I. Edgar Poe ở Việt Nam
. 1. Edgar Poe (1809 - 1849) là nhà văn Mỹ đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Bài thơ Con quạ (The Raven) của ông được Nguyễn Giang dịch qua bản tiếng Pháp, được in trong cuốn Danh văn Âu Mỹ năm 1936 và là một bản dịch ra văn xuôi. Đến năm 1941, cũng chính Nguyễn Giang dịch và xuất bản một tập truyện kinh dị của Edgar Poe. Năm 1944, Vũ Ngọc Phan dịch và xuất bản tập Truyện kỳ lạ của Edgar Poe. Trong bộ phận sách dịch từ phương Tây giai đoạn này, chúng ta biết rằng chủ yếu là sách Pháp, việc Edgar Poe được chú ý dịch như vậy có thể xem là một hiện tượng. Nước Mỹ, đối với đại bộ phận dân chúng Việt Nam bấy giờ, là một xứ xa xôi tận bán cầu Tây. Tuy vậy, đối với tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, công chức thì nước Mỹ không đến nỗi quá xa lạ. Nhóm độc giả này thuộc loại có học vấn cao ở nước ta giai đoạn này. Họ là những người giỏi Pháp văn, và họ đọc các tác phẩm văn học Mỹ qua các bản dịch tiếng Pháp. Điều này các tầng lớp xã hội khác không làm được.
Edgar Poe rất được đề cao ở Pháp trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX. Ở Pháp sự nghiệp văn học của Edgar Poe được dịch và giới thiệu rất đầy đủ, và ông được xem là một trong những nhà khai sáng ra thơ hiện đại, mà trực tiếp là trường phái tượng trưng Pháp. Về văn xuôi, Edgar Poe là người đã đặt nền móng cho truyện trinh thám - hình sự, truyện kinh dị và là “một trong số thuỷ tổ của văn học viễn tưởng”. Như vậy, chủ yếu qua trung gian là Pháp ngữ mà độc giả Việt Nam bấy giờ biết đến Edgar Poe và biết đến vị thế của ông trong văn học phương Tây. Đó là một tiền đề cho sự tiếp nhận Edgar Poe ở nước ta.
2. Ảnh hưởng là một quy luật phổ biến trong giao lưu văn hoá. Trong văn học, việc tiếp nhận và tiếp biến những yếu tố bên ngoài là điều không thể thiếu để phát triển. Tuy vậy, quá trình tiếp nhận này là hết sức phức tạp. Một nhà văn bao giờ cũng có những ảnh hưởng đến các nhà văn khác, nhưng mức độ cũng khác nhau. Có người chịu ảnh hưởng trực tiếp, có người chịu ảnh hưởng gián tiếp. Ngay ảnh hưởng gián tiếp có khi cũng trải qua mấy lần khúc xạ. Trong bài Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học, Viện sĩ Hoàng Trinh đã nêu ra hai trường hợp tiếp nhận trong văn học: “Một quan hệ song phương không cân đối” và “Một quan hệ song phương tương đối cân đối”{1}. Ở trường hợp thứ nhất, sự tiếp nhận chỉ thuần tuý là một ý tưởng nào đó được gợi đến. Ở trường hợp thứ hai, đối tượng được tiếp nhận là một nhà văn có ảnh hưởng sâu rộng và chủ thể tiếp nhận qua sự khai thác các giá trị đã tạo ra những giá trị mới, “cả hai phía phát ra và tiếp nhận trong các hoàn cảnh khác nhau đều có vai trò sáng tạo và sản sinh rất quan trọng của mình”. Theo chúng tôi, những tác động của Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử thuộc trường hợp thứ hai.
Trong một số công trình nghiên cứu và các bài viết được in trước năm 1945 ở Việt Nam đã đề cập đến Edgar Poe, đó là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Đọc Tiểu thuyết Việt Nam cận đại của Đinh Gia Trinh, Lời tựa của Khái Hưng cho tác phẩm Vàng và máu (Thế Lữ)... Vào những năm 80, nhà thơ Chế Lan Viên trong các bài giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng nhắc đến Edgar Poe. Ở những mức độ khác nhau và tuy còn rời rạc, thoáng qua, các tác giả trên đã nêu ra những ảnh hưởng của Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử và một số người khác. Đó chính là những gợi ý quan trọng cho chúng tôi trong bài viết này.
II. Ảnh hưởng của Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “Hàn Mặc Tử rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe”; và Hàn Mặc Tử đã đi “từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe “[2,31]. Như vậy, ảnh hưởng của Poe đến Hàn MặcTử là ảnh hưởng gián tiếp, thông qua Baudelaire.
1. Thơ là phần tâm huyết nhất của con người nghệ sĩ trong Poe. Thơ là “tiếng lòng” là “cung đàn muôn điệu” của hồn ông, là của thế giới riêng ông. Những thi phẩm nổi tiếng của Edgar Poe là Cái chuông (The Bell). Cho Helen (To Helen), Con quạ (The Raven, Annabel Lee), Thành phố trong biển cả (The City of in the Sea)... Thơ của Edgar Poe bi thảm và tượng trưng, nổi bật bởi âm thanh và nhịp điệu. Với trí tưởng tượng phong phú và có phần kinh dị, ông đã soi sáng những khía cạnh sâu kín của tâm hồn, những cái “bất định, ốm yếu và độc ác trong con người”, Edgar Poe chỉ quan tâm tới một nghệ thuật thi ca toàn mỹ. Trong thơ, Edgar Poe không hễ chú ý đến việc giải thích bàn luận các vấn đề xã hội hay giáo huấn con người, điều mà người ta thường gặp trong các tác phẩm của các nhà văn Mỹ thời kỳ này. Khi bàn về mục đích thơ ca, Edgar Poe viết: “Cứu cánh của nghệ thuật là cái đẹp, chứ không phải là sự thật...”, và “sự u buồn sầu mộng là một giọng thơ chính đáng nhất, cái chết của một người đàn bà đẹp là đề tài nên thơ nhất trong thế gian này”.
2. Các nhà thơ hiện đại Pháp như Baudelaire, Mallarmé, Valéry đã ca ngợi Poe là một thiên tài. Valéry quả quyết rằng Poe là một người sáng suốt nhất trong số các nhà lý luận đương thời khi bàn về nghệ thuật thi ca. Baudelaire đánh giá Poe là “nhà văn ưu tú nhất” và có “phong cách độc đáo một cách kỳ diệu”. Khi nhận xét về mối quan hệ giữa Poe và thơ ca hiện đại Pháp, sách Lược sử các nền văn chương viết: “Không có gì ngạc nhiên khi thấy Poe đã ảnh hưởng đến Baudelaire và Mallarmé, những người đã dịch tác phẩm của ông... Ông xứng đáng là nhà văn Mỹ đầu tiên có tầm cỡ thế giới” [3,108]. Tác động của Poe đối với Baudelaire và các nhà tượng trưng Pháp trước hết là ý thức vềmột nền văn học mới gắn với khái niệm “tính hiện đại”. Đây là ý thức thẩm mỹ về thế giới hiện đại, về thì hiện tại của tồn tại. Việc xuất hiện, hình thành những phẩm chất của tư duy thơ hiện đại là “sự phá bỏ mọi hình thức chết cứng ngăn cản sự tiến hoá của nghệ thuật, của những tình cảm, của những tư tưởng, của những phong tục” [4,21].
Trung thành với Edgar Poe, Baudelaire đã: “cắt đứt với truyền thống những lời cầu kỳ hoa mỹ dài dòng của chủ nghĩa lãng mạn” [5,299]. Công trình Suy luận về kết cấu của Poe đã đưa đến cho Baudelaire một nhận thức mới về tính thơ để định hướng cho sự sáng tạo. Đặc trưng đích thực của thơ là tượng trưng, cho nên không phải nhà thơ sáng tạo ra một thế giới giả, mà khám phá ra một “siêu hiện thực” trong thế giới”, đem lại cho tinh thần một sức mạnh đặc biệt khả dĩ nhìn thế giới không phải ở chỗ nó hiện ra, mà ở chỗ nó khải thị, tỏ lộ ra bằng những loại suy bất ngờ giữa những cảm giác và trong sự tương hợp sâu hơn nữa giữa cái cảm tính và cái tinh thần” [6,28]. Nếu thơ lãng mạn biểu hiện chủ yếu bằng hình tượng, hình ảnh tương phản thì thơ tượng trưng biểu hiện mối quan hệ bên trong giữa con người, sự vật với cái vô tận trong sự tương hợp. Chẳng hạn, tương hợp về cảm giác: ánh sáng - bóng tối, về ý niệm: hư -thực, về tâm trạng: cô đơn - tuyệt vọng, về liên tưởng: người đàn bà đẹp - cái chết trẻ, về tâm tính: cái độc ác - sự bất định, ốm yếu, về không gian: ngang - dọc, về màu sắc: đen - trắng, về màu vị: xanh - ngọt, về tu từ: âm thanh - nhịp điệu... Đó là mỹ học của Baudelaire, đã thấm sâu không chỉ vào thơ hiện đại Pháp mà cả thơ hiện đại trên khắp thế giới.
3. Sự gặp gỡ với Baudelaire, Poe là con đường giao hoà để thăng hoa trong đời thơ Hàn Mặc Tử. Với thơ Đường, Hàn Mặc Tử, có Lệ Thanh thi tập. Dẫu có một số bài hay thì Lệ Thanh vẫn chìm trong biển thơ Đường của bao nhiêu người qua bao nhiêu đời đã đổ tràn. Với khuynh hướng tượng trưng, Hàn Mặc Tử có Đau thương, một kiệt tác trong nền thơ hiện đại. Cùng với Điêu tàn (Chế Lan Viên), Tinh huyết (Bích Khê), Đau thương đã tạo ra một dòng mới trong thơ Việt . Hàn Mặc Tử bắt đầu đến với trường phái tượng trưng là những năm 36 -37, thời gian ông sinh hoạt với nhóm thơ Bình Định. Hàn Mặc Tử đã nghiên cứu rất kỹ về Baudelaire và tìm thấy ở đó một kiểu mẫu cho mình. Ông khẳng định: “Thơ văn không thể dung hoà với khoa học và lý luận (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ” (Quan niệm thơ). Từ đó “Thơ của ông bước vào trận xoáy lốc, hoà trộn giữa đời người đời thơ; giữa sự cảm nhận tận đáy lòng về khổ đau và hạnh phúc; giữa cứu cánh cầu mong những thứ siêu hình và những khát vọng riêng tư của chính cuộc đời sống hết mình trong bệnh tật, trong đắm đuối thi ca và trong những cảm nhận linh thiêng chỉ ông mới có giữa cõi huyền vi và cuộc đời trần thế” [7,61].
Cũng như Poe và Baudelaire, Hàn Mặc Tử đã mở ra một cách nhìn và cảm nhận riêng ở những con người có hoàn cảnh không bình thường. Ở họ, cái đau khổ thể xác và cái đau tâm hồn cài vào nhau, giằng xé cuộc đời, để từ đó trào ra những luồng thơ. Thơ Poe, Baudelaire, Hàn Mặc Tử đều bị ám ảnh bởi một thế giới siêu thoát, kinh dị, đầy chết chóc, lạnh lẽo với máu, xương, nước mắt... Đó là thế giới của những nỗi đau khắc khoải khôn nguôi, nơi con người đánh mất đi niềm vui sống mà bệnh tật và cô đơn đã gặm nhấm tâm hồn từ thuở còn thanh xuân. Đó là thế giới đã bị vỡ ra thành muôn mảnh mà không bao giờ còn ghép lại được. Tâm trạng này cũng là hệ quả của sự đổ vỡ đi đến hoài nghi và phủ nhận đối với lý trí trong văn học phương Tây. Từ giữa thế kỷ XIX, thơ đã xác lập vị thế của mình trong hệ thống tư duy bất thuận lý, chống lại những quan niệm về kiến thức phổ quát và tìm đến một thế giới bí ẩn, siêu hình chỉ có lĩnh hội bằng mặc khải và thần cảm. Đây là những ví dụ về sự gần gũi trong tư duy của họ: Poe : Những vầng trăng thượng tuần khổng lồ đã làm tắt những vì sao Bởi hơi thở thoát ra từ bộ mặt xanh xao của chúng. (Thành phố trong biển cả) Baudelaire: Đôi khi lả lướt mơ màng, ả hằng trên mặt đất Để một giọt lệ từ mắt nàng kín đáo nhẹ rơi Một nhà thơ kính cẩn, ghét giấc ngủ của con người Đưa bàn tay hứng giọt lệ mờ xanh nhạt Óng ánh năm màu như một hòn ngọc thạch Và dấu kín trong trái tim xa con mắt mặt trời. (Nỗi buồn của mặt trăng) Hàn Mặc Tử: Ánh trăng mỏng quá không che nổi Những vẻ xanh xao của mặt hồ Những nét buồn buồn tơ liễu rủ Những lời năn nỉ của hư vô. (Huyền ảo)
4. Mối quan hệ với Baudelaire và Poe đã giúp Hàn Mặc Tử định hình một kiểu tư duy thơ và trên cơ sở đó đã sáng tạo một “thế giới hình tượng nghệ thuật kỳ dị” chưa từng có trước đó trong thơ Việt Nam
. Nó lạ đến nỗi Hoài Thanh đã phải thốt lên rằng: “Ngót một tháng trời tôi đã đọc Hàn Mặc Tử. Và tôi đã mệt lả... Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến càng đi xa càng ớn lạnh” [8,196]. Đọc thơ Hàn Mặc Tử không chỉ cảm nhận, phân tích, bình phẩm, đánh giá theo những quy chuẩn thông thường. Ở các câu thơ “trăng nằm sóng soãi trên cành liễu”, “người trăng ăn vận toàn trăng cả”, “ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ”, “ta nằm trong vũng trăng đêm ấy”, “thuyền ai đậu bến sông trăng đó”... ta thấy từ vẫn là những từ đó, trăng vẫn là vầng trăng đó, thế nhưng lại thấy lạ vô cùng, biến hoá vô cùng.
Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói “siêu nghĩa”, các từ được dùng trong cấu trúc câu thơ và bài thơ bao giờ cũng tương ứng với tâm trạng, có sức biểu hiện cao độ và sâu sắc, từ một từ này có thể gợi nên nghĩa của một từ khác. Có thể nói, Hàn Mặc Tử đã làm một cuộc cách mạng ngôn từ trong thơ tiếng Việt. Hàn Mặc Tử đã cùng những người cùng thế hệ với ông rời bỏ bến bờ cũ để tìm những dòng chảy mới. Trên hành trình đó, Hàn Mặc Tử đã tiếp cận với nhiều nguồn thơ, nhưng Baudelaire và Poe là những người mà Hàn Mặc Tử đã tiếp nhận nhiều nhất. Đề cập đến ảnh hưởng của Poe đối với Hàn Mặc Tử thông qua Baudelaire là một điểm nhìn để hiểu kỹ hơn về những trải nghiệm và những sáng tạo lớn lao của Hàn Mặc Tử. Và theo chúng tôi, Poe không chỉ ảnh hưởng đến Hàn Mặc Tử mà còn ảnh hưởng đối với thơ Bích Khê, Chế Lan Viên và văn xuôi Thế Lữ... Bài viết này mới chỉ là những suy nghĩ bước đầu về vấn đề này. N.H.D
(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)
--------------------- [1]. Hoàng Trinh - Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học. Tạp chí Văn học số 4, 1980. [2]. Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam
(tái bản), Nxb Văn học, Hà Nội, 1998. [3]. Pierre Gioan (chủ biên) - Lược sử các nền văn chương, tập V.Libraire Aristite,
Paris 1961. [4]. Trần thị Mai Nhi - Văn học hiện đại - Văn học Việt Nam, giao lưu, gặp gỡ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994. [5]. Đặng Thị Hạnh - Văn học Pháp thế kỷ XIX, Nxb Ngoại văn, Hà Nội, 1990. [6]. Trần Thị Mai Nhi: Sđd. [7]. Ngô Văn Phú - Hàn Mặc Tử một tâm hồn thơ dị biệt (trong tuyển tập Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995. [8]. Hoài Thanh - Hoài Chân.Sđd.
|