Nhiều người đọc thơ thiếu nhi hay thơ viết cho thiếu nhi, thường chóng chán. Có người còn cho rằng làm thơ thiếu nhi dễ hơn làm “thơ người lớn”, vì không phải cân nhắc nhiều về ý tứ và câu chữ. Kỳ thực, để viết được một bài thơ thiếu nhi đúng với tâm hồn con trẻ, không ngô nghê, làm dáng mà bài thơ vẫn thấm đẫm chất thơ là điều rất khó. Tập thơ “Bên con” của nhà thơ Nguyễn Hoa đã viết được những bài thơ cho tâm hồn con trẻ và giàu chất thơ như vậy.
Với Nguyễn Hoa, thơ nói chung, ở cả mảng thơ thiếu thi và “thơ người lớn” trong đời thơ ông, trước hết là sự tìm từ. Không quá câu nệ tìm tòi đổi mới như một số nhà thơ thiên về cách tân hình thức khác, từ của ông ngắn, tối giản, gần gũi, yêu cầu cao nhất là sự đắc địa, để người đọc cảm giác được đó là những từ mới, “từ của Nguyễn Hoa”. Sau từ, là diễn đạt tứ. Cách tìm tứ lạ và diễn đạt nó bằng hình thức của nhà thơ luôn cố gắng mang đến sự bất ngờ, những triết lý sâu xa về cuộc sống, nhân gian. Không phải nhà thơ nào cũng đạt đến các tiêu chí đó trong một bài thơ. Đối với thơ thiếu nhi càng khó. Thế giới trẻ thơ luôn là thế giới riêng của vốn từ vựng diễn đạt những nghĩ suy trong trẻo và dễ hiểu. Dường như thế giới ấy quá khác biệt và xa cách với triết lý của người lớn, với từ ngữ phức tạp, phong phú của người lớn. Nhưng hãy nghe trong “Bên con” những thủ thỉ tâm tình lạ lùng chứa đựng cả mọi điều khác biệt: Bắt đầu bầu trời non Bắt đầu hạt gạo thơm Bắt đầu lời nựng ngoan...
Riêng có lần bố bảo Con bắt đầu từ con! (Bắt đầu)
Những hình ảnh “bầu trời non”, “hạt gạo thơm”, “lời nựng ngoan” có gì xa lạ với trẻ thơ? Nhưng từ những hình ảnh hàng ngày con trẻ vẫn sống, quyến luyến, nô đùa như trong thiên đường của mình, nhà thơ, ông bố rất gần gũi với con đã mở ra một khẳng định, khiến con trẻ tò mò, suy nghĩ lạ lẫm: “Con bắt đầu từ con!”. Thì ra, vũ trụ này, cuộc sống này, tình yêu thương mà con đang tận hưởng... điều có sự bắt đầu. Con cũng có một khởi đầu, mà tuổi thơ ngây con còn chưa hiểu hết. Đó là sự khởi đầu của một thiên đường khác, nơi chính bản thân con là vũ trụ, cuộc sống, là tình yêu thương.. Cũng với một cách lý giải để dẫn dắt tâm hồn trẻ thơ đến những suy nghĩ mới lạ về thế giới quanh mình, tập thơ “Bên con” tập hợp khá nhiều bài thơ ẩn chứa những ý lạ: Sông Đáy dài bao nhiêu? - Học địa lý con biết
Sông Đáy sóng bao nhiêu? - Con sống rồi con biết Sông Đáy chảy về đâu? - Về biển xanh con biết
Có ngày con hỏi tiếp - Đời người trôi về đâu?... (Sông Đáy)
Hỏi đáp trong bài thơ chỉ là cái cớ, để với hình thức tựa trò chơi đố trẻ, nhà thơ mở ra một câu hỏi lớn, câu hỏi mênh mông và đau đáu mà có khi cả đời người còn chưa trả lời được hết...Bởi vậy, bài thơ không chỉ còn là thơ của thiếu nhi. Trong tập thơ “Bên con”, có lẽ điều thú vị nhất, cũng là khó nhất nhà thơ lại làm được là gieo những suy nghĩ, ý tứ rất người lớn vào thơ, bằng chính ngôn từ riêng biệt của thế giới trẻ thơ mà không hề xa lạ với tâm hồn chúng: Bên trái nhà hàng na dai trĩu quả Mẹ bảo con chờ na mở mắt sớm mai Sớm mai, con dậy tìm na, quả mẹ dành đã chín tụt nõ Mẹ tần ngần ôm con rồi nhặt hạt để bà gieo na mọc mùa sau! (Cây na) Tôi rất mê từ “chín tụt nõ” nhà thơ Nguyễn Hoa đã gieo. Một từ dân gian - mới, chắc chắn không phải ai cũng biết, lại càng không phải ai cũng dám đem vào thơ. Đọc câu thơ có từ này lên, nghe trúc trắc như không vần không điệu. Có rất nhiều từ, cụm từ dân gian – mới: “sông xanh”, “núi tím”,“nắng muộn hung hung”, “hoàng hôn thiêm thiếp thở”, “tầng hấng nắng, tầng hơ mưa”, “chua rôn rốt” mà nhà thơ Nguyễn Hoa đã sáng tạo và đem vào tập thơ “Bên con”… Tất nhiên, không phải câu, từ nào nhà thơ cố gắng tìm tòi, làm mới lại cũng đạt đến hiệu quả đắc địa bất ngờ như ý muốn của tác giả. Có những câu, từ tuy mới, đọc lên có thể vẫn trượt ra ngoài cảm nhận của người đọc, nhưng có những câu, từ đọc lên tôi lại cảm giác rằng chính cái không vần không điệu, qua cách làm mới lại từ của tác giả mới đạt đến tột đỉnh của sự trong sáng, hồn nhiên trong thế giới đầy sự lô gíc - bất ngờ một cách phi lý và quá đỗi đáng yêu của trẻ thơ.
Không chỉ làm tìm từ, dựng tứ, “ Bên con” còn thể hiện ước vọng của nhà thơ muốn thay đổi hình thức thơ. Ngoài kiểu thơ thiếu nhi gần với vè, đồng dao như thơ 3 chữ, 5 chữ, lục bát... khiến trẻ thơ dễ đón nhận, tác giả còn hướng đến kiểu thơ tự do, thơ dài câu, dài hơi. “Trên đê”, “Giữa cánh đồng”, “Sân nhà”, Tổ ấm”... là những mặt cắt trong sự phát triển ý thức, tâm lý của trẻ thơ tác giả đã quan sát, nhập vào thế giới trẻ thơ, tìm về với thế giới ấy và miêu tả, kể lại như những băn khoăn hay một câu chuyện nhỏ. Người đọc có thể liên tưởng đến kiểu thơ dài câu, dài hơi viết cho thiếu nhi trong tập “Mảnh trăng non” của nhà thơ ấn Độ R. Tagore. Hình như, ý hướng chiêm nghiệm, đi tìm chân lý sâu xa trong một tình yêu trẻ thơ chân thành vẫn thường hay dẫn lối những hồn thơ đồng điệu tìm đến với nhau. Có lần, nhà thơ Nguyễn Hoa tâm sự: “Tôi rất vui khi con tôi, bạn bè lối xóm của nó hay con trẻ những người bạn đều thuộc thơ thiếu nhi của tôi!”. Quả thật, không có niềm vui sướng nào bằng những bài thơ mình viết ra, được độc giả hưởng ứng và yêu thích. Đặc biệt đó lại là sự công nhận thầm lặng từ độc giả nhỏ tuổi, những giám khảo công bằng nhất. Tập thơ “Bên con” của nhà thơ Nguyễn Hoa đáng được những độc giả không phân hạn biên độ lứa tuổi yêu thích, bởi tình yêu thơ ca và tình yêu con trẻ của nhà thơ. L.M.Y
(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)
|