Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt
15:48 | 02/03/2009
PHAN THANH HẢI*TỪ MỘT HUYỀN THOẠINăm 1636, chúa Nguyễn Phước Lan đã vì sự nghiệp phát triển của Đàng Trong và cả vì mối tình với một cô gái yêu kiều ở đất làng Kim Long mà đã quyết định dời thủ phủ-kinh đô từ Phước Yên về vùng đất tươi đẹp bên bờ con sông Hương mang tên Kim Long.
Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt

Hơn 50 năm tiếp đó, thủ phủ Kim Long đã được xây dựng thành một “đô thị lớn”, phồn hoa diễm lệ bậc nhất của Đàng Trong khiến không ít giáo sĩ phương Tây khi đến đây đã tỏ ra hết sức thán phục. Vậy mà đến năm 1687, ngay sau khi kế vị, chúa Nguyễn Phước Thái đã cho dời ngay thủ phủ về đất Phú Xuân, cách đó chỉ khoảng 3km. Nguyên nhân của sự dịch chuyển này là do đâu? Các nhà nghiên cứu khi phân tích sự kiện trên đã đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng trong huyền thoại dân gian Huế thì dường như chỉ có một: đó là vì ngọn núi Ngự Bình vốn xưa mang tên là Mạc Sơn! Ngọn núi này được trời đất tạo ra dường như là để che chắn cho kinh đô của bậc đế vương. Chính chúa Nguyễn Phước Thái là người đầu tiên nhận ra điều này và ông đã không ngần ngại cho xây dựng lại cả một kinh đô chỉ vì một chiếc bình phong! Cũng từ đó Mạc Sơn mới chính thức trở thành Ngự Bình và dần dần trở thành biểu tượng của đất Huế (miền Hương-Ngự) (1)

*NGUỒN GỐC CỦA BÌNH PHONG
Bình phong có từ bao giờ? Thật khó trả lời chính xác câu hỏi này, chỉ biết rằng, ở phương Đông, từ khi con người biết xây dựng nhà cửa thì các quan niệm về phong thuỷ cũng dần dần xuất hiện và từng bước hoàn thiện; chiếc bình phong ra đời cũng từ các nguyên lý của phong thuỷ học.
Theo các nhà nghiên cứu về phong thuỷ Trung Quốc, việc sử dụng bình phong cho gia trạch cũng như mộ phần bắt nguồn từ lý thuyết về Triềuán trong Phong thuỷ. Triều có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần-tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách. Núi chầu về trong nghĩa triều sơn chỉ những ngọn núi ở phía xa và ở mặt trước. Triều sơn có nhiều loại, có loại đỉnh nhọn, đỉnh bằng, đỉnh tròn.... Trong Phong thuỷ thường chỉ chuộng loại núi tròn đều hay ngang bằng bởi cho rằng loại núi nhọn hay có góc cạnh thường phát ra khí chẳng lành.
Còn “án” vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, bàn đương nhiên là đặt trước mặt của người ngồi. Án sơn là để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần (2).

Nói chung, triềuán hết sức cần thiết cho gia trạch và mộ phần, tác dụng của chúng là ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước. Nhưng không phải lúc nào triều án cũng mang lại những điều tốt lành mà đòi hỏi phải có sự lựa chọn phù hợp nhưng việc lựa chọn này lại hoàn toàn không dễ dàng.
Thường thì mộ phần đặt ở vùng núi non nên việc chọn triều án khá thuận tiện, nhưng nhà cửa gia trạch lại chủ yếu nằm ở miền đồng bằng nên rất khó tìm triều và án. Trừ trường hợp cung điện đồ sộ của nhà vua thì đương nhiên phải tìm ra triều và án, còn thì đa số quan lại, thường dân chỉ mong tìm được án đã là tốt lắm rồi. Nếu không có án, người ta thường tạo nên những vật thay thế như đắp non bộ, trồng hàng rào hay xây bức tường ngắn... Chiếc bình phong ra đời từ đây.

Thuở ban đầu bình phong được làm rất đơn giản bằng các vật liệu dễ kiếm như tre nứa, gỗ, phiến đá, thậm chí bụi cây cũng được. Nhưng càng về sau, bình phong càng ngày càng được chú trọng làm bằng vật liệu bền vững như xây gạch, đắp đá; hình thức của bình phong cũng ngày càng cầu kỳ và phong phú.
Người Việt vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn minh Trung Hoa và các học thuyết Phong thuỷ nên cũng từ rất sớm, chiếc bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của họ. Còn hơn cả người Hán, người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong trở nên phong phú, đa dạng lên nhiều.

*CÁC LOẠI BÌNH PHONG
Đối với đại đa số chúng ta, khái niệm bình phong hầu như không được phân biệt rõ ràng, dù là triều hay án, dù to hay nhỏ đều gọi chung là bình phong. Tuy nhiên trong Phong thuỷ thì không phải như vậy. Như trên đã nói, triều án là hai khái niệm khác nhau và tác dụng của chúng cũng khác nhau khi áp dụng. Phong thuỷ rất chuộng triều sơn, nhưng trên thực tế thường chỉ áp dụng được cho các công trình có quy mô lớn hoặc cả một quần thể công trình như Kinh đô, lăng tẩm của vua chúa... Ngót ngàn năm trước, khi tìm ra đất Thăng Long, Lý Thái Tổ đã ca ngợi đây là mảnh đất “long bàn hổ cứ” có “sơn triều, thủy tụ”, địa thế tuyệt vời để xây dựng kinh đô. Lê Quý Đôn khi vào tiếp quản đô thành Phú Xuân năm 1775, cũng đã hết lời ca ngợi thế phong thủy của mảnh đất này, đặc biệt là vai trò của triều sơn: “Đất rộng bằng như bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật giữa đất bằng, ngồi vị Càn trông hướng Tốn; đằng trước quần sơn chầu về la liệt, toàn thu nước về bên hữu, vật lực thịnh giàu”.(3)

Nhưng phần lớn đối với các cuộc đất, do không có triều sơn nên người ta chỉ chú trọng đến án. Đối với kinh đô Huế, núi Ngự Bình cũng không phải là triều sơn mà chính là án, cũng như với lăng Thiên Thọ (lăng Gia Long), án chính là ngọn Đại Thiên Thọ Sơn...
Thế nhưng án cũng có 2 loại: ngoại ánnội án; ngoại án hay tiền án là chiếc bình phong đặt ở phía bên ngoài, ở phía trước công trình; còn nội án là chiếc bình phong (cũng có khi gọi là trấn phong) đặt ngay trong công trình.
Nhìn chung, đối với các công trình lớn, ngoại án thường là các ngọn núi, có thể là núi tự nhiên để nguyên, có thể là núi tự nhiên nhưng được sửa sang lại cho phù hợp, cũng có thể là núi nhân tạo hoàn toàn như ngọn núi nhỏ đắp phía  trước phần lăng vua Tự Đức. Đối với những công trình hoặc cụm công trình có quy mô nhỏ hơn thì ngoại án thường được xây dựng thành một bức bình phong bằng gạch đá, hoặc có thể là một bờ rào, hàng cây, một phiến đá...

Đối các loại bình phong được xây dựng cẩn thận bằng gạch đá, thường ngoài ý nghĩa về phong thuỷ còn là những công trình mang ý nghĩa trang trí thật sự. Về đại thể, tuy chỉ là một bức tường xây ngang nhưng kiểu dáng và cách thức trang trí của bình phong thì vô cùng phong phú. Kiểu bình phong phổ biến nhất có lẽ là kiểu cuốn thư nhưng có rất nhiều biến thể. Các đề tài trang trí trên bình phong cũng đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là những con vật trong Tứ linh, gồm long(rồng)-lân-phượng-quy (rùa). Tại các đình làng, các am miếu  dân gian, hình tượng long mã hay hổ cũng được sử dụng rất nhiều trên bình phong.
Nội án tức chiếc bình phong đặt bên trong công trình, ngay sau cửa chính. Dù có kiểu dáng, hình thức rất phong phú nhưng chúng đều là loại bình phong có thể di chuyển được. Chất liệu làm các loại bình phong này cũng rất đa dạng, bằng gỗ, bằng mây, bằng tre, bằng đá hoặc đá kết hợp với gỗ, thậm chí bằng đồng, bằng bạc, vàng... nhưng có thể nói, gỗ là loại chất liệu được sử dụng phổ biến hơn cả. Hầu hết các bức bình phong được sử dụng làm nội án đều được trang trí rất công phu và có giá trị nghệ thuật cao.

Căn cứ vào hình thức kiểu dáng có thể chia nội án thành 2 loại: loại bình phong một tấm cố định và loại bình phong nhiều tấm rời ghép thành.
Loại bình phong một tấm cố định phổ biến nhất là kiểu cuốn thư, được làm chắc chắn, có chân cố định, khi di chuyển phải di chuyển nguyên tấm. Còn loại bình phong nhiều tấm rời ghép thành thường có hình chữ nhật hoặc vuông, do 6,8 hay10 tấm gỗ hình chữ nhật ghép lại với nhau bằng bản lề. Loại này có thể có chân hoặc không có chân, khi di chuyển có thể di chuyển cục bộ từng phần hoặc có thể tháo rời ra để tiện vận chuyển. Kiểu bình phong này hiện còn khá phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc (4).

*SỬ DỤNG BÌNH PHONG THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP
Đây thực sự là một bí ẩn của Phong thủy học. Sách vở về Phong thuỷ xưa rất hiếm khi đề cập đến điều này, các kiến thức về sử dụng bình phong chủ yếu được truyền thừa qua các thế hệ thầy Địa lý. Phỏng vấn một số thầy Địa lý có uy tín ở khu vực miền Trung thì được biết, kích thước triều sơn không quan trọng lắm, chủ yếu là do dáng vẻ, thần thái của chúng tạo nên; còn kích thước của án (kể cả ngoại ánnội án) thì rất quan trọng đối với chủ nhân công trình. Tuy nhiên, đối với phần đông dân chúng do không hiểu hết các nguyên lý uyên áo của Phong thủy nên thường cho rằng, bình phong cốt để che kín ngôi nhà (hoặc huyệt mộ) cho ấm cúng và ngăn chặn gió độc, hay để ngăn chặn những thứ khí chẳng lành phát ra từ những vật lạ phía trước nhà (cây cối, cột mốc, đường đi...), nên việc dựng bình phong không theo quy chuẩn và kích thước phù hợp, gây mất cân đối cho công trình, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thậm chí gây trở ngại cho việc đi lại.

Thực ra, theo Phong thủy, nguyên do phải đặt bình phong (kể cả ngoại và nội án) đều nhằm cản bớt hỏa khí xâm nhập quá mạnh vào nhà gây hại cho chủ nhân. Phong thủy căn cứ vào thuyết Ngũ Hành cho rằng, phía trước công trình thuộc Hỏa (phía Nam); bên phải công trình là Kim (phía Tây), tượng cho chủ nhân; bên trái thuộc Mộc (phía Đông) tượng thê tài (vợ, tiền tài); phía sau thuộc Thủy (phía Bắc) tượng tử tôn (con cháu); còn trung ương thuộc Thổ. Quy định này cũng dễ hiểu vì vốn xưa nhà được đắp bằng đất (thổ); nhà sinh ra chủ (Kim), chủ sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển vợ, người làm (Mộc). Ngũ hành tương sinh hay tương khắc tùy thuộc khi ta đặt công trình vào các hướng cụ thể của thiên nhiên. Nếu đặt mặt trước công trình về hướng (đây lại là hướng được người Việt yêu thích nhất khi làm nhà: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng ”) thì Hỏa khí càng thêm vượng, dễ gây tổn hại cho chủ nhân nên mới đặt bình phong để ngăn chặn. Còn đối với các công trình xoay mặt về phía Bắc (nhất là các chùa) thì hầu như không sử dụng bình phong vì phía Bắc thuộc Thủy, mà Thủy lại khắc Hỏa. Chính vì những nguyên lý này mà khi làm nhà (hoặc lăng mộ) người ta phải mời thầy Địa lý để có sự nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Kích thước bình phong thế nào là vừa phải? Theo Phong thủy, khí được dẫn vào công trình từ cổng hay cửa. Trường hợp cổng và cửa công trình cùng một hướng thì Hỏa khí được dẫn trực tiếp vào mặt trước công trình. Trong kiến trúc truyền thống, cửa giữa là cửa chính để chủ nhân ra vào nên bình phong phải làm sao che kín được cửa giữa. Kinh nghiệm của các thầy Địa lý cho biết, kích thước của bình phong thường lấy từ kích thước của cửa giữa công trình nhưng có gia giảm để làm sao đứng từ trung tâm công trình nhìn ra thì cảm thấy bình phong vừa che kín hết cửa giữa là được. Đó là bề ngang của bình phong, còn chiều cao thì lấy theo mái hiên công trình. Nhà cửa xưa mái hiên thường thấp, chiều cao của bình phong (nhất là nội án) làm sao nhìn ngang bằng mái hiên nếu ta đứng từ trung tâm công trình nhìn ra; còn đối với ngoại án, kích thước là phù hợp nếu ta ngồi trên ghế mà cảm thấy có thể gác hai tay vừa vặn trên đầu bình phong (tức như đặt hai tay trên bàn).

Khoảng cách đặt bình phong (ngoại án) đối với công trình cũng khá linh động nhưng đều có căn cứ vào kích thước công trình. Theo phần lớn các thầy Địa lý, khoảng cách giữa công trình và bình phong (Phong thủy gọi là Tiểu minh đường) thường lấy tương đương với kích thước bề ngang công trình. Tuy nhiên, nếu do hoàn cảnh, ngoại án phải đặt hơi xa thì cần có một lớp bình phong khác hoặc nội án hỗ trợ. Tiêu biểu là trường hợp Kinh thành Huế, do núi Ngự Bình cách Kinh thành đến 3km, Tiểu minh đường hơi rộng hơn bề ngang Kinh thành (chỉ khoảng 2,2km) nên trước mặt Hoàng Thành đã có thêm Kỳ Đài có vai trò như lớp án thứ hai che chắn cho nhà vua.

Ở Việt , có lẽ Huế là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì Huế là cố đô cuối cùng của Việt , lại vẫn giữ được khá nguyên vẹn diện mạo của kinh đô thời quân chủ. Nhưng không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ... dường như nơi nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện nay vẫn còn giữ được một số bức bình phong tuyệt đẹp, trong đó có cả bình phong bằng gỗ loại một tấm cố định, có cả loại ghép nhiều tấm hình chữ nhật đan bằng mây trên khung gỗ, lại có cả những bức bằng đá, bằng bạc, bằng ngà voi được chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Đây thật sự là những kiệt phẩm của các nghệ nhân tiền bối mà mỗi khi đứng trước chúng ta thường có cảm giác như bị mê hoặc hút hồn. Chẳng biết do chúng quá đẹp hay do chúng đã hội tụ được phần nào những điều thần bí của Phong thuỷ?!
P.T.H

(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 


------------------------
(1) Sách Đại nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, tập Kinh sư có phần nói rõ về núi Ngự Bình: “ở Tây bắc huyện Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong, làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành..” ( Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH, Hà Nội, tr 107). Vua Thiệu Trị đã từng xếp ngọn núi này là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh, có thơ vịnh lấy nhan đề là Bình lãnh đăng cao. Bài thơ được khắc vào bia đá, hiện vẫn còn ở chân núi.

(2) Phong thủy không giải thích thật chi tiết vì sao phải dùng triều và án, chỉ thấy truyền lại những câu phú như:
Điện tiền hữu án trị thiên kim,  
Viễn hỉ tề mi cận ứng tâm.                                    
Án nhược bất lai vi khoáng đãng,         
Trung phòng phá hoại hoạ tương xâm.         

Tạm dịch:
Trước điện có án ngàn vàng,
Xa hợp ngang mày, gần chính giữa.
Án nếu không được khoáng đãng,
Gia đình bị phá, hoạ tìm ngay.
Hay:
Ngoại sơn tác án diệc kham cầu  
Quan bão nguyên cầu khí bất lưu  
Túng hữu huyệt tình vô cận án                  
Trung phòng điên bái tẩu tha châu
                     
Tạm dịch:   Núi xa làm án chẳng mong cầu
Ôm kín nguyên thần khí chẳng thông
Nếu ở gần huyệt không có án
Gia đình điên đáo tẩu phương xa

(3) Lê Qúy Đôn toàn tập, tập I:
Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.112.
(4) Tháng 7 năm 2003, tại cuộc Hội thảo khoa học “Văn hoá dân gian Đông Á với hoạt động bảo tồn và triển lãm” (The Preservation and Exhibition of East Asian Culture in Relation to Folk Craft Aesthetics), bà KATAYAMA  Mariko (thuộc Bảo tàng Triều Tiên tại thành phố Kyoto, Nhật Bản) đã trình bày một tham luận rất thú vị về sự tương đồng và dị biệt giữa bình phong Hàn Quốc và bình phong Nhật Bản. Chính qua tham luận này tôi mới biết rằng, tại Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay chỉ còn tồn tại loại bình phong chữ nhật ghép từ nhiều tấm gỗ, còn loại bình phong nguyên tấm như kiểu Việt Nam và Trung Quốc đang sử dụng khá phổ biến thì hầu như không còn.
Xem thêm kỷ yếu Hội thảo (cùng tựa đề), Tokyo , tháng 7-
2003, bản tiếng Nhật-Anh-Hoa, tr.16-22.

Các bài mới
Trang mới (05/03/2009)
Các bài đã đăng