Tạp chí Sông Hương - Số 169 (tháng 3)
Đi tìm "Tín hiệu trái tim"
10:17 | 05/05/2009
NGUYỄN TUYẾN TRUNGNhững năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước tôi có dịp ra thăm hậu phương lớn miền Bắc cùng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trị Thiên. Tôi gặp kịch tác gia Hồ Ngọc Ánh trong hội nghị tập huấn về sân khấu tại 51 Trần Hưng Đạo do đạo diễn Đình Quang hướng dẫn.

Tôi biết Hồ Ngọc Ánh qua kịch bản sân khấu "Tín hiệu trái tim" in trong tuyển tập kịch chọn lọc do Nhà xuất bản Văn hoá Việt Nam ấn hành. Buổi tối đầu tiên Ánh mời tôi đi xem vở "Tín hiệu trái tim" do Đoàn kịch nói Nam Bộ diễn tại nhà hát lớn. Nhà hát chật ních người xem. Khán giả đăm đắm dõi theo những tình tiết vở kịch đang diễn ra trên sân khấu. Một không gian đất miền Nam mở ra không xa với tầm nhìn khán giả.

Một ngôi nhà của dân mang đầy vết bom đạn, sừng sững sau rào kẽm gai, nhấp nhô những ụ đất giao thông hào, trông như một pháo đài ẩn hiện sau những vệt loé sáng của đạn pháo bắn cầm canh. Không khí trầm lắng khác thường, toả ra một sự đồng cảm sâu sắc giữa khán giả với diễn viên đang tái hiện khá sinh động cuộc sống của miền Nam - đau thương và anh dũng. Các tính cách nhân vật lần lượt được phơi bày: như con quỷ Mỹ xâm lược - Mác uây - dù chỉ là nhân vật gián cách qua đối thoại; như Vĩnh Hoà một quan lại, tay sai của Mỹ ngụy, độc ác gian tham, bán rẻ cả cháu gái của mình cho quan thầy Mỹ để gán nợ; như trung sĩ Thiêm mù quáng cầm súng đánh thuê cho Mỹ - ngụy, không nuôi sống được vợ, không bảo vệ được vợ trước ma lực đồng tiền, đến lúc phải nổi khùng lên vì căm uất, tự phát giết chết tên Mỹ kẻ phá hoại hạnh phúc của mình; như Lệ Hà vợ trung sĩ Thiêm nợ nần nghèo túng phải làm ka-ve cho hộp đêm để kiếm sống, ngây thơ trong cuộc đời, ngây thơ cả về chính trị, chưa ý thức được đâu là quốc gia, đâu là chính nghĩa, đến khi lâm vào tình thế giằng co giữa cái thiện và cái ác thì cô mạnh dạn đứng về phía cái thiện, phía chính nghĩa đưa tay giúp sức với cách mạng; như mẹ Chí tiêu biểu cho trùng trùng lớp lớp phụ nữ miền Nam anh hùng bất khuất, chịu đói khát khổ cực, ăn mày ăn xin nhặt phế liệu phế thải để dò la căn cứ hậu cần của địch. Bằng trái tim yêu nước của mình, bằng bàn chân nhỏ bé của mình, mẹ tìm ra số liệu quảng cách, cự ly đồn bốt giặc ngầm báo cho chiến sĩ trinh sát của ta, người từng được mẹ đùm bọc chở che mật báo thông số về đơn vị giải phóng quân, lấy tầm bắn chính xác nã pháo diệt căn cứ hậu cần của địch, ghi thêm một chiến công vang dội của quân dân miền Nam.

Điều đó chứng minh một cách hùng hồn rằng: Mỹ ngụy với vũ khí tối tân, với phòng tuyến Mác-Namara, với Mắt thần Rađa cũng thua bàn chân nhỏ bé của bà mẹ Việt Nam anh hùng! "Tín hiệu trái tim" hôm ấy như lan toả trong tôi, lan toả trong ánh mắt, tràng vỗ tay của công chúng, lan tỏa đến cả đồng bào miền Nam qua phát thanh của chương trình sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ đó về sau tôi thường theo dõi trên sách báo, trên sóng phát thanh, trên sàn diễn, hay trên những chương trình sân khấu đều không gặp lại tác phẩm nào như "Tín hiệu trái tim" của Hồ Ngọc Ánh.

Khi hoà bình lập lại, Bình Trị Thiên nhập tỉnh tôi mới gặp lại anh ở Huế. Anh công tác ở Sở Văn hoá Thông tin, sau đó được bổ nhiệm là Phó đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên phụ trách chuyên môn. Anh về nghỉ hưu năm 1990, sống trong căn hộ được nhà nước hoá giá tại "Chuồng Bò", trước kia là trại gia binh của ngụy quân - 16/22 Phùng Hưng - Huế.

Vào khỏi cánh cổng sắt sơn nâu, có những chùm hoa chuỗi ngọc sà xuống lóng lánh màu vàng là chiếc sân xi măng xếp gọn những chậu cảnh, chậu hoa bên cạnh là bể cá, hòn non bộ gắn bằng chất liệu đá khá công phu và ngoạn mục. Anh Hồ Ngọc Ánh  đang thư giãn trên chiếc ghế xếp bên cạnh chiếc bàn nhựa với ấm trà đang còn nóng.

Gặp anh tôi nói đùa: Chà, ở ẩn lâu quá đấy!
Anh chỉ chiếc ghế bên cạnh mời tôi ngồi rồi nói: Về hưu rồi biết việc gì mà làm?
Tôi đùa luôn: Rất tiếc "Tín hiệu trái tim" không còn sống nữa.
Anh chộp luôn: Bậy nà, kịch mục còn đó, người ta vẫn còn nhắc đến nó.
Tôi tiếp lời anh: Đó là vang bóng một thời, tôi muốn nói đến những tác phẩm mới của anh kia!
Anh hào hứng nói ngay: Có chứ, nhiều nữa kia...

Anh với tay lấy cặp giấy, rút ra một tờ ghi danh mục những vở kịch anh đã viết rồi nói: Cùng thời với "Tín hiệu trái tim" còn có vở "Người từ mặt đất đi lên" tiếp đến là vở "Người về cuối đời", “Tận mắt”, “Giữa hai trận thắng” “Ký ức chói lọi” v.v...

Tôi bám đó và hỏi luôn anh: Những tác phẩm anh vừa nói sao tôi không thấy công bố và dàn dựng trên sân khấu?
Anh liền chồm tới, giọng nói có phần bức bối: Trong số tác phẩm đó có nhiều vở được giải của Hội Nghệ sĩ sân khấu và Bộ Văn hoá Thông tin, riêng vở "Giữa hai trận thắng" được Bộ Nội vụ tặng thưởng huy chương vàng. Còn nó có được công diễn hay không là quyền của các đoàn, các nhà hát... Cặp mắt anh chong lên nhìn thẳng vào tôi lộ vẻ bất bình. Tôi nhìn thấy phía trong khoé mắt phải của anh ẩn sâu một nốt ruồi rất kín. Cái nốt ruồi bẩm sinh đó có lần thầy tướng số đã nói với mạ anh là: Con trai bà thông minh, có khiếu văn chương nghệ thuật nhưng bị cái "nốt ruồi cản" ở khoé mắt và sự nghiệp, đường đời không được thông suốt. Không biết anh có tin hay không nhưng sự thật cuộc đời anh cũng trải qua nhiều lao đao lận đận.

Theo tôi, cứ như tướng số mà suy thì cái nốt ruồi cản ấy của anh nó không cản về đường đời về chức vị mà cản về tầm nhìn cả nghĩa thực và nghĩa bóng. Phải chăng cách nhìn cuộc sống, đánh giá cuộc sống phản ánh vào tác phẩm của anh có cái gì đó còn mắc mớ trong tâm tư nhân vật, trong ngôn ngữ đối thoại với những lời đắng cay, ấm ức, có phần nghiệt ngã với những sai sót, vấp váp trong mỗi số phận cuộc đời; anh chưa có cái nhìn bao dung, rộng lượng với những nhân vật sa sẩy của mình. Có lẽ vì thế mà tác giả và nhà hát chưa gặp nhau trong đánh giá tác phẩm của anh chăng? Vì vậy nên những vở được giải xong, hoặc sáng tác sau nầy của anh vẫn đọc xong muốn nổi da gà: "Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào".

Có lần nhà báo Lê Anh Phong ở Quảng Bình đã nhận xét: Tôi trân trọng cái trăn trở không dễ dãi, anh nêu vấn đề nóng hổi sắc cạnh nhưng giải quyết đôi khi có khuynh hướng vô tình đứng ngoài cuộc...

Mối quan hệ cánh kéo giữa tác giả và nhà hát đang diễn ra là có thật. Ở Thừa Thiên Huế đoàn Ca kịch cũng thường kêu là thiếu kịch bản. Nhưng khi tác giả Hồ Ngọc Ánh nguyên là Phó đoàn phụ trách chuyên môn gửi đến 2 vở "Nàng Kănly và chàng A-rin" chuyện dân gian dân tộc Vân Kiều và vở "Chuyện tình bên sông" ca ngợi lớp sinh viên đi lập nghiệp, đem văn hóa, trí thức góp sức cải tạo núi đồi, đều bị đoàn xếp xó không một chút hồi âm.

Vấn đề khan kiếm kịch bản sân khấu cũng được nhắc đến trong cuộc hội thảo ở trại sáng tác Nha Trang tháng 5/2002. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho rằng: Sở dĩ nhà hát vắng người, khán giả quay lưng với sân khấu là do tác giả chưa viết được kịch bản hay!

Trại viên Hồ Ngọc Ánh phát biểu đại ý: "Vấn đề kịch bản hay dở còn phải bàn nhiều. Có nhiều kịch bản trúng giải do hội đồng chấm thi toàn quốc chọn nhưng tại sao không đem dàn dựng đưa lên sân khấu? Không có vở diễn hay là do nhà hát không biết chọn kịch bản chứ không phải là tác giả không viết được! Chúng ta chưa đãi cát tìm vàng!

Ở trại sáng tác Vũng Tàu Hồ Ngọc Ánh viết 2 vở kịch: Vở "Hoa ở rừng" nói về cuộc sống đẹp tận tâm yêu nghề của một cô giáo vùng xuôi lên miền núi, vở "Đồng đội" nói lên tình cảm sâu sắc của chiến sĩ quân đội lặn lội đi tìm hài cốt đồng đội của mình.

Ai biết số phận những vở kịch đó rồi sẽ ra sao?

Thấy Hồ Ngọc Ánh đang nói sôi nổi bỗng dừng lại, trầm lắng. Tôi hỏi đùa: Bộ "ngán dã tràng" rồi phải không?
Ngọc Ánh trả lời ngay: Không đời nào! Mình đang sửa lại vở "Lão Nghĩa" nói về một đảng viên cộng sản kiên cường vượt mọi hiểm nguy xông vào trận tuyến chống tiêu cực, dù cho bọn xấu xảo quyệt dựng lên hàng tá hiện trường giả để che mắt công lý lão vẫn quyết đánh, quyết phanh phui.

Ánh cười: phải xông lên như Nguyễn Đình Chiểu, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!
Liệu tác phẩm sau nầy anh có muốn gửi gắm vào đó ý tưởng gì mình tâm đắc hay không? Tôi thân mật hỏi anh.
Anh trả lời: Tất nhiên là có.

Anh suy nghĩ một chút rồi nói: Tôi coi trọng nhân tố cá nhân con người. Tập thể là quan trọng nhưng không rập khuôn máy móc. Cá nhân được đề cao đó phải là người có học thức, trung thực, có tư duy độc lập, sống có đạo lý, có dũng khí đấu tranh, dám đương đầu với những cường hào ác bá mới - đội lốt cách mạng và dân chủ nhân quyền...

Tôi thấy hoảng và nói ngay: Vấn đề to tát quá phải cần có "Tín hiệu trái tim" nào đó mới làm nổi.
Anh gật đầu: Đúng, cần có sự đồng tình đồng điệu của người trong giới và quản lý.
Tôi chỉ vào ngực anh: Cái chính là nội lực là sức nóng ở trái tim anh.

Anh đứng lên nhìn phía ráng chiều đỏ ối rồi mạnh mẽ nói: Sở trường của tôi là kịch sân khấu nhưng đã thử nghiệm viết vài chục truyện ngắn gửi đăng báo và tạp chí, viết kịch bản phim truyện nữa như " rơm", "Tổ chim trên cành phượng"...
Tôi thấy anh còn đầy hào hứng ở tuổi ngoài 70. Anh chìa về phía tôi tập thơ có đề tặng. Tôi đọc mấy câu đầu:

"Vắt trái tim nuôi tình vạn dặm
Mai sau ai đến cắm cành hoa!!!"
Câu thơ chứa đầy tâm trạng.

N.T.T
(169/03-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng