Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Mỹ
10:00 | 05/03/2009
HÀ VĂN THỊNHTrong lịch sử của loài người, những vĩ nhân có tầm vóc và sự nghiệp phi thường chỉ có khoảng vài chục phần tỷ. Nhưng có lẽ rất chắc chắn rằng sự bí ẩn của những nhân cách tuyệt vời ấy gấp nhiều lần hơn tất cả những con người đang sống trên trái đất này. Tôi đã rất nhiều lần đọc Hồ Chí Minh Toàn tập, nhưng mỗi lần đều trăn trở bởi những suy tư không thể hiểu hết về Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Mỹ

Con người, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như là sự kết tinh, thăng hoa của mọi điều đẹp đẽ nhất của dân tộc Việt . Đến với Người, mọi sự khám phá gần như bất lực; mọi sự hiểu biết phải bối rối, vụng về... Chính vì lẽ này, tôi chỉ dám trình bày một vấn đề thật nhỏ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ, hiểu về nước Mỹ như thế nào?                          

1. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, những nhà tuyển chọn đã sai khi để bài viết Tâm địa thực dân là thứ nhất, bài đầu tiên trong sự nghiệp viết lách và thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài đó không thể viết trước ngày 27/6/1919(1). Trong khi ấy, có một bài viết trước đấy rất lâu lại để sau; bài Thư gửi Tổng thống Mỹ đề ngày 18/6/1919.  Nguyễn Ái Quốc đã dụng sử văn chương rất chi là Nghệ Tĩnh: “Chúng tôi xin mạn phép (chúng tôi nhấn mạnh-HVT) gửi đến Ngài, kèm theo Bản yêu sách của nhân dân An ”(2). 
Nói như thế để thấy, hiểu đúng vị thế của Hoa Kỳ, liên hệ với Hoa Kỳ là một trong những suy nghĩ đầu tiên; nếu không muốn nói là Thứ Nhất, của Nguyễn Ái Quốc. Tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, những dòng chữ cuối cùng mà Bác Hồ đã viết là lá thư gửi tổng thống Mỹ Nixon, đề ngày 25/8/1969(3) - một tuần trước khi Người đến với cõi vĩnh hằng!

Chúng tôi không có nhiều tư liệu về những năm tháng đầu tiên mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sống xa Tổ Quốc. Nhưng chúng tôi biết khá chắc chắn rằng chốn đến rồi, ở lại khá lâu của Người  là thành phố Boston, nơi khởi đầu của cuộc Cách mạng Mỹ rạng sáng ngày 17/12/1773. Boston là nơi đã sinh ra ba vị tổng thống: John Adams( TT thứ 2); J.Q. Adams(TT thứ 6) và J.F. Kennedy(TT thứ 35)(4).
Lịch sử dường như luôn biết cách “sắp xếp” cho những cuộc “hội ngộ” kỳ tuyệt của những nhân tài ở những vùng đất mà mọi sự lý giải theo logique thông thường đều trở nên không thoả đáng. Nguyễn Tất Thành đã đến Boston(1911) và trở thành Nguyễn Ái Quốc khi anh đến Paris năm 1917.

2.
Bài viết đầu tiên giới thiệu về nước Mỹ của Nguyễn Ái Quốc là bài Lịch sử Cách mệnh Mỹ (năm 1925) (5). Trong bài này, Nguyễn Ái Quốc đã dịch thật sát nghĩa của Tuyên Ngôn Độc Lập: “Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình (6). Thật là khác khi Người trích dẫn câu này trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước VNDCCH: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng...” (Every men was created equal) Chính xác là được sáng tạo ra bởi Đấng Sáng Tạo (was created/ by The Creation). Tôi tin rằng định đề bất hủ mà Thomas Jefferson đã nghiền ngẫm luôn có trong tâm trí của Nguyễn Ái Quốc hàng chục năm trời. Tình cảm mà Người dành cho nhân dân Mỹ xuyên suốt, dài lâu trong suy nghĩ của Người. Bằng trực giác của một thiên tài, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh hiểu rõ Mỹ là một cường quốc có vai trò cực kỳ quan trọng trong thế giới đương đại.

Điều này được chứng minh rất rõ khi ta đọc T.4, bức thư gửi TT Mỹ Truman đề ngày 17/10/1945. Đây là thời điểm nước Việt Nam mới đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách; 45 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhưng một mối liên hệ với Mỹ là cần thiết. Đó cũng là cách nhìn đúng của một vĩ nhân. Hồ Chủ tịch đã khẳng định dứt khoát với TT Mỹ rằng, “Về mặt pháp lý thì giữa Pháp và Việt không còn tồn tại một bổn phận nào nữa” (7). Hồ Chủ tịch đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một trách nhiệm rõ ràng đối với Việt Nam-một nước đã cùng đồng minh đánh bại phát xít Nhật trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai.

Quan hệ giữa Việt Minh với Mỹ là một quan hệ khá chặt chẽ và hiệu quả. Mỹ đã cử một nhóm sĩ quan và nhân viên của OSS (tiền thân của CIA) đến giúp Việt Minh chống Nhật. Neil Sheehan, trong cuốn sách nổi tiếng của mình nói rằng chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Minh phần lớn vũ khí các loại để trang bị cho hơn năm ngàn chiến sĩ của ông Giáp (8). Về mặt số liệu, chưa thể khẳng định con số trên là đáng tin cậy hoàn toàn nhưng sự viện trợ của Mỹ là chắc chắn có thật. Trong thư gửi trung uý Phen, Hồ Chí Minh viết: “Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc (chúng tôi nhấn mạnh-HVT) được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ(9).  Hai năm sau, trong lá thư gửi Việt Mỹ ái hữu hội đề ngày 2/9/1947, Hồ Chủ tịch nhắc lại: “Chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác thân ái của các bạn người Mỹ hồi chúng ta du kích chống Nhật, và chúng ta mong rằng sự hợp tác đó được tiếp tục”(10).

Không hề ngẫu nhiên khi Hồ chủ tịch chọn ngày gửi thư là ngày 2/9. Gần 50 năm sau, TT Bil Clinton chọn ngày 3/2 để tuyên bố huỷ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt . Trước đó, Hồ Chí Minh đã dự cảm rất rõ rằng quan hệ Việt-Mỹ sắp tới sẽ khó khăn. Tại sao lịch sử đã rẽ vào một khúc quanh để đưa đến xung đột rồi, chiến tranh giữa hai nước? Có không ít những nguyên nhân nhưng chắc rằng một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là rất nhiều người đã không hiểu Hồ Chủ tịch.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm rất nhiều về chính phủ Mỹ nói riêng và nhân dân Mỹ nói chung. Chỉ trong vòng 4 tháng của thời gian kháng chiến chống Pháp đang diễn ra quyết liệt, Người đã viết một loạt bài về Mỹ: Quyền tự do của Mỹ (23/10/1951); Văn hoá Mỹ (31/10/1951); Xã hội văn hoá Mỹ (5/11/1951); Thanh niên Mỹ chống chiến tranh (9/11/1951); Ku-Klux-Klan (14/11/1951); Tinh thần quân đội Mỹ (3/1/1952); Ô hô, tinh thần lính Mỹ (12/1/1952)(11).

Đây là thời điểm cuộc chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra nóng bỏng nhất và chắc hẳn khi viết loạt bại trên, Hồ chủ tịch đã dự cảm rất rõ mưu đồ của Mỹ đối với Việt ? Cần phải nhấn mạnh là ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã viết về tổ chức phân biệt chủng tộc Ku-Klux-Klan(12).
Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để làm nổi bật vấn đề bằng cách giản dị nhất của Hồ Chủ tịch là điều khó ai có thể làm được. Chẳng hạn như: Mỹ mà không đẹp(13); Hoà bình kiểu Mỹ tức là binh hoạ (14); Do you understand, Zoon?(15); Một triệu tín đồ, một vạn phụ nữ, năm nghìn trí thức và một bé gái Hoa Kỳ(16); Đại tướng Vét mỡ lợn(17) Tổng thống Ken nói chuyện ở một trường đại học Mỹ, 6000 chữ mà ông lặp đi lặp lại từ Hoà bình 92 lần...(18)

4. Cuộc chiến tranh Việt là một nỗi đau bi thảm cho cả hai dân tộc. Chính vì quan niệm như vậy nên ngay sau khi Mỹ phát động chiến lược chiến tranh cục bộ, ngày 1/1/1966, Hồ chủ tịch đã viết lời chúc đầu năm mới gửi nhân dân Mỹ: “Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại đang tiếp tục truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Lin Côn đấu tranh cho độc lập và dân chủ”(19). Quan điểm rõ ràng của Hồ chủ tịch đối với nhân dân Mỹ không phải bắt đầu khi chiến tranh bùng nổ mà đã có từ lâu rồi. 10 năm trước, Người đã viết thư thăm hỏi phụ nữ Mỹ: “Nhân ngày phụ nữ Quốc tế 8/3, chúng tôi xin gửi đến chị em (phụ nữ Hoa Kỳ) lời chào hữu nghị” (20). Có lẽ chúng ta sẽ khó hiểu hết được tư duy và tình cảm của một thiên tài. Đọc những dòng chữ cuối cùng của Người- Thư gửi tổng thống Mỹ Nixon, ta hoàn toàn bất ngờ khi thấy Bác dừng cụm từ Vấn đề Việt đến ba lần. Hoá giải nỗi đau của một cuộc chiến tranh dài nhất và đau thương nhất của nước Mỹ bằng hai chữ vấn đề là cách nói chỉ có ở những vĩ nhân.

Cũng cần thiết phải khẳng định rằng, trước khi người Mỹ loay hoay tìm cách  để thoát ra khỏi cuộc chiến Việt thì Hồ chủ tịch đã tìm một “Giải pháp danh dự duy nhất cho họ (21). Lối thoát “trong danh dự” cho người Mỹ được Hồ chủ tịch đề cập vào ngày 31/10/1966, trong buổi trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp E. A. De la Viguyrie. Một năm sau, GS sử học H. Kissinger viết cuốn sách nổi tiếng với cụm từ “sau Việt ”(The World after . The Future of the Foreign Policy of ). H. Kissinger bước vào Nhà Trắng với ba từ “sau VN”, trở thành cố vấn an ninh quốc gia rồi, ngoại trưởng Hoa Kỳ. Hồ chủ tịch đã nhìn, thấy thắng lợi trước tất cả mọi người nhưng thật tiếc là ngày vinh quang ấy chỉ đến sau khi Người đã đi xa.
                                                           
Trong bài diễn văn trước sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 11/2000, TT Mỹ Bill Clinton nói rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều điểm chung như: cả hai dân tộc đều trẻ(65% dân số dưới 35 tuổi); đều lập nước từ thân phận thuộc địa; đều hình thành dân tộc thông qua sự dịch chuyển(nam tiến và tây tiến); đều có câu mở đầu của Tuyên Ngôn Độc Lập giống nhau... Có lẽ, Hồ Chí Minh đã là người rất hiểu những điều ấy...?
Đọc, hiểu, viết về Hồ Chủ tịch bao giờ cũng là một điều rất đỗi khó khăn.
Nghĩ về Hồ Chí Minh, trong tôi là hình ảnh của dãy Trường Sơn ngút ngàn thẳm sâu của hiểu biết. Nơi ấy, có con đường Hồ Chí Minh chảy dài suốt vận mệnh của dân tộc trong hàng chục năm kháng chiến vĩ đại, chảy xuyên qua Thời đại và rực chảy tới tương lai.
Huế, 15/4/2005
H.V.T
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 



-------------------
 (1) T. 1; tr. 437
 (2) T1, tr. 437
 (3)T.12, tr. 488-489
(4) An ninh Cuối tháng, tháng 7/2003
 (5)T. 2; tr. 270
 (6) T. 2; tr. 270
 (7) T.4, tr. 52
(8) Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb Công an Nhân dân, H. 2003, tr.205
 (9) T.3, tr. 550
 (10) T.5, tr. 211
 (11) T6(1950-1952)
 (12) T.1, tr.336
 (13) T.11, tr. 267
 (14) T.11
(15) Zoon tức tổng thống Mỹ L.B. Johnson(1963-1969); T. 12, tr. 10
 (16) T.12
(17) Tức Westmoreland,T.12, tr. 359
 (18) T. 11
 (19) T. 12, tr.3
 (20) T.11, tr. 213
 (21) T.12, tr. 130

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang mới (05/03/2009)