“MÌNH MUỐN VIẾT MỘT TRƯỜNG CA VỀ DUNG QUẤT” Năm 1997, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thực hiện một phim chân dung Tế Hanh theo đơn đặt hàng của Hội Nhà văn Việt Nam. Dĩ nhiên, “nhân vật chính”-nhà thơ Tế Hanh- được trân trọng mời về Quảng Ngãi, về tận quê ông ở Bình Dương-Bình Sơn để “đóng phim”. Được quen với Tế Hanh từ hơn 20 năm trước, tôi vẫn biết Tế Hanh là người thật thà, rất thật thà và có vẻ không quen “trình diễn” trước đông người. Ông nói chuyện thơ không cuốn hút như Xuân Diệu, không sắc sảo như Chế Lan Viên. Và tôi nghĩ, chắc ông cũng “đóng phim” không xuất sắc như Nguyễn Tuân hay một số nhà văn nhà thơ khác. Tôi nhầm! Dù không “diễn” theo kiểu diễn viên chuyên nghiệp trước ống kính, nhưng Tế Hanh vào vai “hơi bị được”. Ông cứ thật thà và bình dị như thế trước ống kính, cũng không khác khi ông chuyện trò với chúng tôi bên ấm trà hay thảng hoặc bên chai bia. Chính cái thật không vẽ vời của ông đã khiến Nguyễn Thụy Kha có được những thước phim chân dung rất thuyết phục.
Có lần, trong “kịch bản”, Tế Hanh có về Dung Quất để “diễn xuất”. Chúng tôi tháp tùng ông ra tận bờ biển vịnh Dung Quất, nơi sẽ là cảng dầu khí gì đó. Thực ra lúc bấy giờ chẳng thấy cảng dầu ở đâu, chỉ gặp một bờ biển đẹp thì rất đẹp nhưng... bẩn cũng cực bẩn. Đầy phân người tươi rói và cả khô cứng. Tôi với Thụy Kha phải dìu Tế Hanh đi từng bước thận trọng trên bãi cát, sợ ông dẫm phải “lựu đạn” gài. Thời gian ấy mắt Tế Hanh đã bị đau nặng, gần như ông không nhìn thấy gì, hoặc chỉ nhìn lờ mờ. Quay phim xong, cả đoàn chúng tôi lên một quán cóc phía trên bãi biển và gọi vài con mực nướng, mấy chai bia Dung Quất-bia Quảng Ngãi sản xuất - để “liên hoan”. Tế Hanh tuy chỉ nhấm nháp chút bia “quê nhà” nhưng ông rất hào hứng nâng ly với chúng tôi. Ông đâu ngờ chính vào lúc ấy, ông đã giúp cho nhà máy bia Dung Quất những hình ảnh quảng bá sản phẩm có một không hai: nhà thơ Tế Hanh uống bia Dung Quất ngay tại... Dung Quất! Quảng cáo như thế thì tuyệt vời chứ ạ! Sau này, tôi có hỏi ông giám đốc bia Dung Quất: có gì không ông? Ông ta cười khà khà: “No, I don’t know” (không, tôi không biết!). Đúng là “hết biết”. Trong câu chuyện tâm tình bên vịnh Dung Quất, chợt Tế Hanh nói: “Vùng này hồi xưa gọi là thôn Tuyết Diêm. Đây là thôn của diêm dân - những người làm muối.
Hồi nhỏ mình có trọ học ở đây một thời gian. Dân ở đây nghèo lắm. Nếu ta làm được Dung Quất cho dân Tuyết Diêm đổi đời thì không mừng nào bằng! Mình muốn viết một trường ca về Dung Quất. Mình có một khoảng thời thơ ấu ở đây. Mình muốn viết...”. Chúng tôi đều lặng người nghe ông nói. Năm 1997, Tế Hanh đã 76 tuổi (ông sinh năm 1921 - tuổi Tân Dậu - chúng tôi vẫn đọc đùa ông: “Liên Xô nở trước đời Ông... 4 tuổi). Vậy mà ông vẫn khát khao viết được một bài thơ dài về quê hương mình. Trong khi chúng tôi còn trẻ hơn ông rất nhiều, lại cứ mải bia bọt rong chơi, chỉ thỉnh thoảng ghé Dung Quất viết vài bài... báo. Mà không hẳn đã ngợi ca. Lời bộc bạch chân tình của Tế Hanh khiến cả đoàn chúng tôi cảm động. Nhưng cũng rủi mà may, là nếu ông bắt tay vào viết cái trường ca ấy, số phận nó chắc cũng long đong như... nhà máy lọc dầu Dung Quất, chẳng biết lúc nào và bao giờ có câu kết thúc.
SÁNG CÔ ÁO ĐỎ CHIỀU CÔ ÁO XANH Năm 1994, tôi được nhà xuất bản Đà Nẵng mời tham gia vào Hội đồng biên soạn và tuyển chọn một tập thơ Miền Trung thế kỷ hai mươi. Nhà thơ Tế Hanh là chủ biên công trình này. Lại có được một khoảng thời gian chúng tôi sống cùng Tế Hanh để làm việc và... lai rai. Dạo đó mắt Tế Hanh đã yếu lắm. Nghe nói Ông được đi nước ngoài chữa mắt, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm là mấy. Chúng tôi làm việc tập thể, và theo kiểu “tuyên đọc” từng bài thơ đã sơ chọn để Tế Hanh nghe và thẩm định. Ngồi với nhau như thế ngày này qua ngày khác cũng rất mệt, nhưng tôi thấy Tế Hanh nghe rất chăm chú và có những nhận xét xác đáng. Ông là người tinh tường trong thẩm thơ. Chỉ khổ một nỗi là nhà thơ ở xứ ta nhiều quá, bản thảo thơ lại càng nhiều nên chúng tôi đọc khan cả cổ mà vẫn chưa hết.
Tế Hanh vẫn kiên nhẫn ngồi nghe, không hề tỏ ra mệt mỏi, dù tôi biết ông rất mệt. Thỉnh thoảng cũng có những lúc thư giãn, chúng tôi ngồi uống bia và tán chuyện linh tinh. Tế Hanh rất hồn nhiên trong những lúc ấy, ông tham gia nhiệt tình với đám trẻ chúng tôi. Có lần, chị giám đốc nhà khách tỉnh ủy-nơi chúng tôi ở- hớn hở đến chào nhà thơ Tế Hanh. Buổi sáng, chị đến chào. Buổi chiều, chị lại... chào đến. Chúng tôi kín đáo nhìn nhau cười: thế này, khéo có chuyện(?). Đột ngột, trong lần “chào buổi chiều” của người đẹp U... 50, Tế Hanh chợt nói, bằng giọng Quảng Ngãi “gốc” của ông: “Buổi sáng cô mặc áo đỏ, buổi chiều cô mặc áo xanh, đẹp quá!” Chúng tôi nhìn nhau, chưng hửng: chết, hoá ra ông cụ còn... nhìn thấy. Nhìn đúng nữa chứ! Chị giám đốc nhà khách được nhà thơ lớn khen... trúng phóc, hai má chợt đỏ rựng lên trên nền áo... xanh.
“MÌNH THÍCH THƠ HIỆN ĐẠI LẮM, NHƯNG...” Tế Hanh thời chưa đau mắt nặng ông rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ Việt
đọc thơ Tây nhiều nhất.Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu. Có lần, cách đây đã hơn 20 năm, trong dịp về Qui Nhơn, ông nói với tôi: “Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp”. Tôi hỏi ông thích ai trong những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: “Mình thích , nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ
trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Eluard. Thơ Ông trong veo nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ Rene Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát xít nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư Phương Đông. Mình thích thơ Saint-John- Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích Andre Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích...” Tôi nghe như nuốt từng lời của ông. Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao... rất nhiều. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.
NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG Nếu 6 năm qua, trong bệnh tật, vẫn còn một cái gì đó trong Tế Hanh, cái đó tôi nghĩ chính là dòng sông quê hương ông. Trong lần làm phim chân dung Ông năm 1997, chúng tôi đã có dịp cùng Tế Hanh về quê Bình Dương của ông: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Hai câu thơ đã nói lên hết cái “lý lịch” của làng Đông Yên quê Tế Hanh. Trong lần về quê ấy, cũng nhờ yêu cầu của đạo diễn mà chúng tôi được cùng Tế Hanh đi thuyền trên dòng sông Trà Bồng đoạn chảy qua Bình Dương quê ông. Dạo ấy vẫn còn những chiếc cầu tre bắc ngang sông, và tôi ít thấy một dòng sông nào nước xanh trong đến thế! Chúng tôi như mê đi trong cái mát mẻ của dòng sông, của những “bờ tre ríu rít tiếng chim kêu”, của những “mặt nước chập chờn con cá nhảy...”. Dòng sông bỗng trở nên đẹp hơn, lung linh huyền ảo hơn kể từ khi có bài thơ Nhớ con sông quê hương của chính đứa con dòng sông ấy. Dòng sông chính là quê hương, chính là người Mẹ của Tế Hanh, và Ông đã để hết tâm hồn và tình cảm của mình vào bài thơ đã và sẽ sống mãi cùng dòng sông quê hương ông. “Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc Tôi nhớ cả những người không quen biết Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy Hình ảnh con sông quê mát rượi Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới...” Ra đi từ dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thỉ không dứt với con sông thân yêu của đời mình. Và chính ông cũng là một dòng sông, một dòng sông bình dị và đầy xúc cảm, một dòng sông biết chắt chiu từng gàu nước ngọt cho những người dân Việt thực thà đôn hậu và không thể sống thiếu một dòng sông. Nhà thơ như ông, thực không còn gì phải ân hận khi cuối cùng được hoá thân vào chính dòng sông thương thiết nhất đời mình: dòng sông quê hương. Quảng Ngãi 17/3/2005 T.T
(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)
|