Tôi bảo Quỳnh: "Em không nhắc Huế một ngày, chắc là không ngủ yên một ngày. Huế của em mà, chẳng nơi nào có được". Quỳnh chống chế: "Còn anh, ngày nào cũng phải châm chọc người ta vài câu thì ăn cơm mới ngon phải không?" Nhà Quỳnh ở đầu thung lũng, khuất sau rặng hoa vàng. Tôi dừng xe đứng ngần ngừ, muốn tiến vào nhưng còn ngần ngại. Nàng mở cánh cổng gỗ thông, bảo tôi: - Vào đây một chút đã anh. Tôi dắt xe qua sân. Căn nhà gỗ nhỏ nhắn và sạch sẽ. Bộ bàn ghế bằng mây với bình hoa gốm cắm mấy chùm hoa sao lấm tấm tím trắng. Cách đây hai năm, khi Quỳnh vừa chuyển công tác lên đây, chính tôi đem bình hoa gốm này đến cho nàng. Căn nhà lúc đó trơ trọi, chưa có gì. Những gói hành lý của nàng nằm bệt trên sàn. Mấy cái áo mắc trên lưng ghế. Một thùng giấy lớn vừa khui xong, miệng mở rộng, bên trong một lũ thú nhồi bông bồng bế quấn quýt lấy nhau. Tôi tặc lưỡi: - Tuổi em mà còn chơi những thứ này à? Cả một thùng cồng kềnh, chở đi cũng hết hơi.
Quỳnh cầm lên một con chó bông trắng, tần ngần: - Mỗi năm vào sinh nhật em, Minh lại tặng một con thú bông. Em đem đi đủ hết, không sót con nào - Nói rồi nàng lôi ra từng con một đặt lên cái giường còn trống trơn. Tôi đếm: có tất cả mười con, đủ màu, đủ kiểu. Vậy là họ quen nhau đã mười năm... Vì sao Quỳnh lên đây? Bỏ xứ mà đi, chắc là có nỗi buồn. Chẳng tiện hỏi, tôi gần xa: - Người ta bảo những người yêu thú bông thường là những người nhân hậu và mềm mỏng. - Đúng rồi. Minh hiền lắm, năm mười tám tuổi đi học ngành thú y chỉ vì thích chơi với chó mèo. "Một gã chán phèo." Tôi thầm nghĩ. Mặt Quỳnh đầy vẻ trìu mến. Hình như nỗi nhớ đang hành hạ người ra đi, chỉ khi nhắc đến Minh, đến Huế nàng mới tươi lên một chút. Tôi thôi không hỏi nữa, chỉ lặng lẽ đóng đinh, kê đồ đạc giúp nàng. Thời gian là thuốc thần diệu nhất, trước sau rồi nàng cũng nguôi ngoai đi thôi.
Bây giờ, Quỳnh không nhắc đến Minh nữa. Nàng cũng phải nể nang tôi một chút chứ, không có tôi ai chịu khó đưa nàng về sau những đêm sinh hoạt văn nghệ khuya khuya như đêm này... Nhà Quỳnh yên tĩnh, xinh xắn, nhưng hơi lạnh. "Quỳnh ở một mình vầy không sợ ma sao?". Quỳnh đặt tách trà trước mặt tôi: "Ma có quấy quả chi mình mô. Chỉ sợ người. Nói thiệt với anh, lúc nãy em cố tình mời anh vô nhà đó. Để cho mấy gã tà quanh xóm thấy có bóng đàn ông, đỡ quấy nhiễu". À, thì ra vậy. Thì ra nàng chỉ cần tôi có thế thôi: một thứ bù nhìn để dọa chim trời. Tôi hơi phật lòng. Nhưng nghĩ cũng tội, đàn bà con gái ở một mình khó mà yên thân. Tôi đùa: "Anh phải làm vệ sĩ thường xuyên túc trực, chứ ngồi đây năm mười phút thì ăn thua gì."
Quỳnh nghe tôi bóng gió, chỉ thở dài. Lúc tiễn tôi ra cổng, nàng nói: -Quỳnh cũng nghĩ nhiều lắm, nhưng khó quá anh à! Tôi quay nhìn vào nhà. Mười con thú bông vẫn còn đó, trên chiếc giá gỗ dài ở lưng chừng vách. Về sau có lần tôi đường đột hỏi Quỳnh vì sao nàng lại lên sống ở đây, bỏ Minh ở lại. Quỳnh nhăn mặt: - Anh có để cho em yên không? Tôi không chịu thôi. Tôi có lý do để mà đường đột. Quỳnh trả lời, miễn cưỡng: - Đâu phải chỉ có hai đứa sống trên đời. Dư luận. Gia đình. Tương lai, nghề nghiệp... Em đã tính đương đầu, nhưng rồi đuối sức.
Nàng càng nói tôi càng rối mù, chẳng hiểu gì. Chỉ lờ mờ cảm thấy một bi kịch. Chẳng ai muốn nhắc những ngày bi thảm của mình, cũng như tôi, nếu ai hỏi tôi vì sao Ngà bỏ đi, vì sao hơn năm năm tôi vẫn phải ăn ở quán Bà Rơi cơm bụi, chắc chắn tôi cũng gắt lên: "Để cho tôi yên!" Năm năm rồi, tôi chưa thấy mình gắn bó với ai, cũng chẳng thấy mình cần thiết cho ai. Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh dậy. Chuông điện thoại réo liên hồi. Giọng Quỳnh như hụt hơi: "Anh đến chỗ Quỳnh gấp". Tôi nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng. Đường khuya lạnh buốt không người, sương mù trắng cả lối đi, tôi suýt không nhìn ra cái giậu hoa vàng trước ngõ. Cánh cổng gỗ thông đã mở sẵn, tôi chỉ hẩy nhẹ một cái là tung ra. Tôi hoang mang dắt xe vào cổng, chợt nghe tiếng Quỳnh thì thào đâu đó như rất gần: - Anh Tùng, cẩn thận...
Tôi đang còn định vị xem nàng đang ở đâu trong vườn thì chợt mùi rượu theo gió tạt vào mặt. Tôi bỏ xe, thận trọng vòng ra cửa sau. Hai bóng đen đang châu đầu vào cánh cửa khóa kín. Tôi lùi lại thủ thế, nhưng rồi bình tĩnh lại khi nhận ra đó chỉ là hai thằng say rượu túy lúy, chân cẳng đã quàng xiên, chỉ còn đủ sức để dọa đàn bà con gái. Tôi tống cổ hai thằng say ra khỏi cổng, đóng chốt lại, nhìn quanh xem Quỳnh ở đâu. Vừa lúc nãy tôi nghe tiếng nàng gần lắm kia mà. Chợt có tiếng sụt sịt khóc từ cái lỗ gắn thông gió vang ra. Hóa ra Quỳnh ở trong nhà, nấp dưới cái thông gió. Gió quạt tiếng nàng ra như ở bên tai tôi. Tôi đập cửa: - Đừng sợ, anh đuổi tụi nó đi hết rồi.
Cửa mở, Quỳnh hiện ra với đôi mắt sưng húp. Bao giờ cũng thế, như con chim sau cơn bão. Bất giác tôi ôm lấy nàng. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác mình cần thiết cho một ai đó. Tôi đỡ Quỳnh ngồi xuống chiếc ghế mây rồi xuống bếp tìm chút gì cho nàng uống. Căn bếp tinh tươm, gọn ghẽ, làm tôi nhớ lại căn phòng nhếch nhác của tôi. Trong đầu tôi bỗng một tiếng nói vang lên như búa bổ: "Thật ngu ngốc, thật ngu ngốc!". Nàng hớp cốc trà nóng mà tôi vừa pha, hai bàn tay nắm chặt cái cốc sành, vẫn còn run vì xúc động. "Thật ngu ngốc." Tôi bất giác thốt thành lời. "Ai ngốc hở anh?" "Cả anh, cả em". Quỳnh ngơ ngác rồi chợt hiểu ra. Trong mắt nàng thoáng hiện cái vẻ như một con thú nhỏ đang chùn lại, bỡ ngỡ và xót xa, vẻ nhìn đó làm mềm lòng tôi, khiến tôi nói ra hết những lời lâu nay ngại nói...
Cái tin hai đứa tôi đính hôn làm cả Hội bất ngờ. Lâu nay, sau nhiều công sức gán ghép vô hiệu, ai cũng nghĩ Quỳnh và tôi thuộc vào týp không còn khả năng yêu. Tôi đã trải qua một lần, đủ để không kỳ vọng quá nhiều vào hôn nhân. Với tôi bây giờ, hôn nhân nghĩa là chấm dứt những bữa cơm bụi và nhiều buổi tối câm lặng không có ai để nói nửa lời. Chỉ đơn giản có thế, tôi không đòi hỏi nhiều ở Quỳnh. Một phụ nữ dễ thương, tốt bụng, nấu ăn ngon, thế là đủ lắm rồi, ngoài sức tôi mơ ước.
Tuy đã định làm đám cưới rất giản đơn nhưng cũng không thể bỏ qua lệ tục, tôi cùng ông chú về Huế gặp gia đình Quỳnh. Âën tượng đập vào tâm trí tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên là ông anh cả của nàng, một người đàn ông vạm vỡ, lông mày dựng ngược với những sợi lông sắc và cứng. Quỳnh đã nói trước với tôi: "Ông anh em hơi khó. Có gì anh đừng chấp nghe". Tôi lo lắng: "Khó đến cỡ nào?" Quỳnh trấn an: "Là hơi dữ tính ấy mà, cái gì cũng nhất nhất phải theo ý anh ấy. Hồi em nhỏ, trái ý một chút là bị đánh thẳng tay. Vậy nhưng anh ấy thương em lắm". Đã chuẩn bị tinh thần đối phó nên khi giáp mặt, tôi bị bất ngờ đến hẫng đi. Tiếng cười ha ha và vẻ vồ vập thái quá của ông bỗng gây ra một tác dụng ngược, thay vì mừng vui, tôi thấy lòng mình chùn lại. Tôi là người đàn ông đã có vợ một lần, trong khi Quỳnh chưa hề kết hôn, theo thói thường thì nhà gái đâu dễ đón nhận cuộc hôn nhân ấy, vậy mà.... - Cậu tính cưới ở đâu? Ở trên đó à, ừ được, tôi cho phép, khỏi bày biện ở đây làm gì.
Nhà gái dễ dàng như thế thì càng thuận lợi cho tôi, nhưng không hiểu sao tôi không mừng mà nản. Tôi thấy rõ ý định của ông anh: chỉ mong cô em gái sớm lấy chồng cho xong. Nói chung đàn ông, dù là týp đàn ông ít tham vọng như tôi, không ai ưa những chiến thắng dễ dàng. Bỗng nhiên tôi cụt hứng. Những xúc cảm lãng mạn vừa khơi gợi trong tôi dường như xẹp xuống, thay vào đó là sự e dè, ngần ngại. Mặc dù Quỳnh thì vẫn là Quỳnh như tôi đã biết, chẳng có gì khác. Mùa hoa quỳ đã qua, khi tôi trở lại căn nhà nhỏ trên cao nguyên thì nàng đang nhặt những lá héo ra khỏi lùm cây rậm rạp. Bỗng dưng tôi thấy tiếc. Tiếc cái gì không rõ. Có lẽ là một chút men say vừa dấy lên đã tan. Hai chúng tôi ngồi đối diện qua chiếc bàn song mây, dáng vẻ Quỳnh hiền hậu và nghiêm túc, có lẽ tôi cũng nghiêm túc không kém. Buồn cười thật, thế này thì chẳng có vẻ gì là một cặp uyên ương sắp kết hôn. Tuy vậy, tôi cũng lấy quyền một vị hôn phu để vòi vĩnh tí chút: - Trưa nay anh ở lại ăn cơm nhé!
Quỳnh cho tôi ăn món bún bò Huế, không quên thêm vào một tí vị ngọt, bớt đi một tí vị cay cho hợp với khẩu vị miền
của tôi. Có tiếng chim bồ câu gù gù ở mé hiên nhà. Cảm giác tôi bỗng dịu lại, êm đềm. Tôi tự nhủ mình còn đòi gì nữa, một người vợ hiền hậu, một ngôi nhà yên ấm, một cuộc sống an lành được những người chung quanh vun vén. Cái gọi là tình yêu tuyệt đối phải chăng cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các nhà tiểu thuyết? Tôi đã qua cái tuổi viễn vông rồi, giờ đây với tôi hạnh phúc có nghĩa giản dị là một cuộc sống chung bình yên.
Ăn xong món tráng miệng, tôi hút thuốc, đọc báo rồi tháo giày, tất định đi nghỉ. Quỳnh dọn hết chén bát xuống bếp rồi trở lên, cầm chiếc khăn bông lớn: - Để Quỳnh lau yên xe cho anh rồi hãy về, xe để ngoài hiên ướt cả. Vậy là ý nàng không muốn tôi ở lại. Tôi lại mang tất, xỏ giày. Ngước nhìn lên, lưng chừng vách, mười con thú bông đang nhìn xuống. Hai mươi con mắt nhìn tôi. Con thỏ hồng thơ ngây. Con nai vàng khờ khạo. Con sóc nâu trân trối nhìn, như muốn bảo: Đây là chỗ của tôi, chỗ của tôi. Quỳnh trở vào, bắt gặp tôi đang nhìn trừng trừng vào quá khứ của nàng. Lầm lì, tôi bảo: - Mình sắp cưới nhau rồi mà. Quỳnh điềm đạm trả lời: - Em biết rồi. Làm sao đi vào chặng đường mới với hành trang cũ được. - Vậy thì... ?! - Nhưng vứt đi thì không đành. Thật đấy. Anh trách, em cũng chẳng biết làm sao. "Tùy em thôi." Tôi nói, giận dỗi đứng dậy. Quỳnh chợt bật cười, chạy theo níu tôi lại, vẻ như muốn dàn hòa: - Anh hiểu lầm rồi. Em không vứt nhưng cũng đâu có giữ lại. Khi nào cưới, có người lên đây, em sẽ gửi hết về dưới đó.
Tôi nghĩ thầm trong bụng: "Gì mà nhiêu khê thế, đem ra ngoài vực ném cả xuống là xong". Nhưng tôi không đủ thô bạo để nói được như thế, cũng không đủ bồng bột nồng nàn để liều mạng tự tay ném tan tác cái sở thú nhỏ xinh xinh kia. Đành phải nhượng bộ nàng thôi, bởi vì nàng cũng đang nhượng bộ tôi: Lẽ nào nàng không sợ cô độc, sợ những thằng say xỉn liên tục quấy rầy, sợ cái danh xưng "bà cô" đang chờ gắn vào số phận nàng? Sau nhiều lần chuyển, áo xống và đồ dùng của tôi đã về hết nhà Quỳnh. Ở trụ sở Hội, mỗi đêm nằm quấn mình trong chăn, tôi bỗng cảm thấy mình như con nhộng nằm trong chiếc kén rỗng, đã sẵn sàng phá vỡ kén để chui ra.
Còn những lúc đến nhà Quỳnh tôi lại có cảm giác như mình là kẻ lấn chiếm. Cái giá áo, cái tủ sách, giàn vi tính của tôi cứ từng món, từng món một tiếp theo nhau chen vào những góc trống trong nhà Quỳnh. Một buổi trưa tôi đến ăn cơm, thấy lũ thú bông đủ màu của nàng đã rời tấm giá gỗ ở lưng chừng vách. Thay vào chỗ của chúng là những cuốn sách của tôi. Khỏi phải nói, chẳng có hình ảnh nào làm tôi hài lòng hơn nữa. Cuộc lấn chiếm của tôi đã hoàn tất. Lũ thú bông lại bồng bế nhau vào nằm trong một cái thùng giấy to giữa sàn - Chính là cái thùng ngày nào đã đưa chúng đến đây. Tôi đến gần. Miệng thùng chật chội chưa đóng lại, một con gấu trắng như tuyết thò đầu ra nhìn tôi, đôi mắt buồn thiu. Gài vào cổ nó là con lừa khù khờ màu xanh dương, cái mõm màu tím nhe ra như đe dọa, như tự vệ... Tôi bảo: "Để anh giúp em một tay". Tôi đè mạnh cả bầy thú xuống để đậy miệng thùng. Quỳnh nhăn nhó, trông mắt nàng tôi đoán chừng nàng đang nghe cả bầy thú bông đang kêu thét lên, đau đớn. Nàng nắm lấy tay tôi: - Thôi anh, cứ để đó cho Quỳnh. Chiều ni em gái Quỳnh lên đây rồi. Nếu túi xách lớn thì cũng không cần phải đóng thùng làm chi. Có lẽ nàng hy vọng rằng nằm trong một cái túi mềm, tụi thú bông sẽ dễ chịu hơn. Thôi, mặc kệ nàng, tôi bỏ đi xuống bếp, lấy búa, đinh ra đóng thêm những cái đinh trên vách, treo vào đấy những bức tranh mới. Ít ra, cảnh tượng mới sẽ nhắc Quỳnh nhớ ra, mình đã quyết tâm bước vào một chặng đời khác.
Em gái Quỳnh không giống chị cho lắm, có thể nói là rất khác. Người cao, gầy, dài ngoằng, hơi lộc ngộc. Chỉ có đôi mắt là giống Quỳnh, to và sâu long lanh. Cô ta mang lên thêm hai con thú bông nữa. Một con khỉ và một con khủng long, vẻ mặt quằn quại. Tôi nhớ ra, Quỳnh lên đây đã hai năm. Phải chăng hai con thú này đến từ người đàn ông tên Minh, vẫn tiếp tục mua cho nàng vào ngày sinh nhật, dù nàng không về nữa? Phải chăng em gái nàng là sứ giả của người đàn ông giấu mặt? Ruột gan tôi bỗng cồn cào vì những dự cảm chẳng lành... Trong bữa cơm tôi gượng gạo hỏi thăm và làm thân với cô em vợ nhưng chỉ nghe những câu trả lời nhát gừng. Không hiểu hai người đã nói gì với nhau trước khi tôi đến, chỉ biết giờ này mắt cô em lầm lì đầy bóng tối, còn mắt Quỳnh thì đỏ hoe. Chợt nhớ đến ông anh vợ "quyền huynh thế phụ" đã gặp ở Huế, tôi thầm nghĩ: "Gia đình Quỳnh toàn những người kỳ lạ".
Chiều ấy ở văn phòng Hội, tôi ngồi thừ ra, mân mê mấy gốc râu. Phi Phi, cô kế toán của Hội trêu: - Còn hai hôm nữa cưới vợ rồi, mừng quá hay sao mà ngẩn cả người ra vậy, ông anh? Tôi thở dài: - Không biết nữa, sao mình thấy lo lo. - Lo cái gì, chị Quỳnh hiền và dễ thương như vậy, anh vớ bở lắm rồi. - Ừ, nhưng mình đã biết gì nhiều về cô ấy đâu. - Kệ đi anh, có nhắm mắt nhắm mũi một chút mới yêu nhau được. Tỉnh táo quá thì ai mà dám yêu nhau, lấy nhau.
Tôi lại thấy vững tâm. Dù sao đi nữa, giấy đăng ký kết hôn đã xong. Đạn đã lên nòng rồi, gạo cũng sắp thành cơm. Bằng giá nào tôi cũng không muốn ăn cơm bụi bà Rơi thêm một ngày nào nữa. Ông anh vợ xuống xe, trong đám đông người ông không lẫn vào đâu được bởi ông nổi bật lên với khuôn mặt vuông vức thô tháp và đôi lông mày chổi sể. Thấy tôi ông vẫy tay, mặt hể hả lạ lùng. Mà cũng phải, đi dự đám cưới em gái, ai mà không vui. "Chuẩn bị xong cả chưa?". Hỏi xong, như thói quen ông cười ha ha một lúc, tràng cười không có ý nghĩa gì, như một loại phản xạ. "Xong cả rồi anh, chỉ chờ đến giờ mở sâm banh nữa thôi".
Tôi đưa ông về nhà Quỳnh. Thì ra hai năm rồi từ lúc Quỳnh lên đây ông chưa hề có dịp lên thăm em gái. Đẩy cánh cổng gỗ thông vừa được sơn quét lại, ông liếc nhìn một vòng ngôi vườn xanh um gật gù: - Được, được lắm... Bây giờ chắc nó mới biết ơn tôi hồi đó đã một hai bắt nó đi xa. Nhà khóa cửa. Lạ thật, hai chị em đi đâu? Quỳnh biết thừa là tôi sẽ đưa ông anh về giờ này mà. Mâm cơm đã chuẩn bị sẵn, nồi xúp còn nóng trên bệ bếp, một chai whistky nằm ngay ngắn trên bàn, thứ dành riêng cho hai người đàn ông chúng tôi... Trong khi ông anh tắm rửa và thay áo, tôi ngồi một mình, nhìn quanh, chợt thấy căn phòng hình như là lạ... "Quái, đã dặn trước rồi, sao hai chị em lại còn đi đâu?" - Hai chị em? Ông anh Quỳnh ngạc nhiên. - Thì cô Út... "Tụi tôi có cô em nào nữa đâu? Hay là... Thôi rồi, hay là con Xuân Minh?".
Tôi ngẩn người. Ông anh lật trong sổ tay, lôi ra một tấm hình chụp nhiều người, trong đó có một cô gái cao, gầy, dài ngoằng, với đôi mắt to đen. Trên khuôn mặt cô gái, có ai dùng bút bi đỏ gạch một dấu chéo thật to, như đánh dấu tội phạm. - Trời ơi, con Minh! Hai đứa nó theo nhau từ thời còn đi học. Buộc lòng tôi phải tống con Quỳnh lên đây để cách ly. Ai ngờ nó lại tìm lên tận đây. Tôi ngồi lặng. Nhìn kỹ mâm cơm, đúng là Quỳnh chỉ đặt hai cái bát, hai đôi đũa. Không có Minh và Quỳnh. Họ đã quyết định đi, đi đâu? Tôi không biết. Lũ thú bông cũng đi cùng với họ, mười hai con thú, mười hai năm, mười hai ngày sinh nhật. Một lá thư nằm lấp ló dưới mâm cơm: "Anh Tùng. Quỳnh xin lỗi anh. Quỳnh cũng mong sống bình yên, nhưng rồi không thể..." "Vô lý! Vô lý đến thế là cùng!" Ông anh vợ hụt của tôi gầm gừ, tức giận muốn phát điên. "Đồ khốn nạn! Tùng à, cậu đừng buồn, thế nào tôi cũng kiếm cho ra chúng nó, tôi vặn cổ con kia, đem vợ cậu về cho cậu. Yên tâm đi!".
Tôi ngồi thừ trên ghế mây nhìn qua cửa sổ. Ông anh Quỳnh lắc lắc người tôi: "Thế bây giờ... Cậu tính sao?". Người đàn ông bặm trợn, hung hăng ấy bỗng rụt rè, thiểu não, hình như ông xem tôi là cái phao cứu sinh cho gia đình ông, và rụng rời khi thấy nó sắp vuột mất. Tôi lắc đầu. Mơ hồ, tôi nghĩ đến Quỳnh, đến Minh, đến những con thú bông với đôi mắt khắc khoải câm lặng. Có tiếng gọi nào trong ánh mắt ấy, tôi không rõ, một tiếng gọi tha thiết và nung nấu từ trong bản thể đã khiến họ chấp nhận bước lên con đường đầy bất an và đau đớn. Và tôi, dù không hiểu hết điều bí ẩn, cũng chẳng bao giờ đủ nhẫn tâm làm họ đau đớn thêm. Thôi, để Quỳnh đi. Nàng cần một không gian rộng hơn để sắp đặt thứ hạnh phúc ngoại khổ của nàng. Tiến đến bên cửa sổ, tôi nhìn xuống con dốc xa, chìm trong sương muối lạnh giá. Gió cao nguyên cứ tràn qua, một đi không trở lại. Gió về nơi gió phải đến. Trước mắt tôi, những rặng quỳ không hoa cứ mãi oằn mình vươn về phía lũng sâu. T.T.M (196/06-05) |