Tạp chí Sông Hương - Số 192 (tháng 2)
Chuyện “lai rai” về nước Pháp
15:23 | 11/02/2009
PHẠM THỊ CÚCCó người nghĩ rằng, ở các nước giàu, thì ít người thất nghiệp. Không đâu, ở Pháp, người thất nghiệp cũng khá nhiều, mà đâu phải vì không có bằng cấp mà thất nghiệp, đa số họ đều có bằng kĩ sư, cử nhân, cả thạc sĩ hẳn hoi.
Chuyện “lai rai” về nước Pháp
Limoges_bridge_Saint_Etienne

Sinh viên Pháp, tốt nghiệp đại học (ĐH), sau vài tháng đến nửa năm, chỉ có khoảng 25% là có việclàm. Sở dĩ tôi biết điều này là vì được nghe một vị giáo sư thuộc trường ĐH Jean-Monnet nói chuyện ở trung tâm CILEC (Centre Interculture de Langues et Civilisation - Trung tâm quốc tế về văn hoá, ngôn ngữ và văn minh) của thành phố Saint - Etienne, nơi tôi đến học tiếng Pháp hai tháng trước về một trường ĐH khác ở Pháp để thực tập chuyên ngành.
Saint- Etienne, một thành phố thuộc vùng sông Loire, một con sông lớn bắt nguồn từ trung nam nước Pháp, đổ ra Đại Tây Dương. Thành phố này cách Paris 462 km về phía tây nam. Một thành phố với những cao nguyên như Đà Lạt của Việt , nhưng lại có mỏ than. Mỏ than này đã được khai thác hết, được giữ lại làm Viện Bảo tàng Mỏ rất đẹp. Ngoài ra còn có trường ĐH Mỏ-địa chất, có trung tâm luyện kim, sản xuất bánh xe các loại, cùng nhiều dụng cụ, máy móc cơ khí khác và cả vũ khí nữa. Thành phố này vào loại trung bình hơi nhỏ của Pháp, theo thống kê năm 1972 thì có 445.976 dân. Người Pháp gọi người dân ở đây là “Stéphanoise”.

Mặc dù mới chỉ được làm công dân dự bị, chứ chưa được làm “công dân chính thức”, nhưng đã là công dân, thì dù có là “hạng 3, hạng 4” đi nữa, tôi cũng phải quyết tâm tìm hiểu một phần nào về đất nước này. Nghĩ vậy, nên có lúc tôi đã hỏi các “công dân chính thức” những điều “cấm kị”, ví dụ như mức lương tháng của ông giám đốc bưu điện Fauriel của thành phố. Tôi mạnh dạn như vậy cũng nhờ có không khí thân mật trong một buổi tiếp đoàn chúng tôi...
- Thưa ông, mức lương mỗi tháng của ông là bao nhiêu?
- Lương của tôi vào loại cao, vì tôi làm việc nhiều năm rồi; mỗi tháng là 22.000 franc (F) (tương đương với hơn 44 triệu tiền Việt ). Mỗi năm tôi đóng thuế 60.000F, tính ra là 23% lương tháng.
Còn mức lương 11.000F thì mỗi năm chỉ đóng 8.000F tiền thuế, tức là mức lương thấp thì tỷ lệ đóng thuế cũng thấp hơn. Mức lương trung bình ở Pháp là 6.500F mỗi tháng. “Nghề” đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đất Pháp được 3 ngày là nghề đưa thư. Vì mới tập sự nên tôi phải đi cùng với một ông đưa thư người Pháp. Ông này gốc Tây Ban Nha. Chính được đi bộ với ông nên tôi mới biết được nhiều điều.
- Vợ ông làm nghề gì?
- Vợ tôi cũng làm nghề như tôi.
- Ông có mấy đứa con?
- Hai đứa. Thằng con trai học lớp 9, đứa con gái học lớp 6.
- Lương ông mỗi tháng được bao nhiêu.
- Chín nghìn frăng.

Mỗi ngày ông chỉ đưa thư khoảng từ hai đến ba giờ đồng hồ, khi đi từ Bưu điện, ông chỉ mang một ba lô nhỏ đựng thư. Dọc đường đều có những thùng đựng thư bằng sắt, sơn màu xanh lục, dài khoảng 80cm, rộng 1m và cao chừng 1,2m, đã có xe ô tô đem thư bỏ sẵn trước đó rồi, khi phát hết thư trong ba lô thì ông lấy thêm thư từ những thùng đựng thư lớn này rồi đi phát tiếp. Đi đường, chúng tôi thường gặp những ông bà già, những người đã nghĩ hưu (rất ít khi gặp trẻ con vì chúng bận đi học hoặc nếu có chơi bời thì cũng có nơi có chỗ chứ không chạy nhảy lông nhông ngoài đường ngoài phố). Những người này hay dắt chó ra đường đi dạo, đến công viên... hay đi mua báo, mua bánh mỳ. Khi mới sang, lúc đi bộ hay lên xe buýt, tôi rất lạ khi thấy nhiều người cầm những ổ bánh mỳ dài gần cả mét gọi là baguette (chiếc đũa - bánh mỳ dài như chiếc đũa). Ở ta thì mua thức ăn hàng ngày, còn gạo thì mua cả bao đủ ăn cho cả tháng. Họ thì ngược lại, thức ăn như thịt cá, rau quả... thì mua bỏ vào tủ lạnh tủ đá đủ dùng cho cả tháng hoặc vài tuần. Còn bánh mỳ lại mua hàng ngày. Mỗi nhà thường có một cái hộp gỗ (tròn hoặc hình bán nguyệt, có khi dài cả mét) dùng để đựng bánh mỳ.

Quan hệ giữa người đưa thư và người nhận thư rất thân tình, khiến tôi bất ngờ. Ông đưa thư, mỗi lần gặp một ai đó đều hôn vào hai má, rồi hỏi han sức khoẻ, cười nói rối rít. Hôm nay gặp ai, ông đều giới thiệu:
- Bà ấy dạy ở Trường Đại học Việt .
- Bà ấy là người Việt , mới sang Pháp thực tập.
Tôi hỏi ông:
- Mỗi ngày, hơn một nửa thời gian rảnh rỗi, ngoài việc đưa thư, ông có làm gì để kiếm thêm tiền không?
- Không. Tôi chỉ ở nhà làm việc vặt, chơi với con cái.
- Lương của hai vợ chồng ông là mười tám ngàn frăng (khoảng ba mươi sáu triệu đồng Việt ), có đủ cho ông bà chi tiêu không?.
- Cũng tạm đủ. Nếu tiết kiệm thì có dư một chút ít.

Mỗi khu nhà cao tầng, ở hành lang tầng trệt đều có những dãy hộp thư xếp liền, chồng lên nhau và đóng vào tường. Mỗi căn hộ một hộp, đánh số tương ứng với số nhà... Người đưa thư có chìa khoá của tất cả các hộp thư đó, khi đến chỉ việc mở khoá và bỏ thư vào. Tuy chỉ ở Pháp chưa đến nửa năm nhưng tất cả chúng tôi đều phải mua bảo hiểm đầy đủ như người dân Pháp. Đi lại thì chúng tôi được phát một cái thẻ, mỗi lần lên xe thì đưa tấm thẻ vô hộp nhỏ như cái hộp thư, liền nghe một tiếng tách nho nhỏ, là “nó” đã in ngày tháng mình lên xe. Đó là chuyện xé vé tự động. Từ nhà tôi ở ra bến xe chừng 100m. Cứ năm bảy phút lại có một chuyến xe. Thứ bảy, chủ nhật vì số lượng xe chạy ít hơn nên chừng mười lăm hai mươi phút mới có một chuyến.

Tôi may mắn được ở với một bà già tên là Lôzanô. Lôzanô 68 tuổi, chồng đã mất, có ba đứa con. Con trai đầu 38 tuổi, làm thợ điện, sắp cưới vợ. Cô con gái thứ hai lấy chồng là một bếp trưởng tại Anh nên thỉnh thoảng bà cũng bay sang Anh thăm con gái và trông nom cháu ngoại. Cậu con trai thứ 3 đang học Đại học ở Paris . Sau khi chồng chết, con cái ở xa,  nhà lại rộng (căn hộ chừng một trăm mét vuông, ở tầng 3 của một chung cư), ở vậy cũng buồn nên bà liên hệ với CILEC để cho chúng tôi ở trọ. Mấy năm trước ở có một cô sinh viên người Nhật, sau đó là một cô gái người Đức, và bây giờ là tôi. Bà là người nghiêm khắc, hơi kỹ tính, sạch sẽ, gọn gàng... quá sức tưởng tượng. Tôi vốn ưa sạch sẽ, gọn gàng nên mới ở một thời gian đã “lây” cái tính quá sạch và tiết kiệm quá mức của bà. Rồi tôi biết được rằng, tiết kiệm không chỉ là đức tính của bà Lôzanô mà là của người dân nhiều nước giàu có. Họ không như chúng ta, còn nghèo mà hễ ngồi với nhau là ăn uống “tới số”, đúng câu mà dân gian hay nói “giàu hay mần, bần hay ăn”.

Bà Lôzanô lúc nào cũng ăn mặc lịch sự gọn gàng. Ngoài chiếc áo choàng lúc đi ngủ, còn bất cứ lúc nào gặp bà, tôi đều thấy bà váy áo, giày dép lịch sự. Có hôm tôi buột miệng hỏi:
- Hôm nay bà sắp đi đâu?
- Không, tôi chỉ ở nhà thôi.
Tôi nói “may mắn” được ở với bà là nói sự thực. Để nâng cao trình độ tiếng Pháp, tôi rất hay hỏi bà và bà rất nhiệt tâm chỉ giáo cho tôi, cho dù bà không biết tiếng Việt. Hỏi cả trong bữa ăn nên có bữa ăn từ 8h30 tối mà đến gần 10h đêm mới “tạm kết thúc”.

Sau hai tháng ở Saint-Etienne, tôi về thực tập ở Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật ở thành phố Toulon-Var, một thành phố ở cực Nam nước Pháp, cách Paris 834 cây số và cách thành phố Marseille 60 cây số về phía Nam Saint-Etienne cách thành phố Toulon-Var khoảng 400 cây số, tôi đi TGV (train grande vitesse: tàu hoả tốc độ cao) chỉ mất chưa đầy hai giờ đồng hồ. Từ thành phố tuyết đang rơi, lạnh buốt đến một thành phố với những cơn nắng nhẹ tháng tư hoà với gió từ Địa Trung Hải thổi vào mát nhẹ, trong lành càng khiến cho tôi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

Trong khuôn viên trường Đại học, ngoài những bãi đậu xe rộng lớn với hàng ngàn ô tô đủ mọi nhãn mác, mọi màu sắc như một siêu thị ô tô khổng lồ là những vườn cây bạt ngàn tùng, bạch dương và nhiều nhất là những cây “đào tiên Tôn Ngộ Không” trĩu quả. Xa hơn phía đường ô tô cao tốc là những hàng cây thuỳ Dương cành lá mang đầy những chùm hoa đỏ với những gam màu đậm nhạt khác nhau. Những hàng cây này khiến tôi nhớ nhà, nhớ Hà Nội với những cây thùy dương rủ bóng xuống Hồ Tây. Đêm đêm tôi thường mất ngủ, thao thức mong mau đến ngày về khi nghe tiếng máy bay từ sân bay Oriy bay qua lại trên bầu trời... Một hôm đang làm việc với một ông giáo sư, ông Louis Baudour, là người hướng dẫn cho tôi ở trường Đại học Toulon, thì có tiếng chuông điện thoại cắt ngang. Sau khi nói chuyện qua điện thoại, ông cho biết, phòng vật lý của ông đang cần chỉ một nhân viên, thế mà có đến 50 (năm mươi) bộ hồ sơ gửi đến, đa số đã có bằng thạc sĩ, cử nhân kỹ sư... chỉ để xin một chân trợ lý Phòng thí nghiệm. Hiện nay, có khá nhiều sinh viên Pháp, sau khi tốt nghiệp, muốn đến các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia... để làm công tác từ thiện nhưng cũng để có công ăn việc làm. Tuy vậy, suốt thời gian ở Saint-Etienne tôi chỉ gặp một người ăn xin. Khi về nhà, tôi nói với bà Lôzanô là tôi đã cho người ăn xin ấy 2 fr, thì bà có vẻ bất bình:

- Bà không nên cho họ tiền vì như vậy vô tình bà đã khuyến khích họ lười nhác, không chịu lao động. Vả lại họ cũng đã có nơi nuôi dưỡng. Hình như bà cũng ngại những người nước ngoài như tôi gặp những người ăn xin ở nước Pháp văn minh của mình. Một ngày cuối tuần, tôi cùng với vài người bạn đi tàu lên Marseille chơi. Marseille là thành phố cảng lớn của Pháp. Như nhiều thành phố cảng trên thế giới, thành phố này không bằng các thành phố khác về an ninh, trật tự. Chúng tôi vừa ngồi nghỉ ở một vườn hoa chưa đầy 5 phút đã có một toán người gồm 4 đàn ông trên dưới 30 tuổi và một bà lớn tuổi hơn đi đến. Họ ăn mặc sạch sẽ đàng hoàng. Một người đàn ông chìa tay ra “cho tôi vài frăng để uống rượu”. Bạn tôi nói “Họ là người Ý, thất nghiệp”. Tôi hơi sợ, vội đi khỏi vườn hoa. Đi một đoạn lại thấy một đoàn biểu tình, khoảng trên dưới một trăm người, là những người thất nghiệp tập họp nhau lại. Họ hô khẩu hiệu đòi việc làm.Đặc biệt, thành phố cảng này rất nhiều người Ả Rập. Nhiều người trong số họ là hậu duệ của những người Ả Rập xưa kia bị các ông chủ Pháp bắt làm nô lệ, rồi đưa luôn về Pháp. Người Ả Rập đẻ nhiều, nhiều người lại không có công ăn việc làm nên không hiếm người đi ăn xin. Có một khu phố rất đông người Ả Rập ở (như quận 13 rất đông người Tàu)... Tôi đã “tạt” qua đây, thấy nhiều ông bà ngồi ở trước cửa nhà đã đóng kín, chệt bệt trên vỉa hè, có khi với 1 con chó rất to và một tô đựng tiền trước mặt. Nhiều ông bà ngồi vậy mà mắt nhắm tịt, ngủ gà ngủ gật.

Toulon nằm bên bờ Địa Trung Hải. Ở đây có một hải cảng quân sự và thương mại rất lớn. Hôm ngồi trên chiếc tàu du lịch to đẹp chạy một vòng quanh vịnh Toulon, tôi nhìn thấy 2 chiếc Hàng không Mẫu hạm của Đức. Tàu có sân để máy bay hạ cánh nên nó lớn lắm. Những anh lính Đức trên tàu và chúng tôi vẫy chào nhau vui vẻ. Cảnh trí tuyệt vời chứ không thấy những cảnh ăn in và vật vạ dọc hè phố của những người Ả Rập. Nói là nói vậy chứ thực ra, ngay ở Paris đâu có thiếu gì những cảnh chưa đẹp. Đi dọc sông Seine mới thấy những “mái nhà” của những kẻ lang lang, bụi đời đầu đường xó chợ. Đó là những gầm cầu rộng, là nơi tránh nắng che mưa, bão tuyết cho họ, những người sống dưới đáy xã hội. Những gầm cầu thì làm sao bao bọc nổi cho đoàn quân đông đảo đó thoát khỏi những cơn đói, những đợt rét đếm âm mấy mươi độ C. Nên về mùa đông, sáng ra, đã thấy những xác người nằm còng queo dưới gầm cầu, dọc các ga tàu điện ngầm. Về mùa đông, ban đêm, thỉnh thoảng xe của cảnh sát đi gom họ về trại tế bần để họ khỏi chết cóng. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi nghe nói đợt nắng nóng vừa qua nhiều người Pháp bị chết, nhưng tôi không còn tin ở tai mình nữa, khi tivi đưa tin số chết lên đến con số trên chục ngàn người mà những người có trách nhiệm không hề hấn gì cả! Nước Pháp văn minh mà thật lạ.

Nhưng ấn tượng mà nước Pháp để lại cho những người có một thời gian ngắn được làm “công dân dự bị” như chúng tôi là ngọt ngào và đẹp đẽ. Tôi nhớ những buổi đầu tiên được người bạn đưa đi thăm Paris . Anh là người Huế, sang Pháp đã gần 50 năm. Vợ anh là người Pháp gốc Đức. Anh dẫn tôi đi thăm Nhà thờ Notre-Dame. Chúng tôi qua một chiếc cầu gần nhà thờ. Người ta chăng dây xích để chỉ cho phép người đi bộ dọc hai lối đi hẹp hai bên, còn phần chính lòng cầu để dành cho các đội văn nghệ biểu diễn vào các ngày nghỉ, lễ. Chính trên chiếc cầu này, tôi mới biết có một kiểu “ăn xin hiện đại” rất lạ. Tựa vào lan can chính của cầu là một “bức tượng” to, cao mặc áo choàng trắng, tay cầm một cái mặt nạ như mặt nạ hát bội. Tất cả một màu trắng toát, như một bức tượng được nặn bằng thạch cao. Tôi chăm chú nhìn và tự hỏi” Tại sao tượng lại đặt ở một nơi trái khoáy như vậy?”. Như hiểu được băn khoăn của tôi, anh bạn tôi nói ngay “Chị tưởng là tượng thật sao? Người ta đứng ăn xin đó”. Nghe anh nói vậy, tôi vội nhìn xuống trước mặt, cách “bức tượng” khoảng một mét là cái hộc gỗ đang dựng khá nhiều tiền lẻ. Tôi và vợ anh lần lượt đến chụp ảnh với “bức tượng”. Sau mỗi lần chụp ảnh, chúng tôi bỏ vài frăng vào hộp gỗ. Chị bạn tôi nghịch ngợm sờ tay vào “bức tượng” mà vẫn không thấy “người  tượng” động đậy gì! Và những buổi chiều đi du ngoạn sông Seine trên chiếc Bateau mouche (ý nói tàu nhỏ như con ruồi, nhưng không nhỏ tý nào cả). Những chiếc cầu với những kiểu dáng, những hoa văn... không cầu nào giống cầu nào. Những chiếc cầu mang tên những nhân vật lịch sử, những anh hùng và cả tên những con người vĩ đại đang còn sống như Nelxon Mandéla. Rồi buổi tham quan nhà thờ Sacré Coeur(*) với những vườn hoa hồng đủ màu sắc. Rồi cung điện Versailles . Rồi buổi ngồi ở tầng cao nhất của tháp Eiffel, nhấm nháp tách cafe, ngắm nhìn Paris lúc chiều tà... Và con sông Seine hiền hoà thân thiện... Vẻ đẹp này chỉ có thể sánh với “bồng lai tiên cảnh”. Tôi nhớ da diết thành phố Huế quê tôi, cũng có con sông Hương dịu hiền duyên dáng biết bao. Cũng đã vài lần những đầu óc tài hoa và thông minh của du lịch Pháp góp sức và góp tài trí cùng Huế tạo dựng những Festival duyên dáng, sinh động trên chính dòng sông và hai bờ. Giá chi sự hợp sức văn hoá đó được tiếp nối mau hơn và giỏi giang hơn.
                Huế tháng 9.2003
                    P.T.C

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 



 



----------------
(*) Sacré Coeur: tên nhà thờ này có nghĩa là Hiến dâng trái tim.

Các bài mới
Hoa bên trời (11/02/2009)
Các bài đã đăng
Lễ hội hoa (11/02/2009)
Nếu (11/02/2009)
Tình... mẫu tử (10/02/2009)