Tạp chí Sông Hương - Số 193 (tháng 3)
Nguyệt Đình - chàng thi sĩ tương tư dòng sông
08:59 | 17/02/2009
NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Huế trong thơ Nguyệt Đình)
Nguyệt Đình - chàng thi sĩ tương tư dòng sông


Huế, nhắc tới Nguyệt Đình, là người ta nói tới Nguyệt Đình - Nhà thư pháp. Ông đã từng viết thư pháp cả một cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du, cỡ sách 1m2 x 1m6. Người ta khen thư pháp của ông bay bướm, có hồn. Đồng thời nói tới tên Nguyệt Đình, cũng là nói tới tên một nhà thơ lớp trước - Một nhà thơ lãng tử, phiêu diêu như mây trời lãng đãng.
Có khi ông lãng đãng theo một cánh bướm bay vô tình:
Và bướm trắng chập chờn đôi cánh mỏng
Để phấn vàng gieo rắc, vướng cành xoan
Có khi ông tha thẩn trong một vườn chùa:
Một mảnh vườn tiên giữa cõi trần
Ngàn hồng phô sắc
Nắng vàng sân
(Vườn chùa)
Nguyệt Đình cảm nhận từng bước đi đầy chất lãng tử của mình. Không phải ai khác, chính nhà thơ đã tự vịnh: Anh lãng đãng như mây trời lãng đãng. Còn người đọc thì cảm nhận nhà thơ đang đi tìm tứ thơ cho mình trên đất thần kinh, đến nỗi không còn nhớ thời gian:
Du ngâm tóc nhuốm màu trăng xế
Vỗ túi chừng quên chuyện tháng ngày
(Trăng lên Từ Hiếu)
Nhất là từ khi tiếng súng chiến tranh trên đất Huế đã im bặt, nhường chỗ cho cuộc sống bình yên, để mọi người tìm cuộc sống đích thực của chính mình, thì thơ Nguyệt Đình cũng đã reo lên:
Kiếm cung đã thế thì thôi
Còn thơ còn nhạc vỗ đùi nghêu ngao
(Lênh đênh)

Nguyệt Đình thuộc lớp nhà thơ có chiều dày sáng tác cho nên trong tập thơ, nhiều bài, nhiều câu phảng phất tâm trạng hoài cổ. Chất hoài cổ không ồn ào như loại thơ quảng trường, mà lắng đọng từng chữ một.
Với bầu rượu túi thơ bất kể tháng ngày, Nguyệt Đình đã “bắt được” tứ thơ hay:
Khoảnh khắc đất trời lộng gió mây
Thiền sư áo bạc dính sao gầy
Hình ảnh “sao gầy” bám đầy trên áo đã bạc màu của Thiền sư thật là đẹp và thật là thơ. Không biết ở câu thơ này Nguyệt Đình tả Thiền sư hay ông tả ngay chính bước đường lãng tử của mình. Không dễ gì thoáng qua mà gặp được ánh sao gầy trên áo Thiền sư giữa đất trời rộng mở như vậy.
Theo tôi, đây là câu thơ hay nhất trong tập. Nó vừa thực, vừa ảo, rất đúng và hợp với chất lãng đãng của Nguyệt Đình.

Song khi gấp tập thơ “Huế trong thơ Nguyệt Đình” lại, tôi man mác  cảm giác rằng nhà thơ đất thần kinh Nguyệt Đình đang tương tư dòng sông Hương. Mỗi câu ông viết, hình như ông đang ngồi trước người đẹp ấy để chiêm ngưỡng từng nét thanh tú của nàng.
“Đêm ngã ba Tuần” ta thấy nhà thơ đang lãng đãng thả thuyền trên sông dưới một trời đầy sao:
Chòng chành thuyền nhẹ mái chèo lơi
Bãng lãng sao dăng rợp một trời
Tác giả buông “lơi” mái chèo, quên cả việc chèo thuyền, thả hồn mình vào ánh trăng. Phải ở Huế mới hiểu chữ bãng lãng, chữ nghĩa chông chênh đến thế, nhưng thực ra nó lại là nghĩa đen đấy. Ngã ba Tuần, nơi dòng Tả Trạch và Hữu Trạch giao hòa vào nhau, tan vào nhau còn có tên khác: Ngã ba Bãng lãng.

Thơ Nguyệt Đình nói tới sông Hương là nói ngay tới con thuyền. Hình như tác giả đang mượn con thuyền để nói dòng sông mà mình tương tư. Phải tương tư, lãng đãng lắm mới có được cảnh sắc nên thơ nhường này:
Thuyền câu một lá thả lênh đênh
Con nước triều dâng vỗ bập bềnh
(Vào thu)
Nguyệt Đình chú ý tới từng con chữ một: Thuyền đã một “lá”, lại “thả” nên nó “lênh đênh” là phải. Nhờ có “triều dâng”, tạo nên con sóng ngược dòng, nên mới “vỗ bập bềnh” được. Công nhận nhà thơ quan sát rất kỹ. Một câu thơ thôi mà thật kỳ công. Tác giả vừa là người cầm chèo, là người buông câu, đồng thời lại là một nhà thơ, cho nên cảm xúc ào đến, bộn bề. Cảm nhận được cả công việc của mình, đồng thời cảm nhận được cả trời đất.
Bài “Thuyền trăng” là một bài đầy dấu ấn cảm xúc:
Hơi thu và cả hơi trăng nước
Loang nhẹ một trời nhuốm áo em
Câu thơ không chỉ là thơ mà còn là một bức họa. Chất bay bướm trong chữ thư pháp của Nguyệt Đình đã hóa thân vào đây, để vẽ một bức tranh thuỷ mạc mờ mờ “hơi thu”, huyền ảo “hơi trăng” và phảng phất hương lành lạnh của đất trời mùa thu thấm vào áo cô thiếu nữ, “loang nhẹ một trời”. Ai có ngón tay thật nhạy cảm thử đụng vào tà áo thấm hơi thu, hơi trăng của Nguyệt Đình xem cảm giác của mình sẽ thế nào.
Thơ Nguyệt Đình đã đưa người đọc vào một thế giới ảo là như vậy.

Chưa hết, cả không gian trăng sao mây nước của sông Hương, không biết có thật không, nhưng Nguyệt Đình lại còn nghe thấy cả tiếng sáo:
Văng vẳng bờ xa tiếng sáo ai
Mà như tiếng trúc tự Thiên Thai
Tôi dừng lại ở câu thơ này. Tự hỏi: thực ra có tiếng sáo này hay không? Tác giả bảo nó là “tự Thiên Thai” đó, hợp cảnh hợp tình thì có nhưng hơi gò ép, làm tứ thơ chểnh mảng đi. Tuy nhiên phải nói rằng Nguyệt Đình yêu dòng Hương Giang lắm, nên nhìn vào đâu, nghe đâu đâu cũng thấy chan chứa tình.
Đến nỗi, không phải ai khác, chính Nguyệt Đình đã thấy cả Kinh đô nơi sóng nước. Nguyệt Đình nhìn thấy đền, đài, lăng, tẩm ngay trong dòng sông của mình:
Hương Giang thanh thản soi đài các
Ngự lĩnh thung dung ngắm điện đình
Lãng đãng sương thu hồn mặc khách
Nhạt nhoà thuỷ mặc vẽ Xuân Kinh
(Vào thu)
Khi Nguyệt Đình treo vầng trăng trên sông Hương, ta lại gặp chính nơi đây một dòng sông thơ khác, nó man mác rất đa tình:
Hồn ta lành lạnh trong trăng đó
Ngửa mặt bên trời chiếc nguyệt treo
(Thuyền trăng)
Ai đã từng trên thuyền trong đêm trăng ra giữa dòng Hương Giang, buông chèo cho thuyền tự trôi và đêm ca Huế trên sông bắt đầu với tiếng nhị tiếng thập lục và tiếng hát ca Huế, mới cảm nhận hết những câu thơ lai láng này:
Chầm chậm em ơi chớ vội vàng
Chờ thêm chốc nữa nguyệt đầy khoang
Rồi mau em nắn cung thương lại
Dạo khúc Thường Nga kẻo nguyệt tàn

Thơ Nguyệt Đình có một bài thơ rất buồn. Cũng lại là thơ về sông Hương, về một bến sông cũ không còn nữa. Một nỗi buồn thật thấm thía:
Bến cũ ngày xưa bặt điệu hò
Chiều buông gờn gợn, sóng quanh co
Chừng nghe sương khói luồn lau lách
Như thoảng bờ xa tiếng gọi đò
(Bến xưa)
Có một nhà thơ Huế yêu sông Hương đến thế là cùng.
Thơ Nguyệt Đình có một giọng riêng, hơi xưa một chút, chẳng thể đòi hơn. Ông chỉ giận mình tình yêu mênh mông thế sao chẳng kéo lại được thời gian:
Mải mê chèo chống vui sông nước
Ngoảnh lại ai ngờ tóc trổ bông

Hoá ra Nguyệt Đình cũng là nhà thơ lãng đãng mà đầy tâm trạng. Không tâm trạng không thể yêu dòng sông mà mình tương tư đến thế. Vì vậy mà Nguyệt Đình đã cho đời những câu thơ thật đắt giá về sông Hương. Quả thật không tâm trạng, không đau đáu tương tư không thể có những vần thơ cất cánh như thế. Nếu không, nhà thơ Tường An sao lại thấy nữ sĩ Kiều Anh ngậm ngùi khi đọc thơ Nguyệt Đình:
Đọc thơ Huế của Nguyệt Đình
Ngậm ngùi nhớ Huế một mình lệ rơi.
N.Q.H

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Các bài mới
Trà Trung Hoa (18/02/2009)
Chùm thơ Lưu Ly (18/02/2009)
Đất nước tôi (18/02/2009)