Tạp chí Sông Hương - Số 193 (tháng 3)
Văn học Việt Nam sau 1945
15:05 | 17/02/2009
PHONG LÊ(Trích - Nhìn từ các mục tiêu của công việc “viết”)

Nói “viết” tức là nói đến sáng tạo văn chương và nghiên cứu học thuật. Là nói đến một nghề chuyên... Từ lúc nào chuyện viết văn trở thành một nghề, và hệ thống các sản phẩm của nó có diện mạo ra sao trong lịch sử - đó là câu chuyện đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ muốn khoanh một vùng rất nhỏ quanh câu chuyện “viết” gắn với sự đổi mới và đặc điểm của văn học Việt Nam từ sau 1945, cho đến 1986 – là năm khởi động công cuộc đổi mới, sau hơn nửa thế kỷ chuyển động từ văn học Trung đại (Hán, Nôm) sang văn học hiện đại (Quốc ngữ)...

• BẮT ĐẦU TỪ CÂU HỎI: “VIẾT CHO AI?”
Câu chuyện “viết” với ba yêu cầu: Viết cho ai? Viết gì? Viết như thế nào? là câu chuyện được đặt ra trong văn học ngay từ sau 1945, gắn với việc thực hiện phương châm Đại chúng hoá - một trong 3 phương châm: Dân tộc hoá, Đại chúng hóa, Khoa học hoá được nêu trong Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đại chúng hoá là nhằm đưa văn chương trở về với đại chúng, phục vụ cho đại chúng, đáp ứng nguyện vọng của đại chúng - và muốn có hiệu quả đó thì văn chương phải được quần chúng yêu thích, đón nhận. Khẩu hiệu Viết cho ai? do vậy được đưa lên hàng đầu, khi văn học trong bước ngoặt Cách mạng tháng Tám phải tiến hành khẩn trương và triệt để một chuyển đổi từ công chúng trung lưu thành thị, về với đại chúng công nông binh.

Các mục tiêu của công việc Viết cũng sớm được đặt ra trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người từng có một sự nghiệp viết rất lớn, từ những năm 20, ở địa bàn Paris. Bài nói đầu tiên của Chủ tịch về vấn đề này là bài Cách viết, tại Trường chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17-8-1952(1), rồi được trở lại một lần thứ 2, trong Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-
1962): “Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
“Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”(2).
Ở đây, trong cách đặt vấn đề của Hồ Chí Minh, không có vấn đề Viết gì? mà chỉ có vấn đề Viết để làm gì? Nhưng trong thực tế, vấn đề Viết gì? cũng thường luôn luôn được trở đi trở lại trong các văn kiện của Đảng, và các Hội nghề nghiệp.
Điều cần lưu ý, tuy chỉ là bài nói với giới báo chí nhưng rồi do sự cần thiết, chúng ta chủ trương áp dụng ý kiến của Hồ Chủ tịch cho mọi dạng viết, mọi binh chủng chữ nghĩa, trong đó có văn chương, học thuật.

Và, khi đặt lên vị trí số 1 câu hỏi Viết cho ai? chúng ta hiểu: đây là sự đánh dấu bước chuyển quan trọng nhất của văn học mới. Bởi mối quan tâm đến công chúng, đó là biểu hiện của sự tiến bộ trên con đường dân chủ hoá đời sống tinh thần con người. Nó hoàn toàn trái ngược với quan niệm của kẻ Sỹ thời phong kiến: Viết cho mình. Hoặc viết cho một bộ phận rất nhỏ giới tinh hoa gần gũi, tri kỷ với mình. Đặt câu hỏi: “Viết cho ai?” là nhằm giải quyết nhu cầu của quần chúng thuộc số đông, nhằm giác ngộ, tuyên truyền, đưa quần chúng vào trường cách mạng, vào một cuộc sống đầy ắp các hoạt động biến cải. Và quần chúng vào một thời điểm nào đó, còn là thất học; hoặc còn đang thanh toán nạn mù chữ; họ liên tục là lực lượng đóng vai trò chủ lực trong các cuộc chiến tranh và cách mạng. Viết cho số đông, nhằm giáo dục, động viên số đông; tác phẩm phải đến với nhu cầu và lợi khí của số đông; nhà văn do vậy phải là người tuyên truyền, giáo dục... Đó là các ý tưởng chính được rút ra tự nhiên từ câu hỏi: “Viết cho ai?”.

Trong mệnh đề: “Viết gì?” điều quan tâm đặt vào nội dung. Đó là câu chuyện chúng tôi sẽ nói tiếp ở phần sau bài này. Phải quan tâm trước hết đến nội dung. Nội dung quyết định hình thức. Thông điệp phát ra từ sản phẩm là nội dung. Nội dung này lại cần phải dễ hiểu, cần cho ai ai cũng có thể hiểu được. Và không được hiểu sai lạc. Từ yêu cầu này mà chuyển sang mệnh đề: “Viết như thế nào?”. Đó là một yêu cầu về hình thức, về phương thức thể hiện.
Như vậy các mục tiêu của công việc Viết đã sớm được đặt ra ngay từ sau 1945, do tình thế đặc biệt của lịch sử và do nhu cầu bức bách của cách mạng. Yêu cầu về hình thức, câu hỏi “Viết như thế nào?” (ngôn ngữ, hình thức, văn phong, thể loại...), nếu trước 1945 có phần là động lực để thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá văn chương, thì sau 1945, không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa. Văn học cần một tiếng nói lớn, bao trùm: tiếng nói của quần chúng, tiếng nói của thời đại. Nhà văn là người đón nhận và phô diễn tiếng nói đó bằng giọng điệu khiêm nhường của mình. Trong quan hệ giữa người viết và người đọc, điều cơ bản nhất, quan trọng nhất là đưa người viết lên tầm của sự nghiệp cách mạng, được hiểu là sự nghiệp của quần chúng; và nội dung viết ra cốt nhất phải sao cho quần chúng hiểu. “Xu hướng tự nó phải toát ra từ tác phẩm, nhưng phải rõ ràng. Đề tài, chủ đề, cách thể hiện rõ ràng - đó là một biểu hiện của tính đảng và tính nhân dân trong văn nghệ ta” (...) “Nếu những điều quần chúng suy nghĩ sau khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật trái hẳn với chủ định của tác giả thì tác giả phải xem lại nội dung tư tưởng của tác phẩm, xem lại cách thể hiện của mình, nhất là xem lại chủ đề và lập trường tính đảng có ăn khớp với nhau không?”(3).

Sự quan tâm trước hết về nội dung, về những biểu hiện của tính đảng trong nội dung - tính đảng vốn được xem là linh hồn của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa - theo quan niệm như trên tự nhiên đưa tới địa vị thứ yếu của hình thức, hoặc nói đúng hơn, đưa tới quan niệm yêu cầu cao nhất của hình thức là phải sao cho dễ hiểu, không được hiểu theo nhiều cách, không được sa vào những tìm kiếm về hình thức: “Chủ nghĩa hình thức đi tìm những cách biểu hiện cầu kỳ, khó hiểu để che đậy cho một nội dung nghèo nàn hoặc không hiện thực; chủ nghĩa tự nhiên quá thiên về những khía cạnh vụn vặt của cuộc sống hoặc ghi chép một cách nô lệ những điều tai nghe mắt thấy; những bệnh đó còn tồn tại trong một số tác phẩm văn nghệ của ta. Gần đây lại thấy vài biểu hiện không tốt, như “lai căng”, xa rời tình cảm và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bắt chước nước ngoài một cách mù quáng và luyến tiếc nghệ thuật suy đồi của xã hội tư sản”(4).

“Lai căng”, và “nghệ thuật suy đồi” - những biểu hiện của nó là như thế nào, thật ra không dễ đoán định; nhưng nếu được xác định, thì lập tức tác phẩm phải chịu sự phê phán, và người đề xướng, ở cả sáng tác và phê bình, đều không tránh khỏi tai vạ. Những vụ, việc diễn ra, vào đầu những năm 60 thế kỷ XX đều có nguyên nhân ở sự vi phạm các nguyên tắc này. Tất cả những Vào đời của Hà Minh Tuân, Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm, Con nai đen của Nguyễn Đình Thi, Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc, Sương tan của Hoàng Tiến, Mở hầm của Nguyễn Dậu... cho đến lý luận “phá vỡ lôgich cuộc sống” của Mai Thúc Luân, đều được quy vào trường ảnh hưởng của các quan điểm nghệ thuật tư sản hoặc xét lại. “Ai đã phê bình truyện dài Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm là thiếu tính đảng? Trong lúc một vài nhà phê bình quen thuộc của ta ca tụng một chiều tác phẩm đó thì chính những anh chị em công nhân mỏ Hồng Quảng và Khu uỷ Hồng Quảng đã phê phán như trên...”... “Mạch nước ngầm phản ánh tâm trạng bối rối của tác giả đã không tìm được cách giải quyết đúng đắn mâu thuẫn giữa tiến bộ và lạc hậu, đánh giá thấp vai trò lãnh đạo tập thể của Đảng và không nhìn rõ tác dụng giáo dục của tập thể đối với cá nhân; do đó tác phẩm đã mang tính chất tiêu cực, bi quan”... “Nguyễn Đình Thi đã thành công trên nhiều lĩnh vực khác, nhưng về kịch thì Con nai đen đã quá thiên về cách thể hiện rắc rối, ly kỳ. Mặc dù ý định của tác giả là muốn nói lên cuộc đấu tranh giữa cái chân với cái giả, giữa cái chính với cái tà và cuối cùng chân đã thắng giả, chính đã thắng tà, nhưng chủ đề đó đã phải thông qua một loạt tình tiết phức tạp, ngoắt ngoéo rất khó hiểu, cho nên sức truyền cảm của hình thức nghệ thuật đối với người xem đã bị hạn chế. Nhất là về mặt chính trị, điều không có lợi là vở kịch có thể làm cho người ta hiểu lầm về mặt này hay mặt kia”(5).

Tôi dẫn các ý kiến trên, được rút ra trong một văn kiện quan trọng ở Đại hội văn nghệ toàn quốc, trên miền Bắc, lần thứ II, năm 1962, bởi vì buổi đầu những năm 60 được xem là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, thời kỳ, cùng với kết quả của Đại hội lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1960, Đại hội thiết kế đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là sự triển khai sôi nổi và hoàn chỉnh lý luận cơ bản của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Một hệ thống lý luận được triển khai từ các bản dịch kinh điển của Mác-Ăngghen-Lênin về văn học - nghệ thuật, cùng với các cuốn được xem là nguyên lý lý luận như của J.Fréville (Pháp), Ba Nhân (Trung Quốc), Abramôvits, Timôfiép (Liên Xô)...

Sau việc phê bình và xử lý một số tác phẩm có lệch lạc như trên, vào nửa đầu những năm 60, phong trào sáng tác trở lại với đường ray quen thuộc. Những nung nấu tìm tòi về nội dung và hình thức nếu có, là trong khuôn khổ những quy định đã nêu. Phong trào sáng tác tựa như một mặt bằng rộng rãi, một đại lộ có nhiều người đi, ai cũng mong có sự yên ổn, và được yên trí là đã đi đúng đường, và nhìn vào bạn đồng hành để cùng đi. Nó có dáng một cái gì đã an bài, các kiểu mẫu thường đã có ở trước mặt hoặc bên cạnh mình, thuộc trong số các tác phẩm được chọn dịch ở Liên Xô (cũ), hoặc của các nhà văn mà thành tựu đã được khẳng định, theo một trật tự sắp xếp lấy tiêu chuẩn nội dung tư tưởng đặt ở hàng đầu. Nó thiếu hẳn những động lực để làm khác, hoặc vượt xa, vượt cao. Văn học là hình ảnh một con đường, có thể là đại lộ, có nhiều người đi, nhưng chưa có nhiều ngả đường.

Nhiều người đi thì cảm thấy vui, và hài lòng, không thấy rõ lắm sự đơn điệu. Cảm giác về sự đơn điệu rồi sẽ đến, nhưng phải chờ đến giao điểm 70 và 80, sau khi đất nước thống nhất; và trở nên căng thẳng vào giữa những năm 80 - thời kỳ tiền Đổi mới, mà người đầu tiên phát hiện và dám nói to mối lo âu ấy là Nguyễn Minh Châu trong bài báo nổi tiếng: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ(6); bài báo, cho đến bây giờ, xem ra vẫn còn tiếp tục gây nên sự e ngại hoặc phẫn nộ.

• YÊU CẦU “VIẾT NHƯ THẾ NÀO?” VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC.
Trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, đã có thời, nhiều người trong giới sáng tác, phê bình không thôi suy nghĩ trên một quan niệm rất chân thành của một người viết có tên tuổi: Tôi viết theo tư tưởng Đảng và với ngôn ngữ  của tôi. Câu nói thể hiện lòng tin yêu tuyệt đối của nhà thơ đối với Đảng, với cách mạng, và chế độ.
Rõ ràng trong nhiều chục năm đấu tranh cách mạng - Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, Chủ nghĩa xã hội là nhất trí với nhau, là một. Bao thơ ca, tiểu thuyết, bức hoạ, bản nhạc đã chọn chủ đề ca ngợi cách mạng theo tinh thần nói bao nhiêu cũng không đủ ơn sâu của Đảng.

Như vậy thì điều tâm nguyện đưa ngôn ngữ riêng thể hiện tư tưởng Đảng có gì là sai? Ai dám nghĩ đó là sai trong cả một thời dài? Cố nhiên câu nói đó không chặt chẽ bằng câu của Mikhain Sôlôkhốp: Tôi viết theo chỉ thị của trái tim mà trái tim tôi là thuộc về Đảng. Dẫu vậy không ai bắt bẻ ý nghĩ và tâm sự chân thành đó.
Thế nhưng rồi cùng với sự trưởng thành chung của cả dân tộc, và của riêng từng con người; cùng với thời gian cho sự chín muồi của các sự kiện ta sẽ thấy chân lý đó cần được điều chỉnh. Đảng đâu muốn nhà văn là người minh hoạ, dẫu là minh hoạ bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Đảng cũng không nhận mình là thánh thần để bắt toàn dân tộc phải nghe theo. Đảng cũng có thể sai, và đã nhận sai lầm trong Đại hội VI - cuối 1986 qua hai phương châm “Lấy dân làm gốc” và “Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”... Có lẽ phải từ đấy ta mới thấy thấm thía sự đi tìm ngôn ngữ riêng cho một chân lý có sẵn hoặc do ai đó ban phát rõ ràng không phải, không thể là cái đích xa, hoặc cao nhất cho con đường của nghệ thuật. Con đường nghệ thuật phải là con đường riêng của sự khám phá các chân lý đời sống và nghệ thuật - nhà văn phải là người có tư tưởng riêng trong ngôn ngữ của mình.

Không ít người viết đã phải trải ít nhiều những dằn vặt này: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, rồi Nguyễn Minh Châu... Và cả Nguyễn Đình Thi, người luôn luôn ở cương vị lãnh đạo Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn, người có trách nhiệm quán triệt và thực thi mọi quan niệm chỉ đạo được ghi trong các Nghị quyết và văn kiện... Thế nhưng cũng chính Nguyễn Đình Thi lại là người đã viết và cho diễn hai vở kịch: Con nai đen, và Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Trong bài Trả lời phỏng vấn tờ báo Bông Trang của Hội Văn học Nghệ thuật Sông Bé, số 2, tháng 10-1992, có tên Phút nói thật về vở kịch vạch trần sự nói dối, sự kiện Con nai đen của ba mươi năm trước đã được kể lại khá tường tận trong một bài tựa như hồi ký, và ở đây tôi muốn dẫn trích dài dài một chút, vì cái tập san văn nghệ địa phương này quá hẻo lánh, và hình như cũng chỉ ra được một vài số rồi thôi. Theo cách dẫn dắt của cuộc đối thoại thì thấy tác giả dựng Con nai đen muốn có chủ đề: “Nếu thích nghe kẻ nói dối thì sẽ mất người nói thật”. Buổi diễn được công chúng chú ý và hoan nghênh. Nhưng “sau khi diễn, có hai luồng ý kiến: một cho là vở kịch đặt ra vấn đề triết học sâu, một bảo là vở kịch phản động, ám chỉ Cải cách ruộng đất - đưa ra hình ảnh kẻ thù bên ngoài len vào bên trong đánh người thân tín...”. Vở kịch được T.C và HVH xem, rồi có lệnh cấm diễn. “Trong cuộc họp nội bộ, ông T.C lên án Con nai đen gay gắt lắm, bảo xấu hơn cả Nhân văn, ác hơn...”.

Nguyễn Trãi ở Đông Quan
Nguyễn Đình Thi viết xong năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Vở kịch muốn đặt vấn đề về trí thức. “Trong những tác phẩm viết về trí thức thường thường người ta đặt vấn đề thân phận trí thức, có những điều người trí thức cho là phải, nhưng xã hội chưa cho là phải nên họ bị đe doạ, khủng bố. Ở đây tôi muốn đặt vấn đề người trí thức Việt có số phận gắn với dân tộc quyết liệt lắm, vì đất nước mình luôn luôn bị nạn ngoại xâm, hơi sơ hở một tí là mất nước hay bị đồng hoá liền. Vì vậy ngay cả giáo điều đạo Nho và tôn giáo cũng chỉ là trí tuệ hoá đá mà thôi; người trí thức phải tự tìm lấy con đường riêng cho mình để giúp đời, cứu dân cứu nước”. Nguyễn Đình Thi kể tiếp về cuộc gặp gỡ và câu chuyện diễn ra với T.C, trong đó tác giả trình bày quan niệm riêng của mình không dựng Nguyễn Trãi như một anh hùng dân tộc, vì vị thế đó phải là Lê Lợi. Nguyễn Đình Thi có ý định “thể hiện Nguyễn Trãi như một người trí thức sống giữa vùng o ép của kẻ thù vẫn bình tĩnh sáng suốt tìm được con đường riêng cho mình mà đi, tức là đến Lam Sơn gặp Lê Lợi dâng kế sách khoét sâu vào những mâu thuẫn trong nội bộ của chúng để tìm cách đánh vào lòng của chúng...”

... “Ông T.C dở kịch bản ra trong đó gạch đỏ đầy cả - thì ra người ta chuẩn bị gạch sẵn những câu nào mà họ cho là có ý làm loạn. Tôi bèn nói với ông: “- Anh cho tôi hỏi thật, anh là người xem, anh có thấy cái cảnh tôi tả cuộc trao đổi giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn có đúng như người ta nói là tôi tả cuộc họp Bộ chính trị không? Anh thấy tôi viết có gì sai với thực tế lịch sử không?”. Ông liền nói: “- Anh đã nói thì tôi cũng nói thật: viết và đưa lên sân khấu như thế nào cũng phải chú ý đến hoàn cảnh nước ta bây giờ. Dân đói. Đảng và Nhà nước chịu không có cách gì, chỉ còn biết thắt lưng buộc bụng chia đều cái đói ra thôi. Dân tình bây giờ đang như nồi nước sôi, chỉ cần thêm một giọt là sẽ tràn. Anh phải cẩn thận, nghĩ đến tình hình xã hội giữa lúc này mà cân nhắc xem nên viết cái gì”. Thấy ông nói đàng hoàng như vậy tôi cũng cảm động, lúc chia tay nhau rất vui vẻ, không có chuyện gì”.

Thế nhưng sau đó lại có thông tri của Ban Bí thư gửi nội bộ lên án vở kịch có dụng ý xấu, ra lệnh cấm diễn”.
Và đây là ý kiến và cách xử lý của Lê Đức Thọ: “Tôi là người ký thông tri của Ban Bí thư, vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan tôi cũng chưa xem, chưa đọc. Nhưng các đồng chí phụ trách bảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nói tôi ký thì tôi ký. Sau đó tôi đã cẩn thận, nghiêm túc xem lại, thấy một số người cho rằng anh Thi bóng gió xỏ xiên anh em lãnh đạo là không phải, vì anh Thi là cán bộ lâu năm của Đảng, ai lại làm chuyện ấy”.
Ở một cuộc họp khác, ông Lê Đức Thọ nói: “- Cái gì đây? Chống giáo điều đây! Viết sâu sắc đấy! Nhưng ý kiến tôi thì tả Nguyễn Trãi như vậy chưa thật đúng, tiến bộ quá! Khi đó Nguyễn Trãi còn ở Đông Quan, chưa trực tiếp lặn lội với trận mạc, mà nhiều vấn đề đã phát triển quá sớm, chưa phải lúc”...
Nhưng rồi vở kịch vẫn không được diễn lại”(7).

Có thể dẫn thêm những trường hợp khác như Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu... trong những khoắc khoải trở về với các yêu cầu của văn chương - nghệ thuật; trong khao khát đi tìm cho mình một ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng; trong sự phô bày những quan niệm và ý tưởng mới về nhân sinh và nghệ thuật.
Nguyễn Huy Tưởng viết trong Đề từ Vũ Như Tô, năm 1942: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Đài Cửu Trùng không thành nên mừng hay nên tiếc?”. Vở kịch trong suốt nhiều chục năm sau 1945 không hề được nhắc nhở. Cho đến khi được in, trước khi mất, tác giả vẫn rất băn khoăn và lo ngại cho lời Đề từ...

Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam, người đã dứt khoát phủ nhận tác phẩm tâm huyết nhất của mình cùng với phủ nhận cả Phong trào Thơ mới ngay từ 1951, khi viết Nói chuyện thơ kháng chiến; khẳng định lại sự phê phán đó ở hai bài viết năm 1960 và 1964; tiếp tục trở lại sự phê phán đó, năm 1977. Nhưng trước khi mất, năm 1982, trong tâm sự với con là Từ Sơn, ông đã thổ lộ: “...Cha biết văn chương của cha cũng vậy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt thì không chắc gì người ta đã công nhận cha là một nhà văn”(8).
Chế Lan Viên, năm 1960, trong Ánh sáng và phù sa dứt khoát phủ định bản thể luận: Ta là ai? để khẳng định nhân sinh quan: Ta vì ai?
Ta là ai? như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Đến 1988, trong bài Hỏi? Đáp ở Di cảo thơ(9) lại trở về với chính bản thể luận: Ta là ai? mà ông đã phủ nhận:
Con người ngẩng lên trời làm triết học:
Ta là ai? Về đâu? Hạt móc
Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng?
                                               Tiếng khóc
Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối.
Cậu bé chơi tùng dinh vụt già trăm tuổi
Câu hỏi thuở bé thơ, miệng huyệt trả lời.

Và Nguyễn Minh Châu, trong bài viết cuối đời đã dẫn trên, chính là người đã nói được một cách thống thiết một phần sự thật: Cách mạng đã tạo một sức giải phóng lớn cho ngòi bút nhà văn, nhưng cách mạng vẫn còn để lại những khó khăn, những trở ngại: “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng - nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn - không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực, nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh hoạ, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn, cho chữ nghĩa những văn bản đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn...”

• CÂU CHUYỆN VỀ CHỨC NĂNG VÀ GIÁ TRỊ VĂN HỌC
Năm 1975 trên miền Bắc, chức năng giải trí chưa được đặt ra. Bởi sự thật lúc đó công chúng của ta chưa quen lắm với yêu cầu giải trí. Do thế mà mới chỉ có một vài thăm dò đã lập tức bị rào đón. Văn học phải đặt ở hàng đầu chức năng giáo dục. Điều này là dễ hiểu. Cả dân tộc còn đang trong chiến tranh, hoặc vừa mới ra khỏi chiến tranh. Chiến tranh là sự đối diện địch - ta, là sự chọn lựa gay gắt giữa được - mất, thắng - thua. Đời sống chiến tranh là khắc nghiệt. Văn học phải được xem là một binh chủng trong đạo quân chữ nghĩa: báo chí, tuyên truyền. Văn học cảm nhận sứ mệnh vinh quang ở trong đội quân đó. Nó cần là vũ khí. Nó phải có ích, trước khi nó muốn là hay, là đẹp. Và cái hay, cái đẹp cùng đến với cái có ích.

Quá trình để cho văn chương trở về với văn chương là một quá trình vật vã, dằng dai trong quan niệm của kẻ Sỹ Phương Đông hàng nghìn năm. Từ văn chương “chở đạo”, văn chương “có ích” đến văn chương “mua vui” - “mua vui cũng được một vài trống canh” - như cách nói của Nguyễn Du trong kết thúc Truyện Kiều, hoặc “văn chơi” - “có văn có ích có văn chơi” - theo cách nói Tản Đà, là một bước tiến cho văn chương trở về quỹ đạo văn chương. Trên đà này sẽ có thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nôm Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Những “lệch pha” không đi vào giòng chính thống này, may mắn thay lại đem lại cho lịch sử văn chương những áng văn tuyệt vời. Hàng nghìn bài thơ giáo huấn đã bị quên trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng Truyện Kiều với đủ các bệnh trạng: “ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi” - theo cách phê phán của một nhà Nho - chí sĩ vào những năm 20 (thế kỷ XX) lại trường tồn. Quá trình này sẽ còn tiếp tục với văn chương Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, và chuyển sang một giai đoạn phát triển cao vào những năm 20 và 30, trước Cách mạng Tháng Tám - 1945. Sau 1945 là một bước ngoặt trên con đường nhấn mạnh quan niệm văn chương là vũ khí, văn chương gắn với các yêu cầu chính trị, để cuối thế kỷ khi đất nước trở lại với thời bình, thoát ra khỏi thế lưỡng cực - hai phe, thoát ra khỏi cuộc đấu tranh ý thức hệ dằng co và căng thẳng, thì vấn đề bản chất, đặc trưng, chức năng của văn chương mới được trở về trên một quan niệm mở. Như vậy là quá trình xích gần, gắn bó, rồi có mặt tách ra, khẳng định các chức năng riêng của văn chương, với lẽ tồn tại và phát triển của bản thân nó, như một hoạt động tinh thần và tình cảm con người là một quá trình tự nhiên, nói lên sự phát triển theo chiều hướng mở rộng các mối giao lưu với nhân loại.

Từ nhận thức này mà nhìn lại lịch sử, ta sẽ đỡ khe khắt hơn trong sự phán xét những kiếm tìm về ngôn ngữ, về hình thức, thể loại văn chương, nó nhằm vào câu trả lời: “Viết như thế nào?; về cá tính, giọng điệu tác giả trong những bối cảnh đặc biệt. Hơn nữa còn có thể gạn lọc mà tiếp nhận các giá trị thẩm mỹ có mặt lành mạnh đến từ quan niệm của những người từng được xem là chủ tướng, hoặc thuộc phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” trong cuộc tranh luận nghệ thuật vào giữa những năm 30; những người muốn tìm đến văn chương như một cứu cánh để trốn tránh cuộc đời ô trọc (Thế Lữ: Cây đàn muôn điệu); hoặc muốn xác định: “Văn chương phải là văn chương”(10) với quan niệm về một cái hay của văn chương không thực dụng: “Một bài văn hay là một bông hoa. Làm sao người ta lại cứ ép bông hoa phải thành quả là nghĩa gì? Một tí hương man mác lúc canh trường, những màu xanh tươi rung rinh dưới ánh trời khi ban sớm, khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà trong chốc lát hưởng những phút say sưa, như vậy há chẳng đủ cho một đời hoa hay sao?”(11).

Ngót 40 năm cả dân tộc sống rất căng thẳng đời sống chiến tranh, - đời sống của sự phân đôi, của sự được thua, của sự chọn lựa chỉ một trong hai phía, một trong hai con đường, khiến cho trận tuyến văn học dường như cũng bị phân đôi. Những gì bị coi là lệch lạc phải lập tức gạt bỏ, ngay cả lệch lạc của sự đi tìm các giá trị văn chương, chứ không nói đến những xu hướng phản chính trị hoặc phi chính trị. Vậy nên bức tranh văn học gần như chỉ là hình ảnh một con đường, trên đó cả một đạo quân cùng lên đường, mọi gương mặt đều hào hứng, hồ hởi, nhưng dường như đều nhoà lẫn vào nhau; và sự giống nhau, sự không khác nhau này dường như cũng không gây buồn phiền gì lắm cho mọi người viết. Bởi lẽ bổn phận của nhà văn, sức nặng của mỗi trang viết là nhằm vào sự nghiệp chung:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương.
                                    (Tố Hữu: Tiễn bạn)

Sau một cuộc chiến tranh mới là lúc mỗi con người trở về với vị trí của đời thường. Yêu cầu của cái riêng và nghĩa vụ của mỗi người đối với cái riêng dần dần được đặt ra. Và nếu hiểu quá trình dân chủ hoá xã hội là quá trình mỗi đơn vị, mỗi chủ thể, tìm lại được quyền tự chủ của mình, chứ không ở trong tư thế ỷ lại, trông chờ vào một đấng siêu nhân nào thì trong văn học, hiện tượng xuất hiện và đua nở của những tìm tòi cho cái riêng là một biểu hiện tự nhiên của sự phát triển.

Trên ba mươi năm chiến tranh, như trong một binh chủng mà vị trí của các chính uỷ được xác định ở vị thế cao, sự xếp hạng trong văn chương cũng chấp nhận một nguyên tắc tương tự. Những tiêu chuẩn chính trị có ưu thế hơn so với tiêu chuẩn văn chương. Các giá trị tư tưởng phải được xem trọng trước giá trị nghệ thuật. Các giá trị phục vụ trước mắt có ưu thế hơn cái lâu dài. Công chúng xem ra có thẩm quyền hơn người chuyên nghiệp... Thời gian đã và sẽ còn tiếp tục làm lại sự sắp xếp này để cho mọi giá trị đều được tôn trọng, và đều được sắp xếp đúng vị trí của nó, trên cơ sở đặc trưng và chức năng riêng của mỗi loại hình ý thức hệ. Tất nhiên trong sự sắp xếp ấy, không có giá trị nào là có vị trí bất dịch và vĩnh cửu mà thường xuyên được điều chỉnh theo biến động của đời sống xã hội cùng tâm thế và nhu cầu tiếp nhận của con người.

• CHUNG QUANH YÊU CẦU “VIẾT GÌ?”
Sau câu chuyện Viết cho ai? sẽ là câu chuyện Viết gì? và Viết như thế nào?. Cả hai đều được nhắc nhở phải chú ý, nhưng sự thật thì trong một thời gian dài vẫn chỉ câu chuyện Viết gì? là được quan tâm, gần như là không kém câu chuyện Viết cho ai?. Bởi chỉ cần trả lời được hai câu hỏi: Viết cho ai? và Viết gì? thì tự nhiên, dường như chuyện Viết như thế nào đã được giải quyết.
Viết gì? trước hết là chuyện về đề tài và chủ đề.

Mối quan tâm về đề tài, sự bao quát cho đủ các mặt của đời sống, thiếu mặt nào đó là cần được nhắc nhở, kêu gọi, có thể nói là phương hướng chỉ đạo sự hiện diện và phát triển của văn học trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt từ sau 1954. Trên các văn kiện quan trọng của Đảng, của Hội nghề nghiệp và các ý kiến phát biểu của các giới lãnh đạo, mục tiêu này thường được nhấn mạnh, và dĩ nhiên công tác lý luận phê bình cũng phải quán triệt nhận thức đó. Buổi đầu những năm 60 thế kỷ XX, sau cuộc đấu tranh dẹp bỏ nhóm Nhân văn Giai phẩm, và với kết quả đầu mùa của những đợt đi thực tế, đến với các hợp tác xã tiền tiến, các công trường và nông trường... có thể xem là thời kỳ lý luận về nền văn học mới ở vào độ phát triển hoàn chỉnh. Lý luận đó có cơ sở ở các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ III, là Đại hội đầu tiên hoàn thiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội; ở những thành tựu của văn thơ phản ánh và ca ngợi “cuộc sống mới - con người mới”, mà chỉ riêng tên gọi cũng đủ say người: Cỏ non, Biển xa, Rẻo cao, Mùa lạc, Cành phong lan bể, Tàu đến- Tàu đi, Trời mỗi ngày lại sáng, Bài thơ cuộc đời, Ngói mới, Những cánh buồm, Bài ca mùa xuân 61... Thế nhưng trong bài phát biểu tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (12-
1962), có tên Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới, để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa của đồng chí Trường Chinh, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã có một nhận xét tổng quát như sau: “Trong tám năm qua, miền Bắc nước ta có nhiều biến đổi to lớn như khôi phục kinh tế, hoàn thành Cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp, và cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, bước đầu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại v.v... Vì sao những sự kiện vĩ đại ấy chưa có vị trí xứng đáng trong văn nghệ ta? Rõ ràng là văn nghệ ta còn “lạc hậu so với đời sống” như Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhận xét - lạc hậu cả về đề tài, về chủ đề, về cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực”(12).

Câu hỏi trên về sự thiếu vắng các mặt đề tài quan trọng và nhận định về sự lạc hậu của văn nghệ trước đời sống rồi sẽ theo đuổi mãi nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, như một định mệnh. Và có lẽ mãi mãi căn bệnh trên cứ tồn tại, vì rõ ràng, là văn nghệ không thể nào đuổi kịp và bám sát mọi mặt đời sống theo phương thức của báo chí, thông tin, tuyên truyền. Vậy là suốt cả một thời dài, nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được trao một trách nhiệm xem ra khó có thể thực hiện nổi; hoặc nói cách khác, không hẳn là trách nhiệm của nó với tư cách một nghệ thuật ngôn từ lấy khái quát và sáng tạo lại hiện thực, lấy sự nhận thức về chân dung và gương mặt tinh thần của con người làm mục tiêu. Sự đòi hỏi về đề tài tất yếu đẻ ra bệnh sơ lược, vì nhà văn viết theo đề tài, chạy đuổi theo đề tài, để được tiếng là người nắm vững chính sách, nhạy cảm với các đòi hỏi của cuộc sống, rất dễ phải hy sinh phần thấu hiểu và tâm huyết nhất của mình, gạt bỏ những chủ kiến của riêng mình...

Mặt khác, cứ giả định rằng đã có một sự bám sát và bao quát nào đó trong văn nghệ, với một loạt các tác phẩm được dẫn ra theo kiểu lắp ghép cho đủ các đề tài, thì văn chương, cho dù có phát triển bao la đến đâu, cũng không rải khắp mọi mặt đời sống được. Rồi thì chính những gì được dẫn ra, như thành tựu rực rỡ một thời, rồi cũng không còn sống được bao lâu trong tâm trí người đọc. Và công chúng, cái công chúng bao gồm nhiều thế hệ lại vẫn cứ dửng dưng và nhanh chóng bỏ quên dường như gần hết những gì đã được nhà văn liệt kê và bám sát trong suốt mấy thập niên về vào-ra hợp tác, ba sôi- hai lạnh, bờ vùng- bờ thửa, bậc thấp- bậc cao, cấy thưa- cấy dày, giống má- phân gio... mà không thôi ám ảnh về một chân dung của Chí Phèo hoặc Xuân tóc đỏ... Tóm lại sau tất cả những đòi hỏi xem ra rất hợp lý, nhân danh đời sống, nhân danh các nhiệm vụ cách mạng, câu trả lời của văn nghệ vẫn không thể là câu trả lời bằng đề tài, hoặc theo phương thức của báo chí, thông tấn, tuyên truyền, mà phải bằng chính tiếng nói nghệ thuật - thông qua sự kết tinh của những chân dung sống động, những phẩm chất thẩm mỹ, và sự gửi gắm các ý tưởng, tình cảm, tâm huyết của chính nhà văn.

Thật ra cũng có thể nói đến đề tài, theo một nghĩa rộng nào đó hoặc là rất rộng. Chẳng hạn đề tài về lịch sử, về xã hội cũ, về Cải cách ruộng đất, về hai cuộc kháng chiến, về công cuộc xây dựng đất nước trong và sau chiến tranh. Đó chính là nền, là bối cảnh mà bất cứ người viết nào cũng không thể xa rời để đặt ra và trả lời những vấn đề vừa lớn lao vừa cụ thể của đời sống và con người, của dân tộc và thời đại. Có điều là từ một cách hiểu rộng chúng ta cứ thế, theo thói quen, hoặc theo một cách nghĩ nông cạn, mà chẻ vụn nó ra thành từng ô hẹp, tương ứng với các cuộc vận động, các phong trào, các chủ trương, chính sách cụ thể, các tầng lớp, ngành nghề, địa phương, khu vực... Và cứ thế, văn chương phải thực hiện một chức năng xa dần với yêu cầu, với đặc trưng và phẩm chất của chính nó.

Trên chiều hướng này, những nhiệm vụ đặt ra cho văn nghệ và những việc văn nghệ phải làm sẽ gần như trùng khớp với các hoạt động của giáo dục, tuyên truyền: “Văn nghệ phải làm cho nhân dân ta phân biệt được cái đúng với cái sai, cái mới với cái cũ, cái tiến bộ với cái lạc hậu, và ủng hộ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ. Văn nghệ phải kiên quyết đấu tranh chống những thói ích kỷ, lười biếng, bảo thủ, tham ô, lãng phí, quan liêu v.v... chuyển biến tư tưởng và tác phong của con người, tạo nên một nếp nghĩ, nếp sống mới của con người xã hội chủ nghĩa...”(13). Dĩ nhiên khi đặt cho văn nghệ trách nhiệm cao và bao trùm là phục vụ chính trị, và khi đưa chức năng giáo dục lên vị trí hàng đầu... thì việc kê ra đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể như trên là điều tự nhiên. Có nhiệm vụ đặt ra thì sẽ có việc tổng kiểm kê các kết quả thu được cho từng nhiệm kỳ, từng tháng-năm, hoặc từng vụ, việc... Tất cả những gì phù hợp với việc thỏa mãn các yêu cầu trên đều được xem trọng, được biểu dương. Những gì không đi vào quỹ đạo đó đều bị xem là xa lạ, hoặc sai lạc. Trong một thời gian dài giới lý luận, phê bình thường lấy các tiêu chuẩn được nêu như trên để đánh giá và đòi hỏi ở sáng tác; không thể nói những tiêu chuẩn đó là sai; nhưng rõ ràng có nhiều phần nó là ra ngoài. Còn chính tiêu chuẩn của nó, của chính nó, với tư cách một nghệ thuật văn chương, một thứ văn chương nghệ thuật thì lại bị bỏ qua, ít được nói đến; có lúc nào đó, có ai muốn nói đến thì cũng phải quanh co rào đón.
...
     P.L

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

----------------------
(1) Ghi lời Hồ Chủ tịch nói với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương; 17-8-1952; sách
Về công tác văn hóa văn nghệ; Nxb. Sự thật; H.1970; tr.21.
(2) Sách trên; tr.60.
(3) Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa; Bài nói tại
Đại hội văn nghệ toàn quốc (miền Bắc) lần thứ II; 1963; sách Về văn hóa và nghệ thuật; Tập II; Nxb. Văn học; H; 1986; tr.114, 115.
(4) Bài và sách đã dẫn; tr.81.
(5) Bài và sách đã dẫn, các trang 82, 83.
(6) Báo Văn nghệ; số 49-50; 5-12-1987.
(7) Bài được tổ chức theo lối hỏi-đáp giữa P.V và Nguyễn Đình Thi, thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh tháng 4-1992. Những đoạn đặt trong ngoặc kép là rút từ trả lời của Nguyễn Đình Thi. Bài không nói rõ Nguyễn Đình Thi đã xem lại chưa, và có đồng ý cho đăng không?
(8) Thi nhân Việt ; Lời cuối sách của Từ Sơn; bản in của Nxb. Văn học; 1989; tr.398.
(9) Nxb. Thuận Hóa; Tập I; 1992; tr.192.
(10), (11) Hoài Thanh: Tràng An số 80 và số 48; tháng 12 và tháng 8-1935.
(12) Về văn hóa và nghệ thuật; Tập II; Nxb. Văn học; 1986; tr.78.
(13) Sách trên; tr.92-93.

Các bài mới
Trà Trung Hoa (18/02/2009)
Chùm thơ Lưu Ly (18/02/2009)
Đất nước tôi (18/02/2009)
Các bài đã đăng