Cầm tay bắt mạch cho thượng tá Kha, những đường chỉ tay của ông ta đã làm cho trung tá Thiệp hết sức ngạc nhiên nên buột miệng: - Nói khí không phải, xưa nay, tôi thấy anh là người mẫu mực, chỉn chu đến mức khắc kỉ, lạnh lùng. Không ngờ, anh lại là người rất đào hoa và ân tình. Thượng tá Kha nhếch mép, gượng cười: - Gần về hưu rồi, còn đào hoa, đào hiếc gì nữa, sắp “đào ngũ” rồi thì có. Trung tá Thiệp nhìn thẳng vào mắt thượng tá Kha, ngần ngại nói: - Xin lỗi, anh không thích nói về mình nhưng tôi biết anh là người nhìn vợ con mình mà nghĩ đến vợ con người khác và vợ con người ấy cũng nhìn chồng, cha mình mà nghĩ đến anh và vợ con anh.
Thượng tá Kha giật mình ngồi dậy, chằm chằm nhìn trung tá Thiệp, dò xét: - Ai nói cho anh biết điều đó? - Tôi biết xem bói mà. - À... ra thế! - Thượng tá Kha thở phào - Chuyện khá dài dòng. Thôi, ra bàn uống nước, tôi sẽ kể cho anh nghe. Thượng tá Kha rót nước mời khách rồi thong thả kể: - Hồi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi tham gia dạy học ở Tổ Bình dân Học vụ của xã. Ở đó có cô Nụ vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Tuổi trẻ và công việc đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Lúc chúng tôi đang đắm say trong tình yêu cũng là lúc tôi nhập ngũ, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở nhà, cô ấy như một cô dâu chưa chính thức đã thay tôi chăm sóc mẹ. Sau ngày hòa bình lập lại, khoảng giữa năm 1955 thì tôi được điều về Thanh Hóa xây dựng Đường dây Thống Nhất. Về đó, gần nhà, quê tôi ở Hà Tĩnh, anh biết rồi đấy, nên tôi đã xin nghỉ phép về tổ chức đám cưới. Tôi mua quà cho mẹ, sắm sửa mọi thứ cần thiết cho đám cưới rồi mượn chiếc xe đạp của đơn vị, phóng một mạch gần hai trăm cây số về quê. Về đến đầu làng, thấy đình làng đèn đóm sáng trưng và bà con đang tụ họp đông đủ, tôi ghé xe vào. Biết tôi mới tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trở về, mọi người đã chào đón tôi như một vị anh hùng. Nhưng khi tôi đến cầm tay Nụ và hớn hở mời bà con vài ngày nữa đến dự đám cưới thì ông đội trưởng Đội Cải cách, người đang làm chủ tọa buổi họp dân chúng, nghiêm mặt nói: “Xin lỗi đồng chí Kha. Vì đồng chí là đảng viên, là cán bộ quân đội nên tôi thấy cần báo cho đồng chí biết chúng tôi đã xếp gia đình cô Nụ vào thành phần địa chủ, phú nông.”. Nghe thế, tôi choáng váng như bị trúng đạn. Còn Nụ thì nấc lên mấy tiếng rồi giống hệt một thân cây bật gốc, đổ vật vào người tôi như một cái xác không hồn.
Kể tới đây, thượng tá Kha lập cập đứng dậy mở toang cửa sổ. Nắng ấm và gió mát tràn vào căn phòng dành cho hộ độc thân chật hẹp. Ông thở sâu mấy cái rồi ngồi kể tiếp, giọng nghèn nghẹn như bị nghẹt mũi: - Sau khi được cấp cứu, Nụ tỉnh lại. Tôi và cô Na, bí thư Ban Chấp hành Chi Đoàn, bạn nối khố của Nụ, cùng nhau dìu cô ấy về nhà. Về đến ngõ nhà mình, cô ấy như người mất hồn, ôm Na khóc nức nở: “Na ơi! Nụ không thể làm vợ anh Kha được nữa rồi. Mẹ anh ấy đang cần người chăm sóc. Thôi thì tình chị duyên em. Nụ trăm lạy, nghìn lạy. Na có thương Nụ thì hãy thay Nụ làm vợ anh ấy.”. Xong, cô ấy gục vào vai tôi, nghẹn ngào: “Anh ơi! Số phận không cho em làm vợ của anh. Anh còn thương em thì hãy coi Na như em. Na sẽ thay em phụng dưỡng mẹ. Nghe em đi anh. Mẹ đã già yếu lắm rồi. Làm sao anh có thể bỏ mẹ ở nhà một mình mãi được?”.
Thần sắc của thượng tá Kha thay đổi hẳn. Giọng nói trở nên mếu máo. Đôi mắt trở nên mờ đục. Làn da rám nắng cũng trở thành nhợt nhạt. Kí ức đã làm ông xúc động. Trung tá Thiệp bị câu chuyện tình éo le, lãng mạn cuốn hút, tỏ ra tò mò: - Khi đó, thái độ cô Na thế nào? - Na giãy nảy nói: “Nụ đừng nói gở. Nụ nhất định sẽ là vợ của anh Kha.”. Nói xong, cô ta ù té chạy để lại tôi và Nụ trong đêm tối. Còn lại hai người, chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc suốt đêm. Tảng sáng, tôi về thăm mẹ. Khi hai mẹ con đang hàn huyên thì dân quân xách súng đến, mời tôi lên ủy ban. Sau khi kiểm tra giấy tờ của tôi, đồng chí chủ tịch xã đã yêu cầu tôi không được quan hệ với gia đình Nụ để tạo điều kiện cho chính quyền làm việc. Tuy thế, tôi vẫn đến nhà Nụ để xem thực hư thế nào. Song tôi không gặp được Nụ. Dân quân không cho vào. Hết phép, tôi trở về đơn vị, người gầy rộc đi như vừa trải qua một cơn bạo bệnh.
Hồi đó, dính vào thành phần địa chủ, phú nông là phải ra khỏi Đảng, là phải chấm dứt con đường binh nghiệp. Không hiểu chàng lính trẻ Kha đã giải quyết mối tình trắc trở của mình như thế nào để an cư lạc nghiệp nên trung tá Thiệp hỏi: - Anh đã giải quyết mối quan hệ “tình chị, duyên em” của mình như thế nào? - Ở đơn vị, tôi đã gửi rất nhiều thư về cho Nụ nhưng cô ấy không trả lời. Tôi chỉ nhận được thư của Na. Nụ đã nhờ Na hồi âm cho tôi. Một năm sau, Na điện cho tôi biết mẹ đau nặng, về gấp. Tôi xin nghỉ phép về chăm sóc mẹ. Về nhà, tôi tìm Nụ nhưng không gặp. Cô ấy đã bỏ làng ra đi để lánh mặt. Không ai biết cô ấy ở đâu cả. Hết hơn nửa thời gian nghỉ phép mà mẹ vẫn nằm liệt giường. Không biết lấy ai trông nom mẹ để trả phép đúng hạn, nhất là khó an tâm công tác, khó hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã viết đơn xin giải ngũ. Thấy thế, Na động lòng trắc ẩn, nghe lời Nụ, nhận gánh vác việc gia đình tôi. Vì cám cảnh trước hoàn cảnh của tôi, vì nhiệm vụ chăm sóc mẹ chiến sĩ Chi Đoàn giao mà cô ấy đã quyết định như vậy.
- Anh trở thành chàng Kim Trọng chứ? - Trung tá Thiệp hỏi: - Vâng. Không cưới vợ, tôi phải giải ngũ. Hơn nữa tôi có yên bề gia thất, Nụ mới chịu về làng, mới chịu lấy chồng. Tuy hơi cập rập, không được chuẩn bị trước như năm về định cưới Nụ nhưng tối hôm sau, đám cưới vẫn được tổ chức khá chu đáo. Song oái ăm thay, khi hai họ đã ra về, tôi ra sau hè thì thấy Nụ nằm bất tỉnh giữa hàng rào dâm bụt. Tôi hốt hoảng bồng cô ấy vào nhà cùng vợ cấp cứu. Thấy tay cô ấy nắm chặt tờ giấy, nghĩ là giấy gói thuốc tự tử, tôi liền gỡ để xem. Tôi chưa lấy được thì cô ấy tỉnh. Cô ấy chằm chằm nhìn vợ chồng tôi như để nhớ chuyện gì đã xảy ra, xong vội bỏ tờ giấy vào miệng nhai. Thấy cô ấy tỉnh, vợ tôi ôm bạn than khóc: “Nụ ơi, Nụ đừng chết! Anh Kha vẫn là chồng của Nụ. Na chỉ là người thay Nụ làm cô dâu khi Nụ vắng mặt mà thôi. Nụ hãy coi đám cưới này là đám cưới Nụ.”.
Đôi mắt của thượng tá Kha bỗng nhấp nháy liên tục. Ông lấy tay dụi mắt. Trung tá Thiệp nóng lòng giục: - Ý cô Nụ thế nào? - Nụ dứt khoát phản đối. Vợ tôi cố thuyết phục thì cô ấy nói: “Nếu vì Nụ mà Na không làm vợ anh Kha thì một là Nụ phải đi biệt xứ, hai là tự tử.”. Biết Nụ đã nói là làm, vợ tôi chỉ biết ôm cô ấy mà khóc. Nửa đêm, vợ tôi lén vào buồng, tháo chiếc kiềng vàng, quà cưới dâu của mẹ tôi, để lại trên chiếc gối dành cho vợ chồng đêm tân hôn, bỏ trốn. Chuyện này chưa xong, chuyện khác lại đến. Rối như tơ vò. Khi tôi đang như người thất thần không biết xử lý thế nào, Nụ bảo tôi ở nhà trông mẹ để cô ấy đi tìm Na. Bỗng chuông điện thoại reo lên. Thượng tá Kha xin lỗi, cầm máy nghe. Xong, mặt mày tươi tỉnh, nói: - Thúy Kiều, Thúy Vân cùng bốn đứa con đang trên đường đến thăm tôi. Mẹ con họ đến, “thầy bói” thử đoán xem ai là vợ con tôi, ai là vợ con người khác nhé! - Nhưng anh phải kể xong đã! - À, mà...mà đến đâu rồi nhỉ? - Nụ đi tìm Na. - Trung tá Thiệp nhắc. - Tảng sáng thì Nụ dắt Na về. Nụ buồn nhưng Na lại tươi cười. Na sốt sắng báo cho tôi biết thành phần gia đình Nụ đã được sửa sai: trung nông chứ không phải địa chủ, phú nông.
Trung tá Thiệp vỗ đùi, thốt lên: - Trời! Cách đám cưới chỉ một đêm mà trước đó không ai biết quyết định ấy sao? - Có. Nụ biết nhưng đã muộn. Từ chỗ ở để lánh mặt, nhận được quyết định sửa sai, Nụ tất tưởi chạy về. Cô ấy chạy đôn, chạy đáo, ngã lên, ngã xuống, xây xát cả mặt mũi, tay chân. Về đến ngõ nhà tôi, thấy trong nhà đông người cô ấy không vào mà đến sau hè vạch hàng rào nhìn vào. Thấy tôi giơ tay thề: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!”, cô ấy đã ngất xỉu. - Chà! - Trung tá Thiệp chặc lưỡi - Rắc rối quá! - Đúng vậy. Na thì có cớ để trả tôi cho Nụ. Nụ thì dứt khoát từ chối với lý do sợ Na phải ở quá vì dẫu sao vẫn mang tiếng là đã có một đời chồng. Năm miếng trầu là dâu nhà người mà. Còn tôi thì vô cùng bối rối. May mà nhờ đã trải qua nhiều kinh nghiệm trận mạc. Những lần đứng trước làn tên mũi đạn, trước sự sống và cái chết đã rèn cho tôi có được sự phản ứng nhanh nhạy khi phải đối đầu với các tình huống gay cấn, nguy kịch. Lúc đó, như được thần phật sai bảo, tôi bạo miệng nói: “Bắn không nên thì đền đạn. Anh có một người bạn tên là Đông, từng sống chết có nhau. Anh ấy hơn anh về mọi mặt. Anh sẽ giới thiệu cho Nụ”. - Liều! Liều thật! - Trung tá Thiệp lắc đầu - Ngộ nhỡ anh ấy không đồng ý thì sao? - Liều nhưng có cơ sở - Thượng tá Kha giải thích - Tôi tin là người đã cùng bạn vào sinh ra tử trước kẻ thù sẽ không bao giờ bỏ bạn trước mọi khó khăn, hoạn nạn. Hơn nữa, tôi đã thường tâm sự và cho Đông xem thư của Nụ. Cậu ta đã từng nói: “Ước gì tớ cũng có được một cô Nụ như cậu”. Tôi bạo miệng là vì vậy. - Còn Nụ và Na nữa chứ? - Trung tá Thiệp thắc mắc. - Tôi không ngờ lời nói đó đã có tác dụng xoay chuyển tình thế. Nụ ngúng nguẩy đấm thùm thụp vào lưng tôi. Na thì vừa nhảy cẫng lên, vừa vỗ tay đôm đốp rồi giục tôi đi mời Đông về. - Giọng ông trở nên trẻ trung, dí dỏm - Gỡ được thế bí, tôi liền thoát khỏi vòng vây. Hai hôm sau, tôi mang “quân tiếp viện” về ứng cứu.
Trung tá Thiệp vui lây và gật gù thán phục: - Tài! Tài thật! Làm thế nào mà anh thuyết phục được bạn mình? - Ra đến đơn vị tôi tìm gặp Đông ngay. Tôi kể cho cậu ta biết mọi chuyện. Khi tôi nói ra ý định của mình, cậu ta nắm chặt tay tôi nói: “Tớ và cậu là một. Cậu đã yêu thì chắc tớ cũng thế. Vả lại, không thành công cũng thành nhân. Ít nhất tớ cũng giúp được cậu giải quyết tốt hơn công tác dân vận”. Điều đáng lo là liệu Đông và Nụ có chiếm được cảm tình của nhau hay không mà thôi. Không ngờ, vở kịch do tôi dàn dựng đã được hai người nhập vai rất nhanh. Họ làm như vậy là vì hạnh phúc của vợ chồng tôi. Sự tế nhị của họ đã làm cho chúng tôi bớt áy náy. Nhờ vậy, hôm sau tôi và Đông yên tâm trở về đơn vị, trả phép đúng hạn. Từ đó, Đông và Nụ thư đi từ lại với nhau thường xuyên. Dần dần, tình yêu nảy nở. Cuối năm 1957, hôn lễ của họ được tổ chức. Tôi được cử về đại diện cho đơn vị và họ nhà trai, quê chú rể ở tận Quảng Trị mà.
Cùng xây đắp hạnh phúc cho nhau, tình bạn, tình đồng chí của họ thật trong sáng và cao thượng. Nhưng tại sao thượng tá Kha lại nhìn vợ con mình mà nghĩ đến vợ con người khác? Ông là người ân tình, độ lượng hay đồng sàng dị mộng? Nghĩ thế, trung tá Thiệp phân vân hỏi: - Hai gia đình sống thế nào? - Chúng tôi như hình với bóng của nhau. Tôi và Đông càng tri âm, tri kỉ hơn trước. Na và Nụ cùng dạy một trường, cùng ở chung một dãy nhà tập thể, chỉ cách nhau một bức vách nên tối lửa tắt đèn có nhau. Con cái cũng rất giống nhau. Đêm tân hôn của Đông và Nụ cũng là đêm vợ chồng tôi động phòng hoa chúc sau hơn một năm kết hôn. Kết quả là hai chàng quý tử đã ra đời. Cuối năm 1958, tôi và Đông rủ nhau về phép, chúng tôi lại có thêm hai cậu con trai,cũng như lần trước, mỗi đứa chỉ cách nhau vài ngày. Những năm tiếp theo, tôi và Đông cũng đều về phép với nhau. Đến đầu năm 1961 thì Đông đi B. Anh ấy tình nguyện trở về quê hương chiến đấu nên được điều động về Quân khu Trị Thiên. Từ khi anh ấy vào chiến trường, sợ Nụ buồn, nhớ chồng, tôi không về phép nữa. Năm 1972, Đông hy sinh khi tiến về giải phóng Quảng Trị. Ngày mẹ con Nụ nhận giấy báo tử, tôi đã về thăm và dự lễ truy điệu. Thấy tôi, Nụ than khóc: “...Nhờ anh mà em có được anh Đông. Thấy anh, em càng thương nhớ anh ấy. Anh thì về đây. Còn anh ấy sao lại bỏ mẹ con em ra đi?”. - Thượng tá Kha im lặng cố nén cơn xúc động rồi kể tiếp. - Sau lễ truy điệu, vợ chồng tôi đã bàn với nhau là phải có trách nhiệm với vợ con của người đã khuất. Mỗi lần tôi mua quà gì cho vợ con thì cũng đều mua cho mẹ con Nụ. Vợ tôi chăm sóc, dạy dỗ con mình như thế nào thì cũng chăm sóc, dãy dỗ con của người đã hi sinh như thế. Nhờ trời, cả hai đứa đều khỏe mạnh, chăm ngoan và đều đã tốt nghiệp đại học như hai đứa con của vợ chồng tôi.
Bỗng hai người đàn bà và bốn chàng trai ùa vào. Họ tíu tít hỏi han và quấn quýt lấy thượng tá Kha. Tình cảm mà họ dành cho nhau cùng câu chuyện chứa chan ân tình trong tình bạn, tình đồng chí, tình yêu, tình người vừa nghe đã làm cho trung tá Thiệp không thể nhận ra trong số họ ai là vợ con của thượng tá Kha, ai là vợ con người khác. Nhưng thật kỳ lạ, ông lại nhìn thấy nụ cười của người nơi chín suối. Trại sáng tác VHNT TT.Huế, Vinh Hiền, 8 - 2004 N.Đ.S.T
(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)
|