Tạp chí Sông Hương - Số 167 (tháng 1)
Vũ Trọng Phụng bàn về phóng sự và tiểu thuyết tả chân
15:16 | 16/03/2009
NGUYỄN NGỌC THIỆNTrong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, trung xu thế tìm đường hiện đại hóa văn xuôi chữ quốc ngữ, các thể tài tiểu thuyết, phóng sự được một số nhà văn dụng bút thể nghiệm.
Vũ Trọng Phụng bàn về phóng sự và tiểu thuyết tả chân

Bước vào làng văn bằng truyện ngắn đăng trên báo từ năm 1931, qua đời ở tuổi 27 với cuốn tiểu thuyết còn dang dở, những tác phẩm tiêu biểu của văn nghiệp Vũ Trọng Phụng thuộc về 2 thể tài tiểu thuyết và phóng sự tả chân: ông để lại 9 cuốn tiểu thuyết và 7 tập phóng sự.

Tác phẩm gây sự chú ý của dư luận đương thời đối với Vũ Trọng Phụng là phóng sự đầu tay Cạm bẫy người – ký bút danh Thiên Hư, đăng trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (02/08/1933) đến số 14(01 – 11 – 1993). Năm sau, cũng trên báo này, ông lại cho in thêm phóng sự thứ hai Kỹ nghệ lấy Tây (từ số 69 – 5/12/1934). Và chỉ với 2 phóng sự này, cùng cây bút đàn anh đi trước Tam Lang Vũ Đình Chí và nhà văn đồng trang lứa Vũ Bằng, ông được liệt vào hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta" (Lê Tràng Kiều – Văn học tạp chí, số 4/1935). Đặc biệt, ông được Mai Xuân Nhân tôn vinh là "ông vua phóng sự của đất Bắc" (dẫn theo Việt Trung, tập san Nghiên cứu văn học, số 5/1960). Danh hiệu này sau được nhiều người tán thành, gọi theo, vì quả thực xưng tụng như vậy là xứng đáng với văn tài nhà văn trẻ.

Mãi đến năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên Dứt tình (còn có tên khác là Bởi không duyên kiếp) đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo. Với tiểu thuyết này, ông chứng tỏ là "ngòi bút tả chân thực đã khéo léo" và tác phẩm có thể coi là "một bức tranh... phỏng theo sự thực của cuộc đời, không tô điểm cho đẹp thêm, cũng không bôi nhọ cho xấu đi" (Tràng An).

Song, sang năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, đạt kỷ lục xuất sắc: chỉ trong vòng 1 năm, 4 cuốn tiểu thuyết được lần lượt xuất hiện trên báo, thu hút sự tìm đọc của công chúng. Đó là Giông tố (trên Hà Nội báo từ số 1-01/01/1936); rồi Số đỏ (cũng trên Hà Nội báo, từ số 40, 7/10/1936). Tiếp đó là Vỡ đê (trên báo Tương lai, từ số ngày 27/09/1936) rồi đến Làm đĩ  (đăng trên Sông Hương, phát hành tại Huế năm 1936).

Với những phóng sự, tiểu thuyết nói trên, tên tuổi của Vũ Trọng Phụng đã trở nên quen biết với người đọc. Ông xác lập chỗ đứng chắc chắn trong làng văn, chiếm được tình cảm của đông đảo bạn đọc. Một cây bút đương thời không ngần ngại xem ông là "một tay thiện nghệ trong văn tả thực" (Lê Tràng Kiều). Nhà văn Phùng Tất Đắc khen ngợi Vũ Trọng Phụng đã có "những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ... góp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi này".

Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến chê bai, phản bác Vũ Trọng Phụng về các tác phẩm nói trên.
Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận chung quanh vấn đề Dâm hay không Dâm trong phóng sự, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Đối thoại, đáp lại những ý kiến nhằm vào công kích ông và tác phẩm của ông, Vũ Trọng Phụng đã có dịp thẳng thắn, công khai trình bày quan điểm nghệ thuật của mình, về động cơ và mục đích của lối viết tả chân mà ông đã thực thi trong sáng tác. Tất cả gom lại khoảng ngót chục bài báo gồm: thư ngỏ gửi Thái Phỉ; thư ngỏ cho một độc giả; đáp lại bài của Nhất Chi Mai; bác lại ý kiến của báo Phong hóa, báo Ngày nay; trả lời phỏng vấn của Lê Thanh về 2 tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ; bài thay lời tựa cho tiểu thuyết Làm đĩ khi in thành sách; những lời giới thiệu phê bình cuốn tiểu thuyết mới Tắt đèn của Ngô Tất Tố... Ngoài ra cũng cần kể thêm vào đó những bài lược dịch của Vũ Trọng Phụng về các ý kiến của các nhà văn, nhà thơ nước ngoài như G.Maupassant, J. Richepin, A.de Vigny; bài viết của ông về đặc tính của kịch lãng mạn cũng như câu chuyện ông kể về một nhà văn sĩ vô danh đã sáng tác như thế nào... đăng trên báo những năm 1931 – 1932. Qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu hơn, từ ngọn nguồn nào khiến ông có lập trường rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt khi tranh luận, đụng chạm trực tiếp sau này.

1. Vũ Trọng Phụng lược thuật ý kiến của các nhà văn hiện thực G.Maupassant, J.Richepin, qua đó bộc lộ thiên hướng sáng tác văn tả chân và tư cách nhà văn xã hội.
Những năm đầu bước vào làng văn, thể nghiệm các sáng tác đầu tay ở thể tài truyện ngắn và kịch, Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ khuynh hướng tìm đến với chủ nghĩa hiện thực, có cảm tình với các nhà văn tả chân xã hội. Ông tìm đọc họ, lược dịch để truyền bá quan điểm, tư tưởng nghệ thuật của các nhà văn phương Tây thuộc trào lưu hiện thực phê phán (thế kỷ trước hoặc đương thời) như G.Maupassant, J. Richepin... Qua đó ông gián tiếp bộc lộ khuynh hướng sáng tác của mình cùng đồng nhất với các nhà văn này. Từ ý kiến của các nhà văn nói trên, Vũ Trọng Phụng tập trung nhấn mạnh các khía cạnh mà theo ông là chủ yếu đối với nhà văn tả chân:

- "Chỉ tả sự thực, toàn một giống thực". Nhưng sự thực ở đời và sự thực trong sách là có khoảng cách, không giống nhau hoàn toàn. "Đó là những sự thực có ý vị, chớ chẳng cốt nêu cái thực hoàn toàn".

- Nhà văn tả chân phải là người từng trải cuộc đời, chú mục phơi bày những cảnh đời bình dị, những con người bình thường. Tác phẩm của họ cần phô diễn tính tình và hành động của các hạng người sao cho sinh động, thanh thoát, tự nhiên. Qua sự cảm nhận và kinh lịch của mình, nhà văn tả chân giúp người đọc tỏ tường các mặt thực của đời, chiều sâu của đời sống xã hội, sự phồn tạp trong hoạt động tinh thần, tâm – sinh lý của các hạng người đời.

- Không thể kết án nhà văn tả chân khi họ miêu tả những thói xấu của xã hội, những cái đê tiện của người đời và gọi chúng bằng tên thật của nó. Nhà văn tả chân dũng cảm đối diện với sự thật, dù nó tàn nhẫn, khắc nghiệt, trái với sự mong đợi của mình. Anh ta khi viết không đổi trắng ra đen, không che đậy hoặc huyễn hoặc lừa mình, dối người, cũng không cốt làm hại đến luân lý, phong hóa cần được tôn trọng. Viết trung thực, có sao nói vậy, không thêm bớt, tô điểm, vẽ vời, tức là tôn trọng người đọc, nêu cao tinh thần khoa học, để có thể khám phá chân lý cuộc sống. Khuynh hướng tả chân như vậy là phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội, đáp ứng đòi hỏi của người đọc trong một thế giới văn minh, hiện đại (1).

2. Quan điểm của Vũ Trọng Phụng trong tranh luận "Dâm hay không Dâm".
Cuộc tranh luận từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, được kéo dài trong 3 năm, từ cuối năm 1935 đến cuối năm 1939.

Chính Thái Phỉ, chủ bút báo Tìm văn, trên số báo 25 ra ngày 01/09/1936 là người châm ngòi cho cuộc tranh luận qua bài Văn chương dâm uế. Trong bài này, ông không nhằm vào cá nhân Vũ Trọng Phụng, người mà ông vẫn quý mến văn tài. Ông chỉ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo một khuynh hướng văn chương nguy hại tả cái dâm uế một cách quá táo bạo, khó coi, trần truồng hết sức gây phản cảm trong độc giả. Ông gọi đó là thứ "văn chương dâm uế" không có tính nghệ thuật cần có.

Thái Phỉ không hẹp hòi đối với việc lấy dâm uế, sự xấu xa bẩn thỉu làm đối tượng miêu tả của văn chương. Ông chỉ phản đối cách miêu tả những cái đó một cách quá đà, quá mức đến lõa lồ, sống sượng cốt đánh vào cân não người đọc mà không chú trọng đến mục đích cao đẹp hoàn toàn của nghệ thuật lành mạnh. Ở đây Thái Phỉ đã chú ý phân biệt cái mà ngày nay chúng ta gọi là đối tượng miêu tả, động cơ và hiệu quả của tác phẩm trong đời sống xã hội, trong sự tiếp nhận của công chúng.

Phải nhận rằng bài viết này của Thái Phỉ tuy sơ sài, nhưng quan điểm là đúng mực, có tính chất xây dựng, không có ý định gì công kích tác phẩm của họ Vũ, hoặc biểu lộ "cái lòng không thành thực" của ông đối với Vũ Trọng Phụng, như Vũ Trọng Phụng ngộ nhận (2).

Chính Thái Phỉ, cách đây 2 năm trên Ngọ báo đã có bài khen ngợi thành công của Vũ Trọng Phụng với phóng sự Cạm bẫy người. Ông thực lòng khen họ Vũ đã có một tác phẩm "có giá trị về phương diện khảo chứng (documantation) cũng như về phương diện văn chương". Cạm bẫy người được viết một cách có nghệ thuật, có "sức cám dỗ người đọc" với mục đích chính đáng là phê phán, "lật tẩy" hiện tượng xã hội xấu xa là cờ bạc bịp. Giọng trào phúng mát mẻ của Vũ Trọng Phụng cũng là thích hợp. Thái Phỉ cũng đã rất tinh khi nhận ra khuynh hướng tả chân mà họ Vũ theo gót các bậc thầy như G.Maupassant, g.Flanbert, đồng thời ông cũng dè chừng lối viết mà theo ông là có tính chất khiêu dâm trên những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng.

Bởi vậy, người đọc lấy làm ngạc nhiên khi thấy Vũ Trọng Phụng phản ứng gay gắt với Thái Phỉ qua bài Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn về bài "Văn chương dâm uế"  đăng trên Hà Nôi báo số 38 ngày 23/09/1936. Phải chăng bài của Thái Phỉ chỉ là cái cớ để Vũ Trọng Phụng nói cho đã, cho hả, công khai đối lập quan điểm với những người vì đố kỵ, vì muốn tranh độc giả mà châm chọc ông?

Vũ Trọng Phụng nhận rằng do mình là một trong những nhà văn tả chân, nên khi đọc bài của Thái Phỉ, ông thấy có trách nhiệm phải bộc lộ thái độ cho rành mạch. Ông thẳng thắn nói rằng lý lẽ của Thái Phỉ là không có sức thuyết phục, bởi tối tăm, luẩn quẩn, là sự phỉ báng, phạm thượng đối với văn chương tả thực.

Bắt bẽ chữ nghĩa của Thái Phỉ đã dùng, Vũ Trọng Phụng đứng ở vị trí người viết phản ứng dè chừng trước sự quy chụp thiển cận rằng ông đã miêu tả cái dâm để khiêu dâm người đọc, khiến họ mất đi sự tỉnh táo, phê phán cần thiết. Họ Vũ tựu tin với mục đích viết văn chính đáng của mình: viết về cái xấu xa, nhơ bẩn, dâm uế để tố cáo, lên án nó, khơi dậy trong độc giả sự công phẫn, đối phó chống lại thực trạng và những kẻ thủ phạm gây ra những tệ nạn xã hội xấu xa ấy.

Có thể thấy, trên những nét cơ bản, quan điểm của Thái Phỉ cũng như của Vũ Trọng Phụng về đối tượng và mục đích viết về những cái xấu xa, dâm uế, nhơ bẩn của xã hội... là gần gũi, đồng thuận nhau. Chỗ khác nhau trong quan niệm của mỗi ông chỉ là ở chỉ mức độ và cách viết như thế nào thì là phải và có thể chấp nhận được, để không rơi vào tình trạng khiêu dâm người đọc.

Như trên đã nói, Thái Phỉ e ngại về sự miêu tả quá đà, nhồi nhét quá mức cảnh dâm uế vào bất cứ đâu, làm cho người đọc mụ mị trong cân não mà hoặc ghê sợ hoặc "rung động" một cách lệch lạc, bị kích thích về mặt thú tính của con người.

Còn Vũ Trọng Phụng thì sao? Ông khẳng định: nhà văn tả chân có quyền và bổn phận tả những cảnh thuộc về đời sống tình dục tự nhiên của con người, về cái dâm thuộc về thiên tính – nhưng lúc nào cần tả, lúc nào không nên tả thì cần phải cân nhắc để văn chương không rơi vào khiêu dâm. Còn thứ dâm uế, dâm loạn – tức những hành vi xấu xa, cần lên án thì phải mô tả kỹ về nó, lôi nó ra dưới ánh sáng ban ngày, có vậy mới khiến người đọc bất bình, công phẫn, lên án nó. Vũ Trọng Phụng không tán thành lối viết nửa kín, nửa hở, che đậy bằng những câu văn thanh nhã, bóng bẩy vì như vậy chỉ tổ làm cho người đọc tò mò mà không thỏa nguyện. Ông chủ trương lối viết thẳng thắn, nói toạc ra các khía cạnh của sự thật dù có tàn nhẫn, khó coi nhưng đó sẽ là sự thật cay nghiệt giống như liều thuốc đắng khó nuốt nhưng sẽ làm cho người bệnh mau khỏi.

Ở đây, không thể không thấy sự cực đoan trong quan điểm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Bởi trong miêu tả nghệ thuật, ranh giới giữa hiệu quả gây tỉnh táo để phê phán, tố cáo với xui khiến sự tò mò, chuộng lạ, thích thú tự nhiên, bản năng... thật khó mà phân biệt một cách thật khách quan trên văn bản.

Một năm sau những ý kiến qua lại giữa Thái Phỉ và Vũ Trọng Phụng, cuộc tranh luận được đẩy lên đến đỉnh cao khi Nhất Chi Mai viết bài: Ý kiến một người đọc: Dâm hay không dâm? đăng trên báo Ngày nay, số 51 ra ngày 14/03/1937.

Nhất Chi Mai không ngần ngại chỉ trích đích danh Vũ Trọng Phụng là một nhà văn xã hội kỳ quặc "nhìn thế giới qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa". Theo Nhất Chi Mai, bức tranh xã hội và đời sống con người trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thuần một màu đen tối, như một địa ngục với những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục, nói càn. Qua đó, không hé ra cho người ta thấy một tư tưởng lạc quan nào, một tia hy vọng nào. Mà tệ hơn nữa, ông lại viết những câu văn sống sượng, trần truồng, mô tả những cảnh nhơ nhớp một cách khoái trá, thích thú chẳng khác nào khiêu dâm người đọc.

Nhất Chi Mai chỉ trích loại văn nói trên không thể xem là "kiệt tác", "đúng sự thực", "can đảm" được, thực chất chỉ là một loại văn "dơ dáy, bẩn thỉu, nhơ nhớp" mà thôi – độc giả có lương tri không nên để mình bị lừa mị mà tin theo những lời rỗng tuếch, huênh hoang, tâng bốc nhau của họ.

Lúc này Vũ Trọng Phụng không thể không lên tiếng một lần nữa. Ông viết một bài dài "Để đáp lại báo Ngày nay: Dâm hay là không Dâm?" bác lại hoàn toàn ý kiến của Nhất Chi Mai.

Vũ Trọng Phụng vạch chân dung của Nhất Chi Mai, chỉ ra rằng Nhất Chi Mai đã né tránh khi chỉ nhận mình trong tư cách một độc giả bình thường, trong khi Vũ Trọng Phụng biết một cách tỏ tường rằng Nhất Chi Mai còn là một người viết, đại diện cho một văn phái, một khuynh hướng sáng tác đương thời – khuynh hướng lãng mạn của Thơ mới, của Tự lực văn đoàn và các cơ quan ngôn luận của nó là Phong hóa rồi Ngày nay.

Vượt lên sự đối thoại cá nhân với cá nhân, Vũ Trọng Phụng vạch ra sự khác biệt như nước với lửa giữa 2 văn phái lãng mạn / hiện thực trong cái nhìn đời sống xã hội, trong cách miêu tả hiện thực và con người.

Văn phái lãng mạn bó hẹp trong sự cổ động cho phong trào "vui vẻ trẻ trung", giải phóng cá nhân khỏi những lề thói xưa cũ để được tự do yêu đương, được mình là mình trong các quan hệ gia đình. Họ đã chạy xa sự thật nhãn tiền của xã hội, không thấy những bức xúc rộng lớn hơn đang tác động vào sự sinh tồn của con người. Nấp sau những danh từ mỹ miều, điêu trá, dựng lên những nhân vật phụ nữ giả dối, có bề ngoài đáng yêu, xinh xắn nhưng bên trong thì mục ruỗng cả về tinh thần lẫn thể xác – văn phái lãng mạn chỉ có thể sản sinh ra thứ văn chương "tuỳ thời", cơ hội, chỉ nhằm chiều nịnh một bộ phận người đọc mà thị hiếu là ưa thích sự giả dối, không dám đối diện với sự thật đau lòng của xã hội mà tự ru ngủ và thỏa mãn với cuộc sống hiện tại.

Đối lập lại, là một người thuộc văn phái tả chân, Vũ Trọng Phụng theo một quan điểm trái ngược, xung đột với quan điểm của văn chương lãng mạn. Ông dõng dạc tuyên bố: "Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời. Các ông muốn theo thuyết tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thật, thành ra nguy hiểm, vì sự thật mất lòng".

Vũ Trọng Phụng tiếp tục khẳng định mục đích cao đẹp của văn tả thực: cất tiếng nói phản kháng xã hội bất công, mục nát, xấu xa, phản tiến bộ, trong đó người lao động lương thiện bị bóc lột, đè nén, bị bần cùng và tha hóa, bên cạnh đó tầng lớp trên thì ăn chơi trác tráng, xa hoa, phè phỡn, lố lăng. Ông cho rằng xã hội đương thời với những vết thương trầm trọng, thối rữa đến tận xương tủy như thế thì có gì phải giấu giếm? Phải vạch trần chân tướng xấu xa của nó, phanh phui những ung nhọt của nó, chỉ ra sự bất công và nỗi thống khổ đang tràn lan, dày vò con người, từ đó làm cho dân chúng căm hờn, phỉ nhổ vào những tệ nạn, bất công mà đấu tranh cho sự công bằng và những điều tốt đẹp! Đó há chẳng phải là sứ mệnh cao cả của văn chương tả thực xã hội hay sao?

Tư tưởng nghệ thuật mà Vũ Trọng Phụng theo đuổi tâm huyết nói trên là tiến bộ, cần được ủng hộ, nhưng cũng phải thấy những mặt phiến diện, cực đoan có phần quá khích trong kiểu tư duy ấy. Có nên quá thiên về miêu tả trần trụi để chỉ trích, lên án những mặt xấu, mặt trái, hy vọng tìm cách xóa bỏ chúng – chỉ thế mà thôi không? Trong khi đó cuộc sống vận động cả ở những phương diện khác: có không ít những chồi non khỏe mạnh đang trỗi dậy, biết bao nhiêu là cái đẹp, cái tốt tiềm ẩn trong con người lương thiện, trong các lực lượng xã hội tiên tiến – những nhân tố mới ấy cũng cần được nhìn nhân, phát hiện, chăm sóc và khẳng định, xây dựng.

Liền ít ngày sau bài đáp lại Nhất Chi Mai, Vũ Trọng Phụng lại nhấn rõ thêm quan điểm của ông trong bài trả lời phỏng vấn Lê Thanh về những tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ, trên báo Bắc Hà ngày 03/04/1937 (3).

Vũ Trọng Phụng xếp các tiểu thuyết của ông thuộc dòng tiểu thuyết tả chân xã hội, nó "phản ánh cái xã hội hiện thực", chứ không phải là quay lưng lại hiện thực hoặc hư cấu, phóng túng, tùy tiện mà làm sai sự thực. Mà xã hội hiện thời sặc sụa những mùi mục nát, đầy rẫy những cái xấu xa, nhơ bẩn, không thể không thất vọng, bi quan về nó. Viết các tiểu thuyết nói trên, ông "có ý chụp ảnh lấy cái xã hội hiện thời" trong đó không thể không tả những cảnh dâm đãng. Tả như thế không có nghĩa là khiêu dâm, mà chỉ là tả những điều có thực, tuyệt không "khiêu cái lòng dâm dục của ta lên". Trái lại, cách miêu tả này làm cho "người ta thấy ghê tởm, ghê tởm vì trông thấy nhãn tiền cái sự thật nó xấu xa... đến nỗi phải tức tối lên... quên mất cái dâm dục" đi.

Vũ Trọng Phụng tự thú rằng ông viết tiểu thuyết là thực thi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, dù có phải là người chịu hy sinh, thiệt thòi, bị hiểu nhầm đi nữa. Ông tập trung viết về cái dâm nhằm bài trừ những sự quá đáng trong sinh hoạt dục tình của người ta, để cảnh tỉnh, chế ngự những mặt trái của hiện tượng thuộc tâm – sinh lý có tính chất xã hội phổ biến này (xoay quanh 3 khía cạnh: tả những cái dâm đãng trong sự phú quý để phê phán sự ích kỷ, hưởng lạc; tả cái dâm ở tuổi dậy thì của người con gái và đề xuất cần phải giáo dục trẻ em về sự dâm để tránh hư hỏng về sau này; tả nạn mại dâm do nghèo đói, thống khổ mà có để khống chế nó...).

Ông tâm sự rằng ông đi ngược với phong trào Âu hóa của Tự lực văn đoàn, không có nghĩa là ông bảo thủ. Nhà văn thiết tha với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tiến bộ xã hội, tán thành con người có nhu cầu thỏa mãn nguyện vọng cá nhân chính đáng, nhưng đồng thời nhà văn cũng có trách nhiệm bảo vệ gia đình với những kỷ cương của nó, đừng để sự mất quân bình, sự quá đáng chi phối. Theo ông, vấn đề phụ nữ và gia đình phải được đặt và giải quyết phù hợp với bối cảnh xã hội, với nghĩa vụ của mỗi hạng người và đạo đức truyền thống...

Có thể nói những ý kiến Vũ Trọng Phụng trình bày trong cuộc tranh luận Dâm hay không Dâm qua các phóng sự, tiểu thuyết đã xuất bản của ông đã thể hiện khá đầy đủ lập trường tiến bộ của một nhà văn xã hội, chủ trương dùng bút pháp tả chân để phanh phui những sự thật, căn bệnh trầm kha của xã hội, những cảnh bất công, ngang trái, những cái mầm ung nhọt trong đó, nhằm cảnh báo người đời khiến họ ghê sợ mà tìm cách thoát ra khỏi thực trạng đen tối, đi tới những điều tốt đẹp, công bằng và lương thiện.

Theo ông, văn chương của ông không phải là văn chương khêu gợi cái dâm thú tính, tầm thường mà là tố cáo nó, phanh phui nó để người đọc phản tỉnh, xa lánh, tiến tới tìm cách chôn vùi, thanh toán nó. Đó cũng là một công việc xã hội mà nhà văn phải dấn thân thực hiện, chứ không thể làm ngơ hoặc ca tụng véo von những điều không đâu vào đâu cả.

3. Ý kiến của Vũ Trọng Phụng về tiểu thuyết hiện thực Tắt đèn của Ngô Tất Tố.
Là một cây bút tả chân, Vũ Trọng Phụng nồng nhiệt khẳng định giá trị hiện thực và sức mạnh tố cáo của Tắt đèn. Và ông thử đi tìm nguyên nhân thành công của tiểu thuyết hiện thực này từ phía con người tác giả – mặt chủ quan của quá trình sáng tạo. Theo Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố hơn người ở chỗ, trong khi các tác giả khác chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để có thể viết một cuốn tiểu thuyết hay về nông thôn và người dân quê, thì Ngô Tất Tố lại là một trong số hiếm hoi các nhà văn có đủ tư cách và thời gian để viết về lĩnh vực này của đời sống hiện thực lúc đó. Ở Ngô Tất Tố có một định hướng rõ rệt cho ngòi bút và trong lựa chọn tâm thế sáng tác; ông được trang bị một vốn sống phong phú, sâu sắc về nông thôn; ngòi bút của ông vốn giàu nghị lực, bản lĩnh. Tiểu thuyết của ông được cấu trúc theo một kết cấu mở, hiện đại, căng thẳng, giàu kịch tính.

Vũ Trọng Phụng đề cao Ngô Tất Tố khi ông viết nhằm mục đích phụng sự thôn quê, nêu lên những luận đề xã hội bênh vực phái nhà nông. Là một người từng trải "được sống nhiều với đời thôn quê", nên Ngô Tất Tố có được sự hiểu biết kỹ càng về tâm tính, lời ăn tiếng nói của đám dân quê nghèo khổ. Xuất thân Nho học, từng làm nghề báo, tiếp xúc nhiều, lại chịu khó mở rộng kiến văn, cầu thị thâu thái những thành tựu mới của kỹ thuật tự sự phương Tây, nên trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã không đi theo lối mòn của cách kể chuyện cũ. Ông kết hợp giữa kể và tả, đứng ở địa vị khách quan trong khi mô tả và thuật chuyện, biểu lộ năng khiếu quan sát tinh tường, chu đáo về cảnh và người, về tâm lý, hành động của họ, khéo léo khêu gợi những tư tưởng cải tạo xã hội, phê bình sự vật của người đọc.

Những điều nói trên, theo Vũ Trọng Phụng, đã dẫn đến những thành công cơ bản của một tiểu thuyết hiện thực Tắt đèn. Tính đến thời điểm đó Tắt đèn xứng đáng là một "kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy".

Với những ý kiến phê bình ngắn gọn về Tắt đèn, Vũ Trọng Phụng đã đề xuất những yêu cầu cơ bản đối với nhà văn hiện thực trong việc tích lũy vốn sống trực tiếp, bồi bổ vốn tri thức, văn hóa và không thể xem nhẹ khâu trau dồi, nâng cao kỹ thuật viết sao cho câu chuyện được kể một cách sinh động, hấp dẫn người đọc. Làm được như vậy, nhà văn sẽ giành được thế chủ động, dẫn tác phẩm đi tới đích tả thực thành công.

Sinh thời, những ý kiến của Vũ Trọng Phụng về văn học tả chân qua tiểu thuyết, phóng sự, về việc mô tả cái dâm phải như thế nào để không sa vào khiêu dâm, khêu gợi bản năng tình dục tầm thường... ngoại trừ một số rất ít người phản bác, còn lại phần lớn Vũ Trọng Phụng nhận được sự hưởng ứng của văn nghệ sĩ tiến bộ, cách mạng. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là bằng chứng sinh động về việc ông đã thể hiện trung thực những quan điểm nghệ thuật về chữ nghĩa tả chân trong sáng tạo văn chương. Ngay sau khi ông mất, số Tao đàn đặc biệt đã ra mắt, với nhiều bài viết của các nhà văn có tên tuổi. Họ là bạn bè của Vũ Trọng Phụng, bộc lộ niềm thương tiếc một nhà văn tài năng xuất chúng nhưng mệnh yểu.

Di sản văn chương mà Vũ Trọng Phụng để lại là vô cùng quý giá, dồi dào chất hiện thực của cuộc sống đương thời, quyết liệt trong sức mạnh tố cáo, phê phán những cái xấu xa, đồi bại, bất công của một xã hội thối nát. Phẫn nộ lên án cái dâm đãng đồi trụy, nhơ nhớp, ông đòi hỏi con người phải được giáo dục chu đáo từ nhỏ để có sức vượt lên cái bản năng thấp kém mà sống một cuộc sống có ý nghĩa, lành mạnh, cao đẹp. Các tác phẩm của ông, trong đó đáng kể là những tiểu thuyết, phóng sự tả chân, có thể được xem là trợ thủ đắc lực trong cuộc đấu tranh lâu dài vì tiến bộ, dân chủ, dân sinh và công bằng xã hội.

Tiếp bước các nhà văn đi trước như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, các nhà văn lớp sau: Nguyên Hồng, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao... xuất hiện vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước đã giương cao ngọn cờ của văn học hiện thực, đem lại hững thành tựu mới cho trào lưu văn học này.

Và chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi đọc lại những ý kiến dưới đây của Nam Cao, thấy Nam Cao gần gũi Vũ Trọng Phụng biết bao! Nam Cao đã tiếp tục đào sâu vào các nguồn văn hiện thực mà Vũ Trọng Phụng đã khai mở trước đó, nhưng đến lượt mình ông làm cho nó sâu sắc thêm, nâng cao thêm, trước hết là trong tư duy nghệ thuật:

- "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ.. chẳng cần trốn tránh... cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...".
- "Một tác phẩm thật giá trị... nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay...".

- "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi nguồn chưa ai khơi nguồn, và sáng tạo những cái gì chưa có...".

                Hà Nội, tháng 10 năm 2002.
                                  N.N.T
--------------
(1) Những bài viết hoặc bài lược dịch của Vũ Trọng Phụng về các vấn đề nói trên được tập hợp trong cuốn Chống nạng lên đường (chùm sáng tác đầu tay mới tìm thấy năm 2000) do Lại Nguyên Án sưu tầm, giới thiệu, Nxb, Hà Nội văn, 2001.
(2)(3) Xem: Một bài phỏng vấn Vũ Trọng Phụng mới tìm được
do Lại Nguyên An sưu tầm, giới thiệu. Tia Sáng số 5/2002, tr. 47 - 50
(167/01-03)

Các bài mới
Trọ đêm (27/04/2009)
Nếu như... (27/04/2009)
Mưa ngâu (27/04/2009)
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)