Tạp chí Sông Hương - Số 192 (tháng 2)
Thơ của Thượng Đế
16:13 | 11/02/2009
BÙI NGỌC TẤNLần đầu tiên đặt chân tới Châu Âu, có biết bao nhiêu ấn tượng. Ấn tượng về những nét mặt người, về những dáng người đi, về bầu trời không vẩn bụi trong veo, về những xa lộ, về những chiếc xe phóng với tốc độ 140 kilômét không một tiếng còi, nối nhau trên các con đường tám đến mười làn xe chạy không còn biên giới cách ngăn...
Thơ của Thượng Đế
Lâu đài Neuschwanstein

Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi có lẽ là cây và rừng. Mang sẵn trong lòng ý nghĩ về đặc điểm địa lý của nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, lượng mưa nhiều, về những rừng cây xanh tươi không có mùa rụng lá, sự ưu việt do thiên nhiên hào phóng ban tặng ấy là không đâu có thể so sánh được, nên khi đặt chân tới Châu Âu, cây và rừng đã gây bất ngờ lớn nhất với tôi.
Trong khoảng thời gian 45 ngày thăm châu Âu, tôi đã tranh thủ đi từ Pháp sang Bỉ, tới Hà Lan, tới Đức rồi từ Đức tới Salzburg , một thanh phố nước Áo giáp liền Muy ních. Trong cuộc lao-động-du-lịch-lang-thang ấy, không biết bao nhiêu lần cứ ngỡ đi tới một khu rừng thì một thành phố hiện ra. Tôi cảm nhận châu Âu những nơi tôi đã đi qua như một vùng trung du với những cánh đồng xoai xoải ven những núi đồi. Mầu xanh tươi mát ngả mầu mạ non của những đồng cỏ. Và mầu xanh lực lưỡng căn cốt vĩ đại của rừng. Trong bao ngày dịch chuyển hàng nghìn ki lô mét tôi đã cố tìm trên đường một quả đồi trọc nhưng không thể thấy. Ở đâu cũng là cây, những giống cây châu Âu tôi không biết tên. Và thông. Rất nhiều loại thông. Hôm từ Nu rem be về Muy ních qua đèo Altmuhltal cao nhất chặng đường nhìn thấy giữa rừng thông phía trái một khối đá trắng thẳng đứng như một tượng đài, mầu trắng trong nổi bật trên nền xanh của tán lá kim xanh, đã tưởng chỉ có một nơi ấy của núi là đá nên không trồng cây được. Đến khi lên tới đỉnh đèo, nhìn thông mọc trên tả luy hai bên đường van vát toàn một mầu trắng của tảng đá dựng đứng vừa nhìn thấy, mới biết nhìn nhầm: Ngọn núi này toàn là đá trắng. Khối đá trên kia không trồng cây được chỉ vì nó thẳng đứng mà thôi.

Đúng là tại Đức và có lẽ cả châu Âu nơi nào có thể trồng được cây là ở đó có cây. Cái buổi sáng đi thăm lâu đài Neuschwanstein (Lâu đài Giấc Mơ - đúng như vậy, nó đẹp như một giấc mơ, người làm ra nó là một ông vua Phổ nằm mơ thấy một lâu đài như vậy đã lấy tiền túi của mình ra xây, thiếu tiền, ông vay công quỹ, làm xong lâu đài, không có khả năng thanh toán, ông bị đi tù, Lâu đài Giấc Mơ trở thành một danh lam thắng cảnh) tôi càng khẳng định điều ấy. Đường lên Lâu đài Giấc Mơ quanh co gấp khúc, núi non mù sương trùng điệp như đường lên Yên Tử của ta. Lâu đài cũng nằm trên một đỉnh núi. Nhìn sang ngọn núi đá tai mèo lởm chởm bên kia, ở những chỗ cao ngất nơi các tầu lượn đang bay lượn như những con chim ưng nhỏ xíu, cũng vẫn thấy cây. Cây mọc ở những nếp gấp của đá, giữa những khe của hai mỏm đá. Không phải một thứ cây dại, cây leo mà là thông. Thông trông đơn lẻ trên cao như thông trồng rậm rạp thành rừng bên dưới núi. Thông với những cành lá xoè ra giữa trời xanh. Làm sao có thể trồng thông trên ấy nhỉ? Trực thăng chở thông và chở đất lên chăng?

Không chỉ rừng ở núi, ở... rừng, rừng giữa cánh đồng, rừng hai bên xa lộ. Còn rừng trong thành phố. Paris có cả một khu rừng thực sự. Những ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, những người dân Paris đi ô tô vào rừng Paris căng lều đốt lửa nướng thịt, mở sâm banh... vui chơi từ sáng đến tối khuya mới về nhà. Berlin cũng có một khu rừng như vậy.
Tại châu Âu cây rất được tôn trọng. Trong lần đến Posdam thăm nhà văn Nguyễn Văn Thọ, anh có kể cho tôi nghe câu chuyện về một cành táo trong vườn một căn hộ chung cư anh ở. Cây táo trong vườn nhưng có một cành chìa ra đường đi. Táo chín rụng xuống đường. Một ông già ngoài 80 tuổi đi trên đường vô ý dẫm vào quả táo chín, bị ngã. Ông ta đề nghị cắt cành táo mọc vượt khuôn viên ấy. Cành táo ấy chỉ bị cắt sau khi đã lấy đủ chữ ký của các hộ sống trong chung cư.

Cây được tôn trọng không chỉ vì môi trường sinh thái. Cây còn làm ta yên tĩnh tinh thần, làm lòng ta bình yên trở lại. Tôi không quên một buổi chiều khi Kamal Nguyễn, một Việt kiều ở Lille (Pháp) đưa nhạc sĩ Dương Thụ và tôi đi thăm những ngọn đồi xứ Flandre. Thị trấn ẩn trong rừng cây. Trên đỉnh một ngọn đồi, giữa những tán lá, là những cửa hàng, những khách sạn, những biệt thự và một nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bước vào nhà thờ. Không có ai ngoài một bà già người Pháp đang lúi húi dọn dẹp đưới tượng Chúa và những ngọn nến nhỏ im lặng cháy trong chiếc khay đặt trên bàn khuất ở một góc phía ngoài ngay cửa ra. Bà già bước về phía chúng tôi, nhẹ nhàng không một tiếng động, thì thào:
- Bonjour, Bonjour. (Xin chào. Xin chào).

Chúng tôi cũng thì thào đáp lại. Rồi chúng tôi bước ra, ngồi xuống chiếc ghế dựa gỗ sồi đặt bên lề đường. Dưới kia sườn đồi thoai thoải. Đàn bò khoang đang gặm cỏ. Chiều nhức mắt nắng vàng. Rừng đổ bóng thẫm đen xuống vạt cỏ xanh non. Tiếng nhạc nhà thờ vọng đến. Êm đềm, thanh bình đến thế là cùng. Như một chốn Bồng Lai. Dương Thụ rơm rớm nước mắt. Anh nói với tôi:
- Em đang được thanh lọc.
Tôi gật đầu:
- Mình cũng vậy.
Chúng tôi ngồi im lặng nhìn nắng chiếu trên những vòm cây đang vào thu với bao màu sắc. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của một nhà thơ Mỹ: Người làm ra thơ, còn Thượng Đế làm ra cây. Cây, đó là Thơ của Thượng Đế. Chúng ta làm ra rất nhiều thơ, cả ngàn cả vạn bài thơ. Nhưng còn Thơ và Trường ca của Thượng Đế là cây và rừng thì chưa vun trồng được bao nhiêu.
 Hải Phòng 12-2004
B.N.T

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Các bài mới
Hoa bên trời (11/02/2009)
Các bài đã đăng
Lễ hội hoa (11/02/2009)
Nếu (11/02/2009)