Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
09:46 | 05/03/2009
HOÀNG NGỌC VĨNHHồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam, là người Việt Nam đầu tiên soạn thảo và ban bố các sắc lệnh tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam.

Người luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân không chỉ trong tư tưởng mà cả trong hành động cụ thể.
Ngay sau ngày tuyên bố “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 3/9/1945, khi quy định về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, Người đã chú ý dành thời gian tiếp chuyện các đoàn đại biểu các tôn giáo. Người viết: “Từ năm nay tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: các báo Việt và Tàu..., Công giáo, Phật giáo..., Công hội, Nông hội v.v.... Xin chú ý:
1. Gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.
2. Mỗi đoàn đại biểu xin chớ quá 10 vị.
3. Mỗi lần tiếp chuyện xin chớ quá một tiếng đồng hồ”(1).

Một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Người vạch ra ngày 3/9/1945 là vấn đề tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương -
giáo. Người quy định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương-Giáo đoàn kết” (2). Sau này trong “Thư gửi Hội Phật tử ngày 30/8/1947” và trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Cộng sản Việt Nam 3/3/1951” (3) cùng nhiều bài nói, bài viết khác Người cũng khẳng định lại lập trường đó.
Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đại đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, giữa những người có tín ngưỡng khác nhau, tất cả đều vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển và hoàn  thiện của mỗi cá nhân con người Việt Nam và vì sự phát triển của dân tộc.

Trong “Thư gửi các vị Linh mục và đồng bào Công giáo Việt ngày 25/12/1945” Người viết: “Hiện nay toàn quốc đồng bào ta Công giáo và ngoại Công giáo đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức đấu tranh để gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc. Ngoài sa trường thì xương máu của các chiến sĩ Công giáo và ngoại Công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để ngăn cản kẻ thù chung là bọn thực dân Tây. Ở khắp nơi trong nước, đồng bào Công giáo và ngoại Công giáo đang cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tinh thần hy sinh phấn đấu ấy tức noi theo tinh thần cao thượng của Đức Chúa Giêsu” .

Người quan niệm “Tổ quốc độc lập Tôn giáo mới tự do” . Người luôn kêu gọi “Toàn thể đồng bào ta, không chia Lương Giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông, Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền Tôn giáo tự do”
(6). Người cũng đã viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”(7).

Người vẫn thường khẳng định: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt... Việt Nam độc lập đồng minh là cốt để để đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo”(8).
Trong sắc lệnh số 5 ký ngày 23/11/1945 ở điều 4 Người cấm phá huỷ đình, chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác: cung điện, thành quách, lăng mộ chưa được bảo tồn.
Trong sắc lệnh số 234 ký ngày 14/6/1945 Người nêu rõ: 1) Chính phủ đã bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng  của nhân dân không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (nhà thờ, chùa, tịnh thất, trường giáo lý...);
2) Các nhà tu hành và tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của công dân và phải làm tròn nghĩa vụ của công dân.
Người tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhưng Người luôn phân biệt rõ tín ngưỡng chân chính với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân để xâm lược nước khác và mê hoặc nhân dân để dễ bề cai trị. Hồ Chí Minh rất căm thù những kẻ theo chủ nghĩa Giáo hội. Với Người, những kẻ theo chủ nghĩa giáo hội là những kẻ ích kỷ, tham lam, vơ vét của tín đồ và nhân dân. Thậm chí Người coi bọn họ là những tên gián điệp.

Trong các bài phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”... Người đã tố cáo Chủ nghĩa Giáo hội Công giáo chiếm đoạt ruộng đất của nhân dân, bóc lột tàn tệ, đàn áp và mê hoặc nhân dân. Người thừa nhận ưu điểm của Công giáo là lòng nhân ái cao cả, thì Người cũng phê phán mãnh liệt chủ nghĩa thực dân dùng Giáo hội làm một công cụ phục vụ cho mục đích thực dân.
Người đã dẫn chứng, sau những cuộc hành quân đánh chiếm, giám mục có thể bỏ túi mình hàng trăm ngàn ph.răng. Cha xứ cũng nhốt, trói, đánh đập trẻ em. Cha xứ bán cả bé gái Việt cho người châu Âu để kiếm tiền. Giáo hội chiếm rất nhiều ruộng đất canh tác của nhân dân. Linh mục sẵn sàng bảo lính đốt làng này vì không nộp thuế cho “chúng ta”, tha cho làng kia vì đã quy thuận “chúng ta”(9)… v.v.

Người thẳng thừng vạch mặt thực dân Pháp lợi dụng Công giáo vào mục đích thực dân, chia rẽ đoàn kết Giáo - Lương ở Việt Nam, Người khẳng định: “Thiên chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái” , nên vì thế mà phải nêu cao cảnh giác với kẻ thù, không được nhầm lẫn bởi dã tâm của thực dân mà hãy đoàn kết vì dân tộc độc lập (11).
Người đã từng trả lời câu hỏi “Người là ai?” của các nhà báo trong và ngoài nước rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, Ki tô giáo có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm chính là chính sách của nó phù hợp với những điều kiện của nước ta. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng... Tôi cố gắng làm một  học trò nhỏ của các vị ấy” , thì cũng chính là trên tinh thần của đại đoàn kết vì nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai cùng các nước phát triển trong khu vực và thế giới; Là vì Người đề cao vai trò của con người trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng là người quyết định và sáng tạo ra lịch sử; Là để đáp ứng hoài bão của Người mang lại cho nhân dân, cho con người một cuộc sống luôn tốt đẹp hơn.

Nói chung quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về Tôn giáo thể hiện ở những điểm sau:
1) Người kịch liệt phê phán chủ nghĩa giáo hội bị lợi dụng bởi mục đích thực dân, nhưng luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Người kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ những hủ tục làm cản trở sự vận động và phát triển của xã hội Việt .
2) Sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân trong các bài nói và viết của Người về Tôn giáo là: Mỗi công dân có quyền theo hoặc không theo bất kỳ một Tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Mỗi tín đồ tôn giáo cả trên cương vị tổ chức và cá nhân vừa làm tròn bổn phận của tín đồ, vừa làm tròn nghĩa vụ của một công dân. Mọi Tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi công dân đều có quyền thay đổi hoặc không thay đổi tôn giáo của mình mà không cần một điều kiện xã hội nào kèm theo.
3) Mọi người Việt không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng phải thực sự đoàn kết cùng nhau phấn đấu vì Việt hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh tiến lên CNXH.

Những  tư tưởng cơ bản đó đã định hướng cho việc quy định chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt từ 1945 đến nay. Nó được thể hiện ở điều 10 trong Hiến pháp 1946; Điều 26 và điều 42 trong Hiến pháp 1959; Điều 57, 68, 76, 77 và 78 trong sửa đổi Hiến pháp 1980; Điều 54, 70, 76, 77 và 79 trong Hiến pháp 1992; Trong nghị định 69 của HĐBT ký ngày 21/3/1991 quy định về các hoạt động của tôn giáo và trong Nghị định 26/1999/NĐ-CP của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo ký ngày 19 tháng 4 năm 1999; Quyết định số 83/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Nhà xuất bản Tôn giáo và gần đây là trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá IX về công tác Tôn giáo ngày 12 tháng 3 năm 2003.

Nghị quyết lần thứ bảy Ban chấp hành Trung Ương khoá IX về vấn đề Tôn giáo đã chỉ rõ phương hướng: “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(13). 
Nghị quyết cũng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức về các quan điểm và chính sách của Đảng đối với Tôn giáo.
H.N.V
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 



----------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 4, Trang 10.
(2) Sđd, Tập 4, Trang 9.
(3) Sđd, Tập 5, Trang 197.
(4) Sđd, Tập 4, Trang 121.
(5) Sđd, Tập 6, Trang 342.
(6) Sđd, Tập 4, Trang 197 và 490; Tập 5, Trang 726; Tập 7, Trang 197.
(7) Sđd, Tập 5, Trang 197; Tập 8, Trang 290-291.
(8) Sđd, Tập 5, Trang 28.
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,  Tập 1, Tr 284-285, 417; Tập 2, Tr 101.
(10) Sđd, Tập 5, Tr 333.
(11) Sđd, Tập 5, Tr 701.
(12) Về Tôn giáo , Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, Tập 1, Trang 6 -7. Vũ Khiêu, Nho giáo xưa và nay, NXBKHXH, Hà Nội 1971, Tr 16.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá IX, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2003, Trang 48.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang mới (05/03/2009)