Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Hình dung chủ đề tiểu thuyết là gì?
15:08 | 02/03/2009
NGUYỄN DƯƠNG CÔNĐề tài và chủ đề là hai trạng thái cơ bản nhất, bao dung hết thảy làm nên cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Hai trạng thái đó trong liên kết tương tác gây dẫn nên tất cả những yếu tố ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Chúng còn đồng thời gây dẫn nên những yếu tố ý nghĩa liên quan nảy sinh trong tư duy tiếp nhận ngoài ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Nhưng dẫu có như thế, chỉ có thể hình dung cho đúng đắn được đề tài, chủ đề theo định hướng duy nhất thấy chúng trong cấu trúc nội bộ tổng thể tác phẩm tiểu thuyết.

Suy cho cùng dù có tính chất đặc thù chung thì cũng chẳng có tác phẩm tiểu thuyết nào có chung đề tài hoặc chủ đề với một tác phẩm tiểu thuyết khác. Quy luật cá biệt hoá tác phẩm tiểu thuyết là một quy luật nghiệt ngã. Không thể có một sự sao chép y nguyên nào từ tác phẩm khác mà lại tồn vong được với đúng nghĩa tác phẩm là tác phẩm tiểu thuyết được tồn vong. Không có cái chung nào chứa đựng được cái riêng. Chỉ có cái riêng mới chứa đựng nổi cái chung. Vả lại, nếu có cái gì đó là sao chép y nguyên ở đâu đó thì ở trong tác phẩm tiểu thuyết được tồn vong, chúng đã “sống là cái khác rồi” bởi ý nghĩa và hình thức chúng đã bị đồng hoá theo văn cảnh chỉ tác phẩm tiểu thuyết được tồn vong đó mới có. Chính vì quy luật cá biệt hoá tác phẩm tiểu thuyết nghiệt ngã như thế cho nên đề tài, chủ đề tiểu thuyết nào đó, mỗi cái phải là một cái độc đáo, duy nhất tồn vong trong tác phẩm tiểu thuyết chứ không phải tồn vong ở nơi nó gây hiệu ứng bên ngoài tác phẩm tiểu thuyết.

Muốn hình dung chủ đề tiểu thuyết là gì? cần phải trải qua hình dung đề tài tiểu thuyết là gì?. Chủ đề  với đề tài có quan hệ hết sức chặt chẽ với nhau theo phương thức thống nhất mật thiết và mâu thuẫn sâu sắc. Trạng thái thống nhất trong giải quyết mâu thuẫn làm nên động lực vận động, phát triển thế giới hình tượng tác phẩm tiểu thuyết. Đề tài là cái có được nhờ phản ánh hiện thực mà tác phẩm tiểu thuyết chọn lựa. Chủ đề là cái có được từ huy động, vận dụng tình cảm, thái độ, hiểu biết, năng lực tài hoa tiểu thuyết trong tiếp nhận thao túng hiện thực được chọn làm đối tượng phản ánh. Vì thế, nên hiểu là: Đề tài là cái tiểu thuyết “hướng nội” của tác phẩm tiểu thuyết, nghĩa là cái tiểu thuyết dung nạp từ hiện thực phản ánh vào “nội bộ” cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Chủ đề là cái tiểu thuyết “hướng ngoại” vì toàn bộ cái đó chỉ nhằm khách quan hoá, hợp thức hoá tất cả những gì phi và phản đối tượng hiện thực, nghĩa là cái tiểu thuyết hướng tới khách quan để có được khả năng dung tạo cái mà chúng ta gọi là đề tài tác phẩm tiểu thuyết. Chính quy trình hình thành chủ đề từ mối quan hệ sống còn với đối tượng phản ánh là một trong những khâu yếu nhất của quy trình hình thành đề tài tiểu thuyết. Thành ra không thể tách được mối quan hệ chặt chẽ lợi dụng nhau trong toàn bộ vận động hình thành và hoàn tất hai trạng thái chủ đề và đề tài tác phẩm tỏi thuyết. Như vậy, chủ đề với đề tài có định hướng quy trình đồng hoá hiện thực ngược chiều nhau để cùng nhằm một mục tiêu tối thượng là quy mô và cơ cấu hoàn mỹ tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Chủ đề tác phẩm thì từ khách quan hoá cái chủ quan còn đề tài tác phẩm thì từ chủ quan hoá cái khách quan (đối tượng phản ánh) mà có được cho tác phẩm tiểu thuyết. Vì thế, chúng ta có thể hiểu theo cách này: Chủ đề là trạng thái trữ tài-tình còn Đề tài là trạng thái thụ hiện-lý của tiểu thuyết nếu chúng ta coi chữ tài với chữ tình là một, còn “trữ” là từ chủ quan, từ tôi “trút ra” và “hiện” là hiện hình, “” là lý tính, chân lý của thế giới hình tượng tác phẩm tiểu thuyết. Theo kiểu Hán tự, chúng ta có thể mỉm cười mà bảo với các nhà Hán học rằng: “Chủ đề tiểu thuyết là chữ Trữ, còn Đề tài tiểu thuyết là chữ Thụ của tác phẩm tiểu thuyết (!)

Nếu chúng ta hình dung cho được; cái-gì-đó-ấy là nguyên mẫu của hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh chưa phải là đề tài tiểu thuyết mà chính cái -gì - đó-ấy-đã-được-miêu-tả-như -thế-nào trong mối quan hệ ám ảnh so sánh trở lại với cái-gì-đó-ấy mới là đề tài tiểu thuyết, thì chúng ta mới đủ hy vọng hình dung được chủ đề tiểu thuyết là gì?
Đề tài là trạng thái hiện-thực-đã-được-miêu-tả-như-thế-nào cũng có nghĩa: Đề tài là trạng thái thế giới hình tượng tiểu thuyết mô phỏng hình dạng và chân lý đúng như hoặc trung thành với hiện thực khách quan. Nhưng thế giới  hình tượng tiểu thuyết vừa là thế giới hiển hiện tưởng như thật vừa là thế giới mơ hồ. Chính trạng thái mơ hồ đó là trạng thái bản chất đặc thù nhất của hình tượng ngôn ngữ ngôn từ nói chung và của hình tượng tiểu thuyết nói riêng. Trạng thái mơ hồ không phải là trạng thái cấu trúc của hình tượng hiện thực cuốc sống. Suy cho cùng thì mọi hình thái tồn tại vật chất dù là siêu hình, cũng chỉ là hình thái chính xác triệt để của toàn bộ cơ cấu tổng thể của chúng. Một cái-gì-đó tồn tại độc lập, ngoài ý muốn con người nghĩa là tồn tại chính xác nó là nó không phụ thuộc vào cảm nhận-tư duy của con người về nó. Chỉ có sản phẩm - “hình ảnh” cái-gì-đó-ấy của sự phản ánh vào bộ não người mới có trạng thái mơ hồ mà thôi. Trạng thái mơ hồ về thế giới gắn liền với trạng thái xác thực, suy cho cùng là một trong hai phương thức mâu thuẫn thống nhất cơ bản nhất của sự-sống-con-người trong đó có cảm giác và tư duy phi lý. Tính chất đặc thù cơ bản nhất của trạng thái mơ hồ là tính chất phi lý. Tính chất phi lý đó, chẳng qua chỉ là mức độ cá biệt hoá của trạng thái mơ hồ ở qui mô cụ thể, xác định tương đối nào đó trong cơ cấu của trạng thái mơ hồ đó. Phi lý là bản chất đặc thù nhất của sự-sống-con-người. Bởi thế, thế giới vật chất mang tên là Tồn-tại còn sự-sống-con-người mang tên là Phi-tồn-tại. Tính chất phi lý của cõi sống con người (hiểu cõi này là sự sống con người hay giản dị hơn là cõi tâm hồn, tình cảm sống của con người) chính là căn nguyên không chỉ nảy sinh mà còn là căn nguyên cấu trúc thi pháp của Thơ và Tiểu thuyết.

Hai trạng thái xác thực và mơ hồ của thế giới hình tượng tác phẩm tiểu thuyết có căn nguyên hình thành từ đâu vậy? Cố nhiên căn nguyên đó không  phải là từ phía hiện thực khách quan. Vì thế, căn nguyên đó chắc chắn từ phía chủ quan thông qua quan hệ của chủ quan tới khách quan được quan tâm phản ánh của tác phẩm tiểu thuyết. Chúng ta hình dung căn nguyên đó chắc chắn là một hệ thống tổng thể chân lý. Có hình dung đó là nhờ có cơ sở biện chứng của nhận thức luận: Căn nguyên hình thành cái gì đó chính là chân lý của sự hình thành cái gì đó ấy. Như vậy, căn nguyên từ phía chủ quan của tác phẩm tiểu thuyết làm nên trạng thái vừa xác thực vừa mơ hồ của thế giới hình tượng tác phẩm tiểu thuyết. Trạng thái đó là một-hệ-thống-tổng-thể-chân-lý. Hệ thống tổng thể chân lý làm nên tổng thể cấu trúc thế giới hình tượng nghệ thuật (chứ không phải thế giới hình tượng hiện thực) chắc chắn phải là hệ thống tổng thể chân lý nghệ thuật. Chính hệ thống chân lý nghệ thuật làm nên đặc thù nghệ thuật của thế giới hình tượng tiểu thuyết, tổ chức thành một trạng thái mà chúng ta cảm nhận và vốn đã quen gọi tên nó là Chủ đề của tiểu thuyết. Nhưng hệ thống chân lý nghệ thuật chỉ làm nên trạng thái Chủ đề chứ không phải là bản thân chủ đề. Nghĩa là hệ thống đó chỉ là hệ thống các mối quan hệ các yếu tố cấu thành chủ đề mà thôi. Và cũng có nghĩa toàn bộ chân lý nghệ thuật tiểu thuyết thuộc về chủ đề tiểu thuyết chứ không thuộc về đề tài tiểu thuyết. Nếu gọi đề tài là kẻ Phải-thế thì chúng ta gọi chủ đề là kẻ Muốn-thế của tác phẩm tiểu thuyết.

Chân lý nghệ thuật là gì vậy? Chân lý nghệ thuật trước hết là chân lý mà hiện thực cuộc sống không có được. Thế cũng có nghĩa là trong tư thế không quan hệ, không cần nghệ thuật, hiện thực cuộc sống coi chân lý nghệ thuật là vô nghĩa lý, và phi lý, là xa xỉ, viển vông! Nhưng con người và cuộc sống hiện thực của nó lại buộc phải có: một trong những phương thức sinh tồn tất yếu là tư duy nghệ thuật, là “sản xuất ” và “tiêu dùng” những thế giới tưởng tượng mô phỏng và mơ tưởng từ hiện thực cuộc sống. Vì thế, con người sáng tạo ra chân lý cấu tạo nên thế giới nghệ thuật mang tên là chân lý nghệ thuật.

Như vậy, liệu chân lý nghệ thuật có dung chứa chân lý hiện thực cuộc sống phản ánh vào, dung chứa vào trong thế giới nghệ thuật hay không? Có. Hoàn toàn phải có. Nhưng “có”  theo nghĩa thế nào ? “Có” theo nghĩa: Chân lý nghệ thuật thao túng chân lý hiện thực cuộc sống, dùng nguyên thức chúng làm nguyên liệu, công cụ để dinh dưỡng hoà đồng cho “sự-sống-còn” của mình. Như vậy, suy cho cùng, chân lý nghệ thuật là chân lý của trạng thái mơ hồ, của tính chất phi lý mà chúng ta thừa nhận là đặc trưng của hình tượng văn học nói chung và của hình tượng tiểu thuyết nói riêng. Cùng với sứ mạng làm hiển hiện hình tượng bằng chân lý hiện thực cuộc sống, nghệ thuật thao tác kèm theo tổng thể hệ thống chân lý thuần tuý nghệ thuật - không từ thao túng chân lý cuộc sống. Như vậy hệ thống tổng thể chân lý nghệ thuật bao gồm hai loại chân lý: chân lý thao túng chân lý hiện thực và chân lý thuần tuý nghệ thuật. Chính vì vậy, vận hành nội bộ chân lý nghệ thuật có căn nguyên đầy mâu thuẫn trong thể thống nhất. Và cũng chính vì vậy, phong cách vận hành chân lý nghệ thuật thường phải trở nên “rất nghệ thuật” là thiết lập một chân lý tối thượng. Chân lý tối thượng đó là: Chân-lý-lưỡng-lự-giữa-các-chân-lý. Ở đâu không có khả năng và thực tế không có chân-lý-lưỡng-lự-giữa-các-chân-lý hiện thực và chân lý thuần tuý nghệ thuật thì ở đó chưa thể có chân lý nghệ thuật đích thực và cao-cường-nhất của nghệ thuật ngôn ngữ ngôn từ. Chính ở thơ-đích-thực-là-thơ và tiểu-thuyết-với-đúng-nghĩa-là-tiểu-thuyết người ta luôn được cảm nhận, day trở về cái gọi là chân lý lưỡng lự giữa các chân lý đó. Chân lý lưỡng lự không nhằm phủ định mà chỉ nhằm lợi dụng các chân lý đó cho sự hiển hiện hình tượng tiểu thuyết mà thôi. Vì thế chân lý đó được gọi là chân- lý- hiển- minh-của-lưỡng-lự. Chính nhờ thao tác thiên tài chân lý lưỡng lự đặc trưng thơ làm nên hình tượng ngôn từ vừa hiện thực hoá vừa ảo hoá kỳ diệu. Và chính nhờ thao tác thiên tài chân lý lưỡng lự đặc trưng tiểu thuyết làm nên những hình tượng đặc trưng tiểu thuyết vừa biểu hiện chân thực vừa quái dị mơ hồ, luôn lưỡng lự trong vận động của chúng.

Hình dung để quan sát được hệ thống-mạng-lưới-chân-lý-nghệ-thuật-tiểu-thuyết, chúng ta chắc chắn sẽ xác định được tất cả những gì là chi tiết-yếu tố của tiểu thuyết có quan hệ-chân lý đó, nghĩa là chính tất cả các chi tiết-yếu tố đó có quan hệ với nhau bằng chân lý nghệ thuật. Như vậy: Chủ đề tác phẩm tiểu thuyết chính là trạng thái tổng thể cấu trúc tất cả các yếu tố có quan hệ sống còn với nhau bằng chân lý nghệ thuật tiểu thuyết. Tài hoa - tình cảm, mục đích, ý tưởng, năng lực nghệ thuật ngôn từ tiểu thuyết là cái gì nếu không là cái thuộc về cái gọi là tôi-thuyết, cái-tôi-chủ-quan, cái-tinh-thần-của-tiểu-thuyết?!

Chủ đề tiểu thuyết tất yếu có đặc thù thể loại của tiểu thuyết. Đặc thù thể loại của tiểu thuyết là: Tiểu thuyết chỉ khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được. Đặc thù đó cũng đồng thời  là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết. Tiểu thuyết với đúng nghĩa là tiểu thuyết, nó chỉ chăm chú khám phá cái mà chỉ có nó mới khám phá được. Cái đó là cái gì vậy? Cái đó là sự-sống-bản-thể-con- người. Sự-sống-bản-thể-con-người là thực thể vận động bao gồm: hệ cảm giác, nguồn cảm giác, vô thức, tình cảm, nguồn năng tưởng tượng, tư duy phi duy lý. Ta có thể gọi giản lược mà bao quát đúng đắn sự sống bản thể con người là sự sống tâm hồn, tình cảm con người. Như vây, tiểu thuyết chỉ chăm chú khám phá mô phỏng và miêu tả sự sống tâm hồn, tình cảm con người nhằm phục vụ cho sứ mạng duy nhất của nó là khám phá để bênh vực sự sống bản thể con người trong con người nhân thế, trong hành vi, lịch sử của chính con người, trong tiếp cận và nhập cuộc trình diễn thiên định Cái Thiện và Cái ác.

Như vậy, trong sứ mạng đặc thù thể loại văn học của tiểu thuyết, đề tài có sứ mạng duy nhất là khám phá còn chủ đề có sứ mạng duy nhất là bênh vực con người. Nhưng, chúng  ta phải có định hướng hình dung cho thế nào là đúng đắn, tiến tới sâu sắc thoả đáng về sứ mạng bênh vực con người của tiểu thuyết là gì? Sự sống bản thể con người là kẻ duy nhất làm đối tượng bênh vực trong sứ mạng duy nhất bênh vực con người của nội hàm chủ đề tiểu thuyết. Trước hết, sứ mạng bênh vực sự sống bản thể liên tục và trường cửu đòi hỏi phải được bênh vực trong vận động nội bộ nhân tính con người, hay nói đúng hơn là trong nội bộ con người nhân thế. Sự sống bản thể con người luôn có được đấng Cứu thế đồng thời là kẻ Tử thần mang tên là Tư-duy-duy-lý, vừa cứu thế vừa tàn sát. Con người nhân thế càng nhân hoá duy lý bao nhiêu, nó càng chính xác hoá, nhanh nhạy hoá bấy nhiêu, nó càng rút cạn nguồn năng và không gian sinh tồn trong con người nhân thế sự sống bản thể bấy nhiêu, nó càng đẩy sự sống bản thể vào “bóng đêm” của sự lợi dụng lý trí hoá, của “sự quên lãng con người” bấy nhiêu. Bởi thế, tiếng nói của chân-lý-nghệ-thuật-tiểu-thuyết - của chủ đề tiểu thuyết -  trước hết và sau rốt phải là tiếng nói bênh vực sự sống tâm hồn, tình cảm con người hồn nhiên trong sáng cao thượng, phiêu liêu, ảo tưởng, mộng mơ có đặc tính phi-lý-thiên-định-con-người. Sứ mạng bênh vực thứ hai, tiếp theo của chủ đề tiểu thuyết là bênh vực sự sống bản thể con người ở ngoài con người: Nghĩa là ở nơi thực thi hành vi con người, ở nơi diễn ra sự-sống-cụ-thể-của-con-người, ở nơi lịch sử của con người, ở nơi hữu hạn và vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ, ở cả vương quốc của Cái Thiện và ở cả địa ngục của Cái ác. Bởi thế, thật là đáng xấu hổ thay cho những cái được viết ra mang dung mạo, cơ cấu hình thức, ngữ điệu tiểu thuyết để mang danh tiểu thuyết mà thực chất chỉ để đi làm ngược lại sứ mạng bênh vực con người của-tiểu-thuyết-với-đúng-nghĩa-là-tiểu-thuyết. Chúng biến sự sống tâm hồn tình cảm con người thành ra vật liệu, thành ra con đường và cây cầu để hầu công cho một lý tưởng, ý tưởng thuần tuý xã hội học nào đó, hầu công cho một đạo đức nhân nghĩa tối thượng nhất thời nào đó lưu manh và xấu số sớm chết yểu bên lề dòng chảy huyết mạch sự sống trường tồn của dân tộc và nhân loại. Thật ra với chúng: chủ đề tiểu thuyết chỉ là cái-chúng-đề-ra cho tiểu thuyết chứ tuyệt nhiên chúng không có được phẩm chất và khả năng tôn trọng và thực thi chân lý nghệ thuật chân chính của tiểu thuyết với đúng nghĩa là tiểu thuyết.

Cố nhiên tình trạng cạn kiệt đề tài dành cho tiểu thuyết sẽ lôi kéo theo tình trạng cạn kiệt chủ đề tiểu thuyết. Khi, nếu quả thật, các mỏ quặng đề tài tiểu thuyết đã cạn kiệt không còn gì để mà khám phá nữa thì dẫu người ta có cách  tân, hiện đại hóa “công nghệ tiểu thuyết”, cách tân chân-lý-chủ-đề-tiểu-thuyết đến như thế nào đi nữa thì sự nghiệp bênh vực con người của tiểu thuyết sẽ ở tình trạng giống như tình trạng của công nghệ khai thác nguồn năng thiên nhiên bằng máy móc tối tân, siêu hiện đại kể cả công nghệ rô-bốt siêu trí tuệ mà  thảm thương và khôi hài vì khai thác ở nơi không còn mỏ quặng để khai thác nữa!...
Thái Bình, ngày 4/9/2004
  N. D.C

(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

Các bài mới
Trang mới (05/03/2009)
Các bài đã đăng