Tạp chí Sông Hương - Số 192 (tháng 2)
Huế của người ta
15:25 | 11/02/2009
VÕ NGỌC LANTôi sinh ra và lớn lên tại vùng Kim Long, một làng nhỏ thuộc vùng cận sơn, không xa Huế là bao. Bởi thuở nhỏ chỉ loanh quanh trong nhà, trong làng ít khi được “đi phố” nên đối với tôi, Huế là một cái gì thật xa cách, thật lạ lùng. Đến nỗi tôi có ý nghĩ buồn cười: “Huế là của người ta, của ai đó, chứ không phải là Huế của tôi”, ngôi chợ mái trường, một khoảng sông xanh ngắt và tiếng chuông chùa Linh Mụ... mấy thứ ấy mới là của tôi.

Của tôi cả tiếng hò chơi vơi vang vọng trên mặt sông đêm khuya từng làm tôi thao thức; của tôi vầng trăng bạc nhô lên sau nóc nhà máy vôi Long Thọ đang lấp lánh trên dòng sông Hương; của tôi tiếng trống lành canh đuổi cá trên sông; của tôi những buổi trưa hè đi búng mít trong khu vườn xanh um, rậm rạp, mũi hấp háy vì mùi mít chín ngọt ngào, tai nghe đàn ve kêu ra rả. Của tôi những buổi trưa hái trái bưởi non cùng đánh thẻ hay “nhảy tàu bay” với đám các con Lọt, con Tẻo, con Qui, con Gái... chơi chán rồi lại chia nhau mớ hột móc, hột muồng...
Còn... Huế thì đúng là của người ta, bởi tôi thường sợ hết hồn khi được mạ dắt đi chợ Đông Ba. Hết hồn khi thấy xe điện chở lính Tây chạy lên, chạy xuống bóp còi inh ỏi, hết hồn vì choáng ngợp bởi phố xá cao rộng, toà ngang dãy dọc, những hiệu kim hoàn sáng rực, những hiệu Bom Bay bán tơ lụa của người Ấn Độ và Ngã Giữa, đi ngang cứ có cảm tưởng xây xẩm mặt mày vì mùi hương trầm. Huế rộn ràng quá, thanh lịch quá, hoàng thành bí mật quá, những chiếc xe kéo gọng đồng, phu xe bịt khăn đóng sang quá, làm tôi bỡ ngỡ. Và những cô gái mới kiều diễm làm sao! Những chuyến “đi phố” ấy chỉ mang lại cho tôi cái ý tưởng Huế là một thế giới khác, của những ai khác chứ không phải Huế của tôi.

- Con đừng nghĩ bậy! Huế là của chúng ta. Có lần cha tôi nói với tôi như thế.
- Tạm thời chừ Huế đang nằm trong tay Pháp, tay Nhật, nhưng rồi chúng ta sẽ chiếm lại. Rồi đây Huế sẽ vĩnh viễn là của dân ta.
Tôi ngỡ ngàng khi nghe cha tôi nói là “chúng ta sẽ chiếm lại” trong “chúng ta” đó có tôi không? Cha tôi tiếp: Nay mai cha sẽ đi. Ở đây không yên được. Bọn mật thám theo dõi cha hoài. Mình sẽ diễn một vở kịch...
Hôm sau đó, giữa cha mạ tôi diễn ra một cuộc cãi vã dữ dội. Cha tôi đập bể không biết bao nhiêu đồ đạc trong nhà. Hàng xóm bu lại hồi hộp chứng kiến cảnh xô xát toé lửa của cha mạ tôi. Người ta lập tức kháo nhau “Vợ chồng họ giận nhau, chú ấy nổi giận đem con gái bỏ nhà ra đi”. Màn kịch thế là đã trọn vẹn. Bọn mật thám không có rình rập ở nhà tôi nữa, cha tôi đi rồi, những người trong gia đình như mạ tôi, chị tôi cũng hết sợ bị chúng bắt bớ, tra hỏi. Bù lại, họ được quyền chờ đợi, thương nhớ, lo lắng cho người ra đi, chẳng biết lúc mô về không nữa!

Cha tôi hành động thật kỳ lạ. Ông không lên núi, vào chiến khu ở địa phương mà mang tôi vào tuốt trong , chọn một bưng biền có nhiều chiến hữu quen thân. Con bé loắt choắt là tôi, chẳng mấy chốc mà quen ngay với tiếng liên thanh, đại bác, với ruộng đồng, kênh rạch, với bưng biền cùng lửa, máu.Tôi nhớ mạ, nhớ chị quay quắt, nhớ Kim Long, nhớ Huế, nhất là những ngày Tết, ngày xuân. Còn đâu những sáng mồng một Tết, dậy thật sớm, xúng xính quần áo mới, đi khoe với bạn bè. Tưởng mình dậy sớm, té ra tụi nó còn dậy sớm hơn mình, đưa nào cũng sột soạt áo mới, rủ nhau bu quanh những bàn bài vụ, nhất lục.
Ở bưng biền Nam Bộ, làm sao tôi nghe được tiếng mấy hột tào cáo reo vui trong chiếc tô kiểng của mấy nhà đánh xâm hường ngày Tết. Ôi, tiếng reo leng keng hoà với tiếng cười sao mà ấm áp. Làm sao tôi nghe được tiếng hô của chủ sòng bài Nhất Lục “Cất tay! Nhứt, tam, ngũ”  hoặc tiếng rao bài chòi quen thuộc nơi quê hương “Hai bên lẳng lặng mà nghe... đi chợ con Ầ... ầ... ầm”

Còn nhớ, hồi nhỏ tôi ghét nhất những ai Tết mà không chịu mặc áo mới. Có những người Tết nhất mặt cứ lầm lầm, lì lì, không chịu chung vui với mọi người. Lớn lên tôi mới thấy mình rõ là con nít. Có phải những người ấy không biết xuân, biết Tết đâu! Họ không mặc áo mới chỉ vì nghèo quá mà thôi, áo mới đâu mà mặc! Cho nên giả vờ như... không biết Tết.
Có một người nghèo không biết Tết.
Mang lì chiếc áo độ thu tàn.
                                    (Chế Lan Viên)
Chiến sự trong ngày càng căng thẳng. Thấy tôi còn nhỏ quá mà phải xông pha nguy hiểm, các bạn của ba tôi khuyên ông nên tìm cách gửi trả tôi về Huế. Cha tôi đành bấm bụng gởi tôi cho hai chú, nhân đi công tác ra Trung mang tôi đi theo.

Sau đó ít lâu, thì cha tôi hy sinh. Tôi về Huế với mẹ và chị, trải qua những ngày cơ cực. Chiến tranh đã khoác cho Huế một bộ mặt thảm hại. Nghèo. Buồn. Tan nát... Tôi bỗng thấy Huế nhỏ lại và gần mình hơn. Khác với ngày xưa thấy cái gì cũng lớn lao, bây giờ mình lớn lên thì mọi cái hình như nhỏ lại và cũng bình thường. Đúng là Người cao lớn bởi vì ta cúi thấp”. Tôi không còn coi Huế là của người ta nữa. Tôi ngẩng cao đầu, đi giữa Huế với tâm trong sáng, với lòng yêu thương tha thiết. Mặc dù dòng chảy cuộc đời đưa đẩy, phải bỏ Huế vào Nam, rồi bỏ Sài Gòn ra sống ở nước ngoài nhưng nhờ trời, có dịp đi đi, về về, tôi vẫn luôn gần gũi Huế để yên lòng khi nghĩ rằng: dầu Huế trải qua lắm phong ba, bão táp, giằng xé, giành giựt... nhưng tất cả rồi cũng đi qua, sóng lớp phế hưng, chuông hồi kim cổ... Còn đó, Huế vẫn mãi nghìn năm với cái đẹp, cái nên thơ thâm trầm của nó.
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Nói như Bùi Giáng.
V.N.L

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Các bài mới
Hoa bên trời (11/02/2009)
Các bài đã đăng
Lễ hội hoa (11/02/2009)
Nếu (11/02/2009)
Tình... mẫu tử (10/02/2009)