Tạp chí Sông Hương - Số 194 (tháng 4)
“Người rừng”
16:53 | 24/02/2009
NGUYỄN THANH CHÍHai mươi tám tuổi, nó không biết chữ và không quen đi dép, mặc áo quần dài; lầm lũi, ít nói nhưng rất khoẻ mạnh... Với nó rừng là nhà, các lối mòn trong rừng thì thuộc như lòng bàn tay... Đó là Trương Ngọc Hoàng, sinh năm 1977.
“Người rừng”

Hoàng quanh năm suốt tháng lầm lũi trong rừng già, cùng một số người làm nghề phá rừng, chuyên cưa xẻ gỗ quý. Đó là nghề duy nhất nó học được từ hơn 15 năm qua. Trong chuyến đi tìm hiểu thực tế hiện trường vụ án phá rừng, Hoàng là người dẫn đường cho chúng tôi. Nó ít nói nhưng nhanh nhẹn, mang vác hàng mấy chục kg hàng hoá trên vai mà đi nhanh hơn cả người đi tay không. Giữa bạt ngàn rừng già, ngay cả cán bộ kiểm lâm, lâm trường còn phải mở bản đồ để xác định vị trí, còn với Hoàng chỉ nhìn là biết cần đi lối nào, cắt đường nào nhanh nhất. Khi anh Tâm (Hạt phó hạt kiểm lâm Nam Đông và anh Niệm cán bộ kỹ thuật của lâm trường Hương Giang tranh luận lối đi nào, Hoàng chỉ cười, đến khi được hỏi, nó nói nhỏ nhẹ và dùng tay chỉ đường. Hướng này đi qua khe Mụ Nú, hướng này đi qua Khe Hung... Khi đoàn đến Khe Xối, nơi Hoàng cùng 4 người khác đốn hạ 3 cây gỗ quý, Hoàng nói với cả đoàn: “Các anh chuẩn bị tinh thần hỉ. Dốc cao lắm, đi mất hơn 2 tiếng đó nghe!” Nhìn dốc núi cao ngất ngưởng, cùng lối mòn mà nó gọi là đường, chúng tôi lắc đầu ngao ngán.

Bắt đầu xuất phát lúc 13h30phút, chỉ trong chớp mắt Hoàng đã mất hút giữa rừng già, cả đoàn phải gọi nó đi chậm lại chứ anh em không theo kịp. Bước chân Hoàng cứ thoăn thoắt vượt qua dốc cao, bụi rậm... Nó bảo tôi: “Đi rừng mà bác mặc áo quần như thế này khó đi lắm!” Nhìn nó chỉ mặc độc chiếc quần đùi, không giày dép gì cả, tôi hơi ái ngại, lỡ sên vắt thì sao? Nó cười thật vô tư: “Cọp, rắn hổ chúa còn không sợ, sợ chi mấy con vắt”. Tôi lè lưỡi vì bản thân rất sợ vắt. Nó cười nói: “Mặc áo quần như vậy, lỡ sên bám vào khó bắt, còn như cháu đây, sên bám thì mình giật ra ngay”. Với Hoàng, chuyến này có lẽ là chuyến đi rừng cuối cùng trong cuộc đời nó. Với tư cách là người dẫn đường, kiêm tội phạm của vụ án phá rừng nên nó rất e ngại chúng tôi. Nó không dám nói, không đòi hỏi gì dù tôi biết nó đang khát nước.

Sau khi xong việc, chúng tôi tập kết ở bờ Khe Xối, nấu cơm chiều và ngủ đêm ở đó. Ai cũng loay hoay với việc tìm chỗ ngủ. Hoàng thấy tôi như vậy mới kéo tay dẫn ra giữa lòng suối, nơ có một phiến đá to bằng chiếc giường đôi phẳng lì, nó bảo ngủ đây vừa mát, không có muỗi, sên vắt và bọ mắt. Tôi hỏi nó: “Thế giữa đêm đang ngủ, lũ quét tràn về thì sao?” Nó trả lời: “Sợ gì bác, trời này đến 10 ngày nữa cũng chưa mưa!”. Tôi vẫn áy náy, không biết có nên nghe lời nó không, vì sao đi nữa nó cũng là tội phạm, là lâm tặc, biết đâu nửa đêm nó bỏ trốn hay có hành động gì, nên quyết định ngủ chung với anh em bên bếp lửa cho chắc ăn. Buổi cơm chiều tôi theo dõi, không thấy Hoàng ăn uống gì bèn lên tiếng: “Mấy anh coi, thằng Hoàng nó không ăn uống gì lỡ đêm nó đói thì khổ lắm” Ai cũng giục nó ăn đi đừng ngại. Anh Hà công an hình sự của huyện Hương Trà nói như ra lệnh: “Ăn đi, cơ quan đã cho đi dẫn đường rồi, ở đây không có khoảng cách gì cả, chỉ là anh em, còn tội hay không là khi khác!” Hoàng chỉ dạ nhỏ nhẹ.

Đêm xuống, giữa rừng chỉ còn nghe tiếng suối róc rách, trời tối đen như mực. Hoàng xin phép đi tìm cá dưới suối, nhưng không có, cứ băn khăn mãi, ước gì kiếm được con cá, hay con gì đó... Đến giờ đi ngủ, Hoàng xin được ngủ với tôi vì tôi là nhà báo! Có lẽ Hoàng nghĩ, ngủ với tôi vui hơn với mấy anh công an hoặc kiểm lâm. Nó ôm cứng lấy tôi. Tôi khó chịu bảo nó: “Mi chi lạ rứa, sợ ma à!”. Nó thú thật, không sợ con gì cả, chỉ sợ mỗi con ma thôi. Tôi cười: “Làm gì có ma mà sợ?”. Nó nói bị ma thu một lần rồi, bị nhét cả cứt trâu vào mồm!.

Tôi được Hoàng kể về cuộc đời nó, từ nhỏ đã không học hành gì, “Học lớp một bị cô giáo phạt quỳ sơ mít, cháu đau quá, vứt miếng sơ mít vào người cô rồi chạy một mạch luôn. Thế rồi sống với rừng cho đến hôm bị bắt. Có lẽ lần này thôi không bao giờ đi rừng nữa bác ạ. Làm cả năm nhưng vẫn nợ, đến khi bị bắt đang nợ tiền cơm gạo 12 triệu đồng!”. Nó kể về việc cách đây gần 6 năm nó giết chết một con hổ: “Cháu cùng 4 người nữa đang đi vào rừng thì gặp một con cọp, nó đang vờn mồi, nhăm nhe vồ cháu. Trong tay chỉ có một mái chèo, không biết làm gì hơn, khi con hổ vồ tới, cháu dùng mái chéo đánh một phát thật mạnh, con hổ lùi lại chạy quanh tảng đá lớn. Cháu chạy ngược lại nắm được đuôi nó, khi đó không biết sợ là gì, cứ thế nắm ngược đuôi con hổ kéo xuống suối, rồi cầm một cục đá thật lớn đánh mạnh vào đầu con hổ, sau một hồi vật lộn, con hổ chết. Tất cả mọi người đều chạy trốn khi hổ xuất hiện, còn cháu đánh nó xong lấy dao mổ bụng, làm sạch bộ lòng ăn. Con hổ nặng 45 kg, đem về bán nhưng bị bọn cò mồi lừa đảo, cháu chẳng có đồng nào. Ai cũng dọa hổ mẹ sẽ trở về trả thù. Đúng thật, mấy ngày sau xuất hiện một con hổ lớn ba chân, nó từng bị mắc bẫy nên rất hung dữ. Cháu mài lưỡi rìu thật bén “thổi sợi tóc còn đứt”, tuyên chiến với hổ ba chân, nó chạy thẳng vào rừng sâu!” Tôi hỏi có thật không, Hoàng bảo: “Hôm đó, cả khu rừng náo loạn bởi chuyện cháu giết cọp. Chiếc ghe nhà cháu chở hổ về làng để đi bán mà!  Tiếc quá, ba cháu đã mất rồi, chứ không bác về hỏi ông thì biết”. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện đi rừng nếu gặp rắn thì sao, Hoàng chỉ tủm tỉm cười: “Rắn chỉ sợ hổ mang chúa, nó vừa dữ lại độc, nên phải hết sức cẩn thận. Bắt được hổ mang chúa, nuốt mật nó, sẽ không sợ con rắn nào nữa!”.

Và, Hoàng kể chuyện bắt rắn độc giữa rừng già. Đó là một lần đi rừng, gặp con rắn hổ chúa lớn đang phùng mang chuẩn bị tấn công, Hoàng lấy cái áo quay tròn làm cho con rắn mất phương hướng, rồi lao vào nắm lấy đuôi, vuốt ngược thật mạnh, con rắn bị giãn xương sống nằm im re, thế là lấy mật nuốt và làm thịt ăn. “Ở rừng gặp rắn rết thú dữ là chuyện cơm bữa mà, không đánh nó thì nó sẽ giết mình chết ngay! Nhiều người đi rừng bị rắn cắn, đành phải lấy rựa (dao lớn) cắt luôn cánh tay, rồi mới băng bó lại. Thà đau còn hơn chết!”. Chưa hết, Hoàng còn kể cho chúng tôi một chuyện đến kinh hoàng, khi một người bạn đi rừng bị đau ruột thừa, giữa rừng sâu núi thẳm như thế này, không còn cách nào khác, mấy anh em đè người bệnh ra, lấy dao mổ bụng, cắt phứt đoạn ruột tai ác đó, rồi dùng kim chỉ may lại vết thương, sau đó lấy lá rừng mà Hoàng gọi là thuốc dấu, đắp vào vết thương để không bị nhiễm trùng, rồi mới từ từ mang người bệnh về nhà. Chúng tôi nghe nhưng có vẻ không tin. Anh Niệm, cán bộ kỹ thuật của lâm trường Hương Giang khẳng định đó là sự thật: “Chứ giữa rừng sâu, làm gì có phương án nào tốt hơn. Một là chết hai là chịu đau. Con người thì không ai muốn chết cả!”.

Những chuyện này tôi nghe nhưng không tin lắm, còn chuyện chữa bỏng cho cậu Cự một sỹ quan kỹ thuật hình sự của công an tỉnh thì chính mắt tôi chứng kiến. Bữa cơm chiều trong rừng già, khi ăn xong, chúng tôi tổ chức uống rượu với ốc suối bắt từ chiều. Sau một hồi chuyện trò vớ vẩn, cậu Cự đi ra bờ suối. Đúng lúc này, nồi nước sôi mới nấu xong được đặt xuống. Khi quay lại, Cự không để ý nhúng cả bàn chân trái vào nồi. Mọi người đều hoảng sợ, người thì bảo bôi kem đánh răng vào, người bảo nhúng nước suối, người lại nói đổ nước mắm vào... Hoàng không nói gì, đứng phắt dậy, chạy đi một lát, sau đó nhồm nhoàm nhai lá và đắp vào vết bỏng của Cự. Với ba lần đi lấy lá, Hoàng đã đắp kín vết bỏng của Cự. Sau đó chừng 2 phút, những vết lá mới đắp nóng ran. Hoàng bảo nó rút nhiệt trong chân ra đó! Chưa ai tin vào điều kỳ diệu của thuốc dấu, song sáng mai, khi cả đoàn trở về với 6 tiếng đồng hồ đi bộ, lội suối trèo dốc, chân Cự vẫn không phồng rát, đi lại bình thường, chỉ có một vết nhỏ bị bong ra do cây rừng quét phải!

Không biết chữ, chưa tiếp xúc với y tế, nhưng hầu như mọi cách chữa bệnh Hoàng đều thông thạo. Nhìn nước suối trong vắt mà không ai dám uống, dù rất khát, nhưng Hoàng vẫn uống ngon lành. Tôi hỏi Hoàng không sợ à? Nó cười: “Sợ gì! Quen rồi! Nếu đau bụng thì đã có lá rừng!”. Hoàng còn kể khi bị thương, vết thương dài hàng mấy cm, nhưng chỉ lấy lá rừng nhai đắp vào, cả tuần vẫn không bị hoại tử; nhiều người cứ để thế đến khi vết thương lành thịt thì thôi, chả cần thuốc men gì! Tôi mới chọc nó: “Mi không sợ cọp, không sợ rắn, không sợ cả kiểm lâm, mà lại sợ ma à?”. Nó cười vô tư, cháu chỉ sợ ma thôi. Hoàng kể chuyện, băng từ đỉnh dốc, nơi mà chúng tôi vừa mất hai tiếng trèo lên, và đi xuống thì mất hai tiếng rưỡi đồng hồ, nó chạy từ đỉnh xuống đây chỉ mất khoảng tám phút! Vì sao nhanh như vậy, một đoạn đường dài hơn 700 mét cơ mà, lại dốc thẳng đứng? Hoàng vô tư trả lời, vì sợ ma nên cắm đầu chạy xuống. Hai tay hai can nước 40 lít nó chỉ mất 40 phút để lên đến gốc cây gõ đó (nơi chúng tôi lên để làm hiện trường vụ án). Tôi thật sự ngạc nhiên về sức khoẻ của Hoàng, người hắn chỉ cao chưa đầy 1,65 mét, nặng 64 kg lại xách 40kg, vượt dốc dài 700 mét chỉ mất 30 phút; trong khi anh em trong đoàn, có người phải dừng lại gần nửa tiếng để lấy sức đi tiếp. Rồi hắn kể, hắn vác một phách gỗ kiền hơn một tấc đi vô tư; phách gỗ ấy ước chừng khoảng 150 kg.

Đêm nó thì thầm với tôi: “Khi chiều thấy mấy chú, bác uống rượu cháu rất thèm, nhưng không dám; mỗi ngày cháu uống khoảng 2 lít rượu; cơm không cần lắm, chỉ uống rượu thôi!”. Tôi hỏi nó: “Vì sao lại được gọi là Cu Em đại ca! mi dữ lắm à?”. “Không, cháu chỉ khoẻ và liều thôi, chứ có đánh ai bao giờ đâu, nhưng mấy chú cứ gọi như rứa vì cháu chuyên ở trong rừng!”. “Ở rừng thì liên quan gì đến “đại ca?”. Khi đó Hoàng mới thú nhận, cháu hay bị điên lắm, cứ uống vô mấy ly là bị kích động, khi đó sẵn sàng chém liền!. Không biết chữ, cuộc sống cứ lầm lũi trong rừng, Hoàng như một động vật cao cấp. Nó chẳng hiểu thứ gì cả, chỉ biết ăn no, uống say và phá rừng! Khi bị bắt vì tội phá rừng và tham gia chống người thi hành công vụ, Hoàng mới ngẩn người ra vì việc mình làm quá nghiêm trọng! Cậu ta mặt cứ xanh rờn mỗi khi bị nhắc đến việc phải ở tù vì chống người thi hành công vụ và phá rừng. Nó hỏi tôi: “Như rứa phải ở tù mấy năm bác hè? Răng mà cháu dại rứa hỉ! Thôi, cháu ở tù xong về nhà kiếm việc khác thôi, chứ làm nghề ni cực quá, mà bao nhiêu năm rồi vẫn nợ chứ có sướng chi mô”. Hoàng cho tôi biết việc nó đi rừng, mỗi chuyến đi có 5 người thường gọi là xâu, họ chỉ chuẩn bị đơn giản cho chuyến đi là cơm gạo trong vòng một tháng; mấy chục cái phao ô tô, rìu, rựa, dao, cưa, dây thừng tốt... khoảng 2 triệu đồng. Nó kể chi tiết, mỗi cái phao 40 ngàn đồng, dây thừng tốt 8 ngàn đồng một mét, còn lại anh em tự túc, người sắm rìu, kẻ sắm cưa dùng chung... Cơm gạo cho chuyến đi hết khoảng 15 triệu đồng, nếu hết thì nhắn người gửi vô, không thì cử người ra lấy. “Chuyến đi này, 5 anh em cháu ở trong rừng đúng 3 tháng khi hạ xong mấy cây gỗ đưa ra thì bị bắt, thế là mỗi thằng nợ khoảng 12 triệu đồng. Bây giờ còn phải đi tù nữa! Đi tù về không bao giờ vào rừng phá gỗ nữa, kiếm ít đất trồng cây cho rồi!”. Tôi hiểu đây là giấc mơ thật sự của Hoàng, một điều ước giản đơn, nhưng khó thực hiện với một người không có học hành, không nghề nghiệp!

Thấy Hoàng như vậy, tôi hỏi: “Rứa thích ở thành phố không?”. Hoàng cười: “Có vài lần trúng mánh em về thành phố chơi, nhậu đã đời luôn, nhưng không thích!”. “Vì sao?”. “Ở đó ồn ào quá, đi lại thấy răng răng á! Ở trong rừng sướng hơn nhiều, khỏi phải làm bộ làm tịch, ăn mặc thế nào cũng được, cởi trần chân đất khoẻ, cơm có chén thì ăn chén, không thì bốc tay!”. Hoàng cười thật vô tư!

Sau hai ngày vượt dốc lội suối, khi trở về ai cũng mỏi nhừ người, Hoàng lẳng lặng đi gom hết các vật dụng, hành trang của đoàn cho vào chiếc bao tải lớn (loại 80 kg), rồi mang nhẹ nhàng... Sau gần 4 tiếng từ khe Xối qua khe Sinh, đến ngã ba khe Sinh và dòng Hữu Trạch, đoàn tập kết nấu cơm trưa... Chỉ còn ít lon cá hộp, vài miếng thịt heo và 5 lon gạo, đủ cho một bữa cơm cuối trong rừng. Ai cũng thấy thèm rau. Hoàng vẫn không nói năng gì, cầm chiếc rựa đi mất hút, chỉ một thoáng trở về, trên tay đã có 4 đoạn măng tươi, và chúng tôi có một bữa măng ngon nhất từ trước đến nay! Trong lúc nghỉ trưa chờ ghe máy lên đón về, Hoàng tâm sự, chiều ni mấy chú cho cháu ghé nhà một chút hí? Anh Hà cười nói: “Cho mi về rồi mi trốn à! Chết bọn tau”. Hoàng bẽn lẽn: “Không, chú cho cháu cũng không trốn mô, khi nớ (hôm nhóm của Hoàng bị bắt, Hoàng đã nhanh chân chạy mất hút vào rừng, và ngày sau cả xã Bình Thành ai cũng biết nhóm này bị kiểm lâm bắt hết gỗ) mà trốn thì cháu đã chạy thẳng vô rừng rồi”.

Khi chúng tôi về đến UBND xã Bình Thành, Mẹ Hoàng, chị Hoàng bế hai đứa cháu nhỏ ra thăm. Hoàng lầm lì ít nói, nhưng trong đôi mắt đã biểu lộ tất cả, vụng về ôm hai đứa nhỏ, mắt hơi buồn... hôn lên tóc các cháu gọi bằng cậu. Bàn tay cứng, thô ráp của Hoàng vắt mũi cho các cháu rồi lại hôn..! Còn bà mẹ già thì luống cuống chào mọi người, phân bua về tội của con mình, về cảnh nghèo của gia đình... Chị của Hoàng thì thút thít xoa đầu đứa em trai, dặn dò cố gắng... Tôi lặng người trước cảnh này. Hoàng - Cu em đại ca - mới nghe ai cũng phải dè chừng, nhưng trước cảnh tượng sum họp trong chớp mắt của gia đình, ai có thể nói rằng Nó chỉ là con người vô cảm, chỉ biết phá rừng, chỉ là đại ca ngang tàng trong rừng già! Tôi chợt nhớ đến người hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất trong rừng già Bạch Mã, anh Cảm có tài gọi chim. Vậy với Hoàng chúng ta có nên để cho cậu ta một chân giữ rừng khi đã hối cải!?
           N.T.C

(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ân tình (24/02/2009)