Tạp chí Sông Hương - Số 167 (tháng 1)
Có ai ở đó không?
14:30 | 27/04/2009
JOYCE BEGG (Úc)Bà Firbank trở thành hàng xóm của chúng tôi đã lâu, dễ đến sáu bảy năm nay, nhưng thật sự trong chúng tôi chẳng ai dám khẳng định mình biết rõ về người đàn bà này. Xung quanh bà ta lúc nào cũng bao phủ một bầu không khí bí hiểm, ma quái, ngay cả toà dinh thự cổ của bà ta cũng gợi cho người ta cái vẻ rờn rợn, lạnh lẽo giống như nơi trú ẩn của những linh hồn cõi âm.

Ngày xưa tôi đã đến đó một lần, vào một buổi sớm mai, những mong tìm thấy một điều gì đó sáng tỏ hơn cho những lời đồn đại. Thật tình tôi chẳng thích thú gì với những thứ rối rắm, không minh bạch, nhưng tôi lại rất tò mò về ngôi nhà. Nó thật đúng như tôi đã tưởng tượng, tối đen, đầy sự rùng rợn ma quỷ.

Có đủ các loại lời đồn khác nhau về bà Firbank, rằng bà là một phù thuỷ da trắng, một kẻ học đòi dị hợm, nhưng nhiều hơn cả là một mụ già dở hơi. Tôi đã không hề nhận ra đấy là một bà đồng, một người chuyên gọi hồn người chết cho đến cái ngày tai nạn bất ngờ xảy ra. Trước đó, làm sao có thể ngờ nổi ngày kia bỗng nhiên một người quá đỗi thân thiết và quen thuộc với mình sẽ mất đi vĩnh viễn. Điều đó làm thay đổi mọi thứ mà từ trước đến giờ ta cứ đinh ninh sẽ chẳng thể nào đổi thay, mọi thứ tồn tại hiển nhiên đến mức ta chẳng còn chú ý đến nữa. Thế rồi, chỉ sau có một tiếng nổ, tất cả không thể nào còn được như trước. Không có thời gian để nói bất cứ lời nào, dù chỉ là một lời chia tay hay xin lỗi. Và người đi xa lẫn người ở lại cứ còn mãi cảm giác ray rứt của sự chưa trọn vẹn. Tôi nghĩ phải chăng người ta cần đến ông đồng bà cốt vì chính cảm giác chưa trọn vẹn này? Và cả những mong ước tự nhiên của gia đình người quá cố muốn cho người thân mình ra đi biết rằng họ luôn được thương yêu dù họ có đến bất cứ nơi đâu?

Tôi không hề mong muốn có mặt trong buổi gọi hồn của bà Firbank, nhưng cuối cùng tôi cũng tự thuyết phục mình. "Chắc mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Mình vẫn còn quá oán giận Bill. Tất cả là tại anh ấy".
"Chiếc máy xén cỏ còn dùng được, chỉ cần thận trọng chút thôi. Đảm bảo không sao. Đừng có mà cằn nhằn nữa".
Cuối cùng điều gì đã xảy ra? Sau đó một tuần, vào ngày thứ bảy, ngay trước bữa trưa, chiếc máy đã nổ tung và mọi thứ trong vòng bán kính 10 mét đều bị quét sạch. Mọi thứ đều thay đổi. Gia đình tôi không bao giờ còn như cũ được nữa.
Ba chúng tôi có mặt trong buổi gọi hồn đêm đó: Bà Anderson, một phụ nữ đứng tuổi khao khát được liên lạc với chồng; Nigel, một cậu choai đua mô tô 18 tuổi; và tôi 40 tuổi, mẹ của ba đứa con.

Tôi nhìn Nigel nghi ngờ. Một thằng bé từng ấy tuổi mà lại bị cuốn hút vào những việc như thế này sao? Nhưng nó đến đây thật vì nó đã mất mẹ. Nigel là một thằng bé lúc nào tóc tai cũng bóng lộn, suốt ngày chải chuốt kiểu nọ mốt kia, nhưng nó lại rất yêu mẹ.
Cả ba chúng tôi đều khoanh tay nín thở trong lúc bà Firbank đang làm những việc của bà để chuẩn bị gọi hồn. Chúng tôi cảm thấy thời gian chờ đợi sao lâu thế. Cuối cùng giọng bà Firbank cũng phát ra như từ một nơi nào đó rất xa xăm, hình như bà ta đang hướng đến các vì sao.
"Có ai ở đó không?"

Thật khó mà nhịn được cười. Tôi đánh liều liếc qua hai người kia, nhưng bà Anderson đang gân người lên, cố gắng hết sức để tập trung, còn Nigel thì cứng đờ vì sợ hãi. Điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu.
Chúng tôi đã trải qua những giờ phút thật kỳ lạ, nhìn thấy những điều thật mới mẻ. Nhưng tôi thật sự yên tâm, thậm chí cảm thấy hạnh phúc nữa. Sau tất cả thì điều gì có thể xảy ra tiếp theo? Không có gì nguy hiểm. Điều mà tất cả chúng tôi đang làm là truyền đi những cảm xúc, lời lẽ của tình yêu, của những mối bận tâm lo lắng vẫn còn canh cánh bên lòng.

Tôi có thể kể lại rằng gia đình Anderson đã quá khát khao đoàn tụ. Hai ông bà đã sống với nhau quá lâu, quá quen thuộc và gần gũi, họ không gặp bấtcứ trở ngại gì trong suốt thời gian nói chuyện với nhau. Tất cả nỗi lo âu của bà Anderson đều tan biến ngay khi bà nghe thấy giọng của ông. Tôi không hề nghĩ họ đã trông mong khắc khoải đến thế để chờ đợi cái giây phút được nghe lại tiếng nhau.
Nigel có một chút trục trặc trong việc liên lạc với mẹ, nhưng đến khi gặp bà rồi thằng bé nói một hơi không nghỉ. "Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi! Con biết mẹ ở nơi xa lắm nhưng vẫn phải lo lắng cho con. Con biết con có tội với mẹ, biết bao lần mẹ cản con đừng trở thành tay đua mô tô, nổi tiếng để làm gì nếu tai nạn chết người xảy ra? Con biết con có lỗi, nhiễu lắm".

Và sau cùng, khi tôi đang nghĩ rằng Bill vẫn còn rất giận dữ với tôi như tôi đã giận điên lên với anh thì tôi nghe thấy giọng anh.
"Em có nghe anh nói không, Kate? Kate, cho anh xin lỗi. Anh đã không giữ chặt chiếc máy xén cỏ. Không lúc nào anh tha thứ cho mình về điều đó. Anh không biết em có... "
Tôi thở dài. "Mọi sự cuối cùng đã như thế, Bill ạ. Em không còn biết điều gì đã xảy ra, chỉ biết rằng cuối cùng em đã mất anh, nhưng thế giới bên kia cũng không tồi tệ phải không?"
"Em hãy bảo với lũ trẻ là anh yêu chúng lắm, và cả em nữa, anh rất yêu em..."
Sau đó giọng bà Firbank nhỏ dần rồi tắt hẳn. Cả ba chúng tôi đứng lên, không ai nhìn ai. "Chúng tôi đều rất hài lòng bà ạ. Nhưng thật không dễ dàng gì chấp nhận cái chết, phải không?". Tôi mỉm cười.

NGUYỆT THU dịch
(
167/01-03)

 

 

Các bài mới
Trọ đêm (27/04/2009)
Các bài đã đăng
Nếu như... (27/04/2009)
Mưa ngâu (27/04/2009)