Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
08:53 | 28/04/2009
THÁI DOÃN HIỂUNhà thơ Võ Văn Trực thuộc loại tài thì vừa phải nhưng tình thì rất lớn. Chính cái chân tình đó đã giúp anh bù đắp được vào năng lực còn hạn chế và mong manh của mình, vươn lên đạt được những thành tựu mới đóng góp cho kho tàng thi ca hiện đại của dân tộc 4 bài thơ xuất sắc: “Chị, Vĩnh viễn từ nay, Thu về một nửa và Nghĩa địa làng, người ta sẽ còn đọc mãi.
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui

Thơ ca viết về người mẹ có rất nhiều nhưng xưa nay chỉ có bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của nhà thơ Nguyễn Duy là hay hơn cả. Danh tác thứ hai về đề tài này là bài Vĩnh viễn từ nay của anh Võ. Chúng tôi xin nói kỹ về bài thơ Vĩnh viễn từ nay của anh.

Các bậc sinh thành, ai cũng thấm hiểu điều này: người nào thiếu con cái là thiếu ánh sáng trong nhà. Thành thử chúng ta là của cải quý nhất, là công trình lớn nhất đời được chăm bẵm xây đắp rất công phu của các bà mẹ. Trong việc nuôi dạy con cái quả là báu vật đang nằm gọn trong tay các mẹ. Becsna Sô bảo rằng: “Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Vâng, ai chẳng có mẹ? Ngay cả Thượng đế cũng còn có mẹ mà! Này là dòng sữa ngọt ngào từ bầu vú mẹ, bát cơm thơm dẻo từ tay mẹ nấu đơm, này là làn gió mát lành từ chiếc quạt mo mẹ quạt. Mẹ lật đật chạy đến đỡ ta khi ta vấp ngã, hôn lên vết trầy xước để rịt chỗ đau. Người kể những chuyện cổ tích thần kỳ, người dịu dàng hát ru đưa giấc ngủ của ta vào đêm mơ.
            Lời mẹ hát phả vào con ấm nóng
            Lẫn với mùi rơm rạ của đồng quê
            Câu ca dao hoà lẫn với câu vè
            Như ngọn suối chảy tràn trong tâm tưởng
            Của thơ con suốt mấy chục năm trời.

Nơi trú ngụ và ẩn nấp vững chắc nhất là lòng mẹ. Thật là cơm nặng áo dày. Mẹ là tất cả quê hương.
Anh Võ hiểu rất rõ chu kỳ này: thoạt đầu khi còn bé, con cái đè nặng lên đầu cha mẹ. Khi lớn lên, chúng đè trĩu lên trái tim người. Lòng mẹ là chớp bể mưa nguồn đầy những lo toan. Mẹ lắng nỗi đau chìm nổi của nhân thế với cơm áo chồng con hút hết vào mình rồi chất cả lên đôi vai nhỏ nhoi của mình, tất tả đơn độc gánh gồng chạy xuyên qua suốt cuộc đời lận đận. Mẹ đảm đương cả công việc đồng áng nặng nhọc nhất của đàn ông:
            Lầy sục đồng Thung, chua mặn đồng Lao
            Mẹ đã mất cả một thời con gái
            Để kênh đồng, rửa mặn với thau chua
            Dằng dặc thời gian lũ lụt cuốn xô
            Lên mặt mẹ tạc vô vàn đợt sóng
            ....
            Con cúi xuống bùi ngùi cầm nắm đất
            Nặng bàn tay đời mẹ mặn mồ hôi.

Trái tim của người mẹ luôn hướng về những đứa con thân yêu cho dẫu chúng đã trưởng thành. Tình thương của mẹ dành cho con cái không bao giờ thay đổi.
Ngày mẹ mất, Võ Văn Trực về quê chịu tang. Bây giờ anh mới thật sự thấm thía sự hụt hẫng trống vắng.
            Bốn mươi tuổi con từng đi khắp ngả
            Chân dạn dày gai góc với mưa bom
            Đến bữa rày mới thấy thật đời con
            Giã từ mẹ- giã từ thời thơ bé
            Khung cửa nhỏ mẹ ngồi chiều nắng xế
            Ôi hôm nay khung cửa rộng dường bao.

Văn hào Đức Heman Héc có một nhận xét sâu sắc: “Không có mẹ, người ta không sống được, không có mẹ người ta không chết được”. Võ Văn Trực đúc rút được một nhận định xác đáng “Giã từ mẹ- giã từ thời thơ bé”.
Võ Văn Trực viết rất hay về mẹ và chị. Viết Vĩnh viễn từ nay, khác Nguyễn Duy, anh Võ không dùng đến kỹ thuật. Đọc Võ Văn Trực khóc mẹ hay thương chị, ta thấy các con chữ biến đi đâu mất cả, chỉ còn lại một trái tim hiếu để phập phồng đập trên trang sách. Bao nhiêu lần đọc, là bấy nhiêu lần sống mũi tôi cứ cay xè, cổ nghẹn lại.

            Chuyện đời bao nỗi đục trong
            Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
                                   
(Đêm cuối thu)

Võ Văn Trực đã khai triển đường thơ của mình đúng như tuyên ngôn của anh.
Quê nhà thơ Võ Văn Trực là vùng đất chiêm trũng nghèo ở Diễn Châu, độc canh cây lúa, hầu như không có nghề phụ. Nghề nông ở đây vất vả lắm “Nước xoáy lũng sâu, xác rác chiêm mùa- Cắm cây mạ xuống đồng như đánh bạc- Người mặc khố xoay trần ra nuôi đất”. Hễ xong vụ cày cấy gặt hái là bà con kéo nhau lên mạn ngược làm thuê. Anh thương “Những người vợ vai gánh hàng, xoã tóc - Chạy ngược chiều gió thổi dọc đường thôn”. Thiên nhiên xứ Nghệ quá khắc nghiệt, thất thường “Một tháng hạn đồng cháy khô nứt nẻ. Một đêm mưa làng hoá đảo chơi vơi”. Nhìn ra mênh mông nước trăng băng nhấm chìm cả “biển lúa vàng”, anh đau cái đau của bà con ruột thịt xót của “Bát cơm mới toan cầm tay lại đổ- Ac bạc thay, trời đất chẳng thương người!” (Đêm mưa lũ). Đời sống của người dân sao mà cay cực thế. Họ quanh năm lầm lụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Rồi bão xoáy giật cả giải miền Trung “Mấy trăm người bị mất tích trong đêm”.(Mùa thu không yên tĩnh). Nhìn kỹ gương mặt họ anh thấy “Mặt người rạch luống thương đau- Những đường số phận rạch vào thịt da”. Chính những người chân đất đầu trần ấy đã chịu thương chịu khó kế tiếp nhau tạo lập nên làng quê yêu dấu “Mồ hôi, máu đỏ thắp nên- Vầng dương châu thổ ngọn đèn mom sông”.(Đất quê nghèo)

Làng quê Võ Văn Trực được thành lập từ thời Trần. Làng có những gốc đa, cây muỗm cổ thụ hàng ba bốn trăm năm, có nhiều di tích lịch sử ghi lại quá trình hình thành và phát triển thôn mạc. Làng có núi Hai Vai sừng sững đứng trong truyền thuyết- chứa di tích thời đồ đá và dấu vết nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Làng có ngôi mộ cổ rộng một mẫu đất và nhà thờ Hùng lễ bá Võ Cương- một danh tướng của Lê Lợi. Làng có ngôi đền Bạch Y, một nữ thần cứu mạng vua Lê thoát khỏi vòng vây giặc Minh được Nguyễn Trãi ghi trong Lam Sơn thực lục. Võ Văn Trực nói trong nước mắt: “tất cả các di tích này đã bị phá sạch sau Cách mạng tháng Tám. Cả một vùng văn hoá có bề dày 700 năm bị huỷ hoại không thể nào khôi phục được, gây cho tôi nỗi day dứt triền miên và để lại dấu ấn khá rõ trong nhiều tác phẩm của tôi”. Tiếp đến cảnh dời làng rầm rộ, ồ ạt để sắp đặt lại giang sơn của những người quản lý thiếu hiểu biết đã làm cho nhà cửa, vườn tược, mồ mả lộn tùng phèo.
            Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma
            Khi tiên tổ, ông bà không còn nữa
            Mồ côi cả đất đai và ngọn cỏ
            Lũ chim non khản giọng lạc bài ca
            Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà.
                                   
(Lưu lạc giữa quê nhà)

Anh ngao ngán trước “tan hoang miếu mạo, đình chùa”, anh rầu rĩ nhìn “cuốn gia phả tả tời thành bụi cát”. Anh thất vọng trước “bao âm thanh hỗn tạp - Làm vẩn đục hồn quê”. Mỗi lần về thăm nhà, đến đầu cổng làng, Võ Văn Trực quì sụp xuống “Chắp tay lạy những ngôi mồ tưởng tượng - Nghìn vong linh ớn lạnh cả làn da”. Anh đau uất giẫm nát cỏ đồng đi tìm mộ mẹ “Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc - Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ”.
Bài thơ Nghĩa địa làng là “âm bản của nước mắt” (chữ của Nguyễn Khắc Thạch) ai điếu cho số phận hẩm hiu bi đát của kiếp người.
            Đã bao tầng hài cốt xếp chồng lên
            Bao nhiêu cỏ, bao nhiêu tầng thế hệ,
            Mảnh đất chật, người đông, chen chúc thế
            Đã chết rồi vẫn cứ phải chen nhau!
                                               
(Nghĩa địa làng)

Đất trả đất, cát bụi về cát bụi. Nghĩa địa là nơi sống gửi thịt, chết gửi xương. Người dân ỏ nơi đây vội sống và vội chết. Nghĩa địa là biên niên sử của một làng, nó giúp ta tưởng nhớ đến các dòng tộc, tổ tiên để phụng thờ. Người chết hoá linh thiêng làm người sống phải lụỵ. Người chết níu lấy kẻ sống, kẻ sống bíu lấy người chết. Lamáctin cho rằng “Mặt trời của người sống sưởi ấm được linh hồn người chết”.
            Người nằm dưới kia chân đạp lên đầu
            E giấc ngủ khó tròn đêm yên tĩnh?
            Tôi rờn rợn nổi da gà ớn lạnh
            Kiếp nhân sinh sao quá đỗi nhọc nhằn!

            Mộ chí cũ mòn mộ chí lặng câm
            Muôn hình dạng như mặt người nhăn nhó
            Có phải chăng nỗi buồn tự vạn cổ
            Đông lại thành cục uất đá oan khiên.
                                               
(Nghĩa địa làng)

Đời người như kiếp phù du, như giọt nước bất định trên đài sen, như giấc chiêm bao, sắc sắc không không. “Cuộc đời ở giữa hai đầu tiếng khóc” (Nguyễn Ngọc Oánh) Có sinh có biệt. Đau khổ vật vã kéo lê cả đời người nhưng chết chỉ trong một khoảnh khắc. Khi chui vào cỗ áo quan mới biết ai là người thoát nợ trần hoàn. Chết chẳng qua là một cách đổi xác. Con người đâu có chết, nó tự sát đấy thôi.
Tất cả sẽ chết để mọi vật lại tái sinh. Bôđơle kêu lên “Ôi đau đớn! Ôi đau đớn! Thời gian ăn cuộc đời!” (O douleur! O douleur! Le temps mange la vie!). Trần gian và địa phủ lúc nào cũng quay cuồng trong tâm Võ Văn Trực. Ông Tản Đà báo “Quý chi chữ thọ mà mong sống nhiều”. Con người sống khổ quá nên coi nhẹ sự sống, nhưng chớ coi rẻ cái chết. Cuộc đời sẽ dài ra nếu ta biết cách dùng nó. Hãy mỉm cười trước số phận. (Grin and bear it - Tục ngữ Anh). Và đó là cảm hứng trào dâng để nhà thơ viết nên kiệt tác Nghĩa địa làng.

Võ Văn Trực đau nỗi làng, đau nỗi người chết, đau cả nỗi người đang sống. Anh thương chị gái sống lầm than, đọc được trên gương mặt chị “Thời gian như một triền sóng nổi - Xô buồn đau lên mặt chị già nua”, nhưng lúc nào với em chị cũng nhân hậu làm anh làm ả phải ngả mặt lên (ca dao). Sau bài thơ thống thiết Khóc chị của tướng quân Nguyễn Hữu Chinh (chị gái đây bà Nghè Phạm Nguyễn Du), thì bài Chị của anh Võ có thể sánh ngang với áng văn hay đó. Anh nhói lòng trước đám cưới vợ của đứa cháu côi cút sớm mất mẹ nay đã trưởng thành. Anh thương lũ cún con - 6 sinh linh bé xíu sắp phải chia lìa “sáu phương trời biền biệt mồ côi”. Anh thương con nuốt đắng vào lòng “Áo quần chưa đủ ấm”. Anh nhỏ nước mắt nuối tiếc, tự hào trước đám tang người kể vè - một nghệ sĩ dân gian “Chín mươi chín tuổi rồi, ông nhắm mắt - Như một nhà chép sử đã buông tay”. Anh hốt hoảng “Khi thằng bạn bỏ làng đi biệt xứ?” vì không thể sống nổi ở quê. Thiếu người bạn tốt này làng trống trếnh đến mức “như rừng mất một cây cổ thụ”, “xóm mất một ngọn đèn trong khuya”. Anh thương một người bạn thơ “nanh vuốt cuộc đời - cứ truy đuổi đến tận cùng số phận”. Anh sửng sốt trước cảnh “Thời gian cứ rụng dần - Biết bao người bạn tốt”. Anh căm giận chồm dậy “xé tan nghìn mảnh tả tơi đêm” tấm ảnh một người bạn khác “giờ làm quan” trở thành kẻ đầu cơ chính trị “đôi mắt hắn - lạnh như hai lỗ âm hồn”, “Hắn giống lũ ăn trên ngồi trốc - Coi dân đen như cỏ dại bơ phờ”. Nước mắt trào ra anh xót thương khóc cho bạn xưa tốt thế mà nay tha hoá đến tận cùng “Đầu vào là ngọc quý - đầu ra: bùn khuấy đục ngầu”. Trong cơn tai biến, đứng khựng trước một thằng “bạn rởm” khác, anh đe “Huyệt đào đã ngập ngang lưng - Xin đừng thớ lợ xin đừng lừa nhau”. Anh bầm gan tím ruột mắng cái đồ bạn “mặt thớt làm ngơ!” lủi đi trong “xe ngựa linh đình” bỏ mặc anh trong cơn hoạn nạn. Anh xót xa trước nhân tình thế thái đen bạc, vạch mặt “Những kẻ đầu cơ đến cả lúc bi ai và cái chết”, có lúc anh quẫn trí thấy mình “vung sức lực với tháng ngày vô nghĩa”. Anh nhận ra “Hồn ta nghìn trận gió gào đơn côi”. Và lúc nào cũng thon thót “Giật mình một mảnh trăng nghiêng cô hồn”. Anh ngẫm nghĩ để xoa dịu mình “Trái tim đau đau gấp vạn lần- Khi nhịp đập hoà chung nhiều cảnh ngộ”. Thật là ngổn ngang trăm mối.
            Lẽ đời thấu hết nông sâu
            Chén vui chưa cạn chén đau đã đầy.
                                   
(Uống rượu cùng bạn)

Khi “Ngọt bùi đã trải, đắng cay đã từng”, chung chiêng giữa cuộc đời nhí nhố, nhà thơ không tài nào ăn nhập vào cảnh sống mới “Nửa quê kệch nửa thị thành”, “dở tỉnh dở say”, “dở chuột dở giơi”, “nửa kia điện sáng - nửa này sương giăng”. Anh ngột thở kẹt giữa:
            Hai tờ sách mở hai bên
            Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau.
                                               
(Nhà tôi)

Giữa hạnh phúc mong manh, anh tha thiết van lơn “Xin đừng bão nữa gãy cành đổ cây”. Nhưng may thay, anh giống nhánh xương rồng kiệt cùng tóp teo vùi trong cát khô mà vẫn “Nỗi đau rút ruột thành hoa”. Và anh “Tôi đứng lặng trong niềm vui tê tái”, để rồi chỉ còn biết “từng dòng lật xới” các con chữ viết, viết và viết... Tôi đã hiểu ra Chuyện làng ngày ấy thiên ký sự đẫm đầy nước mắt về làng quê đã ra đời trong tâm trạng bức bối ấy!
Võ Văn Trực vẫn luôn đợi chờ một cái gì đó. Anh thiết tha ước muốn:
            Tôi mơ những sáng mai hồng
            Bóng đêm tan hết, mặt đồng sáng tươi
            Đất quê rạng với mặt người
            Lúa reo trước ngõ ngô cười sau nương.
                                               
(Đất quê nghèo)

Võ Văn Trực là nhà thơ của mùa thu. Anh viết nhiều và khá thành công về mùa thu, góp phần hoàn chỉnh thêm bức tranh thu trong thơ ca Việt Nam. Anh luôn lắng lòng nghe và se sẽ hỏi “Mùa thu về rồi đó ư em”.
            Anh cầm trên tay tiếng hót chim khuyên
            Đang đọng lại ngọt lừ trong quả chín
            Một nửa quả mùa thu chưa kịp đến
            Còn mịn xanh sắc vỏ đợi bồi hồi

            Anh cầm trên tay giọt nắng vàng tươi
            Lá lốm đốm thu mới về bỡ ngỡ
            Một nửa màu xanh còn ấm nhựa
            Cuống lá run lưu luyến đậu trên cành.
                                   
(Thu về một nửa)

Trong vườn, hoa lá thường im bặt trước những tâm hồn đóng khép, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra ban tặng những bí mật của riêng mình cho ai đó muốn hiểu biết và khám phá. Chim có vía, cây có hồn mà. Thiên nhiên không làm gì mà không có đối tượng. Nó chỉ trao cho ta mầm nụ để hiểu biết chứ không phải là sự hiểu biết. Mọi cái kỳ diệu tuần hoàn trong trời đất đều có căn nguyên của nó. Hãy tìm hiểu xem. Anh thủ thỉ với chim nhạn:
            Ơi chim nhạn, sứ giả của tình yêu thầm lặng
            Lòng tôi thu từ độ có em về
Tâm hồn anh thường run lên trước những giao mùa của cảnh vật.
            Trong suốt trời thu phơn phớt nắng
            Một sắc vàng vừa đủ để bâng khuâng.
                                               
(Chim nhạn)
Có khi tác giả lịm người thảng thốt:
            Mảnh trăng đã rụng ngang trời
            Mùa thu đã chết tuyệt vời trong tôi
                                               
(Đêm cuối thu)

Cứ đến thu là lòng thi nhân lại xao xuyến, reo lên “Thu đến chờ ta ở cuối vườn”
Giữa ngọt ngào vẫn thấm chút dư vị bùi ngùi của thời cuộc:
            Hương vờn quả chín mong manh
            Mùa thu cứ lượn vòng quanh nỗi buồn...
                                   
(Hồn tôi như thể trái cây)
Cảm nhận tinh tế của thi nhân có được là nhờ cặp mắt mai mối của tình yêu:
            Khi hé cửa em vào sương đẫm ướt
            Sau lưng em trĩu vườn thu quả ngọt
            Lá rải vàng như những dấu môi hôn.
                                   
(Vườn thu)
Thật là thanh tao, thầm kín:
            Cánh hoa nở tím chân bồi
            Ngỡ ai lơ đãng nụ cười bỏ quên...
                                                (Hoa tím)
Nhà thơ rất dễ mủi lòng, thổn thức trước những kỷ vật:
            Nghe tủi hờn một giọng hót chim khuyên
            Đủ thức dậy ái tình lên tiếng hát
            Bông hoa ép lặng thầm trong trang sách
            Đủ cho lòng bay dậy một mùa hương.
                                   
(Một mình tôi tìm lại)
            Ong hút mật rù rì chiều nắng biếc
            Trái tim anh cũng chín với cây vườn
                                   
(Vườn thu)
Lòng yêu len cả vào trong mộng mị:
            Đi qua vườn buổi sớm
            Bông hồng chờ đợi ai
            Đêm về tôi hái trộm
            Cầm phải một nhành gai.
                                   
(Hái trộm)

Trong tình yêu “Cứ mỗi bận giằng ra cho đỡ khô - Là một lần ta lại đắm say thêm”. Anh triết lý “Cái đẹp của tình yêu là một nửa - Cứ xa vời huyền ảo ở trong ta” (Một nửa). Anh nhớ thương “Em đan áo cho anh mùa gió bấc - Như đan lời vào mỗi một trang thơ” (Vườn thu). Khi đã thấm vị đắng của tình yêu, cũng phải biết liều chứ sao? “Biết yêu thì khổ vô cùng - Không yêu cũng khổ, cầm lòng cứ yêu”. Chính vì thế nên “Tay anh cầm một ảo giác cô đơn” khi lục tìm trong ký ức vu vơ mối tình đầu trong trắng. Tình yêu của anh nảy nở đậm đà trong hương vị ca dao:
            Em trao anh một quả hồng
            Còn bao nhiêu quả lẫn trong lá cành
            Còn bao nhiêu quả đang xanh
            Còn bao nhiêu quả chưa thành nụ hoa...
                                   
(Vườn hồng)

Để rồi thi nhân sống trong ngây ngất “Tôi lạc tận nơi nào không biết nữa - Hạnh phúc này đến thật với tôi ư?” (Hương vườn)
Thơ Võ Văn Trực thường mắc các chứng sau:

1)  Như một lão nông thực thụ, anh Võ ưa thâm canh trên cánh đồng thơ của mình. Việc này hay nhiều mà dở cũng lắm:
Thâm canh kỹ quá về đề tài. Đau bệnh thì có gì phải viết tới những ba bài (Ngày tôi đau - Trong cơn tai biến - Sau một trận ốm thập tử nhất sinh). Bão dùng quá nhiều (Người điên trong mưa bão - Xin đừng bão nửa - Hương trong vườn bão). Mùa thu được khai thác triệt để (Thu về một nửa - Vườn thu, Thu chơ - Sang thu...)
- Thâm canh quá kỹ về hình tượng: Hình ảnh sóng luân hồi trên gương mặt người, anh Võ viết lặp: “Dằng dặc thời gian lũ lụt cuốn xô - Lên mặt mẹ tạc vô vàn đợt sóng” (Vĩnh viễn từ nay), “Ôi thời gian như một triền sóng nổi - Xô buồn đau lên mặt chị già nua” (Chị), “Chú tóc bạc như sương dầm ngọn co - Gương mặt nhăn nheo thời gian sóng vỗ” (Gặp chú giữa thảo nguyên)
- Thâm canh hơi bị kỹ về cấu tứ, thể thơ: Anh Võ làm thơ theo lối cũ, ít sáng tạo, có lẽ không mất công nhiều lắm. Anh có một cái khuôn sẵn, chủ yếu là thơ 8 chữ, cứ thế rót ý tưởng của mình vào đúc thành thỏi. Có khi anh được vàng, bạc, có khi chỉ được đồng, chì, không chừng. Âm hưởng chung các bài cứ đều đều (monoton) na ná một giọng.

Anh lặp mình, rồi lặp người. Anh Võ viết về ý trung nhân xưa của mình:
            Tôi đã già đi sau nhiều biến động
            Cô gái xưa giờ ẵm cháu bên thềm
Ca dao đã có:
            Ngày đi trúc chửa mọc trăng
            Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
            Ngày đi em chửa có chồng
            Ngày về em đã con bồng con mang
Không những thế mà còn tiến xa hơn:
            ...Ta đi qua ngõ gặp con mình bò
            Con mình những trấu cùng tro
            Ta đi gánh nước rửa cho con mình

2) Chất văn xuôi, chất ký khá đậm, đuôi vè còn chưa cắt được ở một số bài. Nhịp thơ khai triển chậm chạp.

3)Thỉnh thoảng anh Võ còn nổi máu đại ngôn. Những câu thơ khoa trương quá liều lượng như thế này nên chăng?
            - Lưỡi liềm ai cắt cỏ trên đồng
            Xua hương dạy đầy trời thơm mãi?
           
            - Bàn chân ai khoả nước cầu ao
            Đến tận bây giờ chưa lặng sóng.

            - Lời mẹ ngân như ngọc sáng trong ngần
            Trải năm tháng ngâu không vầy được ngọc
            Lời mẹ ngân ngọt thắm quả hồng ngâm
            Trải năm tháng không ố mùi chuột vọc.

4) Chữ dùng còn thô tục quá. Đó là trường hợp anh Võ không nén được phẫn nộ đến mức văng ra “thằng mặt thớt”, “bạn rởm”, “bên hồ con đĩ tụt quần nằm chơi”... đọc mà ghê. Tác giả đang tự làm bẩn cả bài thơ, tập thơ chứ đừng nói là không trang nhã. Khi viết về cái xấu thơ chỉ có được quyền là phải nói cho nhã.
Thấm thoắt thế mà đã 40 năm anh Võ cầm bút. Từ tập Cây xuân (1962), qua Trận địa quê hương (1972) đến Trăng phù sa (1983), Tiếng ru đồng nội (1990), Hương vào vườn bão (1995) là cả một bước tiến dài. Hai tập đầu thử nghiệm để định hình, ba tập sau mới là định danh. Nửa trước, thơ anh viết về cái chung, nặng ngợi ca, êm ái, nửa sau nghiêng về riêng tư, nặng phán xét, dữ dằn hơn.
            Đời tôi như đứa trẻ nghèo
            Nhặt gom may được ít nhiều hương hoa
                                   
(Với thơ)

Với thơ, Võ Văn Trực đã cởi mở tiết lộ mọi bí mật của tâm hồn anh. Đó là trái tim bóc trần của một người chính trực luôn gắn bó với đời nhưng cô độc, ưa trầm ngâm chiêm nghiệm và phán xét trước mọi nhân tình thế cố. Võ Văn Trực đã trút bỏ được đôi cánh nặng nề của hiện thực để thơ thanh thoát bay lên. Thơ anh chân mộc mà thắm, trực diện và quyết liệt, phúng thích mà vẫn trữ tình. Thơ Võ Văn Trực chứa hương, bão, máu, lửa cháy đến tận cùng buồn vui của kiếp người. Đọc thơ anh, khó mà ngủ được, có cảm giác tác giả như “phọt từng miếng óc” khi viết, cung cách làm thơ đau đớn giống “con trai rút mình làm ngọc”. Những câu thơ đau xé có sức lay động ghê gớm làm ta “dựng tóc gáy”, “râu xanh trắng cước” (chữ của Nguyễn Trọng Tạo)

T.D.H
(
168/02-03)

Các bài mới
Chỗ khác nhau (04/05/2009)
Các bài đã đăng
Ấn tượng Seoul (11/03/2009)