảo lịch sử văn học việt Nam tập V của Ban Văn sử địa, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960. Đây là cuốn sách đầu tiên phát hiện ra giá trị của phần thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, và đặt lại rõ ràng: Cao Bá Quát trước hết là nhà thơ chữ Hán bất hủ. Phần viết này do Nguyễn Đổng Chi, thân phụ tôi lúc bấy giờ công tác ở Ban Văn sử địa, chấp bút. 4. Bài này đã đăng trong phần “Phụ lục” cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi do tác giả bài viết này biên soạn; Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963. 5. Đã đăng Nghiên cứu văn học, số 6-1961. 6. Của Viện Văn học, tiếp tục cuốn thứ V, tập Sơ thảo của Ban Văn sử địa, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1964. 7. Viết chung với Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1965. 8. Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961. 9. Xem Nghiên cứu văn học các số 4-1961; 3-1963; Tạp chí Văn học các số 4-1964; 10-1964; 11-1964. 10. Do Ưng Linh xuất bản, Huế, 1938. 11. Do Trần Thanh Địch xuất bản, Huế, 1941. 12. Số tháng 7-1963. 13. Nxb. Phổ thông, Hà Nội, 1963. 14. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập V, Sđd. 15. Chẳng hạn bài Hai bài thơ của Miên Thẩm về Cao Bá Quát trên Tạp chí văn học số 6 - 1964. Bài này được nhà thơ Sóng Hồng chú ý, và phần nào đã giúp Sóng Hồng tạo nên tứ thơ trong hai câu đầu bài Đến Gia-các-ta, nhớ Cao Chu Thần của mình: Chu Thần xưa ở nơi đâu, Để cho Miên Thẩm lên lầu không an. 16. Thực ra, Trần Hoàn nói thế nhưng nhìn suốt lại cho đến nay (2004), vẫn chưa thấy có một công trình nghiên cứu hay dịch thuật nào thật dày dặn về Miên Thẩm được công bố, trừ luận án Tiến sĩ của Ngô Thì Đôn mới vài năm gần đây mà tôi có may mắn được làm người phản biện thứ nhất, và một vài tập sách mỏng. Trong khi đó ở miền trước 1975 đã có công trình Phân tích những khuynh hướng tình cảm đạo lý xã hội trong thi ca Tùng Thiện vương của Ngô Văn Chương dày 422 trang, khổ 16x24, do Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973. Chứng tỏ, trong một cơ chế mở, ngay người nghiên cứu văn hóa cổ cũng có thể tìm ra nhiều “vùng đất” dồi dào hơn để khai thác trong kho di sản của ông cha. 17. Chúng tôi muốn lưu ý đến đoạn thơ sau đây trong bài Lá thư thành phố: Con nhớ anh nhiều đêm biếng ngủ, Nó khóc làm em cũng khóc theo; Anh gửi về đây manh áo cũ, Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều. Ở đây nỗi nhớ chồng của người vợ lính đã được che giấu khéo léo đằng sau lời kể lể về đứa con nhớ bố. 18. Phần viết về Miên thẩm của Trần Thanh Mại mà tôi từng có trong tay nhiều hơn hẳn những gì mà Hồng Diệu nói vừa mới tìm được. Xem bài giới thiệu đầu Trần Thanh Mại toàn tập, Nxb. Văn học, 2004. 19. Trả lời một bức thư. Tuần báo Văn học, 1960.
|